Hoa nở giữa tháng năm cô đơn - Chương 02 - Phần 1

Chương 2

HOA HƯỚNG DƯƠNG CỦA VAN GOGH

Ngày hôm sau tôi đi tìm sếp. Dạo này anh ấy đang phát cuồng với chủ nghĩa siêu thực, kiếm đâu được mấy bức tranh phong cách đó treo ở văn phòng, không phải bức tranh chiếc đồng hồ chảy mềm vắt vẻo trên cành cây của Dali(*) thì là bức những con mắt của Picasso(**). Khi xem tôi thấy chúng thật quái dị, nhưng lại không thể chê rằng nó không đẹp được.

(*) Salvador Felipe Jacinto Dalí Domènech là nghệ sĩ Tây Ban Nha, ông được coi là một trong những hoạ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20 với phong cách siêu thực.

(**) Là một trong10 họa sĩ vĩ đại nhất trong top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times của Anh công bố; đồng thời là nhà điêu khắc nổi tiếng người Tây Ban Nha.

Anh ấy nhờ tôi dịch hộ bức thư Joan Miró viết cho Goerge, xong lại còn ngỏ ý tặng tôi một bức tranh chép của chủ nghĩa siêu thực, có điều tôi thực sự thấy rằng tranh siêu thực không hợp với gu thẩm mĩ của mình, nên đắn đo mãi tôi mới quyết định đem về bức hoa hướng dương của Van Gogh(*) về. Tôi chẳng thấy hoa hướng dương đẹp, mà còn có phần thấy ghét nó. Vì một Van Gogh hống hách và điên loạn, biết bao lần đã giày xéo tinh thần tôi. Hoa hướng dương không được yêu quý, bởi vì nó là bông hoa đớn hèn.

(*) Là danh họa người Hà Lan thuộc trường phái “ấn tượng”.

Nói tới sếp tôi, thì quả là một người lợi hại. Năm ngoái khi cùng hợp tác dịch mấy tác phẩm của Doris Lessing(**) với chúng tôi, anh ấy nói chắc như đinh đóng cột rằng năm đó giải Nobel văn học sẽ là của quý bà này. Sếp tôi còn bảo, nếu chậm trễ thì tuổi tác như vậy dù được vinh danh tác giả cũng chẳng có phúc mà hưởng nữa. Tôi đã dịch hai truyện ngắn No Witchcraft For Sale và A Mild Attack Of Locusts, về sau dịch cùng đồng nghiệp một vài truyện nữa đều được xuất bản. Quả nhiên là quý bà ấy được nhận giải thật, khi ấy tôi còn nghĩ sếp tôi đáng lẽ ra nên bắt nghiên cứu sinh thi thêm tiếng Anh. Được nhận giải Nobel văn học nên bỗng chốc Doriss trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc và sách của chúng tôi được tái bản liên tục. Đúng là một kết quả ai cũng mong đợi.

(**) Doris Lessing: Nữ văn sĩ người Anh (1919). Năm 2007, Lessing được trao giải Nobel Văn học.

Thế là tôi đành ôm bức tranh ra khỏi văn phòng, chưa đi được mấy bước liền nghe thấy tiếng ông anh lớp trên gọi. Ông anh này cũng là một người kỳ quặc, một tay chơi chứng khoán cừ khôi. Vợ sếp cũng đầu tư chơi chứng khoán, nên tuần nào anh ta cũng tới nhà sếp ăn cơm.

Có lần tôi hỏi anh ta rằng có thể kiếm được nhiều tiền thế sao anh ta còn học cao học làm gì, thì anh ta dứt khoát rằng: “Anh sợ một ngày nào đó tình thế đảo ngược, anh điên cuồng lao vào mà lại phải trắng tay bước ra. Có tấm bằng thạc sĩ thì ít ra anh cũng còn có thể làm thầy giáo tiếng Anh, không đến nỗi bị chết đói”.

Khi ấy tôi thấy ngưỡng mộ anh ta lắm, đến cả đường lùi cho mình cũng phòng sẵn rồi, thảo nào mà hiên ngang tiến tới.

Anh ta gọi tôi, vẻ mặt âu sầu làm tôi nghĩ rằng chứng khoán hôm nay trượt mạnh, nên hỏi thăm tới tấp: “Sao thế anh? Phải đền à?”.

Anh ta gãi đầu nói: “Đâu có, nếu phải đền thì anh đã chẳng phải phiền não đến thế. Dụ Tịch à, giúp anh một việc được không? Cô em họ anh đang phải nằm viện, mà bên viện Đông Hoa hết giường rồi”.

Tôi hỏi rõ sự tình, gần đây sao mà thấy sợ ai đó ốm thế chứ, nhất là con gái nữa.

Anh ta lại thở dài thườn thượt nói: “Mới phát hiện bị u xơ tuyến vú, phải mổ, nhưng khoa ngoại bên đấy nói hết giường nên từ chối rồi, phải kéo dài thời gian phẫu thuật thêm một tuần”.

“Bao nhiêu tuổi rồi anh?”.

“Mười bảy”.

Tôi thấy đáng thương liền gọi điện đến phòng trực khoa ngoại, được biết bố nuôi tôi đang tham gia hội chẩn ở bệnh viện nên tôi lôi ông anh này đến luôn bệnh viện Đông Hoa. Kết quả là tôi quên béng trên tay còn có bức tranh hoa hướng dương. Vì thế mà bị bố nuôi hiểu nhầm. Ông hội chẩn xong ra thấy món đồ trên tay tôi liền nghĩ rằng đó là anh bạn tôi đem quà đến đút lót. Ông nghiêm mặt, quát: “Làm cái trò gì vậy? Đem về mau!”.

Tôi tròn mắt, nói: “Bố hiểu nhầm rồi ạ, đây là bức tranh chép sếp tặng con đấy, bố nghĩ là con mang tặng bố chắc”.

Ông “à” lên một tiếng, nghe ông anh kể rõ sự tình, ông lại nổi cơn tam bành: “Khoa ngoại làm sao mà lại hết giường được, có mà muốn bệnh nhân đưa phong bì ấy, đúng là mất hết y đức rồi!”.

Giọng bố nuôi tôi đúng là to đến mức làm mấy bác sĩ và thực tập sinh trong văn phòng dựng cả tóc gáy. Tôi thấy ông gay gắt như thế, đoán ít ra trong một thời gian ngắn khoa này chẳng ai dám nhận phong bì nữa.

Bố tôi gọi cho chủ nhiệm khoa ngoại, chưa đến hai phút sau bên đó đã gọi lại, nói lập tức có thể làm thủ tục nhập viện. Tôi và ông anh cười phá lên, nhưng bố nuôi tôi càng nổi điên. Thế là ông xem lại lịch phẫu thuật, đưa vài ca lên trên, kéo vài ca xuống sau.

Tôi đi cùng ông anh làm thủ tục nhập viện, người nhà anh đưa cô em gái đến. Cô bé rất đáng yêu, đang độ tràn đầy nhựa sống, bây giờ lại phải khoác lên người bộ quần áo của bệnh viện rộng thùng thình. Tên và bệnh án được dán ở cột giường, y tá đều gọi cô bé là giường số 58.

Đến sách vở cô bé cũng đem tới và như để che giấu nỗi bất an trong lòng, cô bé nói chuyện liên hồi.

Nhìn cô bé mà tôi nhớ lại tôi của ngày xưa, sao đã biết lo lắng cho sức khỏe của mình như thế, lúc đó tôi chỉ biết nghĩ, nếu mai là ngày tận thế thì tôi sẽ đến cửa hàng truyện tranh và đọc hết số truyện ở đó.

Bác sĩ điều trị yêu cầu cô bé làm rất nhiều loại xét nghiệm, chủ yếu là để xác định xem mọi chỉ số có bình thường hay không, như thế mới có thể sắp xếp tiến hành phẫu thuật, chẳng biết có phải do bố nuôi tôi có lời từ trước không mà tôi thấy đến y tá cũng rất nhiệt tình với cô bé.

Phòng bệnh cách phòng trực của các bác sĩ không xa lắm, tôi vốn đã quen đi lại khắp bệnh viện Đông Hoa nên không bị hạn chế như người nhà bệnh nhân. Tôi bước lên chiếc cân điện tử, liền có một y tá nhắc: “Người nhà bệnh nhân không được đến đây”.

Lúc này tôi phát hiện là tay tôi vẫn còn cầm bức tranh hoa hướng dương, nhất định là vì nó mà cân tôi nặng hơn, đang chuẩn bị bỏ nó xuống thì nghe thấy giọng nói quen thuộc: “Không sao, cô ấy là bạn tôi”. Thấy cân nặng giảm đi một chút, tôi hài lòng bước xuống, ngẩng đầu nhìn lên thấy trước mặt là khuôn mặt đẹp trai quen thuộc.

Tôi vô cùng ngạc nhiên, chỉ bức tranh hoa hướng dương vào anh ta: “Sao mà anh chưa về nhà? Không phải là giao ca từ lâu rồi sao?”.

Anh ta cười dịu dàng, nói: “Tôi vừa lên lớp, bây giờ chuẩn bị về nhà đây”.

Tôi chẳng nói gì, thì anh ta hỏi lại tôi: “Sao em lại ở đây? Em gái em khỏe chứ?”.

“Em đưa người khác đến, giường số 58”. Tôi cố tình dành thời gian cho anh ta nghĩ và anh đã không làm tôi thất vọng: “Có phải mới nhập viện, tên Lưu Thi Du, nữ, mười bảy tuổi, bị u xơ tuyến vú phải không? Là bệnh nhân của bác sĩ Hàn”.

Tôi rất phục anh ta, không phải là bệnh nhân của mình mà cũng nhớ kỹ thế, đúng là có thể sánh ngang với máy tính.

Vậy là tôi hỏi: “U xơ tuyến vú là sao hả anh? Lành tính chứ? Có nhất định phải phẫu thuật không?”. Tự nhiên tôi lại trở thành con bé ham học hỏi, nhưng thực ra là tôi sợ mình cũng mắc căn bệnh quái gở này.

Thời gian đó bộ phim Một cặp trời sinh do Dương Thiên Hoa và Nhậm Hiền Tề thủ vai đang rất “sốt”. Trong phim cô nàng Dương Thiên Hoa bị ung thư vú, buộc phải cắt bỏ, nhưng cô lại giành được tình yêu của mình. Kể từ đó khoa Y của trường tôi bắt đầu tuyên truyền rộng rãi việc phòng ngừa căn bệnh này. Tôi còn nhớ những bức ảnh khỏa thân của Triệu Nhã Chi, Lý Tiểu Nhiễm, Ngô Bội Từ. Thật diễm lệ! Phong trào “Dải ruy băng hồng” ấy đã có biết bao ngôi sao nổi tiếng khỏa thân để tuyên truyền buộc tôi cũng phải chú ý đến mức độ nguy hiểm của căn bệnh.

Về nhà tôi tìm Đồng Nhược Thiên hỏi anh ta về bệnh ung thư vú, làm thế nào để phát hiện ra, thế là anh ta lại vứt cho tôi quyển sách Ngoại khoa, bảo tôi tự đi tìm hiểu nếu có hứng thú về nó. Lần đó tôi thực sự phát điên, ném quyển sách trả cho anh ta, bước thẳng ra cửa mà không thèm quay đầu lại nhìn. Một lúc lâu sau anh ta gửi tin nhắn cho tôi, dày đặc toàn chữ là chữ, tất cả đều là về ung thư vú. Tôi phải mất đến ba phút mới mở hết tin nhắn, nhưng đọc qua loa rồi xóa hết đi. Từ đó về sau, tôi không bao giờ hỏi anh ta bất kỳ kiến thức chuyên ngành gì nữa, thấy rằng làm vậy tôi chỉ toàn tự chuốc cái không vui vào người.

Cố Tông Kỳ thì ngược lại. Anh vui lòng giải đáp tất cả những kiến thức chuyên ngành mà bạn muốn biết. Kể cả khi vướng phải điều gì anh chưa rõ lắm thì anh đều về tìm hiểu lại rồi hẹn bạn ra giải thích tiếp.

“Ngực của người bệnh không có cảm giác đau, chỉ có khối u xuất hiện chậm trên bầu ngực, bề mặt bóng, độ hoạt động khá cao”.

“Phẫu thuật là biện pháp chữa trị hiệu quả duy nhất, tuy là có khối u lành tính, nhưng cũng không loại trừ khả năng bị ác tính, vì thế cần phải cắt bỏ hoàn toàn khối u, hạch và cần phải chụp cắt lớp”.

Tôi bắt đầu thấy hoảng, chỉ vào ngực của mình nói: “Em... chắc không bị đâu nhỉ?”.

Anh khẽ nhíu mày: “Thế bình thường em không tự kiểm tra à?”.

“Em không biết kiểm tra thế nào, hơn nữa... nếu mà có bị thật thì chắc em buồn lắm, cho nên đành giả câm giả điếc vậy”.

Anh đưa mắt nhìn tôi, thấy anh khẽ đưa mấy ngón tay thon dài ra, tôi bất chợt nghĩ anh định đưa tay ra làm gì đó, theo bản năng tôi lùi lại phía sau. Anh giật mình, vội thanh minh: “Chỉ là anh định lôi cái ngăn kéo phía trên đầu em thôi, sau cuộc vận động lần trước hình như vẫn còn mấy quyển cẩm nang “Dải ruy băng hồng””.

Anh tìm kiếm một lúc, quả nhiên là còn ở đấy. Anh đưa cho tôi rồi nói với cô bé thực tập sinh: “Đưa cô ấy đi kiểm tra đi”.

Vậy là tôi được đưa tới phòng theo dõi.

Cô em thực tập sinh hình như chạc tuổi tôi. Tôi cởi bỏ cả áo sơ mi lẫn áo lót, việc ấy cô thực tập chắc cũng nhìn quen rồi nên thản nhiên nói: “Ngực chị đẹp nhỉ, bình thường chắc ăn nhiều đu đủ lắm”.

Tôi nghĩ một lát rồi nói: “Hồi nhỏ mẹ nuôi em hay hầm đu đủ với giò heo cho em ăn”.

“Ồ thế á? Hầm thế nào vậy chị?”. Cô ấy bắt đầu mát xa vòng quanh bầu ngực, thi thoảng lại ấn xuống.

Nghe hỏi vậy tự nhiên tôi muốn cười, nhưng cố nhịn, trả lời: “Một quả đu đủ, hai cái giò heo, có thể cho thêm đậu tương hoặc lạc vào. Nói chung là tùy sở thích của mình, hầm chân giò trước, khi chín tới rồi thì cho mấy thứ kia vào hầm lửa nhỏ, thơm lắm”.

“Chân giò giàu protein, thảo nào mà da chị đẹp thế, thật căng mịn”.

Tự nhiên tôi nổi da gà, làm ảnh hưởng ít nhiều đến việc cô ấy kiểm tra. Xong xuôi cô ấy vui vẻ tuyên bố: “Không sao hết, tất cả đều bình thường”.

Lúc bước ra tôi gặp anh Cao Y Thần. Thực ra chuyên khoa cấy ghép ở ngay trên tầng, gặp anh là điều bình thường thôi, nhưng tôi lại rất ngại đụng mặt anh trong bệnh viện.

Anh ta chớp mắt, rất ra dáng phong lưu: “Sao vậy em? Có bạn nằm viện à?”.

Chưa dứt lời thì đã thấy tiếng cô nàng thực tập sinh đang nói như kể công với Cố Tông Kỳ: “Thầy Cố à, cô ấy không bị sao hết, tuyến sữa cũng bình thường, ngực không có khối u cứng, bề mặt da rất mịn màng”.

Nghe thấy thế mà tôi muốn tìm lỗ chui xuống đất, nhất là khi đứng trước mặt tôi lúc này lại là Cao Y Thần nữa chứ.

Thấy Cố Tông Kỳ hơi nghiêng mặt, chỉ là một động tác nhỏ thôi nhưng cũng bị tôi phát hiện, anh còn khẽ mím môi, thể hiện sự không thoải mái.

Cao Y Thần thì lại nhướn mày nói: “Hóa ra là thế à? Thôi lần sau thì cứ tìm anh là được”. Sao tôi thấy lời nói của anh ta vừa đong đưa vừa thâm hiểm. Điều không thể tha thứ được là anh ta dám trêu tôi ngay trước mặt Cố Tông Kỳ.

Tôi giơ bức tranh hoa hướng dương lên, nói lời cảm ơn chân thành với Cố Tông Kỳ và cô nàng thực tập, rồi tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi thấy Cao Y Thần: “Ô, hóa ra là anh Cao à? Lâu lắm rồi không gặp anh đấy, nhưng mà giờ em còn có việc, gặp lại anh sau nhé”.

May thay vừa lúc đó cửa thang máy mở ra, tôi vội vàng chui tọt vào trong. Khoảnh khắc thang máy sắp đóng lại tôi nhìn ra thấy Cố Tông Kỳ vẫn đứng đó, ánh mắt mông lung, trông cứ ngố ngố. Lẽ nào một con người tinh nhanh như thế lại có phút lơ đễnh vậy. Đáng yêu biết bao. Như có tia lửa điện vụt qua, tôi chợt nhớ lại một cảnh tượng vốn đã bị niêm phong trong trí nhớ, cũng bộ dạng của anh ta hiện giờ và trong ký ức, khớp lại với nhau một cách kỳ lạ.

Một ngày của hai năm trước, trong phòng cấp cứu tôi nhìn thấy một bác sĩ trẻ trong chiếc áo blouse trắng, đeo khẩu trang. Tôi còn nhớ loáng thoáng cái vẻ anh ta đờ người, giống như Cố Tông Kỳ khi nãy.

Anh chàng bệnh nhân bị tai nạn ô tô, mặt bị rách hết, cần phải khâu. Anh ta muốn ra ngoài gọi điện thoại. Mươi phút sau, một nhóm người đẹp đủ loại độ tuổi bước vào, đứng chật cả phòng cấp cứu. Anh chàng bệnh nhân kia nói với bác sĩ: “Anh phải khâu cho tôi đẹp đẹp vào đấy, nhất định phải khâu đẹp vào”.

Vị bác sĩ kia tần ngần, một lúc lâu sau liền đặt dụng cụ khâu xuống, nói với bệnh nhân: “Thực ra thì nếu trong vòng bảy mươi hai tiếng không khâu vết thương cũng không sao cả, hay là anh cố đợi đến mai để liên hệ với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhé”. Anh ta nói với giọng rất chân tình, không hề có ý cười nhạo bệnh nhân.

Sau đó tôi rời đi, vì hôm đó tôi đã xui quá rồi, nên không thể tiếp tục mất mặt được nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3