Thần Chết trong rừng - Chương 04 - Phần 02

Tôi đã chết chưa nhỉ? Ngực tôi đau buốt và bỏng rát. Ái ái ái…! Có ai đó vừa vỗ vào người tôi, ngay trên ngực tôi, lại vỗ tiếp, và nước từ miệng tôi ộc ra. Tôi nghe thấy mình đang ho, tôi buồn nôn quá, tôi…
-Cô có nghe thấy tôi không? Này, cô nghe thấy tôi nói chứ? Chết tiệt, phải nghiêng đầu cô ấy sang một bên, chắc là cô ấy sắp nôn…
Xong, tôi đã nôn xong. Tôi hít thở, hít một hơi dài và đau nhưng dễ chịu, nó hâm nóng tôi từ đầu đến chân. Nước chảy ròng ròng trên mặt tôi. Trời vẫn mưa như trút nước.
-Đừng cử động! Sẽ ổn thôi.
Tôi vâng theo. Có bàn tay ai đó nâng tôi lên, đặt tôi ngồi xuống.
-Cô đã gặp may khi tôi đi tìm hộp lưỡi câu đấy, bởi vì hôm nay trời mưa to nên chẳng ai vào công viên cả.
Đó là giọng nói đàn ông hơi thô cục, có lẽ khoảng tầm năm mươi tuổi.
-Cũng may là tôi đã sớm cứu cho cô. Cô bị uống nhiều nước lắm, nhiều đến nỗi có thể dùng đã dập tắt một đám cháy ấy. Cô đừng lo gì cho cái xe đẩy của cô, nó bị mắc vào mấy cái rễ cây ở bờ sông. Cô có nghe thấy tôi nói không?
Tôi hiểu rằng tôi phải nhìn người đàn ông đó bằng cặp mắt trống rỗng của mình, vì tôi bị rơi mắt kính. Tôi giơ một ngón trỏ lên.
-Cô không thể nói được à?
Tôi lại giơ ngón trỏ lên.
-Thôi được rồi. Nghe này, tôi sẽ cõng cô ra xe của tôi ở kia, rồi tôi sẽ gọi cảnh sát, được không?
Tôi lại giơ ngón trỏ lên.
Người đàn ông đó bế tôi lên, tôi cảm thấy mùi của len bị ướt, sự tiếp xúc với chiếc áo bằng vải dầu. Ông ta đi chầm chậm một cách khó nhọc trên nền đất ướt sũng. Mưa như tát nước vào mặt chúng tôi.
-Đây rồi!
Ông ta mở cửa xe bằng một tay làm tôi suýt nữa bị trượt ngã xuống đất, nhưng ông ta đã kịp thời chụp lấy tôi, và tôi được đặt vào băng ghế, chắc là băng sau, vì tôi đang nằm dài trên đó.
-Tôi sẽ quay lại ngay!
Tôi muốn kêu lên với ông ta là tôi không muốn ở lại một mình. Tôi đau đầu kinh khủng. Tôi bị lạnh, tôi run lập cập vì rét. Tôi đoán đấy là phản ứng của thần kinh. Đã xảy ra chuyện gì vậy? Steph đâu rồi? Thôi, miễn là người đàn ông dũng cảm này quay trở lại càng nhanh càng tốt… Tại sao ông ta không có điện thoại ở trong xe? Phải thừa nhận là tôi sóng sót được là nhờ cái hộp lưỡi câu… Mưa vẫn đang rơi, át mọi tiếng động xung quanh xe. Còn tôi thì đang ở một mình, vô thức về thời gian, trong chiếc xe này, và tôi không hiểu chuyện gì đã cùng một lúc dồn dập xảy đến với tôi.
***
Tôi ngồi ấm áp trong phòng khách, được ủ kỹ trong tấm đệm lông, chân mang tất khô. Người cứu mạng tôi đang uống cà phê với cô Yvette, còn tôi thì đang “nói chuyện” với thanh tra Yssart (chính là “anh hề Bonzo” ấy). Cảnh sát đã đến và họ đưa chúng tôi vào bệnh viện. Ở đó, thật may là chúng tôi gặp ông Raybaud. May là vì nếu không có ông Raybaud thì chắc chắn là bác sĩ sẽ phải mất thời gian vô ích để xác định căn cước của tôi. Cuối cùng thì ông Raybaud cũng đã khám cho tôi và kết luận rằng mọi chuyện đều ổn, rằng tôi suýt bị chết đuối nhưng vẫn khỏe mạnh và mọi người có thể đưa tôi về nhà. Tôi không biết ai đã báo cho ông Yssart nhưng ông ấy đã đến nhà tôi một tiếng đồng hồ sau đó.
Người cứu mang tôi tên là Guillaume, làm nghề sửa ống nước. Ông đã cùng cô Yvette đưa tôi về nhà. Cô Yvette thì rốt rít cảm ơn và kể cho ông chuyện mắt cá chân của cô bị đau. Giờ thì họ đang chuyện trò rôm rả ở trong bếp. Ông Yssart thì chắc là đang ngồi trên tràng kỷ và nhìn tôi bằng cặp mắt mà tôi hình dung là “như mắt lợn” của ông. Tôi thấy rất mệt mỏi, tôi muốn ở một mình. Tôi chán phải ngủ lắm rồi. Nhưng cái giọng nhỏ nhẹ, kiểu cách của ông Yssart cứ bám lấy tôi, nhấn mạnh, nài nỉ dai như đỉa:
-Vậy, cô không thể giải thích vì sao cô được tìm thấy trong một cái ao sâu gần hai mét à?
Không, đương nhiên là tôi không thể rồi. Chẳng có ngón trỏ nào giơ lên cả. Ông Yssart thở dài.
-Có đúng là Stéphane Migoin đã đẩy xe đưa cô về nhà không?
Tôi giơ ngón trỏ.
-Anh ta đã bị đánh bằng một vật mà suýt nữa thì làm vỡ đầu của anh ta. Người ta đã tìm thấy anh ta nằm bất tỉnh trong một bụi cây, mình mẩy đầy máu. Anh ta nói là không nhớ gì cả.
Steph bị đánh! Vậy thì đó không phải là một tai nạn… Đó là…
-Đó là một âm mưu giết người. Thưa cô Andrioli, tôi xin thuật lại vụ tấn công mà cô là nạn nhân. Đây là một âm mưu giết người kỳ lạ nhằm vào người đang đi cùng một người tàn tật không thể tự vệ và có lẽ là không thể biết được bất kỳ điều gì về án mạng muốn nhắm vào ai. Cô sẽ hiểu là tôi đang rất lúng túng.
Thế còn tôi, tôi là cái gì? Người ta đã đánh cắp cánh tay, đôi chân tôi, đánh cắp mắt mũi mồm miệng của tôi, và giờ đây người ta còn muốn giết tôi nữa. Tôi phải nói gì đây? Tôi thậm chí còn không thể kêu lên được. Tôi chỉ có thể chịu đựng, chịu đựng mãi như một cái bao cát cho võ sĩ luyện tập mà thôi. Tôi căm ghét ông, thanh tra Yssart ạ, tôi căm ghét ông, căm ghét cái giọng nói lịch sự ngọt ngào của ông. Tôi căm ghét cái thái độ ngọt ngào giả tạo của ông. Tôi ghét cái kiểu ông cứ tưởng mình là Hercule Poirot(1) ấy. Hãy để tôi được yên! Hãy cho tôi được yên thân đi!
-Tôi cho rằng cô rất mệt và cô đang muốn được nghỉ ngơi. Tôi chắc là tôi đang quấy rầy cô rất nhiều. Nhưng cô hãy tin rằng tôi chỉ quấy rầy cô trong những việc mà cô quan tâm thôi. Tôi không phải là người mà bọn chúng định giết vào sáng nay. Và có lẽ tôi cũng không phải là người mà bọn chúng định giết vào ngày mai đâu. Cô hiểu tôi chứ?
Tôi giơ ngón trỏ lên. Đồ bẩn thỉu. Tôi đã đủ sợ hãi rồi, không cần phải bồi thêm nữa đâu.
-Thưa cô, tôi có thể nói với cô rằng thường thì mọi việc cũng giống như những miếng ghép trong trò ghép hình vậy. Chúng sẽ phải ăn khớp vào với nhau. Nếu chúng không khớp nhau thì có thể là có một miếng ghép bị sai hoặc bị giả mạo. Sự thiếu tính logic trong bản chất con người cực kỳ hiếm khi xảy ra. Vậy mà chuyện xảy ra với cô thì tôi thấy không logic gì cả. Trừ phi là kết nối tai nạn này với tình bạn của cô với con bé Virginie. Nó đã trở về từ trại hè ngày hôm qua, nếu tôi không nhầm…
Đồ nham hiểm. Ông ta không bao giờ ngừng theo dõi chúng tôi.
-Tôi thấy không được thoải mái lắm khi cho rằng con bé Virginie đã cho cô biết – mà không cho ai khác biết – một thông tin nào đó có đề cập đến mối nguy hiểm có thê xảy đến với người thứ ba, một mối nguy hiểm kiểu như quyết định khử cô còn tốt hơn là chuốc lấy điều rủi ro một khi thông tin này được tiết lộ. Cô có biết một thông tin nào đại loại như vậy không, thưa cô?
Điều này không đúng chút nào. Nếu tôi không nhầm thì Yssart cho rằng kẻ tấn công tôi cũng chính là kẻ đã sát hại bọn trẻ và hắn bị hoảng sợ vì Virginie đã cho tôi biết điều gì đó về hắn. Nhưng thưa ông Yssart, nếu như kẻ giết người sợ rằng Virginie đã kể cho tôi nghe điều gì đó mà con bé biết thì tại sao hắn không giết con bé thay vì tấn công tôi, một người chẳng thể tiết lộ với ai điều gì cả?
-Tôi xin nhắc lại với cô là tôi đã hỏi cô đấy!
À đúng, đúng là ông đã hỏi tôi.
-Virginie có cho cô biết một thông tin quan trọng nào đó về kẻ giết cậu bé Michaël không?
Tôi không giơ ngón trỏ. Tôi không hề nói dối điều gì cả. Con bé chưa hề kể cho tôi nghe một điều gì đó cho phép xác định hung thủ. Đúng vậy, tất cả những điều mà con bé kể với tôi chỉ là việc nó có biết vụ sát hại cậu bé Michaël và Renaud, anh trai của nó mà thôi. Nhưng nếu ông ta biết điều đó thì chắc chắn là ông ta sẽ đi điều tra con bé và bắt nó phải tiết lộ bí mật của mình. Chính vì thế mà ông ta phải hỏi tôi những câu hỏi “chết”. Ông ta hẳn là có tài thiên lý nhãn, vì ông ta đã hỏi đúng những câu hỏi đó:
-Cô Andrioli, trong buổi nói chuyện đầu tiên của chúng ta, tôi đã hỏi cô rằng liệu con bé Virginie đã nói với cô là nó đã chứng kiến một hay nhiều vụ ám sát đó hay không. Tôi không nhận được câu trả lời của cô. Tôi cho phép mình hỏi lại cô một lần nữa. Con bé có nói điều gì đó với cô không?
Không chút do dự, tôi giơ ngón trỏ lên.
-Con bé nhắc đến những đứa nào?
Ông ta liệt kê ra tên của những nạn nhân. Tôi giơ ngón trỏ lên khi nghe thấy ông ta nhắc đến tên của kich và Renaud.
-Tốt. Thật là lạ đấy. Dù sao thì tôi cũng rất vui vì cuối cùng cô cũng đã nhớ lại được. Đáng tiếc là điều đó chẳng giúp gì nhiều cho chúng tôi cả. Cô biết không, con bé Virginie đã nói dối cô. Con bé không thể nào chứng kiến vụ giết anh trai nó cả. Khi vụ đó xảy ra thì con bé đang làm mứt hoa quả với mẹ nó. Hélène Fansten đã chứng thực điều này: con bé không hề ra khỏi nhà vào buổi sáng hôm ấy. Hôm đó trời mưa và con bé đang bị cúm. Còn về vụ Michaël, con bé lại nói dối cô một lần nữa. Con bé đã đạp xe đạp với thằng bé ấy, nhưng Hélène Fansten đã cấm con bé ra khỏi lộ nhà – cô sẽ hiểu rằng từ khi chuyện xảy đến với Renaud, bà ấy đã trở nên thận trọng hơn - … và Virginie chơi ở trong vườn nhà, nó không hề đi theo Michaël vào rừng. Cô hiểu tôi nói gì chứ? Con bé đã nói dối cô.
Không thể như vậy được! Nếu không thì làm sao mà con bé có thể biết được nơi tìm thấy xác của Michaël? Và làm thế nào mà nó lại biết là cậu bé đó đã chết trong khi cảnh sát còn chưa tìm ra được xác? Chỉ có một lời giải thích duy nhất ở đây mà thôi: con bé đã trốn khỏi sự theo dõi của mẹ mình.
-Buổi sáng ngày 28 tháng Năm, sau khi Hélène Fansten cấm Virginie đi chơi cùng Michaël, cô ấy đã bắt con bé phải luyện bài tập đàn piano và sau đó, cả hai mẹ con cùng quét dọn trong vườn. Con bé không thể trốn khỏi tầm mắt của mẹ nó được, vì bà Fansten không rời nó lấy một phút.
Hélène có thể bị nhầm. Chỉ cần mười lăm phút sơ sểnh thôi.
-Tôi nói cho cô những chuyện này không phải là muốn tán chuyện gẫu với cô đâu, mà là vì muốn cô hiểu được những rối loạn nghiêm trọng mà con bé Virginie đang phải chịu đựng. Những rối loạn đó, theo ý tôi, chỉ có thể được giải thích bằng một lý do rất đơn giản: con bé không hề chứng kiến những vụ sát hại mà con bé tin rằng mình biết hung thủ.
Lầm to rồi ông Yssart ơi! Nếu con bé “tin rằng mình biết hung thủ” thì tại sao kẻ giết người lại muốn giết tôi? Con bé biết hung thủ và hắn sợ là con bé nói điều đó với tôi. Và hắn không thể giết con bé vì tất cả cảnh sát của khu này đều đang canh chừng con bé?
-Dù điều gì xảy ra đi chăng nữa thì tôi cũng yêu cầu cô phải rất chú ý đến những gì mà con bé có thể kể với cô. Chúng tôi chỉ có thể giải quyết vụ này nếu cô hợp tác với chúng tôi. Vài đứa trẻ đã bị giết và bị làm biến dạng một cách khủng khiếp, hắn còn muốn giết cô, tấn công bạn cô, Stéphane Migoin. Thưa cô, đó không phải là một trò chơi đâu, mà đó là sự sống và cái chết. Liệu tôi có thể tin tưởng cô được chứ?
Hẳn nhiên là tôi giơi ngón trỏ lên. Người ta không thể nói “không” với một người đang kể ra những số lượng lớn cái tốt và cái xấu. Còn hơn thế nữa, tôi không thể không vui khi ông thanh tra Yssart ở đây là để theo dõi tôi, vì lẽ tôi cảm thấy rõ là tôi đang thoát khỏi chuyện này một chút… Đột nhiên, tôi để ý đến mấy câu mà ông ta vừa nói: “bị làm biến dạng một cách khủng khiếp”. Không ai nói với tôi về chuyện này cả! Nếu tôi có thể nói được hay hỏi han được thì tôi đã chẳng thể chịu nổi sự câm lặng này của mình. Vậy là tôi giơ ngón trỏ lên.
-Cô muốn biết điều gì đó?
Ngón trỏ.
-Vậy thì tôi phải đoán xem sao. Nào, xem nào… Có phải điều cô muốn biết có liên quan đến những gì tôi vừa nói không?
Tôi giơ ngón trỏ lên. Nói gì thì nói, chứ nói chuyện mà chi dùng toàn mệnh lệnh và dò đoán ý cũng hay đấy chứ.
-Bị làm biến dạng?
Mẹ kiếp, lão này thật quái! Lão không phải là cảnh sát mà phải là một lão thầy bói mới đúng. Lão đúng là một món hàng đáng giá của hội chợ Trône(2). Tôi vội giơ ngón trỏ lên.
-Chúng tôi không nói đến điều đó trên truyền hình. Tôi tiết lộ với cô điều đó chỉ vì tôi biết rằng cô sẽ không bao giờ tiết lộ điều đó với ai.
Phải thế chứ!
-Các nạn nhân không chị bị bóp cổ đâu (ông ta nói nhỏ và xích lại gần tôi), mà chúng còn bị làm biến dạng bằng một vật sắc, một con dao lam mỏng. Có rất nhiều vết thương khác nhau, từ việc cắt cụt tay trong vụ Michaël Massenet đến vụ Charles-Eruc Galliano bị khoét mắt.
Bị khoét mắt! Cái từ ngữ đáng sợ này chạy dọc một đường chầm chậm đến não bộ của tôi, cho đến lúc tôi hiểu ra từ đó nói gì. Chúng đã khoét mắt của cậu bé. Một khuôn mặt nhỏ bé xinh xắn bị co giật với hai hốc mắt trống rỗng! Ngay sau cậu ta là “bị cắt cụt tay”, điều đó cũng dã man không kém. Bỗng dưng tôi thấy hối hận vì ông Yssart đã quyết định tiết lộ chuyện này cho tôi!
-Còn đối với Renaud Fansten, điều làm chúng tôi ngạc nhiên vào lúc đó là thằng bé bị lột da đầu. Thật không thể hiểu nổi!
Tôi bám vào những âm sắc trong giọng nói của ông Yssart, vào những suy diễn của tôi, những suy diễn logic. Tính logic trong suy diễn làm tôi yên tâm. Nhưng nếu các nạn nhân đã bị làm biến dạng ngay sau vụ thứ hai, cảnh sát đã phải biết rằng hung thủ là một kẻ điên bị ám ảnh chứ!
-Tôi có thể đoán được điều cô muốn nói với tôi: vì sao chúng tôi không liên hệ với những vụ đầu tiên chứ gì? Trong những vụ đầu tiên, vụ của Victor Legendre chẳng hạn, nạn nhân chỉ bị bóp cổ thôi. Tôi cho rằng hiện giờ hung thủ chắc là bị ngắt quãng trong hành động của hắn. Trong vụ thứ hai, Charles-Eric Galliano bị bóp cổ và mắt thì… không còn nữa. Chỉ đến khi có vụ Renaud Fansten thì chúng tôi mới bắt đầu thấy có mối liên hệ. Có bóp cổ, lột da đầu nhưng không có sự hãm hiếp. Tập hợp bóp cổ - làm biến dạng – không có xâm hại tình dục bỗng hé lộ. Chúng tôi không muốn tiết lộ những thông tin này, vì chúng có thể mang lại những thông tin quan trọng trong các cuộc điều tra. Vụ cậu bé Massenet cũng có ba đặc điểm này, vụ này đương nhiên đã củng cố cho chúng tôi giả thiết về một kẻ bị ám ảnh. Chúng tôi vẫn chưa biết kẻ mà chúng tôi đang tìm, nhưng chúng tôi biết cái mà chúng tôi đang tìm. Một kẻ bị rối loạn nhân cách và hắn có hoặc không ý thức được những việc hắn làm. Thôi, tôi hy vọng không làm cô thấy chán với những thông tin này. Tôi phải về đây. Chỉ là những thủ tục cần thiết thôi mà. Chào cô. Cảm ơn vì sự giúp đỡ của cô.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3