Thử thách của bạn gái - phần 1 - chương 02
Đầu tháng chín, thời điểm tựu trường. Đường phố rộn ràng, nhộn nhịp khắc hẳn ngày thường, những chiếc xe đạp nối đuôi nhau, từng tốp học sinh đi dọc theo vỉa hè, màu đỏ khăn quàng tung bay tô điểm cho phố phường rộn ràng màu sắc, cùng với tiếng í ới gọi nhau làm sống dậy cả thành phố buổi sáng.
Thành phố Cà Mau, những con đường không khang trang như thành phố lớn. Dọc theo con đường, những loại hoa khác nhau với nhiều màu sắc vươn mình đón nắng mới, xen kẻ phố thị san sát là những con sông rạch, hình thành những khu chợ trên nổi làm cho nơi đây tuy mộc mạc nhưng mang một phong cách riêng độc đáo của thành phố sông nước.
Hòa vào dòng người đông nghịch, Ngọc Thy vừa đưa Ngọc Như đến trường liền vội quay xe lại để kịp dự lễ khai giảng. Hôm nay là ngày lễ bắt đầu của năm học mới, cũng là năm học cuối cùng của tuổi học trò. Cô không nhiều ưu tư và mơ mộng như bao bạn bè nhưng cũng lo lắng kết thúc năm học này, tiếp theo mình sẽ như thế nào?
Chắc không thể học tiếp lên đại học như mơ ước, có lẽ sẽ tìm một công việc nào đó. Nghĩ đến đây Ngọc Thy nghe trong lòng một nỗi buồn mênh mang. Nhiều lúc cô tự an ủi mình rằng: “có thể được đi học đến giờ này như bao bạn bè đã là hạnh phúc lắm rồi, con người nên biết lấy đủ làm vui” nhưng không hiểu sao không tránh khỏi cảm giác trông chờ vào một tương lai tươi sáng.
Dắt bộ chiếc xe cũ kỹ vào cổng trường, rời khỏi bải đậu xe Ngọc Thy nhìn dáo dác tìm lớp học của mình. Cách đó không xa, trong sân trường bạn bè của cô đã đến khá đông đang ngay ngắn xếp thành hai hàng. Cô bước đến kéo một chiếc ghế lặng lẽ ngồi xuống.
Tuy là hàng ngủ chỉnh tề nhưng hầu hết các cô cậu học trò miệng thì tíu tít cười đùa. Mãi đến ba tháng không gặp tất nhiên sẽ có rất nhiều chuyện để nói với nhau, kiểu như hè vừa rồi làm gì? Đi những đâu? Gặp những ai? V.v.v.
Trong tập thể sôi động những tiếng đùa giỡn, trêu ghẹo Ngọc Thy giống như một cái bóng mờ nhạt khó nhận thấy. Trước giờ vẫn thế trong những buổi tám chuyện không bao giờ có cô góp mặt. Lúc đầu năm lớp 10, mọi người trong lớp cho rằng cô bị khuyết tật, thời gian sau thì đính chính rằng cô là người trầm tính và ít nói. Cuối cùng sau này tất cả nhất trí cô là người lãnh cảm, xa rời quần chúng.
Nếu trong lớp này có người bắt chuyện được với Ngọc Thy thì phải kể đến Anh Thư. Cô nàng này mồm năm miệng mười, ồn ào nhất lớp. Chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện trên chuyện dưới, trong ngoài lớp học cô nàng đều có thể tạo thành chủ đề mà nói với người đối diện.
Vốn dĩ mọi người đối với sự lạnh nhạt của Ngọc Thy thì thấy e dè, rất ngại tiếp xúc chỉ có Anh Thư một lần lại một lần bắt chuyện với cô. Cho dù Ngọc Thy đã khó chịu, cau mày tỏ ý đang bị làm phiền Anh Thư vẫn như vô ý không nhìn thấy cứ huyên thuyên mãi. Lâu dần Ngọc Thy cũng quen với việc bị Anh Thư phiền toái đôi lúc cũng góp một nụ cười, hay một câu nói vào câu chuyện của cô bạn.
Lúc này Anh Thư đang ngồi cách đó không xa, quay đầu lại nhìn thấy cô liền hỏi: “Ngọc Thy, sao không nói gì vậy? Hè rồi làm gì?”
Hè rồi làm gì? Hè rồi thì cũng như mấy năm trước đây Ngọc Thy đi xin chạy bàn ở mấy quán ăn nhỏ. Thường thì tiền công không nhiều lắm nhưng cũng tạm coi là thu nhập thêm của gia đình cô.
Tuy vậy Ngọc Thy chỉ thờ ơ nói: “Không làm gì cả, ở nhà ngủ”. Bởi vì hầu như bạn bè không thân thiết nên không biết hoàn cảnh gia đình mình, cô cũng không thích kể lể, than vãn. Cô xưa nay không muốn người khác nhìn mình với cái ánh mắt đáng thương dành cho kẻ cơ khổ, nó chỉ làm cô thêm khó chịu.
Anh Thư vô tư: “Sướng nha! Nhưng trông cậu vẫn ốm nhom à”.
Ngọc Thy cười trừ tạm coi là đã kết thúc câu chuyện. Anh Thư còn định nói thêm gì đó đã bị Thu Yến ngồi bên cạnh kéo lại tíu tít bắt chuyện. Ngọc Thy tạm thời cảm thấy nhẹ người.
Buổi khai giảng cũng giống như mấy năm trước, hầu hết là những tràng phát biểu dài lê thê hay diễn văn có tác dụng gây mê làm cho các cô cậu ngán ngẩm. Đến lúc bế mạc họ tựa như được tha bổng tràng vỗ tay vang như sấm, đến thầy hiệu trưởng cũng phải giật mình. Sau đó tất cả lục tục về lớp giao lưu với giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm lớp của Ngọc Thy năm nay là cô Ngân. “Tiếng lành đồn xa” cô Ngân mệnh danh là “khắc tinh” của những học trò mang quan niệm “học không chơi đánh rơi tuổi trẻ”. Mấy năm trước lớp nào do cô chủ nhiệm luôn đi đầu về phong trào lẫn thành tích học tập. Không biết năm nay cô có vực dậy nổi cái lớp phá phách số một của khối mười một năm rồi này không?
Mọi người hồi hộp trình diện giáo viên chủ nhiệm, vừa căng thẳng lo lắng. Lát sau cô Ngân đã bước vào lớp theo sau là một nam sinh không rõ từ đâu đến, mặt mũi, dáng người trông rất ưa nhìn. Ấn tượng từ ánh mắt đầu tiên khiến cả lớp dù đứng lên chào cô nhưng cũng đang thầm tự hỏi, cậu ta là ai?
Nam sinh đứng cạnh bàn giáo viên, thái độ có vẻ thờ ơ và lạnh lùng. Ban đầu mọi người còn vì vẻ ngoài ưa nhìn của cậu ta mà ít nhiều quý mến, đến khi thấy gương mặt bất cần và khinh khỉnh kia thì bắt đầu hoài nghi ánh mắt của mình, thu hồi số điểm ấn tượng vừa chấm.
Thực ra, Cô Ngân từ khi nhận được hồ sơ học sinh mới này thì đã thấy đau đầu, thành tích của cậu ta - khỏi nói đi, chỉ sợ nói đến chính mình lại bị tăng huyết áp. Hạnh kiểm thì chỉ thuộc loại trung bình, đừng nói là rèn luyện hay năng động ngay cả cô cũng không dám tin một tháng cậu ta đi học được 12 ngày.
So sánh ra, tuy tiếng tăm lớp này năm 11 cũng thật vang dội, nhưng ít nhiều cũng không có phần tử cá biệt, chỉ là ham chơi, ồn ào một chút cũng không đến nỗi bất trị. Chỉ cần nghiêm khắc một chút nhất định sẽ theo khuôn khổ mà thôi.
Cô nhìn cả lớp nghiêm giọng nói: “Các em học trường này hai năm chắc đã biết cô rồi, cô tên Ngân, năm học này sẽ là chủ nhiệm của các em. Bất cứ vấn đề gì phát sinh trên lớp cô có trách nhiệm hoặc là khen thường hoặc là xử phạt”.
Thấy cả lớp im phăng phắc. Cô Ngân hài lòng nói tiếp: “Còn bạn này tên là Hoàng Quân, là học sinh mới chuyển trường về được đưa vào lớp ta. Các em hãy cùng nhau giúp bạn hòa đồng với tập thể. Cô muốn lớp mình sẽ là lớp đoàn kết nhất, thành tích tốt nhất”.
Một tráng pháo tay giòn giã vang lên, cô Ngân ra hiệu bảo Hoàng Quân vào chổ ngồi để bắt đầu buổi sinh hoạt lớp.
Hoàng Quân từ đầu đến giờ vốn rất lơ đễnh giây phút này tùy tiện chọn một bàn trống ở cuối lớp ngồi xuống. Điệu bộ lười nhác làm mọi người đối với cậu thiện cảm lại theo đà giảm xuống.
Tất nhiên ngay cả một người vốn mệnh danh là không để ý chuyện xung quanh như Ngọc Thy đến khi nhìn thấy người này cũng cau mày bất mãn. Cô dễ dàng nhận ra Hoàng Quân chính là cậu thiếu niên thuộc thành phần bất hảo đã gặp hai tuần trước. Không ngờ lại là bạn học mới, cái này không biết có nên tính là oan gia ngỏ hẹp?
Lúc này cô Ngân mới nghiêm nghị tiếp tục buổi sinh hoạt, lớp học theo hướng một bàn ngồi sẽ có bạn khá giỏi và một bạn yếu kém mà xếp chổ. Bởi vì học chung đã hai năm nên cả lớp hầu như thân quen nhau nên rất nhanh chổ ngồi được ổn định. Anh Thư sau giây phút do dự nhìn Ngọc Thy cũng quyết định đi về phía một bạn học khác đang vẫy tay. Cuối cùng cả lớp ngó đi ngó lại chỉ còn mỗi Ngọc Thy và Hoàng Quân là khác người - mỗi người chiếm lấy một bàn.
Hoàng Quân cũng không phải không nhận ra Ngọc Thy, lúc đầu cậu nghĩ là người giống người. Cậu nhớ cô bé tối đó trong khoảng 14 – 15 tuổi. Đến khi bắt gặp ánh mắt lạnh nhạt của cô, cậu mới dám hoàn toàn khẳng định là gặp lại “cố nhân”. Đến lúc này thấy cô cũng lẻ loi ngồi một mình, liền nhếch môi cười. Tuy rằng chuyện tối đó đã qua nhưng cái việc cậu bị tiền ném vào mặt cũng không phải chuyện nói cho qua là qua, hôm nay “trời xui đất khiến” gặp lại không nhịn muốn khiêu khích.
Cô Ngân cũng nhận ra sự bất thường của hai người này, thật giống học sinh cá biệt nhưng đã nêu cao tinh thần đoàn kết bất đắc dĩ nói: “Hoàng Quân, em qua ngồi cùng bạn nữ này đi, ngồi như thế lớp học mất cân đối.
Cả Hoàng Quân lẫn Ngọc Thy không hẹn đều đưa mắt nhìn đối phương, tình huống gì đây? Tình huống gì đây? Tình huống gì đây?
Không thể phản kháng. Hoàng Quân đành ôm bộ mặt như hung thần bước sang bàn Ngọc Thy ngồi xuống. Trong lòng không biết nên nguyền rủa thẩm mỹ bà cô kia hay là đổ thừa vận mệnh đen đủi đây.
…
Trong lớp học 12A1 này bởi vì Hoàng Quân là học sinh duy nhất chuyển trường trong năm nay nên rất nhanh trở thành mục tiêu để giáo viên thăm hỏi. Cậu cũng không làm mọi người phải thất vọng, bao nhiên khả năng đều thể hiện ra hết. Chỉ qua một tháng học, nhờ có cậu bốn lần chào cờ lớp 12A1 đều xếp hạng cuối toàn trường, bốn tuần liên tiếp sinh hoạt cậu đều bị phê bình trước lớp, còn mấy thứ linh tinh tinh như: không chuẩn bị bài, không làm bài tập, không tập trung học, cúp tiết, điểm xấu thì là chuyện diễn ra hằng ngày không đáng nhắc nữa.
Thế nên sau một tháng tiếp xúc, trong lớp 12A1 tuy không ai bảo ai nhưng trong lòng rõ ràng đưa Hoàng Quân vào danh sách cá biệt trong lớp.
Điều này cũng không ảnh hưởng gì đến quan niệm sống của Hoàng Quân, cậu vẫn thích làm theo ý mình, sở dĩ mỗi ngày đều có lên lớp với cậu cũng được tính là “đã có tiến bộ”, bảo cậu giống “con ngoan trò giỏi” thật sự là làm khó người mà.
Về phía Ngọc Thy, tuy ngồi cùng bàn với Hoàng Quân nhưng ngay từ đầu đã vạch rõ ranh giới “nước sông không phạm nước giếng”. Cũng may mọi người đã quen với phong cách này của cô nên cũng không mấy chú ý. Nếu tinh mắt sẽ thấy, đối với Hoàng Quân thật sự bảo là có thành kiến thì cả lớp không ai có thành kiến với cậu hơn cô. Nó đã hình thành ngay từ lần gặp đầu tiên.
Đối với tình trạng này người để tâm nhất vẫn là cô Ngân. Cô đối với lớp mình chủ nhiệm yêu cầu rất cao, lần này gặp phải tình trạng này thì không dễ gì chấp nhận. Trên cơ sở tinh thần đoàn kết, cô đưa ra phong trào “đôi bạn cùng tiến”, hai người ngồi cùng bàn sẽ có trách nhiệm đối với thành tích của người kia. Tất nhiên đã là phong trào thì sẽ lấy kết quả làm tiền đề xếp loại hạnh kiểm.
Đối với Ngọc Thy tin tức này tuyệt đối là hung tin.