Martin Eden - Chương 13 Part 2

Việc người ta ít đọc Spencer, có một lúc nào đó đối với Martin là một điều đáng ngạc nhiên. 

"Herbert Spencer," người ngồi bàn giấy ở Thư viện nói. "Ồ, vâng, thật là một bộ óc vĩ đại." Nhưng ông ta hình như không biết một chút gì về nội dung của cái bộ óc vĩ đại ấy cả. Một buổi tối, trong bữa ăn, khi ông Butler cũng có mặt, Martin hướng câu chuyện về Spencer. Ông Morse chỉ trích một cách cay độc thuyết "bất khả tri" của nhà triết học Anh ấy, nhưng ông cũng thú nhận chưa hề đọc cuốn "Những nguyên lý cơ bản." Còn ông Butler thì nói rằng ông ta không thể nào chịu nổi được Spencer, chưa hề đọc một dòng nào của anh chàng này, và không có Spencer thì mọi việc của ông ta vẫn cứ ổn cả. Martin thấy nghi ngờ, và nếu gã không tự tin ở bản thân mình, thì có lẽ gã đã công nhận ý kiến chung của mọi người và bỏ Herbert Spencer rồi đấy. Có thể là gã thấy những lời giải thích của Spencer về sự vật có sức thuyết phục: và nhiều lúc gã tự nhủ, bỏ Spencer thì không khác gì một nhà hàng hải vứt bỏ kim chỉ nam và đồng hồ đo tốc độ xuống biển. Vì thế Martin tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng thuyết Tiến hóa luận, và dần dần nắm được vấn đề một cách chắc chắn hơn, và nhờ có những xác minh vững chắc của hàng ngàn tác giả độc lập nghiên cứu, gã lại càng thêm tin tưởng. Càng nghiên cứu, gã càng thấy có rất nhiều lĩnh vực tri thức chưa được khám phá; gã tiếc rằng ngày lại chỉ có hai mươi bốn tiếng và đối với gã đó là điều buồn bực triền miên. 

Vì ngày quá ngắn, nên một hôm gã quyết định bỏ Đại số và Hình học. Môn lượng giác gã không đụng đến. Rồi gã cắt nốt môn Hóa trong chương trình học tập của gã, chỉ giữ lại môn Vật lý. 

"Tôi không phải là một nhà chuyên môn!" Gã nói với Ruth để tự bào chữa. "Mà tôi cũng sẽ không cố gắng để trở thành một nhà chuyên môn. Có nhiều lĩnh vực chuyên môn quá, đối với bất cứ một người có học suốt cả đời cũng không thể nắm được lấy một phần mười. Tôi phải tìm học để có tri thức phổ thông. Khi nào cần đến công trình của những nhà chuyên môn, tôi sẽ tra cứu sách của họ." 

"Nhưng như thế thì không giống như là tự ông đã có tri thức," nàng phản đối. 

"Nhưng không cần thiết phải có như thế. Ta phải biết lợi dụng những công trình của các nhà chuyên môn chứ. Chúng chỉ để sử dụng vào những việc ấy thôi. Khi tôi bước vào đây, tôi thấy có những người quét ống khói lò sưởi đang làm việc. Họ là những nhà chuyên môn, khi họ làm xong công việc, cô sẽ được hưởng cái lò sưởi sạch sẽ, mà cũng chẳng cần gì phải biết đến cách cấu tạo của ống khói lò sưởi làm gì." 

"Tôi e rằng ông nói thế hơi ngụy biện." 

Nàng nhìn gã vẻ lạ lùng, gã cảm thấy trong cái nhìn ấy và trong cử chỉ của nàng có ý trách móc. Nhưng gã tin chắc quan điểm của gã là đúng. 

"Tất cả những nhà tư tưởng về những vấn đề chung, những bộ óc vĩ đại nhất của thế giới thực ra cũng đều dựa vào những nhà chuyên môn. Herbert Spencer cũng đã làm như vậy. Ông khái quát hóa tất cả những phát kiến của hàng ngàn nhà nghiên cứu. Ông phải sống hàng ngàn cuộc sống mới có thể chính mình làm được tất cả những cái đó. Darwin 5cũng vậy. Ông đã lợi dụng tất cả những cái gì các người trồng hoa và các nhà chăn nuôi đã thâu lượm được." 

"Anh nói đúng, Martin," Olney nói. "Anh biết anh đang theo đuổi cái gì, Ruth có biết đâu. Đến chính cô ấy đang theo đuổi cái gì, cô ấy cũng còn chả biết nữa là." 

"Ồ, đúng như vậy đấy," không để cho Ruth kịp phản đối, Olney cứ nói tiếp. "Tôi biết anh gọi đó là tri thức phổ thông. Nhưng nếu anh cần tri thức phổ thông thì anh học cái gì mà chả được. Anh có thể học tiếng Pháp, hay là anh có thể học tiếng Đức, hay là anh có thể bỏ cả hai thứ tiếng đó mà học Quốc tế ngữ, anh cũng vẫn có được cái vẻ tri thức như thường. Anh có thể học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh nữa cũng với mục đích đó tuy rằng nó sẽ chẳng bao giờ giúp ích được gì cho anh. Nhưng nó vẫn cứ là tri thức. Sao, cô Ruth đã học tiếng Saxon, và đã thạo - đó là hai năm trước đây - bây giờ tất cả những cái cô ấy còn nhớ lại là "Whan that sweet aprile with his showers soote" 6 - Có đúng thế không nào?" 

"Đấy, thì nó vẫn cho cô cái vẻ tri thức đấy," anh ta cười lớn và vẫn không cho Ruth phát biểu. "Tôi biết chứ. Chúng ta cùng học một lớp mà." 

"Nhưng anh nói như thể tri thức phải là một phương tiện để làm gì ấy," Ruth nói to, mắt long lanh, hai má đỏ ửng. "Kiến thức tự nó là mục đích rồi!" 

"Nhưng nó không phải là điều Martin cần." 

"Sao anh biết?" 

"Anh cần gì nào, Martin?" Olney quay phắt lại phía Martin, hỏi. 

Martin cảm thấy rất lúng túng, gã nhìn Ruth cầu cứu. 

"Vâng, anh cần cái gì?" Ruth hỏi. "Như thế mới giải quyết được vấn đề." 

"Vâng, tất nhiên, tôi cần tri thức," Martin ấp úng. "Tôi yêu cái đẹp, và tri thức sẽ giúp tôi đánh giá cái đẹp một cách sâu sắc hơn, tinh tế hơn." 

Nàng gật đầu, nom bộ đắc thắng. 

"Nói bậy, cô cũng thừa biết thế." Olney đập luôn. "Martin đi tìm sự nghiệp chứ không phải tri thức. Ngẫu nhiên trong trường hợp của anh ấy, tri thức lại gắn liền với sự nghiệp. Nếu anh ấy muốn trở anh một nhà hóa học thì tri thức sẽ không cần thiết. Martin muốn viết văn, nhưng anh ấy không dám nói ra, sợ nói ra thì ý của cô lại thành sai." 

"Mà tại sao Martin lại muốn viết văn?" Anh nói tiếp. "Bởi vì anh ấy không sống trong phú quý. Còn cô thì sao cô lại chất đầy đầu tiếng Saxon và tri thức phổ thông. Bởi vì cô có phải lo chuyện làm ăn đâu. Ông cụ đã lo hộ cho cô rồi. Ông cụ mua cho cô quần áo và tất cả mọi thứ khác. Thử hỏi học vấn của chúng ta có làm nên cái trò trống gì, học vấn của cô, của tôi, của Arthur, của Norman? Chúng ta đắm mình trong tri thức phổ thông, nên một ngày kia, các ông bố chúng ta có bị phá sản, thì lập tức là ngày hôm sau chúng ta lại chẳng xin thi làm nghề gõ đầu trẻ ấy à. Cô Ruth ạ, lúc bấy giờ công việc tốt nhất mà cô có thể kiếm được là một cái trường nhà quê, hay làm cô giáo dạy nhạc trong một trường nữ học lưu trú." 

"Thế thì xin hỏi, anh sẽ làm gì?" Ruth hỏi. 

"Cũng chả làm được cái gì ghê gớm lắm đâu. Tôi có thể đi làm công mỗi ngày một đôla rưỡi, tôi cũng có thể kiếm chân dạy học ở cái trường của lão Hanley. Tôi nói có thể thôi đấy, cô nhớ cho, và cuối một tuần là tôi bị tống cổ ra vì bất lực." 

Martin chăm chú nghe hai người tranh luận, gã thấy Olney nói đúng nhưng đồng thời gã cảm thấy bực bội vì một thái độ khá ngạo mạn của anh ta đối với Ruth. Một quan niệm mới về tình yêu hình thành trong đầu gã, khi gã nghe hai người tranh luận. Lý trí không có dính dáng gì đến tình yêu. Người đàn bà gã yêu lý luận có đúng hay không cũng chẳng quan hệ gì. Tình yêu ở trên lý trí. Nếu quả thực nàng chưa đánh giá được đầy đủ sự khẩn thiết của gã là tìm một sự nghiệp, thì điều đó cũng chẳng làm cho nàng kém phần đáng yêu đi chút nào. Nàng hoàn toàn đáng yêu. Và những điều nàng nghĩ không có dính dáng gì đến cái đáng yêu của nàng. 

Olney hỏi một câu làm gián đoạn luồng tư tưởng của gã, Martin hỏi lại. "Anh nói gì?" 

"Tôi nói, tôi hy vọng anh không đến nỗi điên mà dính vào cái tiếng Latin." 

"Nhưng tiếng Latin không những cho ta tri thức," Ruth ngắt lời, "nó còn là một công cụ cần thiết." 

"Thế anh có định dính vào nó không nào?" Olney hỏi Martin vẻ thúc bách. 

Martin khó nói quá. Gã thấy rõ Ruth đang nóng lòng đợi câu trả lời của mình. 

"Tôi e rằng tôi không có thì giờ," cuối cùng, gã nói. "Tôi cũng thích lắm, nhưng tôi không có thì giờ." 

"Cô thấy chưa! Không phải Martin đi tìm tri thức đâu." Olney đắc ý. "Anh ấy đang cố gắng đạt tới một cái gì, làm được một cái gì." 

"Ồ, nhưng đó là sự rèn luyện trí óc, là kỷ luật của trí óc. Chính cái đó làm cho trí óc có kỷ luật." Ruth nhìn Martin có vẻ chờ đợi, dường như muốn gã thay đổi cái suy nghĩ của mình. "Anh biết đấy, những cầu thủ bóng đá trước một trận đầu lớn cũng phải tập luyện. Đối với một nhà tư tưởng, tiếng Latin cũng có tác dụng như vậy. Nó rèn luyện trí óc." 

"Vớ vẩn vô lý! Đấy là điều người ta bảo ta khi chúng ta còn là con nít. Nhưng lúc đó có một điều người ta chưa bảo, người ta để mặc cho chúng ta sau này tự tìm hiểu lấy." Olney ngừng lại để cho câu nói của mình thêm mạnh, rồi nói tiếp. "Cái điều họ không nói với chúng ta là, tất cả mọi người lịch sự đều phải học tiếng Latin, nhưng không một người lịch sự nào cần phải biết tiếng Latin." 

"Nói thế là quá đáng," Ruth kêu lên. "Tôi biết anh định xoay câu chuyện cốt để lảng tránh một cái gì." 

"Khôn ngoan thì cũng đúng," Olney đối lại. "Nhưng lại rất công bằng. Những người duy nhất biết tiếng Latin của họ là những ông bào chế, những ông luật sư và những ông giáo dạy tiếng Latin. Nếu Martin muốn trở nên một người như thế, thì tôi nói sai. Nhưng như thế thì anh ấy nghiên cứu Herbert Spencer để làm gì? Martin vừa mới phát hiện ra Spencer, thế là cuồng lên ngay. Tại sao? Bởi vì Spencer đã mang anh ấy đến một nơi nào đó. Spencer không thể mang tôi tới một nơi nào, mà cũng không thể mang cô. Chúng ta không có nơi nào mà đi cả. Một ngày kia cô sẽ đi lấy chồng. Còn tôi, cũng chẳng có việc gì mà làm ngoài cái việc lại theo nghề luật sư hay nghề kinh doanh để mà giữ gìn lấy cái gia tài cha tôi sắp để lại cho tôi." 

Olney đứng dậy đi, nhưng ra đến cửa anh còn quay lại, bồi thêm một phát cuối cùng: 

"Cô Ruth, xin cô để cho anh Martin được yên. Những cái gì đó lợi cho anh nhất, anh ấy cũng tự biết. Cô cứ xem anh ấy đã làm được những gì thì rõ. Anh ấy làm cho tôi đôi khi thấy chán, chán và xấu hổ cho cái thân tôi. Bây giờ anh ấy biết về thế giới, về cuộc đời, về địa vị của con người, về tất cả mọi thứ hơn là Arthur, hơn là Norman, hơn tôi, hơn cả cô nữa, mặc dù chúng ta biết tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Saxon và có tri thức." 

"Nhưng Ruth là cô giáo của tôi." Martin trả lời có vẻ nghĩa hiệp. "Cô ấy có trách nhiệm về những điều tôi học." 

"Khỉ thật!" Olney nhìn Ruth có vẻ ranh mãnh. "Tôi chắc rồi anh lại sẽ nói với tôi là do cô ta khuyên nên anh mới đọc Spencer, có điều là anh không nói thế. Mà cô ta cũng chẳng biết gì về Darwin và Tiến hóa luận hơn là tôi biết về những mỏ vàng của vua Solomon. Thế còn những định nghĩa hắc búa, vỡ đầu về vấn đề này, vấn đề khác của Spencer mà hôm nọ anh ném cho chúng tôi - nào tính bất định, nào tính vô tổ chức, tính đồng loại. Anh cứ thử ném cho cô ấy, xem cô ấy có hiểu một chữ nào không. Đó có phải là tri thức đâu, anh cũng biết đấy. A ta-ra-la, Martin này, nếu anh mà dính vào tiếng Latin là tôi không còn kính nể anh đâu đấy!" 

Tuy thích thú với cuộc tranh luận, Martin vẫn thấy có một cái gì đó khó chịu bên trong. Đó là những vấn đề nghiên cứu, những bài học bàn về những tri thức cơ bản. Thế nhưng giọng nói học trò trẻ con nó trái ngược hẳn với những sự lớn lao làm cho gã rung động, trái ngược hẳn với cuộc sống mà gã đã bíu chặt lấy khiến những ngón tay gã đến bây giờ còn cong lại như móng của con đại bàng, trái ngược hẳn với những rung động vũ trụ làm gã đau nhói, trái ngược với ý thức mình đã làm chủ được mọi vấn đề đang chớm nở trong óc. Gã ví mình như một nhà thơ, trôi dạt đến những bến bờ, của một miền đất lạ, óc chứa đầy sức mạnh của cái đẹp, ngập ngừng ấp úng, cố hát lên bằng một thứ ngôn ngữ man rợ, thô bạo của những người đồng loại với gã trên miền đất này mà vô hiệu. Tình trạng của gã chính là như vậy. Gã đang sống, sống một cách đau đớn trước những sự vật to lớn của vũ trụ, ấy thế mà gã lại cứ phải ngồi vơ vẩn mất thì giờ, mò mẫm với những câu chuyện của bọn học trò trẻ con, đắn đo suy nghĩ xem có nên học tiếng Latin hay không? 

"Tiếng Latin thì dùng làm cái quỉ gì được?" Đêm hôm đó, gã đứng trước gương tự hỏi. "Ta muốn rằng những kẻ đã chết cứ mặc cho chúng nằm đấy mà chết. Tại sao ta và cái đẹp trong ta lại bị những kẻ đã chết chi phối? Cái đẹp sống và sống mãi mãi. Ngôn ngữ tồn tại và mất đi. Nó là cái bụi của những kẻ đã chết." 

Và ngay sau đó gã nghĩ rằng gã đã diễn đạt tư tưởng của mình rất rõ ràng, gã lên giường, tự hỏi không hiểu tại sao gã không thể nói được như vậy khi ngồi với Ruth. Lúc ở trước mặt nàng, gã chỉ là một cậu học trò, với ngôn ngữ của một cậu học trò. 

"Hãy cho ta thời gian!" Gã nói lớn, "chỉ cần cho ta thời gian." 

Thời gian! Thời gian! Đó là lời than không dứt của gã.

--------------------------------

1 Một nhà triết học tư sản Anh (1820-1918). Ông ta phản đối lý luận Cách mạng xã hội.
2 Năm 1860, Herbert Spencer xuất bản cuốn "Tổng hợp triết học đề yếu." Bộ thứ nhất xuất bản năm 1862 là bộ "Những nguyên lý cơ bản," tiếp đó đến "Nguyên lý sinh vật học" "Nguyên lý tâm lý học." "Nguyên lý xã hội học" và "Nguyên lý luân lý học." Năm 1895 thì xuất bản toàn bộ.
3 Immanuael Kant (1724-1804) - một triết gia Đức chủ trương thuyết Bất khả tri. Ông cho rằng người ta chỉ có thể hiểu được hiện tượng của sự vật chứ không thể nào hiểu được bản chất của sự vật.
4 Georges John Romanes (1848-1896), một nhà sinh vật học người Anh.
5 Charles Darwin (1808-1892): bác học người Anh. Tác giả cuốn "Thuyết tiến hóa luận" Thuyết di truyền của Darwin đã có tác dụng to lớn.
6 Một câu thơ của Chaucer (1340-1400), một nhà thơ Anh lớn. Câu thơ viết theo ngôn ngữ thời Trung cổ (Middle-Age English) có nghĩa là: khi tháng tư êm đềm tới với những trận mưa nhẹ.