Ảo Kiếm Linh Kỳ - Hồi 09 - phần 1

Hai người đã đặt chân đến Kim Lăng. Kim Lăng từng là kinh đô của sáu triều đại, long bàn hổ cứ (rồng cuộn hổ ngồi), khí tượng bất phàm. Phố thị phồn hoa thì khỏi cần phải nói cũng biết. Vệ Thiên Nguyên nhìn sắc trời thấy còn sớm, bèn nói:

- Chúng ta không cần tìm khách điếm ở khu thị tứ, ta đưa nàng đến một nơi bảo đảm nàng sẽ thích.

Thượng Quan Phi Phụng nói:

- Muội biết Kim Lăng là nơi chàng từng du ngoạn nên đương nhiên muội phải nghe theo sự chỉ dẫn của chàng. Chỉ đáng tiếc là chàng nóng lòng đến Dương Châu nếu không muội sẽ nhờ chàng đưa đi dạo chơi Kim Lăng vài ngày.

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Danh lam thắng cảnh ở Kim Lăng rất nhiều, đáng để dạo chơi một chuyến. Đợi lúc từ Dương Châu quay về ta sẽ đưa nàng dạo chơi vài ngày. Nhưng nơi chúng ta sắp đi đến cũng là một danh lam của Kim Lăng.

Nói đoạn chàng dẫn Phi Phụng theo hướng Thủy Vân Môn vào thành, trong lúc hai người đang đi trên một đường phố phồn hoa thì phát hiện hai hán tử đang vội vàng băng ngang qua đường để đến một thư quán. Hai hán tử này rất quen, dường như bọn họ từng gặp nhau ở đâu đó.

Vệ Thiên Nguyên khẽ nói:

- Hình như hai hán tử này là hai gã đã theo dõi ta khi ta về thăm nhà cũ ở thành Bảo Định?

Phi Phụng nói:

- Không sai, muội cũng nhận ra bọn chúng. Chàng muốn nhân cơ hội này báo thù không?

Vệ Thiên Nguyên lắc đầu:

- Không cần, dù sao chúng ta cũng đã cải dung dịch mạo, bọn chúng không thể nhận ra được. Ta không muốn gây thêm sự, để bọn chúng đi thôi.

Phi Phụng trầm ngâm một lát rồi nói:

- Hai gã đại hán thô thiển này đến thư quán làm gì? Thật là kỳ quái!

Ngay lúc đó hai người bước qua thư quán, nàng liếc mắt nhìn vào thì thấy hai gã đại hán mua thiếp chúc mừng và nhờ chủ nhân thư quán viết giúp.

Vừa qua khỏi thư quán thì nàng nói ngay:

- Bọn chúng là thuộc hạ của Tiêu thế gia, như vậy không thể vô duyên vô cớ mà đến giang hồ. Không biết bọn chúng đến hội kiến với nhân vật nào?

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Chúng ta không muốn gây sự với bọn chúng thì quan tâm chi đến việc bọn chúng hội kiến với nhân vật nào?

Vừa đi vừa nói hai người đã ra khỏi Thủy Vân Môn rồi, trước mắt là một hồ nước trong xanh, sen trong hồ tuy không nở rộ nhưng những tán lá xòe trên mặt nước càng làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh sắc. Hai bên hồ có lối đi với hai hàng liễu xanh rủ bóng, chính giữa có một khách điếm.

Thượng Quan Phi Phụng tán thưởng:

- Nơi này quả nhiên tuyệt đẹp! Tên gọi của hồ là gì vậy?

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Nói ra tên hồ này nhất định nàng sẽ rất hứng thú.

- Tại sao?

- Vì tên hồ xuất phát từ tên một thiếu nữ xinh đẹp như nàng vậy.

- Khéo vẽ, nếu tướng mạo của cô ta chỉ bình thường như muội thì hậu nhân làm gì có thể nhớ đến cô ta. Nếu muốn so sánh thì chàng nên so sánh với sư muội của chàng mới đúng.

- Tề sư muội cũng rất đẹp nhưng vẫn chưa đủ để gọi là mỹ nhân. Tuy nhiên ta biết nàng muốn nói ai rồi.

Quả thực là Phi Phụng muốn nói đến Khương Tuyết Quân, nhưng lời vừa tới miệng thì nàng thay đổi. Nàng hối hận là không nên gợi cho chàng nhớ đến Khương Tuyết Quân nên vội mỉm cười, nói:

- Không cần đàm luận đến người thời này, hãy nói đến vị đại mỹ nhân thời xưa đi.

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Thiếu nữ đó tên gọi Mạc Sầu, nghe nói là tuyệt đại giai nhân thời Nam Tề, cô ta sống bên hồ này, phương danh bay xa hấp dẫn không ít vương tôn công tử đến chiêm ngưỡng mỹ sắc của cô ta, do vậy mới có tên Mạc Sầu hồ.

Phi Phụng nói:

- Trời vẫn chưa tối, chúng ta dạo quanh hồ một vòng nhé?

Vệ Thiên Nguyên không tiện từ chối nên đành đưa nàng đi một vòng. Phi Phụng luôn miệng tán thưởng cảnh sắc tuyệt mỹ. Lòng tình rộn rã, lại hòa mình vào cảnh xuân phơi phới nên bất giác dung nhan của nàng cũng lộng lẫy hẳn lên mặc dù nàng đang hóa trang một thôn nữ.

Vệ Thiên Nguyên ngắm nhìn vẻ đẹp như hoa của nàng rồi buột miệng nói:

- Cảnh đã đẹp nhưng trông nàng càng đẹp hơn.

Phi Phụng khiêm tốn nói:

- Đâu có thể!

Rồi cười tươi như hoa và nói tiếp:

- Chàng đừng nghĩ quá tốt về muội, nếu có một ngày chàng phát hiện muội là một người xấu thì chàng sẽ thế nào?

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Làm sao nàng có thể là người xấu?

Phi Phụng nói:

- Đa tạ chàng đã tin tưởng muội, nhưng chàng cũng biết là muội hành sự tùy hứng, không chừng ngày đó muội sẽ phạm sai lầm thật khiến chàng phải cho rằng đó là chuyện xấu không thể tha thứ được.

Vệ Thiên Nguyên mỉm cười, nói:

- Giữa ta và nàng không thể dùng hai chữ tha thứ! Sinh mạng của ta là do nàng cứu nên dù nàng phạm đại tội phải bị đày xuống địa ngục thì ta cũng cùng đi với nàng xuống địa ngục!

Giữa lúc nói cười thì hai người đã đi đến khách điếm. Đây là một tòa lữ xá theo hình thức viên lâm, trong hoa viên có giả sơn trì đường, đình đài lầu các. Phòng cho khách nhân trú ngụ cũng không giống như những khách điếm bình thường mà là những tiểu lâu phòng độc lập tọa lạc ở các nơi trong hoa viên.

Vệ Thiên Nguyên thuê một tiểu lâu phòng bên trong chuẩn bị đầy đủ vật phẩm thường dùng, ngoài việc dùng cơm ra thì không cần tiểu nhị kêu gọi gì cả để có thể bế môn như một tiểu gia đình vậy.

Phi Phụng buột miệng nói:

- Lữ xá như thế này thật là tuyệt, thảo nào chàng dám bảo đảm là muội sẽ thích. Muội không chỉ thích mà dù ở đây cả đời cũng tình nguyện.

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Giang Nam còn có nhiều nơi tuyệt hơn thế này, nàng đi khắp Giang Nam rồi nói cũng không muộn.

Phi Phụng nhìn Vệ Thiên Nguyên một lúc rồi nói:

- Này, hình như chàng có vẻ buồn bã không vui vậy, đang có tâm sự gì phải không?

- Đâu có!

- Chàng đừng giấu muội, muội nhìn thấy mà, vì gặp hai gã đại hán lúc nãy phải không?

- Hai gã đại hán đó có gì đáng để ta phải lo?

- Thế thì tại sao?

- Ta cũng không biết, ta có chút cảm giác càng gần quê hương thì lòng càng lo lắng.

Cách trả lời thế này thật chẳng ăn nhập vào đâu bởi lẽ gia hướng của Vệ Thiên Nguyên không phải là Giang Nam, vậy thì cảm giác "càng gần quê hương" của chàng là xuất phát từ đâu?

Phi Phụng vừa nghe thì hiểu ngay. Lòng lo lắng khi về gần đến cố hương là cảm giác chung mà người tha phương đều có, nhưng sự lo lắng của Vệ Thiên Nguyên là sợ nhân sự thay đổi chứ không phải sợ trùng quy cố hương. Từ Kim Lăng đến Dương Châu, lộ trình không quá hai ngày. Tuy Dương Châu không phải là gia hương của Vệ Thiên Nguyên nhưng tại Dương Châu có "người thân" của chàng. Một chết, một sống, người chết là Khương Tuyết Quân, người sống là Tề Tấu Ngọc.

Phi Phụng thầm nghĩ:

- "Dù chàng tin Khương Tuyết Quân đã chết thật nhưng Tuyết Quân tỷ tỷ vẫn sống trong lòng chàng. Bọn họ đã từng thề non hẹn biển, tình nghĩa sâu nặng nên sợ rằng còn trên cả sự "thân tình" thông thường. Huống hồ còn có một người thân mà tình như huynh muội của chàng - đó là Tề Tấu Ngọc. Người chết thì không nói, nhưng người sống vẫn còn đó, đến Dương Châu rồi thì dù lòng chàng quên được Khương Tuyết Quân song e rằng khó có thể đứng vững trước tình cảm của tiểu sư muội chàng. Hiện tại chàng chưa biết sự an bài của ta nên cũng khó tránh có cảm giác càng gần gia hương lòng càng lo lắng.

Sau khi ăn tối xong Phi Phụng thấy thần thái của Vệ Thiên Nguyên vẫn tư lự nên nói:

- Trăng đêm nay tuyệt quá, chỉ đáng tiếc là sáng mai phải rời khỏi nơi này rồi, chi bằng chúng ta dạo hồ để thưởng thức phong cảnh cho trọn vẹn.

Vệ Thiên Nguyên mỉm cười nói:

- "Mạc Sầu" của ta đang ở bên cạnh thì không cần gọi cũng có mỹ nhân xuất hiện rồi.

Chàng không muốn làm mất hứng thú của Phi Phụng nên đưa nàng đi. Hai người thuê một chiếc thuyền hoa, thuyền hoa, thuyền vừa rời khỏi bờ thì thấy có đôi thiếu niên nam nữ cũng đến ben bờ hồ thuê thuyền.

Nam thiếu niên nói với chủ thuyền rằng:

- Ta biết chèo thuyền, ngươi chỉ cần cho ta thuê thuyền là được, không cần ngươi đi theo.

Hắn trả tiền thuê gấp mấy lần bình thường nên chủ thuyền vui mừng đồng ý ngay.

Thiếu niên đỡ thiếu nữ lên thuyền rồi chèo đi ngay khiến chiếc thuyền nhất thời chao đảo không ít.

Thiếu nữ vội kêu lên:

- Ấy, cẩn thận một chút, muội vẫn chưa tin bản lĩnh chèo thuyền của chàng đấy.

Thiếu niên mỉm cười nói:

- Nàng sợ té xuống nước rồi biến thành vương bát (tên thường gọi của rùa hoặc ba ba) chăng?

Thiếu nữ nói:

- Hừ, muội biến thành vương bát rồi thì chàng vinh dự lắm chăng?

Thượng Quan Phi Phụng nhìn thân pháp của thiếu niên và nghe tiếng chân hắn bước xuống thuyền thì biết hắn đã luyện qua khinh công.

Nàng thầm nghĩ:

- "Xem ra bọn chuyện là một đôi nam nữ đang yêu nhau, nhưng bọn chúng không cần chủ thuyền phải chăng vì có chuyện riêng không muốn cho người thứ ba nghe?".

Nàng nghĩ đến đây thì chợt nghe Vệ Thiên Nguyên nói:

- Ta biết hai người này.

Phi Phụng hỏi ngay:

- Là bằng hữu hay là kẻ thù?

- Không thể gọi là bằng hữu nhưng cũng không thể xem là kẻ thù.

- Nói vậy có nghĩa chàng và bọn họ đã từng gặp nhau rồi?

- Không sai, thiếu niên tên gọi là Mãnh Trọng Cường, là đệ tử của phái Côn Luân.

- Mãnh Trọng Cường? Cái tên này nghe có vẻ quen quen. A, đúng rồi hắn là nhân vật trong Côn LuânTứ Tú.

Côn Luân Tứ Tú là bốn nhân vật kiệt xuất nhất trong hàng đệ tử đời thứ hai của phái Côn Luân.

Vệ Thiên Nguyên hỏi lại:

- Nàng cũng biết hắn à?

Phi Phụng nói:

- Chỉ nghe nói qua tên tuổi của hắn thôi. Núi Côn Luân trải dài mấy ngàn dặm, phía Tây khởi từ Vu Điền (giáp giới Tân Cương), đông tiếp Tần Lãnh (giáp giới Thiểm Tây), bọn muội ở Tinh Túc Hải trên tuyệt đỉnh tây Côn Luân, còn bọn chúng ở chỗ tương tiếp của đông Côn Luân và Tần Lãnh. Bình thường không qua lại nhưng có lẽ hắn cũng biết Tây Côn Luân có Thượng Quan thế gia của bọn muội.

Vệ Thiên Nguyên tiếp loơi:

- Thiếu nữ kia là Lăng Ngọc Yến, một nữ môn đồ của phái Thanh Thành. Tháng tám năm kia, ta gặp bọn họ trên đường đến Lạc Dương và có kết chút ân oán không lớn không nhỏ.

Phi Phụng liền nói:

- Thế à, tháng tám năm kia, trên đường đến Lạc Dương?

Dường như muốn nói điều gì, nhưng nàng không nói ra.

Tháng tám năm kia chính là tháng mà Trung Châu đại hiệp Từ Trung Nhạc nghênh đón đệ nhất mỹ nhân ở Lạc Dương là Khương Tuyết Quân. Lần đó Mãnh - Lăng cùng với Túc Du Dương, một đệ tử của phái Không Động đi uống hỷ tửu của Từ gia, mà Vệ Thiên Nguyên lại vì muốn ngăn cản hôn sự của Từ - Khương nên mới đến Lạc Dương.

Thượng Quan Phi Phụng không hỏi tiếp nhưng Vệ Thiên Nguyên nhớ lại chuyện ngày đó thì lòng không khỏi bị xúc động bi thương.

Hôm đó chàng đi ngăn cản hôn sự của Từ Trung Nhạc và Khương Tuyết Quân nhưng Tề Tấu Ngọc lại đi khuyên ngăn chàng.

Cuộc tương phùng giữa đường lần đó, Tề Tấu Ngọc đã cướp ngựa của Lăng Ngọc Yến.

Vệ Thiên Nguyên thì đánh rơi bảo kiếm của Lăng Ngọc Yến và đánh ngã Mãnh Trọng Cường khỏi yên ngựa.

Vệ Thiên Nguyên thở dài rồi thầm nghĩ:

- "Hôm đó lòng ta bất an và hỏa khí cũng quá thịnh. Nhưng bây giờ Từ Trung Nhạc và Khương Tuyết Quân đều đã chết rồi, chút việc cỏn con lần đó, dù bọn chúng còn để tâm thì ta cũng chẳng còn lòng dạ nào để nhắc lại mà đi xin lỗi bọn chúng. Nếu có ghi hận thì cứ để bọn chúng ghi hận thôi.".

Lúc này thuyền của đôi thiếu niên nam nữ kia đã vượt qua trước, quả nhiên bản lãnh chèo thuyền của Mãnh Trọng Cường không tầm thường. Bỗng nhiên thoáng nghe tiếng thở dài của Mãnh Trọng Cường, tiếp đó là giọng nói của Lăng Ngọc Yến:

- Mãnh sư huynh, hình như lòng chàng có phiền muộn gì chăng?

Mãnh Trọng Cường nói:

- Ta không nên tin cách nói như vậy mới đúng.

Lăng Ngọc Yến nói:

- A, thì ra chàng vẫn không tin Vệ Thiên Nguyên là một gã đại tồi?

Bên này thuyền Phi Phụng mỉm cười, nói:

- Nói đến chàng rồi đấy. Rốt cuộc thì khí lượng của nữ nhân cũng hẹp hòi, xem ra Lăng cô nương này vẫn chưa tiêu hận cũ đối với chàng.

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Nghe thử Mãnh Trọng Cường trả lời thế nào.

Hai người vận thính lực lắng nghe nhưng chẳng nghe Mãnh Trọng Cường trả lời gì cả.

Phi Phụng lại mỉm cười, nói:

- Chàng có là gã đại tồi hay không, có lẽ nhất thời hắn chưa thể đoán định được.

Vệ Thiên Nguyên bước ra mũi thuyền nói với người chèo thuyền:

- Ngươi hãy bám theo chiếc thuyền phía trước nhưng cũng không cần cập quá gần. Đây là chút ngân lượng cho ngươi, xem như là tiền trà nước.

Người chèo thuyền mỉm cười, nói:

- Khách quan và bọn họ là bằng hữu rất quen phải không?

Vệ Thiên Nguyên mỉm cười, nói:

- Không sai, ta muốn xem bọn họ tình tứ thế nào nhưng không muốn làm kinh động bọn họ.

Người chèo thuyền thầm nghĩ:

- "Bọn chúng xuống thuyền buông rèm thì ngươi làm sao nhìn thấy được?".

Tuy nghĩ thế nhưng hắn đã được tiền trà nước thì khách nhân bảo sao cứ y như thế mà làm theo.

Không nhanh, không chậm, thuyền của bọn Vệ Thiên Nguyên cứ giữ khoảng cách vừa phải mà bám theo chiếc thuyền phía trước. Người chèo thuyền trưởng thành từ vùng sông nước Giang Nam nên bản lãnh chèo thuyền đương nhiên là cao minh hơn Mãnh Trọng Cường rồi. Thuyền nhẹ lướt đi không nghe một tiếng động. Vả lại trên hồ không chỉ có hai chiếc thuyền do vậy Mãnh - Lăng không để ý đến chiếc thuyền theo sau bọn chúng.

Vệ Thiên Nguyên vừa quay vào trong khoang thì nghe Mãnh Trọng Cường nói:

- Ta không biết. Nhưng ta biết Thân Công Đạt là nhân vật nổi danh trên giang hồ với nghề nghe lén. Có người cố ý đọc trái tên của hắn thành Thân Công Báo. Vì Thân Công Báo là nhân vật chuyên môn thích nói xấu người khác trong truyện Phong Thần, nhân vật này còn thích thêu dệt thị phi, tựa như sợ thiên hạ bất loạn vậy.

Vệ Thiên Nguyên thầm nghĩ:

- "Thì ra Thuận Phong Nhĩ Thân Công Đạt nói xấu về ta. Hừ, tên này cũng quá thích nói chuyện của người khác rồi, ta và hắn vô thù vô oán thì tại sao hắn muốn gây khó dễ với ta?".

Nghĩ đến đây thì đã nghe Lăng Ngọc Yến nói:

- Nói hắn là Thân Công Báo thì không tránh khỏi "Ngân quá kỳ thực" (nói quá sự thực) rồi đấy. Kể ra thì hắn không đến nỗi xấu xa như vậy.

Mãnh Trọng Cường nói:

- Nàng nói vậy nghĩa là thế nào?

Lăng Ngọc Yến nói:

- Không thể tin hoàn toàn những lời Thân Công Đạt nói nhưng Mai Thanh Phong nói thì không thể không tin. Lão ta là chưởng môn một phái và lại là chứng nhân tại trường ác chiến Bí Ma Nhai. Những chuyện Thân Công Đạt nói vẫn chưa đầy đủ vì thực ra hắn cũng chẳng biết bao nhiêu. Hắn chỉ sợ phụ tử Sở đại hiệp (Sở Kình Tùng và Sở Thiên Thư) gặp Vệ Thiên Nguyên nên mới bảo muội đến Dương Châu nói với bọn họ.

Mãnh Trọng Cường nói:

- Như vậy là vì Mai Thanh Phong tin Thân Công Đạt nên nàng mới tin?

Lăng Ngọc Yến nói:

- Người tại đương trường hôm đó còn có Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Hoa Sơn và đệ tử các phái Tung Sơn, bọn họ đều tin cả.

Mãnh Trọng Cường nói:

- Nàng có biết Mai Thanh Phong là lão bằng hữu của Từ Trung Nhạc không?

Lăng Ngọc Yến nói:

- Muội biết. Nhưng Mai Thanh Phong cũng là người chính trực. Lão ta không thể thiên vị Từ Trung Nhạc mà vu hại Vệ Thiên Nguyên.

Mãnh Trọng Cường nói:

- Điều này thật khó nói. Trước đây chẳng phải đã có nhiều người cho rằng Từ Trung Nhạc là một chính nhân quân tử đó sao? Nếu không thì lão ta lấy đâu ra danh hiệu Trung Châu đại hiệp? Nhưng hiện tại, nàng và ta đều biết lão ta là ngụy quân tử, là chân tiểu nhân.

Lăng Ngọc Yến nói:

- Từ Trung Nhạc làm sao có thể so sánh với Mai Thanh Phong? Vả lại sở dĩ Mai Thanh Phong muốn đối phó với Vệ Thiên Nguyên là vì lý do khác chứ hoàn toàn không quan hệ đến chuyện Từ Trung Nhạc bị giết.

Mãnh Trọng Cường nói:

- Cuộc hội ở Mai gia hôm đó ta không có mặt tại trường, rốt cuộc bọn họ nói gì về Vệ Thiên Nguyên, ta chỉ nghe sơ lược, biết mà không tường tận. Nàng có thể nói lại cho ta nghe không?

Lăng Ngọc Yến im lặng một lúc lâu mới nói:

- Muội cũng muốn hỏi chàng một chuyện. Trong trận ác chiến ở Bí Ma Nhai hôm đó, Vệ Thiên Nguyên may mắn được một nữ tử trợ thủ, nhờ vậy hắn mới thoát hiểm. Chuyện này chàng đã biết chưa?

Mãnh Trọng Cường nói:

- Ta đã nghe nói.

- Chàng biết nữ tử đó là ai không?

- Không biết.

- Nữ tử đó họ kép là Thượng Quan, song danh là Phi Phụng.

Nghe đến đây thì Vệ Thiên Nguyên mỉm cười nói với Phi Phụng:

- Nói đến nàng rồi đấy.

Lại nghe Mãnh Trọng Cường nói:

- Thượng Quan Phi Phụng, ta chưa từng nghe tên này.

Lăng Ngọc Yến nói:

- "Côn Luân sơn thượng, ảo kiếm linh kỳ. Bất phụng linh kỳ, ảo kiếm trừ chi." Chàng là đệ tử của phái Côn Luân, có lẽ chàng đã nghe qua bốn câu này rồi chứ?

Mãnh Trọng Cường nói:

- Bốn câu này là của Thượng Quan Vân Long, không lẽ Thượng Quan Phi Phụng là nữ nhi của Thượng Quan Vân Long?

- Không sai, chính là nữ nhi của Thượng Quan Vân Long.

- Thế thì sao nào?

- Còn sao với trăng nữa? Xin hỏi Thượng Quan Vân Long là hạng nhân vật như thế nào?

- Có lẽ là nhân vật đứng giữa chính và tà?

- Chính khí nhiều hay tà khí nhiều?

- Điều này rất khó nói. Lão ta ở tuyệt đỉnh tây Côn Luân, còn ta ở đông Côn Luân.

Khoảng cách ngoài ngàn dặm. Vả lại ta cũng không biết nhiều về tính cách của lão ta.

- Thế sao chàng không nói thẳng ra là "không biết"? Ba chữ "rất khó nói" giải thích thế nào đây?

- Những điều ta biết về lão ta là nghe các vị trưởng lão trong bản môn nói lại nhưng bọn họ nói không giống nhau. Có người nói lão ta trong tà có chính, có người nói lão ta chính tà bằng nhau. Lại có người nói lão ta là một ma đầu có dã tâm kinh khủng.

Lăng Ngọc Yến nói:

- Vì thế chàng mới chọn cách nói dung hòa ba cách nói kia chứ gì?

Mãnh Trọng Cường im lặng không nói gì.

Lăng Ngọc Yến nói tiếp:

- Có ai nói lão ta là chính nhân quân tử không?

Mãnh Trọng Cường nói:

- Điều này thì không.

Lăng Ngọc Yến nói:

- Hình như muội từng nghe chàng nói đệ tử phái Côn Luân từng có mấy vị nếm mùi đau khổ của Thượng Quan Vân Long nên phái Côn Luân của chàng xưa nay không dám buông lỏng giới bị đối với lão ta, phải không?

- Không sai, bởi lẽ bất luận thế nào thì lão ta cũng không thể gọi là nhân vật trong chính phái, do đó bọn ta đối với Thượng Quan Vân Long tất phải tuân hành theo câu cách ngôn "hữu bị vô loạn" (có phòng bị thì tránh được tai họa). Nhưng mấy vị đồng môn của ta lại bị thuộc hạ trong tà phái của lão ta đả thương. Tây Vực có mười ba môn phái tôn lão ta làm tông chủ, nhưng lão ta cũng chỉ ra oai từ xa mà thôi. Thuộc hạ của lão gồm long xà hỗn tạp, do vậy bọn chúng gây ra chuyện xấu là điều khó tránh khỏi. Còn chuyện đả thương đệ tử phái Côn Luân sợ rằng lão ta vị tất đã biết.

- Xem ra chàng quá trung hậu đấy. Nhưng dung túng cho thuộc hạ hành ác cũng phải chịu trách nhiệm chứ?

- Nàng nói cũng phải. Vậy thì lão ta nhiều tà khí hơn chính khí rồi.

- Đâu chỉ nhiều tà khí mà thôi. Chàng muốn biết cách nói thứ tư không?

- Là cách nói của Thân Công Đạt chăng?

- Mai Thanh Phong và một trong ngũ lão của phái Hoa Sơn và Thiên Cơ đạo nhân đều nói như nhau.

- Bọn họ nói thế nào?

- Bọn họ nói Thượng Quan Vân Long là thiên hạ đệ nhất đại ma đầu!

Mãnh Trọng Cường hỏi lại với giọng ngạc nhiên:

- Lão ta là thiên hạ đệ nhất đại ma đầu, thế còn Bạch Đà Sơn chủ thì sao?

Lăng Ngọc Yến nói:

- Chàng cho rằng chỉ có Bạch Đà Sơn chủ mới có thể xứng là thiên hạ đệ nhất đại ma đầu sao?

Mãnh Trọng Cường nói:

- Võ công của Bạch Đà Sơn chủ có thể không cao cường bằng Thượng Quan Vân Long, nhưng luận về trình độ tác ác, như nàng thấy đấy, sợ rằng Thượng Quan Vân Long còn kém xa. Chỉ đơn cử Thần Tiêu Đan do Bạch Đà Sơn chủ chế luyện mà nói thì không biết đã hại bao nhiêu người rồi.

Lăng Ngọc Yến nói:

- Chàng cũng chỉ biết một mà không biết hai.

- Cái gì là hai?

- Bạch Đà Sơn chủ chỉ là một thuộc hạ bé nhỏ của Thượng Quan Vân Long. Bạch Đà Sơn chủ xuất diện chủ trì những việc làm tàn độc nhưng kẻ chủ mưu nấp phía sau chính là Thượng Quan Vân Long.

- Ai nói thế?

- Là Thiên Cơ đạo trưởng nói. Thiên Cơ đạo trưởng là một trưởng lão của phái Hoa Sơn nên lời của lão ta có thể tin quá đi chứ.

Mãnh Trọng Cường im lặng không nói gì.

Thượng Quan Phi Phụng nghe đến đây thì nắm tay Vệ Thiên Nguyên và nói:

- Vệ ca, chàng tin muội không?

Vệ Thiên Nguyên gật đầu nói:

- Ta biết đó là những lời bịa đặt do những kẻ có ân oán với Thượng Quan thế gia của nàng bịa ra để hại lệnh tôn.

Phi Phụng khẽ thở dài rồi nói:

- Gia phụ hành sự có lúc tuy không theo tình lý nhưng tuyệt đối không làm những chuyện tàn độc. Theo muội biết thì Thiên Cơ đạo trưởng và gia phụ xưa nay vô thù vô oán nên không thể gọi là cừu gia. Không biết vì lý do gì mà lão xú đạo sĩ này lại vu oan gia phụ một cách độc ác như thế?

Vệ Thiên Nguyên nói:

- Nàng chớ phẫn nộ, tương lai rồi cũng điều tra ra ngọn nguồn thôi. Bây giờ để ý nghe bọn chúng nói tiếp đã.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3