Tam sinh tam thế - Thập lý đào hoa - Chương 06 - Phần 1
Chương 6:
Chuyện đã qua không nên quay đầu lại
Sau đó, ta rất cố gắng ngày ngày ở trong phòng tham khảo học hỏi các tiên thuật đạo pháp, lúc nhàn rỗi thì đọc thêm các điển tịch mà thần tiên đời trước để lại. Đại sư huynh rất thảnh thơi.
Học được phép thuật nào ta lại đến biểu diễn trước động của Mặc Uyên một lần. Người tuy rằng không biết nhưng ta lại cầu được yên lòng.
Một ngày nọ, khi ta đang ngồi dưới rừng đào phía sau núi để tọa thiền. Đại sư huynh sai một con hạc tiên tới thông báo, ta mau mau về tiền sảnh, có khách tới thăm.
Ta ngắt lấy một cành hoa đào. Cành hoa đào trong phòng Mặc Uyên đã có mấy dấu hoa tàn. Tuy gần đây người bế quan tu luyện, chưa từng ở trong phòng nhưng ta vẫn chăm chút cho nó, khi nào người xuất quan ở phòng đó cũng sẽ cảm thấy thoải mái dễ chịu.
Ta cầm cành hoa đào đi đến tiền sảnh.
Đi ngang qua đình trung, hai vị sư huynh Thập Tam, Thập Tứ đang ngồi dưới gốc táo đang cá cược xem vị khách kia là nam hay là nữ. Ta đoán là tứ ca Bạch Chân đến thăm hỏi, cho nên móc một viên dạ minh châu ra, cũng rụt rè tham gia đánh cược. Bước vào tiền sảnh lại chẳng ngờ, vị khách mà đại sư huynh nói đến lại chính là Ly Kính - nhị hoàng tử của Quỷ tộc đã lâu không gặp.
Lúc ấy, hắn nghiêm trang ngồi ngay trên chiếc ghế thái sư bằng gỗ lê, lim dim mắt uống trà. Nhìn thấy ta bước vào hắn thoáng ngây người.
Lấy máu Mặc Uyên để rửa cung Đại Tử Minh, ta suy diễn rất có logic, lần này Ly Kính đến đây chẳng phải hỏi tội lần trước sao? Hắn ta lại bước nhanh hai bước, rất nhiệt tình thân thiết ôm lấy hai tay ta: “A Âm, ta hiểu rồi, lần này ta sẽ cùng đệ ở cùng bay chung, gắn bó bên nhau”.
Cành hoa đào gãy “rắc” một tiếng rơi xuống đất.
Thập Tam sư huynh đứng ngoài cửa hét lên: “Trả tiền, trả tiền, là con gái đó”.
Ta rất hoang mang, ngẫm nghĩ hồi lâu, mới mở vạt áo cho hắn nhìn: “Đệ là đàn ông, huynh và các phu nhân ở tẩm điện của huynh ân ân ái ái, đâu phải là một kẻ đoạn tụ”.
Thực ra ta không phải là đàn ông, trái tim hồ ly to bằng bàn tay dưới lớp da thịt kia đâu có thô lỗ như bọn đàn ông, mà vẫn dịu dàng tinh tế như những cô gái bình thường. Nhưng vì ban đầu mẹ ta muốn đánh lừa Mặc Uyên, nên ta không tránh khỏi phải giữ hình dáng đàn ông này cho đến khi học thành tài, có thể thuận lợi ra khỏi sư môn.
Ly Kính nhìn chằm chằm vào bộ ngực bằng phẳng của ta, quẹt máu mũi nói: “Từ ngày huynh rời khỏi phòng của đệ, huynh đã suy nghĩ rất nhiều. Vì sợ rằng mình đúng là có tư tưởng kỳ quái như lời đệ nói, cho nên cả ngày quyến luyến hoa liễu, những mong, những mong sẽ dùng đàn bà để mê hoặc chính mình. Lúc đầu, lúc đầu cũng có chút hiệu quả, nhưng chẳng ngờ từ sau khi đệ ra đi, ta ngày nhớ đêm mong. A Âm”, hắn chẳng màng tới xung quanh mà tiến tới ôm chặt ta, chậm rãi nói: “Vì đệ, dù làm đoạn tụ một lần cũng đâu có gì đáng ngại?”.
Ta ngẩng lên nhìn gỗ hoa đào trên xà nhà, lại nghĩ kỹ một lượt, cảm thấy tình thế lúc này, sao mà khiến người ta kinh sợ đến vậy, sao mà khiến người ta ngậm ngùi biết bao.
Thập Tứ sư huynh cười ha ha: “Rốt cuộc là ai trả tiền cho ai?”.
Cho dù Ly Kính ngàn dặm xa xôi chạy tới Côn Luân để thổ lộ tâm tình với ta, nhưng đối với hắn, ta chằng hề có một chút tình cảm đoạn tụ nào, đành chỉ có thể khiến hắn thất vọng mà thôi.
Sắc trời dần tối, đường núi khó đi, ta giữ hắn ở lại trên núi một đêm. Đại sư huynh Nại Hà biết được có một kẻ đoạn tụ lên núi tìm ta, bèn tức giận đánh hắn, tống cổ ra khỏi cửa.
Ta vô cùng khâm phục sự can đảm của Ly Kính, bị đại sư huynh đánh một trận dã man như vậy cũng quyết không từ bỏ, cách dăm ba hôm lại sai vật cưỡi của hắn là Hỏa kỳ lân đem tới mấy bài thơ tình vừa đau thương vừa chua xót. Lúc đầu viết “Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành”, dăm hôm sau lại “Tương tư muốn gặp nhau biết ngày nào, lúc này đêm nay khó vị tình”, vài hôm sau lại “Áo khăn dần lỏng cũng không hối hận, vì ai thương nhớ tấm thân hao gầy”.
Vì những trang giấy viết những bài thơ này rất dễ cháy, nên Thập Tam sư huynh vốn được phân công coi sóc chuyện bếp núc liền nhặt nhạnh từng trang từng trang, lấy làm mồi nhóm bếp. Ta cũng từng cố hết sức giữ gìn bảo vệ chúng, nhưng chỉ một câu của đại sư huynh Nại Hà: “Đệ suốt ngày ở trên núi không sản xuất, chỉ biết ngồi không đợi ăn cơm, lần này khó khăn lắm mới có chút giấy bỏ đi để đóng góp, vậy mà còn nhỏ mọn như thế” làm cho ta “tắt họng” ngay lập tức.
Khi đó ta vẫn còn nhỏ, tuy ngày ngày cùng ở với cánh đàn ông, may mắn là vẫn còn chút tình cảm của thiếu nữ. Tuy rằng chưa từng đáp lại Ly Kính lời nào, nhưng hắn vẫn vô cùng nhẫn nại, ngày ngày sai Hỏa kỳ lân mang thư tới. Ta cũng hơi rung động vì hắn.
Một ngày kia, Hỏa kỳ lân đem tới hai câu thơ, rằng “Thiên trường địa cửu hữu thời tân, Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ” (Thiên trường địa cửu còn có lúc hết, Nhưng mối hận này đằng đẵng không bao giờ nguôi). Ta kinh sợ, tưởng rằng đó là di thư, hắn có vẻ giống như một người nghĩ quẩn, bèn tiện đường ngồi lên lưng Hỏa kỳ lân, âm thầm đi tới cung Đại Tử Minh để khuyên nhủ hắn. Hỏa kỳ lân lại đưa ta tới thẳng động phủ ở dưới chân núi.
Đó là một cái động tự nhiên, sau đó được thu dọn, sửa sang, Ly Kính đang nằm nghiêng trên chiếc sập bằng đá. Ta không biết hắn đã chết hay còn sống, chỉ cảm thấy trời như đã sụp xuống một nửa, bèn nhảy xuống khỏi Hỏa kỳ lân mà chạy tới lay hắn. Lay, lay, rồi lại lay, trước sau hắn vẫn không hề tỉnh lại. Ta không biết làm thế nào, đành phải lấy pháp khí ra, sấm rền chớp giật gió điên cuồng thổi qua, thử hết cách này tới cách khác, nhưng hắn vẫn không tỉnh. Hỏa kỳ lân thấy không ổn bèn nhắc ta: “Pháp khí này đánh bên người chỉ là gây tê, thượng tiên không ngại thì hãy kích thích vào tâm can mềm yếu của điện hạ, có lẽ điện hạ sẽ tỉnh lại”.
Cho nên ta liền nói câu nói đó.
“Huynh mau tỉnh đi mà, đệ nhận lời huynh là được chứ gì”.
Hắn quả nhiên mở choàng mắt, tuy rằng bị chiếc quạt lụa của ta đập cho tơi tả nhưng hắn vẫn cười, nói: “A Âm, nhận lời huynh rồi thì đệ không được hối hận đấy, đỡ huynh dậy nào, huynh bị pháp khí của đệ đánh cho xương cốt rụng rời rồi”.
Lúc đó ta mới biết đây chỉ là mưu kế.
Sau này đại ca mới nói cho ta hay, mưu kế trong chuyện gió trăng không được coi là mưu kế, chỉ là tình thú mà thôi; còn hứng thú trong chuyện gió trăng cũng không được coi là hứng thú, chỉ là mưu kế mà thôi. Sau khi trải qua vết thương lòng, ta thấy nó cực kỳ có lý. Nhưng lúc đó thì vẫn chưa ngộ được chân lý.
Ly Kính đã đuổi hết những vị phu nhân trong tẩm điện của hắn, còn ta thì ở chung với hắn. Đương khi tháng tư giữa chốn nhân gian, hoa đào trên núi bắt đầu nở rộ. Ly Kính vì đã thành công nên không gửi những bài thơ sướt mướt đến nữa. Đại sư huynh cho rằng hắn đã không thể kiên nhẫn được nữa nên vô cùng vui vẻ, các bài luyện tập tu tiên của chúng ta cũng nhờ phúc ấy mà được giảm đi không ít, vì thế mọi người vừa tiêu dao lại vừa sung sướng.
Khi ấy, trong lòng Ly Kính vẫn có chút dè chừng với đại sư huynh, nên tuy rằng ở dưới chân núi nhưng cũng không lên núi nữa. Thế nên, mỗi ngày sau khi ta kết thúc bài luyện tập, đến trước động của Mặc Uyên báo cáo xong, liền thu dọn đồ đạc để xuống núi hẹn hò với hắn, ngày tháng trôi qua mệt mỏi muốn chết đi được.
Ly Kính quả không hổ là kẻ quen đường tìm hoa hỏi liễu, khiến người ta vui vẻ. Giờ đây vẫn còn nhớ, hắn từng tặng cho ta rất nhiều đồ chơi tinh xảo. Những thứ như dế tết bằng cỏ, sáo ngắn bằng trúc xanh, thứ nào cũng toàn tâm toàn ý làm thành, thực khiến người ta yêu thích. Cố nhiên có điều là không đáng mấy tiền, khiến người ta không khỏi tiếc nuối.
Có một lần hắn còn tặng ta một dây hoa dưa chuột. Lúc ở cung Đại Tử Minh, công chúa Yên Chi từng kể với ta rằng, vị ca ca này của nàng ta từ lúc nhỏ đã mắc một tật nhỏ, đó là không phân biệt được màu vàng hay màu tím. Hắn ta nhìn màu vàng hay màu tím đều giống như nhau, mà màu sắc này lại là một màu sắc kỳ dị mà người thường không thể nào lý giải nổi. Như thế, khi tặng ta hoa dưa chuột, chắc hẳn hắn coi đó là một loài hoa tuyệt thế. Ta cũng không thèm so đo với hắn, hoa dưa chuột tốt xấu gì cũng là một loài hoa. Cho nên ta ép khô nó lại, rồi kẹp vào trong một cuốn sách về đạo pháp, trân trọng cất đi.
Sau khi ta mắc phải vết thương lòng thì không còn muốn nhớ lại quãng thời gian ta và Ly Kính tâm hợp ý đầu với nhau năm đó nữa. Rõ ràng đã qua nhiều năm như thế, những tình tiết của quãng thời gian này ta cũng không còn nhớ rõ nữa.
Vậy thì hãy tiếp tục từ đoạn Huyền Nữ ra sân khấu đi.
Huyền Nữ là một muội muội nhỏ nhất của nhà đại tẩu Vị Thư ta. Khi đại tẩu được gả vào nhà ta, Huyền Nữ vẫn là một đứa trẻ còn quấn trong tã lót. Vì cái năm đại tẩu xuất giá, nhà mẹ đẻ xảy ra một số chuyện, Huyền Nữ từ nhỏ đã được đại ca đại tẩu ta nuôi dạy, thường xuyên cùng chơi, cùng ở với ta.
Huyền Nữ rất thích tướng mạo của ta, lúc còn nhỏ, cả ngày thường lèo nhèo bên tai ta rằng, muốn có được khuôn mặt giống ta như đúc. Ta bị nàng ta lèo nhèo suốt mấy trăm năm, thực là quá khổ sở, vì biết rằng Chiết Nhan có bản lĩnh dịch dung thay đổi khuôn mặt, có một năm nhân dịp sinh nhật nàng ta, ta bèn đặc biệt tới rừng đào mười dặm để vời Chiết Nhan, xin người làm phép thuật, biến nàng ta giống ta tới bảy, tám phần. Huyền Nữ được toại nguyện nên cực kỳ vui vẻ. Ta được thanh tịnh nên cũng vui vẻ vô cùng. Như thế mọi người đều vui vẻ.
Nhưng chẳng bao lâu sau thì phát hiện chuyện không hay. Không phải là phép thuật của Chiết Nhan chẳng ra gì mà là ở chỗ ta suốt ngày phải nhìn gương mặt gần giống hệt mình lượn qua lượn lại trước mắt, khó tránh khỏi choáng váng đau đầu, thế nên ta dần dần tránh xa Huyền Nữ, ngày ngày chơi bời cùng tứ ca.
Sau khi Huyền Nữ lớn lên, thành một cô nương, bèn quay về chỗ cha mẹ nàng ta. Ta và nàng ấy từ đó chẳng còn qua lại chi nữa.
Khi ta với Ly Kính đang bên nhau nồng thắm thì đại tẩu gửi thư đến nói rằng, mẹ của đại tẩu đang ép gả Huyền Nữ cho một tên mù, Huyền Nữ liền chạy một mạch đến động phủ của đại ca và đại tẩu. Nhưng động phủ của họ cũng không hẳn là an toàn, mẹ của đại tẩu trước sau gì cũng tìm đến. Cho nên tẩu ấy và đại ca ta bàn bạc với nhau tạm thời gửi Huyền Nữ tới chỗ của ta để lánh nạn.
Nhận được thư của đại tẩu, ta liền thu dọn phòng của mình một lượt, lại gửi cho đại sư huynh một lá thư, cho huynh ấy hay rằng có một tiên hữu sắp đến Côn Luân làm phiền mấy ngày. Gần đây tâm tình đại sư huynh rất vui vẻ, nghe nói vị tiên hữu này là nữ thì tâm tình càng vui vẻ hơn, rất mau mắn nhận lời.
Ba ngày sau, Huyền Nữ yểu điệu cưỡi một đám mây xám tiến vào núi Côn Luân.
Khi nàng ta nhìn thấy ta thì lặng đi trong giây lát.
Trong thư đại tẩu chưa nói cho Huyền Nữ biết rằng ta chính là Bạch Thiển, bạn chơi thuở thiếu thời của nàng ta, mà chỉ nói ta là một tiên hữu chơi với họ mà thôi.
Huyền Nữ ở lại núi Côn Luân. Dung mạo của nàng ta thực sự có đến chín phần giống ta.
Đại sư huynh nhận xét rằng: “Nói nàng ta không phải là muội muội của đệ ta quả thực không tin được, hai người bọn đệ đứng cạnh nhau, chỉ khác có mỗi dáng vẻ yểu điệu”.
Khi đó ta đương lúc gió xuân đắc ý, tự cho rằng mình không có dáng vẻ sầu thu thương xuân, luyến hoa tiếc nguyệt, quả thực có chút không có dáng vẻ yểu điệu.
Ta thấy Huyền Nữ cả ngày u uất sầu bi, khuôn mặt võ vàng, vốn có ý quan tâm thăm hỏi như chốn thân thích, lần sau xuống núi tìm Ly Kính liền dẫn nàng ta đi theo.
Lúc Ly Kính mới gặp Huyền Nữ thì ngây ra hồi lâu, khó khăn mới lắm trấn tĩnh, lại thốt ra một câu cực kỳ ngây ngô: “Ở đâu ra một Tư Âm nữ thế này?”.
Huyền Nữ liền cười “phì” một tiếng.
Ta thấy nàng ta cuối cùng đã vui vẻ lại nên cũng rất sung sướng. Hôm sau đi tìm Ly Kính cũng dẫn nàng ta đi theo.
Một ngày, khi ta đương leo trên cây táo ở đình trung để hái táo, định bụng khi mặt trời xuống núi sẽ mang đến động của Ly Kính mời hắn thưởng thức.
Đại sư huynh ào đến như cơn gió, ngồi yên dưới gốc cây, cắn răng mà nói với ta: “Lần trước huynh đánh kẻ đoạn tụ đến tìm đệ, đệ còn trách huynh ra tay quá nặng, còn huynh lại hận mình sao ngày đó mình không đánh chết hắn ta đi, không cho hắn dẫn đệ đi, hắn lại dẫn Huyền Nữ đi…”.
Ta một mình chật vật tụt xuống khỏi cây táo, miễn cưỡng ngẩng đầu lên nói: “Đại sư huynh, vừa nãy huynh nói gì?”.
Huynh ấy ngẩn ra, vội vàng dìu ta: “Mau mau xuống núi, nhìn từ xa cũng thấy tên đoạn tụ đang nắm tay Huyền Nữ đi dạo, dáng vẻ chan chứa tình cảm”.
“Ớ?” Huynh ấy lại dìu ta nửa bước, sau đó lại dừng lại, sờ cằm, nói: “Huyền Nữ là một nữ thần tiên, kẻ đoạn tụ đó lại là một tên đoạn tụ rất chân thành, sao bọn họ lại có thể thành đôi được nhỉ?”.
Ta như có sét đánh ngang tai, vùng khỏi tay huynh ấy, chạy như bay xuống núi.
Hỏa kỳ lân đang ngủ gà ngủ gật bên ngoài động.
Ta bắt quyết biến thành một con ngài, loạng choạng vỗ cánh bay vào trong động.
Trên chiếc sập đá có hai bóng người đang quấn lấy nhau.
Người con gái nằm phía dưới có khuôn mặt giống hệt ta, đang thở hổn hển.
Người đàn ông ở trên đưa tay rẽ mái tóc dài đen bóng, dịu dàng gọi: “Huyền Nữ, Huyền Nữ”.
Nhất thời lòng ta lạnh buốt, không trụ nổi, gió thổi qua động thổi ta rớt xuống đất, hóa thành hình người. May mà vẫn đứng vững, không đến nỗi mất đi phong độ của núi Côn Luân.
Ly Kính và Huyền Nữ cùng lúc quay đầu lại, sự hoảng loạn ấy quả thực không nằm ngoài dự liệu.
Ta vẫn còn nhớ mình cực kỳ bình tĩnh bước tới, quạt cho Ly Kính một cái, lúc định quạt Huyền Nữ liền bị Ly Kính giữ tay lại. Huyền Nữ ôm chăn rúc trong lòng hắn ta, gương mặt Ly Kính lúc xanh lúc trắng.
Ta với hắn giằng co một lúc, cuối cùng hắn cũng buông tay ra, nghiêm giọng nói: “A Âm, huynh xin lỗi đệ, rốt cuộc huynh vẫn không phải là một kẻ đoạn tụ”.
Ta giận quá cả cười: “Đây quả là cái cớ rất thông dụng, có phải đoạn tụ hay không thì chỉ cần ngươi nói là xong, tốt lắm, tốt lắm. Bây giờ thì ngươi định làm thế nào với ta?”.
Hắn trầm ngâm một hồi, nói: “Lúc đầu là do ta mê muội”.
Huyền Nữ nước mắt vòng quanh, nghẹn ngào nói: “Thượng tiên Tư Âm, xin người tác thành cho chúng ta, ta và Ly Kính tâm đầu ý hợp, hai người đều là đàn ông, rốt cuộc, rốt cuộc vẫn không phải là hợp lẽ”.
Nhưng đời này bà đây ghét nhất bốn chữ “tâm đầu ý hợp”.
Ta nghiêm nét mặt, lạnh lùng cười nói: “Thế cái gì mới là hợp lẽ, mới đầu làm loạn sau cùng vứt bỏ mới là hợp lẽ sao? Dụ dỗ người khác, phá hoại nhân duyên của người ta thì mới là hợp lẽ sao?”.
Khuôn mặt nàng ta trắng bệch, không nói nổi câu nào.
Lòng ta tan nát, vung tay áo thả bọn họ ra rồi đi. Với Ly Kính, thực sự đã hết rồi.
Khi ấy còn trẻ, xử lý sự tình chưa có kinh nghiệm biện bạch với họ về đạo lý hồi lâu, lãng phí rất nhiều nước bọt. Ta không hiểu rằng việc nên làm là mau rút đao chém loạn xạ, một đao lấy mạng hai người họ, để mình vui vẻ mới là hợp lẽ.
Ta lần đầu nếm trải tình yêu, đã gặp phải biến cố lớn đương nhiên sẽ đau lòng vô cùng. Hễ nghĩ tới Ly Kính và Huyền Nữ se chỉ luồn kim bắc cầu Hỷ Thước, kẻ ngốc nghếch vẫn là ta, chỉ biết đau lòng. Một mặt đau lòng vì thất tình, một mặt đau lòng vì đã gây nên đầu mối oan gia.
Những món đồ chơi không đáng tiền mà Ly Kính đem đến cho ta trước đây, đều trở thành tâm bệnh giày vò ta. Ta trằn trọc mất ngủ, đem bọn chúng ra đốt sạch, nhưng cũng khó mà gỡ ra được, chỉ có cách uống rượu. Cho nên ta say mèm một trận ba ngày dưới hầm rượu của núi Côn Luân.
Tỉnh dậy đã thấy mình đang dựa trong lòng sư phụ.
Mặc Uyên dựa lưng vào một vò rượu lớn, tay phải đang cầm một hồ lô rượu, tay trái giữ ta.
Nhìn thấy ta tỉnh lại, người chỉ nhăn mày, nhẹ nhàng nói: “Uống nhiều rượu như vậy, phải khóc được mới tốt, u uất kết tới tận tim phổi thì thật uổng cho chỗ rượu ngon này của ta”.
Cuối cùng ta ôm lấy chân người mà khóc một trận. Khóc xong, ngẩng đầu lên nhìn người: “Sư phụ, cuối cùng người đã xuất quan rồi, vết thương đã khỏi chưa? Có để lại thương tật gì không?”.
Người nhìn ta một cái, chỉ khẽ cười nói: “Vẫn còn tốt, không cần ninh ngươi làm canh tẩm bổ cho ta”.