Ngày lại ngày trôi qua, rồi thu sang. Hết thu lại đến đông, mùa đông lạnh giá và dài đằng đẵng, tưởng như không bao giờ chấm dứt. Thomas và Annika bận học túi bụi ở trường, càng ngày chúng càng mệt mỏi hơn, và mỗi sáng lại cảm thấy khó dậy khỏi giường hơn. Bà Settergren bắt đầu lo lắng thật sự trước nước da nhợt nhạt của các con, chúng ăn uống kém hẳn vì không ngon miệng. Đã thế hai anh em bỗng nhiên còn bị thủy đậu, phải nằm dưỡng bệnh mất hai tuần lễ. Đó lẽ ra đã là những tuần lễ dài lê thê, nếu Pippi không hàng ngày mò sang và biểu diễn những trò nghịch ngợm của nó ngoài cửa sổ. Vì sợ lây bệnh, bác sĩ đã cấm nó không được vào phòng người ốm. Pippi vâng lời mặc dù nó cho rằng nó thừa sức để cấu phăng từ một đến hai tỉ nốt thủy đậu trong một buổi chiều. Nhưng múa may ngoài cửa sổ thì chẳng ai cấm nó cả. Phòng của Thomas và Annika ở tầng trên. Pippi bèn bắc một cái thang lên cửa sổ. Nằm trên giường, Thomas và Annika hồi hộp không biết trông Pippi sẽ ra sao khi nó xuất hiện trên chiếc thang ngoài kia. Vì không bao giờ nó ăn mặc giống nhau trong hai ngày liền. Có lúc nó cải trang làm người nạo ống khói, có lúc lại giả ma quấn mình trong tấm vải trắng, khi lại đóng vai mụ phù thủy. Đôi khi nó diễn những vở kịch vui ngoài cửa sổ, một mình sắm tất cả các vai. Thỉnh thoảng nó còn tập thể dục trên thang, những bài tập mới dễ sợ làm sao! Nó đứng trên một trong những nấc thang cao nhất và đung đưa cái thang tới mức Thomas và Annika kêu thét lên vì khiếp sợ, tưởng chừng như nó có thể rơi bất kỳ lúc nào. Nhưng Pippi không rơi. Khi xuống thang, nó luôn chúc đầu xuống trước cốt sao cho Thomas và Annika cảm thấy vui nhộn hơn. Mà ngày nào nó cũng vào thị trấn mua táo, cam và kẹo, bỏ cả vào một cái giỏ, buộc vào quai giỏ một sợi dây dài. Rồi Ông Nilsson phải cầm một đầu dây, leo lên chỗ Thomas, mở cửa sổ ra và kéo cái giỏ lên. Có hôm Ông Nilsson còn mang sang cả một bức thư, nếu Pippi bận không đích thân sang được. Nhưng chuyện đó hiếm khi xảy ra, vì gần như suốt ngày Pippi ở trên thang. Đôi lúc nó gí mũi vào kính cửa sổ, đảo con ngươi, làm bộ mặt nhăn nhó kinh dị nhất từ xưa đến nay, và tuyên bố sẽ thưởng cho Thomas và Annika mỗi đứa một đồng tiền vàng nếu chúng có thể nhịn không cười phá lên. Nhưng nhịn làm sao nổi. Hai anh em cười lăn lộn đến nỗi suýt ngã khỏi giường.
Thomas và Annika dần dần bình phục, được phép ra khỏi giường. Nhưng trời đất, chúng mới xanh xao và gầy gò làm sao. Ngày đầu tiên chúng khỏi bệnh, Pippi ngồi cùng chúng trong bếp và nhìn chúng ăn cháo tấm lúa mạch. Nghĩa là chúng buộc phải ăn, nhưng món ấy khó nuốt kinh khủng. Mẹ chúng hoàn toàn rối trí khi nhìn các con cứ ngồi đó mà chọc thìa vào tô cháo.
"Hãy ăn món cháo lúa mạch ngon lành của các con đi chứ," bà giục.
Annika ngoáy ngoáy tô cháo, nhưng nó hoàn toàn không thể nuốt được miếng nào.
"Tại sao con lại cứ phải ăn món này ạ?" cô bé hỏi giọng than vãn.
"Câu hỏi ngốc nghếch thế mà cũng hỏi!" Pippi nói. "Rõ là cậu phải ăn món cháo ngon lành của cậu rồi. Vì nếu cậu không chịu ăn món cháo ngon lành của cậu, cậu sẽ không thể lớn lên và khỏe mạnh được. Mà nếu cậu không lớn lên và không khỏe mạnh, thì khi có con cậu sẽ không thể bắt ép các con của cậu ăn món cháo ngon lành của chúng được. Không đâu, Annika, như thế không ổn. Đất nước này sẽ náo loạn kinh khủng vì chuyện ăn cháo, nếu ai cũng suy nghĩ như cậu."
Thomas và Annika cố ăn mỗi đứa hai thìa cháo. Pippi ngồi quan sát chúng rất chăm chú.
"Các cậu cần đi biển một thời gian," nó vừa nói vừa nhún nhảy trên ghế ngồi. "Các cậu sẽ mau chóng học được cách ăn. Tớ còn nhớ hồi tớ còn ở trên tàu của bố, một sáng nọ chú Fridolf, một trong các thủy thủy của bố tớ, bỗng chỉ còn ăn có bảy tô cháo. Bố tớ lo lắng đến mất hết bình tĩnh trước chứng biếng ăn của chú. "Fridolf quý mến," bố nói gần như khóc, "ta e rằng chú đã bị nhiễm bệnh nặng. Tốt nhất là chú hãy nằm nghỉ trên giường cho tới lúc thấy khỏe hơn và lại ăn uống ngon miệng như trước. Ta sẽ đắp chăn cho chú và cho chú uốngsược phẩm."
"Phải nói là dược phẩm," Annika sửa.
"Thế là chú Fridolf lảo đảo đi vào giường," Pippi tiếp, "vì chính chú cũng sợ hãi và tự hỏi không biết dịch bệnh nào đã tấn công chú, để đến nỗi chú không ăn nổi quá bảy tô cháo. Khi bố tớ mang sược phẩm vào thì chú chỉ đang nằm thẳng cẳng trên giường lo nghĩ liệu mình có sống sót qua tối nay. Đó là một loại sược phẩm đen sì sì, rất tởm, nhưng muốn nói gì thì nói, nó rất công hiệu. Vì khi chú Fridolf vừa nuốt được một thìa thì mồm chú như bốc lửa. Chú thét lên một tiếng khiến từ đầu đến cuối con tàu Hoppetosse rung lên và tất cả những ai đang đi trên xe cộ trong vòng năm mươi dặm đều nghe thấy. Bác đầu bếp chưa kịp dọn dẹp bàn ăn sáng khi chú Fridolf lao từ trong giường tới với tiếng gào thét kinh hồn của chú. Chú xông lại bàn và bắt đầu ăn cháo, sau tô cháo thứ mười lăm chú vẫn gào lên kêu đói. Nhưng vì cháo đã hết, bác đầu bếp chẳng còn cách nào khác là ném những củ khoai tây luộc nguội ngắt vào cái cổ họng há hoác của chú. Hễ bác ta có cử chỉ dừng lại là chú Fridolf lại kêu lên giận dữ, khiến bác ta nhận thấy phải tiếp tục tọng khoai tây cho chú, nếu không muốn bản thân bị ăn sống nuốt tươi. Nhưng đáng tiếc bác đầu bếp chỉ có cả thảy một trăm mười bảy củ khoai tây đã gọt vỏ, khi ném nốt củ cuối cùng vào mồm chú Fridolf bác ta vội vã lao ra khỏi cửa và khóa trái cửa lại. Tất cả chúng tớ đều đứng bên ngoài quan sát chú Fridolf qua một ô cửa sổ. Chú khóc rống lên như đứa trẻ khát sữa và lần lượt chén hết những chiếc liễn đựng đầy bánh mì, một cái bình và mười lăm cái tô. Rồi chú quay sang tấn công cái bàn. Chú bẻ cả bốn chân bàn nhai rau ráu khiến mùn cưa văng ra quanh mép. Nhưng chú bảo nếu đó là măng tây thì đó là loại măng cứng hơn cả. Rồi hẳn chú thấy mặt bàn ngon hơn, vì khi ngoạm đến mặt bàn, chú chóp chép miệng khen rằng đây là lát bánh mì bơ ngon nhất chú được ăn kể từ tấm bé. Bố nhận ra là chú Fridolf đã hết bị căn bệnh nó gặm nhấm, bèn đi vào và bảo chú phải cố gắng tự kiềm chế chờ đến bữa trưa sau hai tiếng nữa, lúc ấy chú sẽ tha hồ ăn món thịt lợn và củ cải nghiền. ‘Dạ, dạ, thưa thuyền trưởng,’ chú nói, tay quẹt mép. ‘Nhưng thưa thuyền trưởng,’ chú nói tiếp, mắt sáng rỡ lên vì hoan hỉ, ‘bao giờ mới đến bữa tối, và sao chúng ta không ăn bữa tối sơm sớm lên?’
Pippi ngoẹo đầu nhìn Thomas, Annika và hai tô cháo của chúng.
"Như tớ đã nói đấy, các cậu cần đi biển một thời gian là sẽ khỏi ngay bệnh biếng ăn thôi."
Đúng lúc đó bác đưa thư đi ngang qua nhà Thomas và Annika để đến Biệt thự Bát nháo. Nhác trông thấy Pippi qua ô cửa sổ, bác ta gọi:
"Pippi Tất dài ra nhận thư nhé!"
Pippi ngạc nhiên đến nỗi suýt lăn khỏi ghế.
"Thư ư! Thư cho tớ! Một bức thư thích thực… tớ muốn nói: một bức thư đích thực sao? Tớ phải trông thấy mới dám tin."
Nhưng đó đúng là một bức thư đích thực, một bức thư với nhiều con tem ngộ nghĩnh.
"Cậu đọc đi, Thomas, cậu đọc thạo mà," Pippi bảo.
Thomas bèn đọc:
"Con gái Pippilotta yêu quý của bố.
Khi nào nhận thư này, con có thể chạy ra bến cảng bất kỳ lúc nào và ngó tìm con tàu Hoppetosse. Chả là bố có ý định ghé đón con ra đảo Taka-Tuka một thời gian. Vì ít nhất con cũng phải làm quen với hòn đảo, nơi bố của con đã trở thành đức vua đầy quyền uy chứ. Cuộc sống nơi đây rất dễ chịu và bố tin rằng con sẽ thích. Các thần dân trung thành của bố tha thiết làm quen với nàng công chúa Pippilotta mà họ đã được nghe kể nhiều lần. Về việc này không bàn cãi gì nữa cả. Con sẽ đi - đấy là ý nguyện của bố với tư cách làm cha và làm vua. Bố gửi con gái những chiếc hôn rõ kêu và nhiều lời chào thắm thiết.