Tam sinh tam thế - Thập lý đào hoa - Chương 10 - Phần 1

Chương 10:

Cháu gái Phượng Cửu của ta

Dạ Hoa thực quá quắt.

Đây không phải là Thanh Khâu, đâu có lý gì mà ta phải đi dạo cùng hắn, ngủ nướng trên giường thêm một canh giờ thực hợp tình hợp lý, vậy mà hắn lại nằng nặc lôi ta dậy bằng được.

Xiêm y trên người hôm qua đã nhăn nhúm không ra thể thống gì, ta ngại thay, bèn dựa một bên, rót chén trà lạnh, đưa lên miệng rồi ngáp dài một cái.

Dạ Hoa có vẻ rất phấn chấn, mặc áo khoác, thắt đai cẩn thận, mới ngồi trước gương đồng, bình thản nói: “Được rồi, nàng qua đây chải đầu búi tóc cho ta”.

Ta ngẩn ra: “Ngươi đang sai ta?”.

Hắn cầm lấy chiếc lược gỗ: “Nghe Mê Cốc nói, nàng búi tóc rất đẹp”.

Ta búi tóc rất đẹp đúng là không sai, trong động Hồ Ly không có nữ tỳ phục vụ, tứ ca lại không tự chải đầu bao giờ, cho nên đều là nhờ ta búi tóc. Ngoài những kiểu cách bình thường ra, nếu tứ ca đến rừng đào mười dặm tìm Chiết Nhan, thì ta còn biết chải một số kiểu đầu mới, mỗi lần Chiết Nhan nhìn thấy đều tỏ ra thích thú. Nhưng khi Dạ Hoa ở Thanh Khâu, hắn chưa bao giờ búi tóc, mà chỉ lấy một dải lụa, buộc túm đằng sau thật gọn, nhìn trông rất dịu dàng.

Hắn cười tươi rói, đưa chiếc lược gỗ cho ta: “Hôm nay ta phải tham kiến Thiên Quân, không thể không chỉnh tề được”.

Dạ Hoa có mái tóc rất đẹp, mềm mại, trơn bóng, khi chải chiếc lược gỗ trôi tuột xuống dưới, rất tiết kiệm công sức. Nhưng khi búi thành búi trên đỉnh đầu thì lại rất khó.

Trên bàn trang điểm có một cây trâm ngọc, một chiếc mũ ngọc. Cầm cây trâm gài tóc lại, sau đó đội mũ ngọc lên trên, ô, lâu không tập luyện mà ngón nghề này vẫn chưa đến nỗi vụng.

Trong gương đồng, Dạ Hoa đương mỉm cười nhìn ta.

Ta nhìn trái ngó phải, cảm thấy kiểu tóc này tôn được vẻ khôi ngô tuấn tú, thần thái uy nghiêm của hắn, không cần phải sửa thêm gì nữa, bèn hài lòng để chiếc lược xuống bàn trang điểm.

Trong gương đồng, Dạ Hoa vẫn mỉm cười. Bàn tay phải cầm chiếc lược của ta đã bị hắn giữ chặt.

Hắn khẽ giọng nói: “Trước đây nàng…”. Đôi mắt ánh lên một điều gì đó, lãnh đạm, tựa như nước lặng đổi dòng.

Ôi, không phải hôm nay hắn, hắn nổi cơn điên đấy chứ?

Tư thế “kỹ thuật cao” ta cúi lưng ngang người, giữ nguyên tay trái trên vai hắn, tay phải bị hắn giữ chặt trên bàn trang điểm này, thật khổ sở để chuẩn bị lắng nghe chuyện trước kia của hắn.

Hắn chầm chậm thả tay ta ra, nói đến “trước đây” rồi im bặt, chỉ cười cười, rút một chuỗi ngọc từ trong tay áo ra đeo lên tay ta, dáng vẻ hơi ủy mị.

Ta đương nhiên biết đó là chuỗi ngọc gặp dữ hóa lành.

Trước gương đồng, hắn từ từ đứng dậy, gượng cười: “Nàng hãy đeo chuỗi ngọc này vào, bây giờ nàng chẳng khác một người phàm trần, tuy sẽ không đến nỗi gặp phải đại họa gì, nhưng cũng khó tránh được bất trắc”.

Ta nhìn dáng vẻ nửa mừng nửa lo của hắn hôm nay, dường như có một điều gì đó khác với ngày thường, không đáp lại, mà nhận lời hắn.

Hắn gật đầu, đưa tay khẽ vuốt mặt ta, nói: “Vậy ta về Thiên Cung đây”. Đoạn lại nói, “Đêm qua bận chuyện quan trọng, quên không nói với nàng, đợi đến ngày mùng một tháng sáu, khi kiếp mệnh tới, nàng cố gắng hết sức ngăn Nguyên Trinh lại, sai một người ngầm đẩy Đông Hoa Đế Quân xuống nước, nếu khi ấy Đông Hoa Đế Quân cứu được cô gái ngã xuống nước ấy, thì Nguyên Trinh được giải thoát, mà cũng không cản trở Đông Hoa Đế Quân thể nghiệm nỗi khổ của nhân sinh, như thế thì mọi người đều vui vẻ”.

Nói xong quay người mất dấu luôn.

Ta nghĩ đến câu nói đầu tiên và tự hỏi rốt cuộc đêm qua hắn bận chuyện trọng đại gì, nhưng lại chẳng nhớ ra điều gì hợp lý, nên lại ngẫm nghĩ về mấy câu sau cùng của hắn.

Ngoan nào, đây đúng là cách hay. Vẫn là người ngoài sáng suốt, ta nghĩ tới nghĩ lui mấy ngày nay, cuối cùng lại thành hồ đồ mất rồi.

Giải quyết xong chuyện đau đầu này, ta cảm giác như đã trút được tảng đá đè trên người nửa tháng nay, toàn thân nhẹ nhõm phơi phới.

Cho nên ta cũng thảnh thơi ngồi xuống uống trà.

Trà mới uống được nửa chén, thì bỗng nghĩ tới chuyện mà ta nhớ ra trong lúc mông lung đêm qua.

Một chuyện cực kỳ chết tiệt.

Mê Cốc từng nói Phượng Cửu xuống phàm trần báo ơn, khi ấy chỉ nói là nó nhận một mối ơn tình của một người phàm nào đó, phải đi đền đáp một phen, nên ta cũng không để tâm. Bây giờ ngẫm lại, Phượng Cửu đã hơn ba nghìn tuổi, nhưng tổng cộng chỉ nhận một đại ân của Đông Hoa. Khi làm thần tiên, Đông Hoa cao minh hơn Phượng Cửu biết bao nhiêu, đương nhiên nó muốn báo ơn cũng không báo nổi. Bây giờ nó lại đến phàm trần báo ơn, chẳng phải là đi tìm chuyển kiếp của Đông Hoa hay sao? Khó khăn lắm nó mới có thể rũ sạch mầm duyên với Đông Hoa, hai người họ sắp lại trùng phùng trong mấy ngày, mầm duyên đã đứt nay lại sắp nẩy lại rồi… Nhị ca, nhị tẩu của ta mà biết thì sẽ ra sao.

Nghĩ tới đây, ta vội vàng bật dậy thay xiêm y chạy ra sân. Lần này phải chủ động đi tìm tiểu đệ Nguyên Trinh mỗi lần gặp làm giảm tu vi ba năm của ta, thăm dò y xem nửa năm trước có một thiếu nữ giữa trán có một cái bớt hoa như lông chim phượng tiến cung hay không.

Mẹ của Phượng Cửu thuộc tộc Hồ ly đỏ, năm đó mẹ nó thành thân với nhị ca ta, ta đồ rằng họ sẽ sinh ra một con hồ ly vằn đỏ vằn trắng. Nhưng chẳng ngờ mẹ Phượng Cửu hoài thai ba năm, cuối cùng sinh hạ một tiểu hồ ly toàn thân có màu đỏ tươi như máu bồ câu, chỉ có khoang tai và bốn chân là màu trắng, đáng yêu vô cùng. Đến khi tiểu hồ ly này đầy tuổi hóa thành hình người, giữa trán có một cái bớt hoa như lông chim phượng. Tuy cái bớt này nhìn rất đẹp, nhưng khi biến hình lại rất phiền phức, chỉ cần là biến thành hình người, cho dù hình dáng ra sao đều có cái bớt này. Nhị ca ta lười nhác, vì có cái bớt hình lông phượng, vì tiểu hồ ly này sinh vào tháng chín, nên khi đầy tuổi đã đặt cho nó cái tên không nhã cũng không tục là Phượng Cửu, thêm họ Bạch nhà ta vào, đầy đủ là Bạch Phượng Cửu. Đám tiểu tiên của Thanh Khâu đều gọi ta là cô cô, sở dĩ là gọi theo Phượng Cửu.

Tiểu đệ Nguyên Trinh đúng là rất thiêng, ta vừa mới chạy ra cửa thì gặp y cầm hai cuốn kinh văn bước tới, nhìn thấy ta, hai mắt y sáng lên, cung kính gọi một tiếng sư phụ.

Lúc trước đã nói, tiểu đệ Nguyên Trinh này có tính hỏi cặn kẽ ngọn nguồn, không thể khinh suất hỏi y chuyện Phượng Cửu, ta đắn đo trong lòng một hồi, mới kéo hắn đến ngồi lên một chiếc ghế đá.

Nguyên Trinh hắng giọng, nói: “Cổ sư phụ sao thế, nhìn giống như, giống như…”.

Ta kinh hãi sờ lên cổ mình, nhưng không cảm thấy gì khác lạ.

Y lấy một chiếc gương đồng từ trong tay áo ra, ta cầm lấy soi thử, trên cổ có vết đỏ giống như muỗi cắn.

Con muỗi này to gan thật, dám hút máu bản thượng thần ta.

Nhưng để hút thành công, nó phải dùng đến một vạn tám nghìn năm, đến lúc tu thành muỗi tiên cũng không chừng. Hầy, nó đúng là một con muỗi có phúc.

Ta gật gật đầu than thở: “Đây là một vết đỏ nhỏ không đáng nhìn, nhưng con lại thấy, có người từng nói con có tấm lòng lương thiện, đến con kiến cũng chẳng nỡ giẫm, xem ra không sai”.

Nguyên Trinh đỏ mặt nhìn ta: “A?”.

Ta tiếp lời: “Con nên biết rằng, việc không thể giẫm kiến khi đi đường, không chỉ cần tới một tấm lòng lương thiện, mà còn cần tinh tế. Tấm lòng lương thiện và tinh tế thực ra là một”.

Nguyên Trinh đứng bật dậy, làm dáng vẻ đang thụ giáo.

Ta sờ cằm rồi giảng giải rất sâu xa: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn tượng. Vạn tượng đều từ không mà có, từ không sinh ra có, chính là sự linh hoạt tinh tế và tỉ mỉ. Học đạo rất cần tinh tế, tỉ mỉ. Hôm nay vi phụ muốn kiểm tra trình độ tinh tế của con(*)”.

(*) Ý trong chương 42, sách Đạo đức kinh, tương truyền của Lão Tử.

Nguyên Trinh nghiêm trang đáp: “Xin sư phụ chỉ dạy”.

Ta thong thả nói: “Con sống trong đạo quán đến năm mười sáu tuổi, sau năm mười sáu tuổi con sống trong hoàng cung, vi sư cũng không muốn làm khó con, chỉ hỏi con có hai câu, một câu về đạo quán, một câu về hoàng cung”.

Dường như Nguyên Trinh dỏng hết tai lên.

Ta trầm ngâm nói: “Trong tòa đạo quán con ở thuở nhỏ, có một đạo cô mặc đồ trắng, vị đạo cô này thường dùng một cây phất trần, ta muốn hỏi con rằng cây phất trần này dùng gỗ gì làm thành?”.

Y nghĩ mãi mà không ra.

Ta lại hỏi: “Không cần trả lời vội, còn một câu nữa, trong vương cung của con hiện có một người, trên trán có một cái bớt hình lông phượng, ta muốn hỏi con xem, nàng ta hiện ở đâu, giữ chức gì, khuê danh ra sao?”.

Y trầm tư lúc lâu, rồi mới đáp: “Nguyên Trinh kém hiểu biết, khi ở trong đạo quán, chưa từng thấy vị đạo cô mặc đồ trắng mà sư phụ nhắc tới, trong đạo quán cũng có một đạo cô thi thoảng mặc đồ trắng, nhưng không phải lúc nào cũng mặc đồ trắng. Còn người có cái bớt hình lông phượng ở giữa trán thì Nguyên Trinh có biết, đó là Trần quý nhân sống trong Hạm Đạm viện (Hạm Đạm là hoa sen). Trần quý nhân này trước đây trên trán không có vết bớt hình lông phượng, tháng chạp năm ngoái ngã xuống hồ sen bệnh một trận, thuốc thang mà không thuyên giảm, cứ ngỡ là hương tan ngọc vỡ, sau này bỗng khỏe lại, sau đó trên trán cũng xuất hiện vết bớt hình lông phượng. Một chân nhân do mấy phi tần mời đến phán rằng vết bớt đó là do yêu khí làm nên. Phụ hoàng tuy không tin, nhưng từ đó cũng lạnh nhạt với Trần quý nhân, còn khuê danh của Trần quý nhân, quả thực đệ tử cũng không rõ”.

Hầy, quả nhiên Phượng Cửu đã chạy theo Đông Hoa rồi.

Nhưng tên chân nhân lừa ăn gạt uống đó lại coi vết bớt hoa trên trán một nữ thần thành yêu khí, hắn thật có bản lĩnh.

Nguyên Trinh nhìn ta lo sợ

Ta gật đầu nói: “Ừm, tinh tế được như vậy cũng là hiếm có, nhưng tu hành rèn luyện đạo pháp, con cần tinh tế, tỉ mỉ hơn nữa. Thôi, con về đi, hôm nay tạm thời con không cần đọc kinh văn, nên suy ngẫm về thái độ học đạo của mình trước đã”.

Nguyên Trinh cúi đầu bước đi.

Nhìn bóng dáng lẻ loi cô đơn của y, lòng bản thượng thần trỗi dậy thương xót.

Tiểu đệ Nguyên Trinh, thực ra đệ cũng quá tinh tế rồi, nếu đệ tinh tế hơn nữa thì thành Bát Công(*) mất.

(*) Bát Công: Thời Hán, chỉ tám người: Tô Phi, Lý Thượng, Tả Ngô, Điền Do, Lôi Bị, Mao Bị, Ngũ Bị, Tấn Xương đều là môn khách của Hoài Nam vương Lưu An. Trong sách sử các đời đều coi đây là những người tài, đạo hạnh gần như thần tiên (ND).

Bóng Nguyên Trinh dần khuất, ta kêu bừa một tỳ nữ dẫn ta tới Hạm Đạm viện của Trần quý nhân.

Ân tình mà Phượng Cửu nợ Đông Hoa, hãy để nước Thanh Khâu ta nhận, ngày khác sẽ trả, để kẻ làm cô cô là ta và các thúc thúc của nó tới trả, hôm nay phải khuyên nhủ sao để Phượng Cửu quay về đây.

Có lẽ cung ta ở có phận vị rất cao nên đi vào hậu cung của hoàng đế cũng rất thuận lợi.

Vì đi vội nên ta không chuẩn bị thiếp bái kiến, đành chờ một thị tỳ thông báo. Không lâu sau, thị nữ này dẫn bọn ta đi vào. Cung viện này tuy không lớn lắm nhưng bài trí khá đẹp, non nước hoa cỏ chim thú đủ cả, ngâm thơ thưởng nguyệt đều hợp tình hợp cảnh.

Trong chiếc đình bên hồ có một thiếu phụ có gương mặt tròn trĩnh, đang an nhàn cho cá ăn, dáng vẻ rất bình thường, giữa trán có một vết bớt hình lông phượng, đấy chính là xác phàm mà Phượng Cửu mượn thân. Ta thở dài một cái, lúc ở Thanh Khâu, đời đời con cháu nhà họ Bạch ta đều chỉ có một nữ đinh, Phượng Cửu nhà ta phong độ phi phàm biết bao. Mà nay vì Đông Hoa, nó phải chạy đến chỗ lạnh lẽo hiu quạnh này nuôi cá, khiến người ta phải sụt sùi cảm thán.

Nghe thấy tiếng thở dài của ta, Phượng Cửu đang cho cá ăn ngoảnh đầu lại.

Ta buồn bã nói: “Tiểu Cửu, cô cô tới thăm con đây”.

Một mình nó phiêu dạt phàm trần hơn nửa năm, hẳn cô đơn quạnh quẽ khôn cùng, nghe thấy tiếng ta gọi, không kìm nổi bi thương, lập tức nhào vào lòng ta.

Ta dang rộng đôi tay.

Nó “òa” lên nức nở, nhào tới ôm chặt thị nữ dẫn chúng ta vào đang đứng sau lưng ta.

Hai cánh tay ta không biết nên thu về hay tiếp tục dang ra.

Khuôn mặt nó tràn đầy vẻ kinh ngạc, sợ hãi, vừa nức nở vừa lắc đầu nguầy nguậy: “Không - cô cô - cô cô đừng dẫn con đi - con yêu chàng - con không thể thiếu chàng - không ai có thể chia lìa chúng con - không ai có thể”.

Ta bị trận khóc của nó dọa cho phải lùi về sau một bước.

Đây chắc không phải là Hồng hồ ly nhà ta đâu.

Tuy Phượng Cửu chỉ là một tiểu nha đầu, nhưng chưa bao giờ nó gào khóc như vậy, mà nó rất can đảm. Cho dù tình cảm với Đông Hoa sâu sắc khôn cùng, luôn luôn đau lòng, nhưng cũng chưa bao giờ để lộ cho người khác hay, đại để chỉ đến chỗ Chiết Nhan uống rượu mà thôi.

Nhị ca thấy nó vẫn còn nhỏ mà lúc nào cũng say túy lúy, bèn lôi nó về đánh cho một, hai trận, đánh đến mức gần như tắt thở, bọn ta nhìn thấy mà đau lòng, nhưng nó vẫn cắn răng đến mức bật cả máu cũng không khóc. Ta và tứ ca đều phải sợ tính cách cố chấp này của nó, chọc giận nhị ca, thế là thân vẫn nằm trên giường mà còn bị thêm trận đòn nữa, bọn ta phải đón nó về động Hồ Ly để dưỡng thương.

Ta khuyên giải nó: “Rượu cũng không phải là thứ tốt đẹp gì…” thì bị tứ ca trừng mắt lườm, đành đổi thành: “Rượu do Chiết Nhan cất đương nhiên là thứ tốt, nhưng cả ngày con lấy rượu giải sầu thì thực không phải với tài nghệ của Chiết Nhan. Con phải biết rằng rượu chỉ giúp con giải thoát được một lúc, khi con tỉnh lại, những chuyện khiến con phiền não sẽ không vì con uống rượu mà được giải quyết”. Nghe xong lời khuyên này của ta, Phượng Cửu cuối cùng khóc òa lên: “Không phải con mượn rượu tiêu sầu, đương nhiên con biết uống rượu cũng không hết phiền não, chỉ là nếu con không uống thì sẽ buồn đến mức phát khóc lên, con không thể khóc trước mặt Đông Hoa, cũng không thể khóc trước mặt người khác được”.

Rốt cuộc Phượng Cửu cũng chỉ là một nha đầu, ta và tứ ca nghe xong lòng bỗng nặng trĩu. Đó cũng là lần duy nhất ta nhìn thấy Phượng Cửu rơi nước mắt.

Bây giờ đối diện với con người đang ôm lấy thị nữ khóc kinh thiên động địa kia, ta chỉ biết im lặng lắc đầu.

Không muốn thấy ta đang lắc đầu, nó càng khóc dữ dội hơn: “Cô - cô - xin cô cô - xin cô cô nhón tay làm phúc - tác thành cho chúng con đi - kiếp sau con xin làm trâu làm ngựa cho cô cô - xin cô cô tác thành cho chúng con đi”.

Nàng thị nữ bị nó ôm chặt cứng đang run như lá cây trước gió.