Biệt ly ơi! Chào mi! - Chương 03
Chương 3 -
Hôm
ấy là ngày chúa nhật. Nắng đầu hạ không oi nồng mà chỉ chiếu nhẹ nhàng.
Nắng như chưa tỉnh giấc xuân, nắng trải dài trên cây lá trong vườn, trừ
những khoảnh sân được các tán cây dầu, hoặc lùm trúc che phủ. Những
hàng liễu xanh rũ lá bên hồ không đủ chặn các giọt nắng lăn tăn trên
nước. Nắng lấp lánh, nhảy nhót trên lá sen, trên mặt hồ, trên thảm cỏ,
trên cả con đường trải sỏi trắng phau.
Trúc Vỹ ngồi bên hồ sen. Nàng mặc chiếc áo cánh
mỏng để lộ chiếc cổ thon trắng. Chiếc váy đầm màu hồng càng nổi bật trên
khung cảnh ở đây. Ngồi trên mỗi tảng đá nhô ra trên hồ sen, hai tay bó
gối, đôi hài đỏ nằm lăn trên cỏ như hai đóa hoa mồng gà nở giữa cỏ xanh,
cô bé vẫn ngồi đó.
Bên cạnh Trúc Vỹ là quyển Quốc văn lớp mười hai
và một xấp tài liệu luyện thi đại học. Đúng ra là Trúc Vỹ đang học bài,
vì tối qua, cô giáo Bảo Lâm bận việc, cô có điện thoại đến xin nghỉ một
buổi và hẹn sẽ dạy bù lại vào sáng nay. Trong điện thoại, cô giáo có dặn
dò Trúc Vỹ hôm nay phải học thuộc lòng bài "Đàm Cung" trong "Lễ Ký", và
cô sẽ hỏi một số câu để Trúc Vỹ giải thích.
Ngay từ sáng sớm, Trúc Vỹ đã mang sách ra đây,
nàng định sẽ cố học. Để không phân tâm, Trúc Vỹ dặn dò nội và vú Ngô là
ngoại trừ cô giáo ra, không cho bất cứ một ai ra đây quấy rầy nàng.
Nhưng rồi, sau đấy mặt trời thức dậy, ánh nắng
nhảy nhót trên lá sen, những hạt sương long lanh trong nắng, mấy đóa hoa
sen đang hé nụ... Tất cả như một phép lạ thần kỳ, hé môi mỉm cười với
nàng. Tất cả những thứ này làm cho đầu óc Trúc Vỹ như loãng ra, không
thể nào tập trung chú ý được. Tất cả khiến cho Trúc Vỹ bị lôi cuốn một
cách thích thú. Sự nhiệm mầu và sinh động của đời sống, với nàng có sức
cuốn hút đặc biệt.
Rồi con Mực nhảy tới. Hình như nó không biết đến
cái lệnh cấm "Không được quấy rầy". Nó chạy đến bên Trúc Vỹ. Cái thân
hình của nó to lớn như một con bê, bộ lông mướt, hâm hấp nóng trong
nắng. Nó vẫy vẫy đuôi mừng rỡ, làm Trúc Vỹ không thể không buông quyển
sách xuống để ôm lấy nó. Một đôi mắt "dã thú" nhưng lại tràn ngập tình
người. Mực thích được ve vuốt và phục tùng. Chính cái đó làm Trúc Vỹ
thích thú, và Trúc Vỹ bắt đầu nói chuyện với con Mực. Nó nằm dài trên
bãi cỏ nhưng đầu lại tựa lên đùi của Trúc Vỹ.
Qua lời chỉ dẫn của vú Ngô, khi Bảo Lâm đến bên
bờ hồ sen thì nàng trông thấy một bức tranh tuyệt mỹ: Áo và tóc của Trúc
Vỹ đang bay phất phơ theo gió, khuôn mặt nhỏ nhắn với nụ cười rạng rỡ
của cô nàng đẹp như mơ. Hoa sen đang đua nở, còn liễu thì lay theo gió.
Cỏ non xanh tươi với người đẹp...
Bất giác Bảo Lâm thở dài. Rõ ràng, Trúc Vỹ đang
tận hưởng trọn vẹn cái kỳ diệu của cuộc sống. Cuộc sống thực mà như mơ.
Còn Lâm? Ta sắp mang đến một thực tế rất đỗi bình thường! Một thực tế sẽ
phá vỡ thế giới mộng mơ tươi đẹp của cô bé.
Bảo Lâm bước tới. Con Mực giật mình, nhỏm dậy.
Nó hướng về phía Bảo Lâm với cái vẻ thân thiện. Dù sao, qua hơn hai
tháng làm quen, con vật này đã trở thành bạn rồi. Bảo Lâm vỗ nhẹ đầu nó
mấy cái như ngầm nói:
- Nào đi chỗ khác chơi đi Mực, đừng quấy rầy ta với cô chủ của người nữa.
Con chó như hiểu ý, nó quay đi, nhưng không đi
xa lắm, chỉ đến dưới rặng liễu rồi nằm xuống, hai cẳng trước duỗi dài,
đặt mõm lên đấy.
Trúc Vỹ đứng dậy, tà váy phất phơ. Nàng đẹp một cách kiêu sa, nụ cười điểm trên môi. Bảo Lâm thầm nghĩ:
- Đẹp! Đẹp quá! Trẻ tuổi, đẹp, lại giàu có thế này thì coi như Trúc Vỹ có đủ cả mọi thứ rồi còn gì nữa.
Bảo Lâm vừa cười vừa nói:
- Ồ! Trúc Vỹ, em đã chọn được "Điểm học" rất lý tưởng!
Nàng đảo mắt nhìn quanh. Đây là lần đầu tiên Bảo
Lâm đến đây giữa ban ngày. Khu vườn quá rộng, bao quanh ngôi nhà, hồ
sen này nằm ở phía sau ngôi biệt thự. Bên cạnh hồ sen không có cây cổ
thụ nhưng lại rất nhiều hoa và những tảng đá lớn. Những cánh hoa đủ màu
sắc nằm chen nhau trên cỏ.
- Cô mới đến ạ!
Trúc Vỹ chào khẽ, nụ cười vẫn trên môi. Dưới ánh nắng nhạt, khuôn mặt Trúc Vỹ đẹp rạng rỡ. Cô bé nói như giải thích:
- Em đã ra đây từ sáng sớm.
- Tôi biết chuyện đó rồi! Nội em vừa cho tôi
biết rằng trời vừa tờ mờ sáng là em đã ra đây. Nội bảo em đã ôn bài mấy
tiếng đồng hồ.
Khuôn mặt Trúc Vỹ đỏ hồng, cô bé có vẻ ngượng ngập:
- Vâng, em ra đây rất sớm. Em định học nhiều thứ
nhưng mà học chưa được bao lâu thì có nhiều điều khiến em bị phân tâm.
Em nghĩ là chắc em cũng chưa học được nhiều, thưa cô.
Nữa rồi! Lại có những lý do... Tóm lại là Trúc Vỹ sẽ không thuộc bài. Bảo Lâm hỏi:
- Thế cái gì đã chi phối tâm trí em thế?
- Dạ... mặt trời mọc, rồi hoa sen nở, những cành liễu lay động trong gió, con Mực nó cười với em.
- Chó mà biết cười ư?
- Vâng, nó biết chứ.
Trúc Vỹ đáp một cách ngây thơ. Khuôn mặt cô bé tươi như đóa hoa hồng buổi sáng.
- Thế rồi còn gì nữa?
Trúc Vỹ nói nhỏ:
- Dạ... Còn nhiều thứ rất dễ thương, như những
hạt sương cứ lăn trên lá, tiếng chim sẻ hót trên cành cao, những chú cào
cào núp trong lá lén nhìn em, rồi con Mực nó nói chuyện với em nữa.
- Thôi đủ rồi!
Bảo Lâm ngồi xuống cỏ, cầm những quyển sách lên.
Nàng cố tạo cho mình một nét mặt nghiêm vì rõ ràng Bảo Lâm đã bị những
lý do không đâu của Trúc Vỹ làm cho tâm hồn nhạy cảm của nàng bị xao
động. Cái giọng nói nhẹ nhàng như ru của con bé khiến người khó tánh đến
đâu cũng khó mà tức giận, nhưng dù gì thì cũng không thể yếu mềm, phải
xiết chặt một chút. Bây giờ đã là đầu tháng năm, chỉ còn hai tháng nữa
là kỳ thi vào các trường đại học sẽ bắt đầu. Bảo Lâm chỉ còn có vỏn vẹn
sáu mươi ngày, vậy mà không thấy một kết quả nào đáng kể.
Bảo Lâm bảo Trúc Vỹ:
- Bây giờ em hãy mang bài sử ra đây, đọc tôi nghe.
Trúc Vỹ có vẻ miễn cưỡng, ngồi xuống trước mặt Bảo Lâm, tay lật sách. Bảo Lâm ngăn lại:
- Đừng mở sách, em đọc thuộc lòng cho tôi nghe.
Trúc Vỹ ngẩng lên nhìn bầu trời, những chiếc răng nhỏ nhắn của cô gái cắn nhẹ lên môi. Cô suy nghĩ thật lâu mới bắt đầu đọc.
Trúc Vỹ có lẽ đọc hết ra chữ, cứ ngập ngừng mãi. Cuối cùng cô ta thở dài:
- Thưa cô... Sao người xưa họ lắm chuyện như vậy? Cách nói của họ cầu kỳ, đầy điển tích, điển cố.
- Hình như thế.
- Thế tại sao chúng ta sống ở thời đại này lại phải học cách nói chuyện phức tạp xưa cũ đó làm chi?
- Bộ giáo dục muốn em nhận thức được tư tưởng trong câu chuyện chứ đâu phải học cách nói của người xưa.
Như sực nhớ ra điều gì, Bảo Lâm hỏi:
- Thế em hiểu nội dung của câu chuyện nói về cái gì không?
Trúc Vỹ lắc đầu một cách thành thật:
- Em thấy cứ ông này viết thế này, viết thế nọ mãi, em nhức cả đầu.
Bảo Lâm nói:
- Nhưng tôi đã giải thích cặn kẽ rồi!
Nhưng rồi suy nghĩ một chút, nàng thấy là phải thay đổi cách dạy.
- Cũng tại tôi không đúng, tốt nhất là phải dẫn
giải toàn bộ câu chuyện cho em rõ, thay vì câu nệ vào từng câu, từng
chữ. Thôi bây giờ em chú ý nghe nhé. Tôi sẽ kể nội dung câu chuyện cho
em rõ, rồi giải nghĩa từng đoạn sau.
Bảo Lâm ngồi ngay ngắn lại, tay vòng qua gối,
bắt đầu giảng giải tại sao lại có chuyện vua cha và ba đứa con trai của
ông đã lập mưu ám hại nhau vì một ngôi báu.
Bảo Lâm chưa kể hết đã thấy Trúc Vỹ rùng mình:
- Tại sao ta lại học chi những thứ như vầy? Cuộc
sống này có bao nhiêu điều tốt đẹp, bao nhiêu cái đáng yêu, đáng quí,
sao lại học chuyện ganh ghét? Con định giết cha, cha giết con làm gì?
Cuộc sống hòa bình trên quả đất không hay hơn sao?
- Nhưng đấy là sự kiện lịch sử đã xảy ra. Nó có thật, cần phải tìm hiểu ý nghĩa của nó.
- Con người đã sống xấu xa vậy ư? Kém hơn cả cây cỏ.
Bảo Lâm trố mắt nhìn Trúc Vỹ, vừa xúc động vừa
kinh ngạc. Chợt nhiên Bảo Lâm thấy hiểu ra. Sách vở đối với Trúc Vỹ quả
thật khó hiểu và phức tạp, vì con người của Trúc Vỹ quá đơn giản và hiền
lành, đơn giản đến độ không chấp nhận được sự hiềm tỵ nho nhỏ, huống hồ
chi nói đến chuyện tranh chấp giữa anh với em, giữa cha với con, những
chuyện tranh quyền đoạt lợi.
Trúc Vỹ có thế giới riêng, có triết lý sống và
đạo lý riêng của nàng. Trong thế giới đó chỉ toàn chuyện tốt lành, không
có điều ác, điều xấu. Vậy thì, ta dạy cho cô bé này cái gì? Dạy những
điều xa lạ hàng trăm năm, vô nghĩa với Trúc Vỹ. Dạy Trúc Vỹ học để Trúc
Vỹ có được một mảnh bằng đại học? Nhưng mảnh bằng đó có giúp ích được gì
cho Trúc Vỹ chứ?
Bảo Lâm như ngẩn ra nhìn cô gái. Trúc Vỹ cúi đầu nói lí nhí:
- Xin lỗi cô. Đúng ra em không nên thắc mắc mấy
chuyện đó. Có lẽ vì không thuộc bài nên em hay vòng vo. Hay là để em đọc
lại, có thể sẽ thuộc.
Bảo Lâm đưa tay ngăn lại:
- Thôi không cần nữa.
Nàng im lặng một lúc rồi nói tiếp:
- Tôi đang suy nghĩ điều em vừa nói đây. Em có
cái lý của em đó chứ. Câu chuyện này không còn thích hợp với thời đại
chúng ta. Mà này, hình như em còn có một cô giáo viên khác kèm các môn
toán, lý, hóa cho em nữa phải không?
Trúc Vỹ ngập ngừng:
- Vâng.
- Thế những môn đó em học ra sao?
Trúc Vỹ yên lặng, Bảo Lâm hỏi tiếp:
- Chắc cũng không khá cho lắm?
Trúc Vỹ thở dài nói:
- Dạ! Mấy cái chữ X và chữ Y lúc nào cũng như
đối lập với em. Công thức thì khó nhớ quá, học mãi không thuộc. Cô
Nguyễn, giáo viên dạy toán cho em, bảo là em chỉ như một con búp bê.
Bảo Lâm ngạc nhiên:
- Búp bê?
- Vâng. Búp bê có cái vỏ bên ngoài đẹp lắm, nhưng trong đầu chỉ có rơm với cỏ.
Trúc Vỹ nói xong cúi xuống sờ lấy mấy bông hoa đỏ trên cỏ.
- Em nghĩ, có lẽ cô ấy rất ghét em. Thế còn cô? Cô có ghét em không?
Bảo Lâm nói:
- Không! Tôi không hề ghét em, nói đúng hơn, tôi rất thích em.
Trúc Vỹ ngẩng lên, cảm động:
- Cô không thấy là em ngu lắm ư?
Bảo Lâm nói:
- Thật ra thì em cũng không ngu lắm đâu. Em biết
độc lập suy nghĩ, có óc phân tích, vậy thì không ngu được. Có thể em
quá khôn nữa là khác. Có điều biện pháp giáo dục này hình như không còn
thích hợp với em.
Bảo Lâm nhìn Trúc Vỹ. Cô nàng đang đùa với những
cánh hoa màu đỏ. Lâm chợt nghĩ, hay là Trúc Vỹ giống như những cánh hoa
đó? Nó chỉ nở cho riêng nó chứ không cho người khác. Có ai ngắm hay
không cũng mặc.
- Trúc Vỹ, em có thật sự muốn vào đại học không?
Trúc Vỹ yên lặng.
- Em nói cho tôi biết đi!
Trúc Vỹ lặng lẽ lắc đầu.
- Như vậy tại sao em cứ phải thi mãi như vậy?
Trúc Vỹ thở dài nói:
- Đó là ý của cha. Cha không chịu nổi chuyện em
thi rớt. Cha thông minh, năng động như vậy, không hiểu sao lại có một
đứa con gái ngu dốt như em. Nhưng mà cô ạ, cha làm thầy, con bán sách
cũng là chuyện bình thường thôi phải không cô?
Trúc Vỹ nhìn lên, rồi chợt nhiên hoảng hốt:
- Ồ! Đến rồi kìa.
Bảo Lâm không hiểu:
- Ai? Ai đến?
- Cha đấy!
Bảo Lâm quay lại, đúng là ông Tạ Thắng. Ông ta
đang từ bụi trúc đi qua bãi cỏ hướng về phía nàng và Trúc Vỹ. Hôm nay
mặc dù là ngày nghỉ, ông vẫn chỉnh tề trong bộ âu phục thẳng nếp. Bảo
Lâm vội đứng dậy. Lần đầu tiên, Bảo Lâm thấy ông Thắng ban ngày. Dưới
những tia nắng ấm, ông Thắng không trẻ như lúc dưới ánh điện màu trang
trí. Nàng có thể trông rõ những nếp nhăn ở dưới đuôi mắt, ở trên môi
ông. Nhưng thật lạ lùng, những nếp nhăn đó lại không khiến ông ta xấu đi
mà chỉ tạo nên nét già dặn, chín chắn, vững chãi của một nhà thông
thái.
- À!
Ông Tạ Thắng cười, như một thói quen, đưa tay lên nâng cao cặp kính.
- Hai thầy trò cô kiếm được một điểm học lý tưởng quá hở. Nhưng mà nắng càng lúc càng gắt, hai người không thấy nóng ư?
Trúc Vỹ đứng lên, cười với cha:
- Không nóng đâu cha ạ.
- Thế cha có phá rối chuyện ôn bài của con không?
Ông Tạ Thắng hỏi con gái rồi cúi xuống nhìn
những quyển sách trên cỏ. Bảo Lâm yên lặng nhìn hai cha con ông Tạ Thắng
rồi chợt nhiên nói:
- Trúc Vỹ, hôm nay chúng ta học bấy nhiêu đó đủ rồi, em xếp sách vở rồi vào nhà nghỉ đi, tôi có chuyện cần nói riêng với cha em.
Ông Tạ Thắng có vẻ ngạc nhiên nhìn Bảo Lâm:
- Cô là thầy bói ư?
Bảo Lâm ngạc nhiên:
- Sao thế?
Ông Tạ Thắng nhìn Bảo Lâm cười nói:
- Làm sao cô biết được là tôi ra đây định nói chuyện với cô?
Bảo Lâm cười:
- Thì ông cứ coi như tôi sẽ hành nghề thầy bói vậy.
Trúc Vỹ cúi xuống lượm mấy quyển sách. Con Mực
cũng chạy đến vẫy đuôi. Trúc Vỹ liếc nhanh về phía Bảo Lâm rồi nhìn về
phía cha. Nàng biết câu chuyện mà cô giáo và cha cô sắp nói đương nhiên
là có dính dấp đến nàng. Hơi lo lắng, nhưng rồi Trúc Vỹ cũng cùng chó
Mực bước vào trong.
Nhìn theo bóng Trúc Vỹ trên lộ trải sỏi, Bảo Lâm nói:
- Ông có một đứa con gái tuyệt vời.
Ông Tạ Thắng với nụ cười nhẹ:
- Thật vậy ư? Chúng ta vừa đi vừa nói chuyện
nhé? Tôi đã dặn vú Ngô làm thêm phần ăn để giữ cô lại dùng cơm trưa nay,
dù gì bây giờ cũng gần mười hai giờ rồi.
Bảo Lâm không biết làm gì khác hơn, nàng cùng
ông Tạ Thắng bước dọc theo con đường trải sỏi. Hai bên đường là hoa: hoa
phù dung, hoa nhài, hoa hồng... đang tỏa hương thơm ngát. Vườn hoa này
có nhiều loại hoa quá.
Ông Tạ Thắng chợt nói:
- Cô định hỏi tôi điều gì?
Bảo Lâm giật mình quay lại:
- Muốn nói với ông điều mà ông muốn hỏi.
Ông Thắng nhìn Bảo Lâm với nụ cười:
- Cô Lâm này, tôi nghĩ là cô chọn nghề luật thì hay hơn làm cô giáo đấy. Nhạy bén như cô sẽ dễ thành luật sư giỏi thôi.
Bảo Lâm đề cập thẳng vấn đề:
- Tôi nghĩ là ông khoan nói về phản ứng nhạy
bén. Tôi biết ông cần gặp tôi là vì chuyện khác. Có phải ông định hỏi
tôi về sự tiến bộ của Trúc Vỹ sau hai tháng học, phải không? Gần kề ngày
thi rồi, khả năng thi đậu của Trúc Vỹ được bao nhiêu chứ? Triển vọng
thi đậu như thế nào?
Ông Tạ Thắng gật gù:
- Thôi được, cô đã giúp tôi đặt câu hỏi rồi, thế cô thấy sao?
Bảo Lâm nhìn lên:
- Ông cần Trúc Vỹ thi đại học lắm ư? Ông đã biết cô ấy rất khó đậu, tại sao cứ bắt cô ấy phải đối đầu với sự thất bại mãi thế?
Ông Tạ Thắng đứng lại, nhìn thẳng vào mắt Bảo Lâm:
- Cô nói sao? Đó là câu trả lời của cô đấy ư? Ý
cô muốn nói trình độ nó quá kém, không đủ khả năng vào đại học? Tất cả
công lao bấy lâu nay dạy kèm của cô cũng chỉ có nghĩa là vô ích thôi
sao?
Bảo Lâm nói:
- Trình độ nó không kém, nhưng mà việc dạy kèm của tôi rõ là vô ích, không tác dụng.
Nàng đứng lại tựa người bên bụi trúc:
- Ông Thắng, tôi nghĩ là ông hiểu con gái ông hơn tôi.
Ông luật sư nói nhanh:
- Đương nhiên là tôi hiểu! Nếu ý cô muốn nói là
cháu nó ngu thì tôi được xin phép trả lời là cháu nó không kém lắm, trái
lại, nói không phải khen, nó còn thông minh nữa là khác.
Bảo Lâm cắt ngang:
- Không! Không. Ông hiểu lầm rồi! Đúng, Trúc Vỹ
rất thông minh, không những thông minh thôi mà còn nhạy cảm. Cô ấy hiền
lành, trong trắng, ngây thơ một cách dễ thương. Tôi dạy ở trong trường
cũng có rất nhiều học trò giỏi và dễ thương như vậy, nhưng thú thật chưa
thấy ai dễ thương như nó. Một cô bé đơn giản, thật thà. Tôi bị lôi cuốn
trước sự trong trắng đến độ ngây thơ của cô ấy. Thú thật với ông, đây
là lần đầu tiên tôi có cảm giác như vậy.
Ông luật sư nhìn thẳng vào mắt Bảo Lâm, ông e dè:
- Cảm ơn lời khen ngợi của cô! Tôi mong rằng những lời vừa nói của cô là thật.
Bảo Lâm gật đầu:
- Tôi đã nói thật đấy chứ.
Ông Tạ Thắng đứng lại nhìn nàng, thắc mắc:
- Vậy thì tại sao cô lại cho là cháu nó không thể vào đại học?
Bảo Lâm quả quyết:
- Bởi vì cô ấy không muốn như thế!
Ông Tạ Thắng có vẻ ngạc nhiên:
- Không thể được. Tôi đã nói chuyện với nó rồi cơ.
Bảo Lâm hỏi ngay:
- Ông đã nói hay ông ra lệnh? Ông có biết không,
trong lúc nói chuyện, ông hay vô tình ra lệnh hơn là tâm tình, vì vậy
với Trúc Vỹ cũng thế. Nhiều khi ông tưởng là ông đã nói chuyện với con
gái, thật ra là ông đã ra lệnh. Tính của Trúc Vỹ thì yếu đuối, rụt rè.
Nó lại sùng bái ông, kính nể ông nên không bao giờ dám phản kháng. Mặc
dù Trúc Vỹ không thích học nhưng vẫn phải vì ông mà học. Không muốn thi
vẫn phải thi. Cô ấy có đủ cả cá tính riêng, nhưng trước mặt ông vẫn
không dám bộc lộ cá tính.
Luật sư Thắng nhíu mày:
- Cô định trách tôi ư?
Bảo Lâm lắc đầu:
- Không dám.
- Không dám à? Thế cô vừa nói gì thế? Cô mới vừa kết án tôi là ngược đãi con gái tôi bằng tinh thần.
- Ông Thắng, nhiều lúc quá yêu cũng có thể tạo nên sự ngược đãi.
- Hở?
Ông Tạ Thắng lại chau mày, ông có vẻ giận nhưng rồi đôi mày kia lại giãn ra thật nhanh.
- Thôi được rồi, coi như là tôi ra lệnh cho con
gái tôi phải thi đại học đi, nhưng cô cho tôi biết chuyện ra lệnh kia
tốt hay xấu? Xấu lắm ư?
- Đương nhiên đó là vì muốn tốt cho con.
- Và chuyện đó cũng đâu ngoài trình độ của nó.
- Vâng.
- Cô cũng cho là nó thông minh kia mà?
- Vâng.
- Thế tại sao nó lại học là vì tôi? Nó chịu học chứ?
- Vâng.
- Nó vừa thông minh vừa chịu học, tại sao cô bảo là cô có dạy cũng vô ích?
Bảo Lâm nhìn ông Tạ Thắng rồi chợt cười phá lên.
- Tại sao cô cười?
Bảo Lâm nói:
- Xin lỗi ông luật sư nhé! Trúc Vỹ đầy thông
minh và chịu học thật, nhưng cô ấy không nhớ bài vở đâu. Thật tôi không
biết phải giải thích với ông chuyện đó ra sao? Tôi nghĩ ông là cha Trúc
Vỹ, đương nhiên bằng trực giác ông nắm được điều đó.
Ông Tạ Thắng có vẻ suy nghĩ:
- Tôi phần nào hiểu được ý cô. Nhưng cô Lâm ạ,
con tôi dù sao rồi nó sẽ lớn, nó sẽ phải sống một cách độc lập, tôi muốn
nó vào đại học, học nên người, nó có thể sống một cách tự chủ như cô
vậy.
- Như tôi?
Ông Thắng nói:
- Vâng. Tôi rất quý cô. Tôi thích cô, nhất là
bản tính độc lập, cứng cỏi. Cô biết nhiều thứ. Cô nói năng khéo léo,
phản ứng nhanh nhẹn.
Bảo Lâm lắc đầu nói:
- Ông đã lầm rồi! Tất cả những thứ đó, tôi nào
có học được ở đại học đâu mà là học ở trường đời, một trường đời đầy đau
khổ, đầy trắc trở.
Bảo Lâm hướng mắt về phía cành trúc trên cao.
- Ông đừng bao giờ để Trúc Vỹ giống tôi. Thế
giới của cô ấy là thơ mộng, là tờ giấy trắng, là thần thoại, là cổ tích.
Nó đẹp lắm. Ông cần phải trân trọng nó và nhiệm vụ của ông hãy giúp
Trúc Vỹ hưởng được cuộc sống hạnh phúc đó.
Ông Tạ Thắng chăm chú nhìn Bảo Lâm. Lần đầu tiên
ông hiểu được nhiều thứ về Bảo Lâm. Ngoài những khó khăn về vật chất,
Bảo Lâm còn có một quả tim yêu, đầy tình người, nhưng tình cảm dễ làm
cho con người khổ hơn vui thôi. Ông không biết Bảo Lâm quý Trúc Vỹ cỡ
nào, nhưng ông hiểu là không thể tiếp tục về đề tài học của Trúc Vỹ nữa.
Ông nắm lấy tay Bảo Lâm hướng về phía nhà nói:
- Thôi chúng ta đừng nói chuyện đó nữa nhé. Bây
giờ vào nhà, chúng ta đã đến giờ ăn. Cô cũng cần phải mập ra một tí. Tôi
mong là sẽ được cô đến đây dùng cơm luôn.
Bảo Lâm không lên tiếng phản đối. Nàng lẳng lặng đi theo ông luật sư vào nhà. Nàng đi dật dờ như một chiếc bóng.