Bạch Nhật Quỷ Hồn - Chương 12 - phần 1

Hãn Thanh thờ thẩn bước đi giữa những dãy nhà hoa lệ. Nỗi đau khổ đã khiến chàng trơ trơ như gỗ đá, không còn thưởng thức được cảnh đẹp của Hàng Châu.

Chàng chỉ nhớ rằng mình có biết một đại nhân vật ở địa phương này, và cần lão giúp đỡ.

Người ấy là Giang Nam Thần Côn Bùi Toản, bang chủ Thần Côn Bang, bá chủ phủ Chiết Giang. Họ Bùi có đến dự đại hỉ của Hãn Thanh.

Lúc này trên người chàng là bộ y phục vải thô cũ kỹ của một tay thủy thủ tốt bụng. Người trên thuyền buôn đã gom góp tặng Hãn Thanh vài chục lượng bạc và ít quần áo cũ. Chàng đã gầy đi nhiều, gương mặt cháy đen vì nắng biển, râu ria phủ đầy, trông rất tiều tụy và hốc hác. Dù chàng có dỡ chiếc nón rộng vành đan bằng mây ra thì cũng chẳng ai nhận ra được Tiểu Hầu Gia.

Hãn Thanh đi về phía Nam thành Hàng Châu, đến phân đàn Nam Giao để tìm tổng đàn Thần Côn Bang. Chàng giật mình nhận ra trên nóc đại sảnh đang phất phới lá cờ lớn thêu hình năm con rồng xanh của Ngũ Long Bang.

Hãn Thanh hiểu rằng trong thời gian chàng lưu lạc ngoài biển Đông, bọn Nam Thiên Tổng Giám đã về đến Trung thổ và nỗ lực bành trướng thế lực! Chàng bỗng lo lắng cho an nguy của Hầu Phủ và thân quyến.

Hãn Thanh đành bỏ ý định tìm Giang Nam Thần Côn, vượt sông Tiền Đường, đi về hướng Nam. Chàng quyết định trở lại Ôn Châu báo tin dữ cho gia đình lão chủ hãng thuyền Nam Dương.

Không đủ tiền để mua ngựa Hãn Thanh đã dùng khinh công để vượt đoạn đường ba trăm dặm.

Ngọc Nữ Nhất ém tâm pháp và Nhất Nguyên Thần Công có những điểm tương đồng, nên Tiểu Thuần đã truyền lại cho Hãn Thanh khẩu quyết của pho khinh công Lưu Thủy Hành Vân. Đây là tuyệt học gia truyền của riêng dòng họ Trịnh, ngay giáo chủ Thiên Sư Giáo cũng không biết được.

Hãn Thanh nóng ruột nên lướt đi như nước chảy mây trôi, khiến lữ khách trên đường kinh hãi. Chiều hôm sau, chàng đã có mặt ở Ôn Châu, gõ cửa Hách Gia Trang.

Bọn gia đinh ngơ ngẩn khi chàng giới thiệu mình là Tiểu Hầu Gia Mộ Dung Hãn Thanh, thượng khách của Hách Khai Nguyên hai tháng trước.

Nhưng khi nhìn thấy kim bài Hầu Tước, chúng vội chạy vào thông báo.

Hãn Thanh hân hoan khi thấy Hách Khai Nguyên còn sống và đích thân ra đón khách! Lão cũng mừng sa lệ Ôm Hãn Thanh khóc ròng.

Chàng vội vã hỏi:

- Hách chủ nhân! Có bao nhiêu người thoát nạn?

Thâm tâm chàng nuôi hy vọng rằng bọn Tiểu Thuần cũng còn sống.

Nhưng câu trả lời của họ Hách khiến chàng chết lặng.

- Bẩm hầu gia! Lão phu và sáu gã thủy thủ bám vào những thanh gỗ trôi dạt ba ngày, rồi được thuyền buôn vớt lên. Những người khác thì không biết lành dữ thế nào!

Lão đưa chàng vào đại sảnh, buồn rầu nói:

- Họa vô đơn chí! Mong Hầu gia bình tâm nghe lão phu báo thêm một hung tin!

Hãn Thanh choáng váng, hít một hơi chân khí, cố trấn tỉnh hỏi:

- Phải chăng đó là tin từ Lạc Dương?

- Thưa phải! Hầu tước phủ đã bị cường địch tấn công vào đêm mùng chín tháng tư, trừ hoa viên phía sau, nhà cửa đều bị thiêu hủy. Có hơn hai trăm người cháy nám đen nên không ai biết tung tích của lão Hầu Gia và những người còn lại đâu cả! Hiện nay Hầu phủ chỉ còn là một đống gạch vụn điêu tàn.

Nỗi đau thương to lớn kia thấm sâu vào tâm hồn Hãn Thanh, chàng ngồi lặng lẽ, chỉ có đôi mắt là biểu hiện sự thống khổ vô bờ! Hách lão sợ hãi vội an ủi:

- Lão Hầu gia một đời tu nhân tích đức, chắc sẽ được hoàng thiên bảo hựu, mong công tử đừng quá bi ai!

Hãn Thanh lẩm bẩm:

- Tử sinh, họa phúc không khác nhau ư? Ta biết phải làm sao đây?

Hai mươi ngày sau, tức là sau Tết đoan ngọ năm ngày, Hãn Thanh đã về đến Lạc Dương. Chàng vào phạn điếm an qua quýt vài chén cơm rồi lần đến Hầu Phủ. Lúc này chiều đã buông ánh hoàng hôn đỏ rực nhưộm hồng cảnh hoang phế, ngổn ngang gạch đá nám đen.

Phía trước của đại môn có hai gã lính lệ canh gác, nên Hãn Thanh vòng ra mé hông vượt tường mà vào. Chàng vượt thẳng đến tòa giả sơn to lớn, cao ba trượng giữa hoa viên, mừng rỡ nhận ra cửa ngầm vẫn còn nguyên vẹn.

Hãn Thanh ấn mạnh vào ba viên đá lồi theo một thứ tự nhất định, cánh cửa đá thụt xuống, để lộ đường vào mật thất. Đấy là nơi bí mật nhất Hầu Phủ.

Chỉ có lão Hầu Gia và chàng biết được. Hầm ngầm này được xây dựng từ thời cao tằng tổ Mộ Dung Bích, để cất giấu của cải và ẩn thân khi binh biến. Lương thực và nước uống dự trữ đủ cho mười người sống suốt nửa năm. Ngoài ra còn có di hài của nội tổ mẫu Hãn Thanh. Mộ Dung Cẩn rất yêu thương bà nên bỏ ra ngàn lượng vàng, mời giáo chủ Thiên Độc Giáo ở Vân Nam đến ướp xác ái thê, đặt vào hòm bạc, nắp đậy pha lê Hà Lan. Lão Hầu Gia thường xuống mật thất một mình hàn huyên với thi hài của người mình yêu dấu.

Hãn Thanh bước xuống thang đá, phát động cơ quan đóng cửa, rồi nhanh chóng tiến vào. Vượt hết mấy chục bậc thang thoai thoải là đến cửa đá thứ hai. Cạnh cửa cũng có những ô gạch màu trắng, phải biết cách ấn mới mở được.

Cánh cửa hé ra, để lộ ánh nến bên trong khiến lòng Hãn Thanh bừng lên hy vọng. Chàng vẫn thầm van vái rằng trong lúc nguy cấp, lão Hầu gia sẽ đưa mọi người xuống đây lánh nạn!

Nhưng cạnh chiếc bàn bát tiên kia chỉ có một mình Mộ Dung Cẩn đang ngồi đọc sách! Hãn Thanh lao đến như cơn lốc, quỳ phục trước mặt ông sụt sùi:

- Gia gia! Tiểu tôn còn được thấy người!

Mộ Dung Cẩn ôm cháu khóc ròng:

- Ta đoán rằng thế nào cháu cũng sống sót trở về.

Hãn Thanh nghẹn ngào nói hỏi:

- Gia gia! Mọi người đâu cả rồi?

Lão Hầu gia buồn bã đáp:

- Đêm ấy! Ta vì lo lắng cho ngươi nên không sao ngủ được, liền âm thầm xuống mật thất tâm sự với nội tổ mẫu của ngươi. Ta có uống mấy chén rượu nên ngủ thiếp đi, không hay biết chuyện gì trên mặt đất. Đến cuối canh tư, ta trở lên thì Hầu Phủ đã biến thành biển lửa và không còn ai nữa cả! Ta bèn trở xuống mật thất chờ đợi cháu về.

Gương mặt Mộ Dung Cẩn hốc hác, sầu héo, mất hẳn vẻ phương phi, an lạc cố hữu. Hãn Thanh dù rất lo lắng nhưng vẫn gượng cười an ủi ông - Chu đại thúc là người cơ trí còn Tề nhạc phụ cùng các Phán Quan đều có võ công cao cường, chắc đã kịp đưa mọi người đào thoát. Tiểu tôn sẽ đi U Linh Cốc tìm họ!

Mộ Dung Cẩn gật đầu, nhưng bỗng nhớ ra rằng Hãn Thanh chỉ về có một mình, dung mạo lại tiều tụy khác thường! Ông kinh hãi hỏi:

- Bọn Thuần nhi, Vân nhi đâu sao không đi theo ngươi?

Hãn Thanh đành phải kể lại việc gặp bão bị đắm thuyền, và luôn miệng trấn an ông nội rằng:

Nếu bọn Hách Khai Nguyên và chàng sống sót thì những người còn lại cũng vậy! Võ công họ cao siêu nên dù có phải lênh đênh hàng tháng cũng không thể chết được.

Thực lòng, chàng chỉ tin vào khả năng sống sót của Tiểu Thuần. Nàng luyện Ngọc Nữ Nhất ém Công đã đến lớp thứ tám, có thể nhịn ăn, nhịn thở rất lâu. Lúc thuyền bị sóng đánh vỡ thì hai nàng ở dưới khoang, có lẽ đủ thời gian chuẩn bị cho tai họa.

Ngay đêm ấy, Hãn Thanh cùng lão Hầu Gia rời Hầu Phủ. Chàng đã đến Vạn An lữ điếm tìm Lục Tâm Hiền. Họ Lục rất mừng khi thấy Hãn Thanh và lão Hầu Gia. Lão cho biết Nhất Bất Thông Chu Minh và người khác không hề về đây! Ngoài ra, Lục Tâm Hiền còn tiết lộ việc Tổng binh thành Lạc Dương đã bị thuyên chuyển từ trước ngày xảy ra vụ tập kích Hầu Phủ Mùng chín tháng tư!

Tân Tổng binh là Tạ Dương Nhân đã dẫn quân rời thành vào trưa ngày tám tháng tư để đi Tảo Phủ ở Thiển Huyện. nhưng Lục Tâm Hiền đã cho người dò la ra rằng Thiển Huyện chẳng hề có tên giặc cỏ nào cả!

Hãn Thanh đoán rằng việc này có bàn tay của Hải Trừng Công Chu Kích nhúng tay vào. Như vậy, hiện nay Ngũ Long Bang đã trở thành tay chân họ Chu!

Sáng hôm sau, Hãn Thanh gởi lão Hầu Gia lại Vạn An lữ điếm rồi lên đường đi U Linh Cốc. Gương mặt đen đủi đầy râu và bộ y phục lái buôn đã biến chàng thành một khách thương hồ vùng Duyên Hải. Chiếc nón tre rộng vành cũng là đặc sản của đất triều Châu Phía Bắc Phúc Kiến! Trước khi tìm ra tung tích người thân, chàng không muốn phí thời gian đụng độ với kẻ thù.

Mười ngày sau, Hãn Thanh đã đến nơi, chàng kinh hãi nhận ra U Linh Cốc bị tàn phá chẳng kém gì Hầu Phủ, và không còn một bóng người! Vậy là bọn Tề Phi Tuyết đã trở về đây và bị Ngũ Long Bang đuổi theo đến tận sào huyệt, phải đào tẩu thêm một lần nữa.

Hãn Thanh nhớ lời kể của Tề Đạm Vân, vào cuối cốc tìm đường thông lộ bí mật, trổ xuyên lòng núi.

Cánh cửa đá nặng vạn cân vẫn còn khép kín, dù bãi cỏ phía trước bị dày xéo bởi hàng trăm dấu chân, và máu đọng lại thành vũng đen sì.

Hãn Thanh phát động cơ quan để mở cửa, lại thấy vết máu và băng vải nằm rải rác. Như vậy là người trong cốc đã thoát qua đường này.

Chàng vận công nhìn xuyên bóng tối, lướt nhanh dọc đường ngầm, ra đến thung lung bên kia núi. Hãn Thanh vận công gọi vang nhưng không thấy có hồi âm. Chàng thất vọng quay bước, trở lại U Linh Cốc, rồi lên ngựa đi ngay.

Hãn Thanh quyết định về Lạc Dương và sẽ đến Tổng Đàn Ngũ Long Bang đại náo một phen. Tuy không chắc sẽ giết được năm lão ma đầu, nhưng cũng chẳng thể cầm chân chàng. Trận chiến sẽ đánh động cho bọn Tề Phi Tuyết, Chu Minh biết chàng còn sống mà đến hợp lực.

Sau bảy ngày dong ruỗi, Hãn Thanh chỉ còn cách Hoàng Hà ba trăm dặm. Đến một giao lộ thì trời đã gần trưa, chàng ghé vào phạn điếm dùng bữa.

Đây là một ngã tư, rẽ hướng Tây là đến Vận Thành, còn hướng Đông là sang đất Hà Nam.

Hãn Thanh thấy hàng đoàn kỵ sĩ lũ lượt kéo về hướng Tây, có cả đoàn quân của Ngũ Long Bang nữa. Chàng hiếu kỳ hỏi gã tiểu nhị, thì được nghe đáp rằng:

- Bẩm quý khách, mười ngày trước, người ta phát hiện ở bìa một cánh rừng già ở gần Vận Thành có hai con vượn trắng, cổ đeo chuỗi ngọc một tím, một lam. Khi bị đuổi bắt thì chúng chạy vào sâu trong cánh rừng. Do vậy, thiên hạ đồn rằng cánh rừng ấy có một kho báu rất lớn. Hàng ngàn người đã đổ xô đến để tìm kiếm, nhưng chưa có kết quả.

Hãn Thanh vui mừng khôn xiết vì biết đấy là Đại Bạch và Tiểu Bạch. Hai chuỗi ngọc kia chính là của lão Hầu Gia tặng Ngũ Đài Ma cơ và Viên Nguyệt Hằng Nga. Chàng bảo tiểu nhị tính tiền và thưởng thêm cho gã. Hãn Thanh vội vã lên đường, theo các hào khách đến Vận Thành.

Lòng chàng luôn khắc khoải, bởi nhiều nghi vấn:

một là vì sao lực lượng Hầu Phủ đông đảo và tinh nhuệ như vậy lại phải tháo chạy trước Ngũ Long Bang. Phải chăng đối phương đã có thêm cao thủ hoặc có vũ khí gì rất lợi hại?

Hai là, vì sao đôi vượn kia lại đeo chuỗi ngọc của Lạc Bình và Hà Hồng Hương? Hay là trong đêm ấy, chúng đã đưa hai nàng đào thoát, chứ không đi chung với bọn Tề Phi Tuyết? Nhưng sao đã hơn tháng mà họ vẫn còn ở lại cánh rừng kia mà không đi U Linh Cốc.

Hãn Thanh nóng lòng thúc ngựa phi mau, vượt đi trước, cuối giờ mùi đã đến nơi. Lúc này, ở bìa rừng mé tả đã xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa mấy trăm đao thủ áo xanh của Ngũ Long Bang và một lực lượng áo trắng.

Bọn Bạch y kia sử dụng trường kiếm, đầu chụp mũ sắt, có hai sừng, trông rất quái dị. Hãn Thanh không nhận ra lai lịch của bang hội lạ lùng này, nhưng rất ngạc nhiên trước kiếm pháp hiểm ác của họ.

Xem ra bản lĩnh của các kiếm thủ áo trắng lợi hại hơn hẳn bọn đệ tử của Ngũ Long Bang Vốn là người của Kiếm bang và Tân bang hợp thành. Nhưng lát nữa đây, khi toán tiếp viện tới nơi, có lẽ tình hình sẽ khác hẳn. Chàng đã nhận ra hơn trăm gã áo xanh trên đường là thủ hạ Nam Thiên Quỷ Hồ Thập Bát Trại, vì hông chúng có đeo túi da đựng độc phấn!

Còn có một lực lượng thứ ba đứng ngoài quan chiến. Đó là những hào khách võ lâm đến tìm kho báu. Họ không ưa gì Ngũ Long Bang nên khoanh tay tọa sơn quan hổ đấu.

Dù hiện nay, Ngũ Long Bang đã uy hiếp được hầu hết các phái võ lâm, nhưng đối với đám cao thủ độc hành này thì đành bó tay. Họ ung dung tự tại dong duổi giang hồ, chẳng có gì để mất nên không biết sợ ai?

Võ lâm là chốn tanh máu, ân oán chất chồng, vì vậy, có rất nhiều người giấu kín lai lịch, dùng danh tính giả mà xuất đạo. ít nhất thì việc này cũng giúp họ không bị quan nha đến tận nhà truy bắt vì tội giết người.

Lần này phe Ngũ Long Bang được thống lãnh bởi Bang chủ Hứa Hữu Tinh và Bạch Diện Vũ Sĩ Hà Lai Minh Nam tử của Quỷ Trảo. Hà Lai Minh giờ đây đã trở thành Hộ Pháp của bang.

Đối thủ của họ là ba lão già râu đen tuổi lục tuần, đội mũ sừng bằng bạc.

Phép liên thủ của hai thanh trường kiếm kia rất lợi hại nên song phương vẫn ở thế quân bình.

Toán quân mã tiếp viện của Ngũ Long Bang đã đến nơi, và được dẫn đầu bởi một hán tử tam tuần áo xanh thẫm, ngự trên năm con rồng nhỏ bằng chỉ bạc Giống như Bạch Diện Vũ Sĩ vậy. Còn Hứa Hữu Tinh thì biểu hiện vai trò Bang chủ bằng Ngũ Long thêu chỉ vàng.

Họ Hứa quát vang:

- Tư Không Hộ Pháp! Mau tấn công vào sườn tả!

Hãn Thanh nghe vậy, đoán gã là Tư Không Cổn, con trai Nam Thiên Tổng Giám!

Dung mạo y không thô kệch như Tư Không Nhạ mà lại khá anh tuấn, trắng trẻo. Tuy nhiên, đôi mắt thâm quần vì tửu sắc kia vẫn tỏa ra ánh yêu mị, tà quái!

Tư Không Cổn cười hang hắc:

- Hứa giáo chủ yên tâm, thuộc hạ sẽ quét sạch chúng ngay thôi mà!

Dứt lời, gã ra lênh tấn công. ®o ®nh thân pháp và chất kỳ độc Vạn Hương Lạc Phách lập tức phát huy diệu dụng, loại liền mấy chục tên áo trắng.

Lão già đội mũ sừng bạc vội hú vang, gọi viện binh. Và từ trong rừng mà ra một đạo quân kỳ lạ.

Bọn này đội mũ sừng bằng đồng che kín cả mặt, thân phủ lớp áo da đen bóng. Thanh kiếm của chúng dài và có bản lớn hơn kiếm thường. Độc đáo hơn nữa là đám này không sợ độc và chiến đấu bằng kiếm trận.

Phe Tư Không Cổn đành phải dùng đao và chưởng pháp để đối phó vì chất độc không còn tác dụng. Vòng vây kiếm trận xiết dần lại, hạn chế sự di chuyển của ®o ®nh Thân Pháp và bắt buộc đối phương phải chấp nhận cận chiến.

Giờ đây mới thấy rõ sự lợi hại của hai trăm gã mũ đồng. Họ rất nhanh nhẹn, dũng mãnh và không sợ chết là gì, mỗi nhát kiếm tung ra đều mạnh mẽ như chẻ núi, chẳng hề chùng bước dù vũ khí kẻ địch sắp chạm vào người.

Thì ra họ được lớp bảo y đen bóng kia che chở, làm giảm mức độ tổn thương nên sẳng sàng đổi mạng. Lối đánh của họ đã khiến phe Tư Không Cổn khiếp sợ và thương vong rất nhiều.

Hãn Thanh tự nhủ:

- Chủ nhân của đám người đội mũ sừng kia chắc cũng là kẻ có dã tâm không nhỏ nên mới âm thầm đào luyện một đạo quân kiên dũng như thế này.

Bỗng chàng nghe từ sâu trong rừng vọng ra tiếng hú ai oán của con Đại Bạch, chàng liền thúc ngựa đi ngược trở về, vài chục trượng. Đến chỗ vắng vẻ Hãn Thanh giấu ngựa rồi lướt vào rừng.

Thỉnh thoảng, chàng gặp vài gã áo da, mũ đồng đứng canh gác, nhưng không nỡ giết, chỉ tránh mặt chúng. Thủ pháp Kim Sa ấn có thể đánh vở gạch đá nên dù chúng mặc áo da cũng không thoát chết! Đây chính là phép Cách Sơn Đả Ngưu thất truyền từ lâu, chỉ mình Bất Biệt Cư Sĩ luyện thành, và truyền lại cho Hãn Thanh! Nhưng chỉ sau khi ăn Băng Hỏa Quả, có hơn hoa giáp công lực chàng mới thi triển nổi.

Hãn Thanh định hướng bằng tiếng hú não ruột cao vút của đôi vượn, băng mấy dặm đường rừng, tiến vào trọng địa của bang hội quái dị kia.

Cuối cùng, trước mắt chàng hiện ra một trảng cỏ rộng lớn giữa có một tảng đá khổng lồ, cao đến hai ba mươi trượng, đường kính độ tám trượng, trên dưới bằng nhau như chiếc trụ.

Bốn bề tuy không hoàn toàn nhẳn nhụi nhưng cũng không ai trèo lên nỗi. Do vậy, người nào đó đã khổ công đục lỗ ở sườn Nam, cắm thân gỗ vào để làm thang lên xuống!

Và giờ đây, đôi Tuyết Viên đang vắt vẻo trên lưng chừng thang, cố đẩy lùi bước tiến của bọn mũ sừng đồng. Hỗ trợ cho bọn này là hàng trăm tên mũ sắt trang bị trường cung. Chúng nhắm vào Đại Bạch và bắn như mưa.

Chỉ huy đạo quân này là lão đội mũ sừng bằng vàng diệp, che kín cả mặt, chỉ còn để lộ chùm râu dài đến ngực đen nhánh. Bên cạnh lão ta còn có bẩy lão đội ngân khôi. Hãn Thanh biết mình có xuất hiện cũng chưa chắc cứu được người thân, liền lặng lẽ trèo lên một cây Chương Hương cao vút.

Từ vị trí này, chàng đã nhìn thấy sào huyệt đối phương trong cánh rừng mé tả, cuối trảng cỏ. Hãn Thanh thấy Tiểu Bạch múa tít một cành cây lớn còn cả lá, đánh bạt những mũi tên, che chở cho Đại Bạch giáng chưởng xuống đầu kẻ địch. Chàng yên tâm thi hành kế sách của mình.

Hãn Thanh tuột xuống, cắt rừng đi vòng về phía trọng địa của bọn mũ sừng. Chàng lướt như bay, mặc cho gai góc cào rách bộ y phục trên người.

Nửa khắc sau chàng đã đến nơi, vòng ra phía Nam xem xét. Thì ra toàn bộ công trình nơi đây đều bằng gỗ, mái lợp lá, được bao quanh bởi một phòng tuyến sâu sáu trượng, dầy đặc bụi cây gai độc.

Hãn Thanh đã đọc qua Độc Kinh nên biết đây là loại cây Thiên May Thảo của đất Qúy Châu. Không những gai có độc mà cả mùi hương cũng có thể giết chết được người. Lại thêm bọn ong độc rất thích làm tổ trên cây Thiên May Thảo, vì hoa của loài cây này rất nhiều phấn.

Nhưng Hãn Thanh không có ý định vượt qua phòng tuyến nguy hiểm ấy để vào trong chàng nhắm hướng gió, bật hỏa tập đốt một đoạn dài.

Nắng tháng năm đã làm cho cây cỏ héo úa, khô cằn, chỉ cần một mồi lửa là bốc cháy. Gió Nam lồng lộng đưa ngọn lửa lan vào những bụi cây Thiên May Thảo. Lớp lá rụng tích tụ bao năm dưới gốc cây bốc cháy ngùn ngụt, tiến như vũ bão vào trong.

Tiếng chiêng báo cháy vang dội cả khu rừng vắng, vì tàn lửa đã đáp vào những mái tranh, lá, khiến các kiến trúc phát hỏa, dù lửa chưa lan tới nơi.

Hãn Thanh không cần biết kết quả. Quay lại ngay trảng trống để xem tình hình của đôi vượn. Chàng tin rằng vì có người trên đỉnh tảng đá kia nên Đại Bạch và Tiểu Bạch mới không bỏ đi, mà chống cự quyết liệt như thế!

Lúc này lão già đội Ngưu Giác Kim Khôi đã phát hiện Tổng đàn bốc cháy.

Lão căm hận gầm lên:

- Ngũ Long Bang! Thần Ngưu Giáo ta thề sẽ không tha cho các ngươi.

Lão ta vội vã rút hết lực lượng về chữa cháy chỉ để lại ba tên mũ sắt canh giữ chân tảng đá!

Chờ lão đi khuất, Hãn Thanh lập tức ra tay, chỉ trong một chiêu Thủ Hụy Ngũ Quyền đã điểm huyệt ba gã đệ tử Thần Ngưu Giáo.

Hãn Thanh lướt nhanh trên những thân gỗ. Đại Bạch định vung chưởng giáng xuống thì nghe tiếng hú quen thuộc, ngơ ngác dừng tay. Hãn Thanh nói mau:

- Ta đây mà!

Nhận ra giọng nói của chủ nhân đôi vượn mừng rỡ hú vang, nhẩy đến ôm chàng. Hãn Thanh mang cả hai đi hết những bậc thang cuối cùng, lên đến đỉnh tảng đá.

Trong tòa Tiểu Đình bát giác, mái lợp cỏ kia có hai nữ nhân đang nằm bất động. Hãn Thanh vừa mừng vừa lo, buông đôi vượn rồi chạy đến, tuy gương mặt họ lem luốc và tiều tụy nhưng vẫn là dung mạo của hai người vợ trẻ của chàng. Hãn Thanh lay gọi không được, liền bắt mạch, rồi dùng phép Bảo Nguyên Đại Pháp truyền công lực và phong tỏa mười hai đại huyệt trước ngực.

Phương pháp này sẽ duy trì nguyên khí nơi tâm mạch, chờ đến lúc tìm thấy danh y. Chàng hành động rất nhanh chóng, giao Hà Hồng Hương cho Tiểu Bạch, còn mình ẳm ngửa Lạc Bình. Hai nàng đều mang thai đến tháng thứ năm, bụng nhô cao nên chàng rất cẫn trọng.

Hãn Thanh dặn dò đôi vượn rồi dẫn chúng rời tảng đá, may mà không ai phát hiện ra. Chàng không trở lại chỗ giấu ngựa mà nhắm hướng Đông băng rừng đi thẳng. Xẩm tối mới đến đường quan đạo Bắc Nam.

Cách đấy hơn dặm là Trấn Quế Sơn, Hãn Thanh giao Lạc Bình cho Đại Bạch, bảo đôi vượn chờ ở bìa rừng, rồi vào trấn mua xe song mã mui kín!

Chiều ngày mồng một tháng sáu Hãn Thanh đánh xe vào cửa sau của Vạn An lữ điếm. Lão Hầu gia hân hoan khi thấy hai cháu dâu vẫn còn sống. Hồ Đại Phu, một danh y đất Lạc Dương, vốn là chỗ thân tín của Hầu Phủ lập tức được mời đến. Ông ta ngẹn ngào khi thấy bộ mặt Mộ Dung Cẩn:

- Trời cao có mắt nên lão Hầu Gia đã thoát khỏi cuộc hỏa hoạn kia!

Mộ Dung cười khổ:

- Lão phu đã quá già, sống chết cũng không quan hệ, chỉ mong Hồ Lão đệ cố cứu lấy hai đứa cháu dâu kia!

Hồ đại phu sốt sắng hứa sẽ tận lực. Ông chẩn đoán rất lâu, cuối cùng thở dài bảo:

- Nhị vị thiếu phu nhân đây không hề bị thương hay mắc chứng bệnh gì cả! Lão phu đoán chắc rằng họ bị trúng một loại mê dược gì đấy nên mới mê man thế thôi! Xét tình trạng thai nhi thì có thể đoán họ mới chỉ trúng độc vài ngày nay nếu không thì thai nhi đã chết vì thiếu dinh dưỡng rồi!

Hãn Thanh nhớ đến đống trái cây cạnh hai nàng, liền nhắm mắt cố mường tượng ra.

Trên sàn tiểu đình có khá nhiều hột và vỏ, chứng tỏ Lạc Bình và Hồng Huong vẫn tỉnh táo và ăn uống bình thường. Có lẽ hai con vượn đã hái lầm quả độc nên mới rơi vào tình trạng này.

Cuối cùng, với trí nhớ phi thường, chàng đã tìm ra nguyên nhân:

- Hồ đại phu có biết cây Thiên May Thảo đất biên cương hay không?

Họ Hồ gật đầu, Hãn Thanh hỏi tiếp:

- Tại hạ cho rằng hai nàng đã ăn nhầm quả của cây Thiên May Thảo.

Mong đại phu cho biết cao kiến.

Hồ đại phu ngẩn người suy nghĩ một lúc, vỗ đùi xác nhận:

- Đúng vậy. May mà Hầu gia nhắc nhở, nếu không lão phu chẳng bao giờ nghĩ đến việc ấy, vì Trung Nguyên làm gì có trồng loại độc này?

Hãn Thanh xác nhận:

- Gần nơi giam giữ họ có cả một rừng đầy những cây Thiên May Thảo đang kết trái, và bên cạnh hai nàng cũng có vài quả!

Hồ lão gật gù:

- Nếu đúng như thế thì chẳng có gì đáng lo. lão phu sẽ kê toa giải độc, chỉ ít thang là có kết quả.

Canh hai đêm ấy, có một bóng đen âm thầm đột nhập Tổng đàn Cái Bang ở của Đông thành Lạc Dương. Thân ảnh người này lướt đi nhanh đến nỗi chỉ còn là bóng mờ, nên bọn hóa tử tuần phòng chẳng thể nào phát hiện ra!

Cơ ngơi của ăn mày thì chẳng thể nguy nga, tráng lệ được, có điều, những gian nhà gỗ kia rất rộng và sạch sẽ.

Thấy tầng trên của mộc lâu vẫn sáng đèn, bóng đen lao vút lên ẩn mình trên vây cổ thụ cạnh lan can. Từ đây, gã có thể quan sát và nghe ngóng rất thuận lợi.

Đà La Cái Đặng Vân Nhạc cùng hai vị trưởng lão đang ngồi bên mâm rượu bàn bạc bang vụ.

Lão Hóa Tử có đôi mắt to như mắt trâu kia chính là Truyền Công trưởng lão, Đại Nhãn Cái Cốc Quy Điền. Ông nhăn mặt nói:

- Năm nay hai tỉnh Hồ Nam Giang Tây mất mùa, lê thứ đói khổ nên đệ tử bổn bang càng thảm hại. Quỹ các phân đà cạn kiệt, anh em không có cháo mà cầm hơi. Một số không giữ được khí tiết, trở thành trộm cắp, cường đạo! Nếu Tổng đàn mau chóng hỗ trợ thì thanh danh Cái Bang bị chìm xuống bùn nhơ.

Mong Bang chủ đại ca trổ tài thuyết khách, quyên góp các đại phú trong thành Lạc Dương để có bạc mà gửi xuống Miền Nam.

Đà La Cái thở dài thườn thượt:

- Ta sẽ thử nhưng chỉ được vài trăm lượng, nào có thấm gì so với năm vạn đệ tử hai phủ Giang Tây, Hồ Nam!

Chấp pháp trưởng lão Đường Quân Hạ có cái đầu hói bóng tròn như trái dưa, nên được đặt biệt danh là Qua Tử Cái. Họ Đường trợn mắt nói:

- Năm năm trước, Lưỡng Quảng bị hạn hán, sao đại ca có thể kiếm ra được ba ngàn lượng vàng để cứu đói cho anh em?

Đà La Cái Đặng Vân Nhạc buồn rầu đáp:

- Số vàng ấy là do lão Hầu Gia ban cho, và dặn ta không được nói ra. Nay Hầu Phủ đã cháy rụi. Họ Mộ Dung nhà tan cửa nát, ta còn biết hỏi ai? Hơn nữa, Cái Bang đã bất lực, không cứu được Hầu Phủ, lòng ta thẹn vô cùng!

Đường Quân Hạ vội an ủi:

- Đêm ấy! Quan quân khóa chặt cửa thành, không cho chúng ta qua để cứu viện Hầu Phủ, đấy nào phải lỗi của Cái Bang.

Đại Nhãn Cái tiếp lời:

- Tin từ Giang Nam đưa về báo rằng:

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3