Tam sinh tam thế - Thập lý đào hoa - Chương 11 - Phần 1
Chương 11:
Độ kiếp cũng cần kỹ thuật
Mấy ngày sau đã là ngày mùng một tháng sáu.
Sổ số mệnh của Ti Mệnh Tinh Quân viết không sai, hoàng đế quả nhiên dẫn theo văn võ bá quan cùng các phi tần chơi thuyền trên sông Sấu Ngọc. Từ khi ta vào hoàng cung đến nay, vì không được hoàng đế coi trọng, tuy danh nghĩa là sư phụ của thái tử nhưng chưa từng được phong phẩm trật nào. Nhưng mấy tên quan nhỏ làm việc ở bộ Lễ cũng có con mắt, biết được ta là cao nhân, xếp ta vào hàng bách quan, trên chiếc thuyền rồng chơi sông đó dồn lại mấy viên quan hàng bát phẩm, cũng coi như là có chỗ. Nhưng vị trí này chỉ có thể nhìn thấy gáy của hoàng đế, một cái gáy khác cách hoàng đế khoảng ba trượng, nhang nhác giống Trần quý nhân.
Mão Nhật Tinh Quân cũng rất sĩ diện, trong ngày mà tiểu đệ Nguyên Trinh cùng Đông Hoa Đế Quân song song chịu kiếp nạn, y chiếu rọi gay gắt trên đầu người ta. Giữa bầu không dăm đám mây trôi bồng bềnh, giống như đám hơi nóng sắp tản đi, thật là uể oải.
Sấu Ngọc không phải là con sông rộng, mà thuyền rồng của hoàng đế thì lớn, chiếm đến nửa mặt sông.
Hai bên bờ sông dân chúng chen chúc đông nghịt người, có lẽ trời vừa tang tảng sáng họ đã đến bờ sông để xí vị trí đẹp. Nhưng khúc sông mà hoàng đế du ngoạn này cũng chẳng dài, dân chúng kinh thành thì đông, có rất nhiều người không có chỗ trên mặt đất liền trèo cả lên cây hoặc lên nhà dân gần đó để nhìn.
Đám phu chèo thuyền vất vả vô cùng, vì trên đê bao bờ sông dân chen như nêm, nên phải chèo thuyền ra giữa dòng, không lệch về bờ trái một thước cũng không lệch về bờ phải một thước, để tỏ rõ ơn mưa móc của hoàng đế tưới tắm bốn bể, tất cả như nhau, không thiên vị dân chúng bên bờ trái, cũng chẳng thiên tư bá tính bên bờ phải. Vì đây là hành động cực kỳ tinh tế, có câu rằng chậm mà kỹ, thế nên thuyền cứ từ từ trôi đi.
Dưới ánh nắng mặt trời, người trên thuyền đều bị hun đến mức hai chân run cầm cập.
Buổi trưa đã dần tới. Ta nhét hai chiếc lá vàng vào tay thằng nhóc hoạn quan đang bận rộn sau thuyền, nhờ y đi mời thái tử. Nhóc hoạn quan này chân tay lanh lợi, ta vừa mới nhắm mắt nghỉ một lát, Nguyên Trinh đã vui vẻ chạy tới.
Hôm nay y bận một chiếc áo bào gấm màu xanh da trời thêu hoa, thiếu niên anh tuấn, nhìn thấy ta, cười tươi hớn hở hỏi: “Sư phụ kêu Nguyên Trinh tới không biết có chuyện quan trọng gì không?”.
Tuy y có cái tính hay hỏi rành rẽ ngọn nguồn, nhưng ta đã sớm định liệu, trước tiên im lặng một lát, làm ra vẻ thần bí, vừa túm tay áo vừa than: “Ngực vi sư vừa nãy xuất hiện một luồng đạo quang, rất nhiều huyền lý mà bình thường không hiểu giờ đã rành rẽ, vi sư nhớ tới con luôn một lòng hướng tới đạo pháp, nay đã đắc đạo, muốn truyền lại cho con, chẳng hay con có muốn nghe không?”.
Tiểu đệ Nguyên Trinh lập tức chắp tay, cúi đầu lắng nghe.
Ta nghiêm trang hắng giọng.
Lúc học nghệ ở Côn Luân, ta tuy không có tài năng gì, phàm là bài giảng có liên quan đến chữ “pháp” như Đạo pháp, Phật pháp ta đều học rất qua loa. Nhưng cho dù những giờ giảng năm đó của Mặc Uyên ta đều gà gật, thì trong lúc gà gật cũng nhận được sự hun đúc suốt mấy trăm năm, giảng giải về đạo pháp cho một người phàm trong một canh giờ thì cũng không thành vấn đề.
Ta vừa giảng đạo cho Nguyên Trinh, vừa đợi mỹ nhân định mệnh trong cuốn sổ số mệnh của Ti Mệnh Tinh Quân, thấy trời sắp quá trưa, lòng cũng hơi sốt ruột.
Giảng đến đoạn cuối, Nguyên Trinh muốn nói nhưng lại ngừng lúc lâu, cuối cùng mới chen lời: “Sư phụ, ban nãy đoạn song tu trong phòng, dưỡng khí di thần người đã giảng cả thảy bốn lần rồi ạ”.
Ta hận sắt không thành thép được(*), bèn nói: “Vi sư giảng cả thảy bốn lần là có đạo lý của bốn lần. Con số bốn này tượng trưng cho cái gì, con nên ngẫm kỹ; đoạn đạo pháp nói cái gì, con cũng nên ngẫm kỹ; tại sao vi sư lại chọn đoạn này để giảng bốn lần, con cũng nên ngẫm kỹ; điều cốt yếu nhất của việc học đạo chính là chữ “ngẫm” này, giống như con không hiểu được khổ tâm của vi sư lúc này đây, để tu được đạo thực không dễ đâu”.
(*) Hận sắt không thành thép: Hồi thứ 96, tiểu thuyết Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần có viết: “Chỉ vì Bảo Ngọc không tiến bộ, cho nên ta luôn hận anh ta, cũng chẳng qua là “hận sắt không thành thép được mà thôi”. Ý chỉ vì hy vọng ai đó tiến bộ nhưng không thành thì bất mãn, sốt ruột mong người đó giỏi lên (ND).
Nguyên Trinh xấu hổ cúi gằm mặt.
Vì bị y ngắt lời như thế, ta phải nghĩ một lúc mới nhớ ra mình đang giảng cho y đoạn nào mà tới tận bốn lần? Hầy, tạm thời mặc kệ y, tiếp tục nói về song tu trong phòng, dưỡng khí di thần nào.
Ta giảng khô cả họng, trà đã rót đầy hai bình lớn, mỹ nhân trong cuốn sổ số mệnh của Ti Mệnh Tinh Quân cuối cùng cũng đã xuất hiện.
Thực ra ta chưa nhìn thấy mỹ nhân ấy, vì chỗ ta ngồi là cuối thuyền, đương nhiên nhìn ra xung quanh toàn là các loại gáy của người ta mà thôi, sớm biết mỹ nhân đã xuất hiện, là vì ta nhìn thấy đại bàng cánh vàng luôn bên cạnh Phật Tổ ở Tây Thiên - do Ti Mệnh Tinh Quân không tiếc công sức mượn về - đang quẩn quanh ở chân trời.
Ta sống đã nhiều năm thế này, cũng chưa bao giờ chứng kiến hoàng đế nhảy xuống nước cứu mỹ nhân, khoảnh khắc nữa sẽ được đã mắt, nhất thời máu nóng bừng bừng. Nhưng vì còn phải cầm chân tiểu đệ Nguyên Trinh, nên chí ít cũng phải làm bộ trấn tĩnh, khổ sở nhẫn nhịn.
Tiếng hô hoán của dân chúng ven bờ cũng dần ngớt đi, toàn thuyền lặng phắc, đại bàng cánh vàng vẫn còn là một chấm nhỏ nơi chân trời, hẳn sự im lặng đáng kinh ngạc kia không phải do nó gây nên.
Có lẽ đám người im bặt đó đang mê mẩn trước sự xuất hiện của mỹ nhân.
Tiểu đệ Nguyên Trinh còn đang mê đắm trong cảnh giới của đạo pháp bác đại tinh thâm, không thể tự thức tỉnh, chưa ý thức được cảnh tượng này, ta rất vui mừng, vừa tiếp tục hoằng dương đạo pháp với y, vừa thầm liếc con đại bàng cánh vàng bay đến càng lúc càng gần kia.
Con đại bàng cánh vàng bên cạnh Phật Tổ này vô cùng uy nghiêm, mỗi lần đập cánh bay được ba ngàn dặm, lần này lại sắm vai một con chim thường, nếu bay mạnh mẽ quá thì không hợp, vì thế nó co đôi cánh lại, bay chầm chậm trên bầu trời, chầm chậm lướt qua, hẳn chưa bao giờ nó phải chịu gò bó thế này, nó rủ đầu, dáng vẻ rất tủi hổ.
Ta nhìn thấy đại bàng cánh vàng khổ sở đến giữa khoảng không trên sông Sấu Ngọc, đầu tiên nó khẽ khàng đập cánh lượn một vòng, sau lại khẽ khàng vươn đôi cánh rộng ra một chút, tiếp tục khẽ khàng chúi đầu xuống, lại khẽ khàng bay vọt lên trên. Ta có cảm giác, cả đời này chưa bao giờ nó tao nhã, thoát tục đến như thế.
Nhưng những động tác vừa khiêm nhượng vừa nghiêm trang của nó lại chẳng ra làm sao trong mắt người trần mắt thịt, thế nên họ đều kinh sợ, hò hét đủ kiểu. Một ông lão bên cạnh ta run lên cầm cập, tay chỉ trỏ, miệng lào thào nói: “Trên đời sao lại có con đại bàng to đến thế, con đại bàng này sao mà hung dữ, bay sao mà nhanh thế!”.
Nguyên Trinh vẫn đang đắm chìm trong thế giới đạo học vi diệu, y đang khổ sở suy tư. Ta băn khoăn mỹ nhân kia đáng nhẽ đã phải rơi xuống nước rồi, bèn bình tĩnh chờ Tang Tịch ở đầu thuyền đẩy hoàng đế xuống “tõm” một tiếng.
Đầu thuyền quả nhiên vang lên một tiếng “tõm”, ta sung sướng trong lòng gật gật đầu, rất tốt, Tang Tịch đã đẩy Đông Hoa xuống nước rồi.
Đầu ta còn chưa gật xong thì bên kia đã nghe thấy tiếng Trần quý nhân kêu lên thất thanh: “Bệ, bệ hạ không biết bơi...” rồi tiếp theo lại một tiếng “tõm” nữa vang lên. Tiếp theo rất nhiều tiếng “tõm” khác vang lên.
Ta ngây người ra.
Mẹ ơi.
Nghìn tính vạn tính nhưng lại chẳng tính được kiếp này đầu thai Đông Hoa là một con vịt cạn, làm sao bảo hắn cứu mỹ nhân được đây?
Ta hớt hơ hớt hải chạy đến đầu thuyền, Nguyên Trinh hẳn đã bị tiếng thét lúc nãy của Trần quý nhân làm cho sực tỉnh, vội vàng kích động chạy lên trước ta. Tuy đã vỡ lở như thế này, nhưng bây giờ cũng không thể để Nguyên Trinh rơi xuống nước. Cho dù có liên lụy đến số mệnh của Đông Hoa thì cũng phải thay đổi, vẫn còn tốt hơn là cả hai số mệnh đều không thể thay đổi. Bản thượng thần trong lúc nhốn nháo vẫn giữ bình tĩnh, trong chớp mắt đã đưa ra quyết sách sáng suốt này, nên sống chết giữ chặt tay Nguyên Trinh.
Nguyên Trinh vừa chạy vừa nhìn ta một cái đầy hàm ý rồi lại tiếp tục chạy. Đã có thái tử mở đường, hai chúng ta chạy một mạch đến đầu thuyền, vượt qua ba tầng bảy lớp người, đứng ngay sau lan can ở đầu thuyền.
Từ lan can nhìn ra phía trước.
Đây đúng là một cảnh tượng kỳ lạ.
Khắp sông Sấu Ngọc quan lớn quan nhỏ lóp ngóp lặn ngụp hò hét, kẻ không biết bơi thì vừa sặc sụa vừa kêu cứu, kẻ biết bơi thì bơi qua bơi lại vừa bơi vừa hò hét gọi hoàng đế, gặp phải bạn đồng liêu tuy không biết bơi nhưng cũng nhảy xuống, bèn vừa kéo vừa bơi vừa tìm hoàng đế.
Nhưng vì người trên sông quá nhiều, cuộc tìm kiếm này vì thế mà trở nên thật vất vả.
Ta đứng trên mũi thuyền, cúi xuống nhìn cả quãng sông, nhìn rõ một chút thì thấy hoàng đế bệ hạ mà đám quan tìm kiếm trên sông Sấu Ngọc kia đã nằm trong vòng tay của Trần quý nhân nhỏ bé, đang được chật vật đưa lên thuyền rồng.
Chứng kiến cảnh tượng này, ta đoán rằng sau khi hoàng đế bị Tang Tịch thần không biết quỷ không hay đẩy xuống sông, Trần quý nhân hét lên một tiếng “Bệ hạ không biết bơi” đã thức tỉnh đám người đang say sưa, đám trung thần dưới trướng của hoàng đế để biểu thị lòng trung trinh liền vội vàng nhảy xuống nước cứu giá. Không ít kẻ tuy không biết bơi nhưng, bị ảnh hưởng tâm lý đám đông, cũng cắn răng vén áo nhảy xuống. Còn có một số thành phần lý trí, tuy không mù quáng a dua theo đám đông, nhưng nghĩ rằng người khác nhảy xuống mà ta không nhảy thì biết ăn nói ra sao, bèn bi phẫn mà nhảy theo. Thị vệ bên cạnh hoàng đế tất nhiên là biết bơi, vốn họ chỉ muốn cứu một mình hoàng đế, nhưng lại thấy mấy con vịt cạn nhảy xuống, huống hồ lại là vịt cạn rường cột nước nhà, nên không cứu cũng không được, vì thế đã mệt lại càng thêm mệt. Lúc này, Trần quý nhân đã đưa được hoàng đế lên thuyền, còn thị vệ của hoàng đế phải bận rộn cứu các vị rường cột quốc gia không biết bơi kia.
Nhốn nháo như thế, nên chẳng ai thèm đoái hoài tới mỹ nhân rơi xuống nước trong cuốn sổ số mệnh kia.
Nguyên Trinh chỉ chăm chăm lo cho phụ hoàng của y, đương nhiên cũng chẳng màng đến mỹ nhân rơi xuống nước kia, mấy lần muốn nhảy xuống cứu phụ hoàng y, may mà bị mấy lão đại thần bảy mươi, tám mươi tuổi chưa kịp nhảy xuống sông ngăn lại. Hoàng đế ốc còn không lo nổi mình ốc, làm gì có sức mà quan tâm tới mỹ nhân kia.
Vừa nãy ta nhìn thấy, mỹ nhân kia tự mình bơi vào bờ, vừa khóc vừa lủi thủi đi mất.
Hoàng đế bị ngâm nước tới mức nửa sống nửa chết.
Vì Trần quý nhân là phi tần duy nhất nhảy xuống sông sau hoàng đế, lại còn tự tay cứu hoàng đế lên, địa vị đương nhiên có khác với mọi người... Đám phi tần bị hoàng hậu - người biết đến toàn cục bảo đứng sau một bên khóc lóc thút thít, chỉ còn có Trần quý nhân là có thể bò rạp bên cạnh long thể của hoàng đế, khóc váng trời tối đất: “Bệ hạ - người tỉnh đi - người tỉnh đi - người không thể vứt bỏ thần thiếp như thế”.
Gào rồi lại ôm ngực nôn ra một bụm máu, gào thêm hai câu lại nôn thêm một bụm máu nữa.
Mấy thái y già dày dặn kinh nghiệm đi theo hoảng hốt chạy qua tách Trần quý nhân và hoàng đế ra, phân công rất chuyên nghiệp, mỗi người đều tự mở hòm thuốc của mình, hỏi han bắt mạch riêng cho hoàng đế rồi tới Trần quý nhân.
Chuyến du ngoạn này cuối cùng xôi hỏng bỏng không, thuyền rồng rốt cuộc có thể phát huy sở trường lướt trên sóng nước của nó, những viên quan chèo thuyền không cẩn thận giữ tốc độ lúc trước, sau mệnh lệnh của thái tử, họ đều hô vang giơ cao mái chèo, “soạt” một tiếng, thuyền rồng liền lao vút đi về phía hoàng cung.
Ta nán lại đuôi thuyền, vẫy tên nhóc hoạn quan ban nãy đi mời Nguyên Trinh cho ta, đòi một bình nước lọc. Kiếp số của Nguyên Trinh đã được hóa giải, nhưng lại không may liên lụy đến Đông Hoa và mỹ nhân rơi xuống nước bị bỏ qua kia. Đương nhiên ta biết Đông Hoa thân là chúa của các thần, bao chuyện phiền toái vụn vặt, có thể thu xếp thời giờ để xuống đầu thai một lần ở hạ giới không phải là dễ, lần này cơ duyên trải nghiệm tình kiếp của hắn lại bị ta hủy hoại, ta cũng cảm thấy có lỗi.
Lau hết mồ hôi, uống một ngụm nước, việc lần này của Nguyên Trinh, rốt cuộc bản thượng thần đã thực hiện không êm đẹp.
Tuy rằng đã thực hiện không êm đẹp, nhưng tốt xấu gì cũng đã làm xong.
Bấm tay nhẩm tính, ta đã ở dưới phàm trần suốt mấy ngày, phàm trần giờ đây đâu còn thú vị như năm nào. Ta định ngày mai sẽ đến đạo quán sau hoàng cung, từ biệt bà mẹ đạo cô của Nguyên Trinh, coi như là có trước có sau, rồi quay về Thanh Khâu. Nhưng bây giờ trên người ta không còn một chút pháp lực, làm thế nào để về được Thanh Khâu cũng là một vấn đề.
Trước đó Phượng Cửu có nói với ta, qua lễ sinh nhật của Vi Đà mùng một tháng sáu, đợi Đông Hoa gặp được người con gái mà hắn một lòng một dạ yêu thương, ấy là lúc nó nên đi. Lần này số mệnh của Đông Hoa tuy có bị thay đổi đôi chút, nhưng kết cục thì cũng không can hệ gì nhiều đến nó, còn chưa kể đến chuyện trong cơn nguy hiểm, nó dám bất chấp tính mạng để cứu Đông Hoa, ước nguyện báo ơn đã được thực hiện rồi. Ta ngẫm nghĩ một lát, sau khi mặt trời xuống núi ta sẽ đi tìm Phượng Cửu, ngày mai cùng nó quay về Thanh Khâu.
Ta về Tử Trúc viện đánh một giấc.
Khi đôi tay mềm mại của thị nữ lay ta tỉnh dậy thì trời cũng đã nhá nhem tối.
Thong thả ăn mấy miếng cơm, kêu thị nữ mang một chiếc đèn lồng tới, rồi cùng ta đi tới Hạm Đạm viện.
Ban ngày, người ta thật khó phân biệt đông tây nam bắc ở hoàng cung, về đêm, xung quanh đèn đuốc sáng trưng vàng vàng tối tối, ta đã vào hoàng cung gần hai tháng, nhưng đài nào, điện nào, đều rối như tơ vò. Thị nữ cầm đèn lồng rất tỏ tường đường đi lối lại, còn ta chỉ biết lặng lẽ theo sau, trong lòng không khỏi khâm phục nàng ta.
Đi qua một cái đình trong hoa viên, chẳng ngờ bị tiểu đệ Nguyên Trinh đột nhiên xuất hiện tóm được. Thị nữ cúi mình, chào “Thái tử điện hạ”. Hai tay Nguyên Trinh vẫn giữ chặt tay áo, im lặng gật đầu rồi quay sang nhìn ta, thì thào hỏi: “Nguyên Trinh có việc muốn bàn với sư phụ, chẳng hay sư phụ có thể qua đình kia với Nguyên Trinh không?”.
Đến lại gần nhìn, dáng vẻ của y dường như hơi bối rối, ngại ngùng, lòng ta thoáng run sợ, buổi chiều vì y phải đi thăm cha mình, ta không đi cùng y được, bộ dạng bây giờ của y, chẳng lẽ đã bị sợi chỉ hồng định mệnh quấn lấy mỹ nhân rơi xuống nước rồi sao? Nếu quả như vậy, cuốn sổ số mệnh của Ti Mệnh Tinh Quân quả là ghê gớm.
Nguyên Trinh dẫn ta đến cái đình đó rồi ngồi xuống. Gió từ mặt hồ thổi tới hơi lành lạnh.
Ta nhìn dáng vẻ tình xuân phơi phới của y, không nói gì mà lẳng lặng ngồi xuống ghế đá.
Y cũng ngô nghê, tự vui vẻ hồi lâu, mãi sau mới rón rén lấy từ trong tay áo ra một vật gì đó, đưa đến trước mặt ta tựa như dâng bảo vật: “Sư phụ, người nhìn xem, nó có đáng yêu hay không?”.
Ta đủng đỉnh liếc nhìn vào bàn tay y một cái, rồi thầm than một tiếng trong lòng, Nguyên Trinh ơi là Nguyên Trinh, đứa trẻ như ngươi sao lại khiến người ta lo lắng đến thế, ngươi có biết trong tay người đang giữ thứ gì không?
Quả nhiên tiểu đệ Nguyên Trinh không biết trong tay mình là thứ gì, nhíu mày căng thẳng hỏi: “Trưa nay khi thuyền chuẩn bị cập bờ, vì phải quản bách quan nên Nguyên Trinh rớt lại sau cùng. Bé cưng này rơi từ trên trời rơi xuống, a, khi ấy nó không nhỏ như thế này, đôi cánh dang ra to bằng một nửa gian nhà, cực kỳ oai nghiêm. Vừa nhìn thấy là sà đến người Nguyên Trinh, bé cưng rất biết thương xót người ta, sợ làm Nguyên Trinh bị thương, lập tức thu nhỏ lại như thế này, rồi sà vào lòng Nguyên Trinh”.
Bé cưng đang im thin thít rúc trong lòng bàn tay Nguyên Trinh - đại bàng cánh vàng đậu trước tòa sen của Phật Tổ Như Lai ở đất Phật Tây Thiên, nay thu nhỏ bằng con chim sẻ, tuy rằng nó chỉ nhỏ như con chim sẻ, nhưng toàn thân không bị mất đi màu vàng lấp lánh. Nó đang chúi đầu dưới quầng sáng vàng, dáng vẻ vô cùng ủ dột, sợ sệt, nghe thấy hai tiếng “bé cưng” là lại nhắm nghiền mắt, run lên bần bật. Nhìn kỹ lại, hai chân nó đang đeo một chiếc chuông. Chiếc chuông này là một vật báu, vốn được gọi là chuông khóa tiên, là thứ dùng để giam linh thú, linh cầm ở trên Thiên Đình. Chẳng trách đại bàng cánh vàng không thể khôi phục lại cơ thể, chỉ có thể biến thành miếng thịt nhỏ xíu nằm trên thớt, mặc cho người ta trêu đùa.