Cánh Buồm Đỏ Thắm - Chương 01 - Phần 1

Chương 1. Lời tiên tri

Longren, thủy thủ kỳ cựu mười năm trên tàu Orion trọng tải ba trăm tấn, gắn bó với con tàu còn hơn con quấn mẹ, giờ đây buộc lòng phải thôi việc lên bờ.

Chuyện là thế này. Một bận trở về nhà trong một chuyến nghỉ phép hãn hữu, từ xa xa, Longren không còn trông thấy bóng người vợ trẻ Mary đứng bên ngưỡng cửa đưa tay vẫy, rồi chạy gằn bước đến tức thở lại đón ông như thường lệ. Thay vào chỗ nàng là bà hàng xóm đang thổn thức đứng bên chiếc nôi bé tí tẹo đựng một vật lạ dưới mái nhà bé nhỏ của họ.

- Tôi trông nó ba tháng nay rồi đấy, ông bạn ạ, - bà bảo. - Hãy nhìn con gái ông đi này.

Sững sờ, Longren cúi xuống cái sinh linh tám tháng tuổi đang trân trân nhìn bộ râu quai nón xồm xoàm của ông, rồi ông ngồi phịch xuống, cúi đầu, vắt cặp ria mép ướt đẫm nước mưa.

- Mary mất khi nào? - Ông hỏi.

Bà hàng xóm kể lại câu chuyện thê thảm, chốc chốc lại ngừng để nựng nịu đứa nhỏ và để quả quyết rằng lúc này Mary đang ở trên Thiên đường.

Khi nghe hết sự tình, Thiên đường đối với Longren xem ra chẳng sáng sủa hơn một túp lều gỗ là bao. Ông cho rằng, giá giờ đây ba người bọn họ được ở bên nhau, có lẽ ánh đèn dầu tầm thường kia đối với người thiếu phụ đã vĩnh viễn đi vào cõi mịt mờ chẳng ai biết ấy sẽ vẫn cứ là một niềm hân hoan không gì thế chỗ nổi.

Ba tháng trước, tình cảnh người mẹ trẻ thật là cơ cực. Số tiền ông Longren để lại đã phải tiêu mất một nửa cho bệnh hậu sản, rồi còn phải nuôi nấng đứa trẻ mới ra đời. Cuối cùng, sự thâm hụt không thể bù đắp đã khiến Mary phải cất lời hỏi vay tiền của chủ quán rượu Menners, người được coi là khá giả trong vùng.

Khoảng sáu giờ chiều, Mary tìm đến nhà gã chủ quán. Gần bảy giờ, người kể lại chuyện gặp nàng gần nơi cổng thành Liss. Mary thẫn thờ, nước mắt lưng tròng. Nàng bảo phải vào thành phố để cầm chiếc nhẫn cưới. Nàng nói thêm rằng, Menners sẽ đồng ý cho vay tiền nếu nàng để cho lão yêu mình. Mary cầu khẩn mãi cũng vô ích.

- Nhà tôi chẳng còn gì mà ăn nữa, - nàng bảo bà hàng xóm, - tôi vào thành phố đây, mẹ con tôi sẽ tìm ra cách cầm cự cho đến khi chồng tôi trở về.

Buổi tối hôm ấy lộng gió và buốt lạnh. Người kể lại chuyện khuyên giải thế nào cũng không ngăn được nàng vào thành Liss lúc đêm hôm. “Chị sẽ bị cảm mất, Mary ạ. Trời đang mưa, lại gió nữa. Nhìn kìa, thế nào cũng có mưa rào mất thôi.”

Từ xóm duyên hải này vào thành phố, cả đi về phải mất đến ba tiếng đồng hồ đi bộ thật nhanh, nhưng Mary khăng khăng không chịu nghe. “Tôi làm phiền mọi người nhiều quá rồi, - nàng nói, - chẳng còn nhà nào là tôi không vay bột hay bánh mì. Tôi sẽ cầm cái nhẫn. Thế là ổn.”

Nàng ra đi, rồi trở về. Ngày hôm sau, nàng lên cơn sốt cao và chuyển sang mê sảng. Thời tiết xấu cùng gió ẩm đã làm nàng viêm phổi nặng, ông bác sĩ mà bà hàng xóm tốt bụng mời từ thành phố đến đã nói vậy. Một tuần sau, chiếc giường đôi của ông Longren còn lại trống không. Bà hàng xóm phải chuyển sang ở nhà ông để chăm sóc đứa nhỏ. Đối với kẻ góa phụ cô đơn như bà, điều này cũng không đảo lộn gì mấy. “Vả lại, - bà nói thêm, - không thì cũng buồn lắm.”

Ông Longren quay vào thành phố, lĩnh tiền công, chia tay với bạn bè thủy thủ để trở về nuôi nấng bé Assol bé bỏng. Khi cô bé còn đi chập chững, bà hàng xóm vẫn ở lại bên nhà họ, thay người mẹ chăm nom đứa con côi cút. Nhưng khi bé Assol vừa đi vững, nâng được bước chân nhỏ xíu qua ngưỡng cửa, ông Longren quả quyết rằng, ông sẽ tự mình chăm lo được cho đứa con thơ. Sau khi ngỏ lời cảm ơn bà góa đã cảm thông, giúp đỡ bố con ông một thời gian dài vừa qua, ông khẳng định mình sẽ sống độc thân, dành hết tâm lực, tình yêu, hy vọng cùng hoài niệm cho cái sinh linh nhỏ bé kia.

Mười năm bôn ba chẳng đem lại cho ông mấy của nả. Ông lại bắt tay vào làm việc. Chẳng bao lâu sau, những món đồ chơi ông làm xuất hiện trong khắp các cửa hiệu thành phố, nào là tàu, ca nô, thuyền một buồm, hai buồm, rồi cả những tàu thủy, chiến hạm… Tóm lại, là những thứ mà khi làm chúng, ông cảm thấy công việc có thể thay thế phần nào cho cuộc sống ầm ào trên boong tàu cùng công việc biển khơi xiết bao ngoạn mục. Công việc này giúp ông Longren kiếm vừa đủ cho một cuộc sống tằn tiện. Là người bản tính ít giao du, sau khi vợ chết, ông lại càng thu mình và càng trở nên khép kín và ít giao du hơn. Vào các dịp lễ hội, thi thoảng ông cũng xuất hiện trong quán rượu, nhưng chẳng bao giờ ngồi lại, chỉ đứng uống vội một cốc vodka rồi đi luôn, ném ra xung quanh những câu “vâng”, “không”, “xin chào”, “tạm biệt”, “cũng tàm tạm”… cụt lủn để đáp lại những câu chào, cái gật đầu của hàng xóm láng giềng. Ông không chịu được khách khứa, thường đuổi khéo họ bằng những ám chỉ, lý do lý trấu tự nghĩ ra, khiến khách đến chơi chẳng có cách nào khác là phải tìm cớ để không nán lại lâu. Bản thân ông cũng chẳng thăm viếng ai bao giờ. Do vậy, giữa ông và những người trong vùng duy trì một mối quan hệ lạnh nhạt. Và dù công việc của ông - làm đồ chơi - chẳng liên quan mấy đến mọi sinh hoạt trong vùng, ông cũng không thể không nhận thấy hậu quả của mối quan hệ này. Hàng hóa nhu yếu, đồ ăn dự trữ ông đều mua trong thành phố - Menners chẳng bán được gì cho ông, dù một que diêm nhỏ. Ông tự đảm đương mọi việc nội trợ và nhẫn nại mày mò cái nghệ thuật nuôi nấng đứa con gái nhỏ - thứ công việc chẳng phải là thiên chức của người đàn ông.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Assol đã lên năm. Người cha bắt đầu nở nụ cười ngày thêm dịu dàng mỗi khi ngắm nhìn gương mặt nhỏ nhắn linh hoạt và hồn hậu của đứa con gái khi nó ngồi lên gối cha, bận bịu khám phá chiếc áo gilê cài kín cúc của ông, hoặc cất tiếng hát một cách ngộ nghĩnh những bài hát thủy thủ, những khúc ca ầm ào hoang dã. Giọng con trẻ ngọng líu ngọng lô khiến những khúc hát giống như một chú gấu thắt những dải nơ xanh đang nhảy múa. Thời gian này đã xảy ra một chuyện mà bóng đen của nó phủ kín người cha, trùm lên cả đứa con.

Một hôm, thằng Hin - đứa con mười hai tuổi của Menners - trông thấy chiếc thuyền của cha nó bị nước cuốn đập vào chân cây cầu nhỏ và vỡ mạn thuyền nên lập tức chạy về mách cha nó. Cơn bão vừa kéo tới, Menners đã quên không kéo thuyền lên bãi cát. Lão chạy vội ra phía biển, còn kịp nhìn thấy ông Longren đang đứng hút thuốc ở rìa đập chắn sóng, quay lưng về phía lão. Trên bờ, ngoài hai người họ ra, chẳng có một ai. Menners đi dọc theo chiếc cầu, đến giữa cầu, lão tụt xuống dòng nước đang cuồn cuộn điên cuồng và cố tránh dòng xoáy của nó.

Leo được lên thuyền rồi, lão loay hoay tìm cách vào bờ, tay vẫn bám chặt vào một chân cầu. Lão quên không mang theo mái chèo, và chính vào khoảnh khắc khi lão rời tay khỏi chân cầu này để với sang chân cầu tiếp theo, một cơn lốc mạnh đã xoáy mũi thuyền của lão ra khơi. Giờ đây, dù thân hình dài nghều, lão cũng chẳng làm sao với nổi tới cái chân cầu gần nhất. Sóng và gió vần vũ, dần đẩy chiếc thuyền ra khơi xa hung hiểm. Hiểu rõ tình cảnh của mình, Menners toan nhảy xuống nước hòng bơi thoát thân vào bờ, nhưng lão quyết định quá muộn, bởi chiếc thuyền đã bị cuốn đến gần đập chắn sóng, nơi nước sâu đáng kể và những đợt sóng mạnh dẫn đến cái chết không tránh khỏi. Menners đang bị cuốn dần ra khơi xa dông gió còn cách Longren chừng mười sazhen(1), ở khoảng cách ấy vẫn còn có thể cứu được bởi trên cầu có treo một cuộn dây neo bằng chão bện. Cuộn chão treo ở đó để phòng khi trời dông bão có thể quăng xuống cứu hộ từ trên cầu.

(1) 1 sazhen = 2,134m.

- Longren! - Menners đang sợ hãi đến chết khiếp gào gọi. - Sao anh đứng đực ra thế? Không nhìn thấy tôi bị cuốn đi sao? Quăng dây neo ra đây!

Ông Longren lặng thinh, bình thản nhìn Menners đang cuống quýt trên con thuyền, chỉ có chiếc ống tẩu của ông càng nhả khói tợn hơn và ông thong thả rút nó ra khỏi miệng để nhìn mọi sự đang diễn ra rõ ràng hơn.

- Longren! - Menners lại gọi. - Anh có nghe tiếng tôi không? Tôi sắp chết rồi đây, cứu tôi đi!

Nhưng ông Longren không đáp một lời, dường như ông không nghe thấy những tiếng gào thét tuyệt vọng đó. Ông chẳng thèm đổi chân chừng nào chiếc thuyền còn chưa bị cuốn ra xa, đến độ hầu như không còn nghe thấy tiếng gào thét của Menners nữa. Menners rền rĩ trong nỗi kinh hoàng, van nài người thủy thủ chạy đi cầu cứu đám dân chài, hứa hẹn tiền bạc, rồi đe dọa, rồi nguyền rủa, nhưng ông Longren chỉ tiến đến sát hơn nữa rìa đập chắn sóng cho tầm mắt khỏi bị khuất bóng con thuyền đang lăn lộn giữa sóng nước.

- Longren, - tiếng kêu cứu âm âm như từ trên mái dội xuống lòng nhà, - cứu tôi với!

Khi đó, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, Longren quát thật to để gió không thể cuốn bay một lời nào ông phát ra:

- Cô ấy đã van xin mày như thế! Mày hãy nhớ để đời và chớ có quên!

Khi đó, tiếng kêu cứu câm bặt và Longren quay trở về nhà. Khi Assol tỉnh giấc, nó thấy cha mình đang ngồi chìm đắm trong suy tư bên ngọn đèn dầu thoi thóp. Nghe tiếng con gái gọi, ông hôn con âu yếm và đắp lại chăn cho nó.

- Ngủ đi, con yêu, - ông nói, - trời còn lâu mới sáng.

- Cha làm gì đấy?

- Cha vừa làm một thứ đồ chơi xấu xa, Assol ạ! Thôi ngủ đi con!

Ngày hôm sau, dân tình ở Kaperna bàn tán xôn xao về chuyện Menners bị bão cuốn đi mất tích. Đến ngày thứ sáu thì người ta đem được lão về, dở sống dở chết và tràn đầy cay cú. Câu chuyện về lão nhanh chóng bay đến mọi ngõ ngách thôn làng. Menners bị cuốn đi mãi đến tận chiều tối, đúng lúc chiếc thuyền bị những con sóng dữ quật cho rách nát và thủng đáy chỉ chực hất lão chủ quán đang phát điên xuống biển khơi thì lão được chiếc tàu thủy Lucretia trên đường đến Kasset vớt lên. Cơn cảm hàn và nỗi kinh hoàng khủng khiếp đã giết chết Menners. Lão gắng cầm cự được khoảng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, luôn miệng nguyền rủa Longren sẽ phải chịu mọi tai ương có trên đời cùng những hiểm họa lão còn kịp nghĩ ra. Câu chuyện của Menners - rằng thủy thủ Longren đứng xem lão chết mà không cứu - được minh họa hùng hồn thêm bởi hơi thở nặng nhọc cùng những tiếng rên rỉ của kẻ hấp hối đã khiến dân chúng ở Kaperna sửng sốt, kinh hoàng. Thôi nói đến chuyện ít người trong bọn họ còn có khả năng nhớ được như sự lăng nhục nặng nề mà Longren phải chịu hay phải mang nỗi đau khủng khiếp đến hết đời như Longren phải đau về người vợ Mary; họ cảm thấy gớm guốc không thể hiểu nổi, họ sững sờ bởi Longren đã im lặng. Im lặng, đến những câu cuối cùng ông ném theo Menners. Longren đứng, đứng không động đậy, nghiêm khắc và lặng thinh, như một quan toà, biểu thị sự khinh bỉ đối với Menners. Sự lặng thinh của ông còn hơn cả lòng căm hận, ai ai cũng cảm nhận được. Nếu như ông gào thét lên, biểu thị ra cử chỉ, hoặc làm ra vẻ hoan hỉ đầy ác ý, thậm chí là một hành động gì đó như sự đắc ý trước cảnh tuyệt vọng của Menners, đám dân chài còn có thể hiểu được. Nhưng ông lại làm khác hẳn những gì họ vẫn làm, ông đã hành động không cách gì hiểu nổi, khiến bản thân đứng cao hơn tất thảy mọi người. Tóm lại, Longren đã làm cái điều không thể tha thứ được. Chẳng còn một ai chào hỏi ông, bắt tay ông, thậm chí đánh cái nhìn quen biết về phía ông nữa. Ông vĩnh viễn bị bỏ lại hẳn trong mọi sinh hoạt của xóm làng. Đám trẻ con luôn kêu tướng lên theo mỗi bận nhìn thấy ông: “Longren dìm chết Menners!”. Ông chẳng thèm để tâm đến những điều đó. Cũng như ông dường như chẳng hề nhận thấy nơi quán rượu, bên bờ biển, giữa các con thuyền, đám dân chài ngừng chuyện trò khi ông lại gần, rồi bỏ đi chỗ khác như tránh một con bệnh dịch hạch. Chuyện xảy ra với Menners càng củng cố vững chắc mối quan hệ lạnh nhạt trước đó giữa họ và Longren. Như chén nước tràn, lòng hận thù chắc chắn từ hai phía nảy sinh, trùm bóng lên cả bé Assol.

Cô bé lớn lên không có bạn gái. Hai, ba chục đứa trẻ cùng trà với cô ở Kaperna được nuôi nấng như lũ hải miên(2) trên sóng nước, chịu nếp dạy dỗ khắc nghiệt từ khi còn đỏ hỏn, rằng uy tín của các bậc sinh thành là bất di bất dịch. Chúng tuân phục điều đó như mọi đứa trẻ trên thế gian và đương nhiên đã gạt bỏ vĩnh viễn Assol bé nhỏ khỏi vòng quan tâm và che chở của mình. Định kiến ấy, tất nhiên dần dà được nhồi nhét vào đầu óc chúng bởi những tiếng quát nạt cùng với sự cấm đoán gắt gao của người lớn, rồi sau đó những điều ong tiếng ve, những lời đồn đại nhảm nhí bị thổi phồng lên quá đáng lại gieo vào đầu óc lũ trẻ một niềm khiếp đảm về ngôi nhà của người thủy thủ nọ.

(2) Bọt biển

Thêm nữa, cách sống khép mình của ông Longren càng như chắp thêm cánh cho miệng lưỡi ngông cuồng của sự đơm đặt. Dân tình xì xào rằng, gã thủy thủ đã phạm tội giết người ở đâu đó, vậy nên gã mới bị đuổi khỏi tàu; bản thân gã u ám và lánh đời vì rằng gã “đang bị lương tâm giày vò bởi tội lỗi đã phạm phải”. Bọn trẻ đang chơi đùa thường xua đuổi Assol mỗi khi con bé mon men lại gần chúng, rồi còn ném rác bẩn về phía cô bé, chòng ghẹo rằng cha nó hình như từng ăn thịt người, còn bây giờ thì đang đúc tiền giả. Mọi cố gắng thơ ngây nhằm xích lại gần của cô bé luôn kết thúc bằng những giọt nước mắt cay đắng, những vết thâm tím, bầm xước và các biểu hiện khác của định kiến xã hội. Cuối cùng cô bé đã thôi giận hờn, nhưng đôi khi vẫn hỏi người cha:

- Cha ơi, vì sao mọi người không yêu cha con mình?

- Ồ, Assol ơi, - ông Longren nói, - họ mà biết yêu ư con? Phải biết yêu đã con ạ, mà cái đó thì họ đâu có biết.

- Thế là sao ạ, biết yêu ấy?

- À, là thế này đây!

Ông cầm tay cô bé và hôn chụt lên đôi mắt rầu rĩ của nó, đôi mắt lúc này đã nheo tít lại bởi niềm hân hoan dịu dàng.

Trò yêu thích của Assol là vào các buổi chiều tối hay dịp lễ, khi cha nó đã gác các thứ hộp giấy, hồ dán, đồ nghề làm việc cùng những công việc còn dang dở sang một bên, tháo bỏ tạp dề, ngồi xuống nghỉ ngơi với chiếc tẩu trên môi, nó sẽ sà đến ngồi lên đùi cha, cựa quậy trong vòng tay ông, sờ mó từng bộ phận của từng món đồ chơi, hỏi cặn kẽ ý nghĩa của từng thứ đó. Thế là bắt đầu một bài giảng huyễn tưởng về cuộc sống và con người mà nền tảng chủ yếu dựa vào những sự kiện đã xảy đến trong cuộc sống trước đây của ông Longren, đều là những câu chuyện kỳ lạ, khác thường. Ông Longren dạy cho cô bé biết tên gọi của các loại chão thừng, cánh buồm, những đồ nghề đi biển; dần dần, bị cuốn hút, ông chuyển từ giảng giải sang mô tả tỉ mỉ đủ kiểu các tình tiết, trong đó nhân vật chính khi thì bánh lái, lúc lại là cột buồm hay một kiểu thuyền nào đó, hoặc đang từ những minh họa riêng rẽ ông chuyển sang mô tả bức tranh toàn cảnh hùng vĩ của cuộc đời phiêu bạt nơi biển khơi, lẫn lộn giữa hiện thực với dị đoan, có khi hiện thực lại biến thành những huyễn ảnh trong trí tưởng tượng. Từ đây, xuất hiện giống mèo cọp mang điềm báo đắm thuyền; giống cá bay biết nói nếu không nghe lời tiên báo của chúng sẽ không tránh khỏi tiêu ma vì mất phương hướng; và truyền thuyết về Người Hà Lan bay song hành cùng bộ sậu điên cuồng của nó rồi thì những điềm báo, ma quỷ, tiên ngư hay cướp biển… Tóm lại là tất cả những chuyện hoang đường được bịa ra để giết thời gian của đám thủy thủ trong những ngày biển lặng hay nơi quán rượu họ ưa thích. Ông Longren còn kể về những kẻ đắm tàu, những người rừng quên cả tiếng nói, những kho báu bí hiểm, những cuộc nổi loạn của tù khổ sai và nhiều thứ chuyện khác nữa... khiến cô bé chăm chú say sưa lắng nghe còn hơn cả khi người ta lần đầu nghe chuyện Columbus khám phá ra miền đất mới. “Nào cha, cha kể nữa đi!” - Assol đòi khi ông Longren mải nghĩ ngợi đến quên cả kể chuyện và rồi cô bé gối đầu lên ngực cha, ngủ thiếp đi cùng với những giấc mơ kỳ diệu.

Cuộc viếng thăm của người lấy hàng từ cửa hiệu đồ chơi trong thành phố cũng là một niềm vui rất đáng kể đối với bé Assol. Người này luôn sẵn lòng mua hết mọi thứ đồ chơi ông Longren làm. Để lấy lòng ông bố và để việc mua bán được dễ dãi, ông này thường đem đến cho cô bé đôi trái táo, cái bánh nướng ngọt hoặc một nắm hạt dẻ. Longren vốn không thích cò kè, thường nói luôn giá bán, còn người lấy hàng lại luôn xin hạ bớt. “Ê cái nhà anh này, - ông nói, - tôi mất cả tuần để làm chiếc thuyền này đấy. (Chiếc thuyền dài đến năm inch.) Nhìn đây, chắc chắn thế này, phần chìm thế này, chất lượng thế này. Có thể chở mười lăm người trong bất kỳ thời tiết nào.”