Cánh Buồm Đỏ Thắm - Chương 02 - Phần 1
Chương 2. Gray
Nếu như Caesar nhận thấy rằng, thà làm số một ở nhà quê còn hơn đứng số hai ở thành Rome, thì Arthur Gray không thể suy bì gì được với ước nguyện thông thái ấy của Caesar. Chàng sinh ra để trở thành một thuyền trưởng, ước mong và đã trở thành thuyền trưởng.
Tòa lâu đài nơi chàng sinh ra, tối tăm ở bên trong và bề thế ở bên ngoài. Mặt tiền lâu đài là một vườn hoa nối liền với một phần của khu vườn lớn. Những giống uất kim hương quý hiếm nhất: xanh ánh bạc, tím và đen ánh hồng, uốn mình thành luống, như những chuỗi hạt quăng xòa trên bãi cỏ. Cây lưu niên trong vườn mơ màng tỏa bóng râm nhập nhoạng xuống đám cỏ lác mọc bên con lạch nhỏ. Tường vây bao quanh lâu đài - một lâu đài thực sự - gồm những hàng cột gang xoắn, nối với nhau bởi những lớp hoa văn sắt. Trên đỉnh mỗi cột gang là một cái chậu nhỏ xòe rộng hình hoa huệ tây lộng lẫy. Vào những dịp lễ tết, những cái chậu nhỏ này sẽ được đổ đầy dầu, thắp bừng lên những quầng lửa sáng rực rỡ giữa bóng đêm.
Cha mẹ Gray là những nô lệ hợm hĩnh, bắc bậc của chính địa vị, sự giàu sang và những lề luật trong xã hội đã sinh ra họ - một xã hội mà khi nói đến nó họ có thể xưng là “chúng ta” được. Một phần tâm trí họ bị chiếm lĩnh bởi cái gallery chứa đầy chân dung các bậc tổ tông, dù khó có thể gọi đó là một gallery; còn phần khác là những trăn trở làm sao để duy trì và phát triển cái gallery đó: bắt đầu từ cậu bé Gray - người đã được định sẵn cả một kế hoạch sẽ phải nối gót cha ông như thế nào để khi được treo trên tường kia, chân dung của cậu sẽ không làm hổ danh gia tộc.
Trong kế hoạch đó lại để sót một lỗi nhỏ: Arthur Gray được sinh ra với một tâm hồn phong phú, sống động, tràn đầy nhựa sống, chẳng hề có thiên hướng kế tục hay làm rạng danh dòng dõi của gia đình.
Tính linh lợi của cậu bé đã bộc lộ từ năm thứ tám trong cuộc đời cậu, dưới dáng dấp một trang hiệp sĩ đầy những ý tưởng kỳ cục, kẻ kiếm tìm và là kẻ chuyên làm những điều khác lạ. Điều đó có nghĩa là luôn lãnh về mình hằng hà sa số những trách nhiệm khác nhau trong cuộc sống, trách nhiệm gian nguy và đáng xúc động nhất - vai trò tiên tri. Người ta có thể thấy ngay điều này khi cậu bé Gray đặt một chiếc ghế cạnh tường và leo lên hòng với tới bức tranh Chúa bị đóng đinh câu rút. Cậu bé nhổ chiếc đinh từ bàn tay thấm máu của Jesus - hay nói cho đơn giản là quét đè một lớp sơn xanh cậu lấy trộm được của ông quét vôi lên lớp màu đỏ. Xong xuôi đâu vào đó, cậu thấy bức tranh trông đã dễ nhìn hơn nhiều. Và mải mê công việc ấy, cậu bắt đầu quét phủ cả lên vết đinh ở chân Chúa. Nhưng cậu đã bị ông bố tóm được. Ông xách tai, nhấc cậu khỏi chiếc ghế và cật vấn:
- Tại sao con phá hỏng bức tranh?
- Con không phá.
- Đây là tác phẩm của một họa sĩ nổi tiếng.
- Con chẳng quan tâm, - Gray nói, - con không thể để người ta đóng đinh vào tay và làm chảy máu người khác ngay trước mặt mình được. Con không muốn như vậy.
Nghe con trả lời, Lionel Gray giấu nụ cười sau bộ ria, biết rằng mình sẽ không trừng phạt cậu con trai.
Gray
tìm hiểu tòa lâu đài không biết mệt mỏi và khám phá được vô số điều đáng kinh ngạc.
Trên gác thượng cậu tìm thấy một bộ đồ hiệp sĩ bằng thép, những cuốn sách bện bằng
sắt và da, những bộ trang phục đã mủn và từng bầy chim bồ câu. Trong hầm chứa rượu
vang, cậu thu nạp những kiến thức kỳ thú về các loại rượu Laffitte, Madeira và anh
đào. Ở đây, dưới làn ánh sáng đùng đục xuyên qua lớp ô kính cửa sổ nhọn hoắt cùng
những cửa tò vò chéo hình tam giác, là những thùng tônô nhỏ to đủ loại. Cái lớn
nhất, to bè, nhẵn nhụi, chiếm cả phần tường trước của nhà hầm, sẫm màu, gò bằng
thứ gỗ sồi bách niên lên nước bóng loáng. Nằm giữa đám thùng tônô là những chiếc
giỏ đan đựng các chai thủy tinh bụng phình màu xanh xanh. Xuyên qua kẽ đá và lớp
đất nền là những đám nấm xam xám cuống khẳng khiu, chen chúc nhau mọc lên; mùi mốc
meo, ẩm ướt, mùi chua nồng, ngột ngạt và mùi rêu ám khắp mọi nơi. Từ trong góc xa
kia, những tia nắng cuối ngày dát vàng lên một tấm mạng nhện khổng lồ. Còn chỗ này
chôn hai thùng rượu Alicante loại ngon nhất, cất từ thời Cromwell. Bác trông hầm
rượu, khi chỉ các góc trống trải cho Gray, không bỏ lỡ cơ hội kể lại lần nữa câu
chuyện về cái hầm mộ nổi tiếng - nơi quản các thi hài còn sống động hơn cả đàn chó
Fox Terrier đang sống kia. Mở đầu câu chuyện, người kể không quên kiểm tra xem cái
vòi ở thùng rượu có vặn được trơn tru không. Khi rời khỏi đó với tiếng thở phào
nhẹ nhõm, trong cặp mắt bác ta lấp lánh ánh
mãn nguyện.
- Đấy, - bác Poldichoque nói với Gray, vừa ngồi xuống chiếc hòm rỗng, hít một hơi thuốc lá qua cái mũi nhọn hoắt, - cháu nhìn thấy chỗ này chưa? Ở đó chứa thứ rượu vang mà bất kỳ gã nghiện ngập nào trên đời cũng sẵn sàng chịu bị cắt lưỡi để được thưởng thức một ly nhỏ. Mỗi thùng chứa một trăm lít thứ chất lỏng đánh thức tâm can và biến thân thể con người ta thành thứ bột nhão mềm. Thứ vang màu anh đào sẫm và đặc quánh đến không chảy khỏi chai được. Nó dẻo mềm như kem sữa loại xịn, được chứa trong những thùng gỗ sẫm màu, rắn như sắt, đánh hai lớp đai đồng đỏ. Trên đai thùng có ghi dòng chữ Latin: “Ngài Gray sẽ uống tôi trên Thiên đường”. Dòng chữ này được diễn giải một cách bất nhất và dài dòng. Cụ tổ cháu - cụ Simeon dòng dõi cao quý - khi xây dựng khu nhà nghỉ, đã đặt tên cho nó là “Thiên đường”, và nghĩ bằng cách này cụ đã hài hòa được câu châm ngôn huyền bí với hiện thực bằng một sự dí dỏm vô hại. Nhưng cháu biết sao không? Cụ đã qua đời khi vừa bắt tay vào phá đai thùng rượu. Bị vỡ tim, cụ già ưa ngọt đó hồi hộp quá mà. Thế là cho đến tận giờ, chẳng ai dám đụng đến cái thùng ấy nữa. Có người cho rằng, thứ vang quý giá này sẽ mang đến điều bất hạnh. Thực ra, con nhân sư Ai Cập cũng chẳng đưa ra câu đố nào hóc hiểm như thế. Sự thật là nó đã hỏi một nhà thông thái: “Ta có nên ăn thịt nhà người như đã xơi tất cả hay không, hãy nói cho thật thì sẽ được tha mạng.” Nhưng nếu nghĩ cho kỹ thì...
- Hình như, cái vòi lại rỏ giọt, - bác Poldichoque tự cắt ngang câu chuyện của mình, bước vội vào góc nhà, vặn chặt cái vòi lại, rồi quay trở ra cùng nét mặt rạng rỡ, hồ hởi.
- Phải, cứ nghĩ cho thật chín, nhưng cái chính là đừng có mà vội vàng, nhà thông thái lẽ ra phải bảo con nhân sư: “Ta cùng uống đi, anh bạn, rồi anh sẽ quên phứt những điều ngu ngốc kia!” “Ngài Gray sẽ uống tôi trên Thiên đường!” Phải hiểu thế nào nhỉ? Thế nghĩa là cụ sẽ uống nó trên Thiên đường à? Thế thì lạ thật. Vậy tức là cụ là Thánh, dĩ nhiên cụ không uống rượu vang, mà cũng chẳng uống loại vodka thường. Còn nếu cứ cho rằng “Thiên đường” có nghĩa là hạnh phúc đi, thì khi ấy lại đặt ra một câu hỏi, mọi hạnh phúc đều sẽ mất đi phân nửa cái lấp lánh của nó khi kẻ hạnh phúc lại còn phải tự hỏi mình: Có phải là Thiên đường không nhỉ? Đấy, sự thể là thế đấy. Để uống thứ vang từ cái thùng này và vui cười một cách thoải mái, cậu bé của tôi ạ, vui cười rõ thoả thuê, cần phải một chân giẫm trên mặt đất, còn chân kia thì lơ lửng giữa trời. Còn một giả thuyết thứ ba nữa, rằng đó là ám chỉ cái lúc ngài Gray uống rỗng cả thùng rượu và say bí tỉ như đang được tọa hưởng cái lạc thú bồng bềnh ở nơi Thiên đường. Thế nhưng, cậu bé ạ, đó lại không còn là điều tiên tri thành sự thật nữa, mà là màn lộn xộn ở quán rượu mất rồi.
Khẳng định lại một lần nữa, rằng cái vòi đã được vặn lại chắc chắn, bác Poldichoque kết thúc một cách ai oán:
- Cái thùng này cụ tổ John Gray của cháu mang từ Lisbon về năm 1793, trên con tàu “Beagle”; tiền chi cho rượu mất tới hai ngàn đồng Piaster(3) vàng. Dòng chữ trên thùng rượu do Benjamin Ellian - thợ rèn vũ khí bậc thầy ở Pondisherry - khắc. Cái thùng được vùi sâu tới sáu foot(4) và rắc một lớp dày thứ tro đốt từ dây nho. Thứ vang này chưa ai từng được uống, chưa ai nếm thử và sẽ chẳng có ai được uống.
(3) Tiền cổ Tây Ban Nha.
(4) Đơn vị đo của Anh, 1 foot = 30,5cm.
- Cháu sẽ uống nó, - một bận cậu bé Gray giậm chân quả quyết vậy.
- Một anh chàng dũng cảm đây! - Bác Poldichoque nhận định. - Cháu sẽ uống nó ở Thiên đường hẳn?
- Tất nhiên. Đây Thiên đường!... Nó ở chính trong cháu đây, bác nhìn thấy chưa? - Gray khẽ cười, xòe bàn tay bé nhỏ của mình ra. Bàn tay mềm nhưng đã có những nét rắn rỏi, hứng lấy nắng trời; rồi cậu bé nắm chặt tay lại thành nắm đấm. - Đây, nó ở đây!... Thoắt ẩn thoắt hiện...
Vừa nói, cậu vừa xòe bàn tay ra, rồi lại nắm chặt vào. Cuối cùng, khi đã thỏa mãn với trò đùa của mình, cậu chạy vụt lên trước bác Poldichoque, theo cầu thang tối om xuống hành lang tầng dưới.
Gray bị cấm chỉ không được xuống nhà bếp. Nhưng một khi đã khám phá ra cái thế giới kỳ lạ bốc hơi mù mịt bởi những cái bếp lò ngùn ngụt lửa, những lớp bồ hóng, những tiếng xèo xèo, tiếng ùng ục của món hầm đang sôi, tiếng dao thớt cùng những mùi vị ngon lành, cậu bé luôn tận tình thăm viếng cái cấm địa mênh mông ấy. Các đầu bếp chuyển động trong bầu im lặng khắc nghiệt như những vị tư tế đang hành lễ. Những cái mũ chụp trắng của họ nổi bật trên nền tường xám xịt khiến cho công việc mang một màu sắc phụng sự thiêng liêng. Những bà rửa bát béo tốt, vui tính đứng rửa bát chén bên các chậu nước, tiếng đồ bạc và đồ sứ chạm chau lanh canh, lách cách. Các cậu nhỏ gò lưng bê những giỏ đầy cá, sò, tôm và rau quả. Ở đằng kia, trên một cái bàn dài, nằm la liệt những ả chim trĩ sặc sỡ, những chú vịt lông ánh bạc, những gã gà trống diêm dúa; trên đó còn có một chú lợn móc hàm với cái đuôi ngắn tủn và cặp mắt ngây ngô nhắm chặt. Lại còn xếp chật các loại củ cải, bắp cải, hạt dẻ, nho xanh và những quả đào chín rực.
Ở nhà bếp, Gray có vẻ khép nép hơn. Cậu bé cảm thấy một sức mạnh hắc ám đang điều khiển mọi thứ ở đây, uy quyền của chúng chính là động lực chủ yếu duy trì sự sống của lâu đài. Tiếng gọi vang vang giống như những mệnh lệnh và những câu thần chú; hành động của những người làm bếp được mài giũa qua nhiều năm đã hóa thuần thục chính xác - một sự chính xác tối đa cho cảm giác giống như một niềm hứng khởi. Gray chưa đủ cao để nhòm vào được cái nồi to nhất đang sôi sùng sục, nhưng đối với nó cậu bé có một sự nể vì đặc biệt. Cậu run rẩy quan sát hai chị hầu gái khiêng nó ra khỏi bếp; từ trong bếp lò tuôn ra từng cuộn khói và hơi nước bốc lên cuồn cuộn như những đợt sóng phủ kín cả gian bếp. Một bận hơi bốc lên từ cái nồi hầm ghê quá đến nỗi làm bỏng tay một cô gái. Làn da lập tức đỏ ửng lên, các đầu móng tay đỏ mọng bởi máu tụ, và Betsy (tên cô hầu gái đó) vừa khóc sụt sịt, vừa bôi dầu lên những chỗ bị bỏng. Nước mắt tuôn lã chã trên khuôn mặt tròn khiếp sợ của cô gái.
Gray lặng cứng người. Trong lúc các bà, các cô khác xúm xít lại chăm sóc cho Betsy, một cảm giác đau đớn ghê gớm - một cảm giác mà cậu không thể lý giải nổi - xộc thẳng vào tâm can cậu bé.
- Chị đau lắm phải không? - Cậu bé hỏi.
- Cậu cứ thử đi, rồi khắc biết, - Betsy trả lời, giấu bàn tay vào trong tạp dề.
Nhíu mày, cậu bé trèo lên chiếc ghế cập kênh, vừa múc món gigi nóng bằng một chiếc thìa dài (phải nói ngay đây chính là món xúp thịt cừu đấy ạ) và đổ tóe lên khuỷu tay mình. Ấn tượng xem ra chẳng phải là vừa nhưng sự kiệt sức bởi cái đau rát bỏng khiến cậu lảo đảo. Xanh như chàm đổ, Gray lại gần bên Betsy, cánh tay bị bỏng giấu trong túi quần.
- Em cảm thấy rằng chị rất đau, - cậu nói, cố quên đi cái đau của mình. - Đi nào, Betsy, đi đến bác sĩ. Đi ngay đi nào!
Cậu xăng xái kéo vạt váy cô gái lúc này đang lắng nghe đám gia nhân, nhân lúc nghỉ giải lao, bày cho cô cách trị bỏng. Betsy đau quá liền đi theo Gray. Bác sĩ làm giảm cơn đau, băng bó lại vết bỏng. Chỉ sau khi Betsy đi khỏi, cậu bé mới chìa cánh tay của mình ra.
Sự cố nho nhỏ đó đã kết cô gái Betsy hai mươi tuổi và cậu bé Gray mười tuổi thành đôi bạn thân thiết. Cô gái luôn nhét đầy túi Gray bánh nướng ngọt và những trái táo. Còn cậu bé thì kể cho cô gái nghe những câu chuyện cậu đọc được ở trong những quyển sách của mình. Một bận Gray được biết Betsy không thể lấy chàng coi ngựa Jim chỉ vì họ không có tiền làm vốn liếng lập nghiệp, cậu đã dùng chiếc kẹp cời lò sưởi đập vỡ ống tiết kiệm bằng sứ của mình và nhặt tất cả số tiền trong đó ra, được khoảng gần một trăm bảng. Dậy thật sớm, nhằm đúng lúc cô gái không của hồi môn ở dưới bếp, cậu lén vào phòng cô, nhét món quà vào rương để đồ của cô, đè lên đó một mẩu thư nhỏ: “Betsy, cái này dành cho chị. Thủ lĩnh lục lâm Robin Hood”. Câu chuyện gây xôn xao ở dưới nhà bếp đến mức Gray đành phải thú nhận mình chính là kẻ giả danh. Cậu không chịu nhận lại số tiền và không muốn bàn cãi gì thêm về chuyện này nữa.
Mẹ Gray thuộc tuýp người rót cả cuộc đời vào mỗi một việc sửa soạn, sắm sanh trang phục. Bà mơ màng trong kiếp sống nhàn hạ, vương giả, với những ước muốn luôn được thỏa mãn. Vì thế bà chẳng kịp làm gì ngoài việc đi thăm viếng các chị thợ may, ông đốc tờ và các quản gia. Nhưng sự gắn bó đam mê pha sùng bái của bà đối với cậu con trai kỳ quặc có lẽ đã lấn át mọi thứ đam mê khác ở bà - con người đã chai mòn vì số phận và nền giáo dục. Những suy nghĩ của bà chẳng bao giờ rõ rệt mà chỉ lang thang vật vờ, khiến lý trí trở nên tê liệt. Quý bà quý phái này gợi nhớ đến hình ảnh của một con công mái ngồi ấp một ổ trứng thiên nga. Bà đau đớn cảm nhận sự cô độc đẹp đẽ lạ thường của cậu con trai; nỗi buồn, nỗi e sợ và tình yêu tràn ngập tấm lòng khi bà ôm ghì cậu bé vào ngực mình, trái tim bà nói điều khác hẳn với những câu chữ đã trở nên khuôn sáo trong giao tiếp và suy nghĩ. Như thể một tác động của áng mây do nắng trời đỏng đảnh tạo ra đã thâm nhập vào khung cảnh hài hòa của tòa nhà khuôn sáo, làm mất đi những nét vô vị của khung cảnh này, để rồi ta nhìn mà không còn nhận ra tòa nhà ấy nữa. Vẻ mờ ảo huyền bí của ánh sáng trên cái nghèo nàn vô vị đã tạo nên một sự hài hòa tráng lệ.
Quý bà, mà gương mặt cũng như dáng hình tưởng như chỉ là hiện thân của sự câm lặng băng giá trước tiếng gọi hừng hực của đời sống, có vẻ đẹp mong manh khiến người ta muốn lánh cho xa hơn là bị cuốn hút lại gần, bởi ở bà, ta chỉ cảm nhận thấy một nỗ lực hợm hĩnh của lý trí làm mất hẳn nét lôi cuốn quyến rũ của nữ tính. Quý bà Lillian Gray ấy, khi ở một mình bên cậu con trai, lại trở về là một người mẹ bình thường, nói bằng một giọng nói đầy dịu dàng thương mến những điều thân thiết vụn vặt chẳng thể viết ra trên giấy tờ - những thứ mà sức mạnh của chúng nằm trong tình cảm người nói chứ không phải trong câu chữ của lời nói. Bà không thể cự tuyệt con trai bất cứ điều gì. Bà tha thứ cho cậu mọi điều: xuống bếp chơi, trốn học, không vâng lời và vô vàn những trò tinh quái khác.
Nếu cậu bé không muốn cây cối bị xén, cây cối sẽ không bị động đến; nếu cậu bé xin tha lỗi hay ban thưởng cho ai đó - người được xin biết chắc ngay rằng sẽ là như thế; cậu bé có quyền cưỡi bất kỳ con ngựa nào, dẫn theo bất kỳ con chó nào trong lâu đài; cậu có thể chúi mũi trong thư viện, chạy chân đất hoặc nhét vào bụng bất cứ thứ gì cậu thích.
Người cha đôi lần cũng thử ngăn cản sự vô lối này nhưng rồi đành phải quy hàng - không phải vì nguyên tắc mà vì nguyện vọng của người mẹ. Ông chỉ giới hạn lại ở một điểm là tống tất cả con cái của đám kẻ hầu người hạ khỏi lâu đài, sợ rằng ảnh hưởng của cái tầng lớp thấp kém kia sẽ khiến thói dở dở ương ương của cậu con biến thành thiên hướng, khó trừ bỏ được. Nói chung, ông muôn đời bận bịu thẩm tra việc tố tụng của gia tộc mở màn từ thời xuất hiện các nhà máy làm giấy và chỉ kết thúc khi tất cả các vị có tranh chấp đã chẳng còn trên đời này. Ngoài ra, công vụ, việc thái ấp, việc chép hồi ký, tham dự những cuộc săn bắn lớn, đọc báo chí cùng những ghi chép phức tạp tách ông rời khỏi đời sống của gia đình. Ông ít gặp con trai đến nỗi đôi khi quên mất nó đã bao nhiêu tuổi.
Vậy là, Gray sống trong một thế giới của riêng mình. Cậu chơi nghịch một mình - thường ở sân sau tòa lâu đài, nơi xưa kia thường được dùng vào những mục đích mang tính chiến lược. Những khoảnh sân rộng mênh mông đó, ngổn ngang vết tích các hào lũy cao, những cái hầm phủ rêu, mọc lan tràn cỏ dại, tầm ma, ngưu bàng, mận gai và những đám hoa dại thuần phác khoe đủ màu sắc. Gray ngồi hàng giờ xem xét những cái hang chuột chũi, chiến đấu với đống cỏ dại, rình bắt những chú bướm, hay xây thành quách từ những viên gạch vỡ rồi lại dội bom xuống chúng bằng gậy gộc và đá cuội.
Cậu bé đã sang tuổi mười hai. Đây chính là thời điểm mọi mách bảo của tâm hồn, mọi đường nét tản mát của tâm linh, mọi sắc thái của những cảm hứng bí ẩn được tụ vào một khoảnh khắc mạnh mẽ, kết hợp hài hòa thành một ước vọng không thể ngăn trở nổi. Trước đó, cậu chỉ như tìm thấy từng mảnh rời khu vườn của mình: tia sáng, cái bóng, bông hoa, cành cây rậm rạp, sum suê… trong những khu vườn khác, và bỗng nhiên, cậu trông thấy chúng - khu vườn của mình - rõ ràng, sáng rỡ; tất cả trong một tổng thể hoàn mỹ đến ngỡ ngàng.
Điều này xảy đến trong thư viện.