Gửi ngày xưa bên khung trời mộng - Chương 3

Trời dần chuyển từ ngày sang đêm, thấm thoát sau những rặng cây, ánh hoàng hôn đã nhuộm đỏ cả một góc trời. Chiếc xe đưa Nhã Trang băng qua những ghềnh dốc, những đoạn đường đá gồ ghề rồi lại chạy qua những con đường nhựa thẳng tăm tắp. Từng vòng quay của bánh xe là từng vòng quay của dòng đời trôi trong vô định và chẳng đoán ra điểm dừng.

Xe dừng chân tại bến Sài Gòn thì cũng đã hơn 9 giờ đêm. Xuống xe, nhìn quanh một vòng, xung quanh tôi giờ đây chỉ là những gương mặt người lạ lẫm, những dòng xe ồn ào và tấp nập, Sài Gòn thật đông đúc và náo nhiệt, phồn hoa nhưng rất đỗi xa lạ. Hơn mười bảy năm tôi cùng mẹ sống tại Đà Lạt xứ sở của những loài hoa, của mộng mơ và bình yên tỏa ra từ những áng mây, những đóa hoa, những chú ngựa vó... Ở thành phố mộng mơ, tầm giờ này thì người ta đã đóng kín cửa nhà chỉ còn đèn đường len lỏi chứ chẳng phải là tấp nập người xe như thế này.

Tôi vẫn chưa biết mình phải đi đâu, cứ đứng đó nhìn những ánh điện sáng choang, những tòa nhà cao tầng rực rỡ, những dòng xe dường như chẳng bao giờ dứt... Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố mang tên của vị lãnh tụ dân tộc, nơi mà tôi ước ao sẽ một lần xuống chơi từ rất lâu nhưng chỉ có thể ngắm nhìn nó qua những bộ phim, những bài báo. Nhưng nay khi mà tôi đang đứng trước nó thì bỗng dưng có một cảm giác gì đó vô cùng lạ lẫm, như thể nó chẳng phải là của tôi. Lần đâu tôi phải đi đến một nơi xa lạ, và chỉ đi một mình không có mẹ bên cạnh, Sài Gòn dường như vô cùng rộng lớn, nó là một Vũ trụ sâu hút mà tôi vô tình bị lạc trong hố đen đó, chẳng rõ là lối ra nơi nào.  

Bỗng dưng một chiếc xe wave đỏ đã bạc màu chạy lại đậu gần tôi, một chú chừng hơn bốn mươi tuổi lên tiếng hỏi:

_ Cháu ơi! Đi đến đâu chú chở cho.

Do dự đôi chút, tôi trả lời:

_ Cháu muốn đi đến địa chỉ....

Tôi móc mảnh giấy trong túi mình ra đưa cho chú xem.

Chú cầm xem xong rồi quay lại bảo tôi:

_ Từ đây đi ra Đồng Khởi, quận 1 thì chú lấy cháu bảy mươi nghìn thôi.

Thực sự, tôi không biết cái giá đó là mắc hay là rẻ vì tôi chưa bao giờ đến thành phố hay đi đến đường Đồng Khởi đâu mà biết. Thế là tôi chỉ gật đầu và leo lên xe của bác xe ôm ấy, nhưng vừa lên xe thì tôi đã cảm thấy hối hận. Bây giờ đã hơn 9 giờ đêm rồi, mà còn đi đến nhà người ta quấy rầy có vẻ làm phiền quá thì phải? Chẳng biết giờ này người ta đi ngủ chưa; nếu mà ngủ rồi thì tôi không phải là đã đánh thức họ rồi đó ư? Vậy thì có vẻ vô phép quá.

Ngày trước mẹ đã từng dạy tôi: “Ở đời, không phải cái gì cũng theo ý mình. Con luôn phải suy nghĩ trước sau kĩ rồi hả quyết định. Ngoài ra cũng nên suy nghĩ thận trọng trước khi làm”. Nhưng giờ xe đã chạy rồi, tôi nào làm gì khác được... mà cũng chẳng thể làm gì khác khi tôi không hề có bất cứ người thân thích nào ở đây để cho tôi có thể dừng chân nhờ tối nay.

Chiếc xe ôm từ từ lăn bánh ra khỏi bến xe miền Đông, hòa mình vào dòng xe hối hả nơi Sài Thành, những cơn gió nhè nhẹ của Hạ thổi mát tâm hồn tôi, nó cuốn đi mất mớ suy nghĩ chất chồng trong tôi phút giây trước. Khoảng chừng hai mươi phút sau, xe dừng lại trước một ngôi nhà cao cổng, có biển số giống như trong giấy, biết đúng là ngôi nhà mình cần tìm thế nên tôi xuống xe, đưa cho bác xe ôm bảy mươi ngàn.

Khi bác lái xe đã đi rồi, tôi vẫn chần chừ mãi chẳng thể nào bấm chuông, nhìn cánh cổng cao lớn này thì tôi có thể đóan được sự giàu có của vị chủ nhân bên trong.

Lưỡng lự mãi, tôi nhìn xuống đôi chân và chiếc bóng nhỏ của mình đang được những ánh đèn đường phản chiếu, không biết có nên bấm chuông gọi cửa hay không. Nhìn lại chiếc đồng hồ trên tay cũng đã gần 10h rồi, không lẽ mình phải đứng đây mãi đến sáng hay sao? Thế là, tôi dùng hết can đảm của mình để ấn chuông cửa. Tôi cảm thấy được độ to và rộng nhất định của căn nhà này khi mà tiếng chuông vang thật xa nhưng chẳng có một tiếng động đáp lại...

Đợi thêm một lúc nữa, vẫn chưa thấy ai ra, tôi dùng đôi tay lạnh giá và hơi rung của mình cố bình tĩnh ấn thêm một lần nữa. Lần này, sau vài phút thì đèn ngoài cửa đột nhiên sáng lên, sau đó là tiếng bước chân của một ai đó, tiếng tìm chìa khóa và tra ổ.

“Cạch...” - Tiếng cửa mở ra.

Trước mắt tôi là một người đàn ông tuổi trạc lục tuần, mặc bộ đồ bà ba đen. Ông có vẻ hơn cáu gắt với đôi mày nhíu lại:

_ Mày có khùng không mà giờ này còn phá bấm chuông nhà người ta. Con cái nhà ai mà vô giáo dục thế.

Ông la mắng tôi một cách thậm tệ, chữ “vô giáo dục” kia làm tôi thực muốn khóc... lần đầu tiên có người mắng tôi nặng như thế. Nhưng tôi cố kìm nén những cảm xúc riêng của mình lại, lễ phép trả lời ông.

_ Dạ, cháu là Nhã Trang ạ. Cháu đế đây để tìm ông Chu Viễn.

_ Mày có biết bây giờ là mấy giờ không hả? Ông Chu Viễn là ai mà phải tiếp con nít ranh như mày vào giờ này? Muốn gì sáng mai lại.

Không đợi tôi có dịp nói thêm gì nữa người đàn ông kia đóng cửa lại, tôi đứng thừ người tại đó, nghe tiếng đóng cửa lại mới chợt giật mình kéo tất cả trở về thực tại. Dù sau đi nữa tôi cũng cần một chỗ dung thân đêm nay, tôi chẳng thể nào ngủ lại lề đường này cả đêm... Tôi hoảng hốt thốt lên:

_ Khoang, khoang đã ông ơi! Con có chuyện muốn nói với chú Viễn ạ...

Cánh cửa vì thế lần nữa được mở ra, chưa kịp vui mừng hay lấy cái trâm và chiếc khăn của mẹ tôi đưa ra để giải thích thì ông ta đã nhanh chóng quát:

_ Mày thật lu bu, tao nói là ông Viễn đã ngủ rồi, có gì sáng mai lại gặp. Còn đứng đây nữa thì tao thả chó ra đó.

Xong rồi người đàn ông đó xí một tiếng khi dễ trước khi đóng cửa lại, trả cho đêm một không gian tĩnh mạc. Và dường như cái đóng cổng kia cũng là sự khép lại tất cả hy vọng trong tôi, đêm cô tịch, lòng tôi ngổn ngang.... thất vọng, lo sợ và chẳng biết con đường phía trước sẽ như thế nào... Tất cả đen đặc không lối đi.

* * *

Trước khi đến Sài Gòn, tôi cũng đã suy nghĩ và tưởng tượng thật nhiều rằng gia đình của chú Viễn sẽ tiếp nhận tôi không, rằng tôi sẽ ra sao khi ở trong gia đình chú; nếu gia đình chú không cho tôi ở lại thì phải làm sao.... rất nhiều, rất nhiều được tôi họa ra. Thế nhưng chưa bao giờ tôi họa rằng trong đêm đầu tiên tại đất lạ tôi chỉ nghe những điều nhiếc mắng một cách thậm tệ để rồi không một chỗ dung thân. Nếu như trước kia, tôi gặp chuyện như thế này thì tin rằng tôi sẽ thét lại vào mặt người đàn ông đó, sẵn sàng bày tỏ thái độ của riêng mình. Còn bây giờ, khi tôi đang là một kẻ khố rách đi xin ăn nhờ ở đậu thì không thể; nhưng mà giờ phải làm sao đây?, tôi phải đi con đường nào? Lối ra của tôi là ở nơi đâu?

Vẫn đứng đó thêm ít phút giây nữa, chần chờ chẳng biết nên đi như thế nào; tôi ngước mặt lên trời nhìn những vì sao xa cố ngăn những giọt nước mắt rơi. Một cơn gió thổi qua mang theo vị lạnh của đêm luồn vào những thớ thịt của tôi, dẫu rằng cái lạnh nơi đây chả thấm tháp gì so với cái lạnh của Đà Lạt, thế nhưng vì tôi đang trong một tình trạng túng cùng nên cảm thấy nó lạnh đến tận xương tủy.

Nhìn lên dải ngân hà diệu vợi trên cao, nhìn xuống con đường dài không bóng người, tôi ứa nước mắt vì không biết xoay trở ra sao... Tôi cảm thấy hoảng sợ thật sự, hết cách thật sự... tôi lại nhớ đến mẹ? Mẹ ơi! Trên cao kia mẹ có đang theo bước con đi không? Mẹ hãy chỉ lối để con bước đi, đứa con bé nhỏ của mẹ giờ không biết phải làm sao cả...

Đang lúc chưa biết phải làm thế nào thì tôi nghe tiếng một chiếc xe ô tô chạy về phía mình, theo đó là ánh đèn pha của xe dội thẳng vào chỗ tôi đang đứng... Tôi quay mặt sang nhìn về phía chiếc xe ấy theo một phản xạ tự nhiên... thế nhưng, tự dưng xe đỗ lại trước mặt tôi. Mở cửa xe là một người thanh niên cao lớn với bộ áo vést lịch lãm. Anh ta nhìn tôi với một đôi mắt lạnh lùng, tôi chẳng biết rồi anh ta có nói những lời khinh khi tôi như người đàn ông lúc này không? Hay chỉ vì thấy tôi đứng đây một mình nên có ý xuống hỏi thăm. Trong khi tôi đang đứng với bao nhiêu câu hỏi, thì người con trai kia đã đóng cửa xe lại và đứng đối diện với tôi, anh ta hỏi:

_ Cô là ai? Sao giờ này còn đứng trước cổng nhà người ta thế này?

_ … tôi… tôi… tôi…

Chưa biết anh ta là ai, phải trả lời anh ta như thế nào, nhưng anh ta khi vừa liếc mắt xuống cái túi to đùng của tôi thì cười với giọng mỉa mai.

_ Chắc là bị gia đình la nên mới bỏ nhà đi nhỉ? Tuổi trẻ bây giờ suy nghĩ nông cạn thật. Người như cô nếu không muốn chết trong đêm nay nên trở về nhà đi.

Tôi ngước đôi mắt tròn xeo lên nhìn anh ta? Cái gì chứ Nhã Trang tôi mà vì mẹ la phải bỏ nhà đi ư – Anh hơi bị khinh thường tôi rồi đó. Mà anh là ai lại hỏi chuyện tôi còn lên mặt dạy đời tôi nữa? Lúc này, khi ngước lên nhìn kỹ anh thì tôi mới thấy bất ngờ bởi anh ta tuổi dường như còn khá trẻ chừng hai mươi sáu, hai mươi bảy chi đó, trong áo sơ mi trắng và vést tông đen tôn hẳn vẻ phong độ mang thêm chút gì đó lạnh lùng bên trong... Đang ở giữa dòng suy nghĩ về chàng trai lạ này thì anh ta lại lên tiếng tiếp

_ Cô đừng nói tôi tiếng cô không có nhà, hay không nhớ đường về nhà nhé, trò này rẻ tiền lắm – Anh ta cười ha hả rồi nói thêm – Còn nếu muốn tìm người cho tá túc đêm nay … - anh ta liếc tôi một cái – thì tôi khuyên cô nên ra đường lớn mà tìm chứ mà dạng học sinh như cô tôi đây không có hứng.

Chịu đựng hết nổi tôi nói:

_ Anh cũng nhiều chuyện quá hé, nhà thì không về, rảnh rỗi đứng ở đây nói chuyện với đứa không có hứng chi? Anh khùng chắc.

_ Ha ha…. Ha ha… cô em chửi tôi khùng sao? Tôi đây không dư thời gian đứng nói chuyện với cô, mà là vì nhà tôi có người đứng canh cửa nên tôi không vào được.

_ Anh tưởng tôi khùng giống anh sao mà đi dụ tôi? Người canh cửa chẳng lẽ không biết anh sao mà không chịu tránh ra cho anh vào?

_ Chắc là không? Vì thế tôi mới phải đứng đây nói chuyện với kẻ chẳng quen biết.

_ Đừng nói với tôi là nhà anh là nhà này và tôi đang là kẻ đứng canh đó nghe?

_ Coi bộ cô thông minh hơn chút rồi đó.

Tôi choáng váng sém ngất, mở to đôi mắt nhìn anh ta

_ Thật không? nhà này nhà của anh thật không ?

_ Chả lẽ tôi đi dụ con nít. Hay là …. hay là cô muốn qua đêm ở đây với tôi? Nói đi có phải cô để ý tôi từ lâu rồi không?

Tôi không để ý đến câu nói giễu cợt của anh chàng kia, tôi nghĩ thầm ngăn những giọt nước mắt rơi – có phải là mẹ đang giúp con – tôi nói với chính mình. Rồi tận dụng cơ hội tôi ngước lên nói với anh chàng kia:

_ Tôi đến đây thực ra là muốn tìm chú Viễn.

Anh chàng kia ngạc nhiên hỏi:

_ Ủa, vì sao đến tìm chú Viễn mà cô không bấm chuông gọi cửa mà lại đứng đây? Đừng nói lùn quá với không tới chuông hay không biết chuông cửa là gì nhé bé.

_ Tôi có bấm chuông cửa ạ, nhưng mà có một người đàn ông mặt áo bà ba ra bảo là chú Viễn đã ngủ rồi có gì mai mới đến.

_ Thế vì sao cô về nhà nghĩ rồi sáng mai gặp.

_ Tôi muốn lắm chứ nhưng thực ra thì tôi mới từ Đà Lạt xuống rồi bắt xe đến thẳng đây luôn, tại ở Sài Gòn tôi cũng không có quen biết với bất cứ ai nên phải đến thẳng đây.

Anh chàng kia lại hỏi:

_ Thế cô quen sao với chú Viễn? Từ lúc chú về nước đến nay thì đây là lần đầu tiên tôi gặp cô.

_ À, mẹ tôi và chú ngày xưa là người cùng làng, mẹ nói tính theo vai vế chú là họ hàng xa với tôi – Vừa nói tôi vừa lấy trong cái túi xách nhỏ của mình ra chiếc trâm và cái khăn chìa trước mặt người con trai đó - Anh tin tôi đi, tôi không lừa anh đâu, mẹ tôi bảo chỉ cần nhìn thấy hai vật này chú sẽ nhận ra tôi ngay…

Chàng trai kia đắn đo đôi chút rồi nói

_ Thôi được rồi, cô theo tôi vào nhà đi. Giờ mới hơn 10 giờ thôi, thông thường giờ này chú vẫn còn làm việc tại phòng riêng đó.

 

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3