Đẹp và Buồn - Chương 03 - Part 2

Chương 03: (Part 2)
Otoko còn giữ một số phác họa đứa con chết thiếu tháng. Nhiều năm đã qua, Otoko vẫn muốn vẽ bức «Em Bé Lên Trời». Để tìm mẫu, nàng đã xem những tranh tiên đồng hay hình chúa sơ sinh, nhưng sự bụ bẫm mập mạp của những chân dung ấy không phù hợp với nỗi buồn của nàng.
Có nhiều tranh Nhật xưa vẽ bồ tát Kobo thủa niên thiếu mà nét dung nhan duyên dáng và trầm tĩnh làm nàng xúc động. Nhưng đức bồ tát không còn là một hài nhi mà cũng không bay lên trời. Không biết bao giờ nàng mới vẽ xong tranh con.
Bây giờ Keiko đòi nàng vẽ chân dung, Otoko nhớ lại những tấm phác họa con. Có thể nàng sẽ vẽ Keiko theo kiểu bồ tát Kobo. Có lẽ tranh sẽ có phong vị cổ điển như bức Đức Mẹ Đồng Trinh. Nàng nói:
«Keiko, cô sẽ vẽ em. Cô vừa nghĩ ra sẽ vẽ theo kiểu nào. Cô sẽ dùng kiểu truyền thống của tranh Phật. Nên chi không có chuyện khỏa thân.»
Keiko xoay sở trên chiếu:
«Theo kiểu tranh đạo ư? Em nghĩ em không thích ý kiến này lắm.»
«Cứ để cô vẽ thử. Tranh Phật thường rất đẹp. Và cô sẽ đặt tên tranh là Cô Họa Sĩ Trừu Tượng.»
«Cô trêu em.»
«Cô không giỡn đâu. Cô sẽ khởi sự sau khi hoàn tất Đồi Chè.»
Otoko nhìn lên vách, tầm mắt dừng lại nơi chân dung mẹ treo phía trên những phác họa đồn điền Uji. Trong tranh, mẹ nàng rất trẻ và đẹp, còn trẻ hơn chính nàng bây giờ. Có lẽ trẻ như tuổi ba mươi mốt ba mươi hai của nàng khi đó. Nàng đã tự vẽ cái trẻ trung của mình khi vẽ mẹ, hay là bà mẹ đã trẻ lại qua cây cọ của con gái. Khi Keiko thấy tranh lần đầu, cô gái hỏi, «Cô tự vẽ mình phải không?»
Otoko đã suy nghĩ về chuyện này. Nàng rất giống mẹ. Có thể vì nhớ mẹ mà sự giống nhau của hai mẹ con hiện ra trong tranh. Sự thể là mới đầu nàng chép lại một tấm ảnh cũ, nhưng các tấm phác họa không có thần. Nàng bỏ ảnh sang bên, và mẹ nàng hiện ra trong trí nhớ như lúc còn sống và ngồi ngay trước mặt làm mẫu cho nàng. Otoko phác họa lại, hết tấm này đến tấm khác, lòng tràn trề cảm xúc. Nhiều lúc nàng phải ngưng tay, mắt mờ vì nhòa lệ. Tranh mẹ đang trở thành tranh của chính nàng.
Bức tranh hoàn tất bây giờ treo phía trên những tấm phác họa đồi chè. Otoko đốt hết những bản còn lại. Mỗi khi nhìn tranh, bao giờ nàng cũng thoáng buồn. Bức tranh như thở theo nàng. Bao nhiêu công lao vẽ mẹ đã đưa chính nàng vào tranh.
Về sau Otoko không vẽ chân dung nữa. Thỉnh thoảng nàng vẽ người, nhưng chỉ là một vài nhân vật đặt trong phong cảnh. Otoko chưa bao giờ nghĩ nàng sẽ vẽ bức «Em Bé Lên Trời» như một chân dung.
Vậy mà tối nay vì Keiko nài nỉ, nàng bỗng cảm thấy muốn vẽ chân dung lại. Nhớ lại ý muốn vẽ con và những mẫu tranh các bậc thánh thủa sơ sinh hay niên thiếu, nàng định vẽ Keiko theo kiểu tranh Phật. Mẹ nàng, con nàng, và Keiko là ba người nàng yêu quý nhất đời. Dù họ khác nhau, nàng nên vẽ cả ba.
Keiko trở ra ngồi cạnh nàng:
«Ngắm chân dung bà ngoại như thế, chắc cô đang suy tính sẽ vẽ em như thế nào phải không. Nhưng mà cô không thương em bằng thương ngoại đâu.»
Otoko nói:
«Con bé lúc nào cũng nghi người ta không thương mình... Nhưng mà nhìn lại tấm tranh, cô thấy có điều không ưng, vì tay nghề cô bây giờ đã khá hơn hồi ấy. Tuy nhiên cô vẫn quý bức tranh. Dù còn nhiều chỗ non yếu, nhưng cô đã gắng hết tâm sức mình.»
«Vẽ em, cô khỏi nhọc công như vậy. Chỉ cần cô phóng bút vài nét là xong thôi.»
«Không, vậy không được.»
Otoko nói mà đầu óc ở mãi đâu đâu. Nhìn tranh, những kỷ niệm về mẹ dồn dập hiện về. Khi Keiko gọi, nàng lại nhớ đến những bức tranh cổ vẽ tiên đồng. Các tiên đồng tướng mạo con gái, nên ngoài cái xinh đẹp tôn quý của tranh đạo, lại có cái gì tha thướt mượt mà. Những tranh ấy chắc phản ánh xu hướng đồng tính luyến ái trong các tu viện thời trung cổ. Một khi phụ nữ tuyệt đối không được lai vãng, những chú tiểu mà đẹp như con gái trở thành đối tượng cho những ước muốn cấm kỵ của đám thiền sinh.
Có lẽ vì các tiên đồng giống gái mà Otoko nghĩ sẽ dùng họ làm mẫu khi vẽ Keiko. Tóc tiên đồng cũng chải bồng và cắt ngang phía trước như tóc con gái thời nay. Chỉ có điều những kimono gấm lộng lẫy tiên đồng mặc thì bây giờ chỉ còn thấy trong tuồng Nô mà thôi. Đàn bà tân thời ăn mặc như vậy thì cổ hủ quá.
Nàng lại nhớ đến những tranh Kishida Ryusei vẽ Reiko, con gái mình. Vẽ bằng sơn dầu hay phẩm nước, tranh thường giống tranh tôn giáo. Trừ một tấm rất hiếm Otoko đã được coi, màu nhạt trên giấy tầu vẽ cô gái Reiko cởi trần mặc quần lót đỏ. Tấm tranh không hẳn là một kiệt tác của Ryusei, và nàng thắc mắc không biết tại sao họa sĩ lại vẽ con gái theo kiểu cổ điển. Ông ta đã vẽ những bức tranh tương tự theo lối tây phương.
Nàng nghĩ tại sao lại không vẽ Keiko khỏa thân. Nàng có thể vẽ theo mẫu đức bồ tát thủa niên thiếu, và nhiều tranh Phật cũng cho phép phô bày nhũ hoa phái nữ. Nhưng tóc thì sao? Nàng nhớ một tấm tranh rất đẹp của Kobayashi Kokei, tinh khiết trong sạch, nhưng kiểu tóc lại không hợp. Nghĩ lui nghĩ tới, nàng thấy dự tính thật quá khó khăn. Nàng gọi cô gái:
«Keiko ơi, ta đi ngủ thôi.»
«Sớm thế cô? Trăng đẹp như thế này.»
Keiko nhìn đồng hồ và nói:
«Mới hơn mười giờ.»
«Cô hơi mệt, ta vào giường nói chuyện đi.»
«Cũng được.»
Trong khi Otoko ra bàn phấn sửa soạn, Keiko đi làm giường. Cô gái làm giường rất lẹ. Otoko ra khỏi bàn phấn, Keiko tới gương rửa mặt. Ngả tới trước, nghiêng cái cổ dài xinh đẹp, Keiko ngắm mình trong gương.
«Cô, em không nghĩ em là người mẫu thích hợp cho một bức tranh Phật.»
«Hợp hay không là tùy người vẽ.»
Keiko tháo kẹp và lắc đầu cho tóc xõa xuống.
«Em gỡ đầu ra ư?» Otoko hỏi.
«Dạ.»
Otoko ngồi ngắm Keiko chải mái tóc dài mượt.
«Đêm nay em thả tóc ra sao?»
Ngửi lọn tóc mình, Keiko nói:
«Đầu em hôi rồi, lẽ ra phải gội.»
Cô bé lại hỏi:
«Cô, khi ba cô mất, cô bao nhiêu tuổi?»
«Mười một. Em hỏi cô câu này mấy lần rồi nhỉ?»
Keiko không trả lời, đóng mấy tấm cửa gỗ phất giấy ngăn phía hành lang và xưởng vẽ rồi nằm xuống bên Otoko, trên hai chiếc giường đã kê lại làm một. Mấy đêm nay hai người không khép mành khi ngủ, và ánh trăng lờ mờ chiếu sáng mấy ô cửa giấy.
*
Bà mẹ của Otoko đã qua đời vì ung thư phổi. Khi đi, bà không cho hay rằng nàng có em gái khác mẹ. Cho đến bây giờ Otoko cũng không biết mình có em. Cha nàng nhập cảng lụa và len. Đám ma rất đông. Mẹ Otoko để ý trong đám phúng viếng một thiếu phụ trẻ lạ mặt trông như lai. Khi dự tang lễ, đôi mắt thiếu phụ đỏ hoe và sưng húp. Bà giật mình, vời thư ký riêng của chồng ra một góc, sai anh ta đi điều tra lý lịch thiếu phụ lạ mặt. Anh thư ký truy ra là thiếu phụ có bà ngoại nguyên gốc Gia Nã Đại lấy chồng Nhật, còn chính thiếu phụ thì đã học trường trung học Mỹ và đang làm nghề thông dịch. Thiếu phụ sống trong một căn nhà nhỏ khu Azabu.
«Chắc không con cái gì?» mẹ nàng hỏi.
«Họ bảo cô ta có một đứa con gái.»
«Anh có thấy nó không?»
«Dạ không. Tôi chỉ nghe người hàng xóm kể lại.»
Mẹ Otoko chắc chắn đứa con gái nhỏ là con chồng mình. Kiểm tra thì cũng dễ, nhưng bà nghĩ người đàn bà kia thế nào cũng sẽ tự tìm đến. Cô ta không đến. Hơn nửa năm sau, anh thư ký cho hay cô ta đã lập gia đình và mang con theo chồng. Anh ta cũng cho hay người đàn bà đích thị là nhân tình của chồng bà. Thời gian qua, lòng ghen nguội đi, bà nghĩ lẽ ra bà đã có thể nuôi đứa con rơi của chồng. Con bé đã phải lớn lên không biết cha là ai. Bà cảm thấy như đã mất đi chuyện gì quý lắm, tuy không phải là vì hiếm hoi chỉ có mình Otoko mà nghĩ như vậy.
Có điều chắc chắn là bà không thể cho Otoko lúc ấy mới mười một biết chuyện cha có con rơi. Bình thường mà đoán, bây giờ chắc đứa con gái đã lớn và có chồng con. Nhưng Otoko không bao giờ biết mình có em gái cùng cha khác mẹ.
*
«Otoko, cô Otoko, cô dậy đi cô...»
Keiko lay cô giáo.
«Cô nằm mơ à cô? Cô đau hay sao mà cô la dữ vậy.»
Otoko ngáp liên tiếp mấy cái như hụt hơi. Keiko ngả sang vỗ nhẹ vào lưng cô giáo, như giúp cho cô thở. Thức hẳn, Otoko hỏi:
«Em ngồi ngắm cô nằm mê đấy à?»
«Dạ.»
«Thế mà không đánh thức cô dậy, con bé này ác lắm. Cô nằm mê sợ quá.»
«Cô nằm mê thấy gì?»
«Thấy một đứa xanh ngắt như lá cây.»
«Nó mặc quần áo mầu xanh?»
«Không, không phải quần áo. Mà nó hoàn toàn xanh. Tay chân nó cũng xanh lè.»
«Ô, Lục Quan Âm đấy.» Keiko nói giỡn.
«Đừng có đùa. Đứa này coi ghê lắm. Nó xanh lè mà cứ nhảy múa xung quanh cô.»
«Đàn bà phải không?»
Otoko không trả lời.
Keiko đưa tay khép mí mắt Otoko lại, rồi cầm ngón tay cô giáo bỏ vào miệng cắn.
«Ái đau quá.»
Otoko mở to mắt. Keiko giải mộng cho cô giáo:
«Cô nhớ cô đã nhận vẽ tranh em phải không? Nên chi em trở thành màu lục của đồn điền chè cô đang vẽ.»
«Em nghĩ vậy à? Nghĩa là trong lúc cô mê ngủ, em xuất hồn ra nhảy múa xung quanh cô. Ghê quá.»
Keiko cười rúc rích, bàn tay đang sờ mặt bây giờ luồn xuống ngực cô giáo. Cô gái nói:
«Nhưng mà cô nằm mơ, chứ có phải em nằm mơ đâu...»
*
Ngày hôm sau, hai người leo núi Kurama thăm ngôi đền. Đến tối họ tới nơi. Đền đông kín. Hoàng hôn trễ tháng năm đã buông xuống mấy ngọn đồi và cánh rừng xung quanh. Bên cồn phía đông, trăng rằm đã mọc. Người ta đã đốt những đống củi xếp dọc lối đi. Tăng đoàn tụng kinh theo vị sư trụ trì. Thiện nam tín nữ thắp nến dâng lên Phật.
Ngay trước chánh điện, một chiếc bát đựng rượu khổng lồ bằng bạc được đổ đầy nước. Ông trăng soi hình vào trong bát. Thiện nam tín nữ khum hai bàn tay hứng nước múc từ trong bát. Từng người một họ kính cẩn cúi đầu rồi đưa nước lên miệng uống. Otoko và Keiko cũng làm theo.
Keiko nói đùa:
«Về nhà, có thể cô thấy vết chân xanh giẫm đầy nhà mình đấy.»
Cô gái có vẻ rất hứng chí vì hội trăng rằm trên núi tối nay.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3