03. Tị sát chị mê - Phần 03
4
Theo quan điểm của chúng tôi, ý nghĩa của chữ “tị” trong “tị sát” chính là ma quỷ “từ bên trong mà ra”, và cái gọi là “vong hồn quay trở lại” chỉ là một thủ đoạn nhằm đánh lừa lòng tin của người dân mà thôi. Vậy bản chất của ma quỷ từ bên trong mà ra là như thế nào? Trên thực tế, cổ nhân đã từng tiếp xúc và có những lý giải về vấn đề này. Đó chính là một số ma quỷ, hung thần trú ngụ trong quan tài hay nơi mồ mả bỏ hoang, gặp điều kiện thuận lợi liền hiện hình. Điều kiện thuận lợi nói tới ở đây chính là khi “thể xác gặp khí thiêng liền biến hóa”. Trở lại với vấn đề thời gian “hồi sát” thì như trong Độn trai ngẫu bút đã từng đề cập đến: “Theo quan niệm của các nhà âm dương học, ngày “hồi sát” chính là ngày mà phần khí thừa đã tích tụ trong một thời gian dài tan ra, tiếp xúc phản ứng không hết.” Cho nên gọi là sát quỷ cũng được, có điều sát quỷ ấy chính là “khí sinh ra từ thi thể người chết”. Vì thế có thể khẳng định một lần nữa, tị sát tức là chạy trốn khỏi tử khí là có thực, còn chạy trốn khỏi ma quỷ chỉ là lừa phỉnh mà thôi.
Đào Tiềm trong Tục sưu thần ký cũng có đoạn ghi chép liên quan đến “sát ương”, mặc dù không trực tiếp nhắc đến vấn đề “tị sát”, nhưng có nói tới cái được gọi là “tà ma”. Quyển sáu cuốn sách này có viết: An phong Hầu Vương Nhang đã từng chứng kiến một chuyện xảy ra trong một đám tang, khi người chủ lễ đang khấn đọc để đưa thi thể người chết nhập quan, các quan khách đến dự tang lễ đều đứng đợi đông đủ trong lễ đường, chỉ có Vương Nhang nằm nghỉ ngơi một mình trên xe. Đột nhiên, anh ta nhìn thấy “trên không trung xuất hiện một con vật kỳ lạ, trông giống như một con chim”, sau đó thoắt biến thành một chiếc xe ngựa màu đỏ nhạt, trong xe có một người, khăn áo màu đỏ nhạt, tay cầm một cái rìu. Con ngựa kéo xe mỗi lúc một nhanh trên mặt đất, người đó đánh xe đi thẳng vào con đường nhỏ, nơi chiếc xe của Vương Nhang đỗ, gọi Vương lại hỏi: “Xin tặng công tử một câu nói: Phàm là những người ruột thịt thân thiết mới đến khâm liệm, đưa tiễn linh hồn người chết, những người không thân thiết thì không nên tùy tiện, càng không thể nôn nóng đứng quanh đây.” Tại sao con quỷ đó lại nói những lời này với Vương Nhang? Phải chăng nó muốn dự báo trước cho Vương Nhang cái điều “đương trí vị tam công” sẽ xảy đến sau này. (Vương Nhang là một trong những “Trúc Lâm thất hiền” trong triều Ngụy Tấn, đến khi Tây Tấn suy phân tách thành Tam công.) Hoặc giả ngay trong thời điểm đó nó muốn báo trước một tai họa nào đó sẽ xảy đến chăng? Trong giờ phút thi thể người chết sắp được nhập quan, tất cả quan khách đều hướng về thi thể nói lời từ biệt cuối cùng, con quỷ đó cũng lẻn vào, hòa lẫn trong đám khách khứa, lấy cây rìu ra giáng vào tấm ván bên cạnh quan tài. Những điều này đương nhiên chỉ có Vương Nhang có thể nhìn thấy. Có người thân đi đến gần quan tài, cúi đầu xuống gần thi thể nói lời vĩnh biệt trong niềm đau xót vô hạn, đúng lúc con quỷ giơ cao cái rìu đánh thẳng vào đầu người đó, người này tức thời ngã lăn xuống đất, mọi người xung quanh vội vã đỡ dậy, đại để chỉ gây ra hiện tượng choáng váng rồi ngã xuống, chưa chắc đã đe dọa đến tính mạng.
Con quỷ quàng khăn đỏ, mặc áo đỏ, tay cầm rìu nói ở trên chính là thần tai ương. Nhưng vị thần tai ương này hoàn toàn không phải hồn ma người chết, mà chỉ là ác quỷ xuất hiện khi người chết được nhập quan. Trong câu chuyện này, mặc dù không nhắc đến tục “tị sát” nhưng có thể thấy bản thân câu chuyện chính là một lời khuyên hữu ích cho những người tham dự buổi lễ nhập quan người chết, rằng tuyệt đối không nên đứng quá gần thi thể người chết, với những người không phải là người thân hay có quan hệ đặc biệt nào với người đã mất thì tốt nhất không nên có mặt vào giờ phút nhập quan. Cho nên cái gọi là ác quỷ dùng rìu đánh vào đầu người khác thực chất là bị tử khí từ trong quan tài bốc lên làm cho choáng váng, ngã xuống mà thôi. Sau này, Lưu Nghị Khánh trong U minh lục cũng nói đến sự xuất hiện của dị vật sau khi có người chết:
Chu Tông thường nhìn thấy hình ảnh một đám đông đưa linh cữu đến nơi mai táng, phía trước quan tài cách khoảng ba thước có một vật màu xanh, hình dáng giống như một cái vò sứ có nắp đậy (cái chum to đậy nắp). Đám đông tham dự tang lễ, người thì cúi mặt khóc thương, buồn bã, người lại đến gần ghé sát quan tài nhìn người chết thêm một lần nữa. Từ phần đầu thi thể đang bất động có một vật màu xanh bốc lên. Lại nói: Khi người đến tham dự tang lễ, trong tức khắc ma quỷ cũng nhanh chóng đến theo cùng.
Trong câu chuyện trên, đáng chú ý nhất là câu nói sau cùng, “khi người đến tham dự tang lễ, trong tức khắc ma quỷ cũng nhanh chóng đến theo cùng”, đó chính là ý nghĩa của hai chữ “tạm hoàn” (nhanh chóng góp mặt). Một cách tự nhiên, điều đó ám chỉ sự hiện hình của vong linh người chết hay với cách nói “vong hồn quy sát” của người phương Bắc cũng chính là một. Chỉ có điều hình ảnh quy sát hiện về là một “dị vật màu xanh” có hình dáng “giống như cái vò sứ có nắp đậy” chứ không phải như hình hài của người chết. Nhưng vì sao Chu Tông lại nói dị vật đó cách linh cữu người chết khoảng ba thước? Rõ ràng đó là một lời khuyên dành cho những người đi viếng đám ma nên đứng cách xa phần đầu người chết một khoảng cách nhất định, tối thiểu là ba thước, cũng chính là cần tránh khỏi vùng ảnh hưởng của tử khí người chết bốc lên, vì tử khí chủ yếu sinh ra từ phần miệng và mũi của người chết.
Trong vở tạp kịch Tử sinh giao phạm trương kê thử, phần thứ ba có kể lại câu chuyện Phạm Cự Khanh muốn được trông thấy thi thể của Trương Nguyên Bá trong linh cữu, nói: “Mọi người hãy mở nắp quan tài ra, ta muốn nhìn một lát.” Mẹ của Nguyên Bá nói: “Anh không nên làm vậy. Người đã chết khá lâu, sợ rằng tử khí sẽ bốc lên.” Như vậy, qua màn đối thoại này có thể thấy mọi người đã biết rõ thi thể người chết để lâu ngày sẽ có tử khí bốc lên, gây hại cho con người.
Có thể chứng minh những lời nói trên đây có cơ sở quan trọng, xuất phát từ chính việc “rải tro bếp để nhận dạng dấu chân” phản ánh phong tục ma chay trong quan niệm dân gian. Ngày “tị sát”, trước khi người trốn ra ngoài để né tránh hung thần, cần phải “quét dọn sạch sẽ, cẩn thận phòng ốc của người chết, từ trên giường xuống dưới đất, sau đó lấy tro đốt từ loại cỏ lau rải xuống khắp nền nhà”. Nói là để xem khi vong linh người chết hồi sát có để lại dấu chân trên lớp tro bụi hay không, từ vết chân đó có thể nói cho người nhà biết người chết đã đầu thai chuyển kiếp thành loài vật nào. Nhưng rõ ràng lý do này thực sự chỉ khiến vong hồn thêm khó xử. Vì những dấu vết đó, ngoài dấu chân của mèo, chó, gà, vịt còn có cả dấu chân của kẻ trộm. Do vậy, ý đồ thực sự của việc rải tro bụi làm dấu lại là ở chỗ khác. Điều quan trọng ở đây là tục “rải tro bụi làm dấu” này đã xuất hiện từ rất lâu trong dân gian, sớm nhất là từ thời Nam - Bắc triều. Theo quan niệm của người dân, trong ngày “tị sát” nhất thiết phải “đốt một đám lửa ở trước cửa, bên ngoài rải một lớp tro bụi”. Tro ở đây chính là tro đốt từ cây cỏ, sau này, người ta cũng dùng nó để xua tan khí hôi bốc lên từ nhà vệ sinh, cho nên bô vệ sinh còn được gọi là “khôi đồng”, đổ bô vệ sinh được gọi là “khái khôi”, ngay cả đến thần trấn giữ nhà xí cũng được gọi bằng một biệt hiệu rất đáng yêu “khôi thất cô nương”. Mục đích thực sự của việc “rải tro bụi” chính là để nó hút vào những tử khí độc hại bốc ra từ thi thể người chết, chứ hoàn toàn không phải để xem người chết đầu thai sang thế giới khác sẽ biến thành loài súc vật nào. Hơn nữa, những người bạn của tôi ở Nam Kinh còn giới thiệu rất kỹ lưỡng về vấn đề này. Họ cho biết, vào những ngày hè nóng nực, cần chú ý phủ một lớp tro bụi thật dày xuống dưới đáy quan tài, sau đó dùng một tấm vải phủ kín bên trên, để người ngoài không nhìn thấy được. Làm như vậy không những có thể xua tan được tử khí bốc ra từ thi thể mà còn có tác dụng hút hết nguồn nước rỉ ra từ xác chết. Những kinh nghiệm nêu trên không chỉ thấy duy nhất ở Giang Nam, mà nó còn là phát minh quan trọng được vận dụng trong suốt gần một thế kỷ qua. Cho nên có thể thấy, việc nhận thức được tính năng thẩm thấu của lớp tro từ cây cỏ là chuyện có từ rất sớm trong lịch sử. Còn đối với việc đốt một đám lửa ở trước cửa nhằm mục đích làm khí nóng bốc lên, dẫn đến áp suất không khí tập trung ở trước cửa thấp, hình thành một vòng tuần hoàn luân chuyển, khi ấy tử khí có hại từ trong nhà nhanh chóng được thoát ra ngoài. Ngày “tị sát”, cả nhà đều tránh ra ngoài, cửa ngõ đều mở hết, cũng là để cho tử khí được dễ dàng thoát ra. Thầy mo tính toán đúng ngày tị sát là nhờ căn cứ vào khoảng thời gian tử khí bốc lên nhiều nhất và gây nhiều độc hại nhất. Tro đốt từ cây cỏ hút hết tử khí sẽ khiến cho nguồn khí này tập trung gần mặt đất trong một khoảng thời gian ngắn và không thể ngay lập tức thoát hết ra ngoài, chính điều này sẽ khiến căn phòng được rải tro sẽ tích tụ một lượng lớn tử khí gây ảnh hưởng không tốt cho con người. Vì thế, ngay sau khi rải lớp tro thảo mộc lên nền nhà, người nhà cần tránh đi nơi khác, có lẽ đó chính là nguyên nhân thực tế của tục lệ “tị sát” lưu truyền trong dân gian. Mọi người trong nhà đều tránh đến nơi khác trong khoảng thời gian “hồi sát”, cửa ngõ đều mở rộng, những con gà, chó... sống nơi hoang dã ngửi thấy mùi thơm bay ra từ thức ăn bày biện trên mâm cỗ cúng lại không vào “hưởng thụ” mới là chuyện lạ, bởi vậy trên lớp tro rải dưới nền nhà có lưu lại những dấu chân động vật đi lại. Nhưng những con vật ăn thức ăn trên mâm cỗ cúng trong điều kiện tử khí bốc lên thường nhiễm độc mà chết, nói một cách khác thì đó chính là “cây, cỏ, gà, chó thường rơi vào tình cảnh khô héo, ngã chết giữa đường”. Trong Trung Hoa toàn quốc phong tục chí, quyển hạ, Giang Tô cũng có một chương nói đến tục “tị sát”, nhưng với một cách gọi khác là “bế ương” (có một số cuốn sách nhầm lẫn gọi đó là “tị ương”). Mọi người trước khi ra khỏi nhà phải rửa sạch toàn bộ nồi, niêu, xoong, chảo... nói là sợ khi vong linh người chết vào nhà sẽ chui vào đó. Nếu ma quỷ chui vào vại sành, giả sử nó không thể chui ra, vậy thì chắc chắn nó sẽ ở lại trong nhà cúng bái tổ tiên, thần, Phật, ý tưởng này quả thực cũng không tồi. Cho nên, việc làm lạ lùng này đã góp phần ngăn chặn các loại gà, chó, rắn, chuột... hạ cố đến thăm. Đối với một số địa phương có tục lệ như trong ngày “tị sát”, buộc một con gà trống vào chân bàn, khi hung thần đến sẽ nghe thấy tiếng gà kêu, nhưng có điều con gà trống đương nhiên sẽ trở thành “vật cảnh báo” làm cho những vị khách không mời thêm kinh hãi mà thôi.
Nhưng hành động chạy trốn khỏi tử khí thoát ra từ thi thể người chết nói trên đây lại đi ngược với truyền thống đạo hiếu vốn là tiêu chí quan trọng trong đạo học của Nho gia. Chúng ta làm sao có thể để lại người thân trong nhà mà ra đi khi hài cốt của họ còn chưa nguội lạnh? Vậy là chúng ta đã tạo nên câu chuyện ma quỷ về vong hồn người chết “hồi sát”, hồn ma sẽ trở về thăm lại ngôi nhà thân yêu của mình. Nhưng chuyện “về thăm” này không phải để thăm hỏi người thân mà chỉ là tự mình quay về ngắm nhìn lại tất cả trong niềm hoài nhớ, xót xa. Lý do này thực tế vẫn chưa thật sự đầy đủ, xác đáng. Vì ngay cả khi người nhà muốn quay trở về, họ cũng không thể thấy được sự hiện hữu của người quá cố, họ chỉ có thể đứng một bên, cố tìm ra cái cốt lõi hợp lý ẩn bên trong cái vẻ bề ngoài vô lý ấy. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn có một số cái chưa thực sự thỏa đáng cần lý giải, ví dụ như con cháu có hiếu hoặc những cặp vợ chồng, những đôi nam nữ có tình cảm sâu sắc, họ đã vượt qua được cái giới hạn của cõi u minh. Những đứa con, đứa cháu có thể không nhìn thấy được ông bà, cha mẹ của mình, những người vợ hoặc chồng không thể nhìn thấy nhau, nhưng ông bà, cha mẹ, chồng hoặc vợ lại có thể nhìn thấy con cháu, người vợ hoặc người chồng còn sống của mình. Cho nên một số học giả còn cho rằng, khi vong hồn người chết quay về, những người thân trong gia đình càng không nên tránh đến nơi khác, cả gia đình nên ở lại đoàn tụ xum vầy thành một “gia đình hạnh phúc” như thế mới thỏa đáng. (Du Văn Báo có dẫn ra câu nói của Trần Đông San như sau: “Trong đám tang cần có người thân ở bên, nhưng theo tục lệ mà toàn thể gia đình lại tránh xa khỏi tai họa, để linh cữu người chết một mình lẻ loi trong căn phòng trống vắng sao? Lại có người cha, người mẹ nào muốn làm hại con cái mình sao?) Đó là lời nói đầy thức tỉnh của ma quỷ, hình ảnh “hung thần” trở về đó không phải là hình ảnh của người chết mà là bị một ác quỷ khác áp giải trở về, cho nên cái mà mọi người trốn chạy không phải vong linh người thân của họ, mà chính là tên ác quỷ đó. Điều này một cách vô thức đã gán cho ma quỷ một số những hành vi tàn ác, mục đích chính là để người nhà có một lý do hợp lý để tránh khỏi nguồn “tà khí” độc hại kia.
Nếu nói như vậy thì xem ra Nhan Chi Thôi, Du Văn Báo, Trần Đông San, Đẳng Nhật Dụng và một vài người khác lấy “đạo hiếu” trong Nho giáo để phê phán hủ tục “tị sát” về mặt lý luận có lẽ là chính xác. Nhưng từ góc độ “khoa học” mà nói thì lại hoàn toàn sai lầm. Hơn nữa, từ chính quan điểm Nho giáo cũng vẫn có thể bác bỏ được. Người xưa từ rất sớm đã hợp nhất tử khí và ma quỷ làm một, không những thế còn đưa ra được những lý giải vô cùng hợp lý. Trong Lễ ký - Nguyệt lệnh của Trịnh Huyền Chú, thời Hậu Hán đã dẫn ra một vài lưu ý “trên nấm mộ lớn chứa đầy tử khí, khí độc ẩn dật khiến cho ma quỷ mang mầm bệnh dịch được dịp hoành hành”. Ma quỷ mang dịch bệnh được nói tới ở đây chính là quỷ ôn dịch, tích tụ từ thi thể người chết chôn sâu dưới những nấm mồ, thường là do chiến tranh hoặc dịch bệnh khiến người chết được chôn trong một nấm mồ chung, chính điều này đã khiến cho dịch bệnh dễ dàng lây lan trong một phạm vi lớn, khi đó ở mỗi đất nước, mỗi tỉnh thành đều phải tiến hành lễ cầu mát, còn gọi là “cửu môn trách nhương”[74], chính là “lễ tiễn trừ ác khí”. Điều này trên thực tế chính là ngày “tị sát” được tiến hành trong toàn thành phố, khắp các vùng miền trên đất nước, chỉ có điều, lúc ấy sẽ chẳng còn nơi nào có thể chạy trốn được cho nên mọi người đành phải dùng cách mời thầy mo đến cúng bái xua đuổi tà ma.
[74] Tức là: tiến hành lễ tế thần nhằm giải trừ tai họa ở cả chín cổng lớn dẫn vào thành.
Vì thế mà Lưu Ngọc Thư, văn nhân thời nhà Thanh, trong tác phẩm Thường đàm có nói: “Tin rằng có tử khí bốc lên từ thi thể người chết, nếu tiếp xúc với nguồn khí gây dịch bệnh ấy con người sẽ dễ dàng mắc bệnh. Không tin rằng tai ương có thể giáng xuống đầu con người, nhưng bệnh dịch vẫn lén lút gây hại cho con người.” Tai ương và tử khí bốc lên từ thi thể người chết đều được nhắc đến, con người lại không tin vào quy sát, nhưng lại ra sức đề phòng tử khí, không thể không thừa nhận những kiến giải sáng suốt của người xưa.
Còn về việc hung thần thường bị mọi người cho là mang hình dáng của một loài chim nào đó, điều này cũng không phải không thể lý giải được. Trước hết, trong tác phẩm Tuyên thất chí có đoạn viết: “Có con chim từ trong linh cữu bay ra.” Điều này tuyệt đối không phải việc thường thấy hay lặp đi lặp lại nhiều lần, giống như việc biểu diễn ảo thuật trên sân khấu, chỉ cần mở chiếc khăn tay lập tức có một con chim bồ câu bay ra. Nhưng cũng không có nghĩa là tự nhiên từ trong không khí mà chui ra, quan tài luôn có nắp che kín, làm sao có vật gì có thể chui vào được? Loài chim thích ăn thịt xác chết đương nhiên ngửi thấy mùi thịt thì phải “thích thú”, khi có người đến, nó không có lý do gì mà trở thành “con cú mèo sợ hãi”, đành phải làm “chim ưng” bay đi. Hơn nữa, khi con người sắp chết, một số loài vật thường lũ lượt kéo đến, khi quan tài tạm thời được đặt ở một nơi nào đó trước khi đưa đi chôn cất, chúng hoặc liệng quanh trên không trung, hoặc tập trung trong nhà. Chuyện như thế xuất hiện mấy lần, nhiều người nhìn thấy thì truyền tai nhau, khiến cho động vật biến thành “la sát mị”, lại từ đó mà biến thành hung thần trong các câu chuyện ma quái.