07. Cừu nhị quỷ - Phần 05
Tần Thế huynh tới, giao tận tay rồi nhắc nhở, phải nói là huynh quá viển vông! Những truyện trong cuốn Tử bất ngữ đều là bịa đặt, nói nhăng nói cuội, sao xứng đáng được coi là một tác phẩm điển hình, đáng tin cậy, vì thế ta không cần nhớ tên tuổi tác giả. Huynh cho đó là những việc có thật trong chính sử, để chỉnh sửa từng chữ từng câu, huynh không thấy phiền phức sao? Ví như trong câu chuyện viết về Lý Hương Quân, ta đọc mà thấy bức xúc, dường như cuốn sách cố ý bôi nhọ danh tiết của Hương Quân, vì thế bắt buộc ta phải dùng những lời lẽ trên để giúp huynh tỉnh ngộ.
Những bậc chí nhân không bao giờ mơ mộng những chuyện viển vông, nhưng trong kỳ thi khoa cử vừa qua, huynh không những có những ý nghĩ viển vông như vậy, mà còn kéo cả đàn bà phụ nữ vào cơn mộng mị đó, đó không phải là cái sáng suốt của bậc chí nhân. Tuy nhiên, người muốn theo đuổi ảo tưởng thì cứ theo đuổi, người từ chối ảo tưởng thì cứ việc từ chối, như trong câu chuyện Phạm Văn Chính Công viết sử được ghi trong tác phẩm Họa mạn lục, cho dù người đó không được coi là bậc chí nhân, nhưng vẫn có thể coi là bậc chính nhân. Còn huynh ngang nhiên nhận lời người ta để làm người giới thiệu cho cuốn sách, bậc chính nhân liệu có làm như vậy không? Khi việc của người ta đã hoàn thành, những thứ viển vông kia lại quá trống rỗng, người ta sẽ quên đi chúng. Có phải là vì năm Canh Dần huynh đi thuyền ghé qua chỗ Viên Mai, thơ của huynh được Viên Mai ca ngợi đến tận mây xanh? Tất cả những điều mà ta ghi lại đều là những điều mà huynh đã nói với ta, nếu không, ta sẽ không ảo tưởng như huynh, làm cách nào để biết đây là một vụ trọng án đây? Quan chủ khảo là Đông Lộc Thị Lang, cũng như huynh đã nói, đó không phải là những tưởng tượng chủ quan của ta. Nay huynh thừa nhận chuyện đó, còn Sư Đơn tuổi cao nên hay quên, vậy chuyện đó xảy ra bằng cách nào? Nhớ năm xưa khi huynh còn trai trẻ, đầu óc sáng suốt, tính tình thẳng thắn, có gì nói nấy, không biết kiêng nể bất cứ ai, bất cứ điều gì, giờ đây cuộc sống vất vả, lúc nào cũng nghĩ sau này mình sẽ chết như thế nào, có phải vì thế mà huynh né tránh những gì mình đã nói trước kia? Vậy khi huynh gặp Hương Quân, không biết huynh còn bôi nhọ nhân phẩm nàng ấy đến đâu? Đại nhân Hoàng Thạch Trai đã từng bị bạn bè trêu chọc, ông ngủ cùng một phòng với phu nhân Cố Hoành Ba, nhưng ông không xâm phạm đến người kia, thậm chí ông cũng không trách cứ gì vị phu nhân đó. Huynh chỉ gặp Hương Quân trong mơ mà huynh đã thấy sửng sốt vì nàng có chút uế bẩn, sự độ lượng và lòng hẹp hòi sao mà khác nhau đến vậy?
Cổ nhân cũng giống như cổ vật. Những gì của thời cổ là những cái của quá khứ, khó cơ hội được nhìn thấy. Bỗng nhiên nhìn thấy đỉnh đồng cổ, lu rượu cổ, ta phải thấy vui mừng vì điều đó, dẫu đó là một viên gạch cổ, một viên ngói cổ ta cũng thấy vui. Người xưa cũng là người của quá khứ, không thể gặp lại được, bỗng nhiên gặp được Nhạc Vũ Mục, Dương Tiêu Sơn đương nhiên người ta sẽ thấy mừng vui khôn xiết, ngay cả khi gặp phải Tần Hội, Nghiêm Tung cũng cảm thấy vui. Tại sao vậy? Đó là vì rất hiếm có người gặp được họ mà thôi. Hương Quân là người của quá khứ đến nay cũng đã gần hai trăm năm, đâu phải ai cũng có thể gặp được nàng? Giả sử nàng vẫn còn thì giờ cũng đã trở thành một bà lão tóc bạc phơ, chứ không còn là một cô gái trẻ trung xinh đẹp nữa. Người nghiêm khắc, chính trực như Lạp Hồ huynh đã gặp được nàng sẽ thấy vui và cũng chẳng hại gì, cũng như khi kẻ “khinh miệt đến mức hạ lưu” như Viên Mai gặp được nàng cũng vui mừng đấy thôi. Hương Quân tuy là kỹ nữ, nhưng vì vậy mà người khác có quyền được trách cứ nàng quá đáng hay sao? Khi họ Mã, họ Nguyễn uy hiếp họ Trương, cái duy nhất có thể giữ được đó là tiết khí của bậc quân tử, từ đó được nhiều người kính nể, phong thái đó là cái mà bao kẻ sĩ muốn có mà không được, không thể thấy người ta xuất thân từ bần hàn mà tỏ vẻ khinh thường. Xưa kia Uông Kỹ yêu quý trẻ nhỏ nhưng vẫn có thể cầm gươm giáo để bảo vệ xã tắc, kỹ nữ Mao Tích Tích cũng vậy, nàng có gan chửi mắng bọn gian tặc mà chết, sử sách đã ghi lại câu chuyện về nàng. Huynh được gặp Hương Quân, đó là vinh hạnh của huynh, đó chưa chắc đã không phải là lòng hướng thiện yêu quý quá khứ, mà chắc chắn là sự háo sắc, phóng đãng của huynh đang bị gò ép, khi tâm địa đã không sạch sẽ như vậy, là tự mình coi rẻ mình mà thôi. Bốn chữ “Khiên liêm tư ngữ” (vén rèm nói chuyện riêng tư) trong sách được sửa thành “Sàng hạ quỳ cầu” (quỳ lạy dưới giường), thấy nực cười thay. Hương Quân chẳng qua chỉ muốn giới thiệu kẻ sĩ, lại bị giáo huấn oan uổng tại nơi công đường, vậy có gì cần quỳ lạy van xin ở đây? Huynh đã từ bỏ chức quan từ lâu, mà vẫn muốn ra uy ở huyện Nhật Châu, cộng thêm vào đó là vong hồn nữ giới của hai trăm năm về trước, thật chẳng có ý nghĩa gì cả.
Lại một chỗ trong thư viết “vong hồn trinh nữ”, rồi lại viết “vong hồn trinh nữ”, Hương Quân có trinh tiết hay không, huynh biết được bằng cách nào? Nếu không phải là Hương Quân, mà là một người phụ nữ ngoài bốn mươi tuổi có trang điểm nhẹ, thì việc người ta còn trinh hay không cũng không phải việc huynh có thể biết được. Tạm thời huynh không có chút tà niệm, vậy thì việc “vén rèm nói chuyện riêng tư” kia có gì hại không? Và nếu như có tà niệm, vậy thì kẻ quỳ dưới giường kia tại sao không thể tiến đến ôm lấy chân đối phương? Ta còn nhớ tám chữ trong đề thi: “Y thượng nhã tố, hình dung đoan khiết”[163], nếu xét kỹ lại thì đề thi này đã phạm vào điều kỵ “phi lễ vật thị”[164], sau này khi bày tiệc mời khách, muốn ăn một miếng thịt cũng thật nguy hiểm. Vì điều này mà chỉ có hòa thượng và phụ nữ là dễ được nổi tiếng. Chỉ bàn về hiện tại, đương nhiên Lạp Hồ là người được kính trọng, Hương Quân là kẻ đê tiện, nhưng e rằng vài ba năm nữa, thiên hạ không những biết có một Lý Hương Quân, mà còn biết có một Dương Lạp Hồ - bậc quân tử đầy nhân cách ngồi trên kiệu, phải là người khác kiệu, chứ không cần tự mình kiệu.
[163] Nghĩa là: quần áo chỉnh tề, dáng vẻ đoan trang.
[164] Nghĩa là: không được nhìn những gì không hợp với lễ giáo.
Trong thư còn nói: “Đệ không phải không ham mê cái đẹp, nhưng đệ đặc biệt không ham cái đẹp của gái điếm.” Câu này nghe có vẻ ghê rợn quá! Thử hỏi, không ham cái đẹp của gái điếm vậy thì huynh ham mê cái đẹp của người như thế nào? Người ham cái đẹp của gái điếm là tội nhẹ, ham cái đẹp của con gái nhà lành mới là tội lớn. Sắc phải đi đôi với tửu, có người chưa từng uống một giọt rượu nào thì cũng có người vô cùng điềm tĩnh. Lòng người khác nhau, tựa như khuôn mặt của từng người vậy. Ham mê cái đẹp không cần né tránh, không ham mê cái đẹp cũng thế. Nhân phẩm của con người là cao thượng hay thấp hèn không phải được định đoạt bởi việc anh có háo sắc hay không. Văn Vương háo sắc, Khổng Tử cũng vậy, nhưng cái háo sắc của Khổng Tử lại không giống với cái háo sắc của Vệ Linh Công. Nhà Lô Kỷ không tùy ý lấy thiếp, cuối cùng lại là kẻ tiểu nhân, Tạ An lấy cô kỹ nữ vùng Đông Sơn, cuối cùng lại là người quân tử. Tính tình huynh vốn nghiêm khắc, không hiểu thế nào là háo sắc, điều này ta biết rõ, và cũng thầm kính nể huynh về điều đó, vậy hà tất vì ham mến cái danh háo sắc mà ép mình phải biết nó? Vốn được ghi tên là bậc thánh hiền, nay lại mạo nhận mình là háo sắc, thật kỳ lạ thay!
Nghe tin huynh mừng thọ bảy mươi tuổi, cùng vợ tổ chức lại lễ tân hôn, hai vợ chồng già dìu nhau vào động phòng. Ngồi trên giường trùm khăn đỏ, huynh tự gọi mình là háo sắc, hay là mượn cái đó để tự hào? Vương Long Khê có nói: “Tú tài nghèo ôm cô vợ già nhà mình rồi tự nói mình háo sắc, như thế không phải xấu hổ lắm sao!” Xưa có người sợ vợ, một hôm mơ thấy mình lập thiếp, người đó nói lại cho vợ biết, mụ vợ quát mắng, không cho phép chồng được mơ như vậy nữa. Huynh hoài nghi, trốn chạy trong mơ, xem chừng cũng là vì những gì chị nhà đối xử với huynh hằng ngày tích tụ mà thành chăng? Lý Cương quyết định thà tự gánh chịu chứ không lừa dối chính mình, trong nhật ký ông có viết: “Đêm qua đã làm “chuyện đó” với vợ một lần”, đến nay vẫn trở thành chủ đề để người ta cười, để người ta bàn luận. Đến khi huynh là một ông già tám mươi tuổi, cái hứng thú của huynh vẫn chưa giảm, khả năng làm “chuyện ấy” vẫn còn, thì cái háo sắc của huynh đã không còn nữa. Bậc quân tử hơn người ở cái nhìn xa trông rộng, kẻ tiểu nhân chỉ biết lo những cái tiểu tiết, những cái thiển cận. Hoàng Thúc vượt qua vạn trùng sông nước để tịnh tâm tu thân, huynh đã tu đạo bao năm nay nhưng tâm huynh không tịnh, tầm nhìn của huynh thiển cận. Nước trong con rạch, nhìn thì trong nhưng dễ bị quấy đục. Mong huynh đừng quá tự mãn, hãy nghe lời khuyên can của ta, mau chóng gánh mười thùng nước suối Huệ Sơn, gội sạch đám khí độc đang lan tỏa trong lồng ngực huynh, làm như vậy có công dụng dưỡng sinh, còn tốt hơn cả việc uống linh chi đen và đọc Kim cương kinh đấy.
Ta có tuổi rồi, đi cãi lý một chút cho người quá cố không liên quan gì đến mình như thế này dường như cũng là hơi quá. Chỉ e huynh khăng khăng coi trọng danh tiếng của mình để rồi phải chịu sự bôi nhọ này, một khi học được cách nhìn nhận sự trinh trắng của người phụ nữ, huynh sẽ thấy hổ thẹn muôn phần, còn cuốn Tử bất ngữ không những làm kinh động đến thánh nhân, mà nó còn ngấm ngầm giết chết các bậc hiền giả, ta thực sự thấy không an tâm về nó. Tất cả những việc này cần mau chóng phân tích rõ ràng như trong thư trước.
Đính kèm lá thư của Dương Lạp Hồ
Khi có được cuốn Tử bất ngữ xuất bản lần đầu tiên, đệ đã đọc hết cuốn sách từng hàng, từng chữ một, thấy rằng tác phẩm được viết rất trơn tru, Tân tề hài, Tục quảng ký... tất cả đều viết rất hay. Chỉ khi đọc đến Lý Hương Quân tiến quyển, đệ bỗng thấy ngạc nhiên. Sự việc trong kỳ thi năm Nhâm Thân không giống như việc lúc đệ còn đương chức tại Cố Thủy. Thứ nhất, thời gian cách hiện tại cũng đã lâu, quan chủ quản kỳ thi cũng chẳng còn nhớ đó là ai nữa. Hai là, chỉ tiêu trúng tuyển trong kỳ thi của xã Hà Nam chỉ có bảy mươi mốt người, nhưng tại sao lại có đến tám mươi ba người đỗ cử nhân? Thứ ba, người trúng tuyển là Hầu Sinh chỉ là cháu trai trong họ của Tráng Hối Đường, không phải là người kế thừa của dòng họ. Thứ tư, có vẻ như việc này được thực hiện quá dễ dàng, chắc chắn không đúng sự thực, tất cả đều không đủ để minh xét sự việc.
Hơn nữa, bên trong còn có mấy chữ “hé lộ chuyện phòng the” làm bôi nhọ vong hồn trinh tiết! Vậy là cuối cùng đã có ai đó gặp được Lý Hương Quân, mỗi lần được người khác khen, ả cho rằng đó là niềm vinh hạnh. Kẻ được gọi là Lý Hương Quân chẳng qua chỉ là con điếm của Hầu Triều Tông ngày đó. Nếu như gặp một Hương Quân còn sống, vậy thì ả còn thấy vinh, thấy hạnh như thế nào? Người ta sẽ còn ngợi khen ả ra sao? Thường ngày đệ cũng không phải là người không ham mê cái đẹp, nhưng chắc chắn đệ không ham cái đẹp của gái điếm.” Hai chữ “minh kỹ”[165] sao mà nghe chướng tai đến vậy! Tất cả những điều đó hoàn toàn tương phản với tính cách của đệ, không biết có chỗ nào mạo phạm đến huynh hay không, nhưng đệ vẫn xin được viết vài dòng như vậy. Vậy có phải là khinh mạn? So với kẻ hạ lưu, đệ không giống và cũng không đến mức thế. Sự việc này thuộc loại vong hồn trinh nữ về báo đền ân đức trong mơ. Trong bản gốc cũng từng kể tới, nay ghi ra để người đời cùng đọc, không liên quan đến “Lý Hương Quân” hay “Lý Xú Quân”[166] gì cả. Vì thế đệ không sợ mạo phạm đến ai, sự việc cũng chỉ như việc chẻ đôi tấm gỗ mà thôi, hơn nữa, huynh lấy đó như điểm kết thúc của tình giao hữu, vậy thì nó càng đúng với nguyên tắc vốn có. Tên sách là Tử bất ngữ, rõ ràng làm kinh động đến cả bậc thánh thần, để cái chết và sự hồi sinh đối mặt với nhau, khiến mọi người chú ý mà vươn lên từ đó. Huynh là người ham danh vọng, đệ đoán rằng chắc không có ai dám khuyên răn huynh lấy một câu. Đệ tự thấy hổ thẹn vì chỉ có thể chân thành khuyên huynh chứ không thể nói chuyện thiện chí với huynh. Mong sớm nhận được thư hồi âm từ huynh!
[165] Nghĩa là: gái điếm nổi tiếng.
[166] Lý Xú Quân: chữ “xú” (thối) đối lập với chữ “hương” (thơm) ở tên Lý Hương Quân.