Để em cưa anh nhé! - Chương 18 - Phần 2

Con chó già vừa nghe thấy lệnh chủ thì lập tức chạy tuột ra khỏi vòng tay của Long, chạy sồng sộc về phía đống rơm, sủa lên điên dại, thằng Công sợ quá, vội vàng nhảy tọt ra bên ngoài, trong lúc không cẩn thận đã bị con Gâu đợp cho một miếng rách cả mông quần. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một con chó giở mặt nhanh như thế, mới phút trước còn lăn lông lốc trong lòng Long, quẫy đuôi ve vẩy, một phút sau đã lè lưỡi đầy rãi rớt, nhe răng ra cắn xé quần thằng Công như một chiến lợi phẩm. Chưa dừng lại ở đấy, nó vẫn tiếp tục nhảy qua đống rơm, chạy cả ra bờ mương để đuổi theo tụi nhỏ, nghe nói trong lúc chạy hoảng quá, vài quả xoài đã rơi tọt xuống ruộng khiến Công tiếc của trượt chân xuống lấy lại, người ngợm bẩn thỉu đen thui mùi phân bón.

Trong lúc đó, tôi và Long vẫn đang ở trong nhà ông bác sĩ xấu số, nhìn thấy cảnh tượng trộm cắp hãi hùng, mặt tôi tái ngắt, đằng sau chiếc khăn bông bay cuốn quanh cổ như cô gái Ấn Độ vẫn không giấu nổi vẻ bất bình thay cho bác chủ nhà, cả tôi và Long đều nhảy tưng tưng lên, giả vờ chạy đuổi theo bắt trộm hộ bác ấy, vừa chạy, tôi vừa vung tay lên phía trước chửi bới.

- Tiên sư mấy thằng ranh con! Tí tuổi đã trộm vặt thế à!!!

Ở quê mới hai ngày, tôi và Long đã được lũ trẻ huấn luyện cho thành trộm cắp chính thống rồi. Trở về nhà, mấy đứa thở không ra hơi, để tránh bác Yên, tôi cho Công sang tắm ở giếng nước nhà mình, xong xuôi mấy chị em mới đem chiến lợi phẩm ra đánh chén. Từng miếng xoài chín lựng, tỏa mùi thơm phức, xoài vừa chín tới, màu vàng cam đậm đà, nhưng miếng lại rất chắc, ăn sồn sột, không cần chấm muối cũng rất ngon, lại còn là xoài trộm, ăn miếng nào hạnh phúc miếng nấy. Thoát được nạn này thật mừng chảy cả nước mắt!

Tối đến, tôi và mẹ trải chiếu ra ngoài sân, hôm nay mẹ bảo muốn ngủ cùng tôi, tôi cũng có nhiều chuyện cần tâm sự. Hai mẹ con hình như đã lâu lắm chẳng được nằm cạnh nhau, nếu tôi nhớ không lầm thì từ năm tôi học lớp bảy tôi đã không ngủ cạnh mẹ nữa rồi. Thật ra, tận mười ba tuổi mới thôi ngủ cùng mẹ cũng chẳng phải sớm sủa gì, nhưng kể từ đó đến nay, hoàn toàn không nằm cạnh mẹ thêm một lần nào nữa… đó mới là điều đáng nói. Có những chuyện, dù đối với người này rất bình thường, nhưng trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, nó lại trở thành điều không thể với người kia.

Lại một đêm nữa nằm dưới ánh trăng sáng tỏ nhưng lòng thì bám đầy những tơ vương rối bời, tôi bỗng ngồi nhỏm dậy, những ngón tay hết buông lại thả, cuối cùng mới thở dài nói.

- Mẹ à! Con hỏi thật. Sao mẹ lại chuyển về đây sống? Lúc con không ở nhà bố và Quân lại làm điều gì khiến mẹ phật lòng à?

Nghe tôi hỏi, mẹ khẽ khựng lại vài giây, dường như phải suy nghĩ kĩ gì đó rồi mới thẳng thừng nói.

- Ờ! Tao chán cái cảnh nấu cơm cho bố con chúng nó lắm rồi. Mỗi hôm lại đòi hỏi một kiểu, nấu kiểu gì cũng chê chán, tốt nhất là cho treo mõm lên hết, đếch nấu nướng gì nữa! Thế cho nhẹ người.

Vẫn là vấn đề nấu nướng. Thế đấy! Người phụ nữ của gia đình mà không có niềm yêu thích với việc nấu nướng hoặc bản thân cũng chẳng cần ăn ngon thì con trai và chồng của cô ta sẽ rất dễ sinh chuyện. Cũng may mà tôi còn có niềm yêu thích với việc nấu ăn, mong là sau này cũng không đến mức vì bị chồng con áp ức mà phải bỏ nhà đi xa xứ như thế này.

Tôi khẽ cười, nói.

- Thì mẹ chịu khó mỗi hôm đi chợ, nấu ăn phong phú lên một tí!

- Tao chả thích, chả biết bố con nhà nó muốn ăn cái gì mà mua. Mày tưởng à! Đi chợ mãi cũng mệt lắm chứ! Nấu ăn có phải đơn giản gì đâu, ngày nào cũng mất mấy tiếng vục mặt vào cái bếp, sung sướng lắm đấy à! Tốt nhất là cho bố con nó tự nấu với nhau.

Lúc nghe mẹ nói thế, tôi cũng thấy bất bình, chuyện bếp núc là chuyện của phũ nữ, đi chợ cũng chỉ đơn giản là mua mớ rau, miếng thịt, làm gì khó khăn đến mức đấy! Nhưng sau này khi chỉ có ba bố con ở nhà, mỗi hôm tôi đều phải suy nghĩ thật kỹ xem ngày mai sẽ phải nấu món gì, một tuần không trùng lặp những món nào, ăn trùng thằng Quân sẽ lại chê chán, bố tôi lại tỏ ra bực bội, mè nheo. Quả thật rất mệt mỏi.

Lúc đó, tất cả mới dần nhận ra được giá trị đặc biệt khi có mẹ ở nhà.

- Nhưng con có bao giờ chê mẹ nấu đâu? Con ăn gì cũng được mà!

Tôi nhỏ nhẹ nói, mẹ tôi lại nặng lời đáp.

- Ừ. Thì tao cũng có nói mày đâu, mày không chê nhưng cái thằng “con nhà lính, tính nhà quan” ấy nó mở miệng ra là chê. Cha nhà nó chứ! Bây giờ tao đi rồi, cho nó biết thế nào là giã họng ra nhé!

Chẳng hiểu sao nghe mẹ mắng thằng Quân mà tôi lại thấy buồn cười, nếu như bình thường mà nghe mẹ mắng nó thì thế nào tôi cũng cãi, nhưng giờ thì lại thấy đáng lắm! Cái thằng “con nhà lính, tính nhà quan” một món không bao giờ ăn đến hai lần trong ngày ấy thật sự khiến tôi nhiều lần phát bực. Vẫn biết cơm mẹ tôi nấu sơ sài thật, nhưng dù sao mẹ đã mất công bỏ sức ra nấu nếu không khen được một câu thì chí ít nó cũng đừng chê bai chứ? Cái thằng ranh con này…

- Thôi! Mẹ đi rồi, sau này để con trị nó cho mẹ ạ!

Tôi mỉm cười, mẹ tôi cũng cười. Đã lâu lắm rồi hai mẹ con không có dịp ngồi cạnh nhau tâm sự như thế này, thật ra tôi với mẹ xung khắc, nói chuyện với nhau chẳng bao giờ quá được ba câu, lúc nào cũng chuyện bé xé ra to, nhưng hôm nay, ngồi lặng im trong một góc của khu vườn nhỏ ngập tràn ánh trăng như thế này, những cảm xúc xưa kia chợt ùa về khiến tôi lại muốn giãi bày tâm sự.

- Mai này, mày đã bao giờ hận mẹ chưa?

- Sao tự dưng mẹ lại hỏi vậy?

Tôi bất giác giật mình khi mẹ hỏi như vậy. Nói rồi, mẹ lại trầm ngâm giải thích.

- Hôm trước tao có sang nhà bác Yên xem ti vi, thấy trên ti vi người ta nói làm cha mẹ không nên đánh chửi con cái, những đứa bé bị đánh đập nhiều từ nhỏ sẽ sinh ra cục cằn, thậm chí là rối loạn tâm lý. Tự dưng tao lại nghĩ đến mày với thằng Quân, hồi trước vì hận bố mày, tao chả biết trút vào đâu, lại thấy mặt mày giống y chang mặt thằng bố mày nên tao cứ nhìn là muốn đánh. Cuối cùng cũng chẳng biết đánh mày mệt đến lúc nào thì dừng…

Tôi nghe mẹ nói, một thứ cảm xúc khó tả bỗng trào lên trong tim mình, những cảm xúc uất ức đã lắng xuống từ rất lâu rồi, tâm tư phẳng lặng như mặt hồ nay lại bị một cơn gió lạ thổi cho gợn sóng. Tôi khẽ cười nhạt, nói.

- Ngày trước con có hận, giờ thì không. Bây giờ con chỉ sợ mẹ chẳng đủ sức đánh nổi tụi con nữa thôi, nếu mẹ cứ khỏe mạnh được như trước kia thì tốt rồi!

Tôi bật cười, trong khóe mắt dường như đã bắt đầu cay cay.

- Mà hồi trước cũng tại con láo nữa, con hay đánh nhau, lại còn lười học, khiến mẹ phải mất mặt vì bị mời phụ huynh. Con bị đánh cũng đâu có oan?

Vừa nói, tôi vừa chống hai tay ngả ra đằng sau, nhìn trời, bình thản nhắc lại chuyện xưa.

- Ừm. Hai mẹ con đều sai, nhưng là do tao giáo dục mày không tốt, nếu tao không thường xuyên đánh mày thì mày đã không biết đánh bạn rồi.

- Ây chà! Cái này là bản năng đấy mẹ ạ! Phụ nữ nhà họ Lê là phải đanh đá thế! Đứa nào bắt nạt, đập luôn!

Tôi vừa nói, vừa ha hả cười, cuối cùng lại bị mẹ đập cho một phát vào đầu, răng suýt thì cắn cả vào lưỡi.

- Con không hận mẹ, nhưng con vẫn hận ông ta, mới có hơn nửa năm trôi qua, mẹ nghĩ là con đã tha thứ được rồi à? Con sống vui vẻ như thế là con giả vờ đấy! Sao mẹ nỡ bỏ con lại một mình với người con hận như thế chứ?

Tôi quay sang nhìn mẹ, cắn môi trách móc. Mẹ ngồi im, khẽ co hai bàn chân lại, đưa tay ra ôm lấy đầu gối, gục cằm vào đó rồi nói.

- Mày tưởng mẹ thì không phải giả vờ à? Tao phải đeo cái mặt nạ ấy suốt bao lâu nay, cũng là vì không muốn chúng mày phải khó xử. Nhưng bây giờ thì tao hết chịu nổi rồi, cái gì cũng có giới hạn của nó, việc bỏ đi có phải mẹ mới chỉ nói lần một lần hai đâu? Tao đã nói là tao làm thật.

- Mẹ trở về đi. Sau này có bất cứ chuyện gì con cũng đứng về phía mẹ. Sao mẹ phải giả vờ cơ chứ?

- Tao không muốn về, tao muốn sống ở đây một mình, muốn nuôi con gà con qué, rồi trồng rau trồng đậu, cứ như vậy cho đến hết đời, vậy là đủ rồi.

- Mẹ không cần bọn con nữa à?

- Thỉnh thoảng mày lên thăm tao không được à? Dù sao ông ấy cũng là bố đẻ của mày, máu mủ ruột thịt không hận nhau mãi được đâu!

- Còn lâu!

- Không lâu đâu!

Mẹ tôi nói, từng lời rành rọt, nghe chắc chắn như đinh đóng cột vậy. Tôi ngồi bên cạnh mẹ, lặng im cảm nhận mặt hồ phẳng lặng trong lòng mình đang dậy sóng, nhưng lại không dám thể hiện ra ngoài mặt, rút cục vẫn cứ ngồi im như tượng, không phản bác. Tôi không biết lời mẹ nói có dựa trên căn cứ nào không, nếu chỉ đơn thuần là vì máu mủ thì tại sao ông ta nỡ bỏ mẹ con tôi mà đi biệt tăm biệt tích như thế? Đến khi gần đất xa trời mới dẫn xác trở về? Tôi có thể tha thứ cho con người đó được không? Có thể sống thật lòng với ông ta được không?

Có thật là có thể có ngày đó được không?

Tối hôm đó tôi nằm quay lưng lại phía mẹ, đầu óc mông lung nghĩ về rất nhiều chuyện trong quá khứ, những ký ức tưởng chừng đã lắng đọng rất sâu dưới tận đáy hồ, nay lại vô tình có người khuấy lên khiến mặt hồ sủi đầy bùn đất… Những cơn ác mộng từ chín năm về trước cũng dần dần hiện ra trước mắt, khiến trái tim tôi không ngừng co lại ngay cả trong chính giấc mơ của mình.

Tôi vẫn còn nhớ hôm đó là một ngày đầu thu, năm tôi mới vào lớp bảy, hôm ấy tôi vừa đi học về, trên tay vẫn còn cầm tờ giấy mời phụ huynh ướt đẫm mồ hôi, giấy mời họp phụ huynh để thông báo học lực và nhắc đóng tiền học kì một. Trong kí ức của tôi, ngày đen tối nhất không phải là thứ 6 ngày 13 (ngày xui xẻo) mà là ngày họp phụ huynh định kì. Thường thì sau khi đi họp về, dù muốn hay không tôi cũng phải xác định tinh thần ăn một trận đòn nhừ tử hoặc nghe những bài ca không bao giờ quên hàng tháng tiếp sau đó. Lúc này, tôi đang ở trước cửa phòng mẹ, hai tay cứ xoắn hết cả vào nhau, chần chừ mãi không dám bước vào, phải mãi một lúc sau, khi tôi đang định đẩy cửa thì đột nhiên nghe thấy một tiếng hét thất thanh phát ra từ trong căn phòng, khẽ ngó đầu vào nhìn, tôi nhận ra mẹ đang nói chuyện điện thoại. Hình như mẹ đang nói chuyện với bố, vẻ mặt rất căng thẳng, những nếp nhăn trên khuôn mặt người phụ nữ mới ngoài bốn mươi không ngừng chau lên rồi lại trùng xuống, khuôn mặt xám xịt dần trở nên lãnh đạm với những lời nói chỉ có khí mà chẳng có lực.

“Anh đã nói cuối năm nay sẽ về mà? Em đã thông báo cho họ hàng rồi! Sao đột nhiên lại bảo không về nữa?”

“…”

“Anh nói gì cơ? Bảo em nuôi con để sau này chúng nó phụ dưỡng á? Vậy còn anh? Anh định sống bên đó cả đời à?”

“…”

Đầu dây bên kia dần trở nên im bặt, mẹ tôi cũng bắt đầu lịm đi, những câu nói gấp gáp dần dần chuyển thành những tiếng khóc nấc không thành tiếng, chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc ngặt nghẽo đến như thế, có lẽ hình ảnh này đã xuất hiện nhiều lần sau những cuộc điện thoại lạnh nhạt nhưng mẹ luôn cố giấu. Tôi đứng bên ngoài, hai chân run lên như cầy sấy, đầu óc căng ra, mồ hôi chảy đầm đìa, tờ giấy trắng với những dòng mực xanh trên tay đã bị vò nát trong vô thức tự lúc nào. Đúng lúc đó, một tiếng lạch cạch vô tình vang lên khi tôi động vào tay nắm cửa, chỉ một giây, mẹ tôi quay ngoắt ra, ném tới tôi một ánh nhìn hung dữ như muốn ăn tươi nuốt sống, tôi sợ hãi, hai chân cứng đơ không sao chạy nổi. Thường thì khi đứng trước một nỗi sợ hãi, người ta thường có hai sự lựa chọn- một là đứng im, hai là bỏ chạy, nhưng trước khi có thể bỏ chạy thì ta vẫn mất vài giây để đứng im tại chỗ. Bởi trước khi vượt qua được nỗi sợ hãi, ít nhất ta cần một thời gian để vượt qua chính mình.

“Mày lại đây! Mau lại đây! Con súc sinh!”

“Mau gọi thằng bố mày về đây mà đóng tiền học! Tao không nuôi chúng mày nữa!”

Nói rồi, bà lập tức lao như tên bắn về phía cửa đi, đột ngột tóm lấy mớ tóc rối của “con súc sinh” lôi tuột vào phòng, sau đó ném mạnh về phía thành giường, vang lên tiếng “bốp” như khi người ta quăng bowling vậy. Cảm giác sự tác động từ bên ngoài ập đến quá nhanh, tôi không có đủ thời gian để định thần lại, hai tay chỉ biết đưa lên ôm lấy đầu, giữ chặt tóc mình mong mẹ không giật nữa, ánh mắt tôi trừng lên nhìn mẹ vẻ uất hận, như thể muốn nói: “Tôi hận bà! Tôi nhất định không tha thứ cho bà!” nhưng đôi môi thì vẫn nín chặt, tuyệt đối không thốt lên một lời. Từ bé tôi đã là đứa cứng đầu, chưa bao giờ biết xin lỗi, lại càng không bao giờ chịu nhận sai, mẹ đánh, mặc mẹ, đòn đau đến mấy tôi cũng chịu được, nhưng trong suy nghĩ của đứa bé gái lúc đấy, mở miệng xin lỗi là nhận sai về mình, là ôm vào lòng những oan ức không đáng có, là sự nhục nhã mất thể diện. Tuổi thơ của tôi gắn liền với roi vọt, những trận đòn miên man không có điểm kết thúc, nó có thể diễn ra ở bất kì đâu, bất kì lúc nào, khi tôi đang húp dở bát canh, khi tôi đang say trong giấc ngủ, điều đó khiến tôi trở nên lì lợm và chai sạn, không còn biết sợ đau là gì nữa, cũng không còn biết rơi nước mắt vì roi vọt, mẹ càng đánh, tôi càng nhờn đòn, ở nhà mẹ đánh tôi, đến trường, tôi đánh bất kì ai động vào mình. Có lẽ, ngoài những lời đay nghiến, sỉ nhục của mẹ ra, không còn điều gì có thể khiến tôi rơi nước mắt. Da dẻ càng sắt đá, trái tim càng mỏng manh, lòng tự trọng cao vời không cho phép tôi gục ngã. Vậy mà giờ đây, trong giây phút này, tất cả mọi thứ mà tôi sợ hãi đều đổ ập lên đầu tôi một lúc, bố ngoại tình không về, mẹ trút hết cơn giận giữ lên đầu tôi bằng đòn roi xác thịt, vừa tát túi bụi, vừa dấn đầu tôi vào tường, đập bùm bụp. Giây phút đó tôi đã choáng váng đến nỗi không thể biết trước được tường sẽ nứt trước hay đầu tôi sẽ vỡ trước, nhưng tất cả những gì mà tôi có thể làm lúc ấy là đưa hai tay lên giữ chặt đầu mình, hai bờ môi mím chặt, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két đầy uất ức, những giọt nước mắt chỉ mới chớm rơi đã vội vàng chảy ngược trở lại.

Ngày bé tôi chưa từng khóc trước mặt bất kì ai, ai cũng nói rằng tôi quá lì lợm và ngang bướng, mẹ đánh như thế chỉ cần khóc lóc van xít chút xíu, chẳng có ba mẹ nào lại không động lòng, nhưng tôi kiên quyết không chịu, nước mắt tượng trưng cho sự hèn nhát và yếu đuối, chỉ có kẻ thua cuộc mới khóc lóc đầu hàng. Tôi thà cắn răng chịu đựng, tự thuyết phục mình: “Cố nhịn đi, để dành đêm về chỉ có mình mày, một mình mày khóc sẽ chẳng ai biết.” Vậy là đêm nào cũng vậy, tôi cố trốn vào một góc trong kho ở chân cầu thang, chui tít vào tận sâu bóng đêm, lẳng lặng rơi phẫn uất, nén vào lòng những tâm sự chẳng thể giãi bày cùng ai, tôi không dám kể với bạn bè, chúng đều có bố mẹ đầy đủ, mỗi lần sang nhà bạn chơi tôi đều thấy vô cùng ghen tị. Mẹ cái Hoa có thể nhẹ nhàng hỏi nó rằng: “Hôm nay con muốn ăn gì? Con xem, chiếc váy này đẹp không?” còn mẹ tôi thì sẵn sàng đạp đổ cả bát cơm trộn canh trong khi tôi đang húp dở rồi lại bắt tôi nhặt lên ăn tiếp. Tất cả những điều đó tôi đều không dám kể cùng ai, tôi sợ xấu hổ, sợ bạn bè chê cười, sợ hơn nữa là sự thương hại, tôi sợ phải nhục nhã.

Thế rồi chín năm sống trong địa ngục cứ trôi qua như thế, từng ngày nặng nề, mỗi phút trôi qua yên bình đều kiến tôi thở phào nhẹ nhõm, tôi bắt đầu làm quen với bóng đêm, tập lắng nghe tiếng bước chân của mẹ vang lên lạnh lùng khi đêm xuống, tiếng roi vụt vun vút xuống cơ thể bé nhỏ đang nằm co quắp trên chiếc giường xập xệ, đầy máu và nước mắt xen lẫn những nhịp thở thoi thóp không đều đặn. Tuổi thơ trong tôi là những chuỗi ngày kinh hoàng với những đêm hoang mang chìm trong ác mộng kéo dài triền miên, đã có lúc tôi tự nhủ, khi tôi lớn lên, nhất định tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền, nhất định rời xa sự chi phối của mẹ. Nhưng rồi từng ngày trôi qua, nỗi uất hận trong “con súc sinh” ấy cũng dần biến mất, thay vào đó là những ý nghĩ đơn độc tự an ủi bản thân: “Nhờ đòn roi của mẹ mà con trở nên mạnh mẽ, những vết sẹo chảy dài trên cơ thể nhắc tôi không bao giờ được quên.”

Giả như bạn bị cuộc đời của chính mình dìm dập, một là bạn để mặc số phận cho dòng đời chèo kéo, hai là bạn phải đạp lên nó mà sống, buộc phải sống ngẩng cao đầu. Đừng đem những “định mệnh hay số phận” để làm lý do cho một cách sống yếu hèn. Mỗi con người đều có một cuộc sống của riêng mình, nhưng tự mình chèo lái được nó hay không lại phụ thuộc vào bản lĩnh của bản thân, chỉ có những người bản lĩnh không vững vàng mới để cuộc đời mình bị cuốn theo dòng xoáy tối tăm của xã hội. Tin tôi đi, định mệnh nằm trong bàn tay mình, đường chỉ tay chính là thứ dễ biến đổi theo thời gian nhất. Bạn biết vì sao nó biến đổi không? Chính là vì bản thân bạn.

Tôi có một bàn tay không đẹp, mà thật ra tôi không muốn nói rằng nó rất chai sạn và xấu xí, đường chỉ tay của tôi cũng không có gì đặc biệt, tất cả những người xem tướng cho tôi từ trước đến nay đều nói cuộc đời tôi không có gì may mắn, không có quý nhân phù trợ, từ bé đến lớn muốn thành công ắt phải dựa vào bản thân mình. Trước nay tôi chưa từng là người mê tín, nhưng đứng trước những lời nói hoàn toàn trùng khớp đó tôi cũng không khỏi dao động. Có thể tôi không may mắn, có thể tôi không có quý nhân phù trợ, nhưng ít ra, tôi biết tự vươn lên bằng hai bàn tay của mình.

Cuộc sống nuôi tôi lớn không đậm sắc màu cầu vồng, chỉ toàn là một màu ghi mờ mịt, như những cơn mưa đầu mùa xám xịt, khi mưa giăng kín lối đi, nếu không nhìn được đường ta hãy xé mưa mà bước tiếp. Cuộc sống ở phía trước, đừng cúi đầu, cũng đừng nên ngoảnh lại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3