Nếu được yêu như thế - Chương 10
Chương 10. Hy vọng được hồi sinh từ chính cơ thể mình
Triệu Chấn Đào rất ít khi ở nhà, Thuấn Nhân nhiều lắm thì một tháng cũng chỉ được gặp anh ta có hai, ba lần.
Ngoài lý do thường xuyên đi công tác ra, lý do chủ yếu là anh ta về nhà quá muộn, thường là một, hai giờ sáng trong tình trạng say khướt mướt, đập cửa ầm ầm, bấm chuông inh ỏi. Nửa năm đầu mới kết hôn, Thuấn Nhân hầu như ngày nào cũng phải đợi cửa, người mềm như bún, Thuấn Nhân phải dìu anh ta lên giường, lau người sạch sẽ, đắp chăn cho anh ta, sau đó đi giặt bộ quần áo, tất nhàu nhĩ như mớ rẻ lau, áo khoác ngoài phải dùng máy hút bụi hút những bụi bẩn, gập lại gọn gàng rồi mới đưa đến tiệm giặt là.
Dần dần, Thuấn Nhân càng cảm thấy mệt mỏi, tòa soạn cách nhà hơi xa, lại không có xe, ngồi tàu điện ngầm rồi lại chuyển một chuyến xe buýt, sáng sớm tinh mơ đã phải dậy, đêm đến bị Triệu Chấn Đào giày vò thể xác, một đêm cũng chỉ ngủ được có ba, bốn tiếng. Bởi vậy, hễ Triệu Chấn Đào đi công tác xa thì Thuấn Nhân cảm thấy mình được nghỉ ngơi.
Triệu Chấn Đào cũng không yêu thương Tiểu Bác như Thuấn Nhân tưởng tượng, thậm chí anh ta còn ghen tị với tình cảm mà bà Triệu và Thuấn Nhân dành cho thằng bé.
Triệu Chấn Đào thấy Tiểu Bác có quá nhiều đồ chơi thì cũng không vui, anh ta cho rằng không cần thiết phải chiều chuộng nó như thế. Thái độ của anh ta không thể coi là cách giáo dục nghiêm khắc của người cha, bởi anh ta đã từng nói với Tiểu Bác trước mặt Thuấn Nhân: “Con trai, lớn lên, tranh thủ thời trai trẻ, kiếm không đủ hai mươi đứa bạn gái thì đừng có kết hôn.”
Thuấn Nhân lên án kiểu dạy con kỳ lạ đó của Chấn Đào, thì anh ta nói: “Ai bảo bọn con gái cứ đâm đầu vào, liên quan gì đến thằng bé?”
Việc này dường như có nghĩa là cứ nhặt được ví rơi trên đường thì mang về nhà tiêu tùy thích. Thuấn Nhân không sao chấp nhận đước cái tư tưởng tiêu cực đó, đặc biết là anh ta lại dạy một đứa trẻ chưa đến mười tuổi. Lẽ nào giấc mộng của anh ta là nuôi dưỡng một Tây Môn Khánh(18) của thể kỷ hai mươi mốt?
(18) Tây Môn Khánh: là một nhân vật chính trong tiểu thuyết Kim Bình Mai của Tiếu Tiếu Sinh, nhưng đã từng xuất hiện trong tiểu thuyết Thủy Hử của Phi Mai Am. Đây là một nhân vật hoang dâm vô độ, tư thông với vợ của Võ Đại lang, anh trai Võ Tòng.
Sau này, Thuấn Nhân phát hiện ra thái độ tiêu cực của Triệu Chấn Đào xuất phát từ việc anh ta bị quá nhiều phụ nữ lừa, nên trong đầu anh ta mới hằn sâu mối hận, anh ta bị lừa mà cứ thấy mình oan ức lắm, không lượng sức mình mà điên cuồng theo đuổi mấy cô thiếu nữ mười bảy, mười tám tuổi, lại còn tưởng bở là mấy con bé đó đơn thuần là yêu mình chứ không hề màng tới tiền tài, danh lợi của mình. Trên thực tế, kiểu đàn ông như anh ta thuộc loại lừa đảo. Các chiêu trò lừa đảo trên đường phố cho thấy, người đi lừa đều là những người thích lợi dụng người khác. Tình cảm cũng vậy, ôm lấy cái tư tưởng lợi dụng đi săn gái, chỉ có thể săn được gái dởm mà thôi.
Công việc của Thuấn Nhân ở tòa soạn khá thuận lợi, ngoài chuyện Khổng Tử lôi đi tiếp khách, nói mấy chuyện trên trời dưới bể kêu gọi mấy doanh nghiệp rút hầu bao ra thì cũng không có yêu cầu gì quá đáng. Thuấn Nhân có lúc cũng ngồi hát phụ họa theo mấy ông sếp, nhưng lại cảm thấy xấu hổ. Khổng Tử khuyên răn: “Một quảng cáo thành công ở chỗ nó dẫn dắt được nhu cầu của người tiêu dùng hướng về sản phẩm, khiến họ mua sản phẩm đó. Đây không phải là lừa đảo, mà là buôn bán. Chúng ta cung cấp dịch vụ hứa hẹn, còn khách hàng là người trả thù lao.”
Lý lẽ nghe ra có vẻ hợp tình hợp lý, nhưng Thuấn Nhân vẫn thấy chỉ có một mẩu quảng cáo bé xíu mà thu về hàng mấy chục nghìn tệ, thật là giết người ra tiền. Thuấn Nhân không phải nhân viên nghiệp vụ, nhưng cô biết trong cái lợi tức thu về đó có phần trăm không nhỏ bỏ túi Khổng Tử. Chỉ cần một phi vụ làm ăn thì số tiền ông ta bỏ túi cũng đủ cho một gia đình nông dân ở huyện Uyển sống cả năm. Nếu người nông dân biết làm việc trí óc thì cũng đâu đến nỗi nghèo, Thuấn Nhân nghĩ, như thế họ sẽ có cuộc sống sung túc hơn.
Gần đây, trong người Thuấn Nhân không được khỏe, trễ kinh hai tháng rồi. Tới hiệu thuốc mua que thử, hai vạch đỏ nổi lên rõ ràng. Đến viện phụ sản khám nhưng lại sợ bộ mặt lạnh lùng của mấy bà bác sĩ, nên Thuấn Nhân thấy khó xử. Cô chợt nhớ ra bác sĩ Trịnh Học Mẫn quen hồi năm thứ ba đi nghỉ hè ở Bắc Kinh, bác sĩ Trịnh làm nhẹ tay, thái độ lại nhiệt tình, cởi mở. Thuấn Nhân đến bệnh viện lấy số từ rất sớm. Trịnh Học Mẫn là bác sĩ giỏi chuyên khoa sản, đúng lúc đang khám cho bệnh nhân, Thuấn Nhân chờ mấy tiếng mới đến lượt mình.
Trịnh Học Mẫn nhìn Thuấn Nhân thấy quen quen, lục lọi trí nhớ vài giây liền nở nụ cười thân mật: “Cháu là bạn gái của Tử Chấn phải không? Tử Chấn sao không đến? Lâu lắm rồi cô không gặp nó.”
Thuấn Nhân cảm thấy không thể để cô Trịnh tiếp tục hiểu nhầm nữa, nên giải thích: “Cháu và Tử Chấn chỉ là bạn thời trung học thôi. Cháu lấy chồng rồi, ở nhà cháu đã thử que rồi, lên hai vạch cô ạ!”
Bác sĩ Trịnh cười thân thiện, bảo Thuấn Nhân đi xét nghiệm nước tiểu, rồi lên giường kiểm tra một chút, lại hỏi mấy câu cần thiết. Bác sĩ Trịnh cau mày, Thuấn Nhân thấy thái độ đó, trong lòng lo lắng. Trịnh Học Mẫn cười an ủi rồi nói: “Rau tiền đạo(19), phải cẩn thận, nhất định không được làm việc nặng, phải nghỉ ngơi nhiều, bảo ông xã chăm sóc chu đáo. Nửa tháng khám lại một lần, đến gặp trực tiếp, cô sẽ khám luôn cho, không cần phải chờ đợi.”
(19) Rau tiền đạo: là tình huống chảy máu thường gặp ở ba tháng cuối thai kỳ, gây đẻ khó, cần phải chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời để tránh tai biến cho mẹ và thai nhi.
Thuấn Nhân nói: “Phải chờ cô ạ!”
Triệu Chấn Đào nghe Thuấn Nhân thuật lại lời bác sĩ Trịnh nói, thì lo lắng lắm, bà Triệu lại nói: “Nghe làm gì mấy lời bác sĩ nói, có người đàn bà nào mà không sinh đẻ đâu, dọa ai cơ chứ, chân giạng ra một cái là đẻ rồi. Chấn Đào, con cứ làm việc của con đi, không cần phải lo lắng làm gì cái chuyện bé như hạt gạo này.”
Bà Triệu rất chăm chút cho cái thai trong bụng Thuấn Nhân, ngày nào cũng đi chợ mua nào là gà ác, nào là tim lợn, thịt nạc về hầm cho con dâu ăn. Thuấn Nhân nhắm mắt nhắm mũi ăn, rất muốn ăn nhiều rau xanh, nhưng bà Triệu mỗi lần bưng lên là cả một bát thịt to, một bát canh cũng to, nhưng đĩa rau lại nhỏ xíu. Thuấn Nhân nhìn thấy đĩa rau cứ như thể nhìn thấy châu báu, ăn hết một cách vui vẻ, muốn đi lấy thêm thì bị bà Triệu lườm cho cháy mặt, bà ta ra lệnh cho Thuấn Nhân ăn hết chỗ thịt đó rồi muốn làm gì thì làm.
Tin Thuấn Nhân mang thai khiến Khổng Tử buồn bã vô cùng. Bản thân Thuấn Nhân cũng thấy hơi ngại, mới đến tòa soạn đã thế này rồi, khác nào muốn hại người ta. Thế là Thuấn Nhân chủ động đề nghị: trong thời gian nghỉ dưỡng thai chỉ lấy một nửa số tiền lương cơ bản. Khổng Tử nghe Thuấn Nhân nói thế liền thở ra một hơi, vẻ thanh thản.
Từ lúc mang thai, Thuấn Nhân không cùng Khổng Tử chạy khắp nơi tiếp khách nữa, cũng không phải ngửa cổ uống cái thứ rượu đắt như cắt cổ mà lại khó uống đến muốn chết đó nữa, cũng không cần phải nhẫn nại ngồi hít cái thứ khói thuốc độc hại của bọn đàn ông thở ra và không phải nghe những truyện cười dung tục. Cuộc sống trở nên nhàn hạ, có khi Thuấn Nhân lại hẹn Trăn Trăn đi dạo phố mua sắm, mua một đống đồ dùng của trẻ sơ sinh.
Tối về nhà, Thuấn Nhân lại ngồi trên giường, giở từng món đồ ra xem. Đôi tất mềm mại, bộ quần áo bé xíu, chiếc mũ hình con vật ngộ nghĩnh. Thuấn Nhân nhẹ nhàng sờ chúng, trong lòng ngập tràn hạnh phúc. Cuộc đời cô cuối cùng cũng nhìn thấy một tương lai đáng để mong chờ và thực sự thuộc về cô, một tương lai trong sáng, non nớt, tuơi mới, thơm ngát và đầy đủ.
Thời Hân phát hiện thấy dạo này Tử Chấn không về nhà ăn cơm nữa, cũng không có bất kỳ lời giải thích nào, không được nhìn thấy Tử Chấn, cũng không có cơ hội nói chuyện. Lẽ nào lại cứ để nó giống như một nghệ sĩ tinh thần hoảng loạn nhảy như điên cho đến lúc không nhảy được nữa, sau đó nghèo nàn, bệnh tật cứ vây lấy rồi trở thành huyền thoại sao? Việc này khiến ông ta không thể ngồi yên được.
Ông ta kêu An An lôi Tử Chấn về nhà, nhưng cũng chẳng có tác dụng. Đến An An, Tử Chấn cũng xa dần. Để tiện cho việc được gần gũi anh trai, An An làm một cái thẻ ở phòng tập của Tử Chấn. Loại thẻ này, Tử Chấn cũng đã từng làm cho Trăn Trăn một cái, nhưng Trăn Trăn ngày càng ít đến.
Trong giáo trình dạy của Tử Chấn bao gồm cả nhảy Hip hop, mặc bộ đồ tập, Tử Chấn đứng dựa vào chiếc gương lớn trên tường nhìn học trò luyện tập, trán và cổ nhễ nhại mồ hôi.
An An đưa cho Tử Chấn một chai nước suối, nói: “Anh à, lâu rồi em không thấy chị Trăn Trăn đến, anh chị chia tay rồi à?”
Tử Chấn trả lời: “Đâu có.”
An An nói: “Em nghĩ, anh thuộc típ đàn ông nghĩ tình yêu phải gắn liền với hôn nhân nhỉ? Không biết đánh giá cao sự nghiệp của đối phương, thậm chí không thể lý giải được giá trị của đối phương, như thế cũng được gọi là tình yêu sao? Là nhu cầu sinh lý thôi phải không? Nếu anh chọn lựa cách bỏ qua vấn đề này thì em cảm thấy buồn cho anh. Có vô số cô gái có thể cùng anh lên giường, nhưng hiểu được tâm hồn anh thì chỉ có một. Thượng Đế chỉ tạo ra một người để dành cho một người, cho nên trong Kinh thánh, Adam chỉ có mình Eva.”
Tử Chấn nói: “Con gái đang trong độ tuổi như em mà lại không có bạn trai sẽ biến thái rất nhanh đấy. Em đã hiểu được như vậy rồi thì nhanh tìm người yêu đi, quan tâm nhiều thế để làm gì?”
An An nhìn anh: “Phải đấy, em nên tìm người yêu rồi. Nhưng Adam của em đang lãng phí thời gian với con rắn tham lam ấy.”
Tử Chấn nói: “Em càng ngày càng ăn nói linh tinh rồi đấy, nói với anh trai của em những lời này thì thật là hoang đường.”
An An vẫn nhìn Tử Chấn, mắt không rời: “Anh chẳng phải là anh trai em, chúng ta không có quan hệ huyết thống.”
Tử Chấn không nói nữa, cầm lấy cái áo dưới sàn nhà rồi đi ra ngoài. An An theo sau, Tử Chấn đi vào phòng vệ sinh nam rồi chốt cửa lại.
Thuấn Nhân nhìn thấy Lý Triệt ở nhà ăn của tòa soạn, ngạc nhiên vô cùng. Thuấn Nhân không hiểu tại sao anh ta lại đột ngột xuất hiện ở Bắc Kinh, hơn nữa lại xuất hiện ở nơi cô đang làm việc.
Lý Triệt cầm phiếu ăn, đang xếp hàng chờ tới lượt mình, nhìn dáng vẻ như là người của tòa soạn rồi.
Thuấn Nhân bưng đĩa cơm ngồi xa xa, ăn vội vàng, cô nghĩ đây có lẽ là một việc ngẫu nhiên rất ít khi xảy ra. Thuấn Nhân muốn biến đi thật nhanh trước khi Lý Triệt phát hiện ra mình.
Đây đương nhiên không phải là việc ngẫu nhiên, Lý Triệt chủ động bưng đĩa cơm lại ngồi trước mặt Thuấn Nhân. Anh ta nói với Thuấn Nhân, anh ta biết tin Thuấn Nhân đến Bắc Kinh từ Châu Văn, lại hỏi Trăn Trăn thì được biết địa chỉ nơi Thuấn Nhân làm việc. Phòng máy tính của tòa soạn đang tuyển người nên anh ta đến đây. Công ty cũ của anh ta giảm biên chế, cầm đồng lương giải thể ít ỏi trong tay, anh ta trở thành kẻ thất nghiệp. Anh ta có thể tìm một công việc khác, nhưng chẳng có ô dù, chẳng có chỗ dựa, tình trạng thất nghiệp sẽ còn kéo dài. Chẳng có ai muốn mình giống như con khỉ trong đoàn xiếc, nhảy lên nhảy xuống để được một chút thức ăn. Ngọn cỏ duy nhất mà Lý Triệt có thể bám vào là Thuấn Nhân, bất luận là Thuấn Nhân hay chồng cô, chỉ cần nói vài câu là có thể làm thay đổi cuộc đời anh ta.
Thuấn Nhân đã kết hôn, Trăn Trăn còn nói cô mang thai rồi. Lý Triệt liền chuyển hướng suy nghĩ, hy vọng cô có thể nể tình xưa nghĩa cũ mà giúp mình một tay.
Yêu cầu này, Thuấn Nhân cảm thấy không quá đáng lắm, cô nói: “Anh ở phòng máy tính của tòa soạn không tốt à? Anh muốn tôi giúp việc gì?”
Lý Triệt nói: “Tập đoàn Thái Tín của chồng em, hay ở tỉnh đều được cả, không nhất thiết phải vào nhà nước, chỉ cần có người nhà nâng đỡ là được rồi.
Thuấn Nhân nghĩ hồi lâu, mới nói: “Triệu Chấn Đào có ấn tượng không tốt về anh, cô tôi cũng không thích anh. Tôi chẳng có cách nào cả, anh thấy đấy, tôi cũng chỉ là một biên tập viên bình thường, nếu giúp được anh, chắc chắn tôi sẽ giúp.”
Lời Thuấn Nhân nói ai nghe cũng biết đó là những lời nói thật, Lý Triệt càng rõ hơn. Triệu Chấn Đào có điên mới sắp sếp bạn trai cũ của vợ vào làm ở công ty mình, còn như Xuân Nam, cô ấy chẳng có nghĩa vụ phải đi giúp đỡ một thằng nhà quê từng làm tổn thương cháu mình.
Thuấn Nhân là người con gái xinh đẹp, xung quanh người đẹp sẽ có nhiều đàn ông tình nguyện giúp đỡ, đây mới là nguyên nhân cơ bản mà Lý Triệt tìm gặp Thuấn Nhân. Anh ta hy vọng Thuấn Nhân có thể nói tên mấy người có thế lực sùng bái cô, như thế anh ta mới có nhiều cơ hội lựa chọn. Nhưng Thuấn Nhân cứ cắm cúi ăn cơm, chẳng có dáng vẻ gì đang động não suy nghĩ về vấn đề này.
Lý Triệt nói: “Anh nghĩ tới một người, anh ta có thể giúp anh, nhưng em phải đi nói chuyện mới được.”
Thuấn Nhân nhìn Lý Triệt, anh ta nói: “Con trai độc nhất của nhà họ Thời, Thời Tử Chấn.”
Thuấn Nhân không nói gì, nghĩ miên man. Lý Triệt lấy đũa gõ vào tay Thuấn Nhân, nói: “Bố của Tử Chấn buôn bán đồ cổ, làm cả đời rồi, tài sản đè chết người. Anh muốn đến đó làm việc, lại là công ty liên doanh với nước ngoài, nếu được làm ở một vị trí tốt một chút thì tiền lương không tồi đâu.”
Thuấn Nhân nói: “Anh học công nghệ thông tin, đến đó thì làm được gì?”
Lý Triệt dùng thìa khua đi khua lại trên khay, dáng vẻ đắc ý nói: “Buôn bán đồ cổ thì cũng phải làm trên máy tính, chắc chắn là cần đến người như anh. Hơn nữa môi trường ở đó cũng thích hợp với anh, được tiếp xúc với nhiều người thành công.”
Thuấn Nhân nói: “So với Triệu Chấn Đào và cô tôi thì hình như Tử Chấn còn ghét anh hơn? Anh ấy ghét anh nhất đấy.”
Lý Triệt thở dài một tiếng, nói: “Thế nào cũng được, anh làm việc cho bố nó, chứ có phải cho nó đâu. Em giúp anh nói chuyện với ông ấy nhé, may mà chúng ta cũng là đồng hương, là bạn học, từng yêu nhau một thời gian, hơn nữa anh và nó từng học chung một học kỳ.”
Khuôn viên trường múa thật yên tĩnh. Khu giảng đường nằm dưới bóng cây râm mát, những cành liễu xanh vươn mình đón ánh nắng mặt trời. Trên tảng đá lớn khắc dòng chữ: “Học văn hóa như học nghệ thuật, luyện múa đi đôi với luyện nết người.”
Thuấn Nhân đợi một lát đã thấy Tử Chấn đi đến, vẫn là bước chân nhanh nhẹn, hăng hái ngày nào.
Tử Chấn nhìn Thuấn Nhân mặc chiếc váy rộng, đi dép bệt, miệng nở nụ cười, nói: “Sắp làm mẹ rồi cơ đấy.”
Thuấn Nhân nói: “Ngồi đây nói chuyện nhé.” Nói xong, chỉ vào cái ghế đá dưới bóng cây.
Tử Chấn lắc đầu: “Ghế đá lạnh lắm, em ngồi đó không tốt đâu, đến ký túc của anh đi.”
Ký túc của nghiên cứu sinh thì hai người một phòng, phòng của Tử Chấn rất sạch sẽ, cửa kính trong suốt, giường gọn gàng, chẳng giống phòng của con trai một chút nào. Không khí trong phòng lại thoang thoảng mùi thơm nhẹ nhàng tỏa ra từ chậu lan bên khung cửa sổ.
Thuấn Nhân nói: “Anh và Trăn Trăn cũng sắp kết hôn rồi nhỉ? Đã định ngày tháng chưa?”
Tử Chấn rót nước cho Thuấn Nhân: “Còn trẻ mà, tốt nghiệp xong rồi tính.” Anh nhìn Thuấn Nhân rồi cười: “Còn em? Đã gặp bác sĩ Trịnh khám chưa?”
Thuấn Nhân nói: “Em gặp rồi, khám đến mấy lần rồi, sau này em sẽ sinh ở đó luôn.”
Thuấn Nhân không biết mở lời thế nào, cứ xoay xoay điện thoại trong tay, Tử Chấn nói: “Cái điện thoại này đẹp đấy chứ, hiệu gì thế? Anh cũng muốn mua cho Trăn Trăn một cái.”
Tử Chấn vươn người lấy điện thoại lại xem, Thuấn Nhân chợt nhớ ra cái màn hình, nhưng không kịp nữa rồi, mắt Tử Chấn cứ nhìn chăm chăm vào màn hình, một hồi sau mới đưa lại cho Thuấn Nhân, dường như có chút ngượng nghịu, lấy tay xoa xoa cánh mũi, vẫn dáng vẻ không biết làm gì cho phải.
Ánh mắt Thuấn Nhân nhìn Tử Chấn giống như nhìn vào một đứa trẻ mình yêu thương, mỉm cười nói: “Anh đừng vì thế mà cho rằng em đa tình chứ?”
Tử Chấn mặt đỏ ửng, cười cười nói: “Không đâu, không đâu.”
Thuấn Nhân nói: “Lý Triệt thất nghiệp rồi, anh ta muốn vào làm trong công ty của bố anh, anh có thể giúp được không?”
Một hồi lâu không thấy Tử Chấn nói gì, Thuấn Nhân nói: “Nếu không tiện thì thôi vậy, không sao đâu, anh đừng nghĩ nhiều.”
Tử Chấn cố kiềm chế không thể hiện cảm xúc, giữ bình tĩnh, nhưng vẫn để lộ một chút đau thương trên nét mặt. Hai bàn tay đan vào nhau, ôm lấy đầu gối, giọng thấp xuống nói: “Để anh nói với bố xem sao, em chờ điện thoại của anh nhé.”
Thuấn Nhân cảm ơn, chuẩn bị ra về, đi đến cửa, lại quay người lại nói: “Anh phải tốt với Trăn Trăn hơn nữa, quan tâm nhiều đến cậu ấy, phải thường xuyên nói chuyện, tâm sự với cậu ấy.” Dường như còn nhiều lời muốn nói, nhưng cứ tắc nghẹn ở cổ họng, chỉ thốt ra được một câu: “Anh sẽ hạnh phúc.”
Tử Chấn không biết phải đáp trả những lời đó thế nào, theo sau tiễn Thuấn Nhân vài bước, trong lòng càng lúc càng đau buồn, bèn dừng chân không tiễn nữa, nhìn Thuấn Nhân xuống lầu một mình, từng cơn gió nhẹ thổi qua hành lang làm bay bay chân váy thêu hoa, rất giống những bông hoa dại lung lay trên sườn đồi năm ấy.
Tử Chấn xuất hiện ở tập đoàn Thời Thị. Thời Hân tưởng đã xảy ra một việc động trời.
Anh ngồi ở bàn làm bằng gỗ Tử Đàn trong phòng làm việc, không chút rào trước đón sau, đi thẳng vào vấn đề: “Con có một người bạn học học về máy tính, kinh nghiệm làm việc không nhiều, bố giúp cậu ấy sắp xếp một chỗ nhé.”
“Bạn nữ?”
“Con trai.”
“Nhân phẩm thế nào?”
“Nhân phẩm chẳng ra gì.”
“Thế con tiến cử cậu ta cho bố là có ý gì?”
“Để anh ta làm ở bộ phận máy móc được rồi, thời buổi này cũng chẳng có mấy người tốt.”
“Hình như con thấy bố nhất định sẽ nghe theo lệnh của con. Vì sao chứ?”
“Con không ra lệnh. Nếu bố cho rằng con đang ra lệnh, như thế chỉ có thể chứng minh một điều, bố bằng lòng thu nạp ý kiến của con.”
“Con có cách nào làm cho bố thấy công bằng một chút không?”
Tử Chấn nhìn bố, rồi nhổ ra hai chữ: “Giao dịch.”
Thời Hân cười lớn: “Đúng là con trai tôi! Được, con giúp bố một việc, con xem cho bố pho tượng này.”
Trên bàn dải một tấm vải nhung màu đỏ, bên trên đặt pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng mạ vàng. Tử Chấn cúi người xuống quan sát một lúc, mắt nhắm lại, thở nhẹ một hơi, rồi thẳng người lên, quay qua nói với bố: “Đồ giả.”
“Có thể nhìn thấy được à?” Thời Hân hỏi.
“Pho tượng làm bằng đồng mạ vàng, được thờ cúng trong một thời gian dài, bị nhuốm màu hương khói, bình thường cũng có thể ngửi thấy mùi hương khói và mùi mốc. Thứ đồ giả này đã qua xử lý, nó được hun khói để nhìn cho giống đồ cổ, hơn nữa nó bị chôn dưới đất một thời gian, nhưng mùi khói quá nặng, mùi bùn quá nồng.”
Thời Hân nói: “Bảo bạn con đến làm đi, lúc nào cũng được.”
Tử Chấn không cảm ơn mà nói: “Con đi đây.”
Thời Hân cố nói với theo: “Con suy nghĩ đi, có muốn đến chỗ bố làm không? Bố có vài ý kiến cho sự nghiệp của con sau này, con cứ tham khảo xem sao.”