Mê Lộ - Chương 13 - Part 02

Người đàn ông ở phòng bên cạnh chạy qua nhìn rồi reo lên:
_A! Ông bà xuống thăm cậu cả đó à? Để tôi đưa chìa khoá của Bình cho ông bà vào. Ông bà cơm nước gì chưa?
Bà Mơ nói:
_Cám ơn ông chúng tôi ăn ở phi trường Liên Khương rồi! Tình hình chiến sự tới đâu rồi ông?
Người đàn ông nói giọng lo lắng:
Căng quá rồi! Huế thất thủ rồi nghe nói Thuỷ Quân Lục chiến rút về Đà Nẵng.
Ông Hưng kêu lên:
_Ủa tôi nghe tin tức phát thanh hồi sáng là có một số TQLC về tới Vũng tàu rồi mà!
Thằng Hải đề nghị:
_Hay là mai con xuống Vũng Tàu hỏi thăm xem sao?
Hương con gái út của ông bà chen vào:
_Cho em đi với. Nói thật đương học hành ăn ở thoải mái bỗng dưng kéo nhau xuống đây ở phòng nhỏ như cái lỗ mũi chắc em điên lên mất!
Cả nhà đang bàn tán xôn xao thì nghe ngoài hành lang có tiếng đàn ông gọi với vào:
Bình ơi! Về rồi phải không?
Nhận ra giọng thằng cháu Hoàn bà Mơ chạy ra:
_Trời ơi Hoàn về Sàigòn hồi nào?
Hoàn đáp:
_Mới hồi sáng nay thôi bác à! Là phi công phản lực con được một người bạn lái máy bay dân sự kéo lên ngồi ở phòng lái chứ chen không nổi với thiên hạ. Thật là dễ sợ! Không mang được gì cả, không có cả quần áo mà thay, may còn vài bộ để nhà mẹ con ở Sàigòn.! Mình là phi công đàng hoàng vậy mà chen muốn bẹp ruột luôn, suýt chút nữa là mắc kẹt ở Phan Rang.
Bà Mơ giục cháu:
_Hoàn chở bác đi thăm mẹ đi con!
Hoàn nói:
_Trời ơi! Bây giờ mà thăm với nom gì. Thấy cảnh chen lấn ở Phan Rang về tới đây con đưa mẹ và gia đình vào ở trong chung cư Tân Sơn Nhất chỗ người bạn có dịp là đi ngay! Hai bác và hai em sửa soạn vào luôn đi may ra có khi xuất ngoại được.
Bà Mơ lắc đầu:
_Không hai bác không đi đâu, hai đứa nhỏ có đi thì đi!
Hoàn giục:
_Vậy hai đứa chuẩn bị mai vào phi trường với anh!
Con Hương sững người lại, nó đang nghĩ tới anh Bình, mới tuần trước buổi sáng sớm khi nó còn ngái ngủ có vào giường ôm hôn nó trước khi ra mặt trận, chả lẽ đó là lần cuối cùng? nghĩ tới đây nó mếu máo ấp úng mãi chẳng nói được gì nữa, còn thằng Hải thì quýnh lên:
_Sao kỳ vậy? Anh Bình thì sao? Mà đi đâu mới được chứ! đồ đạc còn trên Đàlạt chả lẽ không về nữa sao?
Hoàn đề nghị:
_Bậy giờ sẵn có xe honda con vù xuống Vũng Tàu hỏi thăm xem sao?
Hoàn vội vã phóng xuống dò hỏi tung tích của Bình nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Sàigòn đang trong những giây phút hấp hối. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từ chức ra khỏi nước, phó tổng thống Trần văn Hương lên thay ngày 21 tháng 4. Ngày 26-4 Chiến Dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân cộng sản bắt đầu vượt vành đai phòng thủ thành đô miền nam tiến vào Sàigòn…
Trực thăng bay như mắc cửi suốt đêm ngày chở người di tản. Sân bay Tân Sơn Nhất như một cái chợ. Một bãi rác khổng lồ. Quá tải! Hàng bao nhiêu người tranh giành để có một suất đi khỏi Việt Nam. Những ông to bà lớn, những người có máu mặt, những nhà tư sản, luật sư… đã ra đi không chút do dự. Họ để lại sân bay những xe hơi bóng loáng không hề tiếc rẻ.
Các con ông Hưng may mắn có Hoàn là người được phép ra vào Tân Sơn Nhất giúp đỡ. Là phi công anh quen biết nhiều và tìm cách cho các con ông và gia đình anh ta được ra khỏi nước trước. Ông bà Hưng không đi. Họ ở lại chờ tin Bình. Hoàn thuộc diện có thể đi đàng hoàng hợp pháp bất cứ lúc nào nên cũng không vội.
Ông Hưng không bao giờ quên cái ngày ông vào phi trường tiễn các con đi. Trong đám đông hỗn độn, ông cố ôm hai đứa con vào lòng, nghe tụi nó thì thầm:
_ Chắc rồi tụi con sẽ sớm gặp lại ba má. Có tin gì về anh Bình ba má tìm cách nhắn cho tụi con liền nha!
Ông gật đầu cố làm ra vẻ thản nhiên tìm cách thoát ra khỏi vòng tay bịn rịn của các con để chúng yên tâm lên máy bay.Vừa thoát ra khỏi vòng tay ông, con Hương không biết nghĩ sao lại cố đưa tay ra như để chạm vào ông một lần nữa nhưng nó mau chóng bị xô dạt, cái tay chới với trên không rồi chìm vào biển người. Hình như thời gian quá gấp gáp không kịp có những khoảnh khắc để thấm thía sự đau buồn cho cảnh biệt ly.
Khi tiễn các con xong, ông tìm một chỗ để ngồi thở thì lại phải chứng kiến một cảnh thật đau lòng. Hôm ấy là ngày có chuyến bay từ thiện chở các em bé mồ côi, các em lai đang chuẩn bị cất cánh. Một người mẹ và đứa con lai chừng 5 hay 6 tuổi gì đó cứ quấn quýt bên nhau. Thằng bé luôn mồm hỏi mẹ:
_ Sao má không đi luôn với con hả má? Sao vậy má?
Người mẹ buồn bã dỗ dành:
_ Con đi trước, má đi chuyến sau. Máy bay này chỉ chở toàn em bé, má không được phép đi. Lát nữa con cứ theo nhân viên của cơ quan, cần gì cứ nói với họ, phải vâng lời người ta nghen con! Con cứ yên tâm má sẽ qua ngay sau đó.
Thằng bé thút thít:
_ Sao chưa đi mà con đã cảm thấy nhớ nhà nhớ ngoại quá à! Thôi con không đi đâu má ơi!
Rồi nó oà khóc lắc đầu quầy quậy. Cậu nó ở đâu trờ tới trừng mắt:
_ Nín! Trời ơi! Nói hoài mà hổng chịu hiểu gì hết trơn vậy nè? Qua Mỹ sướng lắm nghen con! Cả nhà sợ con ở lại nguy hiểm chạy ngược chạy xuôi cho con đi mà còn làm bộ nhõng nhẽo là sao? Con tưởng ai cũng may mắn như con sao?
Người mẹ siết con vào lòng rên rỉ:
_ Thôi mà cậu! Cháu còn nhỏ quá hiểu gì đâu mà cậu trách!
Khi đứa bé được một nhân viên kéo ra khỏi tay người mẹ để vào phòng chờ, ông Hưng hỏi người mẹ:
_ Tại sao chị không đi với cháu? Chị đi sau à?
Người phụ nữ nghẹn ngào:
_ Dạ không! Coi như con mất cháu vĩnh viễn.
Nhìn khuôn mặt thằng bé nổi bật giữa đám con lai ông xúc động hỏi:
_ Sao kỳ vậy?
Người phụ nữ phân trần:
_ Bác thấy đó! Con là dân thường, không quen biết không thân thế. Vì có người bạn làm ở cơ quan từ thiện. Họ bàn nếu muốn nó đi thì phải làm giấy cho con, không được tìm gặp lại nữa, cắt đứt mọi liên lạc. Qua đó nó sẽ có gia đình mới. Mọi chi tiết về nó sẽ được giữ kín. Con đã ký và chấp nhận những điều kiện để nó có thể cùng với các bé lai mồ côi kia đi Mỹ. Gấp gáp quá con không thể tính gì hơn được nữa.
Khi máy bay cất cánh khỏi mặt đất người phụ nữ khẽ rên lên, sắc mặt nhợt nhạt lả đi trong tay người em trai.
Rời phi trường về nhà, đầu óc ông rối bời, ngơ ngẩn như người mất hồn, phần buồn vì xa con, lo cho các con, phần thấy vợ ông cứ nằm lì không ăn uống gì mà cũng chẳng đi đâu cả!
Tối hôm ấy ông không chợp mắt được. Cảnh biệt ly của hai mẹ con ở phi trường có lẽ sẽ ám ảnh ông không biết đến bao giờ? Ông không thể tự giải thích và cảm thấy uất ức không hiểu tại sao mấy ngày nay lại phaỉ chứng kiến nhiều cảnh hỗn loạn thương tâm như vậy!
Chiều ngày 28 tháng 4, đại uý Hoàn sau mấy ngày ở liền trong phi trường muốn ghé về thăm ông bà Hưng hỏi tin tức Bình và nói lời từ biệt vì thủ tục giấy tờ đã xong xuôi. Đang trên đường về nghe mọi người xôn xao muốn quay trở lại nhưng không được nữa! Phi trường Tân Sơn Nhất bị tấn công.
Ông bà Hưng thấy Hoàn xuất hiện trong bộ đồ bay khuỵu xuống trước cửa khuôn mặt bàng hoàng tuyệt vọng.
Sau đó thủ tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
10:30 ngày 30-4 quân đội chính quy bắc việt tiến vào Sàigòn.
Xe tăng húc cổng Dinh Độc Lập.
11:30 cờ Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Trên những nẻo đường chính người ta đứng dọc hai bên đường. Kẻ phất cờ, người hô khẩu hiệu, người thì lặng lẽ bàng quan đứng nhìn đoàn quân chiến thắng. Những anh bộ đội cụ Hồ phần lớn sắc mặt bủng beo xanh xao, có anh, mũ và balô còn nguyên lá nguỵ trang ngồi trên những chiếc xe nhà binh bắt đầu chạy vào thành phố. Họ xuất hiện ngơ ngác giữa chốn phồn hoa. Chiến thắng quá nhanh khiến những chiến sĩ chưa kịp trút bỏ những gì chỉ thích hợp với núi rừng. Lá nguỵ trang chỉ reo với gió đèo, dốc đá cheo leo hoà trong rừng sâu núi thẳm để đánh lừa quân địch. Bây giờ giữa phố xá đông người, giữa thanh thiên bạch nhật tất cả bỗng trở nên lạc lỏng.
Buổi trưa ông bà Hưng ngồi lặng lẽ trong phòng nghe người ta la hét bên ngoài. Hoàn đang nằm bất động trên phản bỗng đứng dậy lục súng lấy băng đạn ra. Hiểu lầm cháu mình sẽ tự tử ông Hưng chạy lại ôm ngang lưng Hoàn. Bà Mơ quỳ xuống năn nỉ:
_ Con ơi! Con đừng dại dột như vậy. Còn có hai bác đây mà! Còn biết bao nhiêu người như mình mà! Ai sao mình vậy, bỏ súng xuống đi con!
Hoàn lên đạn lạnh lùng nói:
_ Con không tự tử. Hai bác yên tâm. Nhưng con sẽ bắn bất cứ đứa nào thò mặt vào đây cưỡng bức hôi của.
Nói rồi Hoàn lấy hết những bộ đồ phi công chất đống gọi thằng bé hàng xóm cho nó ít tiền rồi bảo:
_ Đem cái đống này vất ra bãi rác gần nhà cho chú! Nhớ là phải ra tới bãi rác đó nghen mậy!
Thằng bé cười:
_ Vất ở trong hẻm này cũng được. Con thấy áo lính vứt đầy mấy cầu thang chung cư, ngoài đường cái nữa!
Ông bà Hưng và Hoàn nhìn nhau ngao ngán. Họ không ăn uống gì suốt ngày hôm đó. Bà Hưng ngồi bó gối lặng lẽ ngoài lan can. Ông Hưng thấy vợ ít nói hẳn. Ông biết bà đang nghĩ đến Hoan Bình nhưng không dám nhắc tên con mặc dù trong lòng ông cũng rối như tơ vò. Ông đứng lặng giữa căn phòng nghe đâu đó vẳng lên tiếng hát: “Từ bắc vô nam nối liền nắm tay, ta đi vòng tay lớn mãi… mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng…”
Ông lẩm bẩm:
_ Hoà bình rồi sao? Thống nhất rồi sao?
Rồi ông nghe giọng Hoàn nói:
_ Con sẽ ra trình diện. Thôi thà làm thằng làm vườn ngày hai bữa rau dưa còn hơn làm một sĩ quan mà nhục nhã như thế này!
Ông Hưng mừng vì sau những chấn động Hoàn đã lấy lại được bình tĩnh.
Tối hôm ấy, các đài phát thanh quốc tế thi nhau loan báo sự chiến thắng của quân đội cộng sản bắc việt và sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền miền nam Việt nam.
Mấy ngày sau ông bà Hưng tiễn cháu đi học tập. Họ đứng nhìn theo cho đến khi cháu cùng với những người lính VNCH khác được tập trung lại để chuẩn bị lên xe đi tới trại học tập. Cuối cùng Hoàn quay lại nói:
_ Thôi hai bác về đi. Con đi học tập mười ngày rồi lên Đàlạt với hai bác.
Ông Hưng ôm siết cháu thật chặt rồi nói nhỏ:
_ Con hãy cố gắng vượt qua những khó khăn nghe con. Mình là người thua phải nhẫn nhục con ạ!
Khi trở về phòng chỉ còn hai vợ chồng, bỗng nhiên bà Mơ ôm mặt khóc, bà rên lên:
_ Con ơi! Con ở đâu? Má chỉ mong con được như Hoàn thôi! Con mà chết thì làm sao mà má sống được?
Ông Hưng hốt hoảng kêu:
_ Sao em lại nói vậy? Chắc con nó kẹt ở đâu đó thôi!
Giọng ông trở nên xác quyết hơn:
_ Nó không thể chết được! Hồi ở Quảng trị khốc liệt hơn bây giờ nó có chết đâu?
Ngày hôm sau ông bà Hưng có mặt trên chuyến xe trở về Đàlạt. Là một viên chức hành chánh đã nghỉ hưu được năm năm theo luật hiện hành thì người kế nhiệm ông mới phải đi học tập còn ông thì không phải đi. Ông mừng, nghĩ mình là người may mắn mặc dù sau đó ông đã phải khai lý lịch liên tục và chịu sự kiểm soát của công an phường khóm.
Mười ngày trôi qua chưa thấy Hoàn về. Nhưng ông bà vẫn hy vọng Bình và Hoàn sẽ sum họp trong một ngày gần đây.
Ông Hưng bắt đầu tìm cách dò hỏi viết thư tìm người chị ở ngoài bắc. Ông hồi hộp ngóng trông…
Sự sụp đổ của chính quyền Sàigòn cũng kéo theo sau đó làn sóng người tị nạn lao ra biển khơi trên những con thuyền nhỏ bé mong manh bất chấp hiểm nguy, sóng to gió lớn, hải tặc, đói khát bệnh hoạn đang chực chờ. Một số phải vùi thây trong lòng biển không bao giờ thấy được đất liền. Những người may mắn hơn tiếp tục sống mòn mỏi trong các trại tạm dung mọc lên khắp vùng Đông Nam Á trước khi được chấp nhận đi định cư ở một nước thứ ba.
CHÚ THÍCH:
[ 1 ] La Vieille Garde Canadienne: Đội Vệ Binh cổ Gia Nã Đại