Huyền sử Cỏ tiên - Chương 11

Chương 11
Ngài Tri huyện đứng lặng nhìn biển, nhìn trời .... Trăng thượng huyền lặn một lúc lâu ngài mới trở gót vào gặp ông Thuận. Ngài cố ý đến muộn vì câu chuyện cần phải bí mật. Nghe tiếng gõ cửa, ông Thuận ngỡ là có người hoạn nạn tìm đến cậy nhờ. Mở cửa, thấy ngài Tri huyện, ông Thuận niềm nở mời vào khêu to đèn rồi hỏi:
- Có việc gì mà lương y phải vất vả vào lúc canh khuya này. Nếu có lương y cứ dậy.
Ngài Tri huyện cung kính:
- Lão Chài quá lời rồi. Tôi mới là người cần lão Chài chỉ giáo. Hạnh ngộ được nghe chuyện của lão Chài, tôi biết lão Chài đã xem nhẹ chuyện sinh tử. Giờ chỉ có lão Chài và tôi nên tôi cũng không dấu làm gì. Mấy mươi năm trước lão Chài phải dấu họ tên. Hôm nay, tôi cũng như lão Chài mấy mươi năm trước. Lão đã không dấu chuyện đời lão thì tôi cũng chẳng dấu chuyện của tôi làm gì.
Lão Chài đỡ lời:
- Thì ra lương y cũng đang gặp hoạn nạn, đầu đuôi thế nào?
Ngài Tri huyện đáp:
- "Sống vì nghề, khổ cũng vì nghề". Tôi cắt thuốc cho con giai một nhà giầu. Chén thuộc của tôi tối kỵ sâm. Nếu chén đó có thêm vài ba phân sâm người bệnh uống vào sẽ truỵ mạch. Ông nhà giầu thấy chén thuốc của tôi bốc không có sâm tưởng rằng tôi ngầm chê ông ấy keo kiệt. Vì có sâm chén thuốc phải thêm tiền. Hàng xóm của ông nhà giầu không biết gì về thuốc nhưng lại làm ra vẻ giỏi giang. Nghe ông nhà giầu phàn nàn chén thuốc của con giai không có tý sâm nào, ông hàng xóm bèn chê ra chê vào. Ông nhà giầu bực bèn mua một củ sâm to cho vào chén thuốc của tôi cắt cho con ông nhà giầu. Thằng nhỏ uống xong bệnh tăng như nồi cơm sôi. Con chết, ông nhà giầu kiện. Quan cho lính đến bắt tôi. Vì vậy tôi phải trốn.
Ngài Tri huyện dựng một câu chuyện, người có hiểu biết về thuốc sẽ tìm thấy sự vô lý nhưng lão Chài lại rất tin bèn an ủi:
- Âu nó cũng là cái hạn. Nếu không có cái gã hàng xóm cười ông ấy chắc gì chén thuốc đã có thêm củ sâm. Ai ngờ lương y cùng cảnh như tôi.
Ngài Tri huyện chỉ cần lão Chài tin và rõ ràng lão Chài đã tin. Thế là ngài hỏi cái điều cần hỏi:
- Hai thằng Cu nhớn Cu con chắc có chuyện nên lão Chài có vẻ lo cho chúng lắm?
Lão Chài làm ra vẻ hệ trọng:
- Người khác mang kìm cạy mồm tôi, tôi cũng không nói. Nhưng lương y cũng oan ức như tôi nên tôi không dấu. Ngay đêm đầu Cu nhớn ngủ ở chỗ tôi, nó nói mơ: "Ông sẽ đâm chết Tể tướng, đâm chết Tổng quản... " Những câu sau Cu nhớn ú ớ tôi không nghe rõ. Sáng hôm sau, tôi nẹt Cu nhớn. Hễ nói thật thì tôi cưu mang và giữ kín chuyện cho, không nói thật tôi đuổi đi ngay. Sợ bị đuổi đi, Cu nhớn nói hết. Nó là thằng nhỏ cầm dao định đâm Tể tướng ở pháp trường mấy năm trước đấy. Việc lộ ra, nó dẫn em trai đi trốn. Không bắt được nó, Tể tướng sai tổng quản thị vệ giết bà nó và mẹ nó.
Ngài tri huyện thông minh đỡ lời:
- Hôm nay có lão Chài, có tôi và có giời, tôi không bao giờ để lộ chuyện này.
Ngài Tri huyện quay về, gà đã gáy canh tư. Vài ngày sau, Ngài đi gặp Cu nhớn, khi ấy Cu nhớn đã là chàng trai tráng kiện đi bể giỏi và cũng là một trong số những người được ngài Tri huyện cứu sống trong trận dịch tả. Anh định một lúc nào đó đến cảm ơn lương y và xin được theo học nghề thuốc. Nhưng anh chưa kịp đến cảm ơn lương y thì lương y đã đến chỗ anh. Đắn đo kỹ, ngài Tri huyện đi thẳng vào vấn đề:
- Cứ coi bác như lão Chài vậy, cháu không phải e dè gì. Cháu hoạn nạn mới đến đây, bác cũng hoạn nạn nên mới gặp cháu. Vì sao cháu lại mang dao đâm Tể tướng và Tổng quản để nhà mang hoạ?
Cu nhớn biết lão Chài đã kể chuyện của anh cho lương y nghe. Cu nhớn rất kính trọng lương y nên không dấu nữa:
- Cháu là người chịu ơn công tử con quan Ngự sử. Công tử chết oan, thảm hại quá. Cháu muốn báo thù cho công tử nhưng mọi người ngăn lại. Việc bại lộ cháu phải trốn. Tể tướng và Tổng quản không bắt được cháu bèn giết mẹ cháu và bà nội cháu.
Ngài Tri huyện lại hỏi:
- Cháu có ý định minh oan cho công tử không?
Cu nhớn nhìn thẳng vào mắt ngài Tri huyện "Người này có thể tin được", Cu nhớn nghĩ như vậy bèn nói:
- Cháu không dấu gì bác, cháu tên là Mộc, em cháu tên là Mạc. Cái tên Cu nhớn, Cu con là tên cháu tự đặt khi trốn đến đây. Cháu rất muốn trả thù nhưng cháu làm được gì?
Ngài Tri huyện động viên:
- Làm được gì thì chưa chắc, nhưng cháu có lòng với công tử, dưới suối vàng công tử sẽ hiểu lòng tốt của cháu. Lưới trời lồng lộng cháu ạ. Những kẻ ác không thoát được đâu.
Ngài tri huyện khéo léo bộc lộ ý mình để Mộc không lo ngại gì:
- Bác có biết công tử ấy bởi bác đã một vài lần bốc thuốc cho quan Ngự sử. Công tử ấy là một thiếu niên khôi ngô, thông minh, tính nết rất tốt. Làm được gì để minh oan cho công tử ấy, bác cũng không tiếc, chỉ e lực bất lòng tâm.
Câu nói của ngài Tri huyện làm cho Mộc sững sờ. Mộc không ngờ lại gặp được người biết con trai quan Ngự sử và có ý minh oan cho ân nhân của mình. Mộc cảm động xiết đỗi:
- Cháu tin rằng bác làm được. Cháu cảm thấy bác không chỉ là lương y. Bác còn là gì nữa ấy mà cháu không nói ra được ...
Ngài Tri huyện cũng bất ngờ. Chàng trai làng chài tên là "Cu nhớn" lầm lầm lì lì năm mười ba tuổi dám dấu dao nhảy vào pháp trường đâm Tể tướng và Tổng quản thị vệ. Nếu không có người ngăn lại chắc chắn Cu nhớn không còn đến hôm nay. Hành động gan góc nhưng dại dột của Cu nhớn - Mộc đã dẫn đến cái chết thảm khốc của bà nội và mẹ. Thế là hai đứa trẻ, anh mười ba, em mới lên mười mất cả cha lẫn mẹ. Chúng bơ vơ giữa trần gian cho đến khi gặp ông Thuận. Từ đó, Mộc nuôi chí trả thù cho người thân và cho ân nhân mười sáu tuổi đã chết bởi lưỡi gươm tàn bạo của Tổng quản thị vệ và Tể tướng.
Bà Thục Trâm quay về chợ Hải Đông vào nhà người thân lấy bạc của bố đã gửi từ trước rồi quay trở lại đón Kim Phụng đi. Kim Phụng hỏi bà vì sao phải chạy trốn. Bà Thục Trâm trả lời gọn lỏn "nhà gặp nạn". Cô bé rất thông minh nhưng mới mười bốn tuổi đầu nên chưa hiết hiểu những gì chứa đựng trong ba từ ấy. Nhưng nhũ mẫu là người thông minh, chín chắn đã phải dẫn Kim Phụng đi trốn, có nghĩa là nguy hiểm, đau đớn đang ụp xuống nhà Kim Phụng.
Hai người dừng chân ở một ngôi chùa khác cách Hải Đông ba ngày đường. Chùa này có một sư nữ là cháu ông Tú - phu quân của bà Thục Trâm. Sư nữ này chăm nom cho Kim Phụng còn bà Thục Trâm cải trang lên kinh thành nghe ngóng. Bà biết tin, hai nhà đã bị chém. Thế là mới mười bốn tuổi đầu, Kim Phụng đã mất cha, mất mẹ, mất anh phải lìa nhà như chim non mất tổ.
Bà Thục Trâm hiểu song thân và hai em đã kịp trốn thoát. Nếu nhà bà bị hại, dân đã bàn tán ầm lên. Bà về chùa đón Kim Phụng đi đến nơi khác tránh sự đuổi bắt của Tổng quản thị vệ. Chuyện đau lòng của nhà quan Tổng đốc bà Thục Trâm dấu biến. Bà chỉ nói cả nhà Tổng đốc mới bị tạm giam vì có người cáo giác. Bà chưa dám nói rõ sự thực sợ Kim Phụng không đủ sức mà chạy. Nhưng vì quá thương yêu học trò, bà vô tình nói ra chuyện Kim Phụng đã được Tướng công hứa gả cho công tử con quan Ngự sử. Mươi ngày nữa thôi, nhà trai sẽ sang bỏ giầu. Sang năm mới, tiểu thư sẽ về nhà chồng. Nhưng không may công tử cũng gặp nạn cùng quan Ngự sử.
Kim Phụng vui trong bàng hoàng, sợ hãi. Thì ra mình đã có nơi có chốn. Hèn gì lần nào quan Ngự sử viếng thăm thân phụ cũng có công tử đi theo. Kim Phụng còn hỏi nhũ mẫu nhiều điều. Nhũ mẫu đều khất. Kim Phụng có nài cũng không được. Cô bé hiểu rằng điều gì nên hay không nên nhũ mẫu đều biết cả. Bởi trí tuệ của nhũ mẫu ít người bì kịp.
Bà Thục Trâm và Kim Phụng lại rời chùa. Hai người càng rời xa kinh thành và vùng Hải Đông thì nguy hiểm càng giảm đi. Trong trang phục người miền núi, gùi thuốc sau lưng, bà Thục Trâm tìm những con đường ít người qua lại cất bước. Cũng vì vậy, đoạn đường phải đi cứ dài ra. Phải đi bộ hết ngày này sang ngày khác, trong lòng lại lo lắng là một cực hình với tiểu thư con quan. Cũng may, bà Thục Trâm đã lường trước điều này. Bà chế ra một loại thuốc bóp rất tốt. Cứ đi được vài ba dặm, bà Thục Trâm lại dừng chân bóp thuốc cho Kim Phụng. Tối tối, bà cho cô bé ngâm chân vào nước ấm pha muối một lúc lâu. Sau đó, bà bóp thuốc cho Kim Phụng từ đầu gối tới bàn chân. Vì vậy, sau giấc ngủ đêm, đôi chân của Kim Phụng khoẻ lại chuẩn bị cho hành trình ngày hôm sau. Khi hai người đã rời xa vòng nguy hiểm, bà Thục Trâm thấy không phải vội vàng nữa. Bà lại dạy chữ, dậy nghề thuốc cho Kim Phụng. Nhưng vì hai người đang lánh nạn nên việc dạy cho Kim Phụng chữ nghĩa và nghề thuốc phải khéo léo tránh sự nhòm ngó của moi người. Bà Thục Trâm chỉ dừng chân ở nơi nào mà bà cảm thấy không nguy hiểm. Có vùng hẻo lánh, bà dừng chân vài ba tháng. Bà không chủ trương chữa bệnh trên đường chạy trốn. Tuy vậy, dừng chân ở đâu, gặp con bệnh lạ, bệnh nặng mà các lương y khác bó tay, bà sẵn sàng cứu chữa. Đó là cách bà nâng cao trí tuệ cho mình và cho Kim Phụng thực hành. Đó cũng là cách bà lấy lòng người nơi bà trú chân.
Ngày về kinh thành nghe ngóng, lúc ấy cuộc chém giết vừa diễn ra. Bà Thục Trâm rất mừng vì thân phụ không xảy chuyện gì. Nhưng từ ngày ấy về sau, bà không biết tin gì về gia đình. Hoàn cảnh không cho phép bà đi tìm bố mẹ và hai em. Bà lo lắm, bố mẹ giờ ở đâu? Đáng ra bố mẹ đã ở tuổi ấy, bà phải sớm tối phụng dưỡng người, đằng này bà lại đang lênh đênh ở một phương trời xa cách cổng làng mấy tầm chim bay mỏi cánh. Biết làm gì được, bà chỉ biết trông vào Giời, Phật.
Bà Thục Trâm cố dấu Kim Phụng việc hai nhà đã bị chém. Nhưng sự kiện ấy lớn quá. Nó như một con voi mà bàn tay bà chỉ to bằng cái lá mít nên khó che cho kín. Biết làm gì đây? Bà lo lắm, không sớm thì muộn Kim Phụng cũng biết.
Một lần bà và tiểu thư chờ sang đò ở một bến sông khá tấp nập. Bà cố tránh bến đò ấy tìm bến đò vắng vẻ để qua. Nhưng quanh vùng không có bến đò nào nữa nên bà phải đi qua bến đò mà bà thấy ngại. Thôi thì bà và tiểu thư đi thật sớm vậy. Nhưng tính toán của bà dù kín kẽ đến đâu cũng là có hạn mà trần gian lại muôn vẻ. Đúng ngày qua đò, bà và tiểu thư ra bến lúc vừa rạng đông. Nào ngờ hôm ấy sương rất dày. Sương dày đến nỗi phải dẽ sương mà đi như người đi qua đồi tranh mà không có đường. Cách nhau ba bốn bước, người đi sau không trông thấy người đi trước. Sông rộng, sương dày, đò nhỏ lại ọp ẹp nên ông lái kỹ tính chờ sương loãng mới cho đò sang ngang. Mà ông lái kỹ tính cũng phải thôi. Sương như bịt lấy mắt, sông rộng, nước xiết, chuyện gì sẽ xảy ra khi đò nặng ra giữa dòng. Mạng người đâu phải cọng rơm. Chuyện sông nước chớ có bỡn. Sơ sẩy một tý là ông lái đi tù. Đò cắm sào, khách qua đò ùn lại. Chuyện trên trời dưới đất, chuyện hay chuyện dở như ngô bén chảo nóng. Thôi thì đủ chuyện. Cuối cùng mọi người xoay quanh chuyện hai nhà chết oan, hơn một năm rồi mà cứ như mới hôm qua. Là vì ở kinh thành vừa xảy ra một vụ bắt bớ, nghe đâu những người bị bắt có ân nghĩa với quan Ngự sử. Một người trầm trồ: "Con giai quan Ngự sử cứng cỏi thật dám bênh quan Tổng đốc, tố cáo Tể tướng gian giảo, tàn bạo". Một người hỏi: "Công tử ấy bao nhiêu tuổi nhỉ?" Một người khác lên tiếng: "Nghe đâu mới mười sáu, mười bảy. Vậy mà xem cái chết như không". Một người thêm vào: "Dân kinh thành kháo nhau cậu ấy lành như bụt ốc lại chơi cả với lũ trẻ con nhà nghèo nữa chứ". Lại một người góp chuyện: "Lúc Tổng quản đâm cậu ấy máu vọt lên như cầu vồng, sáng như lửa. Cái thằng nhỏ dấu dao đâm quan mới to gan chứ. Nó con nhà nào không biết?". Một người nào đó phán đoán: "Chắc cũng là máu mủ với quan Ngự sử. Nghe nói lúc quan Ngự sử và quan Tổng đốc bị chém, trời tối sầm lại rồi giông gió nổi lên ầm ầm. Hai vị ấy chết giời cũng đau lòng ..."
Khi yêu ai, người ta thường dùng những lời đẹp đẽ, những việc đẹp đẽ gán cho người đó dù không có lý mà mọi người vẫn tin. Cái chết của hai nhà tự nhiên nhuốm màu huyền thoại. Vậy là, khi một người qua đời mọi người sẽ thấy lúc sống người ấy như thế nào. Qua lời của những người dân quê, đức tính tốt đẹp của quan Ngự sử và quan Tổng đốc trở nên bi thương và lộng lẫy. Mỗi lời nói của những người chờ đò làm cho Kim Phụng gai người lên. Thế là bố mẹ và anh đã bị chém. Kim Phụng ngất đi. Cũng may là sương dày không ai nhìn thấy. Bà Thục Trâm lặng lẽ nhét vào mồm Kim Phụng một lát sâm mỏng. Lúc Kim Phụng tỉnh lại, bà dìu Kim Phụng trở về nơi đang tạm trú. Cuộc hành trình tiếp theo tạm gác lại.
Những lời nói của khách đợi đò cứ như từng nhát búa bổ vào đầu Kim Phụng. Hy vọng của Kim Phụng được gặp lại bố mẹ và anh, lại cả công tử con quan Ngự sử không còn nữa. Kim Phụng bỏ cơm chẳng nói gì mà chỉ khóc và giận nhũ mẫu. Bà Thục Trâm rơm rớm nước mắt: "Trong cơn hoạn nạn này nếu không vì con chắc nhũ mẫu không vất vả. Lúc này, nhũ mẫu phải dựa vào tiểu thư, tiểu thư phải dựa vào nhũ mẫu, ngoài ra không còn ai khác đâu. Tiểu thư giận nhũ mẫu, nhũ mẫu đành chịu vậy. Thông minh như tiểu thư hẳn tiểu thư hiểu vì sao nhũ mẫu phải nói dối... "Trông giọt lệ lăn trên gò má xanh xao của nhũ mẫu, tiểu thư thấy thương nhũ mẫu quá." Bố mẹ chỉ có công đẻ, nuôi nấng dạy dỗ cưu mang mình lại là hai nhũ mẫu. Nhưng phần lớn gánh nặng của mình đè nặng lên nhũ mẫu Thục Trâm. Mình ở địa vị nhũ mẫu, mình cũng nói dối. Nếu nhũ mẫu nói thật, mình có đủ sức vượt ra ngoài vòng đuổi bắt của bọn gian ác không? "Nghĩ như vậy, Kim Phụng cảm động: nói: "Con biết rồi, con có lỗi. Nhũ mẫu bỏ qua cho con" Rồi Kim Phụng oà khóc. Bà Thục Trâm ôm lấy Kim Phụng nựng: "Tiểu thư không có lỗi. Tang tóc như thế không đau lòng sao được. Khổ sở mấy nhũ mẫu cũng không sợ mà chỉ sợ không lo được cho tiểu thư thì phụ lòng Tướng công và phu nhân".
Bà Thục Trâm và Kim Phụng đã qua hơn hai năm lênh đênh, gió bụi. Bà muốn dừng chân lâu dài ở một nơi nhưng chưa có nơi nào vừa ý. Cuối cùng hẻm núi hoang vắng bà thấy là hơn cả. Bằng con mắt phong thuỷ, với bà đó là đất sống. Với những kẻ truy sát Kim Phụng, dò tìm lần ra nơi ở của hai người, đó là đất chết. Vì hẻm núi chỉ có một đường mòn thông với đường quan đã được hai bác tiều phu ngầm canh gác. Hễ có gì khả nghi, họ đánh mõ báo cho bà. Đã vậy, lối mòn dẫn vào nơi bà ở có hai điểm nghẽn. Bà dựng lên hai cái cổng rất chắc chắn. Ai muốn đi qua phải đợi bà hoặc Kim Phụng mở ra cổng mới an toàn. Bởi vì mỗi cổng có buộc kèm một đoạn tre thẳng đứng theo cái cổng. Đoạn tre ấy có hai ống. ống dưới đựng một loại phấn hoa gây ngủ cực nhanh. Phấn hoa ấy được trộn với vôi bột. ống tre này có nhiều lỗ thoát khí rất nhỏ. ống bên trên đựng nước có một lỗ thông với ống dưới đựng phấn hoa trộn vôi. Nhưng cái lỗ thông xuống ống dưới ấy có một cái chốt hãm rất nhạy lại được trít bằng sáp ong nên bình thường nước không rò xuống ống dưới. Do đó phấn hoa trộn vôi bột vẫn khô. Khi người lạ mở cổng, cái chốt bật ra, nước từ ống trên chảy cả xuống ống dưới. Phấn hoa trộn vôi bột nhanh chóng biến thành hơi thoát ra. Những người xung quanh cổng hắt hơi vài ba cái và cơn buồn ngủ đến nhanh như cơn giông mùa hạ. Ai thoát được ngủ ở cổng ngoài vào đến cổng trong ngủ nốt. Khi họ tỉnh dậy, bà Thục Trâm và Kim Phụng đã theo con đường mòn bí mật thoát ra khỏi nơi ở và chìm vào đại ngàn phía sau lâu rồi.
Sau khi làm xong "công trình phòng thủ" này, bà Thục Trâm đã "diễn tập" ba bốn lần. Kết quả thật "kinh hoàng". Người mở cổng nhiễm hơi phấn hoa, đi nhiều lắm là dăm chục bước mắt đã lơ mơ, đi vài ba chục bước nữa là nằm lăn ra ngủ.. Trong khi đó, từ cổng thứ hai vào nơi ở của bà Thục Trâm chừng bảy trăm bước chân. Loại phấn hoa này không độc hại mà chỉ làm cho cơn ngủ đến nhanh.
Bà Thục Trâm dẫn Kim Phụng đến hẻm núi hoang dừng chân làm nhà ẩn thân. Nhân một lần bác tiều phu hỏi tên bà và tiểu thư để tiện việc xưng hô, bà suy nghĩ giây lát rồi trả lời tên của bà là Dưỡng Phụng, nghĩa là bà nuôi dưỡng chim Phụng. Kim Phụng phải ẩn thân nên bà gọi là ẩn Phụng. Từ đó người xóm núi chỉ biết có ẩn Phụng và Dưỡng Phụng. Cái tên Thục Trâm và Kim Phụng được dấu kín trong lòng hai thày trò lánh nạn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3