Mật Mã Maya - Chương 11 - Part 01

Chương 11

Đến đây có lẽ tôi nên giải thích một chút.

Chắc các bạn cũng biết rằng Kirk hay Bones (Hai nhân vật trong Star Trek), ví dụ vậy, di chuyển thông qua máy dịch chuyển, anh ta sẽ được sao chép và tan biến đi ở vị trí xuất phát, sau đó, chùm lưu thông tin sẽ được đưa tới đích đến, anh ta sẽ được tái hợp lại từ những nguyên tử có sẵn ở đó. Đến đây, chắc các bạn sẽ thắc mắc việc gì phải làm tan biến Kirk trong khi không cần thiết phải làm vậy? Tại sao không bỏ qua bước đó và vẫn tái hợp anh ta ở đầu bên kia như thường? Như vậy sẽ có hai thuyền trưởng Kirk, mỗi người ở một đầu cầu. Thực ra, ai còn cần đến máy dịch chuyển nữa khi có thể tự sao chép mình thành nhiều bản. Tại sao không có cả một nắm Kirk để mỗi con tàu trong đội Starfleet đều có một ông ta làm chỉ huy? Hừm, có thể nói rằng hệ thống của dự án Kerr Space đã tận dụng chính nguyên lý đó. Tức là, khi tôi đang nằm trên chiếc giường này với đống thiết bị gắn vào đầu, nó sẽ không làm tôi tan biến, hay đẩy tôi ra khỏi đầu mình, hay làm tôi ngủ mê đi, mà chỉ chụp lấy một bản sao của tôi. Bất chấp mọi kích thích và các thể loại tác động đến thần kinh khác, tôi vẫn thức và tỉnh táo, thậm chí suy nghĩ khá mạch lạc. Nói chung tôi chẳng cảm thấy gì hết.
Hoặc có thể nói thế này cho rõ ràng hơn: thằng “tôi” được ở lại đây, tức là người ở lại sau khi bản sao kia được lấy đi, hoàn toàn không cảm thấy gì. Còn bản sao, tức là phần kém may mắn hơn của Jed DeLanda, thì sẽ giống như Kirk thứ hai, người phải đáp xuống bề mặt hành tinh và phải chiến đấu với những con quái vật ngoài hành tinh Romulan. Thằng Jed kém may mắn hơn sẽ mắc kẹt trong cơ thể một mụ già quắt queo, đầy mụn mủ. Khốn khổ cái thân tôi. Chết vì bệnh đậu mùa cũng đau đấy. Biết đâu họ sẽ cho bà ta dùng ít thuốc phiện. Không, không chắc đâu. Thằng Jed kia bị lừa một vố to rồi, tôi nghĩ. Xin lỗi, Jed “kia”. Nhưng chúng ta phải làm việc này.
Dĩ nhiên, trong lúc đó, thằng Jed kia chỉ là một hình ảnh thôi, đằng nào nó cũng không tự nhận thức được bản thân mình. Nó chỉ là một dạng mật mã được viết bằng giao thức đặc biệt, giao thức P của PCP, được phát triển bởi Dự án nghiên cứu khả năng nhận thức ở người, xét về mặt nào đó, nó tương tự như một chương trình hợp ngữ cao cấp. Trên thực tế, vì mật mã này được chuyển đi dưới dạng số nên có thể nói rằng nó là một con số, một con số chứa hàng nghìn tỷ chữ số, nhưng cũng chỉ là một số nguyên bình thường như bất kỳ con số nào.
Trong khoảng thời gian kéo dài sáu giờ đồng hồ, máy chụp điện não sẽ ghi lại các hoạt động não bộ của tôi và chuyển thành một bộ phim hình ảnh ba chiều, hàng nghìn tỷ hoạt động điện hóa sẽ ít nhiều được kích thích bằng những câu hỏi đáp. Các tế bào thần kinh phát ra xung áp với tần suất khác nhau, từ đó các phản ứng hóa học sẽ sinh ra nhiệt độ và hồng ngoại có thể đo được. Từng hoạt động nhỏ nhất sẽ đưa vào một phần mềm được tích nguồn và được xếp riêng vào từng khu vực. Sau đó, chúng sẽ được đặt tên và phân loại theo vị trí, độ mạnh và thời gian, tiếp đó, qua một trong những cái hộp đặt ngoài sảnh, nó sẽ được hợp nhất thành một không gian toán học có chức năng chuyển các tín hiệu điện sinh lý thành một ma trận thông tin sinh hóa và chuyển hóa. Cuối cùng, toàn bộ những thứ đó sẽ được mã hóa thành một chuỗi số liệu. Mật mã này được cho là có thể tái hiện toàn bộ ý nghĩ của tôi về bản thân, tức là một bao tải to bằng dãy An-pơ chứa đựng kí ức, quan điểm, thói quen tư duy, tính toán, hình ảnh mâu thuẫn và phức tạp về bản thân và tất cả những gì tạo thành ảo giác về bản thân – là thứ mà lấy ra khỏi người tôi thì nó hoàn toàn chỉ là một ảo giác, và không phải lúc nào cũng tin được nó. Sau đó, toàn bộ khoảng hai trăm nghìn tỷ bit thông tin tạo thành nhận thức, hay nhân dạng, hay ý thức về bản thân, hoặc chúng ta hãy nhất trí gọi nó là NTBT – Nhận Thức Bản Thân của tôi – tất cả sẽ được chuyển qua hai chiếc máy tăng thế 2,4 gigihertz được bảo mật cực cao – là thứ trông như cái thùng loa mà tôi đã nhắc đến – và hai sợi cáp quang chạy dọc ngoài sảnh, lên một cầu thang nhỏ phía sau, đến một chiếc chảo phát sóng nhỏ đặt trên mái nhà. Chiếc chảo đó sẽ truyền NTBT của tôi lên một vệ tinh truyền thông Spartacus – được đưa vào tái sử dụng thông qua những mối quen biết bí ẩn ở Lầu Năm Góc – rồi truyền xuống một trạm tiếp nhận trung gian gần thành phố Mexico City. Từ đó, nó sẽ được chuyển tiếp qua các vệ tinh truyền dữ liệu thông thường đến một cỗ máy gia tốc siêu dẫn tốc độ cực cao có chu vi lên tới 14,065 km, nằm gần trụ sở của Cơ quan nghiên cứu hạt nhân châu Âu, trên biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Số liệu sẽ được chuyển vào dãy ổ cứng của máy gia tốc, toàn bộ số ổ cứng đó có thể chứa được cả thảy sáu trăm nghìn tỉ bit.
Tuy nhiên, con số này ít hơn rất nhiều so với tổng số gần bốn trăm triệu tỉ bit thông tin phát ra từ não bộ tôi trong vòng sáu giờ, vì thế, chúng tôi sẽ gặp phải vấn đề về lưu trữ. Thực ra, tất cả bộ nhớ máy tính của hành tinh này cũng không đủ để lưu trữ ngần ấy số liệu. Để làm được việc này cần phải huy động tới hai mươi tỉ ổ cứng dung lượng năm trăm gigi-byte. Rắc rối cũng nằm ở chỗ nó đơn giản là ở số liệu và không tỉ biến. Thiết bị duy nhất đủ sức chứa là bộ não người khác. Nhưng bộ não mà chúng tôi muốn dùng thì đã mủn thành đất từ lâu rồi. Vì vậy, chúng tôi phải đến được chỗ nó lúc nó vẫn còn hoạt động.
Trong một thế kỷ gần đây, điều này thì tôi đoán là các bạn cũng biết, nhất là trong khoảng một thập kỷ vừa qua, đã diên ra vô số những cuộc tranh luận mơ hồ về du hành xuyên thời gian. Có lẽ bởi người ta đã bắt đầu quen với việc những dự đoán được viết dài dòng trong tiểu thuyết viễn tưởng cuối cùng lại trở thành sự thực. Sau sự xuất hiện của những chiếc máy tính thông minh và xinh đẹp, những chuyến du hành vũ trụ, những ca phẫu thuật với thiết bị công nghệ nano, những tấm bảng vô hình, sự sống nhân tạo, kỹ thuật đông lạnh người sống, tình dục ảo, chó lông phát sáng với toàn bộ phim ảnh, âm nhạc và sách vở của nhân loại có thể bỏ gọn trong túi, người ta bắt đầu cho rằng ai đó sẽ tìm ra cách đi xuyên thời gian. Cũng chẳng lấy gì làm lạ khi xuất hiện vô số trò lừa đảo liên quan. Vấn đề này cũng giống như thuật giả kim ở thời Trung cổ. Vào thời đó, kẻ lừa đảo nói rằng: “Hãy đưa cho ta một ngàn đồng Soldo (Một loại tiền của Ý) bằng đồng, ta sẽ biến nó thành vàng ròng vào đúng ngày lễ Thánh Whitlough.” Còn ngày nay, hắn nói: “Hãy đưa chúng tôi thêm một tỉ nữa, và chúng tôi sẽ đưa nữ hoàng Cleopatra đến văn phòng của ngài kịp lúc để chào bán cổ phiếu lần đầu.”
Nhưng không may, thời gian là một hạt dẻ khó nhằn. Hay nói quá khứ thì đúng hơn. Đi đến tương lai là một việc dễ dàng, dùng ngay kỹ thuật đông lạnh người sống cũng được. Nhưng để đi về chiều ngược lại, anh sẽ phải đối mặt với hai vấn đề lớn.
Vấn đề đầu tiên đương nhiên là nghịch lý “ông nội”. Trong một thời gian, người ta đã cố giải quyết nghịch lý này bằng cách đưa ra lý thuyết về các vũ trụ tồn tại song song. Anh có thể đi về quá khứ và làm mọi thứ mình muốn – ngay cả việc giết chết ông nội mình – và tương lai sau đó của anh sẽ khác với tương lai mà từ đó anh tới, thế là ai nấy đều vui vẻ. Nhưng cách đó cũng nảy sinh nhiều rắc rối. Chẳng hạn, nếu anh có sẵn những vũ trụ ấy trong tay để lựa chọn, sao anh không chỉ việc chọn lấy một cái đang tồn tại song song với cái mình đang sống, nơi mọi việc đều hoàn hảo, nơi anh mua được Google vào năm 2004, một ounce sữa sô-cô-la chỉ chứa một ca-lo năng lượng và Billy O’Reilly (Chuyên gia bình luận các vấn đề chính trị) chưa từng tồn tại? Nhưng vướng mắc lớn nhất là điều đó không thể xảy ra. Theo giả thuyết có tính khoa học nhất hiện nay và theo những bằng chứng thử nghiệm đáng tin nhất, ngoài khoảng không kia không hề có các vũ trụ với số lượng vô hạn. Và kể cả nếu có, anh cũng không thể đến được. Năng lượng phát đi từ hiện tại của chúng ta, xuyên qua các hố đen, sẽ tới đúng quá khứ của chúng ta, chứ không phải quá khứ ở những vũ trụ khác. Và ngay cả khi vũ trụ của chúng ta không phải là vũ trụ duy nhất thì số lượng các vũ trụ cũng không thể quá nhiều. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa vũ trụ của chúng ta là vũ trụ đặc biệt. Khi chúng tôi đọc đến phần này trong bản trích dẫn, Marena đã nói: “Cái này giống như chỉ có duy nhất một tập phim Chic Chesbro, nhưng nó cũng chẳng vì thế mà hay ho hơn.” Chẳng ai, trong đó có cả tôi, hiểu được ẩn ý của câu này. Taro thì diễn giải một cách dễ hiểu hơn. Ông ta nói rằng lý thuyết này của các phòng thí nghiệm vật lý “thật rối rắm: học thuyết thì nhan nhản nhưng vũ trụ thì chẳng thấy đâu”. Nghĩa là nếu không cân bằng được một phương trình, người ta chỉ cần nói: “ồ, phần còn lại chắc chắn đã đến một vũ trụ khác rồi”. Đó không chỉ là cách để thoái thác trách nhiệm, luôn có những người giải phương trình theo cái kiểu như vậy. Vì thế, giấc mơ đa vũ trụ đã tan biến dần.
Rắc rối lớn thứ hai liên quan đến du hành xuyên thời gian là: bất cứ thứ gì anh gửi về từ quá khứ sẽ đều gặp phải một trăm phần trăm nguy cơ bị cán mỏng như sợi mì. Cụ thể hơn, việc tìm ra hay thậm chí là tạo ra một hố đen không phải việc quá khó. Và qua hố đen, năng lượng luôn bị hút về quá khứ. Hay, cụ thể hơn nữa, con đường của thời gian bên trong hố đen không liên quan rõ rệt tới cách mà nó đã di chuyển bên ngoài hố, và thường nó có xu hướng chạy về quá khứ, đó cũng chính là lý do vì sao các hố đen luôn bốc hơi mất. Ngay lúc này đây, vẫn có năng lượng từ một tương lai xa nào đó phóng ra từ các điểm kì dị (Là một điểm trong không gian mà tại đó vật chất với trường hấp dẫn cực lớn bị nén chặt đến nỗi diện tích bề mặt của nó bằng không và khối lượng là vô hạn. Hố đen vũ trụ là một ví dụ.) cách trái đất không xa. Nhưng nó cũng chẳng ích lợi gì đối với chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ, mặc dù không quá khó nếu muốn thả một vật vào hố đen để nó được phun ra tại một thời điểm nào đó ở quá khứ, nhưng lúc ấy nó đã bị nghiền nát một cách thảm hại đến mức nhỏ như nguyên tử, và thường xuyên bị chuyển thành dạng năng lượng. Điều đó có nghĩa là, nói chung anh có muốn gửi thông tin đi cũng không được. Anh có thể thả vào hố đen một cuốn bách khoa toàn thư, nhưng ở quá khứ, anh chỉ nhận được một mớ nhiệt năng và ánh sáng, cũng có nghĩa là không gì hết.
Tuy nhiên… tuy nhiên… tuy nhiên… anh có thể gửi cái gì đó không là gì cả, tức là không có hình dáng. Anh có thể gửi năng lượng.
Tại cỗ máy gia tốc siêu bán dẫn, chuỗi số liệu thô từ NTBT của tôi sẽ được xử lý thành một bản đồ sóng giàu thông tin. Cỗ máy cũng đồng thời nén các tín hiệu, thu hẹp khoảng cách giữa các bước sóng sao cho lượng thông tin tải xuống trong vòng sáu giờ của ngày hôm nay sẽ mất không tới bốn mươi giây để chuyển sang đầu bên kia. Một khẩu súng bắn tia gamma sẽ bắn dòng năng lượng dưới dạng sóng vào đường không gian Kerr Space (là một đường tròn tưởng tượng nằm ở trung tâm máy gia tốc). Dòng năng lượng sẽ chạy quanh đường tròn khoảng sáu trăm ngàn vòng, tốc độ sẽ được đẩy lên tới điểm mà lực ly tâm sẽ khiến nó văng ra khỏi đường tròn, vào một đường ống tiếp tuyến, nơi lắp đặt sẵn một thiết bị điện từ được thiết kế đặc biệt để tạo ra và duy trì một hố giun Krasnikov thu nhỏ.
Cách đây bốn năm, những gã ở trung tâm nơi đặt cỗ máy gia tốc hạt lớn tuyên bố họ đã tạo ra được một hố đen cực nhỏ. Quy trình tạo ra hố giun cũng tương tự nhưng có phần dễ hơn. Hố đen có cách chân trời sự kiện, chẳng đem lại gì ngoài rắc rối. Còn hố giun thì không. Hố giun có hai cửa miệng – và cả hai đều cần thiết – nhưng hố đen thì chỉ có một. Và để giữ hố đen tồn tại trong một khoảng thời gian đủ lâu, nhất là tại đâu đó gần bề mặt trái đất, anh sẽ phải dùng đến số năng lượng tương đương với vài mặt trời.
Việc chăm sóc và nuôi sống hố giun đơn giản hơn nhiều. Nhưng ngay cả với một hố giun thông thường – nếu có thể gọi thế - anh vẫn phải cần đến kỹ thuật tiên tiến và rất nhiều năng lượng. Một cái hố cơ bản, ví dụ loại Schwarzschild (Đặt theo tên của nhà vật lý học nổi tiếng người Đức Kant Schwarzschild) chẳng hạn, trong không gian R2 x X2 , sẽ có dạng ds2 = - (1 – r/r)dt2 + (1 – r/r) – 1dr2 + r2dΩ2, trong đó Ω là thông số tỉ trọng, r = 2GM / c2 và dù2 = dθ2 + sin2dφ2. Và đương nhiên M là khối lượng phân tử, và G là hằng số hấp dẫn, φ là góc, r là bán kính và d là khoảng cách. Vì vậy, nếu điều chỉnh một lúc, anh sẽ thấy trong lòng nó có một lực thủy triều khổng lồ, và nếu không có đủ lực đối kháng, nó sẽ sập. Thực ra nó là một phần của hệ thống hố đen – hố trắng. Nhưng ống Krasnikov có độ mét Kerr với công thức ds2 = Ω2(ξ)[-dτ2 + dξ2 + K2(ξ) + (dθ2 + sin2θdφ2)], trong đó ù và K là các hàm số tương đương nhau, K = K0cosξ/L tại ξε(-L, L), K0 K(0) và K luôn duy trì ở góc ξ lớn. Vì vậy, nó rất, rất ổn định. Nó tĩnh và thỏa mãn được tình trạng năng lượng yếu, nó không cần đến chất ngoại lai và nó có hình cân xứng. Thực tế, thoạt đầu, nhìn nó thậm chí chẳng giống gì một hố giun, nhưng nếu anh biến đổi các tọa độ như r B1ù0 khai triển Bξ với t = Bτr, anh sẽ có thể kéo phẳng nó tùy ý chỉ bằng cách thay đổi kích thước bán kính r. Và anh có thể cuộn nó lại thành một hố giun có thể sử dụng, với độ dài bằng ù0L và bán kính hố bằng min(ùK). Dĩ nhiên, để khiến nó đủ to cho một con tàu vũ trụ chui lọt, anh vẫn phải ném vài hành tinh vào lò nung. Nhưng với một phiên bản cực nhỏ, anh sẽ không tốn nhiều năng lượng đến thế để tạo ra và giữ cho nó tồn tại – tức là giữ sao cho nó không bị hút vào trong lòng trái đất. Điểm hẹp nhất trong em bé của chúng ta chỉ to hơn một chút so với nguyên tử khí hydro. Nhưng vì nó vẫn lớn hơn lượng tử ánh sáng nên thông tin vẫn có thể đi qua. Các chùm tia gamma dao động – mặc dù thực ra chúng được hình thành từ vô số bước sóng khác nhau, vài tia thậm chí có tính chất của tia phóng xạ nhiều hơn tia gamma, nhưng ta hãy cứ gọi chúng là chùm tia gamma vì nghe như thế sành điệu hơn, - chùm tia này sẽ được hướng vào miệng hố giun, hội tụ lại trong lòng hố, sau đó sẽ tuôn ra tại một góc nào đó để có thể đưa căn phòng nhỏ của xơ Soledad vào bộ phim trong óc tôi.
Nhưng ngay cả với cách làm đó, do dao động lượng tử, để giữ được hố giun có kích thước nhỏ như vậy mở trong vòng vài phần triệu giây, cũng cần đến nhiều năng lượng hơn lượng mà máy gia tốc siêu phân tử có thể tập hợp được. Vì vậy, những người ở phòng thí nghiệm đã vô cùng sáng tạo khi nghĩ ra rằng chẳng việc gì phải làm như vậy. Anh chỉ cần tạo ra liên tiếp các hố giun mới tại cùng một “vị trí”, hay cụ thể hơn, trên cùng một đường cong có thể dự đoán của mặt phẳng vô hạn Cauchy (Đặt tên theo nhà toán học người Pháp Augustin Louis Cauchy). Chùm tia gamma mã hóa ý thức của tôi sẽ được chia nhỏ để chui vào từng hố trong dãy hố giun đó, khi chui ra ở đầu kia, chúng sẽ sắp thành hàng tại điểm bên trái của chúng tôi trên đường cong không gian, hay chính là quá khứ.
Trên thực tế, phần khó hơn lại ở bước sau, tức là bước đi tìm các góc. A2, cô trợ lý tuy chỉ giúp việc cho Taro nhưng cũng có một bằng về vật lý thí nghiệm của trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Pohang, nói rằng họ đã phải tốn số giờ công nhiều hơn thời gian làm toàn bộ các công việc khác trong hệ thống Kerr Space cộng lại để làm việc này.
Nếu cứ ngồi yên một chỗ, thì sau một phút, anh cũng đã di chuyển quãng đường trong không gian cách vị trí ban đầu của mình 85.000 dặm. Vì vậy, nếu chùm tia mã hóa NTBT của tôi chui ra ở quá khứ tại đúng thời điểm mà nó xuất phát, nó sẽ đến một nơi hoàn toàn xa lạ, đâu đó giữa mặt trời và chòm sao Alpha. Vì vậy, điều chỉnh và việc bắt buộc. Dĩ nhiên, thiết bị định vị toàn cầu đã gửi thông số vị trí chính xác của chúng tôi đến nhóm làm việc tại Thụy Sĩ, vì thế, việc chúng tôi đang ở đâu không thành vấn đề. Nhưng họ cũng không phải ngoại suy ra vị trí của chúng tôi trong quá khứ nữa, để xác định vị trí trong không thời gian mà phần lớn các nguyên tử trong căn phòng này đã từng ở cách đây đúng 170.551.508 phút trước.
Điều đó đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác đến 1 phần 1022. Và dĩ nhiên, không xác định được dữ liệu cho biết vị trí của trái đất ở thời điểm xa như thế. Ngay cả khi đã dùng đến các tài liệu ghi chép nhật thực cổ xưa và mọi số liệu thiên văn có thể tìm thấy, thì hình tháp thể hiện độ chuẩn xác của năm 664 vẫn quá, quá lớn. Và hiển nhiên, ngay cả mặt trời cũng đã thay đổi vị trí. Cũng như trái đất, nó liên tục nở ra và co vào, liên tục phập phồng quanh cái lõi nóng chảy của mình, bị sao băng và gió vũ trụ quét qua. Vì thế, để đạt được độ chính xác vượt ngoài giới hạn thiên văn, họ buộc phải dùng tới nhiều thử nghiệm và sai số để ngắm đích cho tia năng lượng. Họ bắt đầu bằng việc bắn năng lượng vào tâm một súc gỗ lớn mới cắt đặt trên bàn thí nghiệm dưới tầng hầm. Họ nhắm đích sao cho nó hiện ra ở thời điểm năm phút trước – khi đó nó đã ở ngoài khoảng không và đã cách vị trí hiện tại của nó vài ngàn dặm – và các chùm tia gamma sẽ khuấy động các hạt các-bon đồng vị nằm trong tâm súc gỗ khiến chúng phân rã nhanh hơn một chút so với các hạt nằm ở bề mặt. Khi đã làm thành công thí nghiệm đó, họ bắt đầu ngắm tới đích xa hơn trong quá khứ và hướng chùm tia vào các tòa di tích cổ đại tại các thị trấn khai thác mỏ và các khu làng bị bỏ hoang của người da đỏ nằm quanh công viên quốc gia Bryce Canyon, bắn vào các vị trí ước lượng bằng lượng bức xạ đủ để biến uranium 238 trong lớp bê tông gần thành chì, bóc lấy các mẫu và xét nghiệm chúng, nhưng thường là không đạt kết quả mong muốn. Họ lại thử tiếp với vị trí cách đó vài feet trên lớp bê tông, tương đương với vài triệu dặm trên con đường di chuyển của trái đất trong không gian. Các tính toán chứa đầy những biến số phức tạp. Ngay cả những chuyển động nội tại của trái đất, mà người ta thường cho là không nhiều lắm, hóa ra cũng trở nên tai ngược. Chắc các bạn cũng biết, dưới lòng đất là khối chất lỏng đặc quánh, và nó tạo ra sự lắc lư gần như ngẫu nhiên trong quá trình trái đất quay tròn. Và ngay cả khi đã giải quyết được chuyện đó, anh vẫn phải tính đến những vấn đề như sự trôi dạt của các lục địa, xói mòn đất, sự thay đổi độ cao của mặt đất so với tâm trái đất, các hố do sao băng tạo ra và hàng trăm thứ khác nữa. Và cũng có ngần ấy vấn đề đối với chuyển động của mặt trời và dải ngân hà. Tuy nhiên, trong hai trăm năm vừa rồi, họ đã vẽ ra bức tranh khá chính xác về vị trí hành tinh của chúng ta trong quá khứ, kéo dài con đường xoắn ốc tưởng tượng từ bề mặt trái đất ra ngoài khoảng không, vượt xa khỏi hệ mặt trời, vượt xa khỏi dải ngân hà, đến trung tâm vũ trụ bao la của chúng ta.
May thay, đầu kia của hố giun không cần phải đi xa đến thế. Họ không cần phải chất nó lên tàu vũ trụ và chở đến tận sao Chức Nữ hay đâu đó. Nó có thể ở lại đây, ngay trên mặt đất với chúng ta, và từ đây, nó có thể được ngắm góc sao cho năng lượng đi qua sẽ xuất hiện ở nhiều điểm khác nhau trong không gian, và cũng tương tự như vậy, nhiều điểm khác nhau trong thời gian. Thực tế toàn bộ dự án đã được khởi động từ năm 1988, với tư cách là một phần trong chương trình du hành vũ trụ của NASA. Từ những năm 90, Warren đã tiếp quản việc nghiên cứu và chú trọng hơn vào lĩnh vực góc thời gian. Đến nay, chương trình đó – hiện vẫn nằm trong một máy chủ lớn của Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tại Mountain View, California – đã có khả năng hướng dẫn anh nhắm vào một điểm cho trước trên bề mặt trái đất tại một giây chính xác nào đó cách đây hàng thế kỷ. Việc ấy không khác gì bắn một mũi tên vào trúng mắt một con quái vật ngoài hành tinh đang đứng ở đầu xa nhất của mặt trăng Titan (Vệ tinh lớn nhất của sao Thổ). Nhưng nếu thành công, chuỗi dữ liệu sẽ hiện ra ở đúng vị trí trong không gian, tại đúng thời điểm trong quá khứ mà trong trường hợp này là căn phòng của xơ Soledad, ba ngày trước khi bà ta qua đời. Cô trợ lý Ashley 2 của Taro đã xong việc với bản phác họa các khái niệm trên tấm bảng trắng để trình bày với Boyle và nhìn nó khá dễ hiểu:
Giống như Kerr Space, Giao thức chuyển đổi ý thức ban đầu được phát triển không phải để phục vụ cho dự án du hành xuyên thời gian. Nó được khởi xướng từ những ý tưởng ban đầu hết sức khiêm tốn nhưng phát triển dần lên qua nhiều thập kỷ. Vào những năm 1980, nó mới thí nghiệm cho những con giun dẹp thủy sinh bơi giữa các mê cung đơn giản ở trường Đại học Illinois tại Champaign. Khi một con giun đã thuộc đường đi, họ ghi lại những xung động từ cái mấu thần kinh bé tẹo của nó và từ kết quả đó người ta bắn các chuỗi tia X-quang lập đi lập lại vào một con khác, và con thứ hai học cách tìm vị trí này nhanh hơn một chút. Mục đích của việc này là phát triển một phương pháp phẫu thuật có khả năng kết nối các phần của những bộ não hiến tặng sao cho dễ cấy ghép hơn. Đến đầu thập kỷ 90, trường đại học Illinois chuyển sang thí nghiệm trên khỉ, và năm 2002, Tập đoàn nghiên cứu Warren tiến hành những thử nghiệm đầu tiên trên các bệnh nhân tình nguyện đang hấp hối tại Ấn Độ và Brazil. Hai năm trước, họ đã hoàn tất cái gọi là thử nghiệm thực tế trên người lần cuối – chính là “thử nghiệm mới” mà Marena nhắc đến ở Stake, - họ đã tải NTBT của Tony Sic xuống não của một ông già sáu mươi tuổi người Honduras sắp chết vì ung thư dạ dày. Trong khi đó, về phía Sic, anh ta không hề mất đi tí trí nhớ, khả năng nhận biết hay cá tính nào đáng kể. Hay chí ít họ cũng khẳng định thế.