Mật Mã Maya - Chương 28 - Part 02

Chương 28

Theo lời Koh, các thầy tế của Bướm Đuôi Nhạn biết chính xác thời gian nhật thực kéo dài bao lâu – khoảng mười tám phút rưỡi – và họ sẽ cố thổi bùng ảo giác của dân chúng về sức mạnh của mình bằng cách can thiệp vào càng sát thời điểm kết thúc càng tốt. Họ sẽ chờ cho đến khi chỉ còn một hoặc hai trăm nhịp trước khi mặt trời hiện ra, khi đó, Cong Veo Ti Tiện sẽ ra hiệu và từ tầng tháp dưới chân lão, hai mươi hai thầy tế của lão sẽ bắt đầu kéo những cây đàn “bò rống” làm từ xương đùi tổ tiên họ. Từ tầng tháp dưới nữa, hai trăm sáu mươi tên phụ lễ sẽ thổi những chiếc tù và khổng lồ. Và từ các tầng thấp hơn, từ khắp nơi, đàn ông sẽ khua các dụng cụ gây tiếng động của mình, đàn bà và trẻ con sẽ gào lên “Marhóani, marhóani”, “biến đi, biến đi”, trẻ sơ sinh sẽ bị thổi ớt bột vào mắt để khóc ré lên, ngay cả chó cũng sẽ bị đá vào xương sườn và ai nấy cố gắng gây ra càng nhiều tiếng động càng tốt cho đến khi Người Nuốt Ánh Sáng chạy mất. Lúc đó các thầy tế đứng đầu sẽ nhóm một đống lửa mới từ ánh sáng của chính mặt trời bằng cách dùng một tấm gương lõm mà theo tin đồn là khổng lồ, được mài và đánh bóng từ quặng sắt đỏ. Họ sẽ mang lửa từ kim tự tháp xuống thắp đền của mặt trời mới, tức là đống lửa mừng. Suốt ngày và đêm hôm đó, các vị chức sắc của bốn ngàn đô thị sẽ lũ lượt đi qua đống lửa và châm cây đuốc của mình, họ sẽ đem ngọn lửa mới và những giai thoại về sự kỳ vĩ của thành phố thủ phủ về quê nhà mình. Và vô số người sẽ tin rằng nhờ sự lãnh đạo của Giáo hội Báo Sư Tử mà họ giải cứu được mặt trời.

Đó là kế hoạch của phe Bướm Đuôi Nhạn. Như Koh và tôi có những ý tưởng khác.
Hai ngày trước, Koh đã ra tay. Ngay sau buổi trưa, không hề thông báo cho các nữ tư tế khác, bà ta triệu tập bố mươi tám người thân tín nhất và đưa ra cảnh báo về lần nhật thực này. Bà ta nói Lươn Giời đã phán bảo bà ta rằng lần này sẽ không ai thuyết phục được Người Nuốt ánh Sáng Đen nhả mặt trời ra, trái lại, ông ta sẽ “ăn trộm luôn quả cầu”, nghĩa là nuốt hẳn mặt trời. Thần Lươn, tức Rắn Chuông Sao, sẽ sinh ra một mặt trời mới và mặt trời này không có quan hệ họ hàng gì với các thị tộc hậu duệ mèo; trong k’atun mới, những đứa con của Rắn Chuông Sao sẽ được hưởng nhiều đặc quyền hơn bất cứ ai. Nhưng trước đó, để làm sạch thế giới đang hấp hối này, Thần Lươn sẽ mở một quả cầu mây và thả một đàn dadacanob, “những con ong lưng dài” – tức ong bắp cày, Vespula Squamosa, một sự phiền toái lớn kiêm kẻ giết người nhỏ ở miền này – để chúng đốt vào mắt tất cả những kẻ nào ở Teotihuacán không đi theo Rắn Chuông. Tất cả, trừ những đứa con của Rắn Chuông, sẽ bị tuyên phạt sống trong bóng tối. Sau đó, Thần Lươn sẽ cho Koh biết nên đưa tín đồ của mình đi đâu và sẽ đem sự phù hộ của ngài đến với một thành phố Rắn Chuông mới ở vùng Đất Đỏ, tức là miền đông nam. Trong lúc đó, những người đưa tin được phái đến nhà các trưởng lão của hai mươi tư gia tộc đồng minh với Koh và thông báo cho họ địa điểm hẹn: Đồi Lột Da. Ngay khi nghe thấy tiếng lũ ong bắp cày, họ nên tập họp toàn gia tộc và thu gom những tài sản quý giá nhất rồi đi về hướng đông.
Đoạn cuối cùng khiến tôi hơi lo ngại. Chúng tôi đã đi từ chỗ chỉ bàn về gia tộc của Koh và một vài tín đồ thân cận nhất đến chỗ dính dáng đến gần năm trăm người. Liệu các làng Đại Bàng có đủ thức ăn để nuôi họ không? Nói đến chuyện ấy, liệu có đủ thức ăn và nước uống cho tất cả trên đường đi không? Bao nhiêu người sẽ chết trong chuyến di cư này?
Thôi đừng lo chuyện ấy làm gì, - tôi tự bảo mình. Cứ nín lặng mà tuân theo, giành lấy món thuốc, trở về Ix thế là xong việc ở đây.
Koh lập tức được triệu tập đến trước mặt công nương Vàng, người đại khái giống như mẹ bề trên của dòng tu. Điều ấy có nghĩa là ít nhất một trong bốn mươi tám người tin cẩn của Koh đã tố giác bà ta. Công nương Vàng nói dòng tu sẽ tổ chức bỏ phiếu về tư cách thành viên của bà ta. Nếu bị bỏ phiếu chống, bà ta sẽ phải tự dìm mình chết đuối. Tiếp đó, chân trong của bà ta ở trong Giáo hội Trắng bảo rằng hai Giáo hội lớn đang cân nhắc việc mời bà ta đến diện kiến – nghĩa là buộc bà ta phải tự nộp mình đến nơi chắc chắn có tra tấn và hành quyết.
Đến giữa trưa ngày Im Lặng, khắp các chợ và sân giếng ở Teotihuacán, dân thường đã bắt đầu thì thầm nhắc lại với nhau về những điều Koh nói, rằng “Mặt trời tiếp theo là của Rắn Chuông Sao”. Toàn thể thành phố, và có lẽ toàn bộ người dân trong thung lũng Mexico đã nghe được tin đồn đó, từ Cong Veo Ti Tiện cho đến tên hót phân hèn hạ nhất. Và, như thường lệ với những tin đồn kiểu như thế, nó được thổi phồng lên. Mặt trời sắp nứt ra. Trời sắp sập xuống. Thành phố sắp chìm xuống một cái hố dưới tầng đất không. Vân vân và vân vân.
Tuy thế, không ai muốn làm điều gì gây náo động trước ngày nhật thực. Một phần vì đó là dấu hiệu của sự lung lay, nhưng cũng một phần vì tất cả, từ trên xuống dưới, đều chấp hành lệnh im lặng một cách hết sức nghiêm túc. Hơn nữa, ngay sau khi mặt trời xuất hiện trở lại, Koh sẽ mất uy tín và rất dễ tấn công thôi.
Hiển nhiên, hai Giáo hội lớn biết chắc rằng mặt trời sẽ xuất hiện trở lại. họ gần như biết mọi điều về hiện tượng nhật thực, không chỉ biết chu kỳ mười tám năm mười ngày một phần ba mà còn biết chúng sẽ là một phần hay toàn phần và sẽ kéo dài bao lâu. Chỉ có điều, họ cố làm sao cho dân chúng biết càng ít càng tốt. giống như các bác sĩ tâm lý, tầng lớp cai trị phải khiến anh có cảm giác rằng họ đang giúp bệnh tình anh thuyên giảm nhưng tình hình vẫn còn rất tệ và anh phải tiếp tục đến chữa trị.
Khi nhật thực kết thúc, người của nhà Báo Sư Tử sẽ đến tìm chúng tôi… chúng sẽ giết Koh và hầu hết chúng tôi nếu có thể. Trước khi chúng đến được chỗ chúng tôi, tôi phải đánh cắp cho bằng được một lượng thuốc và mọi người phải đến được chỗ hẹn. Và nếu cả hai chúng tôi cùng sống sót, tôi sẽ học cách chơi cờ với chín viên đá và để lại những mẩu giấy ghi chép trong hầm mộ ở Ix để Marena có thể cảnh báo thế giới về dịch cúm gà và làm cách nào đó kịp thời chế ra vắc-xin. Song tôi vẫn không biết “hoa lăng tiêu” đã phá hoại Disney World như thế nào, nhưng đó là vấn đề của lúc khác. Ta hãy gọi nó là mục tiêu khó khăn lâu dài.
55
Có điều gì đó bất thường đang xảy ra với không gian. Như thể toàn bộ không gian ngoài trời đang co dần, nhỏ dần lại thành một căn phòng ngột ngạt. Không, - tôi nghĩ lại, - không phải là không gian, mà là ánh sáng. Mọi vật trở nên rõ nét hơn và gần hơn. Những cái bóng sắc nét hơn. Các dãy đồi, những đám đông và cả lọn tóc vuốt dầu rủ xuống trước trán tôi đều như những hình khắc được chạm quá nổi. Một cảm giác nghẹt lại như thế tất cả các tấm chặn âm của một cây óoc – gan nhà thờ một ngàn ống cùng hạ xuống một lúc. Tôi liếc nhìn lên mặt trời. Nó bị khuyết mất một mẩu ở vị trí hai giờ.
Tôi chưa từng thấy thứ gì khiến tôi nghĩ trên đời có ngoại cảm. Tuy thế, tôi vẫn không tưởng tượng được có người nào đứng ở bất cứ đâu trong thành phố này – ngay cả bị bịt mắt, bịt tai cà nhốt dưới tầng hầm – mà không cảm nhận được sự kinh hoàng vào lúc này. Nó rỉ qua các vách tường đá. Nó thấm xuống tận lòng đất.
Rõ ràng như một cơn đau tim, giọng của Cong Veo Ti Tiện phá tan sự im lặng:
Charháppiti sini, chá jucha phumuári…
Ngươi, với bộ nanh đỏ,
Ngươi sẽ lột da và xua đuổi chúng ta
Chạy trong bóng tối?
Ngươi sẽ không bao giờ quay về
Trái tim của vùng hồ
Trên tầng trời cao?
Thung lũng Teotihuacán vốn có tính năng như một “phòng tiếng vọng” (loại phòng nằm dưới mái vòm hoặc được bao quanh bởi một không gian hình tròn hoặc e-líp, sao cho đứng ở các phòng khác của tòa nhà cũng nghe được những tiếng thì thầm trong căn phòng đó). Với các công trình được trát thạch cao phủ kín các dãy đồi, tiếng vang lại càng dội mạnh hơn. Vì vậy, không nghi ngờ gì, mọi sinh vật đều nghe thấy tiếng lão. Nhưng không có tiếng đáp. Mà cũng không được phép có. Đây là những lời duy nhất lão nói và là những lời duy nhất chúng tôi được nghe trước khi lão ra lệnh cho tất cả gây tiếng náo loạn.
Tôi dán mắt vào cái mũ lông chim đại bàng của Hun Xoc, cách mặt tôi chừng mười hai inch. Có điều gì đó kỳ quặc khác thường trong những thớ lông đan vào nhau. Chúng biến đổi hình dạng và sắc nét ra. Người Nuốt ánh Sáng Đen, hung thần hùng mạnh hơn cả mặt trời, đã làm sứt mẻ cạnh ngoài của mọi vật. Tôi nhìn xuống đám đông đứng trên các bậc thang bên dưới. Chẳng thứ gì không có một đường viền bệnh tật quăn queo và lởm chởm, như thể mọi thớ mềm, mọi đầu nhọn đều đang được gọt tỉa và mài giũa thành hình lưỡi câu, thành hình cái móng tay sứt sẹo. Tôi rung mình.
Tôi nghe ngóng. Tiếng chim chóc gọi nhau đã im bặt. Không nghe thấy dù chỉ một tiếng ruồi vo ve.
Bắt đầu đi thôi, các cậu.
Tôi nhắm mắt trái lại và liếc cái nữa về phía mặt trời. Nó đã teo lại thành một đường mỏng tanh như sợi dây tóc bóng đèn. Ở rìa bên phải, “chuỗi ngọc Baily” (những đốm sáng xuất hiện ở vùng biên tiếp xúc giữa mặt trăng và mặt trời, được đặt theo tên của Francis Baily, người đầu tiên giải thích được chính xác hiện tượng này vào năm 1836) lóe lên giữa các khe núi vây quanh miệng núi lửa Humboldt nằm tít phía chân trời của mặt trăng vô hình. Sẽ tốt hơn nhiều nếu trên trái đất cũng ít người như trên mặt trăng. Như lời thần Dớt phán bảo. Thật là con người sáng suốt nhất trên đời. Mà thôi, đừng mải mê vào chuyện ấy.
Ngoài quảng trường, trên các triền đồi, những đám đông chật ních tỏ vẻ khó chịu và hăm dọa. Lúc này, mặt trời đã được bao quanh bởi một vầng sáng mà người ta vẫn gọi là vòng kim cương. Ranh giới giữa các mảng sáng và tối trên bầu má đầy sứt sẹo của Hun Xoc sắc nét như thể ánh sáng rọi vào qua một lỗ đinh ghim, lớp dầu đỏ thoa trên da nâu sẫm lại, những dải băng xanh lơ thắt trên đầu xám đi, như thể chúng tôi đang đứng dưới ánh đèn hơi natri ở một thành phố rẻ tiền nào đó trong tương lai. Vầng sáng tỏa hào quang rực rỡ quanh cái lỗ đen ngòm trên nền trời như những cái xúc tu có nọc cực độc của loài sứa Chironex (còn gọi là sứa hộp, một loài sứa rất độc). Ra là nhật thực toàn phần, - tôi nghĩ.
Một làn sóng run rẩy, loạng choạng lan khắp đám đông. Anh có thể cảm nhận được hơi thở bị nén lại trong hàng triệu lá phổi, anh có thể đánh hơi thấy sự căng thẳng đến phát điên, thấy nỗi sợ hãi trước viễn cảnh nguồn hơi ấm duy nhất sẽ vĩnh viễn không thể thoát khỏi dạ dày của Người Nuốt ánh Sáng Đen. Tôi, hay chúng ta nên nói là “ngay cả tôi” vì tôi nghĩ cũng công bằng khi công nhận tôi là kẻ ít mê tín nhất ở đây, cũng phải tự nhắc nhở mình rằng việc này chỉ diễn ra trong khoảng một thời gian thôi, và mọi sự rồi sẽ trở lại bình thường.
Phải vậy không?
Tôi lắng tai nghe. Vẫn chỉ sự im lìm dày đặc và trơn chuội. Tôi lại nhìn lên “hai thằng mù sinh đôi”. Vẫn che kín nhau hoàn toàn. Còn chưa đến hai phút nữa. Nào, bắt đầu đi, lúc nào tùy thích.
Lúc nào cũng được.
Mẹ kiếp.
Tôi nhắm mắt lại và lại liếc mắt trái về phía dãy đồi phía tây. Chả có gì.
Tôi nghe ngóng.
Chẳng có gì hết.
Thôi nào. Ra tay đi…
Có thứ gì đó từ phía đông tràn vào thung lũng, một chuỗi âm thanh mảnh như sợi ruy-băng Mylar. Một âm thanh không tên. Tôi đoán rằng thoạt tiên người ta còn không chắc đấy có phải là âm thanh hay không. Và rồi, khi chuỗi âm tiếp tục ngân lên và vang rõ hơn một chút, tôi chắc phần lớn đám đông nghĩ dó là tiếng ve sầu, thứ âm thanh gần giống nhất trong tự nhiên mà người ta có thể liên tưởng. Chuỗi âm lan rộng khắp, hoặc là nhiều chuỗi âm tương tự được cất lên từ những nơi khác. Ngay cả với lớp đệm là ngần ấy cơ thể con người, những chuỗi hợp âm vẫn nảy lên, dội vào các mặt tường của hàng trăm kim tự tháp. Ban đầu, nghe như tiếng chúng vọng đến từ phía đông, sau đó lại như từ phía nam, rồi từ đâu đó quanh đấy, và càng nhiều chuỗi hòa vào, âm thanh càng lớn dần lên, lớn hơn tôi mong đợi, và vang hơn với tiếng ong ong dội lại như thể ông giời đang đùa nghịch với những chiếc âm-li Fender Twin cũ.
Các “đồ đệ” của tôi đã giật thót người khi lần đầu tiên nghe thấy âm thanh này trong một căn hầm bụi bặm đầy phân chuột, giữa bốn bức tường chất đầy vỏ bao ngô. Lúc đầu, họ khiếp vía, sau đó thì thích mê đi, và sau đó nữa, họ phai học cách điều khiển nó. Hãy tưởng tượng như anh chưa từng nghe thấy tiếng vi-ô-lông, đúng ra là chưa từng nghe thấy âm thanh của bất cứ loại đàn dây nào, ngay cả tiếng gảy vào dây đàn cũng chưa. Âm thanh đó trong tai anh sẽ như thế nào? Nó sẽ hơi giống tiếng ve sầu, hơi giống tiếng cưa đá bọt, hơi giống tiếng mèo rên và hơi giống tiếng một bầy ong.
Âm thanh của đàn dây là cả một kỳ quan công nghệ. Không có gì khiến người ta sửng sốt và thôi miên bằng, nó kết hợp được vô vàn âm thanh chói tai với sự lan tỏa. Không gì có thể so sánh được với sóng âm của thứ nhạc cụ này khi nó xuyên vào tai anh. Ngay cả lũ chó cũng phải mất vía vì đàn dây nếu chưa quen. Nó làm tất cả chết sững.
Hiển nhiên, các đồ đệ của tôi – Mười Lăm Con Cua Kéo Đàn theo hình dung của tôi về họ - không bắt chước được đúng hoàn toàn. Thứ mà chúng tôi đang nghe còn lâu mới xách dép được cho Fritz Kreisler (nhạc sĩ, nghệ sĩ vĩ cầm người Áo) hay dàn nhạc Berlin Philharmonic. Thực ra, nó là một đống bát nháo. Và đương nhiên, thứ nhạc cụ họ dùng không hẳn giống xen-lô, hay vi-ô-lông, hay vi-ô-la, hay đi-ru-ba (một loại đàn của Ấn Độ), nhưng cũng là những cây đàn tươm tất, phát ra âm thanh, không cọt kẹt, được xát cô-lô-phan (loại nhựa dùng để xát vào dây và vĩ của đàn dây) đàng hoàng và chơi bằng vĩ hẳn hoi. Và các anh chàng của tôi đã luyện tập đủ thành thạo để cho anh cái cảm giác như khi được nghe thấy nó lần đầu: