Bão táp cung đình, chương 08-09

CHƯƠNG 8

Việc Chiêu Hoàng, Trần Cảnh quyến luyến nhau không qua mắt được Trần Thủ Độ và bà thái hậu Trần Thị Dung, mà còn không qua được mắt đám nội nhân. Vì thế tiếng tăm bay đi khắp kinh thành. Chuyện đến tai một số vị đại thần. Nhiều bậc lão thần đã xì xào bàn tán. Ngay chuyện ấy cũng đã đến tai Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ mừng vì cháu ông được vua nhỏ mến yêu. Nhưng lo, nếu có người đàn hặc giữa chốn triều chính, không phải không có tội. Mà tội khi quân, tội quân thần điên đảo vẫn được xếp hàng đầu trong tội ngũ nghịch. Quan tri thành nội ngoại chư quân sự bèn thỉnh quan anh là thái uý phụ quốc, và bà chị là thái hậu tới cung Thuỷ Tịnh để hội kiến.
Hai anh em ruột cũng là hai bên cha mẹ của đôi trẻ đều vui mừng vì anh em chúng quí mến nhau. Tính con trẻ, ưa có bầu có bạn, đó là lẽ thường. Nhưng đây lại là nghĩa vua tôi mới khó xử.
Theo Trần Thủ Độ “Việc này cực kỳ hệ trọng. Trong lúc thế sự phiền hà, kỷ cương chao đảo, người cầm quyền phải giữ nghiêm phép nước. Coi chừng có kẻ cáo giác thì chết cả họ chứ không phải chuyện chơi”.
Bà thái hậu còn chưa hết xúc động sau buổi lễ tế cáo trong điện chí kính, nay lại đến việc này. Ruột bà rối như một búi tơ giũ rối. Bà ân hận vì gần trọn một năm, bà bỏ mặc Huệ tôn cho Trần Thủ Độ chăm sóc. Tin ở quan điện tiền nói về sức khoẻ, tật bệnh và thuốc thang chạy chữa cho nhà vua, nên bà chỉ chú trọng công việc trong hoàng gia. Ai ngờ, thời gian đã dày xéo lên đức vua, với bao nỗi xót đau còn hằn ghi nơi khuôn mặt ngài. Bà biết đức vua căm giận bà ghê gớm. Vốn là một người nông nổi yếu đuối, mà đức vua đã găm sâu sự hờn oán như vậy, chắc là người bị đoạ đầy cực nhọc lắm. Hẳn là trong thời gian ấy, nhà vua vẫn tỉnh táo, chứ không phải là chứng điên lại kịch phát như Trần Thủ Độ đã dối bà. Cứ nom cái mắt nhà vua với cách khu xử, đủ biết là hành động của người trí chứ không phải của kẻ khờ. Tiếc thay, ta đã quá tin Thủ Độ, bỏ mặc đức vua đằng đẵng gần một năm ròng. Nhớ những ngày còn long đong, mấy anh em Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ, Trần Thừa xông pha đánh dẹp, tranh giành với các thế lực khác, lắm phen điêu đứng, không nơi tá túc. Cũng không được nhà vua coi cánh họ Trần như một lực lượng cần vương. Thậm chí còn bị thái hậu coi như một lũ giặc cỏ. Ngay bà, đã được nhà vua đưa về ở trong nội điện, thái hậu vẫn nghi ngờ muốn giết. Nhiều phen thái hậu sai bỏ thuốc độc vào thức ăn. Nhà vua phải chia sẻ bữa ăn của mình. Đúng là cơm chan nước mắt. Ngày đêm bồn chồn lo lắng. Nếu không có nhà vua đứng ra che chắn, đùm bọc, thì tính mệnh cũng khó toàn, nói chi đến ngày nay. Cả mấy anh em họ Trần cũng thế, nếu không có ta sớm khuya bầy tỏ, sao nhà vua có thể tin dùng và trao quyền bính. Bữa trước, nhà vua nguyền rủa ta. Sự thật quả là như vậy. Nhưng ta vì vô tình làm các việc đó. Phần bởi vì thương tôn tộc. Phần nghe lời chỉ dẫn của các bậc cha anh. Chao ôi, ai ngờ các việc ta làm đó, lại là làm hại cơ nghiệp nhà Lý. Mà rồi chẳng biết họ Trần có nên cơm cháo gì không. Phận ta từ nay, chồng còn cũng coi như thân goá. Nhà vua đã xuất gia, với lòng căm giận ta và phe cánh nhà ta, chẳng bao giờ còn đoái tưởng nữa. Ta biết trông cậy vào ai. Cưỡng lại anh em nhà mình ư? Không được. Các con ta còn quá nhỏ. Ngôi quân trưởng giữ hờ, nếu không có người phụ chính cứng cỏi, mẹ con ta mất mạng như chơi. Ôi, nếu như ta cứ yên phận là một cô gái quê thì đâu đến nông nỗi! Đời thật đắng cay, trớ trêu. Ta thiết gì ngôi cao lộc trọng mà tranh giành. Con ta bắt buộc ở ngôi, ngày đêm khóc lóc, nó cứ đùn đẩy mãi cho con Thuận Thiên mà không được…
Sực nhớ đến lời khuyến cáo của Trần Thủ Độ, bà thái hậu liền hỏi:
- Nguy cấp lắm sao? Chỉ có hai đứa trẻ là anh em họ chơi thân với nhau, cũng làm cho cả triều đình xôn xao sợ hãi. Cả ông nữa, ông thống soái. Bà thái hậu nhìn thẳng vào mắt Trần Thủ Độ với giọng giễu cợt gặng hỏi:
- Ông cũng lo lắng lắm sao? Rồi bà nhìn về phía Trần Thừa: - Còn anh cả, ý anh thế nào? Cùng lắm thì cho chúng nó lấy nhau. Nhẽ đời phải thế thì ta cứ thế mà làm. Tôi không thấy có gì đáng phải hãi sợ trong câu chuyện này.
Nói rồi bà thở nhẹ, như vừa trút đi một gánh nặng. Bà mở vuông khăn, lấy ra một khẩu trầu.
Quan phụ quốc thái uý Trần Thừa với vẻ băn khoăn nhìn em gái, nói:
- Việc tầy trời mà cô nói cứ như trò chơi con trẻ. Phép nước chứ đâu phải chuyện chơi. Ý chú Thủ Độ thế nào. Tôi chắc chú đã có kế sách rồi. Ít lâu nay tôi thấy trong công việc, chú sáng ra nhiều lắm. Chú sai khiến cắt đặt mọi điều đều khuôn theo ý chú, cơ mưu như thần. Nghiệp họ Trần dấy lên tự đây chăng?
Trần Thủ Độ không phải không lo phòng bị. Mối lo lớn nhất trong lúc này là các đại thần chống lại ông. Tối kỵ là việc để cho họ, dù công khai hay ngấm ngầm liên kết được với Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng. Nhưng khi chợt thấy thái độ coi thường của bà thái hậu với câu nói khùng: “Cùng lắm thì cho chúng nó lấy nhau”, tự nhiên trong đầu ông nảy ra một kế. Lại tiếp đến ý của ông anh: “Việc tày trời mà cô nói cứ như trò chơi con trẻ”. Trần Thủ Độ như vồ lấy cái ý nhát sợ ấy của ông anh. Thế là xong. Tương kế tựu kế. Ông nghĩ: “Xưa nay, mọi việc thế gian đều như trò chơi con trẻ. Cái khéo là ở sự bầy đặt cuộc chơi”. Kế sách coi như đã quyết ở trong đầu. Nhưng ông vẫn còn băn khoăn, nếu như có Hoàng tiên sinh ở nhà để vấn kế thì yên tâm biết mấy. Phải gấp gấp ra tay. Không thể nấn ná đợi chờ. Thời cơ mấy khi tạo được. Ý đã quyết, Trần Thủ Độ liền nói thẳng với ông anh, bà chị về mọi nhẽ tồn vong, rồi ông chốt câu chuyện lại: “Nếu anh cả và chị tin tôi. Nội trong ba ngày nữa mọi việc sẽ xong. Kẻ nào chống lại, tôi diệt. Tôi cũng nói trước, việc này thành, tức là trời đem nghiệp lớn quốc gia trao vào tay họ Trần ta. Chẳng may việc bại, thì chết cả họ, đừng có oán tôi. Nhớ rằng các việc tôi làm đều không phải để cho tôi”.

CHƯƠNG 9

Vào một đem cuối tháng mười một năm Ất dậu (1225), trời tối mịt mù, gió rét căm căm, Trần Thủ Độ đem hết gia thuộc vào trong cung cấm rồi sai đóng chặt cửa thành lại. Quân tứ sương(1) chẹn đứng bốn cửa đông - tây - nam - bắc hoàng thành. Quân thánh dực, quân hổ bôn ém dầy đặc trong tử cấm thành. Trên các trục đường từ các lộ Hồng, Khoái, Bắc Giang, Quốc Oai, Trường Yên đổ về kinh đều tăng số quân kỵ, quân bộ đóng giữ, canh phòng, tuần tra cẩn mật, tưởng đến một cánh chim cũng khó lọt qua được. Lệnh truyền: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”(2).
Vào một đêm như thế, quan thái phó Phùng Tá Chu được triệu vào cung. Quan thất kinh vì nhận thấy giọng nói thì thầm và bước đi êm nhẹ như những bóng ma của bọn lính trong đêm tối, ông linh cảm như có một tai họa gì khủng khiếp sắp giáng xuống đất Thăng Long. Vừa hoang mang, vừa tò mò, quan thái phó đoán già đoán non các việc có thể xảy ra. Nhưng ông không hình dung được một việc gì rõ ràng, mà nó chỉ mông lung mờ ảo như đám sương mù tháng chạp. Gần đây, việc quan thừa chỉ đang trấn trị châu Nghệ An được triều hồi về kinh, rồi lại hấp tấp đi nhiệm sở tại Trường Yên, khiến một số sủng thần cũng phải ngơ ngác, còn các quan khác hết đỗi hoang mang.
Vào tới nội điện, ông được diện kiến trước hết là quan tri thành nội ngoại chư quân sự Trần Thủ Độ. Bạch lạp sáng choang, soi rõ khuôn mặt quan ngài đằng đằng sát khí. Nhưng rất lạ, ông niềm nở mời quan thái phó vào cửa, cứ như là sắp có yến tiệc gì đây. Tiếp đó, lại thấy lấp ló có quan thái úy phụ quốc Trần Thừa, và cả bà thái hậu Trần Thị Dung cũng có mặt. Đọc những nét hiện trên khuôn mặt của ba người này, ông đủ biết triều chính đang có chuyện gì lớn lắm, nghiêm trọng lắm. Đến nỗi ông không dám cắt lời hỏi, mà chỉ rút nhẹ tờ hỏa lệnh gài trong khuôn mũ, kính cẩn đưa trả cho Trần Thừa, và khép nép nhìn bà thái hậu như muốn nói: “Thần xin phụng mạng”.
Phùng Tá Chu chưa kịp ngồi thì Trần Thủ Độ từ cửa tò vò đi vào, tay vẫn đặt hờ trên đốc kiếm nói: “Việc đã gấp lắm rồi. Anh cả và chị nói luôn để cho ông Chu thảo chiếu ngay!”. Nói xong, ông đi liền. Chỉ nghe tiếng vọng chân ông ở mãi phía ngoài thềm.
Qua giờ Tý thì quan thái phó đã thảo xong chiếu, đọc thử cho bà thái hậu và anh em Trần Thủ Độ nghe. Trần Thừa gật gù hỏi: “Chú Đôï thấy thế nào?”.
Trần Thủ Độ bảo: “Được” rồi quay ra. Đêm ấy Phùng Tá Chu phải ngủ lại trong cung.
Tin tức các nơi báo về đều không có động tĩnh gì. Sáng hôm sau đến giờ thiết triều, các quan văn võ tới chầu, nhưng cửa điện vẫn đóng im ỉm không được vào, Trần Thủ Độ uy nghi trong bộ võ phục đứng trên lầu Vọng Nguyệt nói xuống: “Nhà vua đã có chồng rồi”. Các quan đều nói: “Được! Xin cho vào lạy mừng”.
Nữ chúa Chiêu Hoàng trang điểm lộng lẫy ngồi lọt thỏm trong ngai vàng. Xế phía bên tả ngai vàng, Trần Cảnh đứng cạnh quan thái úy phụ quốc Trần Thừa. Bà thái hậu ngồi trước ngai. Các quan từ nhất phẩm trở xuống đều quì lạy. Nữ chúa ban tờ chiếu cho quan hàn lâm thị độc. Ông vái nhà vua ba vái rồi quì đọc.
Giọng quan thị độc sang sảng. Ông đọc thong thả từng lời, từng lời như thấu tận tim óc mọi người. Đọc xong, triều nội vẫn im phăng phắc. Các quan, ai nấy đều cảm thấy đây là việc làm không bình thường của hoàng gia, nhưng không có gì trái đạo. Bà thái hậu đứng lên nói vài lời:
- Xưa nay, việc hôn nhân là đạo thường trong thiên hạ. Nhà vua tuy tuổi còn nhỏ, nhưng đã sớm phải gánh vác việc lớn quốc gia. Thượng hoàng bệnh trọng, đã xuất gia. Ta lại là đàn bà không biết thế nào mà lo liệu. Nay bệ hạ ưng thuận quan chánh thủ Trần Cảnh để có bầu có bạn sớm hôm học hành, mai đây còn lo việc lớn cho trăm họ. Mong các quan gắng sức khuông phò…”
Thái hậu vừa dứt lời, các quan đồng thanh chúc cuộc trăm năm của vua nhỏ:
“Thiên tuế! Thiên tuế!”
Vậy là cuộc hôn nhân được sắp đặt do cơ mưu và cũng do sức ép của Trần Thủ Độ đã êm xuôi. Những ngày sau đó, Trần Thủ Độ cho người đi tung tin khắp các châu, quận, trấn, lộ rằng Chiêu Hoàng nữ chúa đã lấy chồng, xem các đầu mục, nhất là hai viên tướng phản loạn đang trấn giữ hai vùng phía đông, phía bắc kinh thành có phản bác gì không. Tịnh không có gì xảy ra. Cũng không có chuyện vì nữ chúa lấy chồng mà các tướng phản loạn dấy binh. Phải chăng việc lấy vợ lấy chồng là đạo thường trong thiên hạ như lời bà thái hậu. Nếu vậy, quả là ông đã đi một nước cờ liều, nhưng lại thắng to. Điều ông sợ nhất vẫn là các quan đại thần ra mặt chống đối, hoặc ngấm ngầm kết liên với các thế lực của Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn. Nếu hai người ấy hòa hợp với nhau, lại thêm có chiếu cần vương của Huệ tôn, thì dù ông có đởm lược như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành cũng phải tự trói tay mà chịu chết. May thay, họ lại án binh bất động.
Lại nói về thầy trò Hoàng tiên sinh bữa nọ đang hái thuốc trong rừng sâu, chợt có người khách thương đem muối từ đồng bằng lên đổi lấy trầm hương, tùng hương, họ nói lại sự việc mới xảy ra ở kinh kỳ. Nghe xong, tiên sinh mỉm cười sung sướng, thầm khen: “Thủ Độ quả là một tay anh hùng, một tay gian hùng. Giỏi! Y cực giỏi. Đế nghiệp chắc chắn về tay họ Trần”.
Mười ngày sau vụ nhân duyên của Chiêu Hoàng - Trần Cảnh. Hoàng tiên sinh về tới kinh.
Vừa trông thấy Trần Thủ Độ, Hoàng tiên sinh đã kính cẩn vái chào. Hành vi đó khiến Thủ Độ phát hoảng lên. Vì từ khi mời được Hoàng tiên sinh hạ sơn, Trần Thủ Độ vẫn thờ ông như một bậc sư phụ. Còn ông, tuy giữ lễ với người quyền lực nhất triều, nhưng vẫn bảo tồn được cái phần kiêu hãnh của một bậc quốc sĩ, theo đúng đạo trung dung. Không kính quá, cũng không thường quá. Song bữa nay, có gì như trái với lệ thường, khiến Trần Thủ Độ phải cúi rạp mình xuống vái ba vái để đáp lễ tiên sinh. Thủ Độ tuy đã là một tay có tài tế thế, song vẫn không hiểu được thâm ý của họ Hoàng. Điều đó có nghĩa rằng, Hoàng tiên sinh muốn khen người học trò của ông thuộc loại: “hậu sinh khả uý”. Tiên sinh thầm nghĩ: “Trong lúc thế cuộc rối ren, ta gợi cho ông ấy phải sắp lại cuộc cờ. Phải loại bỏ vai trò của đức vua điên. Chỉ nên lợi dụng cái danh của ông ta để điều hành việc triều chính, và sai khiến thiên hạ. Chính tiên sinh đã gợi cho Trần Thủ Độ một vài việc cần làm. Ví như việc sách lập Chiêu Thánh làm hoàng thái tử, rồi đưa “Hoàng thái tử” lên kế nghiệp. Tiếp đó ông ta lại nghĩ ra chuyện đưa luôn thằng bé tám tuổi, cháu ông ta vào chầu hầu vua nhỏ, với chức chánh thủ. Vậy thời thằng bé ấy, kết duyên với con bé kia, là chuyện đương nhiên. Vì cha chú chúng đã có chủ ý”.
Sực nhớ đang trò chuyện với Trần Thủ Độ, Hoàng tiên sinh nói như người vừa mới chợt nghĩ ra:
- Thế tất còn một việc trọng yếu sau cuộc hôn nhân này, tới lúc nào mới được thực thi? Thưa quan ông.
Trần Thủ Độ giật nảy mình như người dẫm phải gai. Ông tự hỏi: “Ông già này như biết hết ruột gan ta. Thật không có việc gì có thể qua được mắt tiên sinh”. Thay vì trả lời, Trần Thủ Độ mỉm cười và hỏi lại:
- Xin tiên sinh dạy cho, nên làm vào lúc nào là tốt nhất?
Hoàng tiên sinh lại nghĩ: “Con người này tuy ít học, nhưng sáng ý lạ thường. Chỉ gợi cho ông ta một bước, là ông ta bước tiếp cả một chặng dài. Thuần những bước đi chắc nịch. Ông ta thuộc loại người đa mưu túc trí, nếu được dẫn dắt vào con đường lương thiện, hẳn nhiên sẽ trở thành con người đức độ, làm rường cột cho quốc gia. Ông ta thuộc loại người có thể chia sẻ quyền lợi chứ không chia nhường quyền lực. Gặp lúc hiểm nghèo có thể nhún chứ không lui. Trong lúc thế nước ngàn cân treo sợi tóc, hoạ nồi da xáo thịt đang hăm doạ muôn dân; phải có những người đại hùng, đại trí như thế này mới mong gỡ được thế cuộc. Ở ông ta cái thiếu không phải là trí hoặc dũng, mà là nhân. Nếu ông ta tu chính để thành người nhân nghĩa nữa, chắc chắn ông ta sẽ trở nên một bậc thánh”. Giây lâu, tiên sinh mới lại hỏi:
- Việc này quan ông làm càng sớm càng tốt. Bởi có chính danh vị mới định được danh phận.
Hoàng tiên sinh thấy trong lòng êm nhẹ, bởi thế nước có cơ an thịnh. Tiên sinh cũng tin nơi Trần Thủ Độ, có thể lèo lái được con thuyền quốc gia, tới bến bờ đắc thắng. Vả lại, trong triều cũng còn nhiều bậc lỗi lạc, có thể giúp rập thêm vào. Tiên sinh đang có ý muốn trở lại chốn sơn lâm, hoặc chu du thiên hạ làm thuốc, cứu nhân độ thế. Cũng muốn nhân dịp này bày tỏ với Trần Thủ Độ đôi điều, ngõ hầu mới có thể khai triển trong việc an dân hưng quốc. Trần Thủ Độ khiêm nhã chắp hai tay nói:
- Xin lĩnh ý tiên sinh. Rồi ông tiếp : - Bẩm tiên sinh, từ ngày được tiên sinh chỉ giáo, tôi cũng làm được đôi điều khả dĩ thành tựu. Song le, việc học hành chữ nghĩa kém cỏi, thành thử làm việc trước chưa lường được việc sau. Nhiều điều còn mù mờ rối rắm, như người lạc vào rừng giữa đêm tối. Chỉ mong có dịp gần, sớm chiều được tiên sinh chỉ bảo, họa may mới có thể tránh được sự bại vong.
Có nhẽ Trần Thủ Độ đã gợi trúng điều Hoàng tiên sinh đang suy ngẫm, ông hồ hởi đáp:
- Quan ông đối với ta ưu hậu quá, khiêm nhường quá. Chẳng hay cuộc tiếp kiến dạo trước, những lời nói thẳng của ta có làm quan ông phật ý? Ta cứ áy náy mãi, là bởi: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”(3).
- Bẩm tiên sinh, nhờ có tiên sinh sáng suốt vạch ra những điều bất thiện ẩn náu trong con người tôi, tôi lấy đó làm bài học răn mình, lúc nào cũng sợ hãi như người cầm roi mục giong cương ngựa thiên lý.
Hoàng tiên sinh cười ha hả, vuốt chòm râu bạc, vẻ đắc ý, ông nói:
- Ta với quan ông, tình là bầu bạn, nghĩa là thầy trò. Quan ông đối với ta, tình là chỗ quan dân, nghĩa là sự trên dưới.
Trần Thủ Độ xua tay:
- Không dám! Không dám! Tiên sinh dạy quá lời.
Hoàng tiên sinh lại nói:
- Tựu trung, cả nghĩa lẫn tình giữa quan ông với ta có thể qui về mấy chữ sau đây:
TƯƠNG THỨC MÃN THIÊN HẠ
TRI ÂM NĂNG KỶ NHÂN(4).
Ta nói để quan ông rõ. Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ.
- Xin đa tạ tiên sinh!
Hoàng tiên sinh với giọng trầm ấm, rủ rỉ nói với Trần Thủ Độ những điều tâm huyết mà bấy lâu ông hằng ấp ủ.
- Sớm muộn gì thì thiên hạ cũng về tay họ Trần. Sự nổi loạn của các sắc mục miền xuôi, của các người Man miền ngược, quan ông ra tay bình định một sớm một chiều là qui phục hết. Điều đáng lo ngại của quan ông là hai thế lực to lớn của Nguyễn Nộn ở phía Bắc, Đoàn Thượng ở phía Đông. Đoàn Thượng như bữa trước ta đã nói. Y sẽ tự tan. Còn Nguyễn Nộn hết thời cơ rồi. Vả lại ông ta không phải là địch thủ của quan ông. Cứ dùng chính lệnh của triều đình mà sai khiến. Hai người này không thể liên kết với nhau để thành một đại lực lượng, chống lại quan ông. Ví rằng cả hai người đó đều là những kẻ vị kỷ chứ không vị nhân. Nghiệp lớn không thể rơi vào tay họ được.
Hoàng tiên sinh ngừng lời, như vẫn còn muốn kiểm xét xem những điều gì thật cần thiết, thật có ích cho việc hưng quốc an dân, ông sẽ hết lòng bầy tỏ với Trần Thủ Độ.
Giây lâu tiên sinh lại nói:
- Mai đây khi đã kiêm tính được thiên hạ, tiên sinh nói tiếp - Có mấy việc lớn quan ông phải lưu ý làm ngay.
Việc đầu tiên là phải lo chấn chỉnh lại bộ máy hành chính quốc gia. Trước hết, phải dùng được người tốt, người tài giỏi. Dùng được người tốt, người tài giỏi thì trị an, dùng phải kẻ xấu thì nguy loạn. Một nước trị hay loạn là do ở vua và quan giỏi hay dở. Vì thế, việc dùng người là khâu then chốt nhất của một triều đại. Việc hình luật mà quan ông đang sửa sang, phải gấp gáp. Một nước văn hiến không thể không có luật pháp. Luật pháp có rồi lại phải nghiêm. Ngay đến đức vua cũng không được đứng trên luật pháp.
Quan ông cũng nên xét lại các chính lệnh của nhà Lý để mà di phong dịch tục. Điều gì hay phải giữ. Đại Việt từ khi lập quốc, chỉ đến nhà Lý mới được xem là một triều đại có văn hiến. Về chiến công thì oanh liệt, về chính trị thì nhân từ.
Các chính sách như ngụ binh ư nông và tổ chức quân đội, là một chính sách lỗi lạc. Giữ binh lính ở việc làm ruộng việc, là phục việc nguy hiểm vào nơi thuận tiện. Nhất là việc tổ chức quân đội, đến nhà Tống còn phải học(5).
Việc an dân và việc binh bị, quan ông đã có nhiều chủ kiến hay, ta không bàn tới nữa. Ngừng một lát tiên sinh lại tiếp:
Mấy chục năm gần đây, nhiều người bài xích đạo Phật, bắt sư hoàn tục. Không nên quên rằng nhà Lý gốc ở Phật, mà dựng được một quốc gia hùng cường, thuần ái. Không những thế, nhà Lý còn kiêm dùng được cả ba đạo: Nho - Lão - Thích. Ngay nhân tài cũng từ cửa đó mà ra. Các khoa thi tam giáo đã lựa được biết bao tài năng cho đất nước. Ngày nay có nhiều người cho rằng, Phật giáo nặng về mê tín dị đoan. Đâu phải thế. Dị đoan là bọn đồng cốt. Còn Phật, chủ về cả thế tục lẫn tâm linh. Căn cốt của Phật là giác ngộ và giải thoát. Nên nhớ rằng nếu khờ dại mà tước đi của con người phần tâm linh, thì họ sẽ bơ vơ không nơi an trụ thân tâm, sẽ cô đơn hoang dã như loài thú. Nói cho đúng thì Phật liên kết chúng sinh lại, cũng như nỗi đau trần thế liên kết mọi con người. Hoặc giả không có Phật Thích-ca mâu-ni, thì con người cũng tạo ra Phật để mà tin thờ, để mà gởi gắm cho vơi vợi nỗi đơn côi. Phần tâm linh đã vậy, còn phần dân trí thì sao? Phải lo mở mang việc học để khai phóng dân trí. Dân trí mở mang rồi, thì lo đến việc trì quốc, chứ đừng khư khư mãi chính sách trị quốc. Giữ nước là công việc của trăm họ, của muôn dân, còn trị nước chỉ là công việc của một dúm người trong bộ máy quan liêu. Chính sách gì của triều đình, quan ông cũng phải chú trọng trước hết đến việc dùng kẻ sĩ, trọng người hiền. Với loại người này chỉ có dùng đức để thuyết phục, dùng lễ để sai khiến, chứ dùng quyền uy, phú quí họ coi khinh không bằng cọng cỏ. Chung qui, kẻ sĩ thì dễ thờ mà khó làm cho họ đẹp lòng. Còn bọn tham bẩn thì khó thờ mà dễ làm cho chúng đẹp lòng. Một nước muốn cất mình lên, chỉ có thể trông cậy ở lớp người hiền tài.
Hoàng tiên sinh nói như giãi bày hết cả gan ruột mình, như muốn truyền thụ tất cả những gì ông thu nhận được qua chữ nghĩa thánh hiền, cũng như những gì ông đã suy nghiệm gần mãn cuộc đời, hoặc nếm trải qua cuộc sống đắng cay của đám cùng đinh dân dã, vẫn chưa có cơ may thi thố.
Trần Thủ Độ rất đỗi cảm kích tấm lòng ưu nghĩa của tiên sinh. Mỗi lời nói của tiên sinh đều giản dị dễ hiểu, dễ nghe nhưng lại ẩn chứa những đạo lý sâu sắc mà tiên sinh iu ấp suốt đời. Phương chi những điều ấy lại được thi thố đầy đủ thì dân nào chẳng giàu, nước nào chẳng mạnh.
Thấy Hoàng tiên sinh ngưng lời, và sắc diện tiên sinh hơi mỏi mệt, Trần Thủ Độ lựa hỏi:
- Bẩm tiên sinh, tiên sinh đi khắp trong dân chúng cũng như trong đám quan quân, chẳng hay có dư luận gì về kẻ ngu dại này đang nắm trọng trách quốc gia, xin tiên sinh cho biết để hoạ may còn đổi lỗi?
- Hễ đã có làm bất cứ một điều gì là đều có dư luận. Huống chi quan ông là bậc tể thần, mỗi việc làm của quan ông là đụng đến cả rường mối quốc gia. Sao lại không có dư luận?
Mọi người đều ưa quan ông cả ư?
Mọi người đều ghét quan ông cả ư?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3