Cánh Đồng Lưu Lạc - Đoạn 04.2

Rồi chị tất bật đi ra, từ non trưa đến chiều tối, mãi đến quá khuya, chị mới được ngả lưng. Đặt mình nằm xuống cái giường chị lại giật thót người, chỉ muốn vùng dậy phóng ra ngoài. Có đêm, chị như người lẩn thẩn, vùng dậy chạy vào bếp vục cám cho lợn ăn. Con lợn bị đánh thức ngái ngủ dụi dụi cái mõm vào tay chị, rồi uể oải xốc cám. Nó hình như cũng muốn chiều chị mà ăn, còn chị, hàng giờ liền ngồi vừa vun cám cho nó ăn, vừa gãi gãi trên cái bờm có những sợi lông thưa và cứng của nó. Hai hôm sau ngày ông lão Tuân ốm, một vị đại diện thường trực uỷ ban xã đến thăm. Tiếng ông ta oang oang, rõ ra là tiếng cười nói của người đắc chí từ ngoài đầu ngõ:

-Thế nào? Cô giáo Nga đâu? Cụ nhà mỏi thế nào?
Chị Nga lật đật chạy ra, tay cầm cành rong đuổi chó:
-Bác lại chơi!Ấy chết bác đừng gọi em là "cô giáo" nữa. Em có còn dạy dỗ gì nữa đâu ạ...
-Ừ hừ! Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, cô là cô giáo thì chúng tôi mới dám gọi. Như ông Bếp Hồng ở ta đấy, cô có biết không? Ông ấy đi lính cho Pháp làm đến chức "bếp", về làng đã lâu, mà ai cũng gọi là ông Bếp Hồng đấy thây!
-Người ta khác, em khác. Xin bác cứ gọi em là Nga thôi ạ!
-Ừ, thế cũng được. Cụ nhà nằm đâu?
-Mời bác vào, ông cụ nhà em ở trên nhà trên.
Ông thường trực uỷ ban gạt cái chân trống xe đạp phượng hoàng đứng giữa sân, úp cái mũ cối bộ đội lên ghi- đông rồi vào nhà:
-Chào cụ! Nghe tin cụ mỏi, anh em trên uỷ ban cử tôi đến thăm cụ đây!
Ông lão dọ dạy ngồi nhớm lên, hướng đôi mắt lo âu về phía khách, môi mấp máy không thành tiếng.
-Cụ cứ nằm nghỉ, không sao! Ông khách ghé ngồi vào một bên thành giường. Chết thật, bệnh tình thế này mà không chạy chữa là khốn. Hay để tôi bảo cô Sáu trên trạm xá xuống khám cho cụ nhá?
Ông Tuân bất ngờ rút tay ra gỏi chăn, huơ huơ ra chiều không đồng ý. Thình lình cái khăn phu-la trên cổ tụt xuống, làm lão hoảng hốt, kéo vội nó lên. Vừa lúc ấy chị Nga cũng từ nhà ngang đi lên:
-Thày! Thày làm sao thế?
-Cổ cụ làm sao mà tím bầm lên thế, hả cô giáo?
Ông lão Tuân cố hết sức bình sinh:
-Đá...nh gio... ó...!
-Gió à? Ông khách cười. Ừ, dạo này gió lạnh về đêm, đi ra ngoài lại có tuổi như cụ, hay bị cảm lắm đấy. Phải không cô giáo?
-Dạ, bác nói phải ạ!
-Thôi thế này, uỷ ban có cân đường gọi là chút quà thăm nom, gửi cụ uống nước. Ông lục túi áo đại cán lấy ra cái gói nhỏ. Còn đây là của tôi, lạng mỹ chính Việt Trì hôm đi tập huấn nông nghiệp ngoài huyện được mua. Cô giáo cầm lấy, thỉnh thoảng cho vào cháo cho cụ ăn...
-Vâng, em xin bác, cám ơn bác và các bác"ngoài" uỷ ban!
-Cụ nằm nghỉ, chịu khó ăn vào cho khoẻ. Tôi phải đi sang Thống Hạ xem mạ mon thế nào đây. Đấy, lại còn phải liên hệ cho nhà trường Đại học gì ấy, ở Hà Nội về sơ tán. Gớm, sau cái thằng Giôn-xơn, đến cái thằng Ních-sơn này nó còn ác liệt lắm đây! Mẹ cha chúng nó! Nhà ta còn hầm chứ?
-Dạ còn ạ!
-Ừ. Thôi chào cụ, chào cô giáo, à tôi cứ hay quen mồm, chào chị Kỳ!
-Vâng, bác lại nhà!
Rồi khách khứa cũng thưa dần, nhưng cái dấu dây thừng trên cổ ông lão vẫn còn bầm tím khá lâu. Cho đến khi ông lão Tuân đã đứng dậy đi lại được trong nhà, trên cổ ông vẫn xù xù cái khăn phu-la. May mắn cho ông lão Tuân, cho cả mình nữa, chị Nga thầm nhủ, nó là cái sợi chạc trâu bằng dây nâu đã ải lại cứng chứ mềm như sợi vải thì chắc chả kịp. Phải tay mình, chị Nga cười, mình sẽ tìm một sợi lụa trắng, phải rồi, sợi lụa bạch để ra đi cho thanh sạch!
Khi ông lão khỏi hẳn, trong lúc chỉ còn hai người cần phải nói với nhau điều gì, chỉ có chị Nga lên tiếng trước.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3