Hành trình xương thủy tinh- P09

Một số nhận xét của độc giả báo tuoitre

Tôi là Nam (tên đã được đổi theo yêu cầu của nhân vật), 37 tuổi. Tôi vừa lội qua địa ngục của đời mình: ma túy. Có nhiều điều kỳ diệu đã đến với tôi, giúp tôi vượt qua lần cai nghiện thứ 10. Đã hơn một năm, đã hàng trăm lần bạn bè rủ rê, hút chích trước mặt mà trong lòng không còn cảm giác thèm muốn, tâm trí không còn nghĩ đến ma túy, tôi thật sự tin mình đã vượt qua. 
 

20 năm nghiệt ngã
17 tuổi, học hết phổ thông tôi bỏ đồng ruộng Thái Bình theo bạn bè vào bãi vàng Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Tại đó, tôi đã hút liều ma túy đầu tiên. Đau đầu, nôn mửa, cổ họng đắng ngắt, có lẽ ma túy đã lên tiếng cảnh báo về địa ngục. Vài ngày sau tôi lại nhớ đến nó và thử một lần nữa. Lần này thì cảm giác “phê” đã đến và thế là tôi đi thẳng vào địa ngục.
20 năm, chín lần cai rồi tái nghiện. Không thể kể hết những giọt nước mắt của mẹ, của vợ, những đau đớn, tức giận của cha, những bất lực, chán nản của anh em, họ hàng và những dằn vặt, hối hận của bản thân. Nhốt mình trong phòng, xích chân vào tường, trói tay vào cột, tự bắt mình chỉ nghĩ đến những đau khổ của người thân nhưng rồi cơn nghiện đến, từng tế bào trong tôi đòi thuốc, tâm trí lại chỉ nghĩ cách xoay xở để đi tìm ma túy.
Tự mình không giữ nổi mình, sau một đợt cai nghiện tôi đăng ký đi nghĩa vụ quân sự. Ấy vậy mà ba năm trong kỷ luật quân đội tôi vẫn không quên ma túy, trong đầu vẫn nghĩ, vẫn nhớ. Giải ngũ, về nhà, quăng balô lên giường chưa kịp chào hỏi mẹ cha, tôi đã lao đi tìm mua thuốc.
Tôi vào Nam, tìm cách lánh xa đám bạn bè, nhưng ma lực lại đưa đường cho tôi đi tìm bạn nghiện mới. Tôi bỏ Sài Gòn lang thang qua các tỉnh khác làm thuê nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Có hồi sức khỏe suy sụp, tôi đi xét nghiệm HIV. Kết quả âm tính, chưa hết nỗi mừng thì tôi lại lao đi tìm thuốc. Rồi tôi bị đưa lên Trường cai nghiện Lâm Hà (Lâm Đồng). Kỷ luật khắc nghiệt vẫn không giữ được chân, bốn lần tôi trốn trường, bốn lần bị bắt lại.
20 năm ấy, vợ tôi, cha mẹ tôi sống trong nước mắt, trong những hi vọng rồi thất vọng. Tôi làm nghề xây dựng nhưng bao năm không xây nổi một căn nhà cho gia đình, tất cả tiền bạc đều tan theo khói trắng, uy tín xây dựng được trong nghề cũng hao mòn dần. Có lần tôi đã đè vợ xuống bóp cổ để giật nốt tài sản cuối cùng là sợi dây chuyền. Đầu năm 2007 cha tôi vào thăm, ông lắc đầu: “Nếu cứ thế này bố đành cam chịu mất con thôi”.
Một lần nữa tôi hạ quyết tâm cai nghiện.
Lần thứ 10
Tôi chọn một cách khác những lần trước: tạm gác những công việc, chuyên tâm tìm lại những giá trị tinh thần. Tôi đến nhà thờ học lại những bài giáo lý, cầu xin được tha thứ, tiếp nhận, cho tôi sức mạnh để vượt qua cám dỗ. Tôi đi theo những đoàn công tác thiện nguyện, tìm một ý nghĩa mới trong công việc. Tôi gặp những người nghèo đang từng ngày vật lộn với cuộc mưu sinh, những em bé mắc bệnh hiểm nghèo, ai cũng tươi cười, hạnh phúc, thanh thản. Lần đầu, những mối quan tâm đến người khác trong tôi đã có sức mạnh hơn sức mạnh của những cơn ghiền.
Rồi một hôm, tôi được rủ đến Đông Thạnh, Hóc Môn (TP.HCM) xây nhà cho chú Út An. Khi cheo leo trên mái nhà lợp những tấm tôn cuối cùng, tôi chợt trượt chân và rơi thẳng lưng xuống đống đá xanh phía dưới từ độ cao 5m. Ai cũng bảo chắc tôi bị gãy cột sống. Tôi nhắm mắt lại cầu nguyện, được đưa đến bệnh viện và bác sĩ bảo: may mắn không sao.
Tôi gọi đó là tai nạn tuyệt vời, không chỉ vì tôi đã thoát nạn một cách kỳ diệu, mà nó đã củng cố thêm lòng tin của tôi vào sức mạnh tinh thần đang dẫn tôi đi xa ma túy. Giao nhà cho chú Út An xong, lúc chia tay chị Thu Hương tặng tôi tập bản thảo cuốn sách Hành trình xương thủy tinh khi ấy còn đang trong giai đoạn soạn thảo.
Tôi đã tặng Nam tập bản thảo duy nhất một cách thật hồn nhiên, quên bẵng cả lời hẹn giao cho nhà xuất bản gần kề, báo hại Đỗ Minh Hội phải lần mò tìm lại từng chương, từng đoạn tản mát trong máy vi tính. Khi đó mới được nghe loáng thoáng về cuộc đời của Nam, được biết về cuộc đấu tranh với ma túy mà em đang vật lộn, lại thấy một mối gắn bó qua cú té hụt chết ở nhà ông Út An, tôi đưa Nam tập ghi chép đã rút cạn cả lòng mình, những mong em sẽ thấy yêu hơn cuộc sống của bản thân để vượt qua ma túy. Và rồi vài tháng sau Nam quay lại tìm tôi...
Tôi đã đọc câu chuyện của mẹ con chị Hương rất nhiều lần và suy nghĩ. Một người phụ nữ, một đứa bé con đã lấy đâu ra nhiều sức mạnh, nghị lực đến thế để sống vui vẻ giữa đời với căn bệnh xương thủy tinh. Tôi là đàn ông, tôi càng phải mạnh mẽ. Ma túy không phải bệnh nan y mà là do tôi tự chuốc lấy, và tôi hoàn toàn có thể từ bỏ nó. Tôi may mắn hơn mẹ con chị Hương nhiều lần, sao lại tự phá hỏng đời mình và gây liên lụy đến những người thân yêu... Sức mạnh của tình yêu thương trong Hành trình xương thủy tinh và sự lạc quan của gia đình bé Hội đã tiếp thêm cho tôi năng lượng đẩy xa nỗi nhớ ma túy.
Một tháng, hai tháng. Năm tháng. Rồi một năm... Tôi đã hoàn toàn thờ ơ với ma túy. Nghĩ lại những năm tháng trước kia, tôi rùng mình khiếp sợ.
Trong khu xóm lao động tôi ở trọ, tệ nạn ma túy còn rất nhiều, các bạn bè tôi khi xưa vẫn còn nghiện. Không ai tin tôi đã cai được nên những lời mời mua “hàng” vẫn đến, bạn bè vẫn vô tư rủ tôi đi “chơi”. Thấy tôi dửng dưng trước làn khói trắng, họ hỏi: “Mới “chơi” à? Đủ rồi hả?”, tôi cười cười: “Ừ, đủ rồi...”.
Qua những câu chuyện rỉ rả, tôi khuyên bạn bè cai nghiện. Người chưa cai lần nào thì hăng hái, quyết tâm, người đã thất bại một hai lần thì chán nản, bất lực. Có em hớn hở khoe: “Em bỏ được 10 ngày rồi anh ạ, khỏe ru”. Tôi bảo: “Đừng quá tự tin, phải tiếp tục quyết tâm để giữ mình từng phút. Những giai đoạn ban đầu là như thế nhưng khi em buông lỏng mình sẽ có thể tái nghiện bất cứ lúc nào”. Có người thì lắc đầu: “Tôi không thể chịu nổi, tôi không bỏ được”, tôi nói: “Đây là việc khó, không thể nóng vội và cũng đừng bỏ cuộc. Tôi đây đã thất bại tới chín lần”.
Bây giờ tôi đã quay trở lại công việc, gây dựng lại những uy tín đã mất và dành tất cả thời gian còn lại cho hoạt động phục vụ cộng đồng. Lo cho mình một, lo cho anh em đồng cảnh hai là bí quyết của tôi để rời xa ma túy. Cha mẹ và vợ tôi đã tìm lại được nụ cười.
Chỉ mới biết Nam đây thôi nhưng tôi thật sự vui mừng và tự hào về những bước tiến bộ của em. Cũng thật vui khi em kể cuốn sách và cuộc sống của mẹ con tôi đã giúp em thêm một chút trên con đường vật vã quay lại cuộc sống đời thường. Giờ đây em đang dùng chính câu chuyện đời mình để tiếp sức cho những người khác. Tôi đang cầu cho người vợ tuyệt vời của em có tin vui.
Trong xóm nhỏ Đông Thạnh vẫn còn những khu nhà chen chúc giữa những ngôi mộ và trong những khu nhà ấy là rất nhiều trẻ con. Trẻ ở Đông Thạnh hôm nay tất cả đã được đến trường, và khi về nhà chúng vô tư chơi trốn tìm giữa những hàng huyệt mộ. Những đứa lớn hơn một chút đã biết đi quét dọn mộ vào những ngày rằm, đứa lớn hơn nữa đi bán vé số kiếm chút tiền mua tập vở. Cái ngã ba rẽ vào khu xóm ấy bà con gọi là ngã ba nghĩa địa. Và từ ngày Thu Hương chuyển về Đông Thạnh, nó bỗng đổi tên...
Ngã ba Sung Sướng
Thu Hương nói: “Là trẻ con thì phải được sung sướng dù cho có bị bệnh xương thủy tinh như Đỗ Minh Hội, hay có phải sống và vui chơi giữa những ngôi mộ như mấy đứa trẻ xóm này. Chúng vẫn vô tư, hồn nhiên, vẫn đùa nghịch, ước mơ đó thôi. Những nỗi buồn, thiệt thòi của chúng chính là do người lớn áp đặt bằng cái nhìn và tiêu chuẩn của mình”. Đúng không? Đúng. Ừ, thế thì phải gọi là ngã ba Sung Sướng chứ.

12.

Và Thu Hương đã làm tất cả để những đứa trẻ ở xóm được sung sướng. Mùa trung thu đầu tiên về ở xóm này, chị tìm đưa tận tay mỗi đứa trẻ một mẩu giấy: “Mời con đến dự tiệc trung thu ở nhà anh Đỗ Minh Hội”. Để làm vui lòng Hội đang bị bệnh, chị ra chợ tháo đôi bông tai nhỏ bằng vàng tây rồi xách về nào bánh, nào kẹo, nào giấy bóng, giấy màu, bút chì, bút sáp.
Chị thúc chồng ra bờ sông chặt tre về chẻ nan, cả nhà xúm xít làm lồng đèn, chăng dây, kết hoa. Mấy chị hàng xóm được huy động sang giúp làm khoai chiên, chuối chiên, đậu phộng rang, nước ngọt... Ngần ấy là đủ cho một trận vui nổ trời, đủ làm thành một truyền thống cho những năm sau, cứ gần đến trung thu là đám trẻ lại đến nhắn nhe: “Cô Hương nhớ làm trung thu nhé”, “Con thèm bánh nướng, bánh dẻo quá, má Hương ơi”...
Trung thu vừa qua, hàng chục thành viên trang web Ngôi sao blog đã đến góp tay. Hàng trăm cuốn tập, cây viết làm quà tặng, hàng trăm chiếc bánh nướng làm liên hoan, hàng trăm chiếc đèn lồng tự làm, lại cả một đội lân đến giúp vui... Một trung thu “hoành tráng đến không hoành tráng hơn được nữa”, “huongmuathu” (nickname của chị Thu Hương trên blog) hồ hởi báo cáo kết quả với các thành viên trang web như vậy.


Theo dõi trên blog huongmuathu sẽ thường xuyên thấy các thành viên mạng nhắn gửi: “Em mới có ít tập”, “Em mới gom được ít quần áo”, “Em có cái xe đạp”... Có gì huongmuathu cũng sẽ nhận và đưa đến những đối tượng đang cần nó nhất: em học trò nghèo, người đàn bà tật nguyền, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối... Một người bạn nhắn hỏi: “Em muốn lì xì cho mấy đứa trẻ nghèo dịp tết”, Thu Hương reo lên ngay: “Đến ngã ba Sung Sướng đi”. Và đêm 28 tết ấy, ở ngã ba chỉ được soi sáng bằng vài vệt đèn cách xa hàng chục mét, có một vòng tròn hát ca rộn ràng, có những đứa trẻ ngồi mơ màng trên bờ mộ mà nghe kể chuyện.

Bây giờ thì từ đầu tới cuối năm học, cứ vài tháng một lần bọn trẻ lại cầm sổ liên lạc chờ má Hương đến phát thưởng cho bạn nào học giỏi, có điểm cao. Cứ 1-6, Trung thu, Noel, tết lại chờ xem má Hương bày tiệc. Bé nào gặp khó khăn cũng mạnh dạn đến, chẳng thế mà đã có ba bạn được má Hương xin cho học bổng của chương trình Chắp cánh tương lai và của báo Tuổi Trẻ. Quả thật là ngã ba Sung Sướng!
Nhà thêm hai cô gái “rượu”
Ai theo dõi Hành trình “xương thủy tinh” cũng biết Thu Hương có hai cậu con trai: Hội và Khoa. Nhưng đến nhà chị sẽ gặp thêm một cô con gái cao lớn và xinh đẹp mà chị gọi là Diễm (tên thật là Thúy An). Nhà Diễm cũng ở ấp 2, Đông Thạnh, cha mẹ ly hôn, em sống với cha và cha định cho em nghỉ học đi làm. Nghe vậy, má Hương đến ngay và nói: “Con sẽ là con gái mẹ, đừng nghỉ học”. Từ đó tiền học, tiền sách vở, quần áo, tiền tiêu vặt và cả những bữa cơm của Diễm đã có má Hương lo hết, cô con gái chỉ còn việc phải học giỏi nữa mà thôi. Trên blog của Diễm tràn ngập những nụ cười tinh nghịch ở nhà má Hương: “Từ ngày có má Hương, má quan tâm hơn cả má ruột. Như vậy là hạnh phúc rồi”. Nhưng mấy ngày vừa rồi lại thấy chị Hương tỏ ra lo lắng: “Lo cho con Diễm quá”. Hỏi, chị nói: “Mới có thêm đứa con gái, sợ nó ganh tỵ, nó buồn”.



Thì ra sau khi trích phần nhuận bút sách Hành trình “xương thủy tinh” để tài trợ hai suất học bổng Tiếp sức đến trường 2008 của Tuổi Trẻ, đến dự lễ về, gương mặt rắn rỏi đầy nghị lực và giọt nước mắt giấu trong lòng của mấy cô bé tân sinh viên trên sân khấu giao lưu đã kéo chị quay trở lại. Trương Tuyết Lan (quê Tây Ninh, tân sinh viên Đại học Bình Dương) trở thành thành viên thứ sáu trong gia đình chị từ hôm ấy.
Sang Bình Dương lo phòng trọ, đi chọn mua đôi giày bata để tập quân sự, sớt thức ăn để phần cơm... y như chị đã sinh ra và chăm sóc Lan từ bao giờ. Một buổi tối, chị Hương tổ chức một buổi họp gia đình, công bố các “chế độ chăm sóc” công bình để hai con gái khỏi bất hòa, hai con trai khỏi thắc mắc. Chị cứ thế mà chu toàn việc nhà, việc xã hội cứ y như lẽ tự nhiên phải thế.
Và cũng như là tự nhiên, chị Hương từ vị trí là mẹ của admin (Đỗ Minh Hội), từ là một thành viên đã dần dần trở thành một “thủ lĩnh” của trang web ngoisaoblog.com, cuốn hút các thành viên theo dòng suy nghĩ rộng mở và những hoạt động nhân ái của mình. Tháng vừa rồi, ban quản trị Công ty cổ phần mạng Ngôi sao đã quyết định giao cho thành viên “huongmuathu” chức danh tổng giám đốc, giữ toàn quyền điều hành và phát triển trang web ngoisaoblog.com. “Lan ơi, mau ra trường giúp mẹ với” - đó là câu đầu tiên chị kêu lên với thành viên mới của gia đình, vì cả Hội, cả Khoa, cả Diễm, cả anh Tân chồng chị cũng đã tự nguyện đi theo “hành trình thủy tinh lấp lánh và trong veo” của chị tự bao giờ.
* Tôi đã từng đọc toàn bộ "Hành trình xương thủy tinh", nay lại "Tiếp nối hành trình xương thủy tinh" trên báo Tuổi Trẻ trong nước mắt. Cảm xúc của một người mẹ có hai con khỏe mạnh bình thường không thể cho tôi mường tượng được nỗi khó khăn vất vả trong cả mộ thời gian dài như chị. Đã vậy chị còn có nghị lực hơn ai hết khi trong cơn khốn khó còn có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác.
Tôi chỉ muốn tất cả mọi người được đọc những bài viết như thế này thôi cũng đủ làm thay đổi không ít một số người có suy nghĩ lầm lỡ, lạc lối mà quay về với cuộc sống chính nghĩa. Cảm phục trước hành trình quá gian nan vất vả mà chị đã trải qua cũng như thấy được hiệu ứng tốt của một số bạn bè trên mạng khi cùng chị tham gia vào việc giúp sức cho những người cùng cảnh ngộ, tôi - một người mẹ cũng vất vả và ít thời gian cũng âm thầm rủ rê bạn bè đọc những bài viết như thế này. Một hành động nhỏ nhoi nhưng tôi nghĩ hiệu ứng từ sự việc này thì rất tốt. Biết đâu trong số những người bạn của tôi lại rủ rê những người bạn khác...
Câu chuyện của chị đã làm biết bao nhiêu người thán phục và rơi nước mắt. Nó cần được nhân lên trong cộng đồng. Cảm ơn chị thật nhiều, chị Thu Hương ạ!
Tran Thi Dieu Ai

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3