Hà Nội - Tình Nhân - Chương 07
Chương 7
- Em có vào ăn kem một cái không?
Thành ngóai cổ lại hỏi Vân một cách thật thà, trong khi Vân bất chợt ngáp. Khi miệng mở cô cảm thấy quai hàm hơi sái đau vì miệng mở quá rộng. Vân thoáng ân hận và cảm thấy xấu hổ khi không đưa tay lên che miệng. Trong khi đó Thành đã dừng xe lại còn Vân vẫn chưa kịp xuống xe thành ra người đi trên hè và cả những người đang đạp xe dưới lòng đường đều trố mắt nhìn Thành cong lưng lẳng lặng đẩy chiếc xe trên đó có Vân đang ngồi chễm chệ trên ghế đèo.
- Kìa kìa. Để em xuống đã. Ai lại làm thế.
Vân thấy rõ ràng má mình nóng ran và chắc soi gương thì đỏ ửng lên vì ngượng. Nhưng Thành dường như không nhận ra điều gì vẫn thản nhiên đưa xe nhích vào bên hè, đợi Vân bước xuống rồi bảo:
- Em trông xe cho anh nhé.
- Hay là thôi anh ạ. Hàng xếp đông thế kia thì đến bao giờ
Không sao. Anh có thẻ ưu tiên cơ mà.
Thế là không đợi Vân nói thêm, Thành biến thật nhanh vào đám đông người đang xếp hàng mua kem. Có tiếng oai oái, có tiếng phàn nàn rộ lên nhưng cũng ngay lúc đó Thành đã hiện ra tay cầm bốn chiếc kem đang phảng phất khói. Anh đưa ngay cho Vân hai cái rồi vừa ăn vừa bô bô nói một cách tự nhiên:
- Em ăn đi. Mỗi người hai cái đúng không. Từ trên Bắc Giang, mỗi bận về Hà nội anh rất thích một là ăn kem hay là uống bia hơi. Cũng may là anh có thẻ thương binh nên dù đông đến đâu anh vẫn có thể mua nhanh được.
- Vâng, vâng.
Vân ngượng cúi đầu xuống, tay đưa chiếc kem cho Thanh:
Anh ăn đi. Trời lạnh thế này. Ăn hết một cái đã là cố. Buốt răng lắm
- Có hai cái mà cũng không ăn được sao. Chán thế. Thôi được rồi đưa đây. ’Chả bù cho anh gió bấc thổi vù vù mà anh vẫn chén kem thoải mái. Bao nhiêu cũng được. Mới tháng trước, anh với cậu Lâm trưởng phòng kế hoạch của xí nghiệp cùng đi. Hôm ấy có hai anh em mà mua một chục cái mà ăn vẫn bay.
Thành vừa xịt xoạt cắn kem vừa hể hả nói.
- Lâm trông thế mà nhanh nhẹn lắm. Đi công tác bao giờ nhất là về Hà nội là y như rằng cậu ấy lấy thẻ thương binh của anh để vào ăn kem, uống bia hơi.
Vân thấy má mình càng nóng ran cô ngượng thực sự, cô nói khẽ:
Anh ăn đi đã. Không chảy hết rồi.
- Chảy làm sao được. Răng anh vào loại tốt nên chả sợ buốt gì hết. Tay Lâm còn hơn anh kia, nó bảo mình nó có thể ăn hết mười cái kem một lúc. Còn bia hơi thì khỏi nói, cậu ta uống không biết say là gì. Đấy như hôm nọ cậu ta với anh nhân về Hà nội mua mấy cái dây cu roa lưỡi cưa vòng. Xong xuôi bảo tay lái xe đưa ra chỗ nhà hát lớn kia kìa, làm hai mươi vại, anh cố lắm được năm, còn cậu ta chơi hết. Đúng là bia anh không thể bằng Lâm được
Vẫn mua bằng thẻ à.
Vân buột mồm hỏi cho có chuyện.
- Anh không phải thương binh nhưng mấy tay trên tỉnh đội chủ nhật nào chả xuống xí nghiệp anh uống rượu. Có lần đi với anh thấy anh cứ phải xếp hàng mua thứ gì cũng lâu nên các cậu ấy làm cho. Mà xong đây hai anh em mình lên Hồ Tây ăn bánh tôm nhé. Món ý anh cũng khoái lắm.
- Thôi thôi. Trên ấy lạnh lắm.
Vân thoái thác. Không ngờ sau khi vứt que kem cuối cùng xong Thành đưa tay lên quệt nhanh miệng rồi nói ngay.
Lạnh quái gì. Ăn vào là nóng hết không phải lo. Nào xong chưa?
Vân chưa kịp nghĩ gì thì thật bất ngờ Thành đã cầm lấy que kem vừa ăn xong của Vân vứt toạch xuống hè phố. Rồi đưa tay kéo mạnh Vân ;
- Đi, đi. Lên đấy ngoài bánh tôm em thích ăn gì anh lại mua, cứ ăn cho thoải mái, không lo nghĩ gì hết. Nào ngồi lên xe đi em
Thành nói khơi khơi, nhìn nhanh Vân rồi rồi hết chân trèo lên xe. Thấy Vân đang cúi đầu chưa lên xe, Thành đứng rạng chân nhìn mồm dục:
- Em trèo lên xe đi. Việc gì mà đỏ mặt lên thế. Toàn người thiên hạ, họ biết ai vào ai mà phải ngượng.
Anh cứ đạp xe đi.
Vân cảm thấy hàng chục đôi mắt thiên hạ đang nhìn vào hai người chăm chắm có lẽ vì giọng nói oang oang tự nhiên như ở chỗ không người của Thành. Anh chàng dường như chẳng để ý đến điều gì, vẫn choang choác nói:
- Thế thì anh đạp chầm chậm, xong em nhẩy lên bóp ba ga. Được chứ gì Kiểu ấy ngày trước dạo mới biết đi xe đạp anh phải nhẩy đến ba, bốn lần mới quen đấy.
Thôi đi.
Vân gắt lên vì không nén được cảm giác khó chịu đang dâng lên cao
Ơ kia. Sao thế? Anh có nói gì em đâu.
Không sao. Không sao.
Nhìn nét mặt tội nghiệp bất ngờ của Thành, Vân thấy thương thương Giọng cô mềm lại.
Anh cứ đạp xe đi.
Khi chiếc xe bắt đầu vào nhịp lạch xạch vì một chiếc ốc vít nào đó bị long. Thành gò lưng, cắm cúi đạp xe. Bất chợt anh ngóai cổ lại hỏi giọng vẫn oang oang nhưng lại cố giữ vẻ nhẹ nhàng như biết lỗi của mình:
Lúc nãy anh làm điều gì khiến em tức giận đấy à?
Vân giả tảng như không nghe thấy, cô im lặng. Trong đầu toàn những điều nghĩ ngợi vu vơ. Thấy Vân im lặng, Thành lại sốt xả hỏi:
- Có gì không phải thì anh xin. Chứ quả thật anh không bao giờ muốn làm em cấu giận vì anh cả. Anh thề đấy. Chẳng tin hôm nao em cứ lên xí nghiệp của anh, hỏi mọi người thì biết. Anh làm giám đốc nhưng mọi người vẫn quí anh lắm.
- Không sao. Không sao đâu. Anh đừng nghĩ gì cả. Chú ý nhìn đường kia kìa
Không sợ. Tay lái anh vững lắm
Sau này khi mọi việc đã an bài. Mỗi lần nghĩ lại thời gian ngắn ngủi có liên hệ với Thành, Vân không khỏi thấy Thành quả là ngưòi đàn ông chẳng những tốt mà lại thật thà. Anh vô tư và dường như không có một tâm địa nào khiến người tiếp xúc, quan hệ với anh có thể lo ngại. Nhưng tất cả mọi điều đó cũng không thể tạo nên một chút gì khả dĩ có thể tạo nên một mối tình giữa người con trai với người con gái. Tình yêu có qui luật quen thuộc nhưng thật lạ lùng của nó và chỉ hai người trong cuộc mới hiểu nổi.
Buổi trưa hôm ấy cửa hàng bánh tôm vẫn như mọi khi vẫn chật cứng khách xếp hàng. Mấy cô bán hàng cong cớn, mặt mũi cau có, lụng thụng trong những chiếc tạp rề nhàu nhĩ, màu cháo lòng. Thành đợi cho Vân rời khỏi xe, anh đưa xe vào chỗ gửi xe, rồi thoăn thoắt đi ra.
- Em cứ ra chọn bàn ngồi đi. Để anh ra mua. Kia kìa ngồi vào bàn chỗ ấy cơ mà. Đấy, đấy. Ngay dưới gốc cây si rễ rủ.
Vân lẳng lặng tránh mọi ánh mắt tò mò hết nhìn Thành lại nhìn cô. Vừa lúc ấy tiếng Thành lại oang oang từ xa vọng lại:
Anh mua ba xuất ăn cho no đỡ phải về nhà ăn cơm nhé.
Có tiếng ai đó cười phá lên Vân cố làm ra vẻ không nghe thấy gì thì từ quầy bán bánh Thành đã đi ra, tay cặp ríp ba đĩa ánh tôm, đầu ngoảnh lại giọng vẫn oang oang:
- Còn ba đĩa rau, rồi ba bát nước chấm của tôi đấy. Đừng ai lấy nhầm nhé.
Những chuối cười lại ré lên một lần nữa. Vân nhìn rõ những cặp mắt nhìn theo hút Thành và quay về phía cô. Vân cúi mặt xuống cố làm ra vẻ không biết điều gì đang xẩy ra. Thành đặt mạnh ba đĩa bánh xuống giọng oang oang, hớn hở.
- Thế mới biết có thẻ thương bình lợi thật. Anh trông rõ là gần hết bánh tôm rồi đấy. Mấy người khách xếp giữa hàng cứ gọi là chờ còn mệt. Bâygiờ người ta mới vừa nặn xong bánh, chả biết bao giờ mới rán chín cho mà ăn.
Vân cố làm ra vẻ không nghe thấy gì. Cô nhìn ra mặt nước. Mấy chiếc thuyền cũ đã long sơn hình như bị lãng quên từ lâu lắm đang đung đưa bên cạnh mấy con vịt nhàn rỗi đang chổng mông bên gốc cây liễu cổ thụ. Vài ba con chuồn chuồn ớt nhởn nhơ bay rập rờn, chốc chốc có con hứng chí lại đập đuôi xuống nước.
- Kìa em ăn cho nóng đi chứ. Để anh đi lấy thêm ít tỏi ngâm. Cái món này cứ phải là dậy mùi tỏi mới sướng.
Nghe Thành nói Vân định gàn, nhưng rồi cô vẫn ngồi yên lặng. Mắt cô lãng đãng nhìn theo tấm lưng của Thành được phủ áo mầu bộ đội nhầu nhĩ. Vân nhíu mắt lại như để cố quên một điều gì mà cô tình cờ nghĩ ra. Cả buổi hôm ấy Vân ăn như một cái máy không nhận ra một thứ mùi vị nào. Thỉnh thoảng Thành lại ong oang nói. Mặc dù không hiểu nhưng câu nói của người bạn trai nhưng cô vẫn gật đầu, có lúc miệng cô bất giác lại mỉm cười khiến anh chàng ngồi ăn đối diện không hiểu chuyện gì lại có vẻ hứng chí nói tiếp.
Buổi đêm hôm đó. Vân trằn trọc mãi không ngủ được. Ngòai song cửa những đợt gió màu đông bắc chốc chốc lại gõ vào cánh cửa sổ không biết bị mất một then cài ngang từ bao giờ, nên gió tạo ra tiếng rít chập chờn giống như tiếng còi thổi của thằng bé nghịch ngợm. Không rõ bây giờ anh ta đã về đến xí nghiệp chưa. Con người ấy kể cũng lạ. Cái gì cũng xăm sắn, cũng thật thà. Tất cả ruột gan và mọi suy nghĩ cứ như miếng bánh bóc trần không cần một thứ gì ngụy trang, bọc ngoài. Hơn bốn mươi tuổi rồi mà vẫn như đứa trẻ hồn nhiên và ngay thẳng. Đang ăn Thành chợt nhớ ra điều gì, bèn gắp bưng đĩa bánh lên xẻ nhanh vào bát của Vân. Vân mở to mắt ngạc nhiên, rồi giơ tay ra ngăn lại, thì chính Thành lại lấy tay đẩy tay Vân, miệng rối rít:
- Không. Không. Em ăn ít quá. Phải ăn thêm đi. Hết chỗ ấy đấy. Còn anh chỗ này. Nhanh lên. Anh nhớ ra rồi. Tối này không biết có ai trực ở xí nghiệp không? Chết thật. Thế thì ăn xong anh phải đạp xe ù về mới kịp.
Anh bận thì anh cứ về đi. Không sao đâu
- Không, không. Anh sẽ đưa em về. Chứ ai lại làm thế. Em định đi xích lô về chứ gì. Tốn tiền lắm. Yên tâm anh sẽ đưa về tận nơi, tận chốn sau đó anh về cũng kịp chán
Con người anh ấy là như vậy đấy. Nếu mình gắn bó với anh chàng thì có lẽ chẳng phải lo điều gì nữa. Nhưng cuộc đời con người ta… Vân trở mình cố nhắm mắt lại. Anh ấy bảo tuần sau anh ấy lại xuống. Lúc đó thì… Hình như mái nhà bên cạnh có cái gì rơi xuống. Thứ này mỏng lắm gần như một tấm bìa nào đó thì phải
Trong hơn nửa tháng trời đó Vân không thể biết rằng Long bức bối buồn bực như thế nào. Nhìn bề ngòai chẳng mấy ai biết được những sự lấn bấn đang diễn ra trong lòng anh. Long vẫn đều đặn, sáng sáng đến trụ sở hợp tác xã. Ngồi vào bàn làm việc, tay hết mở sổ công điểm lại mở sang sổ ghi số lượng tiền nong, vật tư và cả những gì thuộc về công nợ. Mắt anh mở to nhìn chăm chú vào các trang giấy nhưng thực ra anh không hiểu rõ những gì in trên dòng chữ ghi rành rành trên giấy. Chính vì thế nên có buổi lưng lửng sáng, ông Viện chủ nhiệm hợp tác xã bất ngờ hỏi anh số vật tư còn lại của một khách hàng quen thuộc mà Long trả lời sai làm ông Viện trố mắt ra kinh ngạc.
Cậu làm sao thế?
- Có chuyện gì đâu., à đúng rồi. Tôi dở nhầm sang trang ghi vật tư mới mua về tuần trước. Thành thử… Đây, đây. Đây mới là con số chính xác.
- Cẩn thận đấy. Những gì dính dáng đến tiền nong, sắt thép, nguyên liệu là không đùa được đâu. Lỗ lãi của hợp tác cũng từ đấy mà ra chứ không bỡn được. Cậu nhầm thì chả cứ cậu chết mà hàng mấy trăm người của hợp tác này cũng treo niêu.
Tôi hiểu, tôi hiểu.
Miệng nói như vậy nhưng Long cảm thấy vui vui vì anh tính đến buổi trưa này anh sẽ nghĩ ra cách báo cáo chủ nhiệm Viện để chiều nay anh không phải đến hợp tác xã nữa. Còn hơn tiếng nữa sẽ đến giờ nghỉ trưa. Anh sẽ đến chỗ Linh, một cậu bạn học cùng với anh từ hồi nhỏ. Tình cờ cuối tuần trước trong lần xếp hàng mua bia ở đầu phố Tôn đản Long gặp anh ta. Anh chàng Linh hình như kém anh một, hai tuổi. Vậy mà anh ta vẫn chưa lấy vợ thì phải. Đúng rồi. Long nhớ ra. Hồi đi học, Linh nổi tiếng chẳng cứ ở lớp của Long mà cả trường vì sự hâm hâm, ngang ngang mà bạn bè đều gọi là nghệ sĩ. Ngay cả bây giờ, mặc dù vóc dáng hơi thấp nhưng mái tóc dường như lâu lắm quên mọi việc dính dáng đến dao kéo. Nó bù xù, xoăn tít y hệt như tóc một người phụ nữ trễ nải, chán chường trong chải, vuốt. Một chiếc xe đạp có vóc dáng trung bình dị thường hình như của một hàng binh Pháp nào đó từ lâu lắm bị quên lãng nơi xứ sở này. Trông Linh ngổn nghển đạp xe trên đường, mái tóc dài, rậm rạp lắc lư theo guồng chân đạp và tiếng cót két của loại xích khô dầu khiến anh chàng như một biểu tượng của một cuộc đời khốn khó đang ì ạch đi qua nhân thế. ấy vâỵ mà sau lần uống rượu đó, khi nghe thấy tiếng kêu khốn khổ này Long có hỏi thì Linh nhún vai yểu điệu, đôi môi mỏng nở ra mấp máy bảo "hôm nay còn có ông đi cùng, chứ nhiều lúc không có ai, tiếng cót két ấy làm mình đỡ cô đơn, vì tiếng động đó khiến cho mình cảm thẩy dường như có kẻ chuyện trò bên cạnh. Xe của ông trơn tru thế kia chắc không bao giờ có được tiếng ấy đâu". Đang đi trên đường, nghĩ đến câu nói của ngưòi bạn học cũ, tự nhiên Long thấy có vẻ đúng. Nhà anh ta ngay phố Đường Thành, chỗ ngã ba nối với Lý nam đế. Thấy bảo Linh cũng là dân chạy vật tư cho nhà máy dệt 8/3. Theo cách nhìn của Long thì bất kì một người chạy vật tư nào cũng có cuộc sống dư dật bởi nhiều nhẽ mà sau nhiều năm tháng làm việc ở hợp tác xã cơ khí Hùng Tráng này Long nhận ra. Như tay Lân vật tư ở hợp tác xã của Long đấy. Anh chàng này ở bộ đội về, học hành cũng tay ngang. Đâu như đang dang dở cấp ba, một chút kiến thức về vật tư không có vậy mà… Nếu không phải anh em thúc bá với chủ nhiệm Viện thì chắc gì anh chàng được vào uỷ viên hội đồng ban chủ nhiệm giữ chân tốt nhất và có khả năng kiếm chác đồng ra đồng vào nhất là trưởng ban vật tư của hợp tác. Mới chưa đầy một chục năm ở vị trí ấy vóc dáng và cả cuộc đời của anh chàng khác hẳn. Khi về hom hem, cọc cạch trên chiếc xe đạp trâu trung quốc, vậy mà ba bốn năm nay, anh chàng phục phịch nghễu nghện trên chiếc véc pa Stăng đa màu ghi. Vừa rồi nghe phong thanh anh em lâu năm và ít nhiều có vai vế trong hợp tác xã kháo nhau. Chỉ nguyên vụ mua các thứ máy móc tồn đọng và các loại vật tư phế liệu cho hợp tác xã về sản xuất may ơ xe đạp ghép đồng anh ta cũng kiếm được ít nhất hàng trăm nghìn. Đấy là chưa kể Lân còn khai thác được bạn bè trong thời gian cùng quân ngũ với anh ta trong chuyện mua bán xe, máy hỏng trong quân đội nữa chứ. Làm ăn phát đạt như thế thảo nào. Vài năm nay anh ta béo trắng ra, mồm lúc nào cũng cắm điều thuốc có cán lệch bên môi. Giọng nói oang oang toàn một mầu nói về những điều của một cuộc sống trên tiền. Đại để "ối dào cần cái quái gì. Các ông cứ kêu cha ấy khó. Cứ để tay ấy cho tôi. Giỏi lắm quẳng ra ba chục nghìn thì rắn đến mấy cũng mềm nhũn chi chi, bảo gì chả nghe". "Tưởng thế nào. Thằng ấy quen ăn rồi. Chai rượu tây lùn căng lắm là hai, ba chục, lót tay thêm cái phong bì cũng xêm xêm là ổn, chứ quái gì:… Riêng tiếng cười mới lạ. Gần chục năm trước dù vui đến đâu cũng chỉ thấy anh chàng nhếch mép, cùng lắm là mở hé miệng để lọt ra vài tiếng"hì, hì "đứt đoạn. Còn vài năm nay chuyện chẳng có gì có thể gây ra sự vui vẻ thì anh chàng vẫn mở hoác miệng, để phát ra từng chuỗi cười hô hố ra điều thoải mái, bất cần. Ông chủ nhiệm Viện thì luôn mồm khen sự tháo vát của Lân. Kẻ làm vật tư một hợp tác nhỏ còn như thế, huống hồ đây là anh chàng Linh chạy vật tư lại làm ở xí nghiệp quốc doanh hẳn hoi thì chắc cũng không thể xem thường được. Nhìn bề ngoài anh ta khi ở trên đường, ngưòi ta dễ nghĩ đến một tay có máu nghệ sĩ. Mà cái giống nghệ sĩ thì có mấy khi để ý đến hình thức của mình. Mấy lần gặp Linh, thì Long lại cho rằng, anh chàng này mới là kẻ thông minh, lõi đời muốn dấu mọi sự thành đạt, có của của mình dưới vỏ bề ngòai xuềnh xòang, chất nghệ để tránh mọi điều tiếng, dị nghị của thiên hạ và cả sự ghen tuông, tức tối của đồng nghiệp, những ngưòi xung quanh. Vậy mà khi đến nhà anh chàng này, Long hoàn toàn ngỡ ngàng. Đó là một căn phòng nhỏ nằm ở góc một khoảng sân của gia đình. Bố mẹ và cả những cặp vợ chồng anh em của Linh ở tản mát trong các căn phòng bố trí ở gác hai và tầng trệt. Căn phòng của anh chàng Linh là chỗ gẩy ra, làm thêm ở một góc sân, nơi kề ngay cạnh hố tiểu chung. Trên nóc chỗ gẩy thêm đó lợp bằng tôn, có phủ lộn xộn vài mảnh tải rách, mấy chiếc lốp cũ. Cảm giác đầu tiên của bất kì ai bước vào cũng dễ thấy một sự nhếch nhác, tạm bợ, nhỏ bé. ở đó có điều gì giống như một nhà kho bị bỏ quên lâu ngày. Những giá vẽ còn nguyên những bức tranh dang dở, bên cạnh những giá ghim những tờ giấy cũ kĩ đã ngả mầu, quăn queo ghi loằng ngoằng những bản nhạc. Vài ba chiếc đàn ghi ta, măng đô lin để ngổn ngang trên chiếc giường một, chiếc bàn và cả chiếc ghế tựa có một chân được nối bằng một đoạn sắt hình như nguyên thuỷ là một đoạn khung xe đạp cũ. Khi Long đến thì thấy một cô bé mặt tròn xoe rất khó đoán tuổi đang rầu rĩ ngồi ôm cây đàn ghi ta chốc chốc buông ra một hợp âm lẻ rè bởi chiếc hộp đàn đã được khâu khá tỉ mỉ và kĩ lưỡng bằng sợi dây thép chắc bởi tay của một người cẩn thận và nhiều thời gian. Còn chính Linh mặc quần đùi cháo lòng, hai chân đầy lông vắt chéo vào nhau đang khe khẽ đập theo nhịp đàn của cô bé mặc dù đang quay mặt vào trong bức tường dán đầy chân dung thiếu nữ và chàng trai cắt từ hoạ báo Liên xô. Vừa thấy Long vào cô bé giật mình, mồm nhuệch ra như hơi mếu nhưng ngay lập tức đôi môi mỏng nhuềnh oọng để phát ra cầu chào khiến Long chỉ thiếu một chút là bật cười "cháu chào ông". Sau lời chào chiếu lệ cô bé lại lập tức cúi đầu xuống chăm chú nhìn vào cần đàn dường như không có chuyện gì xẩy ra. Tiếng chào của cô bé làm Linh choàng dậy. Anh chàng ngẩng đầu lên, đôi mắt lá răm nheo nheo. Khi nhận ra Long, Linh "à "to một tiếng, bật dậy. Bàn tay có hai móng tay út và ngón tay chỏ dài, cong vắt chìa ra:
- Chà chà. Đại ca đến tệ xá của đệ mà không báo trước thành thử thất lễ thất lễ quá.
Không sao, không sao.
Long miệng đáp, mắt đảo quanh lúng túng tìm chỗ ngồi. Lúc đó Linh đã đứng dậy, tay với chiếc quần dài quăn queo vắt chỗ tựa ghế, tay xua xua bảo cô học trò:
- Hôm nay thế là được rồi. Về đi, ngày kia đến. Sáng ngày kia nhớ không đừng để bố cháu phải nhắc. Muốn thành nghệ sĩ thì phải chăm chỉ mới thành tài được.
Cô bé vâng lí nhí trong cổ họng, rồi nhanh nhẹn ôm đàn lủi thật nhanh ra khỏi cửa. Linh vừa nhìn theo, vừa đưa tay nói như giải thích.
- Con cậu bạn rất thân từ hồi học phổ thông. Đệ nhận ra năng khiếu của con bé nên bảo bố nó đưa đến dậy vào những giờ rỗi. Con bé sáng dạ lắm. Mới chưa đầy hai tháng đã chơi được têlêmônô. Ngay nghệ sĩ chuyên ghi ta mà để chơi được ngón ấy bét nhất cũng phải một năm là ít. Đại ca ngồi đi. Ghế đấy, hay ngồi đại lên giường này. Chờ đệ hai phút, sẽ có bất ngờ, thực sự đột ngột đấy.
Long chưa kịp hiểu người bạn học cũ nói gì thì loáng một cái Linh đã vụt ra cửa, rồi chỉ độ thời gian cho đứa trẻ ăn hết nửa que kem thì đã thấy anh ta đi vào tay xách chai rượu nút lá chuối, tay xách bọc lá chuối loáng mỡ. Bằng một động tác thành thạo, gọn gàng có lẽ đã được làm hàng trăm lần, Linh dùng khuỷ tay gạt thật nhanh những thứ không rõ tên bừa bộn, lộn xộn trên giường, rồi đặt hai thứ xuống. Một mảnh báo Lao động cũ và rách lỡm xờm đặt lên mặt chiếu. Đầu Linh ngoẹo đi, hai mắt nhìn sói xuống rồi ngẩng lên thật nhanh nháy Long, đôi môi mỏng bĩu lậi cong lên, để xì ra câu tự khen:
- Được chưa đại ca?. Thế là ta có thể uống rượu đến mai. Phải nói lòng của thằng cha này nhất Hà nội. Đệ đã đi uống cả ba mươi sáu phố phường và năm cửa ô nhưng chưa thấy lòng ở đâu ngon như ở quán lão gù này. Xin mời. Xin mời đại ca an toạ cho. ở chỗ đại ca còn có vợ con xách nhiễu chứ chỗ đệ thì tự do muôn năm. Muốn làm gì cứ việc. Chả ai cấm đoán dòm dỏ bình luận gì hết. Nào nào
Long vừa định ngồi xuống theo tay Linh chỉ thì anh chàng lại quay ngoắt ra, mồm liu ríu giống như một sự ân hận khá kiểu cách:
- Thôi chết, thôi chết còn món quan trọng nữa. Thiếu nó thì đến lòng thiên nga cũng không thể bằng lòng giun. Đại ca ạ
Lại như lần trước. Linh quay đi thật nhanh rồi cũng bằng quãng thời gian như trước anh ta ào vào như gió. Vạt áo phấp phới. Trên hai tay bung bênh bên thì một bọc lá chuối khô buộc lạt, bên thì để hở ra những những cọng lá húng xanh mướt.
- Bây giờ thì ổn rồi. Đại ca yên vị để em hầu thật chu đáo.
Thế là sau mấy tiếng lạch xạch hình như ở góc nhà, ba chiếc bát, hai đôi đũa hiện ra cùng hai cái chén tống đặt trên giường. Chai rượu nhanh chóng nghiêng nghiêng. Lập tức Linh cầm nhanh một chén đưa cho Long, rồi tự tay anh ta cũng nâng lên một chén:
- Chúc mừng đại ca. Chúc đại ca luôn luôn vui vẻ, trẻ trung. Nào nào, đại ca cứ chạm môi xem đệ đảm bảo đại ca mê món quốc lủi này ngay. Tửu này đệ nhất Hà thành đấy.
Vị rượu tê tê đầu môi và toả ra thứ mùi thơm nồng của thứ nước uống quyến rũ, nhất là đối đám đàn ông rỗi rãi, đang có nhiều nỗi băn khoăn nào đó trước cuộc đời. Long bất giác gật gật, buột miệng"được được"
Ngay lập tức tiếng khen của anh như động lực khơi mào khiến Linh đang cúi xuống gắp miếng dạ dầy ngẩng phắt đầu lên:
- Đại ca thấy chưa? Cái gì thì không dám nói. Cao sang đâu thì chịu chứ riêng cái món này có kinh nghiệm lắm. Nên có khách đến có phải cầu kì đi xa gì đâu. Đại ca mục kích đấy. Chưa đầy mười lăm phút mọi thứ đã đầy đủ. Ngay những chỗ hàng quán sang trọng, đầy đủ như dẫy hàng lòng ở đầu cửa Nam chỗ có đường ray xe lửa cũng không bằng. Đây đại ca thử cầm cành lá húng này, xem thật cẩn thận rồi ăn đi. Húng thơm của chính làng Láng. Thứ húng chỉ hợp với ăn lòng thôi. Còn húng chó lại hoàn toàn khác. Hôm nào em đưa đại ca đến hàng thịt chó siêu đẳng còn trên tài cả hàng Lược. Đại ca sẽ dứt khoát phải công nhận
Đúng đúng. Long gật gù, chén rượu vơi đi một chút.
- Nào mời đại ca. Rượu thì không thiếu nhưng đã uống để đạt lấy sự khoái thì phải một là có bạn tri cốt, nói nửa câu ngưòi nghe đã hiểu, hai là bạn phải am tường nghệ thuật ẩm thực. Ăn uống thế nó mới sướng. Mời đại ca cạn chén mừng sự tái ngộ của của huynh đệ chúng ta
Hai chén sau khi chạm vào nhau để bật ra tiếng "cạch"nhẹ, khô liền dốc tuột vào miệng hai gã đàn ông để rồi hai đít chén dốc ngược thật thà. Đến lần chạm hình như thứ năm hay thứ sáu không biết thì Long đã cảm thấy một nỗi buồn tự nhiên từ đâu dâng đến. Mái tóc vừa rủ xuống thì bàn tay cầm chén rượu đã cạn lại phẩy lên. Anh đang mường tượng đến cảnh Vân đang ngồi sau xe của gã giám đốc hình như tên là Thành đâu như ở trên Bắc ninh thì phải. Chẳng biết đối với tay Thành giám đốc ấy lòng dạ Vân thế nào nhưng xem ra từ cậu Vũ cho đến bà hai Tuy đều có vẻ trọng vọng, yêu chiều hắn ta và muốn vun vào cho Vân lắm. Nếu đúng thế thì…
Cậu thế mà sướng.
- Đại ca cứ nói thế. Số của đệ cứ phải là khươm năm cũng không thể bén gót được đàn anh. Đại ca có gia đình, vợ con đề huề. Với đệ thì tất cả đều dang dở.
Nhưng bù lại ông lại được cái tự do chả phải lo nghĩ, dầy vò gì