Trường An Loạn - Chương 02
Một vị sư huynh khác vẫn có ý kiến: Vậy thì mấy việc tắm táp, chúng ta phải làm thế nào?
Phương trượng nói: Mười chùa chín núi ở Trung nguyên, đứng đầu về quy mô chính là bản tự, chùa ta thì lớn bằng này, tiểu cô nương nhỏ bằng này, lại cứ phải tắm trước mặt người ta mới được sao?
Sư huynh ấy nói: Nhưng suy cho cùng bao nhiêu năm nay trong chùa chưa từng có cô nương nào lui tới. Nay thoắt một cái, chúng đệ tử thật khó mà...
Phương trượng hơi bực mình, cúi đầu hỏi tiểu cô nương: Tiểu muội muội, cháu mấy tuổi rồi?
Tiểu cô nương đáp: Cháu tám tuổi.
Phương trượng nói: Cháu có biết cháu được sinh ra thế nào không?
Tiểu cô nương đáp: Mẹ cháu sinh ra cháu.
Phương trượng hỏi tiếp: Sinh như thế nào vậy?
Tiểu cô nương đáp: Cháu không biết. Mẹ cháu chưa nói.
Phương trượng nói với mọi người: Các người xem, cô bé ấy còn chưa hiểu biết gì cả, các người thấy có gì bất tiện nào.
Phương trượng tiếp tục nói: Cháu xem bao nhiêu người đứng xung quanh cháu, bọn họ có điểm gì khác với cháu nào?
Tiểu cô nương đáp: Bọn họ có cái ấy còn cháu không có cái ấy.
Phương trượng sa sầm nét mặt, bất giác kêu: “Ố” lên một tiếng. Hỏi: “Cái ấy là cái gì?”
Tiểu cô nương đáp: Là tràng hạt, cái đeo trên cổ ấy.
Phương trượng không dám hỏi thêm nữa, nói với chúng tôi: Các ngươi xem, còn kẻ nào thấy thẹn thùng nữa không? Đệ tử Thiếu Lâm trải qua biết bao sóng gió, ai đời lại sợ một tiểu cô nương còn... hết sức khờ khạo, đúng thật là!
Thế rồi chùa cũng giữ tiểu cô nương này lại. Một ngày sau, rắc rối đã xảy ra, tiểu cô nương một mực không chịu nói cho mọi người biết tên thật của mình, mọi người cảm thấy không thể nào gọi là “con bé ấy” mãi được, tối đến, sư phụ bèn triệu tập nhiều người lại, bàn hai việc đại sự, thứ nhất, lương thực trong chùa chỉ có thể duy trì được hai hôm nữa thôi, tiếp sau đây phải làm thế nào; thứ hai, mọi người hãy đặt cho tiểu cô nương này một cái tên.
Việc đặt cho tiểu cô nương một cái tên trong thời buổi loạn lạc này có lẽ không nên coi là đại sự, vả lại càng không nên đưa ra, song dường như mọi người lại rất có hứng thú với việc này. Dạo gần đây ngày nào cũng có bao nhiêu người chết, dân chúng bên ngoài khổ sở khốn cùng, chẳng ai còn hơi sức đâu làm việc gì, cứ vui chơi đâm ra lại hay.
Vấn đề nghiêm trọng thứ nhất mọi người chỉ thảo luận chừng năm phút, kết quả sau thảo luận là phải ăn dè một chút, như vậy còn có thể kéo dài tới bốn hôm, đợi đến khi nào chỉ có thể kéo dài được hai hôm hẵng nghiên cứu tiếp. Nhưng vấn đề thứ hai mọi người thảo luận đúng hai tiếng đồng hồ, đệ tử Thiếu Lâm xưa nay đoàn kết là thế, cũng có thể bề ngoài đoàn kết là thế, vậy mà suýt đánh nhau trước mặt phương trượng, tình hình rất chi quyết liệt. Cuối cùng, trong tiết trời se sắt, giữa thời buổi nhiễu nhương, trong ngôi chùa khốn khổ và cái không khí bi đát này, mang trên mình niềm trông đợi của mọi người đến một cuộc sống tốt đẹp, tiểu cô nương chính thức được đặt tên là “Hỷ Lạc”.
Tôi nhớ rằng Hỷ Lạc rất có tài bếp núc, tài năng này ngay ngày hôm sau liền được mọi người khai quật. Sư phụ bếp trưởng trong chùa tuy tài nghệ không tồi, nhưng rõ ràng không hề nhiệt tình trong việc bếp núc, lại càng thiếu tìm tòi và sáng tạo đối với các món ăn, cứ rau xanh với cà chua ăn cả năm. Tôi ghét nhất là ăn ớt xanh, nhưng món nào của sư phụ ấy cũng đều có ớt xanh. Sau khi vào chùa, Hỷ Lạc cảm thấy không giúp được gì cho mọi người cả, bèn hỏi xem có thể làm gì, kết quả là bị điều vào nhà bếp, nhưng ngay ngày hôm đó, cô bé đã làm một mâm thức ăn mà cả chùa xưa nay chưa thấy bao giờ, rau chân vịt luộc với cải xanh, cà chua trộn màn thầu, khiến các món sư phụ bếp trưởng nấu hôm đó đều bị vứt ra ngoài chùa cứu tế, còn mấy trăm người chúng tôi thì xúm quanh đồ ăn của Hỷ Lạc.
Sau khi ăn no vừa khéo gặp Hỷ Lạc, tôi nói: Hỷ Lạc muội muội, vì sao không có ớt xanh?
Hỷ Lạc nói: Muội không thích ăn ớt xanh.
Tôi nói: Huynh cũng không thích ăn ớt xanh.
Tôi nói: Muội thích ăn gì vậy?
Hỷ Lạc nói: Muội thích cà, còn huynh?
Tôi nói: Huynh thích ăn màn thầu.
Hỷ Lạc nói: Sư huynh màn thầu ơi, huynh tên gì vậy?
Tôi nói: Huynh tên là Thích Nhiên.
Hỷ Lạc nói: Vậy muội sẽ gọi huynh là Thích ca ca.
Tôi nói: Không được, ở đây bất kỳ sinh vật nào muội có thể nhìn thấy đều là Thích ca ca. Hãy gọi huynh là Nhiên ca ca.
Tôi hỏi: Muội thích làm gì nhất?
Hỷ Lạc nói: Muội thích rửa bát nhất.
Tôi mừng ra mặt, nói: Vậy bát của Nhiên ca ca này...
Hỷ Lạc nói: Không được, sư phụ bảo không được rửa bát cho huynh. Sư phụ hỏi muội thích làm gì nhất, muội trả lời muội thích rửa bát nhất, sư phụ nói, được, về sau hãy rửa bát của sư phụ, vả lại con thích rửa bát của ai cũng được, nhưng không được rửa bát cho người tên là Thích Nhiên, nó gặp con chắc chắn sẽ nhờ con rửa bát.
Tôi hết sức ngỡ ngàng, sư phụ quả là một nhà tiên tri, đành nói tiếp: Được rồi, vậy không cần rửa bát của huynh, còn nữa, sau này muội có gặp một người tên là Không ca ca, muội cũng không được rửa bát cho huynh ấy đâu nhé.
Hỷ Lạc nói: Vì sao huynh không thích rửa bát vậy?
Vấn đề này tôi không hiểu rõ mấy, bèn trả lời: Muội cũng có thể coi là một người kỳ lạ, lẽ nào muội cũng thích đổ bô sao? Về sau muội rửa hết bô trong chùa ta nhé.
Hỷ Lạc khóc òa lên, chạy thẳng vào phòng sư phụ.
Rất nhanh sau đó, sư phụ bước ra, Hỷ Lạc lẽo đẽo theo sau. Sư phụ nói giọng nghiêm khắc: Nghe nói con vừa làm quen với Hỷ Lạc đã bắt em nó đi đổ bô hử? Nếu vậy, con đổ bô một tháng đi nhé!
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy suy sụp. Bởi vì tôi ghét nhất dọn vệ sinh và ăn ớt xanh. Trong khi đổ bô là một hạng mục mất vệ sinh nhất trong các công việc dọn vệ sinh. Sư phụ bảo tôi: Làm như vậy để rèn luyện ý chí của con. Chỉ những ai có ý chí mạnh mẽ mới thực sự mạnh mẽ.
Tôi bấy giờ rất không đồng ý với cách nói ấy, nếu nói như thế, người mạnh mẽ nhất trong cái chùa này chính là sư huynh Thích Bô, người phụ trách đổ bô thường xuyên cho chùa còn gì. Tôi cảm thấy ý chí chỉ là một ước vọng. Sự mạnh mẽ của ước vọng mới thực sự là mạnh mẽ. Cũng như việc tôi nhìn thấy có người đấm tôi với tốc độ rất nhanh, ngay cả động tĩnh nơi lỗ chân lông của người ta tôi cũng nhìn thấy rõ mồn một, đồng thời có thể nhìn thấy rõ ràng những tia nước bọt bắn vào người tôi cùng lúc với tiếng hô “hây a” của người đó, nhưng lại không thể nào né tránh được, thoạt tiên bị tia nước bọt bắn trúng, sau đó bị ăn một quả đấm. Đó mới là sự đau khổ tột cùng.
Tôi đã nói như vậy với sư phụ. Nhưng sư phụ nói, con lạc đề rồi, ta hoàn toàn không hiểu gì hết.
Tóm lại, tôi đã giải phóng cho sư huynh Thích Bô. Về sau mỗi ngày tôi phải dậy sớm quét sân trước tiên, sau đó đi đổ bô, rồi nghe những tiếng rên rỉ bên ngoài tường. Hỷ Lạc và tôi dậy sớm như nhau. Bất kể tôi đi đâu Hỷ Lạc cũng luôn bên cạnh tôi – cũng không thể nói như vậy, nói vậy cứ như tôi bôn ba kinh lắm, thực ra bất kể tôi có đi đến đâu cũng chỉ quanh quẩn trong sân mà thôi. Dù tôi quét ở đâu, Hỷ Lạc cũng đi theo tôi. Mọi người đều rất ngưỡng mộ tôi, cảm thấy có thể có được lý do chính đáng để ở bên một cô nương trong Thiếu Lâm tự là một kỳ tích.
Hai ngày sau đó, tôi nhớ rằng phương trượng lại chủ trì một cuộc họp, nội dung là lương thực dự trữ mà chúng tôi ăn dè hà tiện bấy lâu, hiện giờ chỉ còn đủ dùng cho hai ngày thôi. Không biết tiếp sau đây phải làm thế nào?
Có người đề nghị chùa cắt cử một số huynh đệ ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Quan hệ giữa Thiếu Lâm và triều đình xưa nay vẫn rất tốt, tất cả số lương thực của nhà chùa thực ra đều do triều đình cấp phát, song tình hình hiện nay quả thật rất khó khăn, ngay cả huyện lão gia cũng đã ba ngày nay không được ăn yến sào rồi, nói vậy đủ hiểu trăm họ khổ cực đến nhường nào, kho lương trống rỗng từ lâu, chúng tôi ở Trung nguyên là tâm điểm của tai họa lần này, đương nhiên càng không có lương thực. Sư phụ đưa ra ý kiến có thể tới chùa khác tìm sự giúp đỡ, người nói: Hiện giờ ngoài kia lòng người bấn loạn, bệnh tật hoành hành, tình hình tai ương đỡ hơn một chút thì có chùa Thông Quảng, chắc chùa ấy còn chút lương thực dự trữ, cả đi lẫn về là bảy trăm dặm, ai tình nguyện đi nào?
Mọi người đều tỏ ý sẽ cùng sống chết với chùa. Chùa còn ta còn. Cho nên, kết quả của cuộc họp lần này là, tất cả tiếp tục thắt lưng buộc bụng, lương thực của hai ngày chia ra trong bốn ngày, hai ngày sau tiếp tục bàn cách đối phó.
Sư phụ nói: Sự việc lần này cho chúng ta thấy rằng, chỉ cần khống chế ham muốn của bản thân lại thì những thứ vốn thiếu thốn cũng có thể trở nên thừa thãi.
Tôi nói: Chúng ta có thể gửi thư đến chùa khác.
Sư phụ nói: Hiện giờ ngoài kia quá loạn, rất khó chuyển phát thư từ.
Tôi nói: Dùng chim bồ câu ạ, chùa mình nuôi rất nhiều bồ câu đưa thư mà.
Sư phụ nói: Ăn hết lâu rồi.
Tôi sững người kinh ngạc, bởi tôi đã có ý chén thịt chim bồ câu lâu rồi, nhưng cảm thấy người xuất gia không được ăn thịt, nào ngờ đến lúc tinh thần tôi lung lạc, lại có người xuống tay trước. Tôi hỏi sư phụ người đó là ai?
Sư phụ nói: Là phương trượng.
Tôi lại sững người kinh ngạc, vì sao phương trượng không làm gương cơ chứ.
Sư phụ nói: Mấy hôm trước cơ thể của phương trượng suy nhược, ngài chỉ đích danh là muốn ăn canh bồ câu. Huống hồ nề nếp quy củ chỉ là thú tiêu khiển khi đã no ấm, giờ đến việc no ấm còn không lo nổi, thì cần đến quy củ nề nếp làm cái gì?
Hai hôm sau, phương trượng lại mở một cuộc họp, nội dung cuộc họp là, lương thực trong chùa chỉ có thể dùng trong hai ngày, tiếp theo phải làm sao? Họp đến giữa buổi, có tin tức truyền tới, ngoài chùa đã không còn một bóng người. Phương trượng sững sờ, đích thân trèo lên tường xem xét, phát hiện ra quả nhiên không còn ai thật, ngay cả xác chết cũng không thấy đâu, chỉ có gió bấc thổi trên đất lạnh, cỏ dại nép vào cây khô. Phương trượng tự nhiên nhạt nhòa nước mắt, nói: A Di Đà Phật! Họ chết thật sạch sẽ. Người chết đi rồi, người sống chôn vùi, người sống sắp đi, bầu bạn cho vui. Nhưng mà, người cuối cùng tự chôn mình như thế nào nhỉ?
Tôi nghĩ, chắc phương trượng ăn chim bồ câu nhiều, bồi bổ hơi thái quá rồi, chứ nhìn thế này là biết ngay, trong thành hẳn đã có phát đồ ăn.
Đúng như dự đoán, tin tức lại được truyền đến, kho lương của nhà vua đã mở, các nơi đang phát chẩn. Bạn có biết trong quốc khố có bao nhiêu lương thực không? Nhiều đến nỗi, mở kho cứu thiên hạ ba ngày cũng chưa vơi được một nửa số dự trữ của kho nhỏ. Kho này đủ cho cả nước ăn trong một tuần. Cả nước là khái niệm thế nào, bao nhiêu nhân khẩu? Nếu mọi người đoàn kết thống nhất một cách tích cực giống như việc tranh ăn, thì chắc chắn niên hiệu của vua đã đổi từ lâu.
Tôi từng ngờ vực, vì sao khi cơn nguy nan vừa ập tới, kho lương Trường An không mở ra cứu dân ngay, mà nhất định phải đợi sau khi vô số bá tánh chết đói, ngay cả sư sãi cũng gần chết đói, kho lương mới được mở ra một cách trễ nải, nhà vua đưa ra một quyết định lẽ nào phải đắn đo một thời gian dài đến thế sao?
Thực ra bất kỳ quyết định nào cũng đã được đưa ra từ rất sớm, chỉ có điều thời cơ chưa đến mà thôi. Kho lương mở ra sớm, bá tánh có khi chưa chết đói lên tới con số mấy chục vạn, ta mở kho lương ta phát chẩn thì tất cả đều đội ơn cảm kích. Bản tính của con người thực ra có thể hình dung bằng một từ “bần tiện”, vì sao nghe bọn tiện nhân lọt tai hơn thằng ngu, thằng ngốc, thằng đần? Là bởi vì con người ta vốn dĩ bần tiện.
Thoáng một cái, dường như không có vấn đề gì nữa, nạn đói đã qua đi, chúng tôi vui vì Thiếu Lâm cuối cùng cũng được giữ vững, chúng tôi buồn vì Võ Đang không chết đói đứa nào. Cho nên mọi người đều ngỡ rằng chúng tôi cấu kết với triều đình. Song suy cho cùng ai nấy đều vui vẻ. Sư phụ cũng rất vui. Nhân khi cao hứng, tôi lại hỏi sư phụ một vấn đề hoàn toàn lạc đề: Rốt cuộc con là ai?
Sư phụ nói, chúng ta đều là người trần tục, còn con thì không, con có năng lực đặc biệt, con là THE ONE, con là chúa cứu thế.
Tôi nói, không thể nào như vậy được. Người thiên hạ trong mắt con, chưa có ai thú vị bằng Hy Lạc.
Sư phụ nói: Đúng. Con cần phải ghi nhớ, những việc con có thể mở miệng nói, vĩnh viễn là những việc từng xảy ra. Những việc từng xảy ra là những việc của quá khứ. Còn điều ta nói là tương lai của con kia.
Mùa xuân, sau tai ương lớn là cuộc chấn hưng lớn, thiên hạ phồn thịnh.
Mùa thu năm tôi mười hai tuổi.
Tôi, Thích Không sư huynh và Hỷ Lạc có ý đồ vượt tường ra khỏi chùa. Thích Không sư huynh tự chế ra một công cụ, chúng tôi gọi là móc lật ngói, Thích Không sư huynh thì gọi là Phi thiên câu. Nguyên lý của công cụ này là một sợi dây thừng kéo theo một cái móc. Thích Không sư huynh cảm thấy đây là thứ ám khí đầu tiên do một thiếu niên chế tạo, mà bấy giờ chúng tôi gọi những người có tay nghề tốt lại có khả năng phát minh công cụ là các “chế tác gia”, cho nên Thích Không tự phong mình là chế tác gia thiếu niên. Nhưng Phi thiên câu bị tôi và Hỷ Lạc chê cười. Chúng tôi cảm thấy đã gọi là ám khí thì nhất định phải có tính ám muội, trong khi Phi thiên câu quá to, giắt ở cạp quần, người không biết chân tướng chắc chắn sẽ nghĩ gã này là tay mổ lợn. Vả lại, tác dụng của ám khí là dùng để giết người thì ít ra cũng có thể khiến người ta bị thương, còn Phi thiên câu thực ra dùng để trèo tường, huống hồ, các công cụ trèo tường kiểu như Phi thiên câu đã có từ lâu rồi, lại rất phổ biến trong giới hiệp khách và bọn trộm cắp, thậm chí còn dẫn đến cuộc cách mạng về thiết kế phòng ốc, tức là phần đầu của các bức tường cao sẽ không còn được cố định nữa, thay vào đó là các lớp ngói lỏng lẻo, như vậy những thứ kiểu như móc câu sẽ chẳng có cách nào bám chặt được. Cho nên tôi cảm thấy Thích Không sư huynh có khả năng sáng tạo độc lập, Hỷ Lạc bảo Thích Không sư huynh chỉ biết sao chép mà thôi.
Lời biện giải của Thích Không sư huynh là: Huynh không sao chép của người khác, tuy huynh từng thấy chiếc móc leo tường, và cũng rất thích nó, nhưng móc câu này của huynh không giống những cái kia. Cho dù hình dạng na ná, nhưng đệ xem, cái đó có bốn móc, cái này của huynh chỉ có ba móc, vả lại kiểu thắt nút giữa dây thừng và móc câu của người ta là kiểu thắt chết, còn cái của huynh là thắt nút bướm. Quan trọng nhất là tên gọi không giống nhau, thứ kia tên là móc trèo tường, còn cái này là Phi thiên câu, như vậy sao có thể gọi là sao chép được.
Vì việc này, chúng tôi còn đến trước mặt sư phụ nhờ người phán quyết. Sư phụ nhìn qua, phán rằng: Ta nghe Thích Nhiên và Hỷ Lạc bảo con tự phát minh ra được thứ này, song lại nói là con chỉ sao chép thôi, nên ta rất lo lắng, đã phải xem xét kỹ càng, lại còn mua một chiếc móc leo tường của triều đại trước để so sánh, giờ thì ta yên tâm rồi, chiếc móc này cùng lắm là có tham khảo chiếc móc kia thôi, không thể nói là sao chép nguyên xi được.
Sư phụ lại nói với tôi và Hỷ Lạc: Hỷ Lạc! Thích Nhiên! Sư huynh các con làm ra thứ này chẳng dễ dàng gì, tuy có hơi lạc hậu, không thể leo lên được những bước tường hiện nay, song ít nhất vẫn có thể leo cây, các con cũng cứ yên tâm phát minh đi, nhớ là phải tự động não, mấy năm nay giang hồ yên ắng, trăm họ an cư lạc nghiệp, các con càng phải cố gắng tích lũy kinh nghiệm, tới thời buổi loạn lạc thế nào cũng có chỗ phát huy. Mấy năm nay ám khí phát triển đến chóng mặt, nhưng những ám khí chính thống thì đều có những công cụ phòng ngừa chính thống, chỉ có thứ mình tự tạo ra mới có thể bất ngờ khắc chế kẻ địch giành được chiến thắng mà thôi.
Tôi đáp: Thưa sư phụ! Đó chẳng phải là thứ tà môn ngoại đạo Thiếu Lâm luôn bài xích sao ạ?
Sư phụ nói: Không phải! Đây là bàng môn tả đạo.
Tôi đáp: Vậy thế nào là tà môn ngoại đạo?
Sư phụ tôi trả lời: Những thứ ám khí Võ Đang làm ra đều là tà môn ngoại đạo.
Tôi và Hỷ Lạc đều “ồ” lên một tiếng.
Hôm đó sư phụ giữ sư huynh Thích Không lại, tôi và Hy Lạc ra ngoài trước. Tôi bảo Hỷ Lạc, sư phụ chắc đang quở trách sư huynh. Hỷ Lạc nói, chưa chắc.
Kết quả thật bất ngờ, Thiếu Lâm quyết định sản xuất hàng loạt Phi thiên câu để tích lũy nguồn vốn, mở rộng chùa chiền. Tôi tỏ ra hoài nghi, không biết thứ ấy có bán được không? Hỷ Lạc đáp, chắc chắn có thể bán được. Kết quả là bán được thật, mọi người phát hiện ra chiếc Phi thiên câu này ngoại trừ việc không thể bay lên giời ra thì dùng vào việc nào cũng được, trẻ con dùng để leo cây, các bà các mợ dùng để buộc con lại, ở nhà có thể dùng cột chó, chập ba bốn chiếc móc lên lưng trâu còn có thể cắt cỏ trên đồng, người bán thịt lợn có thể dùng để treo thịt, xe ngựa hỏng có thể dùng làm dây kéo xe, tóm lại có thể gói gọn trong hai từ “quá đỉnh”, lại thêm mác Thiếu Lâm sản xuất, lấy uy tín đảm bảo, cho nên rất đắt hàng.
Cứ bán như vậy chừng một tuần, tự dưng có ông già chín mươi sáu tuổi đến nha môn gõ trống kêu oan, bảo rằng Phi thiên câu không phải thứ do Thiếu Lâm phát minh mà là thứ do ông ta đã thử nghiệm thành công từ triều đại trước, tuy chưa cho sản xuất hàng loạt, nhưng vẫn luôn giao dịch ngầm, thậm chí từng tạo nên cơn sốt trèo tường một độ, giờ Thiếu lâm ngang nhiên ăn cắp ý tưởng, mong rằng Thiếu Lâm có thể gửi lời xin lỗi đến ông, bồi thường và đổi cho chắt của ông ta là Thích Thối, một pháp danh nghe lọt tai hơn.
Vị thẩm phán hỏi: Ông bảo Phi thiên câu do ông phát minh, lấy gì làm chứng?
Ông già trả lời: Đại quan còn nhỏ, không biết được lịch sử thời đó đâu, trong giới hiệp khách thời bấy giờ móc câu rất thịnh hành, đại quan có thể đi hỏi các vị tiền bối, bằng không giờ xem sách sử cũng được.
Vị thẩm phán hỏi: Vậy trước đây ông làm nghề gì?
Ông già đáp: Thảo dân trước đây là nhà chế tạo.
Vị thẩm phán hỏi: Vậy ông chế tạo những thứ gì?
Ông già đáp: Cả đời tôi chỉ chế tạo được mỗi cái móc câu này. Nhưng về sau bờ tường nóc mái đều thay đổi cả, móc câu của tôi trở nên vô dụng.
Sự việc sau đó truyền đến nha môn, Thiếu Lâm về cơ bản chẳng có ai đi, nhưng vẫn dàn hòa được sự việc, kết quả phía nha môn cho rằng, vì Phi thiên câu của Thiếu Lâm bán được mấy triệu chiếc, còn móc leo tường từ triều trước của ông già qua thống kê chỉ bán được chừng sáu nghìn dây, nên không thể khép vào tội vi phạm bản quyền. Tuy tạo hình của hai bên cơ bản giống nhau, nhưng vì tên gọi khác biệt, cho nên được phán xét là hai vật khác nhau, động cơ của ông già là muốn thay đổi pháp danh cho cháu mình, thấy lợi tối mắt nên bị khép tội vu cáo. Vả lại vì móc trèo tường từ triều trước chưa đăng ký thương hiệu, nên phán ông già kia đã tạo thành phẩm, tuy tên của hai vật khác nhau, nhưng tạo hình cơ bản lại tương tự, rõ ràng là vật sao chép. Hơn nữa tuy Thiếu Lâm cho sản xuất móc câu hàng loạt đem bán lấy tiền, nhưng không phải để kiếm chác, mà để xây sửa chùa chiền, việc làm này của ông già là báng bổ thần thánh. Niệm tình ông già tuổi tác đã cao, miễn khỏi phạt roi, chỉ bắt đi diễu phố ở quảng trường phía Nam thành nửa ngày mà thôi.
Phương trượng biết việc này liền đùng đùng nổi giận, căn vặn xem ai đã cầu cạnh bọn nha môn. Tôi đáp: Ông ơi! Lần này Thiếu Lâm thắng kiện là tốt lắm rồi, tuy nhiên ông già kia có hơi đáng thương thật.
Phương trượng nói: Một tay giang hồ chế tạo ám khí, sống ngót nghét trăm năm, lẽ nào thật sự chỉ vì một cái móc câu mà kiện lên tận nha môn? Ai biết được hắn là ai. Con chỉ nhìn thấy trước mắt mà không biết nhìn xa.
Tôi tưởng tượng hôm diễu phố chắc chắn cát đá sẽ bất thình lình bay mù mịt, sau khi mọi người mở mắt ra, ông già kia đã không thấy đâu nữa, chỉ có tôi là thấy rõ câu chuyện diễn ra thế nào. Song sự việc lại đơn giản hơn những gì tôi nghĩ. Ngay khi ở trong lao ông già đã biến mất. Và tận ba năm sau cũng không thấy tăm hơi.
Phi thiên câu đã kích thích ham muốn chế tạo ám khí của sư huynh Thích Không. Ở trong chùa bao năm, kỳ thực võ công của tôi và huynh ấy chẳng thua kém nhau nhiều, song vì tôi có thể quan sát rõ hơn huynh ấy, cho nên huynh ấy toàn thua tôi. Tôi không thích chế tạo ám khí cho lắm, bởi tôi cảm thấy tốc độ bay của mọi ám khí trên thế giới này đều quá chậm chạp, tôi nhìn thấy ám khí người thường phóng về phía tôi, cảm giác lề rề như thể đang nhìn chiếc lông vũ dật dờ chao xuống vậy. Song thích không thì khác, huynh ấy cảm thấy giắt trên mình một đống ám khí sẽ rất lợi hại. Và quả thực là như thế, giả như bạn chỉ có một thứ ám khí thì khi giao đấu với cao thủ tất nhiên sẽ bại, nhưng nếu khắp người bạn giắt đầu ám khí, tên cao thủ nào đó đấm bạn một cái, có khi chẳng may lại đấm trúng vào ám khí, thế là bạn thắng. Đây là thứ ám khí mờ ám nhất trong số các ám khí, mặc dù chẳng có ai cố ý cả.
Thích Không thường chỉ thay đổi mức độ nặng nhẹ của những loại ám khí đã có sắn, rõ ràng là thiếu sức tưởng tượng. Song dạo gần đây huynh áy đột nhiên phát hiện ra giá thành chi phí cho việc chế tạo ám khí quá lớn, về cơ bản, những loại ám khí giết người đều một đi không trở lại, như vậy sẽ rất lãng phí, nếu muốn làm thì phải làm ra thứ ám khí có thể thu hồi để tái sử dụng mới được. Nếu ra tay chuẩn xác, ám khí sẽ găm vào trong thịt, khi rút ra hẳn nhiên sẽ rất tiện, nếu tay trơn, ám khí chệch đi, tìm lại sẽ rất khó khăn, vả lại ám khí hiện đại hóa có xu thế ngày một thu nhỏ lại, còn bàn tay của những người tập võ thời hiện đại cũng có xu thế ngày một tròn, cho nên việc cần kíp trước mắt chính là việc tái sử dụng ám khí.
Tôi nói: Ném xong rồi đi nhặt về là được.
Hỷ Lạc nói: Thế thì mất mặt lắm, đánh nhau xong lại ra lần tìm khắp nơi nữa à. Người không biết còn tưởng đi nhặt răng đấy!
Ý của sư huynh Thích Không là: Hiện trong dân gian vừa xuất hiện một thứ tên là dây khứ hồi, tên khoa học là dây thun, nếu buộc vào ám khí, sau khi phi ra chắc chắn có thể thu lại được.
Hỷ Lạc nói: Vậy làm sao mua được thứ đó đây? Mua thứ đó thể nào? Nhị vị sư huynh nếu không được phép tùy tiện ra ngoài kia mà.
Thích Không nói: Có thể trốn ra.
Hỷ Lạc nói: Phi thiên câu của huynh không thể trèo tường mà!
Thích Không nói: Không sao, huynh cải tiến được một chút rồi, giờ đã có thể trèo tường được.
Tôi và Hỷ Lạc nói rằng chúng tôi đều hết sức ngỡ ngàng trước tốc độ cải tiến ám khí của sư huynh.
Thích Không nói: Huynh nối thêm năm mươi thước dây cho chiếc Phi thiên câu.
Tôi hỏi: Vậy có tác dụng gì?
Thích Không nói: Đệ tưởng tượng mà xem, tường ngói hiện giờ đâu thể móc chặt vào được, vậy nếu dây dài hơn một chút, có thể móc vào cây phía ngoài tường, sau đó đu lên tường là leo ra ngoài được rồi còn gì?