Trường An Loạn - Chương 05

Hỷ Lạc nói: Đi thôi, muội cảm thấy chóng mặt quá.

Tôi nói: Hồi xưa cũng lạ thật, làm sao bảo ngất là ngất ngay được nhỉ? Huynh chẳng chóng mặt chút nào cả, chắc muội chóng mặt là do tác dụng tâm lý thôi.

Nói đoạn, tôi chẳng biết trăng sao gì nữa.

Khi tỉnh dậy tôi lại thấy khuôn mặt sư phụ. Ngẫm đi ngẫm lại thì điều này quả thật khiến người ta có cảm giác anh hùng lắm nỗi truân chuyên, bởi đã bảo là xuất phát từ lâu rồi, thế mà kết cuộc xuất mãi vẫn chẳng phát được. Tôi hỏi sư phụ: Sao con lại bị ngất? Hỷ Lạc đâu ạ?

Sư phụ nói: Tỉnh rồi. Không sao cả.

Sư phụ nói tiếp: Con hiếu kỳ quá. Tính hiếu kỳ có thể gây chết người đấy!

Tôi đáp: Nhưng sư phụ cũng biết, con từ nhỏ đã rất muốn biết bí mật của hang động đó mà.

Sư phụ nói: Ta không thể nói cho con được.

Tôi đáp: Sư phụ, xin sư phụ nói cho con đi, bằng không con sẽ vẫn khám phá đến cùng.

Sư phụ ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nói: Được rồi, ta đành phá vỡ một mộng tưởng của con vậy.

Nói đoạn, liền hỏi tôi có thể rời khỏi giường đi lại không, tôi trả lời không sao cả. Sư phụ nói, vậy hãy đi theo ta.

Dọc đường tôi bám theo sư phụ, chúng tôi đi đến trước Đại-nhà-xí của Thiếu Lâm. Sư phụ hỏi tôi: Đây là đâu?

Tôi đáp: Là Đại-nhà-xí!

Sư phụ hỏi: Có tổng cộng bao nhiêu hố?

Tôi đáp: Ít nhất cũng phải năm mươi hố!

Sư phụ hỏi: Nhà chùa tồn tại bao nhiêu năm rồi?

Tôi đáp: Không dưới ba trăm năm.

Sư phụ nói: Đúng. Con xem, phía dưới Đại nhà xí thông với cái sơn động kia. Cứt đái của năm mươi cái hố trong suốt ba trăm năm đều tích tụ trong đó, đương nhiên sẽ sản sinh ra thứ khí khiến người ta ngạt thở. Con ngửi một lần không đủ, lại còn ngửi đến lần thứ hai. Hừm, kẻ làm thầy này biết nói thế nào với con đây. Giờ con đã thấy hối hận khi biết được sự việc này chưa?

Tuy có cảm giác choáng váng như thể thần tượng của tôi vừa mới chết, nhưng tôi vẫn nói: Con không hối hận, bằng không đợi đến khi võ công cao cường, con sẽ vẫn vào hang tìm cho bằng được. Đa tạ sư phụ chỉ dạy. Sao sư phụ không sớm nói cho đệ tử biết?

Sư phụ nói: Hồi đó con còn nhỏ, có một cái hang để có thể suy ngẫm về nó là một việc rất tốt.

Tôi không nói gì.

Sư phụ nói: Con có thể xuất phát được rồi!

Tôi quay về chùa, dắt Hỷ Lạc đi theo. Cáo biệt sư phụ. Một lần nữa.

Khi tôi quay người, Hỷ Lạc hỏi tôi: Trong cái hang đó rốt cuộc có thứ gì vậy?

Tôi nói: Hỷ Lạc à! Đừng có để tính hiếu kỳ hại mình, huynh không thể nói cho muội biết được.

Tôi và Hỷ Lạc đeo Linh xuống núi, thực ra tôi đợi ngày này từ lâu lắm rồi, có thể nói là mười năm, bởi tôi chẳng bao giờ muốn bị nhốt vào một chỗ rất nhỏ để rồi làm những việc rất lớn, như vậy thà ở một chỗ rất lớn rồi làm những việc rất nhỏ còn hơn. Cách suy nghĩ cũng có thể tự do thay đổi, nó sẽ lớn ở những chỗ lớn, và nhỏ ở những chỗ nhỏ. Song ngày này đến có vẻ đường đột, và có vẻ như khi những người hoặc những sự việc ta mong đợi quá lâu cuối cùng cũng xuất hiện, thì ta lại tỏ ra bình tĩnh và suy ngẫm về nguyên do khiến ta bình tĩnh đến vậy. Nguyên do chính là việc nếu lựa chọn cái mới thì sẽ phải mất đi cái cũ, trong khi cái cũ dường như vẫn còn rất tốt.

Tuy sự việc không đến nỗi to tát như những gì tôi ngẫm nghĩ suốt bao năm qua, mọi thứ cứ như thể đang chạy tị nạn, song trong lúc chạy tị nạn lắm khi lại có những thu hoạch bất ngờ, điều tôi muốn nói chính là Hỷ Lạc, cô gái xinh xắn đáng yêu đứng bên tôi, đang đeo thanh kiếm Linh trông rất mất cân đối so với người cô nàng.

Tại sao trong tất cả mọi việc, phụ nữ trông đều xinh đẹp đáng yêu. Tôi nghĩ chắc là “yêu nhau yêu cả đường đi” nên vậy, lý do này rất hay, nhưng tôi thực sự không phán đoán được, nói ra hẳn rất ngượng ngùng, bởi tôi cũng chưa so sánh bao giờ, có khi đây là cô nàng đầu tiên tôi ngắm nghía kỹ lưỡng.

Có rất nhiều chuyện xảy ra trong bao năm chúng tôi ở bên nhau, cần phải từ từ hồi tưởng lại, nhìn chung đều rất khó khăn, đầu tiên là việc sống chung với một cô nương bao lâu như thế, trong khi cô nàng lại có khuôn mặt cân đối ưa nhìn, muốn không thích cũng khó, ngoài ra việc khó khăn hơn là ở phía Hỷ Lạc, thật sự chẳng dễ gì khi xung quanh đến hơn một nghìn anh đàn ông mà lại không hề có mối quan hệ mờ ám nói với họ, và càng quý hóa hơn nữa khi cô nàng không hề nảy sinh thứ tình cảm phức tạp đủ khiến câu chuyện này trở nên rối rắm với sư huynh Thích Không của tôi, một người cũng không kém phần xuất chúng.

Tôi biết làm sao được, tôi nghĩ, những điều người khác làm và những điều tôi cảm nhận chính là những gì người ta nghĩ trong lòng.

Chúng tôi men theo đường xuống núi, dưới núi có một dịch trạm, rất nhiều thớt ngựa nghỉ chân ở đó. Cũng may trước khi được cứu vào chùa Hỷ Lạc đã có kinh nghiệm xã hội phong phú hơn tôi, nên tôi mới khỏi nghĩ rằng lũ ngựa này có thể dắt đi miễn phí. Hỷ Lạc nói, trong dịch trạm có cho thuê ngựa. Mà chúng tôi đang rất cần một thớt ngựa.

Tôi nói: Huynh cũng nghĩ vậy, nhưng chúng ta làm gì còn đồng bạc nào.

Hỷ Lạc nói: Vậy phải làm sao nhỉ, trên người muội cũng chẳng có thứ gì đáng tiền cả.

Tôi nói: Xem ra thứ đáng tiền nhất chính là thanh kiếm này rồi.

Hỷ Lạc đáp: Muội thì nghĩ có thể đem thanh kiếm này đi cầm đồ.

Còn tôi nghĩ chắc mọi người đều nghèo cả, vừa nghèo lại vừa muốn cưỡi ngựa, bởi bên cạnh dịch trạm có một cửa hiệu cầm đồ.

Tôi và Hỷ Lạc dắt tay nhau bước vào hiệu cầm đồ, đặt thanh kiếm lên mặt bàn. Chủ hiệu hỏi chúng tôi: Hai vị là người ở đâu vậy?

Tôi đáp: Tôi là người của Thiếu Lâm, thanh kiếm này chính là thanh kiếm Linh nổi tiếng, ông xem nó đáng giá bao nhiêu?

Chủ hiệu đánh mắt nhìn tôi, lại do xét Hỷ Lạc, rồi cười ngặt nghẽo nói: Linh thì đúng là ở Thiếu Lâm, nhưng… ha ha ha ha. Thiếu Lâm giờ cũng thoáng thật, thầy tu được phép mang theo đàn bà con gái sao?

Tôi nói: Sao cái cục cứt, chúng tôi quen nhau từ nhỏ.

Chủ hiệu lại cười ngặt nghẽo, nói: Chắc dấm từ tấm bé cũng nên, ha ha ha ha, thôi được rồi, tôi không đùa hai vị nữa, để tôi coi thanh kiếm này xem sao.

Lão chủ hiệu cầm kiếm lên quan sát, ngắm bao kiếm một hồi, đang định rút kiếm thì tôi nói: Cẩn thận kiếm khí đấy!

Chủ hiệu đúng là người thẳng tính, giàu cảm xúc và rất hào sảng, lần này lão ta cười ha hả hết đúng một tuần hương, đoạn nói: Bao kiếm này làm cũng khá được, đủ cho hai ngươi được cái giá phải chăng, có điều ranh con các ngươi chớ có khoác lác, bằng không ta đã định giá xong rồi.

Nói đoạn liền rút Linh ra. Nào là kiếm khí yêu phong, tất tật chẳng thấy thứ gì xuất hiện, bình thường chắc đã toi rồi. Chủ hiệu nói: Kiếm xịn! Hàng nhái cũng xịn! Chẳng qua là thiếu chút gì đó, không thì đã là hàng thật rồi.

Tôi nghĩ bụng, có mà chính lão thiếu chút gì đó thì có.

Chủ hiệu nói: Ta trả cho hai ngươi mười lạng bạc, lãi suất mười phần trăm, nội trong một tháng mà không đến lấy, ta sẽ tự xử lý.

Hỷ Lạc nói: Mười lạng? Quá ít! Hồi nhà chúng tôi còn khá giả, phải chi hơn trăm lạng mới đúc được thanh kiếm này đấy!

Chủ hiệu nói: Ồ, không phải hai vị nhặt được à, thế thì năm mươi lạng vậy nhé?

Hỷ Lạc nói: Tám mươi lạng.

Chủ hiệu nói: Xong luôn.

Hỷ Lạc nói: Một trăm lạng.

Chủ hiệu nói: Thế thì không được, cứ trả tiếp nữa thì vô cùng lắm, thanh kiếm này rất được, trông cũng thật, có điều giá mà tăng lên nữa, thì tôi lên hẳn Thiếu Lâm tự mua hàng thật cho xong.

Tôi nói: Hả, cái này mà cũng mua được à?

Chủ hiệu nói: Cái này công tử không phải bận tâm, thôi tôi trả công tử tám mươi lạng. Nào! Thứ này thuộc hàng quý giá, tôi sẽ gọi thợ vẽ đến vẽ chân dung hai vị, kẻo lúc đến lấy lại nhầm người, hai vị nhớ nhé, mã số của thanh kiếm này là: Hàng quý 00121, mật mã là ngày giờ hôm nay, nhà tôi là cửa hiệu cầm đồ đệ nhất thiên hạ, muốn sửa mật mã, hai vị cứ đến các chi nhánh ở Trung nguyên là được.

Nói đoạn, thợ vẽ cũng tới nơi, tôi và Hỷ Lạc ngồi lại ngay ngắn, thợ vẽ nói, vẽ một người hay vẽ cả hai ạ?

Tôi trả lời: Vẽ cả hai đi!

Chủ hiệu nói: Nếu vẽ cả hai thì chỉ khi nào cả hai vị cùng đến mới lấy được đồ, rắc rối lắm. Bận trước có cả một lớp học tư thục đến cầm một món đồ, họa sẽ vẽ cả lớp phải mất ba ngày mới vẽ xong, rốt cuộc lớp ấy bây giờ có hai học sinh tử nạn, đồ của họ thì vĩnh viễn không thể lấy ra.

Hỷ Lạc nói: Vậy vẫn cứ vẽ cả hai đi, một trong hai chúng tôi chết thì cũng chẳng cần món đồ này làm gì.

Tôi nói: Vậy thì vẽ cả hai luôn, anh nghe rõ chưa, vẽ đẹp một chút nhé!

Thợ vẽ nói: Vâng. Hai vị ngồi sát lại một chút, giấy to chừng này thôi, cách xa nhau quá sợ vẽ không đủ.

Tôi hỏi: Thế lần trước anh vẽ cái lớp kia thế nào?

Chủ hiệu nói: Xin công tử quay lại nhìn phía sau, hình vẽ trên tường kia chính là họ đấy.

Tôi và Hỷ Lạc quay lưng nhìn lại phía sau, tôi nói: Phải vẽ những ba ngày?

Hỷ Lạc nói: Sao xấu thế nhỉ?

Chủ hiệu nói: Thì tại tay thợ vẽ bận ấy kém quá, thế nên, nó vừa vẽ xong bức này, ra khỏi cửa là bị đạp chết ngay.

Tôi nói: Vậy lần này vẽ chúng tôi đèm đẹp nhé, tôi và cô nương đây chưa từng đi vẽ chân dung lần nào đâu, vẽ xấu tôi cũng sẽ đập chết anh đấy.

Thợ vẽ nói: Yên tâm, bảo đảm công tử sẽ hài lòng. Tôi thì thế này, vẽ tùy tiện không lấy tiền, vẽ giống lấy nửa lạng, vẽ đẹp lấy một lạng.

Chẳng đợi tôi kịp phát ngôn, Hỷ Lạc đã nói: Này, tôi trả anh hai lạng bạc, anh biết phải vẽ chúng tôi thế nào chưa?

Anh thợ vẽ mở cờ trong bụng, vội nói: Chắc chắn rồi, xin hai vị ngồi yên ạ!

Tôi và Hỷ Lạc ngồi sát bên nhau, giữ yên vẻ mặt tươi cười quãng bốn giờ, song trong khoảng thời gian đó, thợ vẽ dường như chẳng hề ngẩng mặt lên quan sát chúng tôi. Sắc trời tối sẩm, bức tranh cũng được hoàn thành.

Tôi và Hỷ Lạc đón bức tranh, hớn hở tỏ vẻ hài lòng, tôi nói với lão chủ hiệu: Ông cất giữ bức tranh cẩn thận cho tôi nhé, đến khi quay lại chuộc đồ, tôi sẽ lấy bức họa mang về luôn.

Chủ hiệu nói: Nhất định rồi. Song hai vị quý nhân còn phải điểm chỉ lên bức vẽ nữa mới được.

Hỷ Lạc hỏi: Tại sao? Ngộ nhỡ ông viết thêm khế ước bán mình lên trên thì chúng tôi phải làm thế nào?

Chủ hiệu cười nói: Cô nương đa nghi quá, tôi nào dám, sau này tôi làm sao mà tiếp tục làm nghề này được chứ?

Tôi hỏi: Vậy điểm chỉ để làm gì? Ông không biết dấu vân tay đại diện cho thân chủ hay sai?

Chủ hiệu nói: Dạ vâng, tôi chỉ e là không có vân tay, khi hai vị đến chuộc đồ, nhỡ mà tôi không có ở cửa hàng, chỉ dựa vào hai vị tiên trong bức tranh này thôi thì người hiệu tôi sẽ chẳng thể hoàn lại đồ cho hai vị được.

Tôi và Hỷ Lạc cầm tiền tới dịch trạm, hỏi người quản trạm: ngựa cho thuê ở đâu, người quản trạm dân chúng tôi lại một phía, ở đó có cả thảy hai thớt ngựa. Hỷ Lạc nói: Sao ít vậy?

Quản trạm nói: Khách quan đến muộn quá, chỉ còn hai thớt ngựa này thôi, song chúng không phải bị khách chọn rồi để thừa lại đâu, cũng là ngựa tốt cả đấy.

Tôi nói: Không phải loại bị để thừa lại thì là loại gì?

Quản trạm nói: Thì do vừa khéo người ta không chọn chúng. Khách quan xem, con đen bên trái kìa, thân hình vâm chắc, đuôi bồng chân khỏe, mã lực lại lớn, ăn rõ ít mà chạy rõ nhiều, tốc độ cực nhanh, đúng là bậc hào kiệt trong loài ngựa vậy!

Hỷ Lạc hỏi: Vậy sao không có ai thuê?

Quản trạm nói: Con này mỗi tội không nghe lời, cứ chạy linh tinh.

Hỷ Lạc nói: Vậy sao được, quả thật là không được, thôi thì thuê con lừa cạnh ông vậy!

Quản trạm nói: Khách quan, đây cũng là ngựa đấy ạ, cô chớ có nom con ngựa này nhỏ, tuy thân hình nó gầy còm, đuôi thưa chân mảnh khảnh, mã lực yếu, ăn rõ nhiều chạy rõ ít, tốc độ lại chậm, song trông lại nhỏ nhắn xinh xắn, cũng tiện dắt theo, hai vị cưỡi con này là hợp nhất đấy, hai vị buông thõng chân xuống, con ngựa này bị che đi ngay, trông như chẳng cưỡi con vật gì cả, nhìn từ xa, lại cứ ngỡ hai vị như đang bay trên không ấy chứ.

Hỷ Lạc ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: Vậy cũng không tồi, haizz, ta lấy con nào đây?

Tôi nói: Huynh thấy lấy cái con chạy linh tinh hơn, rèn là được mà.

Hỷ Lạc nói: Không rèn được đâu, rèn được thì đã có người thuê lâu rồi. Ta cưỡi con ngựa nhỏ kia đi!

Tôi nói: Ngựa nhỏ cũng được, có điều chẳng may mà có bọn xấu đuổi theo, con ngựa ấy lại chạy chậm thì phải làm thế nào?

Hỷ Lạc nói: Thôi được rồi, dùng tạm đi, cũng còn hơn là chạy thẳng tới chỗ kẻ xấu mà.

Tôi nói: Chuyện vặt vãnh thế này huynh nghe theo muội, sau này huynh quyết định đại sự là được.

Tôi và Hỷ Lạc dắt ngựa ra, quyết định đặt cho con ngựa còm này một cái tên, Hỷ Lạc muốn gọi nó là Lép, tôi thì thấy cái tên này giống tên con cá lép, nên nói: không được.

Hỷ Lạc nói: Muội thấy con ngựa này quá lép ấy, chân thì ngắn cũn, gọi nó là Lép quá hợp rồi. Vả lại huynh bảo rằng những việc vặt vãnh thì do muội quyết định cả còn gì.

Tôi nói: Nhưng đặt tên là việc hệ trọng.

Hỷ Lạc nói: Mặc kệ đấy, dù sao sau này muội cũng có quyền quyết định hai việc, một là những việc vặt vãnh, hai là việc phán quyết xem việc nào là việc vặt vãnh và việc nào là việc hệ trọng.

Tôi và Hỷ Lạc bước ra khỏi dịch trạm, đứng ở trên cao nhìn quanh bốn phía. Chính đỉnh núi này là nơi chúng tôi chung sống bên nhau suốt mười năm nay, cũng bởi nơi đây có ngôi chùa lớn nhất, chúng sinh khắp nơi đến thắp hương khấn khứa nhiều nhất, cho nên dưới chân núi dần dần hình thành nên một thị trấn rất nhỏ, gồm một dịch trạm, một tửu lầu, một cửa hiệu cầm đồ, một cửa hàng rèn sắt, ba nhà trọ và một hàng tạp hóa. Con phố nhỏ có hai đường cắt nhau hình chữ Thập, phía trước thông thẳng đến thành Trường An, phía sau là Thiếu Lâm, bên trái là con đường tơ lụa, còn bên phải hướng ra biển. Giữa trung tâm con phố có một đôi câu đối, song đối không hề chỉnh, vế trên là: Chớ có. Vế dưới là: Quay đầu. Bức hoành phi ở giữa vẫn lại là bốn chứ viết ngay ngắn: CHỚ CÓ QUAY ĐẦU.

Những thứ trông có vẻ thâm thúy này thực ra phải xem xét nó xuất hiện ở đâu, ở nơi đầy ắp Thiền cơ, chói chang Phật pháp này thì nó chính là chân lý. Hễ là những thứ có thể suy nghĩ kỹ càng thì tốt nhất đừng suy nghĩ làm gì, bởi quả thực tôi cũng chẳng hiểu gì cả, điều này cũng có nghĩa là, với một số việc đừng nên đặt câu hỏi nên quay đầu là bờ hay không nên quay đầu lại.

Một cơn gió cát chẳng biết tự nơi nao ập đến đã tràn ngập con phố nhỏ này, đây là thánh địa được dựng lên giữa chốn đồng hoang, nhất là dưới ánh chiều tàn, rất đông những người nhạt nhòa nhân ảnh bắt đầu dập đầu hành lễ ở chỗ CHỚ QUAY ĐẦU LẠI, song tất cả mọi thứ dường như đều có thể bị cuốn phăng đi bởi một trận bão cát.

Bên ngoài dường như cũng rất yên bình, song mọi người đều biết rằng từ sau cuộc tỉ thí lần trước, mối quan hệ trong giang hồ đã trở nên tế nhị, triều đình cũng có những phản ứng tế nhị. Một số nơi đã rộ lên những tiếng chém giết, duyên do có thể chỉ là vì yên ổn quá lâu.

Dưới ánh hoàng hôn thê thiết, cô gái bên cạnh tôi tên là Hỷ Lạc, kể ra cũng còn đỡ, cái chính là con ngựa lại tên Lép, thật sự chẳng đem lại cho người ta chút không khí hào hiệp nào.

Song bất kể thế nào, cuối cùng, tôi và Hỷ Lạc vẫn phải rời bỏ nơi này, chỉ có điều chẳng ai biết phải đi đâu, và cũng chẳng có ai nói là phải làm gì. Tôi hỏi Hỷ Lạc, chúng ta đi đâu đây? Tôi nghĩ bụng, chắc Hỷ Lạc cũng chẳng biết gì hơn tôi đâu.

Hỷ Lạc nói: Chúng ta có thể đi Trường An, nơi đó rộng lớn, có thể mua ít quần áo.

Tôi cố gắng nhớ lại xem trước lúc ra đi sư phụ và phương trượng có việc gì dặn dò tôi không, nhưng họ chỉ nói: Con đi đi!

Trước mắt cũng đành đi Trường An, Trường An, cái tên nghe rất hay, là kinh đô, mọi thứ ở đó đều thật tuyệt, ngoại trừ việc Trường An chưa bao giờ “trường an” cả. Thẳng phía Tây đi tới Trường An, xa mấy trăm dặm, cưỡi lừa phải lắc lư mất hai ngày, vậy có nghĩa là cưỡi Lép thì phải mất ba ngày.

Lép thật là một con ngựa hiểu ý chủ, ta vẫn nói tâm tính tương thông chẳng qua cũng đến vậy thôi, chủ mệt nó cũng mệt, chủ ngủ nó cũng ngủ, tôi và Hỷ Lạc định đánh một giấc trên lưng nó, nhưng khi tỉnh dậy đã thấy nó ngủ ngon hơn ai hết. Hỷ Lạc kẹp hai chân lại, con Lép sực tỉnh, nó hí vang một tiếng rồi chậm rãi tiến về phía trước.

Hỷ Lạc hỏi tôi: Con ngựa này sao lại có thể ngủ đứng được nhỉ?

Tôi đáp: Nó khôn, nếu nó nằm xuống ngủ thì huynh và muội đều té ngã cả rồi còn gì?

Hỷ Lạc nói: Đúng là con ngựa tốt.

Tôi nói: Chuyến đi Trường An này không những lành ít dữ nhiều, lại còn hết sức vô nghĩa nữa.

Hỷ Lạc hỏi: Sao huynh lại biết là vô nghĩa?

Tôi trả lời: Bởi quả thật không biết mình đi làm cái gì.

Hỷ Lạc nói: Muội thấy cũng được đấy chứ. Chưa biết là việc gì thì làm sao biết được nó vô nghĩa.

Tôi nói: Thật là khó hiểu.

Hỷ Lạc hỏi: Vậy sao huynh lại nói là lành ít dữ nhiều?

Tôi trả lời: Huynh chẳng biết. Chỉ biết là mỗi khi sư phụ hoặc sư huynh đi giải quyết sự vụ gì đều nói rằng: chuyến này e là lành ít dữ nhiều. Chẳng hiểu sao lại vậy.

Hỷ Lạc nói: Chắc là nói vậy, để chẳng may ta đi có lỡ thiệt mạng, mọi người sẽ không cảm thấy bất ngờ, còn nhỡ mà không chết, thì cứ như bản thân rất lợi hại vậy.

Tôi nói: Hỷ Lạc, muội thông minh thật đấy!

Hỷ Lạc nói: Huynh cũng thông minh mà, với lại huynh nhìn mọi thứ đều cụ thể, tường tận, muội thật hâm mộ huynh đó.

Tôi nói: Có gì đâu, chẳng qua là quan sát tỉ mỉ thôi.

Hỷ Lạc nói: Có điều, hình như… chẳng lẽ huynh không phát hiện thấy chúng ta đứng yên một chỗ suốt từ nãy tới giờ sao?

Tôi cúi đầu nhìn, con Lép lại ngủ rồi.

Tôi hỏi Hỷ Lạc: Nó ngủ từ lúc nào thế nhỉ?

Hỷ Lạc đáp: Muội nghi ngờ là nó ngủ từ cái lúc muội nói câu “Đúng là con ngựa tốt” ấy.

Tôi nói: Lúc nào mới tới Trường An được đây?

Hỷ Lạc đáp: Cứ đánh thức nó dậy rồi hẵng nói. Nói đoạn lại ghì hai chân lại, con Lép lại hí lên một tiếng, song đứng yên không mảy may động đậy. Hỷ Lạc nói: Thôi toi rồi, con ngựa này không thể tỉnh dậy ngay được đâu, Nói xong liền xuống ngựa, giật giật cái đuôi, song con ngựa vẫn đứng yên, không mảy may nhúc nhích.

Tôi nói: Không được đâu, đừng để con ngựa này trở thành gánh nặng của ta trên đường. Muội đạp cho nó hai đạp!

Hỷ Lạc nói: Việc nhỏ nhặt này huynh ra tay là được!

Thế rồi tôi xuống ngựa, đạp mạnh nó một cái. Con Lép lại hí vang một tiếng song không có phản ứng gì thêm. Tôi và Hỷ Lạc nhìn nhau không nói được lời nào. Tôi nói: Chẳng lẽ phải khoét mắt nó ra mới đánh thức được nó chắc? Vậy hay là khoét thêm mấy thứ ra nướng ăn nhỉ?

Hỷ Lạc nói: Huynh chẳng có tý tình cảm nào với con Lép cả, thôi dù sao hôm nay cũng mệt rồi, chi bằng ta dừng lại đây nghỉ ngơi một lúc, đợi trời sáng rồi tính tiếp.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3