Trường An Loạn - Chương 14

Đàn ông, họ tên Diêu Cần Thọ, mặt có hai nốt ruồi, lông mày rậm, mắt nhỏ, mũi rộng, môi dày, cao sáu thước năm, ngực có vết thẹo, dài một tấc.

Y sát hại gái lầu xanh đứng đường là Đào Hoa, cô gái số 6 lầu Vọng Xuân, dung mạo đẹp, tận tình, tài nghệ tốt, biết đánh đàn, mặt mũi sáng mịn, lông mày lá liễu, mắt to, mũi thuôn nhỏ, đôi môi anh đào. Thủ đoạn của y tàn nhẫn, dùng ám khí. Có võ công nhất định. Đề nghị người biết tung tích báo quan. Nếu thông tin xác thực, ma ma phòng số 3 lầu Vọng Xuân bằng lòng khuyễn mãi mười đêm xuân miễn phí, không cần gọi số, tùy chọn bất kỳ cô nương nào rảnh rỗi.

Do điều kiện hấp dẫn, vụ này nghe nói có rất nhiều người trình báo, chỉ cần phù hợp với một số miêu tả về diện mạo của người đàn ông như lông mày rậm hoặc mắt nhỏ, họ cứ báo quan trước, dù sao báo sai cũng không bị trách tội. Vụ việc này phát triển về sau, hễ có người cao sáu thước năm đều bị người có chiều cao khác bắt trói lại đem báo quan, có một thời gian, những người cao sáu thước năm ở Tuyết Bang đều không dám ra đường, chưa đi được mấy bước đằng sau đã có tiếng gọi lại: Gớm nhỉ, thì ra ngươi là Cần Thọ, sau đó chẳng biết tại sao một toán người lao đến trói lại. Đây là lần duy nhất, chưa từng có trong lịch sử, lợi ích của phụ nữ được coi trọng trong xã hội này. Một người bán thân bị giết, toàn dân đều hành động. Về sau lệnh truy nã này bị hủy bỏ, bởi nó khiến xã hội động loạn.

Tiếp tục nhìn lên trên cao nữa, còn có cáo thị truy nã nghiêm trọng hơn:

Đàn ông, cao tuổi, kèm một chân dung. Dung mạo như trong tranh, cao năm thước rưỡi, người này mang theo rất nhiều ám khí, trong một đêm sát hại cả nhà ông Vương Thạch Sơn bán đậu phụ ở phố hàng Bạc, cả thảy năm người, đồng thời còn cướp đi một số vàng bạc. Vụ án nghiêm trọng, đề nghị người biết tung tích báo quan.

Trên nữa còn có một lệnh truy nã:

Đàn ông, tội phạm đã có tiền án tiền sự, kèm một chân dung. Dung mạo như trong tranh, cao sáu thước hai, người này phạm tội đã nhiều năm. Quen dùng ám khí, ra tay hiểm độc, trong bốn năm tổng cộng đã ám sát hơn trăm người ở Trục thành, Quá Sa, Tuyết Bang, Vụ Lưu, Đồng Điền, mối nguy hại cực lớn, đề nghị người biết tung tích báo quan, không được tự ý bắt, phải giữ một khoảng cách nhất định.

Hỷ Lạc than thở, vụ này quá lợi hại. Song thấy bên trên nữa vẫn còn một tờ, liền hỏi, tờ trên cùng kia chắc chắn ghê gớm hơn, huynh xem xem đó là ai?

Tôi kiễng chân nghển cổ nhìn, rất muốn xem tờ trên cùng thế nào, song cố gắng nhìn mãi, cuối cùng đành phải cụt hứng nói với Hỷ Lạc: Thực sự không thể cố được, bức tường này thẳng quá, dán quá cao, huynh chẳng thế trông thấy gì cả. Lẽ ra phải dán ngược lại, không thể để tay trộm gà được dán dưới cùng được.

Hỷ Lạc nói: Ai mà biết được, chắc những thứ quan trọng thường hay ở chỗ cao mà, kẻ đó có khi giết phải đến nghìn người, thôi chúng ta vào thành đi!

Tôi và Hỷ Lạc vội vã vào thành, tìm một lữ điếm trọ lại. Tôi phát hiện thấy Tuyết Bang không hề hỗn loạn như tôi tưởng tượng, ở đây dường như rất có trật tự, phía xa xa thấp thoáng có thể thấy một ngọn cô sơn dính phủ đầy tuyết.

Những người vào thành dường như không bị kiểm tra, bầu không khí ở đây hoàn toàn khác so với Trường An, tựa như chưa hề xảy ra chuyện gì cả, khác với lời đồn đây là nơi các bang phái đóng quân. Song tôi nghĩ, các bang phái lớn cũng giống như Thiếu Lâm, họ sẽ không đóng quân trong thành, triều đình mà ngứa mắt, muốn diệt họ thì chỉ cần đóng cửa thành lại là xong, người bên trong không thoát ra được mà huynh đệ bên ngoài cũng không vào được. Tương truyền Võ Đang cũng ở trong một đạo quán trên đỉnh núi gần Tuyết Bang. Do nội quy trong chùa không cho phép hỏi về việc này, nên tôi không biết cụ thể họ ở đạo quán nào, song tôi nghĩ danh tiếng của nó sẽ được đồn thổi ra ngoài.

Tuyết Bang không lớn, mất khoảng nửa ngày là có thể đi hết. Tôi và Hỷ Lạc đều ngạc nhiên khi không thấy có bất kỳ ai giắt kiếm, dường như họ đều là những người dân chất phác. Tôi phân vân hoài không rõ cái đám ngày thường vẫn đánh đấm loạn xạ rốt cuộc đã đi đâu. Hay là màn đêm chưa buông xuống thì chúng chưa ló ra hoạt động? Ở đây chẳng có chút không khí nào như lời đồn đại rằng hàng ngày phải có mấy người thiệt mạng trên đường. Cảm giác nơi đây lại là một nơi rất hợp để sinh sống.

Bỗng nhiên, xảy ra một việc, một người cưỡi ngựa, lao gấp về phía chúng tôi, tình thế y như lần trước, vẫn là Hỷ Lạc đang đứng ở giữa đường, tôi băn khoăn chẳng hiểu sao cô nàng cứ nhất định phải đứng giữa đường, thế rồi tôi quơ tay kéo Hỷ Lạc sang một bên, vốn dĩ bản thân tôi có thể nhẹ nhàng lánh ra, song tôi phát hiện tên cưỡi ngựa đó rõ ràng thấy sắp đụng phải người đi đường mà vẫn không hề có ý ghìm ngựa, hơn nữa con ngựa đó còn nhăn mặt, lè lưỡi, phồng mũi nhằm thẳng vào tôi lao tới, bộ dạng rất xấu xí. Tôi né sang bên cạnh, rút kiếm từ trong tay nải của Hỷ Lạc, nện thẳng vào chân ngựa, thế là cả người lẫn ngựa cùng đổ rầm xuống đất.

Hỷ Lạc lao tới nói: Huynh điên rồi à! Con ngựa đó có làm gì đâu, sao huynh lại chém phăng bốn chân nó đi?

Tôi nói: Hỷ Lạc ơi, huynh có chém đâu. Muội xem, nó vẫn dính vào thân đấy chứ?

Con ngựa từ từ bò dậy trước tiên.

Hỷ Lạc nói: Muội không tin, sau mấy giây nữa chắc chắn chân nó đứt.

Tôi nói: Hỷ Lạc ơi, kiếm của huynh vẫn ở trong vỏ mà.

Hỷ Lạc liếc nhìn, thở phào một tiếng.

Đang nói thì vị huynh đệ cưỡi ngựa cứ luôn miệng rên xiết trên đường. Tôi bước tới nói: Ngươi phóng như thế nguy hiểm quá, ta cũng chẳng qua bất đắc dĩ mà thôi.

Người đó chẳng nói chẳng rằng, cứ thế òa khóc.

Thấy đàn ông khóc, tôi luốn cuống hỏi: Có chuyện gì vậy?

Người đó nói: Chân ta e là gẫy rồi. Ta toi rồi.

Tôi nói: Chân gãy thì vẫn có thể liền lại.

Người đó nói: Ta không thể làm minh chủ của giang hồ được rồi.

Tôi kinh ngạc nói: Có liên quan gì đến nhau nhỉ.

Người đó nói: Chẳng lẽ người không biết?

Hỷ Lạc cũng tiến lại gần, chúng tôi nhìn hắn, cùng lắc đầu.

Người đó nói: Hôm nay là ngày võ lâm chọn ra minh chủ.

Tôi hỏi: Chẳng phải có minh chủ rồi sao, Thiếu Lâm ấy?

Người đó nói: Vụ lần trước không tính, lần này là chọn người chứ không chọn bang phái, vả lại ngôi chùa lớn nhất của Thiếu Lâm chẳng phải đã bị giết sạch rồi đó sao? Cũng chẳng biết do ai làm.

Tôi nói: Vậy trận quyết chiến diễn ra ở đâu?

Người đó nói: Ở Hạ Tuyết Sơn ngoài thành.

Tôi nói: Ta biết rồi, ngươi dưỡng thương đi!

Người đó nói: Ngươi muốn đi...

Hỷ Lạc nói: Ngươi dưỡng thương đi, ngươi đi thì cũng lại có kết cục như thế này thôi.

Tôi và Hỷ Lạc quất ngựa chạy thẳng tới Tuyết Sơn.

Chẳng trách ở Tuyết Bang chỉ có bá tánh, thì ra đám nhân sĩ náo loạn kia đều đã tới Tuyết Sơn tỉ thí võ công.

Dọc đường không thấy bóng người, xem chừng tôi và Hỷ Lạc quả thực đi hơi muộn. Vả lại chạy suốt hai giờ đồng hồ, tôi gần như tuyệt vọng, bởi ngọn Tuyết Sơn kia trông vẫn thế, cơ hồ không có vẻ gì là đã tới gần, câu “...” có lẽ sắp ứng nghiệm. Tuy nhiên, tôi dường như nghe thấy ở phía không xa có tiếng người nhốn nháo, bất giác thấy hiếu kỳ lại gắng thúc ngựa tiến về phía trước, qua một cái dốc nhỏ, tôi và Hỷ Lạc đều kêu lên kinh ngạc. Trước mắt có hàng vạn người vây chặt một lôi đài, bên cạnh lôi đài chính là dịch trạm được gọi là Hạ Tuyết Sơn.

Hỷ Lạc hỏi tôi: Chúng ta tới rồi à?

Tôi nói: Tới rồi. Mau vào xem đi, hình như vẫn chưa quá muộn.

Đến trước cổng vào được hàng rào quây kín, tôi, Hỷ Lạc và con Lép bị chặn lại, tên gác cửa nói: Ngựa không được phép vào.

Tôi thốt lên một tiếng “Ồ”, sau đó tiện tay cột con ngựa vào hàng rào, rồi bước tới.

Tên gác cửa bực nói: Không phải cột ở đây, cột ra đằng sau.

Tôi và Hỷ Lạc dắt ngựa ra phía sau, chúng tôi lại được phen giật thót mình khi trông thấy hàng nghìn con ngựa khác, ngoài con Lép của chúng tôi còn dễ nhận ra, các con ngựa khác dường như chỉ có thể nhận dạng dựa vào màu sắc. Tuy nhiên chúng đều là ngựa tốt cả.

Chúng tôi quay lại cổng vào, tên gác cửa nói: Có vé vào không?

Tôi nói: Không có. Ở đây còn đòi vé cơ à?

Tên gác cửa nói: Đây là tổ chức chính quy, không vớ vẩn như bận trước, phải có vé mới được vào, không có thì ra đằng kia mà nghe.

Hỷ Lạc nói: Làm gì có cái lý nào đến để nghe hả ông anh, chúng tôi tới tham gia đả lôi đài.

Tên gác cửa hỏi: Ồ, đến tham dự đả lôi đài à, có vé không?

Hỷ Lạc nói: Đả lôi đài cũng phải có vé à?

Tên gác cửa nói: Không có thì bó tay, người muốn làm minh chủ quá đông, phải khống chế số lượng, muốn tham gia đả lôi đài thì phải thông qua vòng sơ khảo trước đã, sau khi đủ tư cách, cầm được vé thì mới được vào vòng trong.

Tôi nói: Vậy tôi mua vé ở đây được không?

Tên gác cửa nói: Không được.

Tôi nói: Vậy cứ để tôi vào đã, tôi gửi anh trước một ít tiền được không?

Tên gác cửa nói: Vậy lại càng không được, ngươi xem bên trong hàng bao nhiêu người, chỉ sợ ngươi cố lao vào, bọn ta không phân biệt được ai vào với ai.

Tôi nói: Đúng, cách hay đấy!

Nói đoạn, tôi liền kéo Hỷ Lạc xông qua cổng, lập tức chui vào trong đám người hỗn độn, khó khăn lắm mới lách được lên phía trước. Trên lôi đài có một lực sĩ lạ mặt, hỏi ra mới biết là người đến từ Đông Dương, hắn chẳng biết nói câu nào để người khác nghe hiểu được cả, không rõ nghe ngóng ở đâu biết nơi này có cuộc tỉ thí võ công, đồn rằng hắn dò la biết được trận tỉ võ ở Trường An trước, sau đó lên thuyền tới đây, bởi hắn nghe nói kẻ thắng cuộc trong cuộc tỉ võ này có thể có được vàng bạc và hàng trăm cô gái trong thiên hạ. Những người bên cạnh đều bàn tán lầm rầm, đồ rằng vị huynh đệ này liệu có nghe nhầm minh chủ thành hoàng đế hay không.

Song bất luận thế nào, hắn ta cũng có sức lực mà người thường không thể so bì được. Nghe nói hắn đã đánh bại không ít người trên lôi đài, vả lại người bị bại đầu tiên chính là nhị bang chủ của phái Phi Ưng, được gọi với cái tên Thiết thạch xuyên vô địch thoái – Ngô chột.

Tôi kinh ngạc hỏi: Ngay cả Ngô chột cũng bị đánh rớt rồi sao?

Ngô chột là vị nhân sĩ giang hồ tôi thường nghe nói tới, từ nhỏ đã chột một mắt, luyện võ chỉ luyện chân, luyện được đôi chân cứng chắc nhất, nhanh lẹ nhất trong giang hồ. Bởi trước mấy ngày tôi chuẩn bị lên đường, sư phụ có nhắc tôi một vài cái tên, bảo rằng, những người này có bản lĩnh thực sự, không nên đụng vào. Trong đó có Ngô chột, người này căm thù Võ Đang và Thiếu Lâm, liền cùng ông bố tổ chức ra Phi Oanh phái, có mấy chục người, nhưng tên tuổi chấn động Tuyết Bang, ai ngờ sau đó đồn đến tai một bang phái lớn hơn là Phi Ưng phái, phái này nghe nói có bang phái có cái tên na ná như phái mình, liền lập tức muốn xông ra tiêu diệt, kết quả là, sau khi bắt chuyện với Ngô chột, hai người nói chuyện hết sức hợp nhau, phái Phi Oanh của Ngô chột liền nhập vào phái Phi Ưng, vậy nên Ngô chột trở thành nhị bang chủ.

Việc này chứng tỏ, nhân sĩ giang hồ đều là những kẻ vô văn hóa, tên bang phái giống nhau đâu phải ít. Thiếu Lâm và Võ Đang sở dĩ được coi là bang lớn bởi tên của họ nghe là biết do người có văn hóa đặt ra. Ít nhất thì trong tên của hai bang phái này không xuất hiện các loài động vật, nào là ưng, hổ, hạc, báo, ngưu trâu, mã ngựa, thoạt nghe đã biết sẽ chẳng nên cơm nên cháo gì rồi. Đệ tử Thiếu Lâm ngoài việc tập võ, tụng kinh, còn được truyền dạy những kiến thức sơ đẳng như trong các trường tiểu học, kém nhất thì cũng đạt tới trình độ về cơ bản xóa mù chữ. Bất luận thế nào, cũng rất hữu ích, bởi mấy vị đại hiệp đến sớm nhất, nghe nói khi đi qua nơi đây đều không dừng lại. Nếu họ có thể đọc ra ba chữ “Hạ Tuyết Sơn” treo cao trên dịch trạm này sẽ không phải băn khoăn vắt óc dưới núi Tuyết Sơn không có lấy một bóng người kia.

Tôi bất giác cảm thấy hiếu kỳ trước võ nghệ của vị lực sĩ Đông Dương này, đoạn nói: Anh ta to lớn thế, lẽ nào có thể né tránh được các loại ám khí tinh hoa nhất của nước ta?

Người bên cạnh tôi nói: Đừng nhắc tới nữa, lần này không cho dùng ám khí, một là sợ gây sát thương với người khác, hai là sợ cuộc tỉ thí kém thú vị, về sau sẽ không có ai đến xem nữa. Suy cho cùng cũng phải có thu nhập để còn làm kinh phí hoạt động chứ. Vả lại, võ công là đại tông phái, ám khí chỉ là một phân chi. Nghe thấy bảo cuộc tỉ thí lần này phải tránh như lần trước, phải coi đại tông phái làm trọng.

Tôi nói: Chẳng trách, vậy lẽ nào Ngô chột không dùng cước pháp vô địch của y?

Những người xung quanh đều là lũ lượt cảm thán: Đừng nhắc tới nữa, vì đại hội lần này, Ngô chột hôm nào cũng dậy sớm luyện tập tới đêm, thế là tẩu hỏa nhập ma, hôm trước đột nhiên không bị chột nữa.

Tôi và Hỷ Lạc thốt lên: Cuối cùng thì hai mắt đều thấy rõ rồi à.

Người kia vỗ đùi, ngậm ngùi nói: Giời ơi, mù cả hai mắt rồi.

Tôi sững sờ, hỏi: Vậy làm sao mà lên đả lôi đài được?

Người kia nói: Đúng vậy, đấy thì người lên đầu tiên chính là lực sĩ Đông Dương này, người khác đều không lên, bởi thấy thân hình hắn to lớn quá, cho dù đánh thắng, cũng tiêu tốn không ít thể lực, nội lực, vậy nên chẳng có ai lên, ai nấy đều chờ nhau. Ngô chột không nhìn thấy gì, thế là lên đài, còn chưa chạm được vào người ta, đã bị đánh rớt đài rồi.

Tôi và Hỷ Lạc không ngừng chẹp miệng.

Tôi hỏi: Vậy có còn ai lên đài nữa không?

Người bên cạnh nói: Nhiều chứ, đánh liền tám người rồi.

Tôi nói: Tám người. Có những ai vậy?

Người bên cạnh nói: Những kẻ chưa có tên tuổi thì miễn bàn, múa may được mấy chiêu rồi thằng thì rớt đài, thằng thì gãy chân tay. Có chút danh tiếng hơn thì có Trương Hiến Long ở phái Liêu Sơn.

Tôi nói: Trương Hiến Long tiền bối chẳng phải được gọi là Thiên hạ đệ nhất khoái Long my bảo kiếm đó sao?

Người bên cạnh trả lời: Đúng vậy.

Tôi lại hỏi: Vậy sao lại thua nhỉ? Vị lực sĩ này di chuyển chậm chạp, Trương Hiến Long lên thì tha hồ xẻo thịt, chẳng phải vậy sao?

Người bên cạnh nói: Đúng vậy.

Hỷ Lạc hỏi: Vậy tại sao lại thua?

Người bên cạnh nói: Có trách thì trách cái bản thân ông Trương Hiến Long này. Ông ta lên đài, lại nói với tên béo Đông Dương, “Ta nom ngươi không mang vũ khí, ta cũng sẽ không dùng thanh kiếm bén nhất giang hồ của ta nữa, sẽ trực tiếp dùng võ công của ta để lĩnh hội võ công của ngươi”. Thế rồi bị tên béo đè chết.

Tôi và Hỷ Lạc kinh ngạc nói: Trời, chết rồi sao? Trương Hiến Long cũng có bị chột đâu, làm sao lại để đè chết cơ chứ?

Người bên cạnh nói: Đúng thế, có trách thì trách cái ông này quá nhiều lời, nói xong lại còn quay xuống dưới khán đài, chắp tay nói: Tôi, Trương Hiến Long phái Liêu Sơn, chưa nói dứt câu đã bị tên béo chết tiệt này tung chiêu Di Lặc nằm kềnh, đè cho chết bẹp.

Tôi hỏi: Tên này sao không có đạo đức nghề nghiệp gì cả?

Người bên cạnh nói: Có trách vẫn chỉ có thể trách Trương Hiến Long nói nhiều, người kia nghe có hiểu gì đâu, nói nhiều như thế người ta lại tưởng ông khiêu khích, vậy thôi, nó xoay người đánh chết luôn.

Tôi hỏi: Vậy sao không có vị dũng sĩ nào bước lên?

Người đó nói: Những tên lợi hại đều muốn lên sau cùng, không thể hiển lộ bản thân quá sớm, bằng không có chiêu thức gì đều sẽ bị người khác biết hết.

Lúc này tôi mới nghĩ đến sự lợi hại của việc không có chiêu thức mà sư phụ từng nói.

Bấy giờ, vị lôi quản tiến lên phía trước nói: Còn có ai muốn khiêu chiến không?

Dưới khán đài nhao nhao tiếng nói: “Có! Có! Có!”

Song một hồi lâu vẫn không có ai lên.

Tên béo Đông Dương cứ đi đi lại lại trên lôi đài, đồng thời không ngừng lớn tiếng càu nhàu.

Lôi quản lại hỏi lần nữa: Có ai không? Không có ai thì chúng tôi tuyên bố minh chủ nhé!

Dưới khán đài lại nhao nhao lên: Giết nó đi!

Một người khác nhảy lên lôi đài, nói lớn: Tôi là Vương Trung Nhân phái Võ Đang, xin được lĩnh giáo! Nói đoạn liền giở thế võ Thái Cực quyền.

Võ Đang sớm có Thái Cực quyền, về sau dần mở rộng, mọi đường đánh đều trở nên thành thục, song cái ngón Thái Cực này chỉ có người tập luyện công phu mới đánh được, học hành không đến nơi đến chốn sẽ hết sức vớ vẩn, bởi lẽ Thái Cực chú trọng vào việc dùng nhu khắc cương, song cái gọi là nhu, nhất định phải được xây dựng trên cơ sở cương, bằng không đàn bà con gái đầu đường cuối phố đã đều tập Thái Cực rồi. Vương Trung Nhân trong Võ Đang thuộc hàng nguyên lão, là một trong những bậc thầy cấp cao của tất cả học trò, quyền cước xuất quỷ nhập thần, nên đương nhiên không hề dè sợ tên tiểu sinh văn nhược này.

Nói đoạn, anh chàng kia liền dùng một quái chiêu, chiêu thức chỉ có phái Nga My mới có, Vương Trung Nhân không chú ý, bị dính một trảo, bất giác lùi sau ba bước.

Mọi người kinh ngạc, rì rầm chỉ trích chàng trai trẻ tuổi nói năng hàm hồ, y rõ ràng là người của phái Nga My, chàng trai nghe thấy vội giở thế Thái Cực, mọi người lại kinh ngạc, không thốt ra lời nào nữa.

Công lực của hai người gần như ngang cơ, khó phân cao thấp, khó có thể ức đoán, lúc này, Vương Trung Nhân quát: Chắc chắn ngươi đã từng học ở Võ Đang.

Chàng trai nói: Chưa từng, tại hạ chỉ cần nhìn là biết.

Vương Trung Nhân nói: Nói láo, trọng tâm của Thái Cực là tâm thuật, tâm thuật không thể học được.

Chàng trai nói: Tại hạ thấy, tất cả võ công đều nằm ở độ nhanh chậm, tâm thuật là thứ vô dụng.

Dưới khán đài lại nhao nhao lên nói: Nói ít thôi, mau đánh nhau đi!

Hai người quyết định dùng binh khí. Điều khiến mọi người kinh ngạc là, anh chàng kia quyết định sử dụng côn Thiếu Lâm. Dưới khán đài một lần nữa bị kinh động. Màn múa kiếm của Vương Trung Nhân quả không tồi, song vì một thời gian dài dạy dỗ học trò, nên đã hình thành nên một thói quen không tốt, cứ sau mỗi chiêu khó, ông ta lại dừng lại xem học sinh có thấy rõ hay không. Nhân sơ hở đó, chàng trai vô danh lập tức nện cho ông ta ngất lịm. Mọi người đều hết sức thương tiếc, song điều này chứng tỏ Vương Trung Nhân thực sự là một người thầy giỏi từ trước tới nay đều không giành được thắng lợi trong các cuộc thi đấu chính thức.

Sau đó một học trò của Vương Trung Nhân lại nhảy lên, song chưa được mấy chiêu đã bị đánh rớt xuống. Mọi người đều chờ đợi cao thủ thực sự xuất hiện.

Đột nhiên, một luồng sáng đen bay vụt lên từ trong đám đông, vọt lên cao quãng sáu trượng, nhảy thẳng lên lôi đài.

Tôi chợt nhận ra, người đó, chính là sư phụ Huệ Nhân, vị sư phụ nổi tiếng nhất của chùa Thông Quảng thuộc Thiếu Lâm.

Người đã khơi dậy ký ức của tôi.

Hồi tôi còn nhỏ, sư phụ Huệ Nhân chùa Thông Quảng thường tới chùa chúng tôi truyền dạy tâm kinh. Bấy giờ mọi người đều được truyền dạy kỹ, bởi võ công của Huệ Nhân sư phụ có thể coi là đại diện cho đẳng cấp cao nhất của võ công Thiếu Lâm, bất kể quyền pháp, thoái pháp, côn pháp sư phụ đều tinh thông. Bấy giờ ở Trường An, người thay mặt cho Thiếu Lâm ra nghênh chiến chính là Huệ Cảnh, đồ đệ của Huệ Nhân sư phụ. Thiếu Lâm xưa nay đều cảm thấy xét về mặt võ công, Võ Đang quả thực không thâm hậu, vậy nên mấy vị cao thâm lợi hại nhất đều không lộ diện. Ai ngờ, lần này Thiếu Lâm xảy ra đại sự, đã bức vị sư phụ Huệ Nhân cả đời đạm bạc này tới đây.

Công phu nổi tiếng nhất trong giang hồ của sư phụ Huệ Nhân chính là khinh công. Chúng tôi từ nhỏ đã được nghe nói đến, khinh công của sư phụ Huệ Nhân có thể nói là chỉ cần nhún nhẹ chân, tòa lầu ba tầng tối với sư phụ chỉ là chuyện nhỏ. Vậy nên chúng tôi rất hiếu kỳ về việc này, luôn bám riết sư phụ đòi học khinh công, song đều không được toại nguyện, có lẽ do chúng tôi không đủ nhẹ. Sư phụ tôi thường bảo với tôi rằng không có thuật khinh công đâu.

Song tôi và sư huynh Thích Không vẫn tin chắc rằng khinh công có thật.

Nhắc đến sư phụ Huệ Nhân là nhắc tới khinh công, trong giang hồ thì đồn đại ông chỉ cần nhún chân một cái thì nhảy được độ cao tương đương ba tầng lầu là chuyện nhỏ.

Rồi đến một ngày, cuối cùng tôi cũng lấy hết dũng khí hỏi sư phụ Huệ Nhân xem có phải như vậy không.

Sư phụ Huệ Nhân cười ha hả nói: Đúng vậy. Họ nói không sai đâu.

Tôi hỏi: Vậy sư phụ mất bao lâu thì nhảy lên được ạ?

Sư phụ Huệ Nhân xua tay nói: Ồ, ý ngươi là nhảy lên à, ý ta là nhảy xuống là chuyện nhỏ, nhảy xuống thì rất nhanh, vù một cái là xuống thôi, song phải tĩnh dưỡng ba tháng mới nhảy được một lần.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3