Trường An Loạn - Chương 18

Mọi người nói, đó là do thiên tử phạm sai lầm, ông trời mới trút cơn giận lên đầu bá tánh. Tôi thì nghĩ, triều đình chẳng lầm chẳng lỗi gì hết. Là do vấn đề của lần này đã không thể giải quyết được nếu chỉ dựa vào việc mở quốc khố. Lượng mưa nửa năm đến giờ vẫn chưa ngừng. Còn tôi chỉ ở trong căn nhà rách nát ở một góc phố Trường An, đối diện với đống binh khí chất đầy phòng, đợi ông lão về nói cho tôi biết một số việc. Căn phòng này rất lâu rồi không có người qua lại, đâu đâu cũng là mạng nhện. Chắc ông lão đã chết vì tuổi già.

Ra khỏi căn nhà, nghe thấy đầy đường những tiếng rên xiết, đều là những người đói, người bệnh, chốc chốc lại có thể thấy người chết. Mọi người đều cố đoán xem liệu có phải đất nước này sắp toi rồi không. Tôi nghĩ chắc không phải vậy, bởi triều đình dẫu có bại hoại đến thế nào đi nữa thì vẫn là triều đình, muốn thay đổi triều đại thì phải có người lật đổ, nhưng hiện giờ thì ai nấy đều đói đến nông nỗi này, những kẻ được ăn sung mặc sướng duy nhất chính là những kẻ trong cung.

Trường An còn như vậy, tôi nghĩ có lẽ tôi phải quay về nơi trú ngụ. Ở đó còn có người đợi tôi.

Hai năm trước, tôi và Hỷ Lạc mang không ít của cải tới ngoại ô thành Trường An. Ở sâu trong một cánh rừng có một nơi Hỷ Lạc vừa thấy đã ưng ngay, bởi ở đó bỗng nhiên có một con sông chảy ngang qua, chạy dọc bên sông là một trảng cỏ rộng lớn. Hỷ lạc nói: Muội thấy nơi này rất tuyệt.

Tôi nói: Muội phải nghĩ cho kỹ, một nơi có tuyệt hay không, không phải cứ nói được vào ban ngày là xong, hằng đêm chúng ta đều phải ngủ lại đây, cho nên muội phải chắc chắn rằng ban đêm muội có sợ hay không.

Hỷ Lạc nói: Võ công của huynh cao cường như vậy, muội sợ gì chứ?

Tôi nói: Võ công của huynh không cao cường đâu, chẳng qua thanh kiếm này bén thôi.

Hỷ Lạc nói: Sao vậy, nững lời bán tán nghe được lúc ăn cơm mà huynh vẫn để trong lòng à.

Tôi nói: Thực ra huynh luôn muốn vứt thanh kiếm này đi, nhưng lòng huynh lại không muốn vứt. Điều này thực sự rất mâu thuẫn, bởi đó đều là suy nghĩ trong lòng dù sao cứ giữ lại để chẻ củi cũng được.

Hỷ Lạc nói: Từ nhỏ muội đã ở bên huynh, song muội không hề biết huynh đang nghĩ gì.

Tôi nói: Đúng vậy, huynh cũng không biết huynh đang nghĩ gì, sư phụ nói, huynh là người họ tìm được dựa trên kinh sách nhà Phật, có rất nhiều điểm đặc biệt, bản thân huynh lại không hề cảm thấy như vậy. Huynh thấy mình là người không có tính cách rõ rệt.

Hỷ Lạc nói: Tại thời gian huynh ở trong chùa lâu quá, giờ thì huynh có thể nuôi dưỡng một số tính cách mà.

Tôi cười ha hả, nói: Trái lại, huynh cảm thấy hồi ở trong chùa huynh có tính cách rất rõ, có thể bởi mọi người khác đều không có tính cách rõ rệt. Nhưng sau khi xuống núi huynh lại phát hiện ra người trên giang hồ đều có tính cách rõ rệt. Huynh cảm thấy bản thân mình không hề có gì đặc biệt, mà càng ngày càng chẳng biết mình phải làm gì.

Hỷ Lạc nói: Người trên giang hồ mới là những người không có tính cách nhất, chẳng qua là quá ngốc nên mới khác người. Đàn ông các huynh thật phức tạp, có muội là đơn giản.

Tôi nói: Hỷ Lạc này, muội muốn làm gì?

Hỷ Lạc chỉ tay về phía bờ sông nói: Dựng một ngôi nhà ở đó.

Tôi nói: Muội chắc chắn chứ, không đợi đến đêm xem thế nào à?

Hỷ Lạc nói: Muội không muốn ở quán trọ nữa đâu, ở quán trọ đắt quá, mà lại không phải nhà của mình.

Tôi nói: Vậy huynh dựng nhé, nhưng không phải nói dựng là dựng ngay được đâu, vẫn phải ở trọ mấy bữa.

Hỷ Lạc nói: Huynh dựng đi, cứ có mục tiêu là được. Huynh trông con Lép kìa, nó cũng rất thích chỗ này đấy.

Con Lép đang chuyên tâm ăn cỏ.

Tôi nói: Thế này đi. Huynh cứ dựng cái khung đơn giản đã, muội không thích thì lại đổi kiểu, thích thì dần dần dựng lớn hơn, được không?

Hỷ Lạc nói: Được, được chứ, vậy bắt đầu luôn đi!

Tôi nói: Được, thanh kiếm này được dùng đúng chỗ rồi.

Nói đoạn, tôi nhìn cây cối xung quanh, rồi tự lẩm bẩm: Mình chặt cây nào trước nhỉ?

Hỷ Lạc nói: Cây kia kìa, kia kìa, cái cây to nhất í.

Tôi nói: Sư phụ từng bảo, cây đại thụ đều thành tinh cả rồi. Huynh thấy chặt cây này đi, đang sung mãn.

Vừa nói, tôi vừa rút kiếm nhằm thẳng vào thân cây, rồi nói "chính cây này".

Đang định chém thì cây đó liền đổ vật xuống.

Tôi và Hỷ Lạc ngây ra tại trận, con Lép khoái chí tung tăng chạy lên, gặm lá cây.

Tôi nói: Thanh kiếm này…

Hỷ Lạc nói: Giờ thì muội tin rồi, nó bén thật.

Tôi nói: Ông lão từng nói, khi huynh có sát khí thì nó rất nhạy.

Hỷ Lạc nói: Đối với cái cây mà huynh cũng tỏa ra sát khí à?

Tôi nói: Chẳng phải là muốn chém nó sao. Huynh vẫn chưa hiểu rốt cuộc sát khí là cái gì. Lần này có cơ hội đến Trường An phải hỏi ông lão xem sao, tầm này chắc ông lão đã quay về.

Hỷ Lạc nói: Huynh định đối phó với cái cây này thế nào?

Tôi nói: Đứng từ xa chặt.

Nói đoạn tôi vung kiếm, trong giây lát đất cát tung lên, phía trước mặt trở nên mù mịt.

Hỷ Lạc nói: Huynh ngắm chuẩn vào, chẳng nhìn thấy thứ gì hết.

Tôi và Hỷ Lạc lặng chờ bụi đất lắng xuống. Trong khoảng không gian mờ mờ ảo ảo, dường như tôi trông thấy có người đứng từ xa quan sát chúng tôi. Tôi nói: Ai đấy! Hỷ Lạc lập tức nép chặt vào tôi.

Dẫu bên kia không có tiếng đáp lại. Hỷ Lạc hỏi tôi: Không thấy gì à?

Tôi nói: Huynh trông thấy rồi mà. Mắt huynh không nhìn nhầm đâu. Huynh cảm giác đằng kia có một cặp mắt trừng trừng nhìn chúng ta.

Hỷ Lạc đột nhiên nghĩ ra điều gì đó, liền buông tôi ra, chạy vào trong đám cát bụi.

Tôi nói: Hỷ Lạc! Nguy hiểm đấy!

Hỷ Lạc chẳng buồn quay đầu lại.

Tôi lăm lăm tay kiếm, lập tức đuổi theo.

Chợt thấy Hỷ Lạc ôm con Lép, kiểm tra khắp cơ thể nó một lượt.

Hỷ Lạc trách tôi: Huynh xưa nay không hề coi những thứ muội thích ra gì, huynh xem huynh khiến nó sợ đến mức này.

Tôi nhìn con Lép, ánh mắt nó ngây dại, nhìn về phía kiếm khí phóng ra, đứng bất động.

Tôi nói: Không sao đâu, bình tâm một lúc là ổn thôi.

Hỷ Lạc nói: Chưa chắc đâu, kiếm của huynh bén như thế. Có khi nó xoay mình một cái là đứt đôi ấy chứ.

Tôi nói: Không thể nào đâu, muội xem.

Nói đoạn tôi bước lên đạp mạnh vào con lép một phát, con Lép lập tức gào réo không thôi.

Hỷ Lạc nhảy lên đánh tôi nói: Huynh làm cái gì thế?

Tôi nói: Để chứng minh nó vẫn còn sống.

Hỷ Lạc dắt con Lép sang một bên, nói: Chẳng hiểu vì sao, huynh cầm thanh kiếm này, trong lòng muội rất không yên tâm.

Tôi nói: Đúng đấy, huynh không cầm thanh kiếm này, trong lòng cũng rất không yên tâm.

Hỷ Lạc nói: Trước đây huynh toàn dùng quyền cước thôi mà.

Tôi nói: Đúng vậy, nhưng mà, vừa lợi hại, vừa thuận tiện vẫn là tốt nhất.

Hỷ Lạc nói: Huynh đi mà nói chuyện với cánh đàn ông, muội đưa con Lép ra bờ sông, huynh từ từ mà chặt.

Ba tiếng trôi qua, tôi hiểu ra rằng, ý nghĩa cuối cùng của thanh kiếm tuyệt thế vô song này chính là dùng để chặt cây, tôi không thể tưởng tượng nổi trong một thời gian ngắn như vậy đã có thể chuẩn bị đầy đủ số gỗ dùng để dựng nhà. Hỷ Lạc đã dựa vào con Lép ngủ. Tôi bỗng dưng mong muội ấy tỉnh dậy, căn nhà cơ bản đã cất xong. Có điều, vẫn chưa thể hoàn thành, bởi còn thiếu rất nhiều dụng cụ, cần phải vào thành mua.

Tôi hỏi: Hỷ Lạc, huynh phải vào thành mua ít đồ, nhanh thôi, muội thế nào bây giờ?

Hỷ Lạc nói: Muội và con Lép ở đây chơi, muội thích ở đây, không muốn rời đi đâu cả.

Tôi nói: Vậy được rồi, muội đợi một lát nhé.

Hỷ Lạc nói: Huynh phải cẩn thận đấy, đừng có rút kiếm bừa bãi nhé.

Tôi nói: Huynh để kiếm lại đây cho muội, nếu có sói hay con gì đó tới thì muội có thể dùng để phòng thân.

Hỷ Lạc hỏi: Ở đây có sói à?

Tôi nói: Chưa chắc. Nhưng huynh mà là sói thì huynh sẽ ở đây.

Ánh mắt của Hỷ Lạc lộ rõ sự lo lắng.

Chỉ một chặng đường đi và về đơn giản, chừng hai tiếng đồng hồ, tôi đã mang về không ít đồ ăn. Năm nay được mùa, trên phố đồ ăn gì cũng có, lại rất rẻ. Khắp nơi là một bầu không khí hân hoan tươi tắn. Thế nhưng tôi nghe được một tin hãi hùng rằng: vị minh chủ võ lâm mới vừa được bầu ra đã bị hại chết. Triều đình nói, đây là việc lập đảng bất hợp pháp, phải bắt lại ngay, thế nhưng việc bắt bớ bị cản trở, bảo rằng muốn bắt minh chủ thì phải thông qua sự đồng ý của ba đại bang phái trong võ lâm, huống hồ minh chủ lại không ở Tuyết Bang vân vân, sau đó toàn bộ người trong Minh Chủ đường, dường như bao gồm cả vị minh chủ trẻ tuổi kia, trong một đêm đều bị trúng độc chết.

Tôi nghĩ, lại là vụ đầu độc trong một đêm.

Tôi đột nhiên nhớ đến lời Vạn Vĩnh nói. Nội tình thực sự rất phức tạp. Song tôi chỉ biết sau đó Vạn Vĩnh làm minh chủ, triều đình không tới bắt bớ nữa.

Minh chủ thực sự là một công việc chẳng thể vun vén mọi mặt được, chẳng qua có cái tên dễ nghe mà thôi, tôi nghĩ vậy. Tôi bất chợt cảm thấy nhẹ nhõm, liền cúi đầu ra khỏi thành, chỉ sợ những người tới xem tỉ thí hôm xưa phát hiện ra vị cựu minh chủ đang địu một túi đồ ăn không biết đi về phương nào. Tôi nghĩ, coi như tôi đã chết rồi vậy, dường như còn dễ nghe hơn việc tôi đi sống cùng với một cô nương. Mặc dù Vô Linh cũng như vậy.

Trời mùa đông rất chóng tối. Tôi hơi sốt ruột, không biết Hỷ Lạc một mình trong rừng rậm có sợ phát khiếp không. Cũng may đây không phải cánh rừng lớn lắm.

Tôi rảo bước quay lại trước bìa rừng, chợt nhận thấy mọi thứ khủng khiếp hơn mình tưởng tượng, bởi lẽ bỗng nhiên có một làn sương mỏng.

Ngay sau đó, tôi bị lạc đường.

Tôi chợt nhớ trước đây từng nghĩ không biết phải chôn Hỷ Lạc ở đâu, bỗng thấy rùng mình, vội lao như điên dại trong rừng, không hề cảm thấy có chút hơi lạnh nào cả. Tôi nghĩ, chỉ cần tìm tới dòng sông là được. Song bất luận tôi chạy thế nào, cảnh vật trước mắt tôi dường như vẫn như vậy, ngay bản thân tôi cũng thấy sợ hãi, tôi bất giác rờ xuống nơi giắt kiếm, nhưng lại sực nhớ ra tôi đã đưa thanh kiếm cho Hỷ Lạc.

Tôi chạy mỗi lúc một nhanh, đột nhiên cảm thấy có gì đó bất thường. Tôi ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy bầu không khí trước mắt bỗng nhiên tách ra, đồng thời có một luồng khí màu đỏ nhạt ập xuống người. Đó là gì vậy, tôi băn khoăn chưa có lời giải đáp.

Thế nhưng trước mắt tôi có một cây đại thụ, tôi muốn xem xem luồng khí đó chạm vào cây sẽ có phản ứng thế nào. Còn chưa nhìn được rõ, cái cây đã bị chẻ làm đôi, tôi đột nhiên hiểu ra đó là do thanh kiếm của tôi. Hỷ Lạc chắc ở ngay phía trước mặt.

Tôi gào lên gọi: Hỷ Lạc! Đồng thời né người tránh kiếm.

Nhưng đã quá muộn rồi, tôi cảm thấy bản thân mình rất chậm chạp. Một thứ lạnh lẽo vừa xuyên qua người tôi, kéo theo tiếng hét thất thanh của Hỷ Lạc.

Tôi bất chợt hiểu ra, chắc tôi sắp chết ngay bây giờ.

Tôi thấy Hỷ Lạc đứng yên một chỗ, thanh kiếm rớt xuống đất. Không ngờ tôi lại phải chết thế này, tôi như thể chưa hoàn thành được công việc gì, chỉ vừa bị mọi người đùa bỡn một hồi.

Cái chết rốt cuộc là thứ gì, nó luôn tồn tại ở quanh chúng ta, gắn liền với sự sống, cả hai cùng tồn tại nhưng lại là hai trạng thái mâu thuẫn. Có điều Hỷ Lạc, muội ấy sẽ thế nào, tôi nghĩ, muội ấy chắc sẽ không thể sống tiếp được. Bởi tôi đã chết rồi. Đó là một nhẽ, thứ đến, còn vì tôi bị chính muội ấy giết chết.

Xung quanh lại yên lặng như trước. Tôi nghĩ bụng, sao tôi vẫn còn suy nghĩ miên man vậy nhỉ, quá trình chết này thật là rất dài. Trong tưởng tượng của tôi thì lẽ ra tôi đang đứng bên cạnh nhìn cơ thể mình vừa bị chia thành hai nửa mới phải.

Một lúc lâu sau, tôi vẫn chưa chết. Ngay cả Hỷ Lạc cũng đã tỉnh táo lại, lao về phía tôi òa khóc không ngừng. Tôi cử động chân tay, ôm lấy Hỷ Lạc, cảm thấy chắc đã qua thời điểm cơ thể đứt đôi, bằng không thì quá khủng khiếp. Hỷ Lạc sẽ không phải tự sát nữa. Hiện trường có lẽ sẽ rất kinh khủng, bởi một người sớm tối bên mình đột nhiên bị xẻ đôi ngay trước mặt, mỗi con mắt ở một bên đau đáu nhìn mình.

Hỷ Lạc đã không thể nói chuyện được một cách bình thường, cô kể lể ngắt quãng rằng cô đã rất sợ ở lại đây một mình thế nào, và may mà đường kiếm chẻ xuống đã chệch, bằng không muội ấy sẽ tự sát ngay lập tức, đại loại như vậy.

Trong lòng tôi thầm nói: Hỷ Lạc ơi, đường kiếm này rất chuẩn, bản thân huynh cũng không chém chuẩn như thế, có phải muội lén tập kiếm hay không? Kiếm khí nhằm đúng từ mũi chẻ xuống, nếu huynh chết, không chỉ mỗi bên một con mắt đâu, mà mỗi bên còn có một lỗ mũi, ngay cả răng cũng rất đối xứng, thực sự không hề lệch chút nào.

Vậy mà tôi không chết, có lẽ chính bởi người chém tôi là Hỷ Lạc.

Một hồi lâu, tôi hỏi Hỷ Lạc: Ở đây có sợ không? Chúng ta chuyển tới một nơi phồn hoa hơn nhé, vẫn phải tính đến ban đêm.

Hỷ Lạc nói: Không sợ đâu. Ban đêm muội có thể tưởng tượng ra lúc tươi đẹp của ban ngày. Vả lại, ban đêm muội ở cùng huynh, huynh đi đâu muội theo đấy. Nhà chỉ cất một gian, ở đâu cũng nhìn thấy nhau được.

Tôi nói: Được.

Hỷ Lạc đột nhiên run người.

Tôi nói: Muội lạnh à. Huynh mua quần áo cho muội đây này.

Chúng tôi đốt lửa trại, trải qua đêm đông giá buốt.

Tôi nghĩ, thực ra lửa trại có thể dập đi, bởi dường như ôm nhau đã rất ấm áp, nương tựa nhau đã có thể sinh tồn. Song tôi cứ luôn cảm thấy mình như đang dựa dẫm, đang đối diện với người mẹ hoặc người chị của mình. Tôi nghĩ đây là cảm giác chân thực, song như vậy là có lỗi với Hỷ Lạc.

Điều này cũng không cần thiết phải nói cho Hỷ Lạc biết. Không chia không lìa chính là cản giới cao nhất của tình cảm nam nữ. Chẳng qua nó chia làm nhiều loại, hoặc nhiều quá trình mà thôi. Đối với tôi và Hỷ Lạc, điều này đã không còn là quá trình nữa, mà là kết quả.

Ngày hôm sau.

Phong cảnh bỗng nhiên trở lại với vẻ yên bình tượi đẹp. Không thể tưởng tượng nổi ban đêm lại có nhiều bóng cây âm u múa máy hãi hùng. Cùng một sự vật, chẳng qua môi trường thời gian có chút thay đổi, mà đã khác nhau đến vậy. Song bất luận thế nào, có con mắt của tôi, có thanh kiếm của tôi, có sức mạnh của tôi, có con ngựa nhỏ như con chó hễ gió lay cỏ động là lại kêu hí không ngừng của chúng tôi, còn có căn nhà một gian vững chải nữa, ở trong thành hay ở ngoài rừng cũng đều như nhau mà thôi.

Ngày thứ bảy. Căn nhà cuối cùng cũng cất xong. Do không có kinh ngiệm dựng nhà, nên đứng từ xa nhìn lại trông nó như một cái quẩy dài, tôi nghĩ, kể cả kẻ xấu đang đêm có tới đây, đột nhiên nhìn thấy một cỗ quan tài lớn đến vậy ở nơi khỉ ho cò gáy này, chắc chắn sẽ chết khiếp. Có điều trời mưa thì làm thế nào, nước thoát theo đường nào đây?

Hỷ Lạc có ý rằng, không cần phải nghĩ ngợi nhiều đến thế, trời mưa thì xả nước từ trong ra. Chỉ cần giường khô là được.

Tôi dựng một chái nhỏ ở ngay bên cạnh thông với căn nhà để cho con Lép ở. Hỷ Lạc rất hài lòng vì việc này, cảm thấy cuối cùng thì tôi cũng coi trọng muội ấy, bởi đã coi trọng con ngựa của cô.

Hỷ Lạc nói: Mong sao trời cứ không mưa mãi.

Không ngờ, lời nói của Hỷ Lạc lại trở thành một lời nguyền. Bấy giờ thực ra đã bắt đầu một đợt đại hạn hán.

Cuộc sống của tôi và Hỷ Lạc rất yên ổn, mỗi tuần chúng tôi đều vào thành mua rất nhiều thức ăn mang về. Các món muội ấy nấu trước nay đều rất ngon, đây cũng chính là nguyên nhân vì sao tôi ở lại đó lâu. Tôi dần dần cảm thấy đây là căn nhà tốt nhất, còn ngoài kia là cuộc sống nhân gian lạnh giá băng buốt.

Hằng ngày chúng tôi đều không có việc gì làm, nên không thể không nghĩ ra đủ thứ chuyện để tiêu tốn thời gian, đây thực sự là việc làm rất thú vị. Ví dụ như cắt tỉa mớ lông dài của con Lép thành muôn hình muôn dạng, bỏ ra ba tháng để dạy con Lép làm thế nào ngậm đem về những thứ chúng tôi vứt ra, chỉ hiềm không thể đích thân thị phạm dạy con Lép vẫy đuôi. Tóm lại kiểu như cho con Lép đóng các vai khác nhau. Tôi nghĩ đối với nó, nó không hề đau khổ, còn đối với Hỷ Lạc, thì đó là niềm vui bất tận. Tôi từng đề nghị vào thành mua một con chó đem về. Hỷ Lạc kiên quyết không đồng ý, cho rằng làm như vậy là hạ thấp mức độ yêu thương đối với con Lép, làm như vậy là không có nhân nghĩa. Bởi đây là con ngựa đã cùng chúng tôi trải qua biết bao nguy khó mà không hề chùn bước. Tôi cho rằng, nó chẳng qua bị ép buộc, không có cách nào khác nên như vậy mà thôi.

Nơi bán con Lép cũng đã bị phá hủy ngay khi Thiếu Lâm bị tiêu diệt.

Ngoài ra, hằng ngày tôi và Hỷ Lạc còn chế tạo ra các loại cạm bẫy khiến kẻ địch giả tưởng đến xâm phạm phải rơi vào khốn cảnh. Tuy nhiên việc này thực sự chẳng thú vị chút nào, ít nhất đối với tôi. Bởi lẽ Hỷ Lạc luôn đưa ra ý tưởng, và tôi là người đã thực hiện, đại loại như việc đào một cái bẫy sâu quãng chiều cao của hai người cộng lại. Chuyện đó còn chưa nhằm nhò gì, tôi còn phải giả bộ rơi xuống, bởi Hỷ Lạc chưa từng thấy bộ dạng của một người rơi xuống bẫy trông thế nào. Song những điều này cũng không có gì đáng bàn, bởi hằng ngày muội ấy đều giúp tôi làm những món ăn rất ngon, xem tôi luyện kiếm và giặt giũ mọi thứ quần áo.

Cuộc sống nhàn hạ quá cũng không hay, chúng tôi bắt đầu thi cắt cỏ chất thành hai đụn, sau đó thả con Lép ra, đồng thời đánh cược xem nó sẽ ăn đụn cỏ nào.

Tôi nhận ra, dường như con người hoàn toàn không có nguyên tắc như tôi đã có một chút thay đổi. Có một lần, Hỷ Lạc bảo tôi đóng giả làm Lưu Nghĩa của phái Võ Đang, đồng thời dắt theo con Lép. Sau đó cô nàng lần lượt đóng giả thành chưởng môn các phái Thiếu Lâm, Phi Ưng, Nga My, Cái bang, bỏ ra ngàn vàng để mua con ngựa này. Hỷ Lạc diễn cảnh đối thoại giữa những người đó.

Lúc ấy tôi định nói: Họ còn lâu mới làm việc vô vị như vậy.

Song lại buộc miệng nói thành: Việc họ làm thật vô vị.

Hỷ Lạc nói: Huynh chỉ việc bán con Lép sao?

Tôi nói: Không phải.

Mặc dù trong con mắt người giang hồ, thì lúc này tôi dường như vô vị hơn nhiều.

Tôi nghĩ, cuộc đời dài rộng, tự tìm được niềm vui trong đó là được. Câu nói này dường như na ná như câu nói "cuộc đời ngắn ngủi, hành lạc kịp thời" mà rất nhiều người trong giang hồ vẫn tin theo. Có điều, đời người rốt cuộc ngắn ngủi khổ đau hay ngày rộng tháng dài, vấn đề này rất có tính triết học. Song, tôi cứ đơn giản cho rằng điều này được quyết định bởi đương sự sống được bao lâu.

Cuộc sống tiếp diễn như vậy, cho đến một hôm thì bị xáo trộn. Tôi không nhớ lúc bấy giờ chúng tôi đang làm gì, bởi việc tôi và Hỷ Lạc làm quả thực rất nhiều, có điều đột nhiên Hỷ Lạc ngất lịm, ngã lăn ra mặt đất. Lúc ấy tôi rất sốt sắng, nghĩ ra rất nhiều cách để khiến muội ấy tỉnh lại. Sau đó hỏi Hỷ Lạc: Muội làm sao vậy?

Hỷ Lạc nói: Muội không biết, đột nhiên chẳng biết gì cả.

Tôi nói: Chúng ta phải lập tức tới Thành Thọ đường, hiệu thuốc tốt nhất trong kinh thành khám bệnh mới được.

Hỷ Lạc nói: Muội không sao đâu, muội thấy chắc do ngồi sổm lâu quá thôi. Chúng ta phải tiếp tục sống thế này, cần tiết kiệm ngân lượng, không được lãng phí.

Tôi nói: Không sao đâu, huynh có thể đi kiếm tiền.

Hỷ Lạc nói: Không được. Huynh mà đi, chắc chắn sẽ bị phát hiện, rồi lại gây nên nhiều sóng gió. Giờ ta còn không biết người bên ngoài đã nói gì về huynh.

Tôi nói: Bất kể thế nào, lần sau vào thành, nhất định phải tới Thành Thọ đường.

Thời gian sau đó, Hỷ Lạc dường như luôn giả bộ rất khỏe mạnh, khi vào thành càng tỏ ra vô cùng hoạt bát nhanh nhẹn, khiến tôi sau khi rời thành mới nhớ đến việc phải đi khám bệnh. Hỷ Lạc cứ đùn đẩy nói, đã ra khỏi thành thì thôi. Tôi cố ép kéo Hỷ Lạc tới Thành Thọ đường. Ông thầy lang vừa bắt mạch liền nói: Chúc mừng hai vị! Có tin vui rồi!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3