Truyện ngắn Anton Pavlovich Chekhov - Chương 06

Chúng tôi ôm nhau, sụt sịt khóc một chút, phần vì mừng quá, phần thì buồn rầu nghĩ rằng mới ngày nào còn trẻ trung mà bây giờ cả hai tóc đều đã lốm đốm bạc, chẳng mấy chốc là đến lúc chết rồi. Anh ta mặc quần áo vào rồi dẫn tôi đi xem trang ấp của mình.

- Thế nào, chú sống ra sao? –Tôi hỏi.

- Nhờ trời, không đến nỗi nào, cũng thoải mái anh ạ.

Đây không còn là chàng viên chức nghèo rụt rè ngày xưa, mà đã là một điền chủ thực sự, một ông bá hộ. Anh ta đã sống quen ở đây, quen với nếp sống nhàn nhã mới, ăn rất nhiều, tắm trong nhà tắm, người dần phát phì ra, đã có chuyện kiện cáo với những kẻ giàu sang trong vùng và với hai nhà máy bên sông; mỗi lần nông dân không thưa gởi với chú ấy bằng chữ “bẩm ngài” thì chú ấy nổi giận thật sự. Chú ấy cũng biết lo đến nơi đến chốn cho phần hồn của mình, theo lời người giàu; và chú ấy làm những việc từ thiện không phải là một cách giản đơn mà đầy vẻ hệ trọng. Những việc từ thiện là việc gì? Là chữa các thứ bệnh cho nông dân bằng nước xô-đa, bằng dầu thầu dầu, vào những ngày thánh trùng tên với mình thì làm lễ tạ ơn ở giữa làng, rồi sau đó cho đem đến nửa thùng rượu và nghĩ rằng cần thiết phải làm thế. Chao ôi, những thùng rượu nửa vời như thế thật là khủng khiếp! Hôm nay ngài địa chủ béo bự lôi đến nhà hội đồng hương chính bắt vạ những người nông dân vô ý để ngựa ăn lúa, thế mà hôm sau, vào ngày lễ, ngài ấy đã đem đặt giữa sân một thùng rượu lưng lưng, và những người nông dân xúm vào uống, miệng kêu gào tung hô ông chủ, say mềm phủ phục dưới chân người làm phúc! Cuộc sống thay đổi theo chiều hướng đầy đủ hơn, sự no nê, nhàn rỗi -những cái đó đã làm tăng lên trong con người Nga cái tính hợm hĩnh tự phụ, điều đáng ghê tởm nhất. Anh chàng Nhicôlai xưa kia, hồi còn làm ở bàn giấy sở thuế, nhút nhát đến mức không dám có ý kiến riêng, bây giờ thì lại chỉ nói rặt những điều chân lý, với cái giọng hệt như ngài bộ trưởng, đại loại: “Học thức là cần thiết, nhưng đối với dân chúng thì hơi sớm”. “Nhục hình nói chung là có hại, nhưng trong một vài trường hợp thì nó cũng giúp ích và không thể thay thế được.

- Tôi hiểu đám dân chúng và biết cách đối xử với họ -anh ta nói-. Dân chúng kính nể tôi. Tôi chỉ cần giơ ngón tay trỏ lên là bọn họ sẽ làm tất cả những gì tôi muốn.

Các vị nên để ý rằng, chú ấy nói những lời ấy với nụ cười ra vẻ thông minh và phúc hậu. Có đến hai chục lần tôi nghe thấy chú ấy nói: “những nhà quí tộc”; chắc hẳn là chú ấy đã quên mất rằng ông nội chúng tôi là nông dân, còn ông thân sinh vốn là lính. Thậm chí cả cái họ Trimsa-Ghimalaixki thực ra nghe cũng chẳng lấy làm gì thuận tai cho lắm, đối với anh ta bỗng trở nên thú vị, êm tai, nghe rất kêu và đầy vẻ quý phái.

Nhưng điều đáng nói là không phải về phần chú ấy, mà là về phần tôi.Tôi muốn kể cho các vị nghe những gì đã đổi thay trong tôi vào thời gian ngắn ngũi tôi đến thăm trang ấp. Buổi tối, khi chúng tôi ngồi uống trà, mụ đầu bếp bưng lên bàn cả một đĩa đầy quả phúc bồn tử. Đó không phải là của đi mua về, mà là của nhà hái lần đầu tiên kể từ khi những khóm phúc bồn tử được trồng sau vườn nhà. Nhicôlai ivanưts cười thích chí, rồi im lặng nhìn đĩa phúc bồn tử một lúc, ứa nước mắt –anh ta không thể nói được câu gì vì xúc động, lát sau anh ta đưa lên miệng một quả, nhìn tôi với vẻ đắc thắng của đứa trẻ cuối cùng đã có được thứ đồ chơi nó mơ ước và nói:

- Chà, ngon quá!

Anh ta ăn nghiến ngấu, luôn mồm nhắc lại:

Chà, ngon thật! Anh ăn thử mà xem!

Thứ quả ấy vừa cứng vừa chua, nhưng như Puskin đã nói: “bóng tối của chân lý còn đáng quý hơn là sự giả dối tâng bốc chúng ta”. Tôi đã nhìn thấy một người hạnh phúc, ước mơ ấp ủ bấy lâu đã biến thành sự thực, anh ta đã đạt được mục tiêu trong cuộc sống, đã có được cái mà anh ta muốn, đang thỏa mãn với số phận của mình, thỏa mãn với chính bản thân con người mình. Không hiểu vì đâu những ý nghĩ riêng của tôi về hạnh phúc con người bao giờ cũng pha lẫn buồn rầu; và đến lúc này, khi nhìn thấy trước mặt một con người thỏa mãn hạnh phúc, một cảm giác nặng nề gần như tuyệt vọng đã choán cả lòng tôi. Nhất là về đêm khuya. Người hầu soạn dọn chỗ ngủ cho tôi trong văn phòng bên cạnh giường ngủ của em tôi, và tôi nghe rõ anh ta trằn trọc không ngủ được, chốc chốc lại trở dậy, bước ra chỗ bàn đặt dĩa phúc bồn tử và nhặt từng quả đưa lên miệng. Tôi nghĩ rằng, quả thật đã có quá nhiều người thỏa mãn, hạnh phúc! Đó là cả một sức đè nặng ghê gớm! Các vị hãy thử nhìn kỹ vào cuộc đời này: sự đê tiện, nhàn hạ của những kẻ có quyền thế và sự u mê, lam lũ như súc vật của những người bị trị, chung quanh là cảnh nghèo khổ đến cùng cực, chật chội, tha hóa, rượu chè, nghiện ngập, đạo đức giả, dối trá…Thế mà trong tất cả các ngôi nhà, trên tất cả mọi đường phố vẫn im lặng, yên tĩnh; trong cả số năm mươi vạn người sống trong thành phố, không có lấy một người thét to lên, giận dữ. Chúng ta nhìn thấy những người đi chợ mua rau, mua thịt, ban ngày thì ăn, ban đêm thì ngủ, những người nói với nhau những lời vô vị vô nghĩa, lấy vợ, lấy chồng sinh con để rồi già đi, những người lặng lẽ và vô tư đưa người thân ra chốn nghĩa trang, nhưng chúng ta không nghe thấy, không nhìn thấy những người đang đau khổ, và dường như những điều kinh khủng trong cuộc sống chỉ diễn ra ở một nơi nào khuất kín. Mọi sự đều yên tĩnh, êm thắm, và chỉ có những con số thống kê câm lặng là biết phản đối: bao nhiêu người đã phát điên, đã uống hết bao nhiêu thùng rượu, bao nhiêu trẻ con bị chết yểu vì thiếu ăn…Và cái thứ trật tự ấy chắc là cần thiết; rõ ràng là kẻ hạnh phúc cảm thấy mình sung sướng chỉ vì rằng những người bất hạnh đã im lặng chịu đựng gánh nặng đè lên đầu, lên cổ mình; không có sự im lặng ấy thì không thể có hạnh phúc cho những người kia. Đó là một trạng thái mơ ngủ khắp nơi. Cần phải làm sao để cứ ở ngoài cửa buồng mỗi kẻ an nhàn, sung sướng có một người đứng cầm búa và luôn tay gõ vào cửa nhắc nhở rằng hiện đang có những người bất hạnh, rằng dù anh sung sướng đến đâu sớm hay muộn rồi cuộc sống cũng sẽ cho anh biết thế nào là móng vuốt của nó. Tai họa sẽ giáng xuống đầu anh, đó là nghèo đói, bệnh tật, thua lỗ, và sẽ không ai nghe thấy, nhìn thấy anh ta cũng giống như bây giờ anh ta không nhìn thấy, nghe thấy một ai khác. Nhưng không có ai cầm búa gõ, kẻ thỏa mãn vẫn sống bình yên, và những lo toan nhỏ nhặt ngoài đời chỉ làm tâm trí anh ta khẽ xao động như cành dương trước làn gió nhẹ -và vạn sự đều êm thấm cả.

- Vào đêm hôm ấy, tôi hiều rõ rằng, chính tôi cũng là một kẻ thỏa mãn, sung sướng -Ivan Ivanưts đứng dậy nói tiếp- Tôi cũng thuyết lý về cách sống, cách cai trị dân chúng, về đức tin trong bữa ăn và trong lúc đi săn. Tôi cũng nói rằng học thức là ánh sáng, rằng học thức là cần thiết, nhưng đối với quảng đại dân chúng thì bây giờ chỉ cần biết chữ thôi cũng được rồi. Tôi nói, tự do là một quyền lợi lớn, cần thiết như khí trời không thể không có được, nhưng cần phải chờ đợi mới có. Phải rồi, tôi đã nói như thế, và bây giờ tôi xin hỏi: vì lẽ gì mà phải chờ đợi như vậy? -Ivan Ivanưts hỏi, cáu kỉnh nhìn vào Burkin- Vì lẽ gì mà phải chờ đợi, tôi xin hỏi các vị. Vì những lý sự gì? Người ta nói với tôi rằng tất cả không phải là có ngay trong một lúc, mọi ý định trong cuộc sống đều được thực hiện dần dần, đúng lúc, đúng thì của chúng. Nhưng điều đó ai nói? Có gì chứng minh rằng điều đó là đúng? Họ viện vào cái gọi là trật tự tự nhiên của sự vật, vào tính quy luật của mọi hiện tượng, nhưng liệu có chút quy luật nào trong trường hợp nếu tôi, một người đang sống, biết suy nghĩ, đứng bên cạnh một cái hào và chờ cho nó tự lấp, hay là bùn lắp láp cho nó, trong khi tôi có thể tự nhảy qua hoặc là đặt qua nó một cái cầu? Và vấn đề là vì lẽ gì mà phải chờ đợi? Chờ đợi khi không còn sức để sống, trong khi cần phải sống và muốn sống!

Sáng sớm hôm sau tôi rời khỏi trang trại người em và từ đó tôi không thể nào chịu được mỗi khi phải ở trong thành phố. Sự im lặng, yên tĩnh, êm thấm chung quanh làm lòng tôi nặng trĩu, tôi sợ hãi không dám nhìn lên những khung cửa sổ, bởi vì đối với tôi bây giờ không có cảnh nào kinh khủng hơn là cảnh một gia đình yên ấm ngồi quây quần quanh bàn và uống nước chè. Tôi đã già, không còn sức tranh đấu, thậm chí tôi không còn sức để căm giận nữa. Tôi chỉ còn biết buồn bã trong lòng, bức bối, khó chịu, đêm đêm đầu tôi quay cuồng với những ý nghĩ theo nhau dồn dập đến, và tôi không thể nào ngủ được. Ôi, nếu tôi còn trẻ trung!

Ivan Ivanưts xúc động đi đi lại lại trong phòng và nhắc lại:

- Ôi, nếu tôi còn trẻ trung!

Bất ngờ, ông bước lại gần Aliôkhin, lần lượt nắm cả hai tay Aliôkhin và nói với giọng gần như cầu khẩn:

_ Paven Kônxtanchinưts! Đừng an phận, đừng để cho còn người mình mê ngủ! Bây giờ anh còn trẻ, khỏe, đầy nghị lực, hay hãy làm nhiều việc thiện, đừng mệt mỏi! Hạnh phúc không có, và không thể có, nhưng nếu trong cuộc sống có ý nghĩa và mục đích, thì ý nghĩa, mục đích đó chắc chắn hoàn toàn không phải ở trong hạnh phúc của riêng ta mà là ở một cái gì cao cả hơn, hợp lý hơn. Anh hãy cố làm nhiều điều thiện!

Tất cả những lời đó, Ivan Ivanưts nói với nụ cười đáng thương, đầy vẻ khẩn cầu, dường như anh nói những lời đó để khẩn cầu cho riêng mình.

Sau đó, cả ba người đều ngồi trong những chiếc ghế bành đặt ở góc khác nhau trong phòng khách, và cùng im lặng. Câu chuyện của Ivan Ivanưts không làm cho Burkin, không làm cho Aliôkhin cảm thấy thỏa mãn chút nào. Khi mà những vị tướng, những bà mệnh phụ vào buổi chiều tà trông như người sống thực đang từ trên khung ảnh mạ vàng nhìn xuống gian phòng thì thật là buồn tẻ khi phải nghe câu chuyện về anh viên chức nghèo ăn phúc bồn tử. Không hiểu vì sao, trong khung cảnh ấy người ta muốn được nghe về những người đẹp đẽ, về những phụ nữ. Và cái mà tất cả- từ những chùm đèn treo đang phủ vải, đến ghế bàn, đến thảm trải dưới chân- đều nhắc nhở rằng nơi đây ngày xưa các bà, các ông đang nhìn từ trong khung cảnh dát vàng kia đã từng đi lại, ngồi uống trà, và cả cái điều rằng trước mắt ba người giờ đây, cô Pêlagâya xinh đẹp đang nhẹ nhàng bước đi, những điều ấy còn thú vị hơn cả mọi câu chuyện.

Aliôkhin cảm thấy buồn ngủ ghê ghớm; để lo việc đồng áng, ông ta đã dậy rất sớm, từ lúc 3 giờ sáng, và bây giờ mắt ông ta díu lại; nhưng sợ rằng, khi vắng mặt mình, nhỡ khách lại kể chuyện gì lý thú, nên ông vẫn ngồi nguyên, không bỏ đi. Những điều Ivan Ivanưts vừa nói có thông minh không, có đúng không, Aliôkhin cũng chẳng cất công nghĩ ngợi làm gì; các vị khách không nói về lúa má, rơm mạ, về nhựa thông, mà họ nói về một chuyện gì chẳng có quan hệ trực tiếp đến cuộc sống của ông, và ông thấy vui vui, muốn họ tiếp tục câu chuyện.

- Nhưng mà cũng đến giờ đi ngủ rồi đấy –Burkin, vừa đứng dậy vừa nói- Cho phép tôi chúc ông đêm nay ngủ ngon.

Aliôkhin chào khách rồi trở xuống buồng ngủ của mình dưới nhà, khách thì ở lại trên gác. Chủ dành cho khách cả căn buồng to với hai chiếc giường gỗ rộng đầy đường nét chạm trang trí, trong góc phòng có đặt bức tượng chúa Jêsu bị đóng đinh câu rút bằng ngà voi; khăn gối mát dịu mà cô Pêlagâya xinh đẹp vừa soạn dọn tỏa ra mùi thơm tho, sạch sẽ.

Ivan Ivanưts lặng lẽ cởi quần áo ngoài và nằm xuống giường.

- Xin các đấng bề trên tha tôi cho chúng con! –ông lâm râm nói và lấy chăn che kín đầu.

Từ cái tẩu cháy dở của ông đặt trên bàn tỏa ra một mùi thuốc lá khen khét; rất lâu Burkin không ngủ được, không biết cái mùi khen khét khó chịu đó ở đâu ra.

Ngoài song cửa sổ, mưa vẫn đều đều rơi suốt đêm.