Ở nơi nào có cây dẻ gai - Chương 11 - 12

Chương 11

Vũ trở về thành phố vào buổi sáng ngày hôm sau. Cô gái sofa gật đầu với anh rồi chui lên xe ngồi trước, ngả đầu vào cửa sổ, kéo khăn lên che mặt trong lúc anh tạm biệt mọi người. Chiếc xe vắng khách trồi lên thụp xuống trê con đường gập ghềnh, Vũ chập chờn trong giấc ngủ với hình ảnh những tán lá xao xác, đôi mắt cô hàng xóm bất động nhìn về phía trước và mảnh trăng khuyết như dấu móc mờ nhạt trên bầu trời đêm, dường như với nó, bầu trời chỉ là một điểm treo tạm bợ.

Sáng hôm đó Vũ có lớp dạy riêng với EJ. Hôm nay Vũ dạy EJ cách pha chế các loại mắm dùng cho món ăn mà cậu muốn học, sau đó dẫn EJ đi chợ để cậu tự tay mua tất cả các loại mắm cho mình.

Vũ nhớ lại lần đầu tiên gặp mặt, EJ đã bụm miệng muốn nôn khi Vũ mở lọ mắm tôm để trên bàn. Anh chàng cao gần mét chín với gương mặt đàn ông còn hằn dấu vết mờ mờ của bộ râu quai nón kéo vạt áo chemise lên che mũi, một tay ôm bụng. Vũ nhìn rõ từng đợt, từng đợt phản ứng của dạ dày cuộn lên trên cần cổ EJ và cậu khó nhọc thở. Cả ngày hôm đó, EJ không rời lọ mắm tôm. Cậu đeo khẩu trang và nghiên cứu nó như một nhà khoa học thực thụ mặc cho đôi mắt xanh đỏ hoe vì sự phản đối cực lực của khứu giác. Nếu Vũ không ngăn cản, có thể cậu sẽ ôm cả lọ mắm tôm đi ngủ. Vũ chưa bao giờ thấy người nào có kiểu quan tâm đến ẩm thực kỳ lạ như EJ. Trong tất cả những ngày ở Hà Nội, trừ ba buổi học riêng với Vũ, EJ đi khắp nơi để ăn tất cả những món Việt mà người ta đồn đại là ngon. Một ngày có thể ăn tới tám bữa, ăn, chụp ảnh và ghi chép không mệt mỏi. EJ không đi thăm di tích, không đi ngắm cảnh đẹp, lúc nào cậu cũng ăn. Vũ không có quyền được thắc mắc về học viên của mình. EJ đã đích thân chọn Vũ và yêu cầu được học riêng, Vũ chỉ biết như vậy. Cậu thân thiện, đơn giản, thậm chí có phần phóng khoáng nhưng lại rất quyết liệt với những yêu cầu trong lúc thực hành. EJ khác hoàn toàn những học viên khác của Vũ, những người mà có thể khi rời Việt Nam, bài học trên căn gác của khách sạn về những món ăn Việt mà họ thích thú chỉ còn là một trải nghiệm du lịch đáng nhớ mà thôi.

Vũ nhìn cậu học viên cao lêu nghêu chỉ chừng ngoài hai mươi, áo chemise kẻ khoác ngoài áo phông trơn màu ghi xám, nước da trắng, đôi mắt xanh linh hoạt đang vui vẻ yêu cầu mua tất cả các loại mắm của cô bán hàng. Cậu đọc tên các loại mắm rành rọt bằng tiếng Việt và gọi Vũ tới kiểm tra. Vũ gật đầu vẻ ưng ý nhưng cậu nói rằng còn một loại mắm nữa cậu quên chưa mua. Bỏ mặc Vũ đứng tần ngần giữa chợ như anh chàng khách du lịch lơ ngơ, EJ chạy biến đi và lúc sau quay về với một hũ chao.

“Tôi muốn học pha chế cái này với vịt”, EJ nói bằng thứ tiếng Việt tự chế.

“Cái này không phải là mắm, cái này là chao. Hôm nay mình học mắm thôi.”

“Tôi biết hết mắm rồi, mắm tiêu chấm giò thủ, mắm chua ngọt chấm bún chả, mắm tôm chanh chấm bún đậu... Tôi muốn học cái này.” EJ tuôn một tràng.

Vũ nhìn đồng hồ. Tối nay, Vũ hẹn với thằng Phong công tử lúc chín giờ để trả đôi giày. Bảy giờ Di về đến thành phố, tám giờ Di xuống quán. Để kịp đi mua chậu cây và thương lượng với Di, Vũ cần về kịp lúc bảy rưỡi. Bây giờ đã gần sáu giờ tối, buổi học chỉ còn mười lăm phút nữa là kết thúc và EJ muốn làm vịt nấu chao. Vũ lắc đầu với EJ.

“Tôi không dạy được. Hết giờ mất rồi. Để buổi sau đi.”

“Tôi có thể trả thêm.” EJ nhìn Vũ không chớp mắt.

“Tôi xin lỗi. Mình về thôi.” Vũ khẽ mỉm cười với EJ rồi xách cái túi đi chợ lỉnh kỉnh các loại mắm, quay người đi trước.

EJ lặng lẽ theo Vũ về khách sạn. Cậu biến mất ở hành lang mà không chào Vũ. Chắc cậu muộn bữa tối ở đâu đó. Vũ thay đồ rồi lững thững bước xuống sảnh, không ngừng nghĩ về các loại chậu cây. Anh giật mình khi thấy EJ vội vàng chạy vào với một con vịt đã được làm sẵn trên tay và lỉnh kỉnh các loại rau gia vị. Cậu thở hổn hển.

“Cậu không được dùng bếp giờ này đâu”, Vũ nhắc nhở.

“Tôi có thể sẽ rời Việt Nam ngay đêm nay, nhưng trước khi đi tôi phải học nấu chao với vịt. Anh phải giúp tôi.”

Vũ thấy đôi mắt xanh vằn đỏ nhưng quyết liệt, con vịt và hũ chao vẫn lăm lăm trên tay. “Hôm nay cũng có thể là ngày cuối cùng tôi đứng lớp với cậu.” Vũ nghĩ thầm và nhớ tới lá đơn xin thôi việc để trong tủ đồ rồi thở dài theo cậu ta quay lại bếp.

Trong lúc Vũ sơ chế vịt, EJ từ từ mở hũ chao, theo phản xạ cậu ta né người khi cái nắp mở ra hoàn toàn. EJ từ từ cúi xuống, khẽ hít mùi chao. Không biết EJ nhận thấy hương vị đó như thế nào nhưng cậu không nhăn mặt.

“I know you may want to be with someone tonight 'cause so do I.”(7) Bỗng nhiên EJ nói bằng tiếng Anh.

(7) Tôi biết có thể tối nay anh muốn được ở bên ai đó vì tôi cũng vậy.

“Not someone…”(8) Vũ ậm ừ.

(8) Không ai cả.

EJ chăm chú quan sát từng động tác của Vũ rồi ghi chép cẩn thận cho đến khi tận tay cậu đổ vịt vào nồi và vặn lửa liu riu.

“Cậu cần đun như vậy ba mươi phút.”

Vũ tháo tạp dề, ngồi xuống ghế. Bên ngoài cửa sổ, con đường nho nhỏ của khu phố đã lên đèn. Cô hàng ngô luộc đầu ngõ đối diện mở cái nắp vung nồi gang to, khói trắng bốc nghi ngút. Mùi của ngô, của mía thanh, râu ngô và lá ngô non lót nồi bay lên thanh thanh, ấm áp.

“Why do you leave in such a hurry?”(9) Vũ thắc mắc.

(9) Sao cậu đi vội vậy?

“My girlfriend’s name is Jessica Bao Lam.”(10) EJ đốt một điếu thuốc. “Her Vietnamese name is Bao.”(11) EJ ngồi xuống bên cạnh Vũ, cậu ta ngồi gập người, rít một hơi thuốc.

(10) Bạn gái tôi tên Jessica Bảo Lâm.

(11) Tên Việt Nam của cô ấy là Bảo.

EJ rời Canada đã ba tháng rồi. Ba tháng cậu chỉ có thể liên lạc với Bảo qua skype ba mươi phút mỗi ngày vì lệch múi giờ và vì Bảo phải dậy sớm đi làm vào sáng hôm sau. Bạn gái EJ làm biên tập ở tờ báo địa phương. Mẹ cô là người Việt Nam, cô chỉ sống với mình bà. Chưa bao giờ Bảo về Việt Nam. Cuộc sống của một bà mẹ đơn thân trên đất lạ không đủ điều kiện để mẹ Bảo nghĩ đến việc về thăm quê. Đến khi Bảo khôn lớn và bà có thể thì những người thân cuối cùng ở quê hương đã không còn. Bảo chỉ biết Việt Nam qua những món ăn của mẹ, qua những câu chuyện chắp vá đến vụn vặt mà một số thứ trong đó Bảo chưa từng biết mặt biết tên. Bảo mơ ước được đưa mẹ về “nhà”. Nhưng năm tháng trước, trên đường chở mẹ đi đặt áo dài ở tiệm người Việt, chiếc xe của Bảo bị một cái xe tải tông phải. Mẹ Bảo mất trên xe cấp cứu, còn Bảo vĩnh viễn không thể bước đi được nữa. Bảo phải tới bệnh viện mỗi tuần một lần để trị liệu và theo dõi lá phổi đã bị cắt mất một phần ba. Giấc mơ Việt Nam của mẹ con Bảo có thể chẳng bao giờ thành sự thật. Giờ thì EJ đang sống giấc mơ đó ở đây, học những món ăn Việt Nam mà Bảo chưa kịp học từ mẹ. Những món ăn đó là thứ duy nhất mà lúc mẹ còn sống đã gắn Bảo với Việt Nam, với “nhà” của Bảo. EJ xin nghỉ vô thời hạn ở văn phòng luật sư, một mình khoác ba lô rời xa Bảo để đến đây, một tuần ba lần học nấu ăn với Vũ trên căn gác lợp ngói đỏ của cái khách sạn sơ sài giữa lòng phố cổ. Không ngày nào cậu không nghĩ đến việc rời khỏi đây, không ngày nào cậu không giật mình giữa đêm với hình ảnh Bảo một mình rời khỏi giường, khó nhọc ngồi xe lăn nhưng nụ cười của Bảo khi nghe kể về những món ăn, về người thầy Việt Nam nhìn nhang nhác tài tử Chánh Tín trong những bộ phim của mẹ và là một chuyên gia về nước mắm giữ EJ ở lại đây. Món ăn nào cậu học mỗi ngày cũng là món ăn cuối cùng, nhưng ngày hôm sau nó sẽ được thay thế bằng một món ăn cuối cùng khác bởi vì EJ không bao giờ biết chắc cậu đã mang đủ Việt Nam, mang đủ mẹ về cho Bảo hay chưa.

Vũ luôn cảm thấy anh chàng mắt xanh với đôi giày đi bộ màu xanh rêu bụi bặm này là một người đặc biệt chứ không phải một kẻ lập dị. Và bây giờ Vũ hiểu rằng mình không sai. Cả Vũ và cậu ta đều là người xa lạ với nơi này nhưng giờ đây họ cùng bị gắn chặt với mảnh đất này, không thể rời đi. Hà Nội có câu trả lời cho cuộc đời họ.

Chương 12

Di ngồi ở ban công. Nếu không có ban công nhà đối diện thì tầm nhìn của Di chắc rộng hơn thế này. Mùa đông ở đây vẫn lạnh và khô. Sự yên tĩnh hiếm hoi khi thành phố lên đèn, khi người ta trở về nhà với bữa cơm gia đình vẫn mang lại cho Di cảm giác dễ chịu. Mười năm nữa trôi qua, nếu Di vẫn ngồi ở đây như thế này thì nó có thể giống một buổi chiều nào đó trong quá khứ của Di không? Có người nói rằng cuộc đời này như một tấm gương tự phản chiếu chính nó. Một ngày nào đó con người sẽ sống lại ở một không gian, một thời gian của riêng mình trong quá khứ. Di muốn chắc rằng khi ngày đó đến, cô sẽ không quên làm những việc mà cô đã làm, không quên cảm thấy những điều mà cô đã cảm thấy. Di lẩm nhẩm những điều đó trong đầu, ghi lại mỗi năm trong tâm trí nhưng có cảm giác rằng có nhiều điều đã dần dần trở nên lạnh lẽo.

Di lục tìm dưới đáy va li, chiếc váy dự tiệc duy nhất của Di nằm bẹp gí dưới một đống quần áo lộn xộn. Một cái váy màu đen ngắn trên đầu gối với phần tay áo và ngực áo bằng ren mỏng đi kèm với bộ vòng pha hai màu đen và ánh kim. Cái váy không thời thượng nhưng cũng không lỗi mốt. Di lục tìm đồ trang điểm trong ngăn lưới của va li, một cái chì kẻ lông mày màu nâu đậm - màu tóc của Di, một thỏi son màu đỏ, một hộp gel kẻ mắt còn nguyên và một thanh mascara đã vón cục. Di soi mình trong gương. Gương mặt Di không dễ nhìn lắm, mắt không to, mũi thẳng nhưng hơi ngắn, miệng lại hơi rộng. Di trang điểm rồi chải tóc, cố gắng chuốt mascara đã khô lên mắt và dùng một thỏi son cho cả môi và má, riêng phần má Di chỉ xoa xoa qua loa, chẳng hiểu có rõ là má hồng hay không nữa. Di thay váy rồi kéo lê đôi dép loẹt quẹt xuống quán.

Vinh và Thu đã đến từ bao giờ. Thu dựng chổi vào tường, lau tay vào tạp dề trong lúc thằng Vinh chầm chậm nhả từng hơi thuốc trên cái ghế chờ ngoài cửa quán. Nghe tiếng dép, nó ngẩng lên.

“Y sì kịch bản năm ngoái.” Thu nhìn Di từ đầu đến chân, thở dài.

“Nào, người đẹp dép lê, vào thẳng trong nhà đi.”

Thu thả phịch một đôi giày cao gót mảnh mai màu đen tuyền với đường viền ánh kim xuống đất.

“Ít ra năm nay mày không mặc váy và đi bốt vải dù. Nếu không muốn tao ghét cái váy mày đang mặc thì có thể thay cái này.” Thu ném cái váy đen khác lên bàn. Một cái váy đen lệch vai kiểu ôm sát người cùng đôi găng tay duyên dáng cũng màu đen. Di nhìn cái váy rồi để một chiếc giày xuống đất, xỏ chân vào. Chiếc giày hơi rộng một chút nhưng vẫn có thể di chuyển dễ dàng.

“Tao mượn đôi giày.” Di nói với Thu rồi đi khắp quán, bật thêm đèn. Trên cả hai bức tường, dòng chữ “Happy Valentine’s day” màu bạc sáng lấp lánh. Những dây kim tuyến dài và bóng bay ánh nhũ được gắn trên trần quán. Ban nhạc đã đến cùng với thằng Phương. Kimora và hai cô bạn ca sĩ bước vào sau cùng.

“Hôm nay, ngoài ba bài chính thì hát theo yêu cầu của khách nhé, mỗi ca sĩ hát một bài chính.” Thằng Phương nói với ban nhạc. Mọi người đang chỉnh trang lại nhạc cụ trên sân khấu.

“Ba bài chính là những bài gì?” Một thành viên trong ban nhạc hỏi.

More Than Words.” Thằng Phương đang trả lời thì Thu chen vào: “Hôm nay Kimora không hát đâu, bỏ bài ấy ra đi.” Thằng Phương có vẻ chưng hửng nhưng nó không nhìn Kimora mà quay đi ngay: “Dượt trước một tí, có hai bài chính là...”

Kimora ngồi xuống ghế, nhoẻn cười với Di rồi nhìn về phía sân khấu. Hai cô bạn của cô đi vào phòng vệ sinh để thay đồ diễn. Thằng Phương đứng cạnh sân khấu, dựa lưng vào thành loa, vừa hút thuốc vừa xem lại tờ chương trình với vẻ chăm chú. Di và Thu nhìn nhau trong giây lát rồi Thu quay người bỏ vào trong giúp thằng Vinh đang tất bật với đống ly tách. Di đứng dậy. Di nhớ lần Nhã quay lại tìm cả bọn hai tháng sau khi quán mở cửa và tám tháng sau khi nó đi. Lúc đó, thằng Phương đang đứng sau quầy rửa cốc. Theo từng bước chân của Nhã, Di đứng ở đây, tim đập thình thịch. Với tính khí nóng nảy của thằng Phương, Di sợ rằng những cái cốc trên tay nó sẽ bay như mưa. Nhã hơi co người lại, hai vai run run nhưng vẫn bước về phía trước. Thằng Phương không nói gì, nó vẫn chậm rãi lau cốc cho đến tận khi Nhã đứng trước mặt nó. Rồi bằng những cử động nhẹ nhàng, nó pha một ly Blue Lagoon mà Nhã thích uống rồi đặt trước mặt cô.

“Ly này anh mời, lâu quá không gặp em.”

Nhã bật khóc. Phải rồi, Di cũng bật khóc. Những lời đó không thể là lời mà thằng Phương nói với Nhã, cô gái mà nó đã yêu sáu năm, cô gái thân thiết đến độ đã trở thành một phần của nó. So với việc nói những lời đó thì chẳng thà nó ném vỡ hết ly tách ở quán còn hơn. Chỉ bằng một câu ngắn gọn như thế, thằng Phương kết thúc mọi thứ: hạnh phúc, nỗi đau, sự giày vò và cả niềm hy vọng. Không có câu trả lời nào dành cho người đã làm mình tổn thương cay đắng hơn việc tha thứ và ngừng quan tâm. Thằng Phương đẩy hộp giấy đến trước mặt Nhã, nhìn Nhã khóc bằng cái nhìn trong suốt như nó vẫn nhìn những đứa con gái khác.

“Anh không giỏi mấy chuyện này, nếu em cần tâm sự thì để anh gọi Thu hoặc Di.” Nó định quay người bước đi thì Nhã nắm lấy bàn tay nó, rất chặt. Nó vỗ nhè nhẹ lên bàn tay Nhã rồi đặt tay cô xuống mặt quầy bar. Đó không phải lần cuối cùng Nhã tìm đến đây nhưng dường như với thằng Phương, quá khứ như một cái đĩa đã bị xóa sạch, không còn dấu vết. Nỗi đau chỉ đơn giản là nỗi đau chứ không vì một ai đó hay gắn kèm với bất kỳ cảm xúc oán giận, nhớ thương nào khác. Điều này có lẽ đã làm cho Nhã đau đớn hồ nghi về chính sự hiện hữu của mình trong quá khứ của thằng Phương. Nhã không biết về sáu tháng trời thằng Phương đóng cửa. Mỗi ngày hai bận, Di để cơm và thuốc lá trước cửa phòng nó và cố gắng lắng nghe bất kỳ âm thanh nhỏ nhoi nào của sự sống phát ra từ đó. Di từng muốn nhưng không thể phá tung cánh cửa để bước vào bởi Di hiểu cánh cửa đó như cái vòng chắn cuối cùng để thằng Phương giữ lại sự tự tôn của nó. Một ngày cuối thu, hai năm trước, thằng Phương mở cửa bước ra, gầy như một chiếc lá rụng, mái tóc dài thượt và làn da trắng nhợt nhưng nó nhìn Di mỉm cười. Nụ cười làm Di đau lòng hơn cả một lít nước mắt.

“Tối dẫn tao đi ăn nhé!”

Nó đi cắt tóc trong lúc Di giúp nó dỡ đồ từ va li, xếp lại vào trong tủ. Những lúc trước, khi Di buồn, nó hay tới nhà, kéo Di ra khỏi chăn, tha Di đi hết từ phố này đến phố khác, quán này đến quán khác, ăn đến no căng bụng, uống đến khi nào Di kêu buồn ngủ mới thôi. Nó không bao giờ an ủi Di, nói những điều có nghĩa lý. Nó cho Di có quyền được buồn, được ngu ngốc, được dại khờ theo cách Di muốn. Thi thoảng, nó ngồi cạnh đàn cho Di nghe bài Jamaica Farewell hết lần này đến lần khác, mặc cho Nhã đợi nó đến ngủ gục trên giường của Di.

Thằng Phương bảo Di rằng, con gái với nó bây giờ giống như những thanh nước đá di động, những thanh nước đá mà khi đứng gần nó không thấy gì ngoài hơi lạnh như khói đang toát ra. Nó bắt đầu cặp kè với đám con trai và nhìn con gái bằng cái nhìn trong suốt. Nó đã học từ người giỏi nhất rằng tàn nhẫn và thản nhiên là cách nhanh nhất để kết thúc mọi việc. Giống như một ngày, bình thường như bao nhiêu ngày khác trong sáu năm yêu thương của nó, người ta để lại ba chữ “em đi đây” và xách va li lên máy bay. Nó không biết rằng sự tàn nhẫn và thản nhiên đó không phải chỉ khiến mọi chuyện kết thúc mà còn tàn phá bản thân nó, biến nó thành một thứ “nửa nạc nửa mỡ” như lời Thu. Tận sâu trong thâm tâm đã vỡ nát của thằng Phương, người nó yêu vẫn không có lỗi. Người ta được quyền ngu ngốc và dại khờ theo cách mà họ muốn.

Di chứng kiến thằng Phương áp dụng bài học đó với rất nhiều cô gái, dù những người này mới chỉ mơ hồ mong muốn một cái nhìn ấm áp từ nó. Có lẽ với đám con gái, thằng Phương cũng là một tảng băng mà bất kỳ ai tới quá gần sẽ run sợ vì cóng lạnh. Nó lạnh lùng đủ để người ta bỏ chạy khi chưa kịp với bàn tay về phía nó. Chưa cô gái nào tới đủ gần để bị tổn thương và để thằng Phương nhận thấy rằng sự tàn nhẫn và thản nhiên của nó còn có khả năng tàn phá.

Và rồi Di có thói quen lần theo ánh mắt của Kimora khi câu hát đầu tiên của bài What’s Up kết thúc, khi thằng Phương lặng lẽ đàn Jamaica Farewell cho Di nghe những lúc Di cầm trên tay một ly Jack tonic và rồi ánh mắt đó chúi xuống, chênh chao trên mặt đất trước khi Kimora ngẩng đầu, mỉm cười bình thản với Di. Những lúc như vậy, Di không còn hiểu nhiều về cảm xúc của mình nữa, cô chỉ biết rằng ánh mắt đó không phải là ánh mắt của một thanh đá tỏa ra hơi lạnh. Di không muốn đứng về phía thằng Phương nữa. Di muốn nó hiểu điều mà Di chưa có cơ hội để hiểu: rằng người đến sau có thể sẽ không đủ tỉ mẩn để xắt nhỏ khoai tây và cà rốt khi nấu canh sườn, không đủ kiên nhẫn để nhắc nó mang khăn quàng cổ mười lượt một ngày để không sụt sịt suốt cả mùa đông. Người đó sẽ có cách riêng để yêu nó, thương nó, ở bên cạnh nó và có thể sẽ không bao giờ tàn nhẫn và thản nhiên. Dù Kimora không phải là người con gái đó đi nữa nhưng tình cảm mà cô đang có đủ để thằng Phương không có quyền coi cô là không khí, là thanh đá tỏa hơi lạnh.

Di mím môi bước tới chỗ thằng Phương, định bụng sẽ kéo nó ra ngoài để trình bày bài diễn thuyết dài dằng dặc trong đầu mà chính cô còn chưa biết bắt đầu từ đâu thì bỗng một người đi vượt qua mặt Di. Kimora giật phăng tờ chương trình trên tay thằng Phương rồi búng tay ra hiệu cho một thành viên trong ban nhạc. Thành viên này ném cây guitar cho cô, Kimora ấn cây guitar vào tay thằng Phương.

Cô bước lên sân khấu, ngồi xuống ghế trong lúc thằng Phương điềm nhiên chậm chạp nối dây vào thùng đàn. Nó thử vài nốt rồi gõ nhịp chân, tiếng guitar vang lên bập bùng bản More Than Words nhưng Kimora ra hiệu cho nó ngừng lại. Cô nói vào mic: “Big Girls Don’t Cry.” Thằng Phương thả lỏng đầu gối chân trái, vẫn ngậm điếu thuốc trên môi, so dây lần nữa rồi ném điếu thuốc xuống sàn, di chân. Tiếng nhạc lại vang lên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3