Vân hải ngọc cung duyên - Hồi 02 - Phần 01
Hồi thứ hai
TRỜI XOAY ĐẤT CHUYỂN LÀM SAO BIẾT
LIỄU RẬM HOA THƯA LẠI GẶP NGƯỜI
Hôm nay, cũng như mọi ngày, trời vừa mới hửng sáng Giang Nam đã phóng ngựa lên đường, chạy không dừng vó cho nên đến trưa thớt ngựa của chàng tuy là ngựa tốt giống Đại Uyển cũng đã sùi bọt mép, còn Giang Nam thì thấy khát khô cổ họng, đang định tìm bóng mát nghỉ chân. Trên đường bỗng thấy một tòa lương đình, bên trong còn có người bán trà, Giang Nam buộc chặt ngựa rồi vào đình gọi trà uống.
Nhìn tòa lương đình rất rộng rãi, được xây bằng đá với hai bên là hai cây trụ lớn, lan can làm bằng gỗ đỏ, chàng thầm nhủ: "Trung Nguyên quả thực khác hẳn, tòa lương đình này còn tốt hơn cả nhà của người giàu sang bên Tây Tạng." Ông lão bán trà pha cho chàng một bình trà thơm, Giang Nam uống rồi khen ngon, và hỏi: "Đây là nơi nào?" ông lão đáp: "Đây là làng Bình Hồ huyện Đông Bình." Giang Nam nói: "Ồ, té ra đã đến Sơn Đông, gần đây có một hồ nước rộng đúng không?" ông lão nói: "Chắc là tiểu ca từ nơi khác đến?" Giang Nam giật mình thầm nhủ: "Té ra mình đã đến quê hương của nàng." Trong lòng chàng hiện ra hình bóng của một thiếu nữ, đó chính là Trâu Giáng Hà, con gái của Dương Liễu Thanh.
Năm ấy Dương Liễu Thanh dắt con gái đến Hồi Cương và Tây Tạng tìm Đường Hiểu Lan, Giang Nam đã quen biết với nàng, tính lại thì cũng đã được năm năm. Giang Nam nghĩ bụng: "Mấy năm không gặp chắc là tiểu a đầu đã trở thành một cô nương xinh xắn." Trâu Giáng Hà nhỏ hơn Giang Nam hai tuổi, lúc hai người quen biết nhau nàng chỉ là một cô bé nghịch ngợm, nhưng khi chia tay nhau nàng cũng đã cho chàng biết chỗ ở của mình.
Giang Nam nghĩ: "Giá mình không có việc thì đã đến thăm nàng." Chàng định hỏi thăm nhưng lại nhớ lời dặn của Trần Thiên Vũ nên không dám hỏi nhiều. Bèn chỉ im lặng ngồi uống trà.
Giang Nam đã quen thói nói chuyện cho nên tuy im lặng mà trong lòng vẫn bồn chồn. Chàng nhắp một ngụm trà rồi ngẩng đầu lên thấy thớt ngựa vẫn đang thở phì phò, đành đưa mắt nhìn xa xăm. Khi chàng liếc mắt qua cây cột đá ở phía đông thì thấy có dấu một vết đao chém, nhìn sang cây cột phía tây thì thấy trên cột có một dấu chưởng, Giang Nam ngạc nhiên định hỏi nhưng mà cố nén lại, tuy vậy môi chàng vẫn mấp máy.
Ông lão thấy thế cười hì hì bước tới: "Khách quan, chắc là ngài ngạc nhiên khi nhìn thấy vết đao và dấu chưởng kia. Hôm ấy tôi suýt chết khiếp!" Giang Nam thầm nhủ: "Đấy là ông ta tự nói với mình, coi như mình không phải lắm lời." Vì thế chàng mở to mắt nhìn ông ta, đợi ông ta nói tiếp nhưng không ngờ ông lão lại chẳng nhắc đến chuyện ấy nữa mà bảo: "Trà của khách quan đã nguội, có cần tôi châm thêm một bình không?" Giang Nam nói: "Cũng được." ông lão lại bảo: "Tôi là một người thích nói chuyện, dù khách quan thích nghe hay không, tôi cũng phải nói. Nhưng hai ngày nay có nhiều người hỏi tôi chuyện này." Giang Nam không nén được nữa: "Rốt cuộc là chuyện gì? Ông nói mau lên!" ông lão cười hì hì rồi nói: "Khách quan, trà của khách quan đã nguội" Giang Nam sực nhớ, lấy ra một đồng tiền rồi nói: "Tôi trả trước tiền trà, lát nữa pha cũng được." ông lão bán trà nói: "Đa tạ." Rồi mời từ tốn nói: "Khách quan, hình như ngài là người đi lại trên giang hồ." Giang Nam nhớ lại lời Trần Thiên Vũ dặn dò, vội vàng nói: "Ông lầm rồi, tôi chỉ là người buôn bán nhỏ." ông lão hờ hững liếc Giang Nam rồi cười: "Coi như là tôi đã nhìn nhầm, thôi được, người đi qua con đường này, dù là kẻ hành tẩu giang hồ hay người buôn bán thì chắc chắn cũng đều nghe qua một cái tên, đó là một nhân vật lẫy lừng ở huyện Đông Bình chúng tôi vào ba mươi năm trước." Giang Nam bật cười nói: "Ba mươi năm trước tôi vẫn còn chưa ra đời!" chàng chợt nhớ không nên nói nhiều, thế rồi suỵt một tiếng bảo: "Này, đừng nói vòng vo nữa, kể mau lên." ông lão cười: "Đó không phải là chuyện vớ vẩn đâu, ba mươi năm trước ở huyện Đông Bình có một nhân vật tên tuổi lẫy lừng, người ấy là minh chủ võ lâm năm tỉnh phía bắc, tên là, tên là..." Giang Nam không nén được: "Thiết chưởng thần đạn Dương Trọng Anh." ông lão cười: "Đúng thế! Cho nên tôi mới bảo ngài chắc hẳn đã nghe cái tên này, quả nhiên không sai!" rồi ông ta phe phẩy cái quạt nan trong tay, tỏ vẻ rất đắc ý.
Giang Nam lại hỏi: "Dương Trọng Anh đã chết nhiều năm, chuyện này có liên quan gì đến ông ta?" chàng vừa nói ra thì mới biết không ổn, bởi vì lúc nãy chàng vừa mới bảo không phải là người đi lại trên giang hồ nhưng sao lại biết chuyện trên giang hồ? Ông lão vẫn mặc kệ, tiếp tục nói: "Chuyện này có liên quan đến Thiết chưởng thần đạn, Thiết chướng thần đạn tuy dã chết nhưng con gái của ông ta tên là tên là..." lần này thì Giang Nam cố nhịn không cướp lời nữa, ông lão nghĩ một hồi rồi nói: "Tên là Dương Liễu Thanh, nhưng chúng tôi không dám gọi thẳng tên của bà ta, bà ta thích người nhà gọi là đại tiểu thư, tuy đã là một người mẹ, nhưng người trong huyện đều gọi bà là Dương đại tiểu thư."
Giang Nam thầm nhủ: "Ông lão này thật nhiều lời, nói cả buổi vẫn chưa nhập đề." Chàng cứ trách người nhưng không nhớ mình cũng có lỗi ấy. ông lão ngập ngừng rồi lại nói tiếp: "Hôm ấy Dương đại tiếu thư và con gái của bà ta ra ngoài trở về, đã dừng lại ở đây uống trà, tôi quên cho ngài biết, tòa lương đình này là do Dương Trọng Anh đã góp tiền xây dựng nên. Tất cả gạch ngói đều là loại thượng đẳng. Nay tôi có thể kiếm sống ở đây, quả thực rất biết ơn ông ta."
Giang Nam nghe mấy ngày trước Dương Liễu Thanh và con gái của bà ta đã đi ngang qua đây, tim đập mạnh, rồi chàng mới thúc ông lão: "Sau đó thì thế nào?" ông lão nói: "Hai mẹ con bà ta ngồi nói chuyện với tôi ở đây, nhắc đến chuyện Dương Trọng Anh khi còn sống, Dương đại tiểu thư còn hứa giúp cho tôi một số tiền để tu sửa đình này." Giang Nam nhíu mày bảo: "Thế à?" ông lão nói tiếp: "Chúng tôi đang nói thì có một hòa thượng xuất hiện, đang lúc tôi cao hứng không biết ông ta bước vào từ lúc nào. Sau đó thấy vẻ mặt của Dương đại tiểu thư không ổn thì tôi mới phát hiện ra. Té ra hòa thượng ngồi trước mặt bà ta, nhìn bà ta với đôi mắt rất gian xảo. Con gái bà ta nói: "Mẹ, lão hòa thượng trông rất quái dị, mẹ nhìn đôi mắt của lão kìa." Dương đại tiểu thư đột nhiên đứng dậy nói: "Lão Vương, tôi sẽ để lại một ký hiệu ở tòa lương đình này của ông!" rồi phóng vù ra một mũi phi đao. Ông lão kể rất hấp dẫn, Giang Nam giật mình, vội vàng hỏi: "Có phải mũi phi đao của Dương Liễu Thanh đã giết hòa thượng ấy không?" ông lão ấy nói: "Không, mũi phi đao của bà ta đã để lại dấu trên cây cột kia." Giang Nam thở phào, thầm nhủ: "Bà ta phóng phi đao ra oai, chắc là muốn cho hòa thượng biết lợi hại." Vì thế hỏi ông lão: "Hòa thượng ấy thế nào?". Ông lão trả lời: "Hòa thượng ấy chẳng nói lời nào, cũng đứng dậy rồi đột nhiên vỗ một chưởng vào cây trụ kia..." Giang Nam kêu lên: "Ồ, té ra dấu chưởng kia là của lão hòa thượng!" ông lão nói: "Hòa thượng đánh xong một chưởng thì mới lạnh lùng nói với tôi: "Ta cũng để lại một dấu hiệu" rồi bỏ đi. Dương đại tiểu thư quát gọi lão ngừng lại...Giang Nam hỏi: "Thế là đánh nhau?" ông lão đáp: "Chỉ cãi nhau." Giang Nam hỏi tiếp: "Cãi cái gì?" ông già nói: "Họ cứ nói như pháo liên châu, những chữ nghe được thì tôi chẳng hiểu, nào là cái gì lương tử, phiêu nhi, thanh tử... hình như hai người vốn có thù với nhau. Sau đó Dương đại tiểu thư mới nói một câu: "Ta sẽ đợi ngươi ở nhà!" chỉ có câu này là tôi nghe rõ ràng." Giang Nam vội hỏi: "Ông có nghe bà ta nói khi nào không?" ông lão trả lời: "Tôi không nghe rõ."
Giang Nam giật mình, thầm nhủ: "Như thế có nghĩa hòa thượng chắc chắn hẹn ngày với bà ta. Hỏng bét, dấu chưởng này lún sâu vào đá đến ba phân, xem ra công lực của lão hòa thượng hơn Dương Liễu Thanh rất nhiều. Mình có nên đi giúp mẹ con bà ta một tay không?" trong lòng thì cứ thấp thỏm, lúc thì nhớ đến lời dặn của Trần Thiên Vũ, lúc thì lại nghĩ đến mối giao tình giữa mình với Trâu Giáng Hà, chàng vẫn chưa quyết định thì chợt nghe tiếng bước chân, lại có hai người khách qua đường, ông lão ấy tuy đang cao hứng nói nhưng cũng bỏ đi tiếp khách.
Hai người này giắt đao ở hông, vừa vào thì đã lấy ra hai xâu tiền: "Ông già, đây là tiền trà ta thưởng cho ông." Hai kẻ ấy ra tay rộng rãi hơn Giang Nam, ông lão cười toe toét, nói: "Đa tạ đại gia thưởng hậu, tôi không đám nhận!" người khách ấy nói: "Đừng nhiều lời, hãy nhận lấy. Ta hỏi ngươi, hai ngày trước có ai lạ mặt đi ngang qua đây không?" ông già ấy trả lời: "Có một hòa thượng." ông ta đang định kể lại chuyện lúc nãy, người khách lại hỏi: "Ngoài ra còn có ai?" ông già nói: "Không có ai khác." Người khách trả lời: "Có ai hỏi đường đến nhà họ Dương không?" ông lão nói: "Người trong huyện chúng tôi ai mà không biết nhà họ Dương, cần gì phải hỏi đường?" người khách ấy ừ một tiếng rồi nói: "Pha cho ta một bình trà."
Hai người ấy ngồi đối diện với Giang Nam, một người nói: "Ta thật không hiểu, đà chủ chúng ta cần gì phải chuyện bé xé ra to như thế." Giang Nam giật mình, chỉ thấy ánh mắt của hai người ấy hình như nhìn về phía mình, chàng vội vàng bưng chén trà lên, hai người thấy Giang Nam chỉ là một gã tiểu tử ngờ nghệch, mới yên lòng trò chuyện bằng tiếng lóng trên giang hồ. Giang Nam cũng hiểu một chút tiếng lóng, chỉ nghe người to béo nói: "Người đàn bà ấy chỉ nhờ có uy danh của cha mình để lại, dâu có gì khó đối phó? Đà chủ của chúng ta đã quá cẩn thận." Tên ốm nói: "Đó là bởi vì trước đây cha của bà ta là minh chủ võ lâm năm tỉnh phía bắc, quen biết nhiều người, mấy ngày nay lẽ nào mụ ta không nhờ người giúp đỡ? Thực ra ta cũng lo cho đà chủ, cần gì phải dính vào chuyện này? Nếu bị lão hòa thượng ấy liên lụy, trái lại trộm gà không xong lại mất nắm thóc!"
Tên béo nói: "Huynh có điều không biết, nếu hạ được nhà họ Dương, đà chủ của chúng ta sẽ độc bá miền Sơn Đông. Huynh có biết lão hòa thượng ấy là ai không?"
Tên gầy nói: "Không biết, đang định hỏi huynh." Tên béo nói: "Tôi cũng không biết pháp hiệu của lão. Nhưng nghe đà chủ nói, cả Đường Hiểu Lan cũng phải e dè lão ta mấy phần, chắc là một nhân vật lẫy lừng. Huynh hãy xem dấu chưởng lão để lại, quả thực công lực rất thâm hậu!" Tên gầy nói: "Tuy là vậy, nhưng hậu nhân của Thiết chưởng thần đạn cũng chẳng dễ đối phó, chúng ta phải chia nhau đi mời người giúp đỡ!"
Hai hán tử ấy vội vàng uống trà rồi lên ngựa, một người đi về hướng đông, một người đi về hướng tây. Lúc này Giang Nam đã quyết ý, thầm nhủ: "Công tử thường nói chúng ta là người học võ công, phải nên hành hiệp trượng nghĩa, huống chi bằng hữu của mình đã gặp nạn, Giang Nam này tuy chưa chắc đối phó nổi lão hòa thượng kia, nhưng ít nhất cũng có thề giúp cho họ." Rồi chàng cũng vội vàng uống chén trà, lại hỏi ông lão bán trà đường đến nhà họ Dương.
Ông già cười nói: "Tôi đã đoán ngài quả nhiên đến nhà họ Dương giúp đỡ." Giang Nam nói: "Sao ông biết?" Ông già nói: "Tôi đã từng gặp nhiều người, vừa nhìn đã biết ngài không phải là kẻ xấu, nếu không phải kẻ xấu thì lẽ nào không giúp hậu nhân của Thiết chưởng thần đạn? Thực ra mấy ngày nay đã có rất nhiều người hỏi đường tôi để đến nhà họ Dương giúp đỡ. Tôi thấy hai gã lúc nãy chẳng phải hạng tốt lành gì, cho nên tôi mới không nói thực." Giang Nam nghe ông ta khen vì thế trả một nắm tiền rồi phóng ngựa lên đường.
Đường đi bằng phẳng, Giang Nam nhìn ra phía xa, chàng thấy hai hán tử ấy đang thấp thoáng phía trước. Giang Nam phóng lên lưng ngựa thầm nhủ: "Tên gầy hình như rất lanh lẹ, mình cứ đuổi theo tên béo." Rồi chàng vung roi, thớt ngựa Đại Uyển tung vó lướt nhanh, chỉ trong một tuần trà thì đã đuổi theo phía sau tên béo, Giang Nam gọi lớn: "Này, lúc nãy người đã đánh rơi đồ trong trà đình!" Hán tử ấy kìm ngựa, hỏi đầy vẻ hoài nghi: "Đồ gì?" Giang Nam nói: "Người nhìn xem, đây chẳng phải là bọc tiền của người sao." Hai thớt ngựa lướt tới gần nhau, Giang Nam bất thình lình mở bàn tay chụp vào bên sườn của y, đó là một chiêu đại cầm nã thủ rất lợi hại mà Đường Kinh Thiên đã dạy cho chàng trong một buổi cao hứng, Giang Nam thấy hán tử ấy chẳng hề để ý thì trong bụng mừng thầm, chỉ nghe soạt một tiếng, chàng đã xé được tà áo của hán tử ấy nhưng không kéo được y xuống ngựa, nói thì chậm, sự việc diễn ra rất nhanh, hán tử ấy lật tay điểm lại Giang Nam đổ sầm xuống đất. Hán tử ấy cười ha hả: "Tên tiểu quỷ nhà ngươi dám giở trò trước mặt ta, đúng là múa rìu trước cửa Lỗ Ban, đọc sách trước mặt Khổng Tử." Giang Nam nằm ngửa dưới đất, hai mắt trợn ngược, miệng thì kêu hừ hừ, hán tử ấy cười lạnh nói: "Kém cỏi như thế mà cũng dám ám toán đại gia, hừ, thực là mất mặt. Mau nói thực, ai sai ngươi đến thăm dò tin tức?" Giang Nam nói rất khẽ, hán tử ấy bảo: "Chẳng qua ngươi chỉ bị ta điểm huyệt đạo, lẽ nào đau đến nỗi nói không ra lời? Nếu ngươi cứ vờ vịt nữa, ta sẽ làm cho ngươi câm luôn! Nói lớn lên!" Giang Nam vẫn cứ rên lên hừ hừ, lời nói chẳng rõ ràng tí nào. Hán tử ấy cả giận nhảy xuống lưng ngựa, bước tới gần Giang Nam rồi vung tay tóm lấy chàng. Trong khoảnh khắc điện chớp lửa xẹt ấy, Giang Nam đột nhiên vọt người dậy, hai tay búng ra, hán tử ấy nằm mơ cũng không ngờ rằng Giang Nam đã trúng thủ pháp điểm huyệt nặng tay mà vẫn có thể phản công, y chưa kịp kêu lên thì đã ngã xuống đất. Giang Nam cả cười nói: "Thủ pháp điểm huyệt của ngươi còn kém ta xa lắm!" Té ra trước đây Giang Nam đã từng bị dị sĩ của phái Không Động là Hoàng Thạch đạo nhân ép làm học trò, đã từng đi theo ông ta bảy ngày, chỉ học được một loại công phu làm thay đổi vị trí của huyệt đạo, võ công của hán tử ấy vốn hơi nhỉnh hơn Giang Nam, thế nhưng y lại dùng công phu điểm huyệt cho nên mới tạo cơ hội cho Giang Nam.
Giang Nam nheo mắt nhìn y cười: "Ai đã sai ngươi đi mời trợ thủ? Mau nói thực, nếu nửa câu giả dối ta sẽ bẻ xương lột da ngươi!" khi nói đến câu cuối cùng thì chàng gằn giọng.
Hán tử ấy tức tối, im lặng chẳng thèm trả lời. Giang Nam nói: "Được, trước tiên ngươi sẽ nếm mùi vị bị ta điểm huyệt đạo. Khi ngươi đã nếm đủ thì ta sẽ lại bẻ xương lột da ngươi!" Hán tử đột nhiên cảm thấy trong người có vô số con rắn đang cắn xé, đau đến nỗi chết đi sống lại. Số là Kim Thế Di dạy chàng thủ pháp điểm huyệt này. Kim Thế Di học thủ pháp điểm huyệt từ Độc Long tôn giả, đây là loại thủ pháp kỳ quái nhất, lợi hại nhất, tổng cộng có bảy cách điểm huyệt khác nhau, công hiệu khác nhau, Giang Nam vừa mới sử dụng thủ pháp dễ học nhất, người học không cần có công lực thâm hậu nhưng cũng đủ khiến cho đối phương không thể chịu đựng nổi. Giang Nam thấy y lăn lộn ở dưới đất, trong lòng cũng cảm thấy bất nhẫn, nhủ thầm: "Y quả là một trang hán tử cứng cỏi, nếu y không nói mình chỉ đành thả y.
Không biết mình có nên bẻ xương lột da y hay không?" chàng vừa nghĩ thì chợt nghe hán tử ấy kêu lên: "Tôi nói". Giang Nam cả mừng, buột miệng bảo: "Đúng là đồ vô dụng!" nhưng sau khi nói ra thì sợ y tiếp tục chịu đựng cho nên vội vàng nói: "Tuy là vô đụng, nhưng có thể ứng biến linh hoạt mới coi như là đại trượng phu!" rõ ràng câu trước với câu sau rất chỏi nhau, ai mà nghe được chắc chắn sẽ cười đến rụng răng, nhưng hán tử ấy quá đau đớn, nào có thể cười y được, vội vàng nói: "Tiểu gia, ngài mau hỏi đi, ngài hỏi một câu tôi sẽ trả lời một câu." Giang Nam nói: "Ai sai ngươi đi mời trợ thủ?" hán tử ấy bảo: "Là đà chủ của chúng tôi." Giang Nam hỏi: "Hừ, ta đâu có biết đà chủ của các người? Y họ gì tên gì?" hán tử ấy nói: "Hách Đạt Tam" Giang Nam kêu ồ một tiếng rồi nói: "Té ra là chưởng môn của phái Thái Sơn!"
Thật ra Giang Nam không hề biết có phái Thái Sơn, càng không biết võ công của Hách Đạt Tam đến mức nào, nhưng trước kia chàng đã từng nghe Trần Thiên Vũ và Tiêu Thanh Phong đàm luận với nhau, hai người ấy bảo rằng, trong võ lâm các môn phái tuy nhiều, nhưng hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang là có nhân tài nhiều nhất, tiếng tăm cao nhất. Tiếp đến là các phái Nga Mi, Thanh Thành, ngoài bốn phái này, đệ tử của phái Thiên Sơn tuy không đông nhưng mỗi đời đều có nhân vật kiệt xuất, song phái Thiên Sơn ở miền biên thùy phía tây, rất ít tham dự vào những cuộc đấu đá ở võ lâm Trung Nguyên, cho nên phái Thiên Sơn có thể nói là đứng chơ vơ một mình không xếp vào bốn môn phái lớn. Giang Nam vừa nghĩ như thế, để tỏ ra mình là người thông thuộc tình hình võ lâm, chàng mới nói bừa thêm một câu: "Chỉ là hạng tép riu ở miền Sơn Đông." Thật ra Hách Đạt Tam tuy chẳng thể sánh nổi với chưởng môn của các phái Thiếu Lâm, Võ Đang nhưng ở Sơn Đông cũng là nhân vật lẫy lừng.