Điệu Valse giã từ - Chương 3 phần 3

7.

Ruzena ngồi từ rất lâu trên một chiếc ghế trong vườn công cộng, không còn khả năng nhúc nhích, chắc chắn cả suy nghĩ của cô cũng đã trở nên bất động, cố định vào một điểm duy nhất nào đó.
Mới ngày hôm qua cô còn tin những gì nghệ sĩ kèn trompet nói. Không chỉ vì điều đó thật êm ái, nhưng còn vì nó là đơn giản nhất, cô có thể, với tâm trí bình an, từ bỏ một trận chiến mà cô không đủ sức để đi đến cùng. Nhưng từ khi các đồng nghiệp chế nhạo cô, cô lại nghi ngờ anh và thấy căm ghét khi nghĩ về anh, trong thâm tâm lo là mình không đủ mưu mẹo và cứng rắn để chinh phục anh.
Cô hững hờ xé giấy bọc gói quà mà Frantisek đưa. Bên trong có một miếng vải màu xanh nhạt và Ruzena hiểu anh ta tặng cho cô một chiếc áo ngủ, một chiếc áo ngủ mà anh ta muốn cô mặc để ngắm nhìn hàng ngày, hàng ngày và rất nhiều ngày và cả cuộc đời. Cô ngắm màu xanh nhạt của vải và tưởng như cái vết xanh đó rơi xuống, lan rộng, biến thành đầm lầy, đầm lầy lòng tốt và tận tuỵ, đầm lầy tình yêu cúc cung cuối cùng sẽ nuốt lấy cô.
Cô căm ghét ai hơn ai? Người không muốn cô hay người muốn cô?
Cô ngồi đóng đinh trên ghế, không hay biết đến những gì đang diễn ra xung quanh. Một chiếc mini bus màu xanh dừng lại ở vệ đường, đi theo là một chiếc xe tải màu xanh đóng chặt, từ đó vọng ra đến chỗ Ruzena những tiếng gầm gào và tiếng chó sủa. Ca xe mini bus mở ra và một ông già nhảy xuống tay đeo một tấm băng. Ruzena nhìn ra trước mặt, vô định, mất một lúc cô không hiểu mình đang nhìn gì.
Ông già hét lên ra lệnh về phía chiếc mini bus và một ông gìa khác xuống xe, tay cũng đeo băng đỏ và cầm một cái sào dài ba mét ở đầu gắn một cái rọ sắt. Những người khác cũng xuống xe và xếp hàng trước xe. Toàn bộ, những ông già, mỗi người đeo một băng đỏ và mỗi người cầm một cái sào đầu gắn rọ sắt.
Người xuống đầu tiên không có sào, chỉ ra lệnh, các ông già, như một đội phóng lao dị thường, đứng nghiêm rồi nghỉ nhiều lần. Sau đó người đàn ông hét một lệnh khác và đội ông già chậm rãi chạy vào khu vườn công cộng. Ở đó, họ tản ra, mỗi người chạy về một hướng, một số trong các lối đi, những người còn lại trên bãi cỏ. Các bệnh nhân đi dạo trong vườn, trẻ con đang chơi, tất cả dừng lại sửng sốt nhìn các ông già lao lên tấn công, vũ trang bằng những chiếc sào dài.
Ruzena thoát khỏi trạng thái đờ đẫn và suy tử để quan sát điều đang diễn ra. Cô nhận ra bố mình trong số các ông già và kinh tởm nhìn ông, không chút ngạc nhiên.
Một con chó hoang đang chạy chơi trên bãi cỏ dưới gốc một cây dương. Một ông già chạy về phía nó, con chó ngạc nhiên nhìn lại. Ông già chìa cái sào quá dài, hai bàn tay già nua lại yếu ớt, ông già chụp trượt. Cái rọ sắt chao đảo quanh đầu con chó, nó tò mò ngắm nhìn cảnh tượng đó.
Nhưng đã có một ông già về hưu khác có cánh tay khoẻ mạnh hơn chạy đến để giúp đỡ ông ta, và con chó nhỏ cuối cùng cũng bị chui vào cái rọ. Ông già kéo cái sào, thanh sắt cứa vào cái cổ nhung và con chó rú lên. Hai ông già cười lớn, lôi con chó trên bãi cỏ ra đến chỗ mấy cái xe. Họ mở cánh cửa lớn của xe tải, từ đó vọng ra tiếng chó sủa ầm ĩ, họ ném con chó hoang vào trong đó.
Với Ruzena, điều cô nhìn thấy chỉ là một yếu tố của câu chuyện của chính cô, cô là một người phụ nữ bất hạnh bị kẹp giữa hai thế giới, thế giới của Klima ném cô ra, thế giới Frantisek mà cô muốn thoát ra (thế giới của tầm thường và buồn chán, thế giới của thất bại và đầu hàng hiện giờ đang đến đây tìm kiếm cô dưới dạng đội bắt chó này, như thể nó muốn nhốt cô vào một cái rọ sắt kia.
Trên một lối đi trải cát của khu vườn công cộng, một thằng bé khoảng mười một tuổi tuyệt vọng gọi con chó của mình đang chui vào bụi rậm. Nhưng thay vào chỗ con chó, bố của Ruzena với chiếc sào dài trên tay đã chạy đến cạnh thằng bé. Nó im lặng ngay lập tức. Nó không dám gọi chó nữa, sợ ông già kia sẽ bắt nó mất. Nó chạy vào lối đi để trốn, nhưng ông già đã bắt đầu chạy. Lúc này, hai người chạy ngược chiều nhau. Bố Ruzena vũ trang bởi chiếc sào và thằng bé thì vừa chạy vừa nức nở. Đứa trẻ bỗng chạy ngược trở lại. Bố Ruzena cũng chạy ngược trở lai, hai người lại chạy ngược chiều nhau.
Một con chó giống teckel chui ra từ bụi cây. Bố Ruzena chìa sào về phía nó, nhưng con chó đột ngột lách ra và chạy về phía thằng bé, thằng bé nhấc nó lên và ôm nó vào lòng. Các ông già khác lao vào để hỗ trợ cho bố Ruzena giật con chó từ tay thằng bé. Thằng bé khóc rống lên, hò hét và đánh trả, đến mức các ông già phải xoắn tay nó lại và bịt miệng để tiếng hét của nó không gây quá nhiều cho với những người đi qua ngoái nhìn nhưng không hề có ý định can thiệp.
Ruzena không muốn nhìn thấy bố mình và những người bạn của ông nữa. Nhưng đi đâu đây? Ở phòng mình cô có một cuốn truyện trinh thám chưa đọc xong mà cô không thích, ở rạp chiếu một bộ phim cô đã xem, và ở sảnh khách sạn Richmond có một chiếc tivi lúc nào cũng bật. Cô chọn tivi. Cô đứng lên khỏi ghế và, trong tiếng ồn ào của các ông già vẫn tiếp tục vang đến từ mọi hướng, cô chợt có ý thức rất rõ về cái mình đang mang trong cơ thể mình, nó là linh thiêng. Cô tự nhủ mình không có quyền bỏ nó đi, cô không có quyền làm hại nó, bởi vì, trong bụng cô giờ đây cô đang mang niềm hy vọng duy nhất của mình, chiếc vé duy nhất để đi vào tương lai của cô.
Khi đến đến cuối vườn, cô nhìn thấy Jakub. Anh đang đứng trên vỉa hè trước khách sạn Richmond quan sát cảnh tượng đang diễn ra trong khu vườn công cộng. Cô mới chỉ nhìn thấy anh một lần, trong bữa trưa, nhưng cô vẫn nhớ anh. Người bệnh nhân đang tạm thời là hàng xóm của cô, người đập tường mỗi khi cô bật radio quá to, vô cùng ghét cô, đến mức Ruzena chú ý một cách đặc biệt kinh tởm đến tất cả những gì liên quan đến cô ta.
Cô ghét luôn khuôn mặt người đàn ông này. Cô thấy nó đầy vẻ châm biếm. Ruzena ghét sự châm biếm. Cô luôn nghĩ là sự châm biếm (tất cả các dạng châm biếm) đều giống như một trạm gác có vũ trang đặt ở lối vào tương lai, nơi mà cô, Ruzena, muốn bước vào, và trạm xét đó dò xét cô với con mắt săm soi và ném cô ra bằng một cái gật đầu. Cô ưỡn người ra trước và quyết định đi qua trước mặt người đàn ông đó với tất cả vẻ cao ngạo thách thức của cặp vú cô, với tất cả sự kiêu hãnh của chiếc bụng cô.
Và người đàn ông đó (cô chỉ quan sát anh ta bằng khoé mắt) đột nhiên nói dịu dàng và êm ái:
- Đến đây nào…đến đây nào…
Thoạt tiên cô không hiểu tại sao anh nói điều đó với cô. Sự dịu dàng trong giọng nói của anh làm cô xao xuyến, cô không biết phải trả lời thế nào. Nhưng sau đó, khi quay lại, cô nhìn thấy một con chó giống boxer to có cái mõm xấu xí dị dạng đang chạy theo anh.
Giọng nói của Jakub cuốn hút con chó. Anh tóm lấy cổ dề nó.
- Đến đây nào, không thì mày toi đấy – Con chó hướng về phía Jakub khuôn mặt đầy tin tưởng, lưỡi nó thò dài ra như một lá cờ vui vẻ.
Đó là một giây phút đầy nhục nhã lố bịch, thoáng qua nhưng rất rõ ràng, người đàn ông đó chẳng thèm để ý đến sự cao ngạo lẫn kiêu hãnh của cô. Cô thì lại tưởng anh ta nói với mình, hoá ra lại nói với một con chó. Cô đi qua trước mặt anh và dừng lại ở thềm khách sạn Richmond.
Hai ông già cầm sào chạy từ vườn ra, lao về phía Jakub. Cô ác ý ngắm nhìn cảnh tượng và không khỏi đứng về phía các ông già.
Jakub cầm cổ dề con chó dẫn đến thềm khách sạn, một ông già hét lên về phía anh:
- Bỏ ngay con chó ra!
Và một ông già khác:
- Nhân danh pháp luật!
Jakub vờ như không để ý đến mấy ông già và tiếp tục di, nhưng từ đàng sau một chiếc sào đã chầm chậm buông xuống và cái rọ sắt vụng về lơ lưng trên đầu con chó.
Jakub nắm lấy đầu sào và hất mạnh nó ra.
Ông già thứ ba chạy đến gào lên:
- Làm thế là vi phạm pháp luật đấy! Tôi gọi cảnh sát bây giờ!
Và giọng nói the thé của một ông già khác tố cáo:
- Nó đã chạy vào công viên! Nó chạy qua khu vui chơi, mà khu đấy thì cấm chó! Nó đái lên cát của bọn trẻ con! Anh yêu chó hơn trẻ con đấy.
Ruzena ngắm nhìn cảnh tượng từ thềm khách sạn và sự kiêu hãnh mà cô cảm thấy giây phút trước đó trong bụng mình trào dâng khắp người cô và làm cô tràn đầy sức mạnh nổi loạn. Jakub và con chó tiến lại gần cô trên mấy bậc thang và cô nói với Jakub:
- Ông không có quyền mang chó vào đây.
Jakub đáp lại giọng bình tĩnh, nhưng cô không thể lùi được nữa. Cô đứng đó, hai chân dạng ra, trước cửa khách sạn Richmond và cô nhắc lại:
- Đây là khách sạn của bệnh nhân, không phải khách sạn cho chó. Ở đây cấm chó.
- Tại sao cô không cầm lấy một cái sào gắn rọ, cô ấy? – Jakub nói, định cùng con chó đi qua ngưỡng cửa.
Ruzena nhận ra trong câu nói của Jakub sự châm biếm mà cô căm ghét, cái đã ném trả cô về chỗ mà cô vừa rời khỏi, nơi cô không muốn ở. Cơn giận bùng cháy trong cái nhìn của cô. Cô tóm lấy cổ dề con chó. Giờ đây cả hai đều tóm lấy con chó. Jakub lôi nó về phía trong và cô kéo nó ra phía ngoài.
Jakub nắm lấy cổ tay Ruzena và gỡ tay cô khỏi cổ dề con chó, mạnh đến mức cô phải chao đảo.
- Ông yêu chó hơn là trẻ con trong nôi! – cô hét lên.
Jakub quay lại và cái nhìn của họ giao nhau, gắn chặt với nhau trong một nỗi hận thù bất chợt và trần trụi.
8.
Con chó boxer nhảy nhót trong phòng, tò mò nghiêng ngó và không chút ngờ là mình vừa trải qua một cơn nguy hiểm. Jakub nằm dài trên đi văngã tự hỏi sẽ làm gì với nó. Anh thích con chó, nó cuộc vui vẻ và rất ngây thơ. Chỉ sau vài phút nó đã quen được với một căn phòng lạ, vô lo, và kết bạn thân thiết với một người lạ rất đáng ngờ càng khẳng định thêm sự ngu ngốc của nó. Sau khi đã ngửi hít khắp phòng, nó nhảy lên đi văng nằm bên cạnh Jakub. Jakub ngạc nhiên nhưng anh không nề hà gì đón nhận ngay cử chỉ tình bạn này. Anh đặt tay lên sống lưng con chó và vui thích cảm nhận thân thể nóng hổi của con vật. Anh vẫn luôn yêu chó, chúng gần gũi, thân thiết, tận tuỵ và cùng lúc, không thể hiểu được. Người ta không bao giờ biết được trong đầu và trong tim những sứ giả tin cậy và vui vẻ của thiên nhiên khó hiểu này có gì.
Anh gãi gãi sống lưng con chó và nhớ lại cảnh mà anh vừa chứng kiến. Trong mắt anh các ông già vũ trang bằng sào dài không khác mấy các cai ngục, các thẩm phán và các chỉ điểm viên chuyên rình xem hàng xóm có vừa đi chợ vừa nói chính trị không. Điều gì đã đẩy những con người đó làm cái công việc đáng ghê tởm đó? Vì ác tâm? Chắc chắn rồi, nhưng cũng vì khoái cảm mang lại trật tự nữa. Vì khoái cảm về trật tự muốn biến thế giới của con người thành một sự ngự trị vô cớ ở đó mọi sự diễn ra, vận hành, phó mặc cho một ý chí vô nhân xưng. Khoái cảm trật tự đồng thời cũng là khoái cảm về cái chết, bởi vì cbsn vĩnh viễn là sự vi phạm trật tự. Hoặc, ngược lại, khoái cảm trật tự là cái cớ về mặt đạo đức qua đó sự hằn học của người với người tự biện hộ được cho các xấu xa của mình.
Rồi anh nghĩ đến cô gái tóc vàng vừa nãy đã định ngăn cản anh vào khách sạn Richmond cùng với con chó, anh cảm thấy căm ghét cô một cách đau đớn. Các ông già tay cầm sào không khiến anh tức tối, anh biết họ rất rõ, anh đã ý thức được, không bao giờ anh ngờ là họ có tồn tại và phải tồn tại và sẽ luôn luôn hành hạ anh. Nhưng cô gái đó, đó là thất bại vĩnh viễn của anh. Cô đẹp và xuất hiện trong màn giằng co đó không phải với tư cách người hành hạ mà giống như một khán giả, bị cảnh tượng cuốn hút, đã tự đồng nhất với những kẻ hành hạ. Jakub luôn kinh hoàng với ý nghĩ những người đứng nhìn sẽ sẵn sàng giúp giữ chặt nạn nhân trong cuộc trừng trị. Bởi vì, theo thời gian, đao phủ đã trở thành một người gần gũi và thân thiết, trong khi người bị xử quyết thì bốc mùi quý tộc. Tâm hồn của đám đông xưa kia từng đồng nhất với những người bị hành hạ khốn cùng giờ đây đồng nhất với sự khốn cùng của những kẻ hành hạ. bởi vì ở thế kỷ của chúng ta sự truy đuổi con người là sự truy đuổi những người được nhiều ưu tiên: truy đuổi những người đọc sách hoặc những người có chó.
Anh cảm thấy dưới tay mình cơ thể ấm nóng của con vật và tự nhủ cô gái tóc vàng đó đã đến thông báo với nó, bằng một dấu hiệu bí mật, rằng nó sẽ không bao giờ được yêu mến ở đất nước này, và cô, đại diện của nhân dân, sẽ luông sẵn sàng giữ nó lại để hiến lên những kẻ đe doạ nó bằng những cái sào gắn rọ sắt. Anh ôm lấy con chó, kéo nó vào lòng. Anh nghĩ mình không thể để nó ở lại đây phó mặc cho số phận, anh phải mang theo nó đi xa khỏi đất nước này như một kỷ niệm về các cuộc xử quyết, như một trong những cá thể đã trốn thoát được nó. Rồi anh tự nhủ anh đang giấu ở đây con chó vui vẻ như một kẻ đi đày đang trốn cảnh sát, anh thấy ý nghĩ đó ngộ nghĩnh.
Có tiếng gõ cửa và Skreta bước vào:
- Cậu về đây rồi, sao lâu thế. Tớ tìm cậu suốt buổi chiều. Cậu đã ở đâu vậy?
- Tớ đã gặp Olga và sau đó… - anh muốn kể về chuyện con chó nhưng Skreta đã ngắt lời.
- Nhẽ ra tớ phải nghì đến chuyện đó rồi chứ. mất toi từng ấy thời gian trong khi chúng ta có bao nhiêu chuyện để bàn! Tớ đã nói với Bertlef rằng cậu ở đây và tớ đã dàn xếp để ông ấy mời cả hai chúng mình đến.
Lúc đó con chó nhảy từ đi văng xuống, lại gần bác sĩ, đứng lên trên hai chân sau, hai chân trước đặt trước ngực. Skreta gãi gãi gáy con chó:
- Nào, Bob, rồi, mày ngoan lắm… - anh nói, không hề ngạc nhiên.
- Nó tên Bob?
- Phải, Bob – Skreta nói và giải thích con chó thuộc về ông chủ một quán trọ trong rừng không xa thành phố lắm, tất cả mọi người đều biết con chó vì nó chạy rông khắp nơi.
Con chó hiểu người ta đang nói về nó, điều đó làm cho nó vui sướng. Nó vẫy đuôi và muốn liếm mặt Skreta.
- Cậu là một tâm lý gia tài năng – bác sĩ nói – Hôm nay cậu phải giúp mình nghiên cứu ông ấy thật cặn kẽ. Tớ chưa biết sẽ đánh vào mặt nào. tớ có rất nhiều dự định với ông ấy.
- Bán tranh tôn giáo à?
- Tranh tôn giáo là một trò điên rồ - Skreta nói – Còn có cái quan trọng hơn nhiều cơ. Tớ muốn ông ấy nhận tớ làm con nuôi.
- Ông ấy nhận cậu làm con nuôi?
- Ông ấy nhận tớ làm con như con trai ấy. Điều đó với tớ là rất quan trọng. nếu trở thành con nuôi ông ấy, tớ sẽ tự động có quốc tịch Mỹ.
- Cậu muốn di tản à?
- Không. Ở đây tớ có nhiều việc lâu dài, tớ không muốn cắt đứt. Nhưng, hôm nay tớ phải nói với cậu, bởi vì tớ cần cậu giúp dỡ trưởng cho những công việc ấy. Nhưng với quốc tịch Mỹ tớ sẽ có hộ chiếu Mỹ và đi du lịch thoải mái khắp thế giới. Cậu biết rõ là nếu không thế thì một người bình thường sẽ không bao giờ có thể ra khỏi đất nước của mình. Mà tớ thì vô cùng muốn đến Ailen.
- Tại sao lại phải là Ailen?
- Đó là nơi tốt nhất thế giới để câu cá hồi – Skreta nói và anh tiếp tục – Có một chuyện hơi phức tạp là Bertlef chưa đủ già để làm bố tôi. Cần phải giải thích cho ông ấy là tình bố con nuôi là một trạng thái pháp lý không có gì chung với tình bố con tự nhiên và, về mặt lý thuyết mà nói, ông ấy có thể là bố nuôi của tớ ngay cả khi ông ấy ít tuổi hơn tớ. Có lẽ ông ấy sẽ hiểu điều đó, nhưng ông ấy có một người vợ rất trẻ. Đó là một trong số các bệnh nhân của tớ. Ngày kia bà ta sẽ đến đây. tớ đã bảo Suzy đi Praha đón bà ta ở chân cầu thang máy bay.
- Suzy có biết gì về kế hoạch của cậu không?
- Tất nhiên rồi. Tớ ra lệnh bằng mọi giá phải chiếm được cảm tình của bà mẹ chồng tương lai.
- Thế còn ông người Mỹ? Ông ấy nói gì về chuyện đó?
- Đó chính là điểm khó nhất. Ông ấy không có khả năng hiểu được khi người ta nói mập mờ. Chính vì thế tớ mới cần đến cậu, để cậu nghiên cứu ông ấy và nói cho tớ biết phải làm thế nào với ông ấy.
Skreta nhìn đồng hồ và nói Bertlef đang đợi họ.
- Nhưng chúng ta làm gì với Bob bây giờ? – Jakub hỏi.
- Sao cậu lại dẫn nó vào đây? – Skreta hỏi.
Jakub giải thích cho bạn anh đã cứu sống con chó thế nào, nhưng Skreta đang chìm đắm vào những suy nghĩ của mình nên chỉ nghe một cách lơ đãng.
Khi Jakub nói xong, anh nói:
- Bà chủ nhà trọ là một bệnh nhân của tớ. năm kia bà ấy đã đẻ một thằng bé đẹp tuyệt. Họ rất yêu quý Bob, ngày mai cậu phải mang nó trả lại cho họ. Trong khi chờ đợi, chúng ta sẽ cho nó một liều thuốc ngủ để nó để yên cho chúng ta.
Anh rút từ trong túi một tuýp thuốc, lấy ra một viên. Anh gọi con chó lại gẫn, vạch mồm nó ra và ném viên thuốc vào họng con chó.
- Một phút nữa nó sẽ ngủ rất ngon – anh nói và cùng Jakub ra khỏi phòng.
9.
Bertlef chào mừng hai người khách và Jakub nhìn quanh căn phòng. Anh tiến lại gần bức tranh vẽ một vị thánh râu rậm:
- Tôi nghe nói là ông có vẽ - anh nói, với Bertlef.
- Vâng – Bertlef trả lời – đó là thánh Lazare, ông thánh bảo mệnh của tôi.
- Tại sao ông lại vẽ ông ấy có vòng hào quang màu xanh? – Jakub tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi.
- Tôi rất vui vì anh hỏi tôi câu đó. thường thì người ta ngắm một bức tranh mà thậm chí không biết mình đang nhìn gì. Tôi vẽ vòng hào quang xanh chỉ đơn giản vì trên thực tế vòng hào quang màu xanh.
Jakub lại tỏ ra ngạc nhiên, Bertlef nói tiếp:
- Những người yêu kính Chúa bằng một tình yêu đặc biệt mạnh mẽ sẽ cảm thấy được phần thưởng một niềm vui thiêng liêng lan toả trong khắp con người mình và từ đó chiếu toả ra bên ngoài. Ánh sáng của niềm vui thần thánh đó dịu dàng, mềm mại và có màu bầu trời.
- Gượm đã – Jakub nói – Ông muốn nói vòng hào quang còn hơn là một biểu tượng?
- Chắc chắn rồi – Bertlef nói – Nhưng anh đừng nghĩ nó thường trực toả rạng trên đầu các vị thánh và các vị thánh dẫn đường cho thế giới như những ngọn đèn đường. Dĩ nhiên là không rồi. Chỉ vào một số thời điểm niềm vui bên trong mạnh mẽ đến mức trán họ phòng ra một ánh sáng màu xanh. Trong những thế kỷ đầu tiên sau khi Jesus chết đi, vào thời kỳ các thánh có rất nhiều và có nhiều người thân thiết với họ, không ai mảy mai nghi ngờ về màu vòng hào quang của họ, và trên tất cả các bức tranh, tranh tường thời đó anh sẽ thấy vòng hào quang có màu xanh. Từ thế kỷ thứ năm trở đi các hoạ sĩ mới dần bắt đầu vẽ các màu khác nhau, chẳng hạn màu da cam và màu vàng. Sau này, trong hội hoạ gô tích, chỉ còn lại các vòng hào quang màu vàng thôi. Trông đẹp hơn và biểu hiện được rõ hơn sức mạnh trần thế và vinh quang của Nhà thờ. Nhưng vòng hào quang đó không còn giống với vòng hào quang thật sự, cũng như Nhà thờ không còn giống với Thiên Chúa giáo nguyên thuỷ nữa.
- Tôi không biết điều đó đấy – Jakub nói và Bertlef bước về phía tủ rượu. Ông trao đổi một lúc với hai người khách để biết nên lấy chai nào. Khi rót xong cognac vào ba chiếc ly, ông quay về phía bác sĩ:
- Anh đừng quên, tôi xin anh, người cha bất hạnh này. Tôi muốn điều đó lắm đấy!
Skreta đảm bảo với Bertlef rằng tất cả sẽ diễn ra tốt đẹp, Jakub không biết họ đang nói về chuyện gì. Khi họ nói với anh (chúng ta hãy tán thưởng sự kín đáo thanh lịch của hai người đó, họ không nói ra một cái tên nào, ngay cả trước mặt Jakub), anh thể hiện lòng thương xót lớn lao với ông bố ít may mắn:
- Ai trong số chúng ta chưa phải trải qua sự nhọc nhằn đó! Đó là một trong những thử thách lớn nhất của cuộc đời. Những ai khuất phục và trở thành bố dù không muốn suốt đời sẽ bị kết tội bởi thất bại của mình. Họ trở nên độc ác như tất cả những ai thua cuộc và muốn tất cả những người khác chịu chung số phận.
- Bạn ơi! – Bertlef kêu lên – Anh đang nói trước mặt một người cha sung sướng! Nếu anh còn ở lại đây một hai ngày nữa, anh sẽ nhìn thấy con trai tôi, một thằng bé đẹp tuyệt, và anh sẽ rút lại những gì anh vừa nói.
- Tôi sẽ không rút lại gì hết – Jakub nói – vì ông đã không trở thành bố dù không muốn!
- Dĩ nhiên là không rồi. Tôi đã thành bố theo đúng mong muốn của mình và nhờ vào ân huệ của bác sĩ Skreta.
Bác sĩ đồng ý với vẻ thoả mãn và tuyên bố anh cũng có một ý kiến về tình cha con giống với Jakub, mà tình trạng tuyệt vời của Suzy chính là bằng chứng:
- Điều duy nhất – anh nói thêm – khiến tôi hơi bối rối về chuyện sinh đẻ, là lựa chọn có phần không có lý lắm của các ông bố bà mẹ. Thật khó tin là các cá nhân xấu xí lại có thể quyết định sinh đẻ. Chắc họ tưởng gánh nặng của cái xấu sẽ nhẹ nhàng hơn nếu họ được chia sẻ với con cháu mình.
Bertlef coi quan điểm của bác sĩ Skreta là phân biệt chủng tộc về mặt mỹ học:
- Đừng quên là, không chỉ Socrate là một người xấu xí, mà rất nhiều cô tình nhân lừng danh cũng không hề nổi bật vì vẻ bên ngoài đâu nhé. Sự phân biệt chủng tộc về mặt mỹ học gần như luôn là dấu hiệu của thiếu kinh nghiệm. Những ai chưa đi sâu vào thế giới khoái lạc tình yêu chỉ có thể phán xét phụ nữ thông qua những gì mà họ nhìn thấy. Nhưng những ai thực sự hiểu biết sẽ biết là con mắt chỉ có thể khơi gợi một mảnh xấu xí của những gì phụ nữ có thể dâng hiến cho chúng ta. Khi Chúa sáng tạo con người phải làm tình và sinh sôi, thưa bác sĩ, Người đã nghĩ đến những người xấu ngang với những người đẹp. Tôi lại còn chắc chắn là tiêu chí thẩm mỹ không đến từ Chúa, mà từ Quỷ. Trên thiên đường, không ai phân biệt xấu đẹp nữa đâu.
Jakub tiếp lời và khẳng định những mục đích thẩm mỹ không đóng vai trò gì trong sự kinh tởm của anh đối với sự sinh đẻ.
- Nhưng tôi có thể dẫn ra mười lý do khác để không nên làm bố.
- Nói đi, tôi rất tò mò đấy – Bertlef nói.
- Thứ nhất, tôi không thích tình mẹ con – Jakub nói và dừng lại, vẻ nghĩ ngợi – Thời đại hiện đại đã vén màn bí ẩn mọi huyền thoại. Từ lâu nay tuổi thơ đã không còn là tuổi ngây thơ. Freud đã phát hiện tính dục ở trẻ con và đã nói với chúng ta tất cả về Œdipe. Chỉ Jocaste là chưa hề bị động đến, không ai dám giật khăn bịt mặt của bà. Tình mẹ con là cấm kỵ cuối cùng và lớn nhất, cái tạo ra sự xấu xa nghiêm trọng nhất. không có sợi dây liên hệ nào chặt chẽ hơn mối liên kết gắn liền người mẹ với đứa con. Mối liên hệ đó mãi mãi làm biến dạng tâm hồn đứa trẻ và chuẩn bị cho người mẹ, khi đứa trẻ lớn lên, những đau khổ lớn nhất của tình yêu. Tôi nói tình mẹ con là một sự xấu xa và tôi từ chối đóng góp vào đó.
- Tiếp theo – Bertlef nói.
- Một lý do khác khiến tôi không muốn làm tăng số lượng các bà mẹ - Jakub nói, hơi có chút bối rối – là tôi quá yêu cơ thể phụ nữ và không thể nghĩ mà không thấy kinh tởm rằng bộ ngực của người tôi yêu sẽ trở thành một cái túi đựng sữa.
- Tiếp theo – Bertlef nói.