Chết! Sập bẫy rồi! - Chương 08 - phần 1
Chương 8: Chiến tranh lạnh
Thực ra cái gọi là tiệc gia đình cùng lắm chỉ là mọi người trong nhà tụ tập ăn một bữa cơm vui vẻ với nhau, cùng kể nhau nghe mấy chuyện trong gia đình, đúng ngày sinh nhật bố mẹ thì mua quà, rồi chúc thọ chúc thiếc gì đó.
Cho nên, đi dự tiệc gia đình cũng chẳng phải chuyện gì to tát, chỉ cần lễ phép một chút, tinh ý một chút là có thể vui vẻ được rồi.
Nghĩ như thế làm tôi cũng bình tĩnh vài phần.
Nhưng nhìn cả cái sân nhà hắn toàn giày da Âu phục quần là áo lượt, cơ miệng tôi giật giật, cái này mà Tống Tử Ngôn gọi là “tiệc gia đình bình thường” thôi ấy hả? Tôi không kìm được quay sang hỏi hắn: “Tổng giám đốc, anh nói coi cái cụm từ tiệc gia đình là có ý gì ạ?”.
Hắn đưa quà sang cho tôi, chậm rãi đáp: “Không phải là gia đình mở tiệc sao?”.
Tôi lót tót đi theo hắn vào nhà, trên đường thỉnh thoảng cũng có người chào hỏi, sân cũng không rộng lắm, thế mà đi từ sân vào nhà phải mất tới hơn hai mươi phút, mà thế cũng không thể coi là lâu được, nhưng những ánh mắt nhìn từ trên xuống mang ý dò xét đến từ xung quanh khiến tôi lạnh cả sống lưng. Lúc sắp vào trong nhà, Tống Tử Ngôn dừng lại bảo tôi: “Đừng căng thẳng, em chỉ cần theo tôi, không cần để ý tới những người khác”.
Tôi nhìn ánh mắt hắn đầy vẻ thành thật, hình như đang thật lòng quan tâm tới tôi, bèn đề nghị: “Thế giờ em muốn anh theo em về có được không?”.
Hắn giật mình, miệng nhếch lên, dùng ngay hành động thay cho câu trả lời - tôi bị hắn kéo giật tay, lôi vào.
Vốn dĩ tôi không quen đi giày cao gót, đi nhanh khiến tôi loạng choạng, mấy lần suýt bị ngã, nhưng bên hông vẫn có một cánh tay rắn chắc đỡ hộ. Ngay cả người bắt chuyện không thèm trả lời, thiếu chút nữa khiến tôi bẽ mặt, đương lúc muốn phát hỏa thì đã nghe giọng trầm trầm của Tống Tử Ngôn vang lên: “Bố, mẹ”.
Tôi ngẩng đầu lên, trước mắt là một đôi vợ chồng trung niên, người vợ hơi đẫy đà, nhưng làn da trắng mịn vẫn được chăm sóc rất tốt, nở một nụ cười trông rất ung dung tao nhã. Mà người chồng có mấy phần giống với Tống Tử Ngôn, chỉ là trên người toát lên khí chất nghiêm nghị, không bừng bừng mà vẫn rất oai phong, khiến người ta nhìn qua có cảm giác… vô cùng quen thuộc.
Tống Tử Ngôn giới thiệu tôi với họ: “Đây là Tần Khanh ạ”.
Tôi vội vàng đưa quà ra, nhoẻn miệng cười: “Cháu chào hai bác”.
Bác gái nhận lấy món quà, nheo mắt cười cười, nhẹ nhàng đáp: “Ngoan quá, không cần khách sáo thế đâu cháu”.
Bác trai cũng gật đầu, vẫn là vẻ mặt trang nghiêm ấy, nhưng tôi càng nhìn càng thấy quen.
Tôi thề, tôi đã từng gặp qua bác trai ở đâu rồi, chỉ là nhất thời chưa nghĩ ra thôi, thế nên cứ chống mắt lên nhìn chằm chằm vào mặt người ta.
Có lẽ nom tôi cũng có phần thất thố, Tống Tử Ngôn đứng cạnh khẽ ho hai tiếng, những người xung quanh cũng quay lại nhìn tôi tò mò.
Ánh chớp lóe lên, giống như trong Conan, một tia sáng lóe lên rạch nát cái nền đen tối, tôi nhớ ra rồi.
Thế nên, tôi vội vàng tìm đường nịnh hót ông bố của tổng giám đốc, tỏ vẻ rất kinh ngạc: “Bác trai, bác nhìn phúc hậu thật đó, giống như thị trưởng Tống trong chương trình thời sự!”.
Những người xung quanh đột nhiên im lặng, có lẽ là cũng không biết. Dù sao cũng chẳng có mấy người giống tôi, mỗi ngày đều bị tước đoạt tự do, chỉ có thể xem thời sự tin tức, cho nên thảm thương tới nỗi nhớ hết lãnh đạo thành phố mình.
Nhưng nếu mọi người cũng không biết thì kiểu nịnh nọt này của tôi bị im lặng nhấn chìm à, tôi ra sức gợi chuyện: “Trong chương trình thời sự hàng ngày đó, là cái người vừa tới họp đã uống nước liên tục ấy bác. Rồi thì tới khai mạc buổi nói chuyện ấy ạ, nửa tiếng đã uống hết hai bình nước, giống như trâu uống nước đó”.
Cả căn phòng im lặng.
Một lát sau, bác trai nhíu mày quay sang hỏi bác gái rất nghiêm túc: “Bình thường anh có bệnh thế hả em?”.
Bác gái cũng hơi lúng túng, đắn đo mãi rồi trả lời: “Hình như… có”.
Tôi bị đoạn đối thoại cao siêu trên làm cho đóng băng cứng đờ, mãi một lúc sau mới hiểu được, tôi - xong rồi.
Thị trưởng Tống… Tống Tử Ngôn…
Sao tôi lại không nghĩ ra chứ? Rốt cuộc cái đầu quả dưa của tôi dùng để làm gì chứ?
Tôi hận, bèn mang trút hết hận thù lên người Tống Tử Ngôn, không ăn chơi, không cờ bạc, lại không có ai gọi hắn là Tống thiếu tam thiếu công tử cái của nợ gì đó, sao tự nhiên lại thành con ông cháu cha rồi?
Nghĩ tới đó, tôi lại hung hăng véo cho hắn một cái.
Ánh mắt đáng hận của hắn có pha chút hả hê, mày giãn ra như đang cười, tới cả giọng nói cũng mang theo ý cười: “Em làm gì đó?”.
Tôi ngậm ngùi tố cáo: “Anh đúng là đồ làm con ông cháu cha mà chẳng có tí chuyên nghiệp nào cả!”.
Có lẽ nghe được tiếng than thở của nhân dân tầng lớp chót như tôi đây, nên sau đó Tống Tử Ngôn thể hiện ra mặt. Vô cùng lễ phép nho nhã, không hề cao ngạo hay nịnh nọt, khéo léo tiếp chuyện với từng người khách, hoàn toàn là một thanh niên gương mẫu, con đường làm quan rộng mở, cái miệng bình thường vẫn hay tuôn ra những lời làm người ta nghẹn chết, giờ cũng ăn nói ra trò.
Tôi đứng sau hắn nghe hai bên nói qua nói lại, cơ miệng cứ giật giật liên hồi. May mà tôi không cần phải nói, mỗi lần khách tò mò nhìn tôi hỏi: “Cô đây là…” thì Tống Tử Ngôn đều chỉ nói một câu đơn giản: “Đây là Tần Khanh”. Sau đó tôi chỉ cần gật đầu, mỉm cười, đưa tay ra bắt là đại công cáo thành, nói cách khác, hôm nay tôi làm Monalisa.
Lại thêm một người tới, tôi không cần nhìn coi là ai nữa, mỉm cười theo phản xạ có điều kiện, gật đầu, đưa tay ra, chuẩn bị bắt. Nhưng người trước mặt chẳng thèm đưa tay ra phối hợp mà còn kêu lên kinh ngạc: “Tiểu Liên à, cháu cũng tới à?”.
Tôi còn tưởng không phải gọi mình, bèn thả tay xuống, cái giọng kia lại kêu lên: “Mới không gặp ít lâu mà đã mất hết lương tâm rồi, không nhận ra ông sao?”.
Tôi vừa ngẩng đầu lên mới phát hiện người đứng trước mặt mình là ông nội Tống Tử Ngôn, đang trợn mắt nhăn mày nhìn tôi. Tôi ngơ ngẩn: “Không phải ông gọi Tiểu Liên ạ?”.
Ông cụ trừng mắt: “Đúng, không phải gọi cháu sao”.
Tôi ngượng ngùng: “Cháu là Tần Khanh mà”. Cái này không phải là chứng đãng trí tuổi già đấy chứ.
Ông cụ hùng hổ hỏi lại: “Thế cháu không phải họ Phan, tên Kim Liên à?”.
Tôi cứng họng luôn.
Ông cụ không nói tiếp nữa mà chỉ nhìn tôi rất kỳ quái: “Miệng cháu làm sao thế? Còn trẻ thế này mà đã trúng phong à? Quả nhiên lẳng lơ đa tình là không được đâu!”.
Tôi đưa tay sờ mới biết mặt mình cười tới cứng đơ, hai bên khóe miệng đều nhếch lên, nói chuyện toàn phải rít qua kẽ răng. Đúng lúc Tống Tử Ngôn vừa tiếp chuyện với khách xong, nghe thấy thế liền quay lại nhìn tôi thế nào, ánh mắt ấm áp, hai tay kéo nhẹ khóe miệng tôi rồi xoa xoa xung quanh.
Có lẽ vì bị ông cụ đứng ngay cạnh nhìn bằng ánh mắt vô cùng hào hứng, mặt tôi xoẹt cái đỏ bừng lên…
Cũng không thể trách tôi được, tình huống lộ liễu công khai thế này, hành động lại thân mật tình cảm thế này, hai má nóng bừng lên, trong lòng cũng nóng theo.
Lúc này, một giọng nói hồ hởi vang lên từ đằng sau: “Anh ba”.
Trong một thoáng, không chỉ mặt, mà cả cơ thể tôi đều cứng đờ.
Quay đầu lại, quả nhiên là anh.
Tô Á Văn đứng ở chỗ khuất, nụ cười trên môi phảng phất như có như không, nói với chúng tôi: “Lâu rồi không gặp”.
Tôi như người bước hụt trên đám mây, vội vàng hoảng hốt.
Tống Tử Ngôn quay người lại thấy anh thì cau mày, giọng nói có phần trách cứ: “Mấy hôm trước Tử Hàm gọi điện qua, bảo cậu không chịu đi Mỹ với nó”.
Ánh mắt Tô Á Văn dường như vô tình liếc qua tôi, vẫn cười như trước, chỉ thoáng pha thêm chút mệt mỏi: “Vì có một số chuyện chưa được rõ ràng, có vài thứ không buông xuôi được nên tạm thời không đi nổi”.
Tống Tử Ngôn ngẩn người ra rồi lại nở nụ cười: “Cũng tốt, lâu lắm rồi chúng ta không uống rượu với nhau, khó có được cơ hội như hôm nay”.
Bọn họ sóng vai nhau đi vào phòng khách, tôi vô thức đi theo sau, chỉ cảm thấy đầu mình hơi choáng váng. Ông cụ hỏi: “Tiểu Liên này, sao mặt cháu trắng bệch ra thế?”.
Tôi đưa tay lên sờ mặt mới phát hiện, cả tay lẫn mặt đều đã lạnh băng. Tôi cười khổ: “Ông này, tuy rằng ông kỳ quái, nhưng vẫn có một câu nói rất đúng”.
Ông cụ nghe hết câu thì đắc ý hỏi lại: “Câu gì?”.
“Cháu đúng là đồ lẳng lơ đa tình chết tiệt”.
Lúc dùng bữa, trong phòng khách có bảy, tám cái bàn, đương nhiên Tống Tử Ngôn và Tô Á Văn cùng ngồi một bàn.
Tôi ngồi bên cạnh Tống Tử Ngôn, nhìn hai người liên tục nói chuyện với nhau, hoang mang nghĩ thầm, rốt cuộc mình ở đây làm gì? Cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn sống một cuộc sống mà tới bản thân mình cũng chẳng hiểu ra sao, nhưng được như ngày hôm nay, thì rốt cuộc mình là cái gì đây?
Bọn họ nói chuyện một hồi, Tô Á Văn quay sang nhìn tôi, nâng chén rượu trong tay: “Vì anh ba, anh cũng nên mời em một chén chứ”.
Tôi vội vàng nâng chén rượu của mình lên, Tống Tử Ngôn từ chối: “Cô ấy không uống được rượu, hơn nữa, giữa chúng ta cần gì khách sáo như vậy”.
Giọng Tô Á Văn nén lại, nhưng càng nhấn mạnh hơn: “Nhưng có thế nào thì chén rượu này cũng không thể không uống được”.
Tống Tử Ngôn nhìn anh, rồi cầm chén rượu của tôi: “Để anh uống thay”.
Tô Á Văn im lặng, chỉ im lặng nhìn hai chúng tôi, trong ánh mắt là sự ảm đạm tôi chưa thấy bao giờ. Nhìn ánh mắt ấy, tôi như thấy lại quãng thời gian cách đây hai năm từ từ hiện ra, tựa như một bộ phim quay chậm, tôi giật lại chén rượu từ tay Tống Tử Ngôn, uống một hơi cạn sạch, rồi nhìn Tô Á Văn, cười cười: “Xin cạn chén trước”.
Anh cũng cười, ngửa đầu uống cạn chén rượu.
Tôi chưa từng uống rượu trắng, chỉ cảm thấy thứ chất lỏng cay nóng này để lại một sự thoải mái không nói nên lời, khiến những chuyện đã qua trôi hết đi, tôi cầm bình rượu, tự rót cho mình một chén: “Chuyện tốt phải thành đôi, chúng ta cạn thêm chén nữa đi”.
Anh nói được, rồi cũng tự rót một chén đầy.
Tôi nâng chén rượu lên định uống thì cánh tay đã bị Tống Tử Ngôn giữ lại, sắc mặt hắn trầm xuống rất đáng sợ: “Đừng làm loạn nữa”.
Cánh tay Tô Á Văn cầm chén rượu ngưng lại giữa chừng, chỉ ngây ra nhìn Tống Tử Ngôn đang nắm lấy tay tôi.
Chẳng hiểu lúc đấy tôi lấy dũng khí ở đâu ra, gạt phăng tay Tống Tử Ngôn đi, nhất quyết cạn sạch chén rượu thứ hai.
Hai chén rượu cũng đủ để tôi chuếnh choáng, còn hơi ngà ngà say.
Lên xe về nhà, tôi ngồi trên ghế trước, cười khúc khích: “Tống Tử Ngôn, em hát karaoke cho anh nghe nhé”.
Sắc mặt hắn vẫn cứng đơ như trước, đừng nói là để ý, ngay cả nhìn cũng không thèm nhìn tôi lấy một cái.
Tôi tự biên tự diễn, hát từ “Quá tủi hổ” tới “Mười năm”, trên đường, trong xe ô tô chỉ toàn vang vọng tiếng hát của tôi.
Tới khi tôi bắt đầu hát tới lần thứ năm bài “Quá tủi hổ”, hắn đột nhiên vòng tay lái, “két” một cái, xe đã đậu ngay bên vệ đường. Hắn quay đầu sang nhìn, trong mắt tràn đầy vẻ tức giận: “Tần Khanh, rốt cuộc em muốn thế nào?”.
Tôi muốn gì sao? Tôi cũng không biết nữa.
Cho dù tôi muốn gì thì làm sao, mà tôi không muốn gì thì đã làm sao nào?
Tôi nghĩ ngợi, càng nghĩ càng thấy nhức đầu, tôi nhoài người qua nắm lấy tay áo hắn, nghiêm túc hỏi: “Tống Tử Ngôn, anh thích em không?”.
Hắn im lặng nhìn tôi.
Tôi hỏi tiếp, tôi phải hỏi tiếp, mặc dù tôi biết đáp án có thể không dễ chịu, nhưng tôi cần một lý do, tôi phải tiếp tục hỏi, hỏi, như một tên ăn mày: “Tống Tử Ngôn, anh có thích em không? Anh có yêu em không?”.
Rất lâu sau, tới khi tôi sắp buông xuôi, hắn chậm rãi đáp: “Tôi vẫn chờ em hỏi tôi, nhưng tại sao em lại hỏi vào hôm nay?”.
Khóe miệng hắn kéo lên thành một nụ cười, tôi nheo đôi mắt đã lờ đờ nhìn qua, tự nhiên nghĩ nụ cười này sao làm tim mình đau tới thế.
Hắn ép sát vào mặt tôi, ánh mắt lạnh băng, tôi đã từng thấy dáng vẻ hắn lúc tức giận, nhưng lúc này, chỉ nhìn hắn một cái thôi đã thấy sợ rồi.
“Đừng hỏi tôi có yêu em không, nhìn lại bản thân mình trước rồi tự suy nghĩ cho kỹ đi”. Hắn ngừng một lát rồi gằn giọng: “Em đáng sao?”.
Rốt cuộc một câu nói có thể khiến người ta đau tới đâu?
Một câu nói của Tô Á Văn đã gián tiếp phủ nhận hết những tình cảm tôi tự cho là đúng suốt hai năm trời.
Ba từ của Tống Tử Ngôn đã trực tiếp phủ nhận con người tôi.
Trước đây tôi vẫn có một quan niệm: Tôi đây, người nào gặp người ấy thích, không thích không phải người.
Nhưng giờ tôi mới phát hiện ra, có lẽ mình mới là kẻ lạc lõng trong đám người nhộn nhịp.
Tô Á Văn chỉ nhẹ nhàng nhắc tôi, có lẽ tôi không xứng có một mối tình trọn vẹn, Tống Tử Ngôn dứt khoát nói cho tôi hay, tôi, căn bản là người không có tư cách được yêu.
Hóa ra đọc nhiều tiểu thuyết đến thế, quyển nào cũng nói rằng đau như xé tâm can, tim như bị ai bóp nghẹt. Tôi vẫn nghĩ là bịa đặt, là không bệnh mà than, rồi hừ mũi.
Nhưng đêm nay, chỉ ba chữ ấy của Tống Tử Ngôn thôi đã khiến tôi lâm trọng bệnh rồi.
Hóa ra tiểu thuyết không hẳn là xa rời thực tế, văn chương cũng chẳng phải quá khoa trương.
Tim đâu chỉ đau không thôi, mà là đau chết bà!
Tôi vẫn nghĩ tính mình giống như một con King Kong mạnh mẽ, anh dũng nơi núi rừng, thân thể cường tráng, thương đao bất khả xâm phạm, chẳng quan tâm tới lời nói. Nhưng chiêu công kích ấy của Tống Tử Ngôn nào phải là đánh thẳng tay đâu, hắn chỉ tung một chiêu phép vớ vẩn thôi cũng đủ khiến chỉ số sinh lực của tôi tụt hết, không để người ta kịp trở tay, chỉ có thể lê xác tàn trở về thành.
Không ngờ Tiêu Tuyết cũng ở nhà, hóa ra nó đã đổi sang chỗ làm khác, giờ đang làm tiếp thị bảo hiểm cho một công ty cách trường không xa lắm. Thấy bộ dạng tôi như người mất hồn còn trêu chọc: “Sao lại nửa đêm về nhà thế này? Vợ chồng trẻ cãi nhau à?”.
Cái cụm từ “vợ chồng trẻ” như lưỡi dao đâm vào trái tim đau đớn của tôi, tôi không muốn trách nó, nhưng thực sự không thể chịu nổi, chỉ trả lời qua loa: “Cứ cho là thế đi”.
Nó nghiêm mặt dặn dò: “Quy tắc thứ nhất lúc hai bên giận nhau, ngàn vạn lần không được hạ mình trước, hạ mình được một lần thì sẽ có ngàn lần sau nữa”.
Tôi dấp khăn mặt thấm nước lạnh lên mặt, giọng pha chút khó chịu: “Mày yên tâm, tuyệt đối không có đâu”.
Lần này sẽ không, tới lần thứ hai còn không có chứ nói gì tới lần thứ một ngàn.
Ngốc lần đầu có thể còn coi được, nhưng ngốc tới lần thứ hai thì chắc chắn không thể chấp nhận được!
Tôi bắt đầu cuộc sống làm trạch nữ trong ký túc xá, cả ngày chỉ mặc bộ đồ ngủ, một ngày hai bữa cơm ra ngoài mua, ôm máy tính làm ông xã. Ngày ngày cứ thế trôi qua, cuối cùng con ong chăm chỉ sáng đi sớm, tối về muộn như Tiêu Tuyết cũng ngứa mắt, nó rít lên lên với tôi: “Tần Khanh, mày định làm cái xác sống thối rữa ở chỗ này hả?”.
Tôi vừa gõ bàn phím vừa đáp lại nó: “Tao làm sao lại là xác sống được, mấy hôm nay đọc toàn truyện ngược, cũng thích đó, cười lăn lộn. Nhất là truyện…”. Tên truyện mắc lại trong cổ họng, giờ tôi mới phát hiện ra mình như người đói ăn ngấu nghiến những gì có thể, nhưng chỉ như nước đằng đông chảy qua đằng tây, lướt nhanh qua óc, tới cái tên cũng không nhớ nổi.
Thực sự là chẳng có gì.
Căn phòng đột nhiên tĩnh lặng, tĩnh lặng tới kỳ lạ. Tiêu Tuyết cất giọng phá vỡ bầu không khí kỳ quái này: “Nói đi, có phải Tô Á Văn tới tìm mày rồi không?”.
Ngón tay đang gõ bàn phím bỗng nhiên ngừng lại, tôi không cần trả lời nữa.
Tiêu Tuyết vẫn tự nói tiếp: “Thực ra mấy hôm trước khi mày về đây, anh ta có tới trường tìm mày. Mày cũng biết tính tao sao rồi đó, tao nổi máu lên mắng cho Tô Á Văn một trận thối đầu, nhưng anh ta vẫn im lặng chờ tao mắng xong, từ đầu tới cuối chỉ nói đúng một câu, nói muốn gặp mày. Sau đó tao bảo là mày đã yêu người khác rồi, giờ đang ở chung với người ta rất hạnh phúc, tao nói thế cũng vì muốn trả thù một chút thôi. Nhưng nhìn Tô Á Văn cứ ngây người đứng lặng ở đó, tao lại thấy mềm lòng… tao vẫn cảm thấy mày quen với Tống Tử Ngôn rất tốt, cho nên không nói cho mày biết, nhưng mấy hôm nay nhìn mày cứ như người mất hồn ấy, có phải anh ta lại tới tìm mày rồi không?”.
Mãi lúc lâu sau tôi mới có phản ứng, chỉ “à” một tiếng mơ hồ.
Tiêu Tuyết hỏi: “Mày có biết mày có tật gì không?”.
“Gì?”.
“Chưa đụng vào tường chưa quay lại”. Nó ngừng một lát, rồi nói tiếp: “Không phải, dạng như mày, chưa đập vào tường cho chết thì vẫn cứng đầu cứng cổ không chịu nhận ra đó là đường cụt. Chỉ cần mày chọn được một con đường, thì dù là bò đi, mày cũng có thể bò tới cuối”.
Không ngờ tôi vẫn còn có thể nhe răng ra cười cười: “Cảm ơn mày”.
Nó nhìn tôi, vẻ mặt bỗng nhiên nghiêm túc lạ: “Nhưng mà, Tần Khanh, lần này thì khác. Lần này không phải là chuyện mày thích ăn món gì thì có thể ăn suốt một học kỳ, không phải chuyện mày thích nghe bài gì thì sẽ mở nghe suốt đêm được. Con người sẽ thay đổi, trước đây Tô Á Văn đối xử với mày rất tốt, có thể sau này vẫn tốt như thế, nhưng hai người chúng mày không hợp với nhau”.
Tôi cười đùa: “Mày biến thành chuyên gia phân tích tình cảm từ khi nào thế?”.
Nó không để ý tới tôi, vẫn nói tiếp: “Mày với Tô Á Văn đều là loại người mãi vẫn không chịu buông tay, nhưng lại không biết bản thân mình đang muốn gì. Còn Tống Tử Ngôn thì khác, lão ấy là người hiểu rõ mình muốn gì, nếu không có được sẽ không chịu bỏ qua. Mày với Tô Á Văn là cây cỏ, đón gió mà lớn lên nhưng rất yếu ớt, còn Tống Tử Ngôn lại là cây, mày có thể không phát hiện, nhưng lão ấy vẫn luôn che chở cho mày, thế nên lúc đó tao sợ ảnh hưởng tới chuyện tình cảm của hai người mới không kể chuyện Tô Á Văn đến tìm mày”.
“Nói rất hay, rất thú vị”. Tôi gật đầu đồng ý: “Chỉ là mày nghĩ sai một chỗ rồi - tao không phải là người Tống Tử Ngôn muốn”.
Ngày đó tôi như người chết đuối vớ được cọc, hỏi hắn có yêu tôi không, còn hắn chỉ thản nhiên hỏi lại: “Em đáng sao?”.
Ngôn ngữ Trung Quốc sâu xa thâm thúy, nhìn đâu cũng thấy được, cái này trong bài khóa hồi tiểu học gọi là, ba từ như ba mũi dao găm thẳng vào tim của kẻ thù.
Kẻ thù ấy chính là tôi đây.
Hiển nhiên, nếu cho Tống Tử Ngôn là một cái cây, thì rễ của cái cây ấy được cắm xuống mảnh đất đen màu mỡ vùng Đông Bắc, thản nhiên đón gió, còn tôi chỉ là cái cây gắng gượng sinh tồn trên mảnh đất Giang Nam cằn cỗi nhiễm mặn thôi.
Tôi vừa cầm ấm rót nước sôi, vừa thần người suy nghĩ, nhìn dòng nước trắng chảy xuống, bỗng nhiên nhớ ra đã từng hỏi cả hai người cùng một câu hỏi về nước, cũng chính là câu hỏi phụ nữ thường lấy ra dằn vặt người yêu mình:
Nếu em và mẹ anh cùng rơi xuống nước, anh sẽ cứu ai?
Cũng hay, cả hai người đều không chọn một trong hai đáp án có sẵn.
Tô Á Văn nói: “Anh cứu mẹ, rồi bảo con trai chúng mình cứu em”.
Tống Tử Ngôn nói: “Ngày mai tôi đăng ký cho em một lớp học bơi”.
Người ta sẽ nhớ rõ những nỗi đau mình đã từng trải qua, giống như ăn phải ớt, càng cay tới mức phải xuýt xoa, nước mắt nước mũi giàn giụa thì càng thỏa mãn. Cho nên càng đau thì người ta càng nhớ lâu, ví dụ như bị thất tình, ví dụ như bị trộm, ví dụ như chân bị đau…
Chân bị đau?
Tôi giật nảy mình, lui vội về sau nửa bước, hét lên bi thảm váng trời: “A!”.
Đến bệnh viện, chân phải của tôi được băng lại bằng cả đống bông băng, Tiêu Tuyết không thèm để ý tới chuyện tôi vẫn khóc rấm rứt, tiếp tục mắng: “Mày rót nước sôi mà còn nghĩ cái gì hả? Rót cả vào chân thế này!”.
Tôi cúi đầu im lặng sụt sịt.
Bác sĩ ngồi cạnh ôn tồn căn dặn: “Cũng không nghiêm trọng lắm, có điều nước vừa mới đun sôi, bị thương cũng khá nặng, may là vết thương không rộng, chỉ cần chú ý chăm sóc một tháng là khỏi rồi”.
Tiêu Tuyết hỏi: “Có cần nằm viện không ạ?”.
Bác sĩ cũng là người có y đức, không bị ảnh hưởng bởi cái quy tắc ngầm là để bệnh nhân nằm viện lấy tiền bồi dưỡng: “Không cần đâu, chỉ cần về nhà chú ý chăm sóc là được, chân sưng lên thế này phải nhớ đừng đi lại nhiều”.
Tôi nghĩ một lát rồi nói: “Cứ nằm viện đi, giường trong ký túc xá trường toàn là giường tầng, tao leo lên leo xuống cũng không tiện”.
May là bệnh viện này nằm ở ngoại thành, chi phí nằm viện cũng không cao lắm. Lúc làm thủ tục nhập viện, tôi mới phát hiện ra tình trạng sức khỏe của người dân nước ta thật đáng báo động, trừ phòng cách ly riêng biệt dành cho bệnh truyền nhiễm, còn thì phòng nào cũng chật cứng, cuối cùng tôi được phân vào phòng bệnh nhi. Tiêu Tuyết đi vào cùng với tôi, trong phòng là một cặp vợ chồng còn trẻ, thêm hai đứa nhóc đang nằm trên giường, bỗng nhiên thấy hơi choáng, trong đầu tự động lóe lên một câu nói kinh điển: Tha cho XX đi, nó chỉ là một đứa trẻ.
Không thể không nghĩ được, tôi cũng sắp làm nhi đồng to xác đây.
Cái này đúng y chóc với một câu cảm thán thấm nhuần cảm xúc của Dịch Trung Thiên(36).
Bi kịch quá!
(36) Dịch Trung Thiên: Sinh năm 1947, người Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc. Ông hiện là giáo sư của Học viện nhân văn, Đại học Hạ Môn. Ông có nhiều năm nghiên cứu văn học, mỹ học, lịch sử... là học giả của chương trình “Bách gia giảng đàn” của Đài truyền hình trung ương, rất được khán giả hoan nghênh. “Bi kịch quá” là câu nói xuất hiện thường xuyên trong các buổi diễn giảng của ông (BTV).
Sắp xếp xong xuôi, Tiêu Tuyết nói: “Ngày thường tao vẫn phải đi làm, không ghé qua đây thường xuyên được, hay là gọi điện cho Tống Tử Ngôn nhé”.
Nhìn bức tường trắng bóc, ngửi mùi thuốc khử trùng đặc trưng, tuy biết chuyện cũng chẳng có gì, nhưng trong lòng tôi vẫn thấy rất sợ hãi, tôi như một con mèo muốn tìm người tới chơi cùng. Cho dù không gần gũi, cho dù không nói với nhau câu nào, chỉ cần ngồi là được. Nhưng nghĩ một lát, tôi vẫn lắc đầu: “Không cần”.
Người có thể không có chí khí, nhưng không thể không có cốt khí.
Tôi hay nịnh nọt thật đấy, nhưng còn chưa tới mức người ta tát má phải, tôi còn phải đưa má trái ra cho người ta tát nốt.
Huống chi mình đã cố đưa ra rồi, người ta đã chẳng thèm đánh, còn chê nửa mặt bên này xấu quá.
Tôi bắt đầu chuỗi ngày nằm viện tự lực cánh sinh.
Tiêu Tuyết cứ rảnh là sẽ tới thăm tôi, nhưng nó bận rộn như thế, có khi muộn muộn đến đây chỉ nói hai câu đã mệt rũ người, ngủ gà ngủ gật, tôi đành nói thẳng, bảo nó cuối tuần hẵng tới. Sắp tới ngày tốt nghiệp, không cần về nhà cũng được, mà tôi cũng không muốn để bố mẹ lo lắng, thế nên lúc gọi điện về cũng chẳng nói tình trạng của mình bây giờ. Kết quả là một mình nằm đờ ra trên giường bệnh, năm ngày nằm trong phòng này chỉ thấy mấy người thường lui tới, mỗi lần nhìn thấy đôi vợ chồng trẻ nhỏ giọng nói chuyện, mỗi lần họ dịu dàng dỗ đứa con ngủ, con nhóc to xác là tôi đây bỗng thấy chạnh lòng. Nhất là lúc họ đút cho đứa bé ăn, cứ dỗ từng câu, từng câu, cứ vỗ vỗ cái miệng nhỏ nhắn, dỗ nó a đi, a đi nào, trong lòng tôi lại thấy nôn nao lạ thường. Có khi nhất quyết không gọi cơm, lò cò một chân đi thang máy xuống tầng dưới ăn cơm.
Con người yếu đuối nhất là khi bị bệnh, mà tôi lại là người duy nhất phải chịu cô đơn trong những người yếu đuối. Nhìn cả căn phòng ngập tràn tình thân, tôi cảm thấy não nề vô cùng.
Cái não nề nhất không phải là lẻ loi một mình, mà là thiếu hẳn đi cái quyền được mở miệng giao tiếp, trừ Tiêu Tuyết lúc tới thăm và bác sĩ tới kiểm tra phòng, thay thuốc, còn thì hầu như ngày nào tôi cũng chỉ được nói có hai, ba câu, với phụ huynh của mấy đứa nhóc cùng phòng cũng chỉ nói mấy câu xã giao kiểu như: “Đã ăn chưa?”, “Về rồi ạ?”.
Người tốt trên thế giới này nhiều lắm, người tốt bụng quan tâm tới một người xa lạ đang cần sự quan tâm cũng chẳng thiếu, nhưng ngày nào cái người xa lạ kia cũng cứ lúc ẩn lúc hiện trước mặt họ thì hình như cũng chả cần quan tâm làm gì. Họ nói đôi ba câu với mình cũng chỉ vì xã giao thôi, dù sao tôi có tay có chân, bệnh cũng chẳng phải nặng gì. Họ thà bỏ mấy đồng ra mua đồ ăn vặt cho tôi chứ không chịu nói chuyện với tôi.
Tôi cô đơn muốn chết.
Trong căn phòng mà cả tường lẫn ga giường màu trắng toát toàn mùi thuốc khử trùng.
Thời gian không phụ lòng người, rốt cuộc cũng tới ngày này!
Trong phòng chỉ còn lại mình tôi với một đứa nhóc trướng bụng khó tiêu, bố mẹ nó hình như có chuyện gì, trước lúc đi còn sang chỗ tôi dặn dò: “Anh chị phải đi ra ngoài chừng hơn một tiếng, em có thể trông cháu giùm anh chị được không? Nó tỉnh lại thì cứ vỗ vỗ là được”.
Tôi nhìn sang thiên sứ nhỏ bé nằm ngủ ngoan trên giường, cuống quýt gật đầu: “Được, được, được ạ”.
Cặp vợ chồng hiển nhiên là rất cảm kích, luôn miệng cảm ơn rồi đi ra ngoài.