Nguyễn Trãi gắng tìm cách tránh cho xa những mấu chốt quyền lực cung đình, tập trung vào việc xác lập một chế độ thi cử cũng như hệ thống đào tạo giám sinh và sinh đồ từ Kinh đô cho đến các lộ, sách, châu, huyện. Việc xong, Vua truyền chiếu xuống :
‘‘ ... Bắt đầu từ năm Thiệu Bình thứ năm ( 1438 ), thi hương ở các đạo. Năm thứ sáu, thi hội ở sảnh đường tại Kinh đô. Từ đấy và sau này, cứ ba năm một lần thi lớn, người nào đỗ đầu được ban danh hiệu tiến sĩ xuất thân ’’.
Tuy thế, các đại thần khai quốc không chuộng Nho, trọng Ðạo, chỉ lấy việc sổ sách, kiện tụng mà xét thành tích thuộc lại, và khi có chức quan nào khuyết thì tiến cử để bổ dùng. Vì vậy, bọn lại thuộc phần nhiều là thứ đội trên đạp dưới, ton hót tranh công. Ðám hãnh tiến đâm chán ghét học thuật. Giám sinh nhiều kẻ cũng muốn bỏ bút nghiên xin vào làm thư lại khiến cái học cho đến nơi đến chốn chưa thật được trọng vọng. Nguyễn Trãi lại xin triều đình cho thi để tuyển dụng nha lại có được một trình độ tối thiểu. Thi gồm ba kỳ. Kỳ thứ nhất, viết ám tả cổ văn. Kỳ thứ hai, viết chữ chân chữ thảo. Kỳ thứ ba, thi phép làm tính. Hàng dân và sinh đồ đều được phép vào thi, nhưng giám sinh bỏ việc học thuật thì cấm. Dùng dằng bàn mãi, cuối cùng đến năm Thiệu Bình thứ tư triều đình mới thuận cho mở kỳ thi đầu.
Nhưng xuống chiếu cầu hiền và khuyến học là do đám đại thần thúc ép. Nguyên Long ngày ngày vui chơi với bọn hoạn quan, lắm khi quên cả việc triều ngự. Các vị đại thần cố mệnh cùng nhau tâu lên tiến cử bọn văn thần sáu người là Hành khiển Nguyễn Trãi, Trung thư thị lang Trình Thuấn Du... thay phiên nhau đi theo hầu kinh diên. Vua sai hoạn Ðinh Phúc trả lại tờ tâu không nhận. Sát tức giận không vào chầu. Ngôn quan Thiên Tước dâng sớ :
‘‘ Bậc sinh trị không ai bằng Nghiêu, Thuấn mà còn dùng Quân Trù, Thành Chiêu làm thầy. Ðại Tư đồ Lê Sát chọn nho thần vào hầu là có ý muốn bệ hạ được như vua Nghiêu vua Thuấn, sao bệ hạ coi nhẹ tông miếu xã tắc, không thấy lòng trung thành của họ, để họ lo buồn mà không vào chầu ? Xin bệ hạ tưởng đến sự ký thác của Tiên đế, thì thiên hạ được đội phúc mà bệ hạ được hưởng lộc thọ của bậc đại hiếu ’’.
Long đọc, cố nín cười, phán :
- Trẫm hiểu ! Khanh thưa với Ðại tư đồ rằng đạo trị nước hiện nay nằm trong tay Tể tướng chứ không phải trong tay trẫm. Trẫm cứ nhìn Tể tướng mà học chứ còn học ở đâu nữa cho xa...
Nhưng hành xử như thế không phải không làm cho Nguyên Long băn khoăn. Nhân một ngày bãi chầu, thình lình Vua cùng bọn hoạn quan bất ngờ xa giá đến tư dinh Nguyễn Trãi. Khi đã an vị theo đúng nghi thức vua tôi, Long buột miệng :
- Phu nhân đâu ?
- Tâu trình bệ hạ, nội nhân hiện vắng mặt...
Mím môi, Long nhìn ra góc thư phòng, nơi có đặt chiếc gương xưa đã vỡ thành trăm mảnh. Thuở đó, Long hậm hực nhìn bóng mình, kêu bắt làm vua, phải làm vua, vua đâu có là Nguyên Long, một Nguyên Long không thương tích tật nguyền như cái bóng trong mảnh gương vỡ. Hình ảnh Lộ lại thấp thoáng đâu đó, mỏng mảnh như sợi nắng cuối ngày yếu ớt hắt qua bức sáo treo cửa.
Long nghiêm giọng, chậm rãi :
- Thầy biết, đại thần dâng sớ tiến cử thầy vào hầu kinh diên, nhưng trẫm không nhận. Vì nay, trẫm định trao cho thầy việc soạn lễ nhạc cho cung đình. Về chuyện kinh diên, trẫm mong phu nhân nhận lời vào hoàng cung, thầy nghĩ sao ?
Trãi thót bụng. Chuyện hầu kinh diên sở dĩ đã cử đến sáu người vì thật mà nói chẳng ai tin ai. Cả Sát lẫn Ngân đều không muốn có một người ảnh hưởng thiếu đế, sau sợ sẽ khó xử. Hắng giọng, Trãi rập đầu, tâu :
- Tạ ơn bệ hạ đã đoái đến đám hạ thần. Về việc kinh diên, điều đó hệ trọng và không thể không có ý của trăm quan. Chuyện soạn lễ nhạc, tất nhiên hạ thần đâu dám không hết sức mình...
Nguyên Long chép miệng, tay nắm lấy chiếc đai lưng bóp chặt. Trãi im lặng, lòng nhủ lòng, cách gì thì cũng tránh việc Lộ vào hoàng cung. Khi đó, dù muốn hay không Trãi cũng bị vướng vào cái màng nhện của quyền lực nhất thời. Và hẳn việc đặt nền xây móng cho thời văn trị sẽ muôn vàn khó khăn với bọn đâm bị thóc chọc bị gạo đầy rẫy chốn cửa quyền. Long cắn môi, bất ngờ lảng chuyện kinh diên, hỏi :
- Chuyện lễ nhạc, bắt đầu làm gì ?
Trãi thở ra nhẹ nhõm, tâu :
- Ðời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Kể ra, nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không gốc thì không vững, không có văn thì không lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc. Bắt đầu, là thế...
Long nhìn lên trần, gật gù, giọng mai mỉa :
- Trẫm hiểu. Trừ Nghiêu, Thuấn, bậc Ðế vương cổ lai mấy ai làm được thế ?
- ...
Ðợi không thấy Trãi trả lời, Long tiếp :
- Ở nước ta, xưa nay có anh quân không ?
Nhìn Trãi vẫn bối rối im lặng, Nguyên Long lắc đầu đứng dậy.
*
Cho đến quí thứ hai năm Ðinh Tị (1437) Thiệu Bình năm thứ tư, vị vua chưa được mười lăm tuổi muốn chứng tỏ mình là anh quân đã làm được những việc không phải nhỏ. Trước hết là sách Nội pháp Ngoại nho. Quan lại sai nha phải tuân thủ phép nước, nếu sai trái, kiếm chác hay nhiễu nhũng là tịch thu tài sản đuổi về trong dân gian. Mặt hình pháp, xử chém chỉ có vài vụ. Vụ đầu, Khê người Bồ châu Hóa bị vợ là Nguyễn Thị Ðồn và con nuôi là Nguyễn Lang tư thông với nhau rồi giết. Vụ thứ hai, Nguyễn Thị Ngọc ở lộ Quốc Oai đã tám con với chồng. Chồng bị hủi, Ngọc không nuôi nấng, trộm tài sản, tư thông với khố giám Nguyễn Chiễu. Vụ thứ ba, là vụ đào sâu vết nứt rạn giữa đám tháp bút và bọn giá gươm. Bảy tên cướp còn ít tuổi bị bắt, lại tái phạm, hình quan chiếu luật xin xử trảm. Nguyên Long ngần ngừ, hỏi Hành khiển Nguyễn Trãi. Trãi tâu :
- Pháp luật không bằng nhân nghĩa. Nay một lúc giết bảy người e không phải là hành vi của bậc đại đức. Kinh Thư có câu ‘‘ An như chỉ ’’. ‘‘ Chỉ ’’ có nghĩa là yên với chỗ đứng của mình. Hoàng cung là nơi của bệ hạ. Làm vua, đối với nhân nghĩa, thì coi nhân nghĩa như chỗ đứng. Tuy có lúc phải ra oai, nhưng không thể mãi được...
Không thấy Long phản ứng, Ðại tư đồ Lê Sát chen vào, nói mát :
- Ông có nhân nghĩa, cảm hóa kẻ ác thành thiện thì giao chúng cho ông, phiền ông cảm hóa cho...
Trãi biết thế của mình, cúi đầu thưa :
- Chúng trẻ con ranh mãnh ương ngạch, đến pháp chế chúng còn chẳng sợ. Tôi đức mỏng, cảm hóa thế nào được...
Lúc ấy, Nguyên Long mới phẩy tay ngắt lời Trãi, ra lệnh chém hai, còn lại xử đi đày.
Về mặt đối ngoại, nước Chiêm Thành, Lão Qua, La La Tư đều sang cống. Dụng võ, chỉ bắt buộc vây đánh Cầm Quí ở Châu Ngọc Ma, phía tây Nghệ An giáp giới với Lão Qua, bắt đóng cũi đưa về Kinh. Ðối với nhà Minh, nay đã có sắc phong cho Nguyên Long là An Nam quốc vương, tiếp tục lệ xưa của Trung Quốc với hai triều Lý - Trần thuở trước. Về việc học, đã khắc xong sách Tứ thư đại toàn từ năm Bính Thìn. Việc đào tạo Giám sinh ở Quốc tử giám vẫn tiếp tục. Trong triều, nay đã định chế triều phục, bắt trăm quan xưng hô nghiêm chỉnh, phép tắc, cấm dân không được tôn gọi quan lại là ‘‘ quân gia ’’ và xưng ‘‘ thần ’’. Nguyên Long truy tôn mẹ là Cung từ Quốc mẫu, rước tượng làm bằng vàng về đặt cạnh tượng Thái Tổ trong Thái Miếu rồi mời sư trụ trì Báo Thiên vào làm lễ điểm nhãn. Cùng lúc, Long sai đúc sáu chiếc ấn, tế cáo với trời đất, rồi ban chiếu yên dân khắp nơi.
Lễ điểm nhãn là dịp Trãi hàn huyên với Ðạo Khiêm. Khi mọi việc xong suôi, Khiêm mời Trãi vào phương trượng, giọng vui vẻ :
- Này, đến lúc chia tay rồi đấy ! Thoáng chốc, cái duyên của thí chủ và ta đã xấp xỉ ba mươi năm ròng...
Nhìn nét mặt hồng hào của Khiêm, Trãi ngạc nhiên, chắp tay :
- Xem sắc diện, Trãi nghĩ cao tăng phải thêm ít là chục năm nữa !
Khiêm lại cười :
- Huyền cơ, ai rõ ? Chỉ xin quan Hành Khiển một điều. Kẻ thay bần tăng trụ trì là Huệ Hồng, ngài để ý châm chước cho, giúp hoằng hóa Phật pháp.
Trãi cúi đầu nhận lời. Mấy ngày sau Trãi nhận tin báo Ðạo Khiêm đã qui cửa Phật. Vào xin, Nguyên Long thuận lời Trãi, cho làm lễ quốc táng, chỉ định Huệ Hồng làm sa môn trụ trì chùa Báo Thiên và ban cho áo tía thuộc hàng quan ngũ phẩm. Lần đó, Long lại hỏi lại :
- Thầy có thấy nước ta đã ai là anh quân chưa ?
Lần này, Trãi đã sắp sẵn câu trả lời :
- Muôn tâu bệ hạ, Hồ Quí Ly là bậc thế thượng anh hùng. Tiếc một điều là khi lên ngôi lòng trời chưa thuận, tuổi lại quá cao !
Ngước mắt nhìn Trãi, Long định nói nhưng lại mím môi dằn lòng kìm lại. Lát sau, Long bảo :
- Thầy tìm cho trẫm huấn mệnh di từ của Hồ Quí Ly. Ðể trẫm đọc, rồi sẽ hỏi lại thầy xem trẫm hiểu được đến đâu.
Trãi cúi đầu nhận mệnh. Khi Trãi lùi ra đến cửa, Long gọi giật lại, giọng có chút buồn bã :
- Phu nhân vẫn khỏe chứ ?
Không đợi Trãi đáp, Long tiếp :
- ...Hạ chỉ khiến phu nhân vào cho ta hỏi chuyện chiều ngày rằm, vào giờ Thân, nghe chưa !
*
Tháng sáu, trời đang nắng chang chang bỗng ầm ầm sấm chớp. Mưa trút xuống trắng phếu đất trời. Ðùng một cái, lại tạnh. Và nóng, cứ thế nóng liền dăm bữa, nóng đến cháy xém cây cỏ. Kinh đô năm nay lên cơn sốt. Chuyện cung đình, muốn nghe xin ra chợ Cầu Ðông. Hàng dân thì thào rỉ tai nhau. Ai cũng biết ít nhiều bí mật chốn cấm thành, và hầu như người nào cũng bảo kẻ khác có nghe nhớ kín miệng chớ mang ra kể lại...
Người kẻ chợ kháo nhau rằng Ðại Tư đồ Lê Sát già nên bắt đầu lẫn. Từ ngày Nguyên phi Kim Dao hạ sinh Hoàng thái tử Khắc Sương, Sát yên tâm theo vợ đi chùa và không màng đến những kẻ tay chân mình như trước. Nguyên Long nay đặt Cảnh Xước lên chức Chính sứ Viện Nội Mật, dùng Ðinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích làm giám quan, phục hồi tước vị cho Lê Văn Linh và Lê Quốc Hưng. Việc thay đổi nhân sự gần đây nhất là Nguyên Long hạ chiếu đưa Trịnh Khả vào chức Hành quân tổng quản, coi đạo Thiết đột ngự triều thái giám, đẩy Lê Ê làm Thiết đội hữu quân tổng quản và Lê Hiệu làm Khoái lộ tổng quản. Sát vốn có hiềm khích với Khả, lại thấy Ê và Hiệu là những kẻ vây cánh của mình mất quyền bính, hoảng lên kêu :
- Nếu Khả được vào hầu trong cung thì sợ thần nguy mất.
Sau, Sát nhất định giữ Lê Hiệu lại, không cho chuyển đi. Nguyên Long cười nhạt, sai người báo Ðinh Cảnh An. Giám quan hặc tội ‘‘ Lê Sát chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung thứ ’’, rồi giao cho hình quan xét hỏi. Sát xin triều kiến, bỏ mũ ra tâu :
- Nếu khép tội chuyên quyền, thì tội của thần là do Tiên Ðế mà ra cả !
Bọn đại thần cố mệnh cố cứu gỡ cho Sát nhưng Nguyên Long lơ đi. Ngày Bính Tuất, sét đánh đổ cửa Ðông, chết mất ba người. Long bảo, thế là điềm trời, xuống chiếu :
‘‘ Sát chuyên quyền, giết Nhân Chú để ra oai, truất Trịnh Khả bắt người phục, bãi chức Ư Ðài bịt miệng đình thần, đuổi Cầm Hổ hòng giám quan im hơi lặng tiếng. Xét mọi việc như thế đều không phải là phép tắc của kẻ làm tôi. Nay khép vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì Sát là cố mệnh đại thần có công với xã tắc nên đặc cách khoan tha, chỉ bãi chức tước ’’.
Chiếu ban ra, Nguyên Long lập tức phế nguyên phi Kim Dao làm thứ dân, rồi phong Nhật Lệ, con gái Lê Ngân làm Huệ phi. Sát nghe tin, biết cháu ngoại mình không bao giờ có thể kế vị đế vương sau này, thổ ra ba bụm máu tươi.
Nguyên Long phục chức Tây đạo tham tri cho Bùi Ư Ðài, đẩy Ðặng Ðắc, bộ hạ của Lê Sát, làm An phủ sứ Lạng Sơn. Bùi Cầm Hổ được gọi về Kinh, giữ địa vị Ngự sử trung thừa. Khi Ðặng Ðắc đi nhận chức, ghé vào Ðông Ðô thăm Sát. Sát khóc :
- Thế là ta chẳng còn gì ! Công lao hãn mã bị chúng nó cướp sạch cả rồi...
Ðắc cùng bọn võ sĩ nhà họ Lê là Thảo, Khản, Hài bàn bạc rồi vào thưa với Sát, nét mặt ai nấy khẩn trương. Sát nghe, thở dài :
- Bay muốn làm gì thì làm !
Bọn võ sĩ lẳng lặng đến gặp Lê Ê, Lê Hiệu và Lê Văn Linh. Ðắc lên Lạng Sơn, ngầm chuẩn bị một đoàn cảm tử. Tháng bảy, võ sĩ Lê Thảo lén lút lên Lạng Sơn. Ðắc và Thảo chia ra hai đội, cải trang như đám buôn hàng chuyến đi về Kinh.
Thảo vừa qua sông Nhị đã thấp thấp thoáng đằng sau lố nhố người. Ði thêm được một chặng, phía trước một đoàn quân đã hờm sẵn. Biết gặp nguy, Thảo tuốt trường kiếm, hô :
- Ðánh, xông lên... Lúc này là lúc trả ơn cho chủ !
Trong đám võ sĩ đi theo, chỉ có vài ba tên xông ra nhưng chỉ lát sau đều bó tay thúc thủ.
Khi đám Tả đội Thiết Ðột giải bọn Thảo bị trói gô buộc thành giây đi vào cấm thành, Ðặng Ðắc cũng đã bị bắt. Trịnh Khả sai đội Thi