Đất Trời- Chương 11 part 2

Rồi Trãi nói miên man về tập Nam Dao chí. Nguyên Long nghe, tay nhịp vào mạn thuyền. Cho đến khi Nguyễn Xí vào chầu, Trãi mới lui ra.

Thuyền vào sông Thiên Ðức, qua mộ Bạch Sư ở Cầu Bông, xã Ðại Toán thì không đi được nữa. Sai quân buộc dây kéo, thuyền cũng không nhúc nhích. Dân ven sông mách, thần Bạch Sư hiển linh, phải tế, thuyền mới đi được. Nhân Nguyễn Xí ngồi cạnh, Nguyên Long hỏi :
- Xưa Tiên đế không dùng ông, nhưng khi trẫm lên ngôi, hiểu lòng ông, đã cắt cử vào chức Tri từ tụng sự, rồi Tham tri chính sự, quyền ngang Tể tướng, tước là tước Hầu. Ông còn oán trách gì trẫm mà không vui ?
Xí ầm ừ, miệng tạ ơn. Long lại tiếp :
- Hay ông muốn ta nhỏ lại như Bang Cơ, làm thiếu đế, ông mới thỏa lòng ?
Lần này, Xí chột dạ, quì ôm chân Long, kêu :
- Có ai nói gì mà Hoàng thượng lại dạy thế ?
Long cười :
- Không có ai, chỉ chính miệng ông nói ra. Rõ là có khói thì sớm muộn cũng thấy lửa !
Vào đến chùa Tư Quốc, Thị Lộ đã đợi sẵn, làm lễ triều thiên xong lại gần Nguyên Long nói nhỏ rồi đi. Vua gật gù, sai Trịnh Khả âm thầm bắt giữ Nguyễn Xí. Chạng vạng tối hai ngày sau, quân báo có hoạn quan Ðinh Phúc từ Kinh đến khẩn tấu việc Kinh đô. Nguyên Long bình tĩnh nghe Phúc, xưa nay vốn là người Long coi thân tín như ruột thịt, lẩm nhẩm, ‘‘… ta biết rồi, để hắn đấy mà bắt Xí, thì hắn sẽ vọng động... ’’. Sáng sớm hôm sau, Vua thình lình hạ lệnh hồi Kinh. Bắt Khâm sai đi ngày đi đêm, Long xuống chỉ cho Tổng quản hai đạo tả hữu Thiết Ðột sửa soạn binh mã. Ðêm mồng bốn tháng tám, thuyền ngự về đến Vườn Vải, xã Ðại Lại, cuối sông Thiên Ðức. Long cho gọi Thị Lộ. Hoạn quan Ðinh Phúc thưa rằng thuyền đưa Lễ Nghi học sĩ còn ở phía sau. Bất ngờ, Phúc vòng một tay ôm cổ Vua, tay kia đâm vào gáy một chiếc kim vàng.
Long không kịp phản ứng, chân tay duỗi ra. Một luồng khí chạy ngược lên óc, rồi đổ xuống, qua mắt, mũi, đến cổ, họng... đến đâu là chân khí tan biến như đổ nước vào sông vào biển, không kiềm chế được. Nhưng chỉ trong một giây, Long hiểu. Vận toàn lực, Long nhìn Phúc, thều thào :
- Mi... tại sao ?
Phúc mím môi, mặt mũi nhăn nhúm. Nhìn ánh mắt Long van nài, Phúc không cầm được, nghẹn ngào :
- Vì... vì giòng máu họ Ðinh...
Nghe Phúc nói, Long mỉm cười nhưng mắt không nhắm lại được.
Khi Thiếu úy Trịnh Khả biết thì cơ sự đã rồi. Tuốt gươm ra, Khả nắm gáy Ðinh Phúc quát :
- Tội này, ta tiền trảm hậu tấu...
Phúc tru lên :
- Nhưng tướng quân tấu ai ? Bây giờ vua là Bang Cơ. Giết tôi lúc đó là trọng tội !
Khả thở dài, ngẫm nghĩ, buông kiếm xuống. Ra lệnh thả Nguyễn Xí, cả ba bàn bạc, giữ kín nhẹm chuyện Vua đã băng hà. Hôm mồng sáu, nửa đêm về Kinh mới báo Triều đình rồi phát tang. Nguyên Long chết nhưng vẫn không nhắm mắt.
Bọn đại thần mời quan Lễ Nghi học sĩ vào nơi quàn nhục thể thì Lộ mới biết là Vua đã băng hà. Nàng bật khóc như khóc một đứa con. Khi nàng vuốt mắt, Long mới nhắm mắt lại, nhưng khóe mắt ứa ra hai hạt máu. Vừa gặp không khí, hai hạt máu đó đông lại thành hai viên huyết ngọc.
*
Hà Trí Viễn về đến chân núi Côn Sơn lúc chạng vạng tối. Ðường lên xuống đã bị quân lính lộ Chí Linh chặn khám người qua kẻ lại. Nhìn lên mỏm núi, Viễn lẩm bẩm tính toán rồi sai đứa con út mười tuổi lẻn theo lối bọn tiều phu đốn củi vạch gai góc leo lên xem động tĩnh. Quãng nửa đêm, nó về báo. Như đã dặn, nó đếm được khoảng ba chục tên lính vây quanh nơi Trãi ở. Còn đám dân đinh phục dịch bị trói gô, bó gối ngồi quanh ngoài sân, kêu khóc um lên.
Khi đó, Trãi ngồi bên án thư, tay cầm chiếc quạt phẩy gió. Trước mặt Trãi là Nguyễn Xí, nai nịt như ra trận, lạnh lùng nhìn. Trãi hỏi :
- Mỗi lần triều đình gọi ta về, đâu có cần sai tướng sai quân đến đây ! Áp giải thế này, nghĩa là thế nào ? Dân đinh tội gì mà phải bắt trói thế kia ?
- Áp giải vì tội thí quân !
Trãi lạnh người. Ðiều đầu tiên là Trãi lo cho Lộ. Thái Tông mất, chắc Lộ thân cô thế cô, bị vây hãm giữa những thế lực thù địch nắm quyền. Ðịnh hỏi thêm, nhưng dẫu mắt không thấy, Trãi thình lình nghe tiếng quát :
- Bắt !
Ðúng là tiếng Viễn. Tiếng chân chạy, tiếng người ngã và có dăm tiếng đao kiếm lẻng kẻng. Lại tiếng quát :
- Hà, hà ! Hóa ra là mi. Xí ! Có nhớ ta không ?
Chẳng đợi trả lời, Viễn giơ chân ngáng, tay vặn cổ Xí ấn xuống, tay kia cướp lấy thanh kiếm. Cười ha hả, Viễn nhìn lên. Dưới ánh đuốc chập chờn, Viễn liếc một vòng, hỏi :
- Anh em lính Thiết Ðột có ai nhận ra ta không ?
Có tiếng một tay quản binh :
- Có, Hà tướng quân, kẻ đã cắt đầu Liễu Thăng khi xưa mang bêu ở thành Xương Giang, ai mà quên được !
- Hà, hà... chính ta đây ! Tại sao anh em lên đây vây bắt quan Hành Khiển ?
- Chúng tôi nào có biết, chỉ vâng thượng lệnh.
Ghìm đầu Xí chúi xuống đất, Viễn lại hềnh hệch :
- Thằng này ra lệnh cho anh em phải không ? Bây giờ nó lại nghe ta, vậy anh em có chống ta không thì nói ?
- Không ! Không dám...
Thật ra, đám tráng đinh đi theo Viễn đã kiềm chế được hầu hết lính Thiết Ðột. Một đám khác, tay cung tay tên, giương ra sẵn sàng bắn. Bấy giờ Viễn mới quay sang Trãi :
- Em đến vừa lúc bác nhỉ ! Thôi, em bảo người nhà sửa soạn, em đưa bác đi chứ để đây chúng nó sẽ làm tình làm tội !
Không đợi Trãi đáp, Viễn bô bô :
- Chẳng là sắp ngày lễ các cụ ở Nhị Khê, em mang các cháu về để chúng chào bà chị họ Ðào. Ở đâu được một ngày thì quan quân đến giải già trẻ lớn bé họ Nguyễn về Ðông Quan nhưng tuyệt nhiên không nói vì sao. Ðào Nương bảo, chú lên ngay chỗ bác Trãi... Ðấy, may mà em đi ngay, chứ chậm thì cái thằng chó này nó bắt bác mất rồi !
Quay xuống nhìn Xí, Viễn gầm lên :
- Thằng chó ! Trãi tha mạng cho mi, nay mi dám vác mặt đến đây bắt thì mi đúng là quân ăn cứt !
Ðạp Xí ngã, Viễn thét :
- Các con ơi, có đứa nào mót ỉa, ỉa ngay để ta bắt nó ăn, cái thằng chó này!
Thật chưa bao giờ có cái cảnh tức cười đến như vậy. Một vị đại thần tước Hầu nằm chúi mũi xuống đất và một thằng bé họ Hà đỏ mặt rặn lấy rặn để cạnh một bụi cây. Chính bọn lính Thiết Ðột cũng không nhịn được, bụm miệng cười.
Trãi bấy giờ mới lên tiếng :
- Chú Viễn, đừng ! Ðời sau kể lại thì kỳ lắm ! Chú cứ để cho quan Tham tri đứng lên, chắc quan chẳng chạy đi đâu mà lo...
- Rồi, đứng lên ! Quan với quách...
Nhìn Nguyễn Xí lồm cồm đứng dậy, Trãi ngẫm nghĩ rồi nói :
- Ðược ! Triều đình đã sai thượng quan đến thì tôi sẽ về Kinh...
Viễn nghe, nhảy dựng lên, thét :
- Không được ! Bác về thì chúng nó tùng xẻo !
Trãi cười mỉm, hóm hỉnh :
- Thịt xương ta nhão ra cả rồi, tùng xẻo ra ninh cũng chẳng ăn được !
- Bác đừng sợ ! Về với em. Bắt thằng chó này - tay Viễn chỉ Xí - làm con tin, đến nơi thì thả cho chó về Kinh ăn cứt. Cái ngữ chúng nó mà muốn bắt em thì còn lâu...
Trãi lại ngắt Viễn :
- Chẳng phải là ta sợ thế ! Nghiêm giọng, Trãi tiếp - Ta sợ là đi trốn thì đời sau sẽ bảo ta có tội. Trốn mà làm loạn với chú, thì là đại tội. Có ai khuyên dân là dân Nghiêu Thuấn mà lại trái lời làm ngược ! Phải có mẫu mực, và đó còn quan trọng hơn tính mạng bất cứ ai, chú hiểu chưa ? Vả lại…
Trãi trầm ngâm, miệng định nói nhưng kìm lại, vì còn một lẽ rất riêng tư. Trãi không thể để cho Lộ một thân một mình ở Kinh. Sống, sống cả hai. Mà nếu chết, cũng sẽ cùng chết, cả hai. Nhắm mắt, hình ảnh Lộ lại đâu đây, gánh chiếu vắt vẻo trên vai, cuối con đê dọc hồ Tây trên đường về nhà. Trãi thở ra, giọng bình tĩnh, tiếp :
- Với lại, chú nghĩ xem, ta thế này là thọ lắm rồi. Có còn gì mà tiếc...
Quay sang Nguyễn Xí, Trãi vái rồi nhẹ giọng :
- Thượng quan, ngài hành sự là việc công nên cứ đúng mà làm. Trí Viễn, chú nghe lời ta, đừng ngược ngạo chống báng !
Xí vái lại Trãi, giọng ngượng ngập :
- Xưa ông tha mạng cho tôi, ông tha được ! Còn nay, tôi muốn cũng chẳng tha được ông. Mà có tha, ông cũng chẳng chịu để cho tha...
Mỉm cười, Trãi bâng quơ :
- ...cái phận. Vâng, cái phận của tôi nó vậy !
Tối hôm đó, Xí lệnh cho võng Trãi xuống Côn Sơn. Ðến chân núi, Trãi rùng mình nghe một tiếng hú, hệt như mười ba tiếng hú họ Hồ trên ải Phá Lũy năm xưa. Ðây là tiếng thứ mười bốn. Râu tóc dựng ngược, nước mắt chan hòa, Trí Viễn đứng trước đầu gió hú lên. Lần này, tiếng hú không phải tiếng hú tuyệt tự một giòng họ, mà thảm thiết và ghê rợn hơn, vì là tiếng hú tuyệt chủng của một loài thú rất hiếm mang tên là Nhân Cách trên đất Ðại Việt.
*
- Việc thế nào ta biết. Ta đã nghe tận tai, thấy tận mắt tên hoạn Ðinh Thắng gọi Bang Cơ là con. Nay Vua chết, cơ sự đến đây thì bay giết người bịt miệng là lẽ tất nhiên. Cái mà bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ đi dò la hoàng tử Tư Thành, dòng dõi đích tôn nhà Lê, đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích. Và chúng sợ những kẻ trung thành với tiên triều sẽ dấy binh phù Lê, có đúng không ?
Thị Anh