Gatsby vĩ đại - Chương 03 part 1
Bên nhà người láng giềng của tôi, tiếng nhạc réo rắt suốt các đêm hè. Trong khu vườn màu thiên thanh của Gatsby, đàn ông đàn bà nườm nượp người đến kẻ đi như những con bướm đêm giữa những tiếng thì thào, giữa rượu sâm banh và các vì sao. Chiều chiều, những hôm nước triều lên, tôi đứng ngắm đám khách của Gatsby đùa giỡn với sóng biển hoặc tắm nắng trên bãi cát nóng thuộc khu vực nhà anh, trong khi hai xuồng máy rẽ nước trên mặt vịnh kéo những tấm ván lướt nặng qua những xoáy nước sủi bọt. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, chiếc xe Rolls Royce lộng lẫy của Gatsby biến thành một chiếc xe buýt con đưa đón khách khứa đi về giữa thành phố và toà biệt thự suốt từ chín giờ sáng đến tận quá nửa đêm, trong khi chiếc xe du lịch có khoang chở hàng rộng đằng sau của anh vụt đi vụt lại loang loáng như một con ong vàng choé ra ga đón tất cả các chuyến tàu. Thứ hai hàng tuần, tám gia nhân cộng thêm một người thợ làm vườn phụ vất vả cả ngày với nào chổi và bàn chải, nào kìm, búa và dao xén cây, sửa chữa những chỗ bị tàn phá hư hại trong đêm trước.
Tuần nào cũng vậy, cứ đến thứ sáu, một cửa hàng rau quả ở New York gửi đến năm hòm cam và chanh, và tuần nào cũng vậy, cứ đến thứ hai thì chỗ cam, chanh ấy, bị bổ làm đôi và moi hết ruột, chất thành từng đống có ngọn đi ra bằng cửa sau. Ở nhà bếp có một cái máy trong nửa giờ có thể vắt được hai trăm quả chanh nếu được ngón tay cái của một gia nhân ấn hai trăm lần lên một cái nút nhỏ.
Ít nhất nửa tháng một lần, một toán thợ trang trí đem đến vài trăm mét vải và đủ đèn màu để biến cả khu vườn bát ngát của Gatsby thành một cây thông Noel. Trên các bàn ăn lấp lánh các món khai vị là những khúc giăm-bông nướng đậm đà nằm chen giữa những đĩa rau tươi màu sắc sặc sỡ, những khoanh bánh nhồi thịt lợn và những con gà tây vàng rộm như được quay bằng ma thuật. Tại gian tiền sảnh chính đã dựng lên một quầy rượu chất đầy các loại rượu trắng, rượu mùi, rượu khai vị, những loại rượu đã biến mất từ lâu trên thị trường đến nỗi hầu hết các đám khách nữ của Gatsby còn quá trẻ không phân biệt nổi loại nào với loại nào.
Bảy giờ thì dàn nhạc đến, không phải là một tốp nhạc nhỏ năm sáu người, mà là cả một đoàn nhạc công chơi đủ các loại kèn sáo, oboe, trombone, saxophone, cornet và piccolo cùng với trống cái và trống con. Đến giờ này, đám khách bơi ngoài bãi biển đã kéo nhau về hết và đang mặc quần áo trên gác. Xe hơi từ New York đến đỗ hàng năm trên đường xe chạy trong vườn, và ở các gian tiền sảnh, các phòng khách và hàng hiên đã sặc sỡ những màu sắc sống sượng, những kiểu tóc mới lạ, những chiếc khăn choàng Castile nằm mơ cũng không thấy. Quầy rượu hoạt động nhộn nhịp, các li rượu từng khay bay ra vườn cho đến khi không khí bên ngoài tràn ngập tiếng cười nói, những câu bóng gió vô tình, những lời giới thiệu nghe rồi quên ngay và những cuộc gặp gỡ nồng nhiệt giữa những đám khách nữ không bao giờ thuộc tên nhau.
Ánh đèn mỗi lúc một rực rỡ hơn khi trái đất lảng xa dần mặt trời. Và khi dàn nhạc tấu lên điệu nhạc cocktail vàng thì bản hợp xướng các giọng người lại cao thêm một nấc nữa. Mỗi phút tiếng cười một dễ dàng hơn, nó tràn ra lênh láng, hào phóng, bật ra giòn giã sau một lời đùa vui. Các nhóm khách khứa thay hình đổi dạng mau lẹ hơn, vừa mới phình to ra với đám người mới đến đã lại tan đi rồi nhóm họp lại trong nháy mắt. Đã thấy có những cô gái trơ trẽn loăng quăng sà vào đám này một tí đám kia một tí giữa những cô gái khác đẫy đà hơn nên ít xê dịch hơn, bất thần trở thành trung tâm của một nhóm người trong một giây phút vui cười hể hả rồi náo nức vì thắng lợi, lại lướt đi tiếp giữa các gương mặt, các tiếng nói và màu sắc mỗi lúc một khác dưới những ánh đèn không ngừng biến đổi.
Bỗng một trong những cô gái phiêu lãng ấy, run rẩy trong bộ xiêm áo trong mờ, vớ lấy một cốc rượu trong không trung, nốc cạn một hơi để lấy can đảm, tay vung vẩy như diễn viên múa Frisco, ra nhảy một mình trên một cái bục phủ vải dày. Không khí lặng đi một lát. Người chỉ huy dàn nhạc thay đổi nhịp điệu cho khớp với cô ta, và tiếng xì xào bỗng nổi lên vì mọi người tưởng nhầm truyền tai nhau bảo rằng cô ta chính là cô đào thường đóng thay vai Gilda Gray trong những tiết mục thoát y vũ. Cuộc vui đã bắt đầu.
Đêm đầu tiên sang nhà Gatsby, tôi tin rằng tôi là một trong số khách ít ỏi đã thực sự được mời đến dự. Còn thì mọi người cứ tự nhiên đến, không cần tới ai mời. Họ nhảy lên xe hơi đưa họ đến Long Island rồi bỗng thấy mình cuối cùng đứng trước cửa nhà Gatsby và được một kẻ bất kì nào đó đã quen biết chủ nhà dẫn vào. Sau đấy, họ cư xử theo phép xử sự ở một công viên giải trí. Khách có khi đến rồi về mà chẳng hề gặp chủ nhân. Họ đến dự cuộc vui với sự hồn nhiên được coi là giấy vào cửa.
Tôi thì đã chính thức được mời. Hôm thứ bảy ấy, từ sáng sớm, một anh tài mặc đồng phục màu trứng sáo đi ngang qua bãi cỏ nhà tôi, cầm một bức thư ngắn của ông chủ, một bức thư hợp thức đến kinh ngạc. Bức thư viết là ông Gatsby lấy làm hân hạnh nếu tôi vui lòng đến dự buổi “dạ hội nhỏ” mà ông tổ chức tối nay. Ông ta đã gặp tôi nhiều lần và từ lâu đã định sang thăm tôi nhưng bị ngăn trở vì một loạt tình huống đặc biệt. Bên dưới kí tên Jay Gatsby bằng một nét chữ oai vệ.
Trong bộ đồ bằng nỉ trắng, tôi đặt chân lên khu vườn của Gatsby vào lúc hơn bảy giờ một chút. Tôi đi vẩn vơ hơi ngượng nghịu giữa những cơn lốc và những đợt sóng người mà tôi không quen biết. Thỉnh thoảng đây đó có một bộ mặt mà tôi đã từng gặp trên các chuyến tàu ven nội ra vào New York. Tôi đã ngay lập tức kinh ngạc thấy sao đông thanh niên Anh đến thế trong đám khách khứa; họ đều ăn mặc lịch sự, đều có vẻ hơi đói ăn như nhau, đều nói chuyện sôi nổi và nho nhỏ với những người Mỹ vẻ chắc nịch và làm ăn phát đạt. Tôi đoán chắc là họ đang gạ bán cái gì đó: cổ phần, xe hơi hay bảo hiểm. Ít nhất có thể thấy rõ một điều là họ đau đớn khi nhìn thấy chung quanh họ những đồng tiền dễ kiếm và tin rằng chỉ cần một vài lời ăn nói đúng điệu là tiền bạc ấy sẽ về tay họ.
Vừa đến nơi là tôi tìm gặp chủ nhân ngay, nhưng hỏi han hai bà khách, họ đều trân trân nhìn tôi với con mắt ngạc nhiên, và khăng khăng quả quyết rằng họ hoàn toàn không biết Gatsby hiện ở đâu, thành thử tôi đành lẩn đi về phía bàn rượu, chỗ độc nhất trong khu vườn mà một người đàn ông lẻ loi có thể ngồi nán lại mà không có vẻ là cô đơn và không biết dùng thời gian của mình làm gì.
Chỉ vì lúng túng không biết làm gì, tôi đã toan uống cho say mềm thì Jordan Baker ở trong nhà bước ra, đứng ở bậc thềm bằng cẩm thạch trên cùng, hơi ngả người ra đằng sau một chút, nhìn xuống khu vườn với một vẻ chăm chú và dè bỉu.
Được nghênh tiếp niềm nở hay không, tôi thấy vẫn cần phải tỏ ra thân quen với một ai đó đã, rồi mới có thể đi thân mật chuyện trò với những khách qua đường.
- Ơi này, – tôi hét lên và tiến về phía Jordan. Giọng tôi hình như vang to không tự nhiên qua khu vườn.
- Em đoán chắn anh phải ở đây, – Jordan lơ đãng đáp khi tôi đến gần. – Em nhớ là anh ở ngay bên cạnh.
Jordan hờ hững nắm lấy bàn tay tôi như hứa hẹn là một lát nữa sẽ quan tâm đến tôi, rồi cô nghếch tai về phía hai cô gái mặc hai bộ đồ vàng giống nhau vừa mới đứng lại ở dưới chân thềm. Hai cô gái ấy cùng kêu lên:
- Chào chị! Thật đáng tiếc là chị đã không thắng.
Đấy là họ nói về giải đánh gôn. Jordan bị thua trong trận chung kết tuần trước.
Một trong hai cô gái áo vàng nói tiếp:
- Chị không nhận ra chúng tôi, nhưng cách đây một tháng chúng tôi đã gặp chị ở đây rồi.
- Sau lần ấy, các chị đã nhuộm màu tóc khác, – lời nhận xét của Jordan làm tôi giật mình, nhưng hai cô gái kia đã thản nhiên bỏ đi, thành ra câu nói của Jordan hóa ra nói với mặt trăng đang mọc lên sớm, được bày ra như bữa ăn trưa lấy ở trong làn của một người bán hàng. Với cánh tay vàng thon thả của Jordan đặt trên tay tôi, hai chúng tôi bước xuống bậc thềm và đi loanh quanh trong vườn. Một khay rượu lướt về phía chúng tôi trong ánh tranh tối tranh sáng, rồi chúng tôi ngồi vào một cái bàn cùng với hai cô gái áo vàng ban nãy và ba ông khách, người nào cũng được giới thiệu với chúng tôi với cái tên là ông Lầm bầm.
Jordan hỏi chuyện cô gái ngồi bên:
- Chị có hay đến dự các cuộc vui này không?
- Lần gần đây nhất là lần tôi gặp chị đấy, – cô gái trả lời bằng một giọng nhanh nhảu, trơ tráo, rồi quay sang người bạn đi cùng: - Cậu cũng vậy phải không, Lucille?
Lucille cũng vậy.
- Đến chơi đây thật là thích, – Lucille nói. – Tôi chẳng bao giờ bận tâm đến những việc mình làm nên lúc nào tôi cũng vui. Lần trước đến đây, tôi vướng ghế làm rách toạc mất cái áo, ông ấy hỏi tên và địa chỉ tôi. Chưa đến một tuần sau, tôi đã nhận được một cái hộp của cửa hàng Croirier đựng một chiếc áo dạ hội mới tinh.
- Chị có nhận không? – Jordan hỏi.
- Nhận chứ. Tôi định mặc tối nay nhưng nó rộng bụng, phải sửa lại. Áo màu xanh lam, chấm xám. Giá hai trăm sáu mươi nhăm đôla.
Cô gái kia giọng sôi nổi:
- Ai cư xử như vậy chắc là phải có chuyện gì mờ ám. Ông ta không để có chuyện rắc rối với bất kì ai.
- Ai cơ? – Tôi hỏi.
- Gatsby. Có người bảo với tôi…
Hai cô gái và Jordan chúi đầu vào với nhau nói nhỏ:
- Có người bảo với tôi họ đoán chừng ông ấy đã giết người.
Tất cả chúng tôi đều rùng mình. Ba ông Lầm bầm cùng ngả đầu chăm chú lắng nghe.
- Theo tôi, không ghê gớm đến thế đâu, – Lucille ngờ vực bác lại. – Có nhẽ ông ta là một điệp viên của Đức hồi chiến tranh thì đúng hơn.
Một trong ba ông kia gật đầu tán thành.
- Ồ không phải đâu, – lời cô gái thứ nhất. – Không thể như thế được, vì hồi chiến tranh ông ấy ở trong quân đội Mỹ. – Cô ta thấy chúng tôi lại ngả sang tin vào lời mình nên hào hứng chúc đầu về phía trước. – Hãy để ý đến ông ấy mà xem, những khi ông ấy tưởng không có ai nhìn mình. Tôi đánh cuộc là ông ấy đã giết người.
Cô ta nheo mắt và rùng mình, Lucille cũng rùng mình. Tất cả chúng tôi ngoái đầu lại đưa mắt tìm Gatsby. Những kẻ không có mấy chuyện trên đời làm họ phải thì thầm nhỏ to với nhau mà nay cũng phải thì thầm với nhau về Gatsby, đó chẳng phải là một bằng chứng về những lời phỏng đoán ngông cuồng mà con người Gatsby đã gây ra hay sao.
Bữa tiệc đầu – sẽ còn một bữa tiệc nữa, sau nửa đêm – được dọn ra. Jordan mời tôi ngồi cùng với cô xung quanh một cái bàn ở một mé vườn. Có ba cặp vợ chồng và một anh chàng bám riết Jordan, một anh sinh viên hay nói những lời bóng gió cục cằn và rõ ràng tưởng rằng thể nào Jordan cũng sẽ hiến thân không ít thì nhiều cho mình. Không ăn nói huyên thuyên, nhóm người này đều giữ một vẻ nghiêm nghị như nhau và tự gánh lấy vai trò đại diện cho giới quý tộc nông thôn – đó là khu East Egg hạ cố đến chơi khu West Egg, nhưng vẫn cẩn thận tránh để mình không bị lây nhiễm cái vui nhộn sặc sỡ ở đây.
Sau khoảng nửa giờ uổng phí và không ăn ý, Jordan nói nhỏ với tôi:
- Ta đi đi. Họ đạo mạo quá, không hợp với em.
Hai chúng tôi đứng dậy và Jordan viện cớ là chúng tôi đi tìm chủ nhân. Cô ta bảo: tôi chưa giáp mặt chủ nhân bao giờ, vì thế cảm thấy không tiện. Anh chàng sinh viên gật đầu, vẻ ngờ vực, buồn buồn.
Jordan và tôi trước hết đến quầy rượu. Quầy rượu đông kịt nhưng không có Gatsby ở đấy. Đứng ở đầu bậc thềm, Jordan không nhìn thấy Gatsby đâu cả, ở ngoài hiên cũng không. Chúng tôi hú hoạ đẩy thử một cánh cửa trông trang nghiêm và bước vào một phòng sách cao rộng, kiến trúc kiểu Gothic, tường bọc gỗ chạm trổ theo kiểu Anh, có lẽ đã được bê nguyên xi từ một toà lâu đài đổ nát nào đó ở bên kia đại dương về đây.
Một người đàn ông phục phịch, tuổi trung niên, cặp kính to tướng như mắt cú, dáng có vẻ khá say, đang ngồi trên mép một chiếc bàn lớn, ngây người nhìn các giá sách với con mắt lảo đảo. Thấy chúng tôi, ông ta hối hả xoay người lại, ngắm Jordan từ đầu đến chân, lớn tiếng hỏi:
- Ý kiến cô thế nào?
- Ý kiến gì?
Ông ta huơ tay về phía các giá sách:
- Về những cái kia kìa. Mà thôi, cô khỏi phải kiểm tra. Tôi đã kiểm tra rồi. Thật cả đấy.
- Sách ấy à?
Ông ta gật đầu.
- Hoàn toàn thật, bên trong có đủ cả trang lẫn chữ hẳn hoi. Tôi cứ tưởng chúng làm bằng giấy bồi, nhưng không phải, hoàn toàn là sách thật. Sách có trang hẳn hoi và… Đây này, để tôi cho các vị xem.
Đoán chắc là chúng tôi hoài nghi, ông ta chạy đến các giá sách, lấy ra cuốn “Các bài thuyết trình của Stoddard” tập một, reo lên đắc thắng:
- Các vị thấy chưa! Một ấn phẩm thật sự. Tôi đã tưởng nhầm. Anh chàng này là một nhà dàn cảnh ngoại hạng. Không chê vào đâu được! Trông giống thật biết bao. Biết cả khi nào thì dừng lại… Nhưng mà các vị còn đòi hỏi gì nữa, mong chờ gì nữa?
Ông ta giằng lấy quyển sách khỏi tay tôi và hấp tấp đặt nó vào chỗ cũ trên giá, lẩm bẩm bảo rằng bỏ đi một viên gạch thì cả phòng sách có thể sẽ đổ sụp.
Ông ta hỏi:
- Ai dẫn các vị đến đây? Hay các vị tự đến. Tôi thì có người đưa đến. Ở đây khách khứa hầu hết là được người khác đưa đến.
Jordan nhìn ông ta với con mắt vui vẻ, nhanh nhẹn, nhưng không đáp lại một lời nào.
- Tôi được một phụ nữ tên là Roosevelt dẫn đến chơi đây, – ông ta nói tiếp. – Bà Claud Roosevelt. Các vị có quen không? Tôi có gặp bà ta đêm qua, ở đâu đó. Tôi say đến nay dễ được một tuần rồi. Tôi nghĩ vào ngồi trong thư viện một lúc có lẽ may ra đỡ say chăng.
- Có đỡ không?
- Đỡ một chút. Chưa thể nói được. Tôi mới ở đây có một tiếng đồng hồ. Tôi đã nói với các vị về các cuốn sách chưa nhỉ? Sách thật cả. Chúng…
- Ông đã nói rồi.
Chúng tôi nghiêm trang bắt tay ông ta rồi đi ra.
Khách khứa bây giờ đang nhảy với nhau trên nền đất rải vải bạt trong vườn. Những ông luống tuổi đun đẩy với những cô gái trẻ theo những đường vòng tròn vụng về không biết đâu là cùng. Những cặp nhảy cao sang thì ôm nhau uốn éo theo đúng thời thượng, quanh quẩn ở những chỗ khuất. Rất nhiều cô gái chưa chồng nhảy một mình hoặc đánh đàn banjo hoặc đánh trống đỡ cho dàn nhạc. Đến nửa đem, bầu không khí vui vẻ hể hả càng tăng. Một ca sĩ nổi tiếng hát giọng nam cao bằng tiếng Ý và một giọng nữ trung quen biết hát theo điệu jazz. Giữa các tiết mục ấy, người ta bày ra những trò kì quặc ở khắp khu vườn, trong khi những chuỗi cười giòn giã ngây dại vang vọng lên trên vòm trời mùa hạ. Một cặp diễn viên, tưởng ai hóa ra hai cô gái áo vàng, biểu diễn một tiết mục trẻ con hóa trang. Rượu sâm banh được rót ra trong những cái li to như bát vại. Mặt trăng cất mình lên cao hơn và trên mặt nước ngoài eo biển nổi chập chờn một hình tam giác bằng vẩy bạc, hơi run rẩy theo tiếng lanh tanh giòn tan của những cây đàn banjo trong vườn.
Tôi vẫn ở bên Jordan Baker. Hai chúng tôi đang ngồi ở một chiếc bàn cùng với một chàng trai trạc tuổi tôi và một cô gái nhỏ bé ồn ào, động một tí là cười ngặt nghẽo. Bây giờ tôi cũng lăn mình vào cuộc vui. Tôi đã uống hai li rượu sâm banh to bằng cái bát, và cảnh tượng trước mắt tôi đã biến đổi thành một thứ trò có ý nghĩa, cốt yếu và sâu sắc.
Vào lúc cuộc vui lắng xuống, anh chàng nọ cười mỉm với tôi, hỏi bằng một giọng nhã nhặn:
- Tôi trông ông quen quen. Hồi chiến tranh, ông có ở sư đoàn một không nhỉ?
- Có. Tôi ở trung đoàn bộ binh hai mươi tám.
- Tôi ở trung đoàn mười sáu mãi cho đến tháng Sáu năm một nghìn chín trăm mười tám. Tôi biết ngay là đã gặp ông ở đâu rồi mà.
Chúng tôi nói chuyện một lúc với nhau về một vài làng mạc nhỏ bé, xám xịt và ẩm ướt bên Pháp. Rõ ràng, anh ta ở quanh quẩn đâu đây thôi, vì anh ta khoe với tôi vừa mới mua được một chiếc thuỷ phi cơ, định sáng mai sẽ đi thử.
- Ông có thích đi thử với tôi không, người anh em? Đi ngay gần bờ thôi, dọc eo biển.
- Vào lúc nào?
- Lúc nào tuỳ ông.
Tôi đã toan hỏi tên anh ta thì Jordan quay sang tôi, hé mở một nụ cười, hỏi tôi:
- Bây giờ anh vui rồi chứ?
- Hơn trước nhiều. – Tôi ngoảnh sang nói với người bạn mới quen. – Những cuộc vui như thế này, tôi chưa quen. Ai lại tôi chưa gặp chủ nhân. Tôi ở ngay cạnh đây, – tôi huơ tay chỉ về phía hàng rào vô hình xa xa, – và cái ông Gatsby này cho tài xế cầm giấy mời sang mời tôi.
Người kia nhìn tôi một lúc như không hiểu gì hết, rồi bỗng nhiên anh ta nói:
- Tôi là Gatsby đây.
- Ủa! – Tôi thốt lên. – Ồ, tôi xin lỗi ông.
- Tôi tưởng ông biết rồi. Tôi sợ không được là một chủ nhà thật tốt, người anh em ạ.
Anh ta cười thông cảm. Đó là một trong những nụ cười rất hiếm, nó có khả năng làm ta vĩnh viễn yên lòng, loại nụ cười may ra ta được gặp bốn hoặc năm lần trong cả đời. Nó nhìn vào, hoặc dường như nhìn vào toàn thế giới vĩnh cửu trong giây lát rồi tập trung vào ta với một ý nghĩ tốt về ta, một ý nghĩ không sao cưỡng lại được. Nó hiểu ta đúng ở chừng mực ta muốn người khác hiểu mình, nó tin tưởng ở ta đúng như ta muốn tin tưởng ở mình và bảo với ta rằng nó có ấn tượng về ta đúng như ấn tượng tốt đẹp nhất mà ta mong muốn người khác nghĩ về ta. Vừa vặn đến lúc ấy thì nụ cười tan biến, và trước mặt tôi là một kẻ lưu manh sang trọng trẻ trung, tuổi khoảng băm mốt hoặc băm hai, lời lẽ cầu kì gần đi đến chỗ phi lí. Ngay trước lúc anh ta tự giới thiệu, tôi đã có cảm tưởng rõ là anh ta chọn lời ăn tiếng nói hết sức thận trọng.
Gần như đúng lúc Gatsby xưng tên thì một người hầu phòng chạy vội đến báo là có điện thoại từ Chicago gọi anh ta. Gatsby hơi nghiêng đầu xin lỗi từng người chúng tôi:
- Ông thấy cần gì thì cứ bảo, người anh em ạ. – Gatsby nhắc tôi. – Xin lỗi, tôi xin gặp lại ông sau.