Gatsby vĩ đại - Chương 07 part 1

Đúng đến khi tôi tò mò muốn hiểu về Gatsby nhiều nhất thì một tối thứ Bảy các ngọn đèn ở nhà anh không bật sáng và cuộc đời Trimalchio (1) của anh kết thúc một cách khó hiểu như khi nó bắt đầu. Dần dần tôi mới nhận ra là những chiếc xe hơi khấp khởi lăn bánh vào những đường xe chạy trong vườn nhà anh chỉ đỗ lại đúng một phút rồi hậm hực bỏ đi. Không biết có phải Gatsby đau ốm không, tôi sang nhà anh xem sao. Một gia nhân lạ mặt trông không lương thiện đứng ở cửa ngờ vực nhìn tôi bằng đuôi con mắt.
- Ông Gatsby ốm chăng?
- Không, – ngừng một lúc rồi gã mới buông thêm hai tiếng “thưa ông” muộn mằn, miễn cưỡng.
- Lâu không thấy ông Gatsby, tôi lo ngại không biết vì sao. Anh thưa lại với ông chủ có ông Carraway sang thăm.
- Ông nào? – Gã hỏi cộc cằn.
- Carraway.
- Carraway. Được, tôi sẽ thưa lại.
Gã đột ngột đóng sầm cửa lại.
Chị giúp việc người Phần Lan của tôi cho biết cách đây một tuần, Gatsby đã sa thải tất cả tôi tớ trong nhà, thay bằng một nửa tá gia nhân mới. Đám gia nhân này không bao giờ vào làng West Egg để bị các nhà buôn mua chuộc mà chỉ gọi điện thoại đặt mua các đồ ăn thức uống với số lượng vừa phải. Thằng nhỏ giao hàng của hiệu thực phẩm kể lại là nhà bếp bẩn như chuồng lợn, và ý kiến chung của mọi người trong làng là những kẻ mới đến này trông chẳng có vẻ gì là gia nhân.
Hôm sau Gatsby gọi điện thoại cho tôi.
- Anh đi xa à? – Tôi hỏi.
- Không, người anh em ạ.
- Tôi nghe nói anh sa thải tất cả gia nhân.
- Tôi muốn mướn những kẻ không hay bép xép. Daisy thường đến luôn vào buổi chiều.
Như vậy là, vì mắt nàng không ưng mà toàn bộ quán trọ này đã đổ sụp như một ngôi nhà xếp bằng những quân bài.
- Họ là những người mà Wolfshiem muốn tôi giúp đỡ. Họ đều là anh chị em với nhau cả. Trước họ có trông nom một khách sạn nhỏ.
- Tôi hiểu.
Gatsby gọi điện thoại cho tôi là theo yêu cầu của Daisy. Nàng mời tôi ngày mai đến ăn trưa nhà nàng. Cô Baker cũng sẽ có mặt. Một nửa giờ sau, Daisy lại đích thân gọi dây nói. Nàng có vẻ yên tâm khi tôi nhận lời. Tôi đoán chắc có chuyện gì đây, song tôi không thể nghĩ rằng họ lại chọn dịp này để gây chuyện – nhất là loại chuyện rầy rà mà Gatsby đã vẽ phác ra cho tôi hôm ở ngoài vườn. Hôm sau trời nóng như thiêu như đốt, có lẽ là ngày nóng cuối cùng nhưng nhất định là ngày nóng nhất của cả mùa hè năm nay. Con tàu tôi đi khi từ trong đường hầm nhô ra ngoài nắng thì chỉ có những tiếng còi nhà máy nóng rẫy của “Công ty bích quy quốc gia” phá tan bầu không khí hầm hập và yên lặng. Những chiếc ghế đệm nhồi rơm trên toa xe như muốn bốc lửa. Mồ hôi đã kín đáo làm ướt đẫm từ nãy chiếc áo sơ-mi trắng của một hành khách nữ ngồi cạnh tôi, và đến khi tờ báo chị ta cầm hoen ố các vết ngón tay thì chị ta bật ra một tiếng than thở rồi để mặc cho cái nóng kinh người hành hạ mình. Chiếc ví của chị ta bỗng rơi đánh bịch xuống sàn.
- Ôi chào! – Chị ta kêu lên, gần như không ra hơi.
Tôi mệt mỏi cúi xuống nhặt lên trao lại cho chị ta, cẩn thận chỉ cầm mơm mớm một góc ví và duỗi thẳng tay để tỏ rõ tôi không có ý định gì xấu, thế mà tất cả hành khách ngồi gần, kể cả chị kia, vẫn cứ ngờ tôi.
- Nóng khiếp! – Người soát vé nói với những bộ mặt quen thuộc. – Thời tiết quái ác!... Cha chả là nóng!... Nóng!... Nóng!... Ông có thấy nóng không? Ông có thấy...?
Tấm vé tháng khi được trao trả tôi đã hoen một vết sẫm do lốt tay ông soát vé gây ra. Trong cái nóng này làm gì có ai bận tâm đến người mà cặp môi đỏ bừng được mình đặt miệng hôn, mà cái đầu tựa vào làm ướt đẫm túi ngực áo ngủ của mình.
… Một ngọn gió nhè nhẹ thổi qua gian tiền sảnh nhà Buchanan đưa vọng ra tiếng chuông điện thoại tới tai Gatsby và tôi, trong lúc chúng tôi đứng đợi ngoài cửa.
- Dạ, xác ông chủ ấy ạ? – Người hầu phòng gầm lên vào ống nói. – Bẩm bà, tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi không thể cung cấp được ạ... trưa nay quá nóng không đụng đến nổi.
Thực ra là anh ta nói: “Vâng ạ... vâng ạ... tôi sẽ xem.”
Anh ta đặt máy nói xuống và mồ hôi lấm tấm, ra chỗ chúng tôi đỡ lấy những chiếc mũ nan cứng của chúng tôi.
- Bà chủ đang đợi hai ông trong phòng khách! – Anh ta chỉ tay một cách không cần thiết. Trời nóng này, mọi tác động thừa là một việc lăng mạ vốn dự trữ sức sống chung của mọi người.
Được che nhiều mái hiên bằng vải bạt, phòng khách rợp tối và mát. Daisy và Jordan đang nằm dài trên một chiếc đi văng rất lớn như những pho tượng bạc đè chặn lên các tà áo trắng cho chúng khỏi tung lên vì những ngọn gió hây hẩy vi vu của quạt trần.
- Không nhấc nổi chân tay nữa. – Họ cùng nói.
Những ngón tay của Jordan đánh phấn trắng đè lên trên nước da rám nắng, nằm yên một lúc trong bàn tay tôi.
- Còn nhà lực sĩ Thomas Buchanan đâu? – Tôi hỏi.
Ngay sau lúc ấy tôi nghe thấy tiếng nói cau có và ồm ồm của Tom nghèn nghẹt bên máy điện thoại trong gian tiền sảnh.
Gatsby đứng ở giữa tấm thảm đỏ thẫm, đưa cặp mắt ngây dại nhìn khắp xung quanh. Daisy ngắm nhìn anh và cười khe khẽ, một tiếng cười dịu dàng làm người nghe phải xốn xang. Một làn phấn mỏng từ ngực nàng bay lên.
Jordan khẽ thì thầm:
- Tin đồn bảo rằng kẻ đang nghe điện thoại là người tình của Tom đấy.
Mấy người chúng tôi đều im lặng. Tiếng nói ở gian tiền sảnh vang to và bực bội:
- Thôi được, đã vậy, tôi không bán xe cho ông nữa... Tôi không bị trói buộc gì với ông hết... Còn ông cứ làm rầy tôi mãi đúng vào giờ ăn trưa thì tôi không để cho ông yên đâu.
- Ống nghe đã được đặt xuống rồi mà, – Daisy giễu cợt.
- Không phải đâu, – tôi quả quyết với nàng. – Đúng là có công việc thật đấy. Tình cờ mà tôi được biết.
Tom đẩy mạnh cửa, tấm thân to lớn của anh che kín khung cửa một lúc, rồi anh vội vã bước vào.
- Ông Gatsby! – Tom chìa ra bàn tay bè bè với một vẻ ác cảm khéo che giấu. – Hân hạnh được gặp ông... Chào anh Nick...
- Đem rượu lên nhé. – Daisy gọi to.
Khi Tom đã lại ra khỏi phòng, nàng đứng dậy tiến lại chỗ Gatsby kéo đầu anh xuống hôn vào môi anh.
- Anh biết là em yêu anh chứ? – Daisy thì thào.
- Anh chị quên mất là có mặt một phụ nữ ở đây. – Jordan nói.
Daisy nhìn quanh, vẻ nghi ngại:
- Em cũng hôn anh Nick đấy thôi.
- Một cô gái thấp hèn, tầm thường làm sao!
- Tôi bất cần! – Daisy nói và nhảy giậm chân trước mặt lò sưởi bằng gạch. Rồi nhớ ra trời nóng, nàng tiu nghỉu ngồi xuống đi văng đúng lúc một chị vú em quần áo tinh tươm dẫn đến một đứa bé gái vào trong phòng.
Daisy đưa cả hai tay ra đón con, nựng:
- Bé cưng yêu quý của mẹ! Lại đây với mẹ nào.
Chị vú buông đứa bé ra, nó chạy ào qua gian phòng thẹn thùng rúc vào áo mẹ.
- Bé cưng bé quý của mẹ nào! Mẹ bé đã rắc phấn lên mái tóc vàng khè của bé chưa? Bé đứng ngay lên và chào khách của mẹ đi nào.
Gatsby và tôi cúi xuống nắm lấy bàn tay rụt rè nhỏ xíu. Sau đó Gatsby cứ nhìn mãi đứa bé với vẻ kinh ngạc. Tôi chắc trước đây anh chưa bao giờ thực sự nghĩ là có nó trên đời.
Đứa bé vội vàng quay lại với Daisy:
- Bé được mặc áo trước bữa trưa đây này.
- Vì mẹ của bé muốn khoe với khách mà, – mặt nàng cúi xuống chỗ có cái ngấn duy nhất trên cái cổ trắng trẻo xinh xắn. – Bé của mẹ xinh như mộng, phải không bé?
- Vâng ạ, – đứa bé thản nhiên trả lời. – Cô Jordan cũng mặc áo trắng kìa.
- Bé có yêu các bạn bè của mẹ không? – Daisy quay người nó lại đối diện với Gatsby. – Bé có thấy các bạn bè của mẹ xinh không nào?
- Ba đâu rồi?
- Nó không giống bố nó, – Daisy giải thích. – Nó giống em. Nó có mái tóc và khuôn mặt giống em.
Daisy lại ngồi xuống đi văng. Chị vú bước lên nắm lấy tay đứa bé.
- Lại đây nào, Pammy.
- Chào con nhé!
Luyến tiếc ngoái lại đằng sau, đứa trẻ biết vâng lời níu lấy tay chị vú và bị kéo ra khỏi phòng đúng vào lúc Tom trở lại, theo sau là bốn cốc rượu gin pha chanh đầy những cục đá va vào nhau kêu lách cách.
Gatsby cầm lấy một cốc.
- Rượu có vẻ mát lạnh, – anh nói, dáng điệu lúng túng rõ rệt.
Chúng tôi uống ừng ực từng ngụm dài.
- Tôi có đọc được ở đâu đó nói rằng mặt trời mỗi năm một nóng hơn. – Giọng Tom vui vẻ thân mật. – Hình như chẳng bao lâu nữa quả đất sẽ rơi vào mặt trời... không, gượm nào, ngược lại cơ... mặt trời mỗi năm một lạnh hơn.
Tom ngỏ ý với Gatsby:
- Ta ra ngoài đi. Tôi muốn dẫn ông đi thăm nhà tôi một lúc.
Tôi đi cùng với họ ra ngoài hàng hiên. Trên eo biển xanh lè với mặt nước tù đọng vì nóng, một cánh buồm nhỏ đang bò chầm chậm về phía biển khơi mát mẻ. Gatsby nhìn theo cánh buồm đó một lát. Anh giơ tay lên, chỉ sang bên kia vịnh.
- Nhà tôi ở ngay bên kia, đối diện với nhà ông.
- Đúng vậy.
Mắt chúng tôi nhướn lên bên trên các luống hoa hồng và thảm cỏ nóng rẫy, qua đám cỏ dại quen nóng mọc ven bờ nước. Những cánh buồm trắng của chiếc thuyền kia chầm chậm di động trên đường ranh giới xanh mát của bầu trời. Phía trước là đại dương hình vỏ sò và biết bao nhiêu hòn đảo hạnh phúc.
Tom hất đầu nói:
- Trò giải trí này lí thú lắm. Giá được ra đấy với nó khoảng một tiếng đồng hồ.
Chúng tôi ăn trưa trong phòng ăn cũng rợp tối vì được che rèm chống nóng, và dìm sự vui vẻ bồn chồn trong cốc bia lạnh.
Daisy kêu lên:
- Chúng ta biết làm gì đây trong chiều nay, trong ngày mai và ba mươi năm tới?
- Đừng có những ý nghĩ quái gở, – Jordan khuyên. – Cuộc sống sẽ lại bắt đầu khi trời vào thu mát mẻ.
- Nhưng hôm nay sao nóng thế, và mọi thứ rối tinh rối mù cả lên, – Daisy gần như phát khóc. – Ta ra thành phố cả đi.
Giọng nàng cố ngoi qua cái nóng, vật lộn với nó, nhào nặn cái hỗn mang của nó thành hình dạng.
Tom nói với Gatsby:
- Tôi nghe nói có người đã biến chuồng ngựa thành nhà xe, nhưng tôi là người đầu tiên đã biến nhà xe thành chuồng ngựa.
- Ai muốn ra thành phố nào? – Daisy cứ một mực hỏi. Cặp mắt của Gatsby lờ lững trôi về phía nàng. Daisy kêu lên: - Ôi, ông trông tươi mát quá!
Ánh mắt họ bắt gặp nhau, họ nhìn xoắn lấy nhau, chỉ biết có mình nhau trong không gian. Daisy cố hạ cặp mắt mình xuống, nhìn xuống bàn.
- Ông lúc nào trong cũng tươi mát, – nàng nhắc lại.
Nàng vừa mới bày tỏ với Gatsby là nàng yêu anh, và Tom Buchanan đã thấy. Tom sững sờ. Miệng hé mở, Tom hết nhìn Gatsby lại quay sang Daisy như thể anh vừa mới nhận ra nàng là người mà anh đã quen biết từ lâu.
Daisy nói tiếp một cách tự nhiên:
- Ông trông giống nhân vật trong tờ quảng cáo, ông có biết quảng cáo về người...
- Được, – Tom cắt ngang, giọng gay gắt. – Tôi rất tán thành ra thành phố. Ta đi thôi... tất cả chúng ta đều ra thành phố.
Tom đứng dậy, mắt vẫn long lên hết nhìn Gatsby lại nhìn vợ. Không ai nhúc nhích.
- Đi thôi! – Sự tự chủ của anh đã hơi rạn nứt một chút. – Sao nào? Nếu định ra thành phố thì đi ngay thôi.
Bàn tay Tom, run lên vì cố giữ bình tĩnh, đưa nốt chỗ bia còn trong cốc lên môi. Giọng nói của Daisy lôi chúng tôi đứng dậy và bước ra lối đi rải sỏi nắng chói chang.
- Ai lại đi ngay như thế này? – Daisy phản đối. – Không để cho mọi người hút một điếu thuốc đã à?
- Mọi người đã hút suốt bữa ăn rồi.
- Ôi, mình vui vẻ lên chứ, – nàng khẩn khoản chồng. – Nóng nực thế này mà to tiếng thì còn ra làm sao!
Tom không đáp.
- Thôi tuỳ mình, – nàng nói tiếp. – Jordan, lại đây.
Hai người phụ nữ lên gác chuẩn bị còn ba người đàn ông chúng tôi thì cứ đứng đó, lấy chân đảo đi đảo lại các viên sỏi nóng rẫy. Một vành trăng bạc đã treo lơ lửng trên mảng trời phía tây. Gatsby định nói gì sau lại thôi, nhưng Tom đã xoay người đối diện với anh, chờ đợi. Gatsby đành cố đặt câu hỏi:
- Ông cho xây chuồng ngựa ở đây à?
- Cách một phần tư dặm, cạnh đường cái.
- À.
Mấy chúng tôi im lặng một lúc, rồi Tom bật ra, giọng hầm hầm:
- Không biết ra thành phố để làm trò trống gì. Đàn bà là hay có những ý kiến quái quỷ...
- Ta có mang theo đồ uống gì không? – Daisy ở cửa sổ trên gác hỏi vọng xuống.
- Tôi sẽ lấy uýtxki. – Tom đáp rồi vào trong nhà.
Gatsby quay sang tôi, người cứng nhắc.
- Tôi không thể nói được gì tại nhà này, người anh em ạ.
- Nàng nói giọng vô ý quá, – tôi nhận xét, – Giọng nàng chứa đầy... – tôi ngắc ngứ.
- Giọng nàng chứa đầy tiền bạc, – Gatsby nói luôn.
Đúng thế. Trước đó tôi chưa hiểu ra. Giọng Daisy quả đúng là chứa đầy tiền bạc – đó chính là những tiếng mê hồn uốn lượn không bao giờ tắt trong giọng nàng, những tiếng leng keng giòn tan, ngân vang như tiếng chũm choẹ trong giọng nàng... Ngự chót vót trên cao trong cung điện trắng toát là ái nữ của đức vua, cô gái vàng...
Tom ở trong nhà bước ra, bọc một chai uýtxki trong một chiếc khăn mặt. Theo sau là Daisy và Jordan, cả hai đều đội những chiếc mũ nhỏ bằng vải kim loại bó sát lấy đầu và khoác trên tay những tấm áo choàng mỏng.
- Tất cả đi bằng xe của tôi chứ? – Gatsby đề nghị. Anh sờ lớp da xanh bọc ghế nóng bỏng. – Đáng nhẽ tôi phải để xe trong bóng râm mới phải.
- Cần số xe ông có phải là loại phổ thông không? – Tom hỏi.
- Phải.
- Thế thì ông đi chiếc cu-pê của tôi, để tôi lái chiếc xe của ông cho.
Gatsby không thích đề nghị ấy. Anh bác lại:
- Tôi sợ xe tôi không đủ xăng.
- Thừa xăng, – Tom nói oang oang, mắt nhìn vào đồng hồ chỉ xăng. – Mà nếu thiếu, tôi có thể đỗ xe ở một hiệu thuốc. Thời buổi này, muốn mua gì ở hiệu thuốc mà chả có.
Một sự im lặng tiếp theo sau lời nhận xét có vẻ bâng quơ này. Daisy chau mày nhìn Tom, và trên nét mặt Gatsby thoáng hiện lên một vẻ khó tả, vẻ mặt ấy tôi dứt khoát chưa thấy bao giờ nhưng đồng thời lại lờ mờ quen, như thể tôi mới chỉ được nghe miêu tả bằng lời.
- Đi thôi, Daisy, – Tom lấy tay ủn Daisy về phía xe của Gatsby. – Tôi sẽ đưa mình đi trong cỗ xe của gánh xiếc rong này.
Tom mở cửa xe, nhưng Daisy vùng ra khỏi vòng tay chồng.
- Mình đi với anh Nick và Jordan. Em và ông Gatsby sẽ đi theo sau trên chiếc cu-pê.
Nàng đi sát cạnh Gatsby, tay chạm cả vào áo vét-tông của anh. Jordan, Tom và tôi cùng lên ngồi ở hàng ghế trước trong chiếc xe hơi của Gatsby. Tom mò mẫm sử dụng cái cần số không quen và chiếc xe lao vụt đi trong cái nóng ngột ngạt, bỏ lại mất hút hai người kia ở đằng sau.
- Anh có nhìn thấy không? – Tom hỏi.
- Nhìn thấy gì?
Tom nhìn chằm chằm vào tôi và hiểu ra rằng Jordan và tôi hẳn đã biết chuyện từ lâu rồi.
- Các bạn tưởng tôi là thằng ngốc hả? – Tom nói. – Có thể lắm, nhưng tôi còn có... đôi khi gần như một cặp mắt thứ hai nó bảo tôi phải làm gì. Có lẽ các bạn không tin, nhưng khoa học...
Tom im bặt. Tình thế trước mắt túm lấy anh, kéo anh ra khỏi lĩnh vực lí thuyết. Anh nói tiếp:
- Tôi đã tiến hành một cuộc điều tra nho nhỏ về gã này. Lẽ ra tôi đã tìm hiểu sâu hơn nếu như tôi biết được...
- Phải chăng anh muốn nói anh đã tìm đến một bà đồng? – Jordan hài hước.
- Cái gì? – Hoang mang, Tom nhìn chằm chằm vào hai chúng tôi trong khi chúng tôi phá lên cười. – Một bà đồng à?
- Để hỏi về Gatsby mà.
- Về Gatsby! Không, không phải. Tôi nói là tôi đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ về quá khứ của gã.
- Và anh phát hiện ra ông ta là một cựu sinh viên Oxford. – Jordan mớm lời.
- Cựu sinh viên Oxford! – Tom lộ vẻ không tin. – Thôi đi! Thằng cha mặc bộ quần áo màu phấn hồng ấy mà đã học ở Oxford ư?
- Dẫu vậy, ông ấy là cựu sinh viên Oxford đấy.
- Oxford bang New Mexico (2) hả? – Tom dè bỉu, – hay một nơi nào tương tự.
- Anh Tom, nếu anh là người nệ gia thế đến vậy, sao anh còn mời ông ta đến ăn trưa? – Jordan khó chịu hỏi.
- Daisy mời hắn. Cô ấy quen hắn trước khi chúng tôi lấy nhau... ở chỗ quái quỷ nào không biết.
Rượu bia trong người đã hả hết làm cả bọn chúng tôi bây giờ dễ cáu kỉnh. Biết vậy, chúng tôi nín thinh một lúc trong khi xe chạy. Đến khi cặp mắt bạc phếch của bác sĩ T. J. Eckleburg hiện ra ở đầu đường, tôi sực nhớ đến lời nhắc nhở của Gatsby về xăng.
- Có đủ tới thành phố rồi, – Tom bảo.
- Nhưng ngay đây có trạm xăng cơ mà. – Jordan kèo nèo. – Em không muốn ngồi ôm xe giữa cái nóng như hun này.
Tom nóng nảy dùng cả hai phanh, và chiếc xe rê bánh đứng sững lại dưới tấm biển hiệu của Wilson làm bốc lên một đám bụi mù. Một lát sau, người chủ hiệu sửa chữa hiện ra, con mắt đờ đẫn nhìn trân trân vào chiếc xe.
- Cho xăng đi! – Tom gắt. – Ông tưởng chúng tôi đỗ lại để làm gì, ngắm cảnh chắc?
- Tôi ốm. – Wilson nói, không nhúc nhích. – Tôi ốm suốt cả ngày hôm nay.
- Ốm sao?
- Tôi hết cả hơi sức rồi.
- Vậy tôi tự bơm xăng lấy nhé, – Tom hỏi. – Thế mà ông gọi điện thoại có vẻ khoẻ ra phết.
Wilson thở phì phò cố sức lê chân rời khỏi chỗ bóng râm và khung cửa đang tựa ra vặn nắp bể xăng. Ra ngoài nắng, mặt ông ta trông xanh lè.
- Tôi đâu cố ý phá ngang bữa trưa của ông, – Wilson nói. – Chỉ vì tôi rất cần tiền, mà tôi không biết ông định tính sao về chiếc xe cũ của ông.
- Ông thấy chiếc xe này thế nào? – Tom hỏi. – Tôi mới mua tuần trước đấy.
- Chiếc xe vàng này đẹp nhỉ. – Wilson nói trong lúc kéo cần bơm xăng.
- Ông có muốn mua không?
- Làm gì có chuyện, – Wilson nở một nụ cười yếu ớt. – Không, nhưng tôi có thể kiếm được chút ít ở chiếc xe kia.
- Ông bỗng dưng cần tiền để làm gì?
- Tôi sống ở đây quá lâu rồi. Tôi muốn bỏ đi nơi khác. Vợ tôi và tôi muốn chuyển về miền Tây.
- Vợ ông muốn chuyển đi à? – Tom sửng sốt thốt lên.
- Bà nhà tôi nói đến chuyện này từ mười năm nay rồi. – Wilson tựa người một lúc vào cột xăng, lấy tay che mắt. – Và bây giờ thì bà ấy sẽ phải đi, dù muốn hay không. Tôi sẽ lôi bà ấy đi.
Chiếc xe con phóng vụt qua bên cạnh chúng tôi giữa một đám bụi mù và lấp loáng một bàn tay vẫy vẫy.
- Bao nhiêu tiền? – Tom hỏi cộc cằn.
- Tôi dò ra được một chuyện mờ ám vừa mới cách đây hai hôm, – Wilson nói. – Vì vậy tôi mới muốn bỏ đi. Vì vậy tôi mới phải làm rầy ông về chiếc xe.
- Tôi phải trả bao nhiêu?
- Một đôla hai mươi.
Cái nóng hầm hập làm đầu tôi mụ đi, tôi cảm thấy nôn nao trong người một lúc rồi mới nhận ra rằng cho đến lúc này sự ngờ vực của Wilson chưa chĩa vào Tom. Ông ta đã phát hiện ra vợ mình có một cuộc sống riêng ở một nơi khác, và đòn choáng váng ấy làm cho ông ta ốm thực sự. Tôi đăm đăm nhìn ông ta rồi nhìn sang Tom, anh này cũng vừa mới khám phá ra một chuyện tương tự dính dáng đến mình cách đây chưa đầy một tiếng – và tôi nghĩ về mặt trí tuệ hoặc nòi giống, con người ta không khác nhau mấy như sự khác biệt giữa người ốm và người khoẻ. Wilson ốm đến nỗi trông ông ta như người có tội, một tội không thể tha thứ, tưởng đâu ông ta đã làm cho một cô gái khốn khổ nào đó có con.
- Tôi sẽ bán cho ông chiếc xe ấy, – Tom nói. – Chiều mai tôi sẽ cho mang lại chỗ ông.
Địa điểm này hình như bao giờ cũng có một khía cạnh gì làm cho người ta mơ hồ lo lắng, dù là giữa buổi chiều nắng chang chang. Tôi quay đầu lại như linh tính thấy có chuyện gì đằng sau mình. Bên trên những gò đất tro, hai con mắt khổng lồ của bác sĩ T. J. Eckleburg đang canh gác, nhưng một lúc sau, tôi nhận ra có hai con mắt khác đang trừng trừng nhìn chúng tôi cách chỗ chúng tôi chưa đầy hai mươi bước. Ở một cửa sổ bên trên nhà xe, rèm đã bị vén lên một chút và Myrtle Wilson đang dòm xuống chỗ xe chúng tôi. Bà ta đang mải nhìn đến nỗi không biết có người nhìn mình, và những cảm xúc khác nhau lần lượt hiện lên trên nét mặt bà ta như một bức ảnh đang hiện hình chầm chậm. Vẻ mặt Myrtle có cái gì quen quen kì lạ – đó là một vẻ mặt mà tôi đã hay bắt gặp ở đàn bà, nhưng ở Myrtle Wilson nó có vẻ như vô cớ và không giải thích nổi cho đến khi tôi nhận ra hai con mắt bà ta, trợn trừng lên vì một nỗi kinh hoàng bởi lòng ghen, không nhìn Tom mà nhìn thẳng vào Jordan Baker mà bà ta tưởng là vợ Tom.
Không có sự hoang mang nào bằng nỗi hoang mang của một kẻ nông nổi, vì thế trong khi xe chúng tôi phóng đi, Tom cảm thấy những ngọn roi rát bỏng của cơn hốt hoảng quất lên mình. Vợ anh và người tình của anh, trước đây một tiếng còn an toàn và bất khả xâm phạm, nay đang trôi tuột khỏi tay anh. Bản năng tự nhiên làm Tom dận chân lên bàn đạp tăng tốc vừa để đuổi kịp Daisy vừa để bỏ xa Wilson lại đằng sau. Xe chúng tôi lao về phía Astoria với tốc độ năm mươi dặm một giờ cho đến khi giữa những thanh dầm của con đường sắt đặt trên cao chăng ra ngang dọc như mạng nhện, chúng tôi nhìn thấy chiếc xe con màu xanh lơ đang bon bon từ tốn.
- Những rạp chiếu bóng lớn ở phố Năm mươi mát lắm. – Jordan gợi ý. – Em rất thích New York những buổi chiều hè khi mọi người đã bỏ đi hết cả. Nó có một cái gì như nhục cảm... một cái gì chín nẫu, tưởng chừng mọi thứ quả lạ sẽ rơi vào bàn tay mình.
Hai tiếng “nhục cảm” càng làm cho Tom thêm bồn chồn, nhưng anh chưa nghĩ ra câu nào bác lại thì chiếc xe con phía trước đã dừng bánh và Daisy vẫy tay ra hiệu bảo chúng tôi cho xe đỗ bên cạnh. Nàng hét to:
- Đi đâu bây giờ?
- Xem chiếu bóng được không?
- Nóng lắm. – Daisy ca cẩm. – Bên ấy cứ đi đi. Bên xe này đi dạo một lúc rồi gặp nhau sau. – Nàng cố khôi hài yếu ớt. – Ta sẽ gặp nhau ở một góc phố. Ám hiệu: tôi sẽ là người đàn ông hút hai điếu thuốc.
- Không bàn được ở đây, – Tom nóng nảy nói trong khi một chiếc xe tải bóp còi rủa ầm lên ở đằng sau. – Xe bên ấy hãy đi theo tôi đến mé nam Công viên trung tâm, trước cửa khách sạn Plaza.
Chốc chốc Tom lại ngoảnh lại theo dõi chiếc xe kia, và khi nó bị tụt lại đằng sau vì vướng xe cộ trên đường thì anh cũng cho xe mình chạy chậm lại cho đến khi nhìn thấy nó. Chắc anh sợ họ sẽ ngoắt vào một ngách phố nhỏ rồi vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời anh.
Nhưng chiếc xe ấy không rẽ đi đâu mất. Và tất cả chúng tôi đều đi đến quyết định khó hiểu là thuê một phòng ở khách sạn Plaza.
Đến nay tôi không còn nhớ hết những lời lẽ bàn cãi ồn ào và kéo dài cuối cùng đã dẫn đến chỗ lùa chúng tôi vào phòng khách đó, nhưng tôi còn nhớ như in là trong lúc mọi người bàn cãi, chiếc quần lót của tôi cứ như một con rắn lầy nhầy bò leo chung quanh chân tôi, và mồ hôi lạnh từng giọt một lăn đuổi nhau dọc sống lưng tôi. Thoạt tiên là gợi ý của Daisy khuyên cả bọn nên thuê năm buồng tắm để tắm nước lạnh, rồi sau đó chuyển sang một hình thức dễ hiểu hơn là “kiếm một chỗ để uống rượu uýtxki đá pha bạc hà”. Chúng tôi ai nấy đều nói đi nói lại rằng đó là một “ý kiến lẩn thẩn” – cả bọn cùng nói một lúc làm cho nhân viên khách sạn phải ngẩn người ra nghe, và tất cả tự cho rằng, hoặc giả vờ cho rằng mình là những kẻ ngộ nghĩnh lắm...
Gian phòng rộng lớn và ngột ngạt. Tuy đã bốn giờ chiều nhưng mở hết cửa sổ cũng chỉ đem lại có một ngọn gió nóng từ các lùm cây trong công viên. Daisy ra đứng trước gương chải đầu, quay lưng lại chúng tôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3