Gatsby vĩ đại - Chương 08 part 2
Cho đến nay tôi vẫn mừng là đã nói ra câu ấy. Đó là lời khen ngợi duy
nhất mà tôi nói với anh, bởi vì từ đầu đến cuối tôi đã không tán thành
anh. Thoạt tiên, Gatsby gật đầu nhã nhặn sau gương mặt anh sáng lên
thành một nụ cười rạng rỡ và thông cảm, như thể chúng tôi lúc nào cũng
ăn ý với nhau về mặt này. Bộ quần áo hồng của anh, nay chỉ còn là một mớ
vải nhàu nát lộng lẫy, nổi lên thành một vệt sáng trên những bậc thềm
đá trắng làm tôi nhớ đến đêm đầu tiên tôi đến toà nhà cổ kính của anh ba
tháng về trước. Ngoài vườn và trên lối đi đêm ấy lúc nhúc những bộ mặt
những kẻ dò đoán về sự đồi bại của anh – và anh đã đứng trên những bậc
thềm này, che giấu ước mơ không gì xua tan nổi của mình khi anh vẫy tay
tiễn chào họ.
Tôi cảm ơn anh về lòng mến khách của anh. Chúng tôi – tôi cũng như những kẻ khác – bao giờ cũng cảm ơn anh về tấm lòng đó.
- Tạm biệt, – tôi gọi to. – Cảm ơn anh về bữa điểm tâm nhé, anh Gatsby.
*
* *
Ra
đến thành phố tôi để một lúc ghi lại thời giá vào một bảng dài dằng dặc
các cổ phiếu rồi ngủ thiếp đi trên chiếc ghế xoay. Gần giữa trưa,
chuông điện thoại đánh thức tôi, tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi vã trên
trán. Đó là Jordan Baker. Cô ta thường gọi tôi vào giờ này vì cô ta hay
đi lại thất thường giữa các khách sạn, các câu lạc bộ và các nhà riêng
cho nên khó có thể tìm được cô ta bằng cách khác. Thường thường, giọng
Jordan truyền qua đường dây vọng đến tươi mát như một mảnh đất còn dính
một túm cỏ bị cái chày đánh gôn màu xanh đánh bật lên và văng đến cửa sổ
phòng làm việc của tôi, nhưng sáng nay giọng ấy xem chừng thô nhám và
khô khốc.
- Em đã rời nhà Daisy đi rồi, – Jordan nói. – Em hiện đang ở Hempstead và chiều nay em sẽ xuống Southampton.
Có lẽ rời khỏi nhà Daisy là khéo xử, nhưng việc ấy làm tôi bực mình và câu nói tiếp của Jordan thì làm tôi dửng dưng.
- Tối qua anh không tử tế với em chút nào.
- Nó có quan trọng gì vào một lúc như lúc ấy?
Im lặng một lúc, rồi cô nói tiếp:
- Tuy nhiên, em muốn gặp anh.
- Tôi cũng muốn gặp cô.
- Ví thử em không đi Southampton nữa mà ra New York chiều nay thì sao?
- Đừng, tôi thấy chiều nay không nên.
- Thôi vậy.
- Chiều nay thì không thể được. Những...
Chúng
tôi nói chuyện như vậy được một lúc, và rồi bỗng dưng không nói nữa.
Không biết trong hai chúng tôi ai đã bỏ máy xuống kêu đánh cách một cái,
nhưng tôi biết là tôi chẳng cần quan tâm làm gì. Hôm ấy tôi không có
lòng nào ngồi nói chuyện với cô ta bên một bàn trà cho dù tôi sẽ không
bao giờ lại có dịp nói chuyện với cô ta nữa trên đời này.
Mấy phút
sau, tôi gọi điện thoại đến nhà Gatsby nhưng đường dây bận. Tôi gọi lại
bốn lần, cuối cùng Tổng đài phát bực lên bảo cho tôi biết đường dây bị
giữa cho một cuộc nói chuyện đường dài từ Detroit gọi đến. Lấy ra bảng
giờ tàu, tôi khoanh một vòng tròn nhỏ xung quanh chuyến tàu ba giờ năm
mươi. Sau đó tôi ngả người trong ghế, cố suy nghĩ. Lúc ấy vừa đúng giữa
trưa.
*
* *
Khi tàu chạy qua chỗ những gò đất tro sáng hôm ấy,
tôi đã cố ý chuyển sang ngồi phía bên kia toa. Tôi đoán chắc sẽ có một
đám người tò mò xúm xít quanh đó suốt ngày, những đứa trẻ dò tìm những
vật đen đen trong lớp bụi đường và một kẻ ba hoa nào đó kể đi kể lại
những sự việc đã xảy ra cho đến khi những lời kể ấy càng ngày càng xa
lại cả đối với gã đến nỗi gã không thể kể tiếp được nữa, và sự kết thúc
bi thảm của Myrtle Wilson thế là bị rơi vào trong lãng quên. Bây giờ tôi
muốn đi ngược lại thời gian một chút và kể những gì đã diễn ra tại hiệu
sửa chữa xe sau khi chúng tôi đi khỏi đấy đêm trước.
Mãi người ta
mới tìm được cô em, cô Catherine. Cô ta đêm ấy chắc đã vi phạm nguyên
tắc của mình là không uống rượu vì khi đến nơi cô ta còn mụ người vì hơi
men và không hiểu nổi là xe cứu thương đã đi Flushing rồi. Đến khi
người ta giúp cho cô hiểu ra thì cô ngất xỉu, y như thể đó lại là đoạn
không thể chịu đựng nổi trong sự việc này. Có ai đó, vì tử tế hay hiếu
kì, dìu cô lên xe mình và đưa cô đi theo thi hài chị cô.
Quá nửa đêm
khá lâu, đám người vẫn không ngừng tụ tập trên bậu cửa nhà sửa chữa xe,
hết người này đi lại có người khác đến, trong khi Wilson cứ đu người
ngật ngưỡng trên chiếc ghế trong nhà. Cửa buồng vẫn để ngỏ một lúc, và
ai bước vào nhà xe cũng không thể không dòm mắt nhìn vào trong. Cuối
cùng có người bảo như thế thật nhục nhã và đóng cửa lại. Michaelis cùng
với mấy người đàn ông khác ở lại bên Wilson, thoạt đầu là bốn năm người,
sau còn lại hai ba người. Mãi sau, Michaelis nhờ người lạ mặt cuối cùng
chờ ở đó thêm mười lăm phút nữa để anh về nhà pha lấy một cốc cà phê.
Sau đó Michaelis ở lại một mình với Wilson cho đến rạng sáng.
Đến
khoảng ba giờ sáng, Wilson bớt nói lảm nhảm – ông dịu đi và bắt đầu nói
đến chiếc xe màu vàng. Wilson bảo là ông có cách tìm ra người chủ chiếc
xe ấy, rồi ông ta nói lộ là cách đây hai tháng vợ ông đi New York về mặt
mày bị thâm tím và mũi sưng vù.
Nhưng tự nghe mình kể đến đây,
Wilson im bặt và lại rên rỉ “Ối giời ôi!” bằng một giọng thảm thiết.
Michaelis vụng về cố hỏi chuyện cho ông khuây khoả.
- Ông lập gia đình đã lâu chưa, ông George? Nghe đây nào, cố ngồi yên một tí và trả lời nào. Ông lập gia đình bao nhiêu lâu rồi?
- Mười hai năm.
- Ông có con chưa? Thôi nào, ông George, ngồi yên nào. Tôi hỏi ông một câu. Ông đã có con bao giờ chưa?
Những
con bọ cánh cứng màu nâu cứ đâm đầu vào ánh sáng mờ đục, và mỗi khi
nghe thấy một chiếc xe hơi chạy vụt trên đường, Michaelis lại tưởng
chừng đó là chiếc xe đã không đỗ lại cách đây mấy giờ. Anh không muốn
vào nhà xe vì bàn máy bị dây máu chỗ đã đặt xác, vì vậy anh cứ loay hoay
trong phòng giấy, – trời chưa sáng rõ Michaelis đã thuộc hết tất cả đồ
đạc trong phòng – và thỉnh thoảng ngồi xuống bên cạnh Wilson cố làm cho
ông dịu đi thêm.
- Ông có chọn một nhà thờ nào để thỉnh thoảng đi lễ
không, ông George? Dù là nhà thờ ông đã lâu không đến. Tôi gọi điện
thoại mời một linh mục đến nói chuyện với ông nhé, được không?
- Tôi không theo một nhà thờ nào cả.
-
Lẽ ra phải theo một nhà thờ chứ, ông George, để cho những lúc như bây
giờ. Trước kia hẳn ông đã đi nhà thờ rồi chứ? Thế ông không cưới ở nhà
thờ à? Nghe này, ông George, nghe tôi hỏi này. Ông có cưới ở nhà thờ
không?
- Lâu lắm rồi.
Wilson cố trả lời khiến người ông đu đưa –
ông ngồi im một lúc. Rồi lại vẫn cái vẻ dở tỉnh dở mê hiện trên đôi mắt
nhàn nhạt của ông.
- Xem trong ngăn kéo kia kìa, – Wilson chỉ vào bàn giấy.
- Ngăn nào?
- Ngăn kia kìa.
Michaelis
rút chiếc ngăn kéo gần tay mình nhất. Trong ngăn kéo không có gì ngoài
một sợi dây buộc cổ chó nhỏ xíu và đắt tiền, làm bằng da và sợi bạc tết
lại. Cái dây có vẻ còn mới.
- Cái này ấy à? – Michaelis giơ cái dây lên.
Wilson trừng trừng nhìn cái dây, gật đầu.
- Tôi thấy nó chiều hôm qua. Bà nhà tôi cố giải thích, nhưng tôi biết là có chuyện ám muội.
- Ông muốn nói là bà nhà đã mua cái dây này à?
- Bà ấy gói nó trong giấy lụa để trên bàn phấn.
Michaelis
không thấy có gì lạ trong việc này, anh dẫn ra với Wilson hàng chục lí
do khiến vợ ông cần mua một cái dây buộc chó. Nhưng có lẽ Wilson đã từng
được nghe Myrtle nói ra một số lời giải thích giống như vậy rồi nên ông
lại bắt đầu rên rỉ “Ối giời ôi” khiến người an ủi ông đành bỏ dở những
lời giải thích khác.
- Thế rồi nó giết chết bà ấy, – Wilson nói. Cằm ông bỗng sệ xuống.
- Ai giết?
- Tôi có cách tìm ra.
-
Đừng lẩn thẩn nữa, ông George, – Michaelis khuyên. – Ông bị choáng váng
nên không còn biết mình nói gì. Thôi, cố ngồi yên cho đến sáng.
- Nó đã giết bà ấy.
- Đây là một tai nạn, ông George ạ.
Wilson lắc đầu. Mắt ông nheo lại, mồm hé mở và một tiếng “Hứ” thốt ra khỏi miệng ông rồi tắt vụt ngay.
-
Tôi biết, – Wilson nói dứt khoát. Tôi là người cả tin, không làm hại ai
bao giờ, nhưng đã biết chuyện gì thì tôi biết đích xác. Nó là đứa lái
chiếc xe ấy. Bà ấy chạy ra để nói với nó nhưng nó không chịu đỗ lại.
Michaelis
cũng đã chứng kiến cảnh ấy nhưng anh không nghĩ nó có một ý nghĩa gì
đặc biệt. Anh tin rằng bà Wilson chỉ cốt chạy xa chồng chứ không định
chặn lại một chiếc xe nào.
- Bà ấy làm thế để làm gì cơ chứ?
- Bà nhà tôi là người kín đáo, – Wilson nói, như trả lời cho câu hỏi. – A-a-a...
Wilson lại bắt đầu đung đưa người và Michaelis đứng vặn vẹo cái dây dắt chó trong tay.
- Chắc ông có bạn chứ, ông George? Có ai không nào để tôi gọi dây nói báo cho.
Một
hi vọng viển vông – Michaelis hầu như biết chắc Wilson không có bạn bè
nào cả – ngay cả vợ, ông cũng còn chưa đáp ứng đủ. Sau đó, Michaelis hơi
mừng thấy có một sự biến đổi trong gian phòng: một màu xanh lam lan
nhanh trên các ô cửa sổ và không lâu nữa là đến sáng. Khoảng năm giờ,
trời bên ngoài sáng khá rõ để có thể tắt đèn.
Cặp mắt trân trân của
Wilson quay về phía những gò đất tro ở đó những cụm mây xám nhỏ có những
hình dáng kì quái và bị làn gió yếu ớt buổi sớm mai xua đi tan tác.
-
Tôi đã bảo với bà ấy, – Wilson lẩm bẩm sau một lúc lâu im lặng, – tôi
đã bảo với bà ấy là bà có thể lừa dối được tôi nhưng bà không lừa dối
Chúa được đâu. Tôi kéo bà ấy đến bên cửa sổ, – ông gắng đứng dậy và đến
chỗ cửa sổ trông ra đằng sau, chúi người áp mặt vào cửa sổ, – và tôi
bảo: “Chúa biết hết những việc bà làm, mọi việc bà làm. Bà có thể lừa
dối được tôi, nhưng bà không lừa dối Chúa được đâu”.
Đứng sau Wilson,
Michaelis kinh hoàng thấy ông đang nhìn vào hai con mắt của bác sĩ T.
J. Eckleburg vừa mới từ trong màn đêm đang tan dần hiện ra khổng lồ và
nhợt nhạt.
- Chúa nhìn thấy mọi sự, – Wilson nhắc lại.
- Biển
quảng cáo đấy mà – Michaelis trấn an Wilson. Song tự nhiên anh không dám
nhìn tiếp ra qua cửa sổ và quay mặt vào trong phòng. Nhưng Wilson cứ
đứng đó một lúc lâu, mặt sát ô kính cửa sổ, gật đầu với ánh sáng nham
nhở.
*
* *
Đến sáu giờ sáng thì Michaelis mệt nhoài: anh mừng
rỡ nghe thấy có tiếng xe hơi đỗ bên ngoài. Đó là một trong những người
ngồi canh đêm qua hẹn trở lại. Michaelis sửa soạn bữa điểm tâm cho ba
người nhưng sau chỉ có anh với người kia ăn. Wilson bây giờ đã dịu hơn
nên Michaelis về nhà ngủ. Bốn giờ sau, tỉnh dậy, Michaelis vội vã sang
bên hiệu sửa chữa xe thì Wilson đã đi đâu mất rồi.
Về sau, lần theo
dấu vết Wilson – ông toàn đi bộ – người ta được biết ông đã đến Port
Roosevelt rồi đến Gad’s Hill, tại đó ông mua một cái bánh mì cặp thịt
nhưng không ăn, và một tách cà phê. Wilson chắc mệt và đi chậm vì đến
tận trưa ông mới tới Gad’s Hill. Cho đến giờ ấy, tính xem Wilson đã dùng
thời gian như thế nào không khó – vài đứa trẻ đã nhìn thấy một người
“lang thang như người điên”, và vài người lái xe đã gặp ông đứng bên vệ
đường đưa mắt nhìn theo họ trừng trừng. Nhưng sau đó thì ông biến đi đâu
mất không rõ khoảng ba giờ đồng hồ. Căn cứ vào những lời Wilson đã nói
với Michaelis: “Tôi có cách tìm ra”, cảnh sát cho rằng trong thời gian
ấy ông đã mò đến từng nhà xe một để tìm chiếc xe hơi màu vàng. Tuy
nhiên, các chủ nhà xe không có một ai báo là đã trông thấy Wilson. Vậy
có lẽ Wilson có một cách tìm dễ dàng hơn, chắc chắn hơn, để biết cái
điều ông muốn biết. Đến hai giờ rưỡi thì Wilson xuất hiện ở West Egg,
tại đó ông hỏi thăm một người đường đi đến nhà Gatsby. Vậy là đến lúc ấy
Wilson đã biết tên Gatsby.
*
* *
Khoảng hai giờ chiều, Gatsby
mặc quần áo tắm và dặn người hầu phòng là nếu có ai gọi điện thoại đến
cho anh thì lại bể bơi báo anh. Gatsby tạt qua nhà để xe lấy cái đệm hơi
vẫn dùng làm phao bơi mà dạo hè khách khứa nhà anh rất thích. Người lái
xe bơm cái phao bơi giúp anh. Sau đó Gatsby dặn anh ta rằng bất kì thế
nào cũng không được lôi chiếc xe mui trần đó ra khỏi nhà – lời dặn kể
cũng lạ vì lá chắn đằng trước của xe bị móp ở mé phải cần được đưa ra
hiệu nắn lại.
Gatsby vác cái đệm hơi lên vai đi về phía bể bơi. Anh
dừng lại một lần để xốc đệm trên vai. Người lái xe đến xin mang đỡ cho
anh nhưng anh lắc đầu, và một lúc sau anh mất hút giữa những bụi cây lá
đang ngả vàng.
Không có ai gọi điện thoại, nhưng người hầu phòng vẫn
không đi ngủ trưa mà cứ chờ cho đến bốn giờ chiều – tức là quá cái giờ
không còn ai để mà báo, cho dù có người gọi đến. Tôi cho rằng chính
Gatsby cũng không tin là sẽ có người gọi điện thoại cho anh, hoặc có lẽ
anh chẳng thiết nghĩ đến nữa. Nếu quả đúng thế thì chắc Gatsby phải cảm
thấy anh đã mất hẳn rồi cái thế giới ấm áp xưa kia và anh đã phải trả
bằng một giá đắt vì đã sống quá lâu với một ước mơ duy nhất. Chắc anh đã
ngửa đầu nhìn lên một bầu trời xa lạ qua những vòm lá thật đáng sợ, và
rùng mình khi nhận ra những bông hồng mới kì cục làm sao và ánh nắng rọi
lên lớp cỏ mọc nhu nhú mới sống sượng làm sao. Một thế giới mới, vật
chất đấy mà lại không có thật, nơi những bóng ma khốn khổ đáng thương,
thở bằng mơ ước thay cho không khí, trôi giạt vô định... như cái hình
người nhợt nhạt, ma quái, đang trườn về phía anh giữa các hàng cây bất
thành hình kia.
Người lái xe – nằm trong số đám tay chân của
Wolfshiem – nghe thấy tiếng nổ súng. Về sau anh ta chỉ khai được rằng
anh ta không nghĩ là đã xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. Tôi xuống ga là
về thẳng ngay nhà Gatsby, và dáng điệu hấp tấp lo lắng của tôi khi bước
vội mấy bậc thềm lại là sự việc đầu tiên báo động cho họ. Nhưng tôi tin
chắc là đến lúc ấy họ đã biết sự thể rồi. Hầu như câm lặng, bốn người
chúng tôi – người lái xe, người hầu phòng, người làm vườn và tôi – vội
vã chạy về phía bể bơi.
Mặt nước chuyển động thật nhè nhẹ, hầu như
khó nhận thấy, bởi luồng nước mới từ đầu bể đổ về cửa tháo nước cuối bể.
Làn nước lăn tăn chưa hẳn thành sóng đẩy chiếc đệm chở nặng trôi không
đều về phía dưới bể bơi. Chỉ một ngọn gió nhẹ làm hơi răn mặt nước đã đủ
để xáo động con đường đi vô tình của nó với cái gánh nặng vô tình của
nó. Một đống lá nhỏ chạm vào nó cũng làm nó chầm chậm xoay tròn, vạch ra
như một mũi com-pa một đường tròn đỏ mảnh mai trên nước.
Chúng tôi
đem Gatsby đi về phía toà nhà rồi người làm vườn mới phát hiện ra xác
Wilson trong lùm cỏ cách đó một quãng, và cuộc huỷ diệt thế là trọn vẹn.