Thay thái độ đổi cuộc đời - Chương 09-10
Ngày thứ 9
Rèn luyện nghệ thuật giao tiếp
Hãy nói những ngôn từ tích cực
Hãy bắt đầu bằng những câu nói khẳng định khả năng giao tiếp của bạn:
• Tôi hiểu tầm quan trọng của nghệ thuật giao tiếp.
• Tôi luôn chuyển tải những cảm tưởng, suy nghĩ của mình đến người khác thông qua lời nói, cách cư xử và những việc làm hàng ngày.
• Tôi là người có khả năng giao tiếp tốt. Tôi có thể làm cho người khác hiểu được những điều tôi muốn nói vào bất cứ lúc nào tôi cần.
• Tôi luôn chia sẻ những ngôn từ tích cực có tác dụng mang lại niềm hy vọng, tình yêu và thành công cho người khác.
Hãy tin mình sẽ làm được
Nếu nói chuyện huyên thuyên mà không hề chú ý xem những người xung quanh có lắng nghe hay không, cũng như chẳng màng đến thái độ phản ứng của người khác thì buổi nói chuyện đó sẽ chẳng mấy hiệu quả.
Như vậy là bạn không tôn trọng người nghe và cũng tự làm mình thiệt thòi, hay làm giảm giá trị của mình. Đó là vì khi nói, chúng ta thường có khuynh hướng chứng tỏ mình bằng những kiến thức đã biết; còn khi lắng nghe, chúng ta sẽ tiếp nhận thêm những kiến thức bổ ích từ người khác. Và nếu chúng ta không chịu lắng nghe mà chỉ nói, người khác sẽ có những cảm xúc thiếu thiện cảm về chúng ta.
Cách đây gần 20 năm, tôi quyết định tham gia một khóa học về giao tiếp với mong muốn mình sẽ nói chuyện tự tin hơn và lôi cuốn hơn. Tôi luôn tự nhủ là phải vượt lên sự rụt rè của bản thân. Giờ đây, tôi đã có thể tự tin nói chuyện trước hàng ngàn khán giả. Những kiến thức cơ bản về giao tiếp mà tôi đã học hỏi, đúc kết và vận dụng được, đó là: khi nói chuyện, hãy luôn nhìn vào người khác bằng một ánh mắt thân thiện, gần gũi; đồng thời, bộc lộ những gì mà mình muốn nói với một tâm trạng thật thoải mái; và để chuyển tải được hết những ý tưởng của mình, tôi phải thể hiện những cảm xúc cũng như sự nhiệt thành của mình đúng tâm trạng, đúng lúc, đúng hoàn cảnh của người nghe...
Để có thể thuyết phục khách hàng trong khi giao tiếp, cô bạn Beverly của tôi đã theo học một lớp chuyên về những kỹ năng giao tiếp. Sau những buổi học trên lớp, cô thực hành ngay những kỹ năng vừa học được với người thân trong gia đình. Trong các cuộc trò chuyện, Beverly chú tâm lắng nghe để hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của họ. Tình cảm gia đình từ đó trở nên gần gũi hơn. Bản thân cô cũng hết sức ngạc nhiên trước hiệu quả của khóa học này. Beverly tiếp tục áp dụng những kỹ năng đó khi nói chuyện với bè bạn, đồng nghiệp... Chính những điều tưởng chừng đơn giản ấy đã giúp cho khả năng giao tiếp của cô tiến bộ rõ rệt, hơn cả những gì cô mong đợi.
Giờ đây, không những doanh thu bán hàng của cô tăng lên đáng kể, mà ngay cả tình cảm trong gia đình cũng trở nên ấm áp, bền chặt hơn.
Dù trong lĩnh vực kinh doanh, nghề nghiệp hay các mối quan hệ giao tế trong xã hội, bạn cũng cần biết cách cân bằng giữa hai kỹ năng nghe và nói. Nếu một trong hai quá nhiều, bạn nói nhiều hơn nghe hoặc ngược lại, thì đều làm giảm hiệu quả của giao tiếp. Bất cứ ai cũng cần học cách nói chuyện thật thuyết phục, có thiện cảm và có duyên, đồng thời cũng biết cách lắng nghe chân tình - đó chính là một trong những bí quyết dẫn bạn tới thành công!
Hãy quyết tâm hành động
Từ bây giờ, khi nói chuyện với bất kỳ ai, bạn thử chú ý: Có phải mình đang thao thao bất tuyệt, không cho người khác có cơ hội xen vào một lời nào hay không? Khi đến lượt người khác nói, bạn chỉ mải nghĩ tới những việc mình sẽ nói tiếp theo nên không thực sự lắng nghe những gì mà họ đang nói?
Nếu bạn không chăm chú lắng nghe, thì điều đó có nghĩa là bạn đang bỏ lỡ những thông tin cần thiết hoặc đôi khi hết sức quan trọng từ người khác.
Bạn có thể thực hành nghệ thuật giao tiếp bằng cách chú ý lắng nghe nhiều hơn khi người khác đang nói. Nếu thấy chỗ nào còn mơ hồ, chưa thông suốt, bạn đừng ngại đặt những câu hỏi nhằm làm sáng tỏ vấn đề, ví dụ như: “Khi anh nói [... ], có phải ý của anh là [...] hay không?”, hay là “Có phải anh nói rằng anh [...]?”. Khi bạn biết chú ý nghe và có những biểu hiện hưởng ứng lại một cách tích cực với người khác lúc họ đang nói, đó cũng là lúc bạn đang làm cho mối quan hệ với họ trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy đọc và suy ngẫm
“Những người không hiểu được sự im lặng của người khác, thì cũng chẳng hiểu được những gì họ nói.”
(Elbert Hubbard)
“Để thấu hiểu được một sự thật, cần có hai người - một người để nói và một người để lắng nghe.”
(Henry David Thoreau)
“Nói những gì mà bạn nghĩ, cũng quan trọng như là nghĩ những gì mà bạn nói.”
(Khuyết danh)
Ngày thứ 10
Hoàn tất những điều đã hoạch định
Hãy nói những ngôn từ tích cực
Hãy bắt đầu bằng những câu nói khẳng định quyết tâm hoàn tất công việc của bạn:
• Tôi hiểu được tầm quan trọng của việc hoàn tất những gì mình đã đề ra.
• Tôi có khả năng hoàn tất những gì mà tôi đã bắt tay khởi sự.
• Trong mắt người khác, tôi là một con người chu đáo, luôn làm việc đến nơi đến chốn.
• Tôi sẵn sàng làm mọi việc và nhất định giải quyết cho xong những nhiệm vụ còn dang dở.
Hãy tin mình sẽ làm được
Cách đây vài năm, tạp chí Parade có kể câu chuyện về một vận động viên chạy việt dã tên là John Stephen Akhwari, người Tanzania. Trong kỳ Thế vận hội vào năm 1968, Akhwari là người về đích sau cùng trong cuộc đua vượt qua chặng đường dài 26 dặm hết sức cam go và mệt mỏi. Đầu gối anh bị thương rất nặng, phải quấn băng, vì anh đã ngã nhiều lần trên đường chạy.
Khi thấy anh cà nhắc lê từng bước chân đau buốt về tới đích, rất lâu sau khi người cuối cùng về đích, một phóng viên đã hỏi: “Điều gì đã động viên anh vượt qua hết chặng đường dài dù bị thương đau đớn đến như vậy?” Akhwari đáp: “Đất nước tôi, dân tộc tôi - những người đã tin tưởng và kỳ vọng nơi tôi rất nhiều - đã đề cử tôi đến với cuộc thi này là để về tới đích, chứ chẳng phải chỉ để xuất hiện ở vạch xuất phát ban đầu. Với sứ mệnh thiêng liêng ấy, tôi nhủ rằng, dù thắng hay bại tôi cũng nhất quyết phải về tới đích. Trong cuộc đua này, tôi là người thua cuộc, là người về cuối cùng, nhưng với riêng mình, tôi là người chiến thắng, vì tôi đã vượt qua được chính mình. Tôi đã hoàn thành được trọng trách mà Tổ quốc tôi, dân tộc tôi đã giao cho tôi”.
Mục tiêu của Akhwari là kết quả cuối cùng - đó chính là không bỏ cuộc, là phải chạy về tới đích. Nếu như trước khi đến với cuộc thi này, anh xem đây chỉ là một dịp để học hỏi hơn là quyết tâm phải về tới đích, thì chắc chắn anh đã bỏ cuộc rồi.
Một thái độ như thế rất cần cho bất kỳ ai mỗi khi đề ra hay bắt tay vào làm bất cứ việc gì. Thậm chí, khi gặp những vấn đề hết sức bất lợi, tưởng chừng không tài nào vượt qua thì bạn cũng đừng vội nản chí, đánh mất niềm tin của mình, mà ngược lại, hơn bao giờ hết, bạn phải luôn tự nhủ với bản thân mình rằng: phải quyết tâm hoàn thành công việc và không cho phép mình được chần chừ một giây một phút nào cả!
Nếu bạn chưa thể hoàn tất các bước đi nhỏ thì chẳng bao giờ bạn đạt được những mục tiêu lớn lao. Nhiều người cứ mơ mộng và vẽ ra những viễn cảnh viển vông, không thực tế. Và cũng có không ít người thoạt đầu rất hăng hái bắt tay vào việc, nhưng họ chẳng bao giờ kiên quyết, toàn tâm toàn ý hoàn thành mà rất thường vội vàng bỏ cuộc vì những khó khăn trở ngại.
Khi cảm giác nản lòng, nỗi chán chường, tuyệt vọng bủa vây tâm hồn bạn, bạn sẽ dễ dàng đầu hàng trước vô vàn những gian truân trong cuộc sống, và ánh hào quang của thành công mãi chỉ là một ngọn lửa le lói, xa vời. Còn khi bạn nghĩ khác đi và quyết tâm, tất cả sẽ khác và mục tiêu sẽ gần hơn.
Hãy quyết tâm hành động
Trong bất cứ việc gì, bạn cũng nên liệt kê chi tiết những điều mình cần làm và luôn tự động viên mình phải đạt cho bằng được kết quả mong muốn nhất.
Chẳng hạn, mục tiêu của bạn là phải giảm cân với ước muốn có được một thân hình cân đối, khỏe mạnh. Bạn cần lên một kế hoạch tập luyện hợp lý để giúp cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng, đồng thời cũng phải nghĩ tới chế độ ăn uống hằng ngày của mình nữa. Bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho vừa có thể giảm cân, nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động thể chất hàng ngày cũng như cho sự phát triển toàn diện của cơ thể. Nếu có lúc xuất hiện cảm giác chẳng còn muốn tiếp tục “cuộc chiến” loại bỏ những trọng lượng thừa này, thì hơn bao giờ hết, bạn không được bỏ cuộc. Chính lúc đó, bạn càng phải quyết tâm hơn để vượt qua những cảm giác chán nản nhất thời.
Càng gặp nhiều thử thách trong công việc và cuộc sống, thì sự hậu thuẫn từ phía gia đình, bạn bè càng trở thành “chất xúc tác” giúp bạn tôi luyện mình rắn rỏi, vững vàng hơn để có thể vượt qua mọi cám dỗ bỏ cuộc.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn chính là từ nơi bạn. Chính hình ảnh rực rỡ về kết quả cuối cùng của công việc sẽ giúp bạn dẹp qua một bên những tư tưởng nản chí, thoái lui.
Chiếc chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa thành công, chính là: phải luôn tin tưởng mình sẽ vươn tới đích, tới sự hoàn tất mỹ mãn bằng tất cả tâm huyết, lòng kiên trì và nhẫn nại của mình!
Hãy đọc và suy ngẫm
“Nếu bạn cứ chần chừ, không thực sự bắt tay vào công việc thì chắc chắn công việc sẽ không bao giờ được hoàn tất.”
(Yoruba)
“Bạn có kết thúc được một công việc, thì một công việc khác mới có thể bắt đầu.”
(Khuyết danh)
Keith D. Harrel