Thay thái độ đổi cuộc đời - Chương 19-20

Ngày thứ 19

Sự khiêm tốn

Hãy nói những ngôn từ tích cực

Hãy bắt đầu bằng những câu nói khẳng định sự khiêm tốn của bạn:

• Tôi hiểu tầm quan trọng của lòng khiêm tốn.

• Khiêm tốn là một thái độ sống của tôi, một thái độ sống mà tôi cố gắng rèn luyện mỗi ngày.

• Tôi không bao giờ tự mãn về những gì mình có.

• Tôi luôn khiêm tốn trong từng lời nói, hành động và cử chỉ.

• Tôi luôn khiêm tốn với chính mình và với người khác.

Hãy tin mình sẽ làm được

Khi trò chuyện với người khiêm tốn, chúng ta luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và thú vị rất nhiều. Người khiêm tốn không bao giờ thổi phồng hoặc đánh giá quá cao về chính mình trong cách nghĩ lẫn trong hành động. Khi biết vậy bạn cũng nên mang cảm xúc đó đến cho những người bạn tiếp xúc.

Tôi còn nhớ rất rõ lần phát biểu đầu tiên của mình trong hội nghị của Hiệp hội Thuyết trình viên Quốc gia. Trước nhiều đại biểu, quan khách và đông đảo đồng nghiệp đến tham dự, tôi rất muốn bài nói của mình phải làm sao thật ấn tượng. Tôi biết rằng, những người hiện diện hôm đó đều rất có khiếu ăn nói và nhiều kinh nghiệm hơn tôi. Do đó, để tạo được hiệu quả đặc biệt, tôi đã nói rất nhiều về những thành tích của mình hơn là chú ý xem người khác muốn nghe những gì. Tôi đã chuẩn bị bài nói của mình hết sức kỹ lưỡng với hy vọng sẽ tạo ấn tượng và họ sẽ thật sự khâm phục tôi, nhưng tôi lại quên đi một điều rằng: Nếu cứ cố chứng tỏ mình nhằm tạo ấn tượng ở người khác, thì chỉ vô tình tự làm mình trở thành hợm hĩnh và nực cười, thậm chí lố bịch mà thôi. Mọi người rất tinh ý và nhạy cảm, chắc chắn sẽ nhận ra ngay.

Sau buổi nói chuyện, những lời góp ý chân thành và ấm áp của bạn bè đồng nghiệp đã làm tôi cảm thấy vô cùng ngượng ngùng và xấu hổ; đồng thời, cũng giúp tôi nhìn nhận ra vấn đề. Từ đó về sau, tôi quyết định phải luôn lấy nhu cầu của người nghe làm trung tâm và dẹp sang một bên thói tự hào về “cái tôi” của mình. Kinh nghiệm ấy giúp tôi phải biết sống khiêm tốn như thế nào: trước hết là khiêm nhường với chính mình, và kế đến là khiêm tốn với mọi người.

Hãy quyết tâm hành động

Càng muốn tạo ấn tượng, khoe khoang để lôi kéo sự chú ý của người khác, chúng ta chỉ càng tạo ra một kết quả ngược lại. Vì thật ra, chính sự khiêm nhường đáng quý của bạn mới tạo được ấn tượng tốt đẹp hơn là sự kiêu căng, thích tỏ ra hơn người.

Ở đâu có tính khiêm tốn thì ở đó sẽ ít khi xảy ra giận dữ hay xung đột, bất hòa. Tính khiêm tốn không thể đồng hành được với việc quá đề cao bản thân, lúc nào cũng xem mình là “cái rốn của vũ trụ”. Thay vào đó, chúng ta hãy xem trọng, đề cao, và không ngại học hỏi từ mọi người xung quanh.

Chắc bạn đã biết, để gây được thiện cảm nơi người khác, thì bí quyết chính là nằm ở tính khiêm tốn. Hãy rèn luyện và phát triển tính khiêm tốn lên thành một thái độ sống và thể hiện nó trong mọi mối quan hệ của bạn hàng ngày.

Hãy đọc và suy ngẫm

“Người nào tự bó chặt bản thân trong những suy nghĩ tự cao tự đại, thì chẳng bao lâu sẽ trở nên một kẻ nhỏ mọn trong mắt người khác.”

“Người tự cao tự đại luôn ghi nhớ những lời khen của người khác về mình - trong khi người khiêm tốn luôn ghi nhớ những điều tốt lành mà họ đã may mắn nhận được từ cuộc sống.”

(Fulton J. Sheen)

Ngày thứ 20

Hãy trung thực với chính mình và mọi người

Hãy nói những ngôn từ tích cực

Hãy bắt đầu bằng những câu nói khẳng định lòng trung thực của bạn:

• Tôi nhận thức được rằng, tính trung thực là một trong những giá trị cốt lõi của cuộc đời tôi.

• Tôi luôn trung thực trong mọi lời nói cũng như trong mọi hành động.

• Tôi là một người đáng tin cậy. Tôi luôn thực hiện đúng những gì mà mình đã nói.

• Tôi luôn tôn trọng người khác. Cách cư xử trung thực của tôi biểu hiện thái độ tôn trọng người khác của tôi.

Hãy tin mình sẽ làm được

Chính lòng trung thực sẽ giúp bạn trở thành một con người đáng tin cậy.

Đó là một trong những giá trị đạo đức quan trọng nhất. Người đời có thể lãng quên nhiều việc mà bạn đã làm, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ quên bạn đã sống như thế nào, tư cách của bạn ra sao.

Thỉnh thoảng, chúng ta lại đọc được các bài báo viết về những con người, những chính khách không còn được mọi người tôn trọng, tín nhiệm nữa. Khi tranh cử vào các chức vụ quan trọng, nhiều người đã từng cam kết sẽ làm việc liêm minh, chính trực, hết lòng tận tụy phục vụ nhân dân. Thế nhưng, khi những việc làm lén lút, dối trá của họ bị phơi bày trước công luận, họ hoàn toàn bị mất danh dự, mất công danh sự nghiệp, và cuộc đời sau cùng của họ thường bị mai một, mất uy tín hay kết thúc ở chốn lao tù.

Hãy quyết tâm hành động

Tính trung thực vốn là cội nguồn, là nền tảng để bạn tạo dựng và nuôi dưỡng những mối quan hệ với bè bạn, người thân... Sự trung thực là một chuẩn mực đạo đức mà ai ai cũng cần và phải luôn hướng tới.

Với chính mình và với người khác, bạn có luôn thực hiện lời hứa của mình không? Đứng trước vô vàn cám dỗ của cuộc đời, bạn có can đảm để vượt qua những lôi kéo đầy ma lực để lựa chọn một con đường đúng đắn hay không? Bạn đã làm gì để rèn luyện cho mình phẩm chất quý giá này? Bạn sẽ làm gì, ứng xử như thế nào với chính mình và người khác để hình thành nên phẩm chất ấy? Trước khi mong đợi, khuyên nhủ người khác phải sống thật thà, ngay thẳng, thì chính bạn phải rèn luyện cho mình phẩm chất ấy và thể hiện nó trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Một người chân chính không chỉ trung thực với những gì đang và sẽ diễn ra, mà còn trung thực với những điều mình đã nói, những lỗi lầm của mình đã xảy ra trong quá khứ. Một khi đã rèn luyện cho mình một thái độ sống như vậy, chắc chắn cuộc đời bạn sẽ tươi sáng hơn, được mọi người quý trọng hơn trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Trong bất kỳ giai đoạn nào, bất kỳ xã hội nào cũng đều quý trọng những người sống trung thực. Đó là một đức tính cần có của một con người chân chính.

Hãy đọc và suy ngẫm

“Hãy luôn trung thực với chính mình, nói và làm những việc đúng với lòng mình nghĩ. Điều này làm cho một số người không hài lòng, nhưng phần đông những người còn lại sẽ thán phục và quý trọng bạn.”

(Mark Twain)

“Thước đo cuối cùng của một con người chẳng phải là những giây phút anh ta được sống trong những giờ phút hạnh phúc, vinh quang, những điều kiện sống tiện nghi nhất, mà chính là thái độ và hành động của anh ta trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhất.”

(Tiến sĩ Martin Luther King, Jr.)

“Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình.”

(Samuel Johnson)

Keith D. Harrel