Phần III- Hồi 1
CHƯƠNG III: BÃO NHIỆT ĐỚI BUDDHA
Hồi 1: Xẻ bụng
Trong rừng già núi sâu ở Miến Điện, mãng xà đen và rắn độc là loài sinh vật vô cùng phổ biến, nhưng con ô xà náu mình trên tán cây um tùm âm u này không ngờ lại có khả năng hút một thân thể to béo, vạm vỡ như Xuyên Sơn Giáp lên giữa không trung trong lúc mở miệng hít thở. Hai người Tư Mã Khôi và La Đại Hải nhìn chằm chằm không rời mắt, trong lòng lạnh buốt như bị nước đá dội vào, kinh hoàng thất đảm. Hai người lại chẳng thể ra tay ứng cứu vì trên người chẳng có súng, lại không thể dùng dao săn vì khoảng cách quá xa.
Hai người chỉ biết trừng trừng nhìn con mãng xà đen, nó há miệng hút được Xuyên Sơn Giáp, thì liền thò đầu xuống nuốt tất cả vào bụng, cơ thể con mãng xà phút chốc lồi lên hình dạng một con người.
Tuy rằng Xuyên Sơn Giáp có mang theo súng xung phong, nhưng sự việc diễn ra quá đột ngột, gã chẳng kịp phòng bị gì, đợi khi tỉnh táo lại thì đã bị cuốn vào một cơn lốc tanh tưởi.
Có câu “Lực bắt nguồn từ đất”, giờ đây hai chân của Xuyên Sơn Giáp lại rời khỏi mặt đất, cả cơ thể chơi vơi giữa không trung, trên đầu dưới chân, chẳng chỗ nào có thể giãy giụa phản kháng nổi. Thế là gã lập tức bị nuốt sống vào bụng con mãng xà.
Xuyên Sơn Giáp là tên đạo tặc đào mồ trộm mả chuyên nghiệp. Thường xuyên phải làm những công việc liều mạng giúp gã luyện thành một thân tuyệt kỹ hiếm có, thủ thuật cũng không phải hạng vừa. Gã bị con mãng xà khổng lồ nuốt chửng vào bụng, chỉ cảm thấy một mùi tanh tưởi ghê tởm xộc vào tận óc, cả cơ thể dường như bị rơi vào nồi canh sôi sùng sục, toàn thân bỏng rát không thể chịu đựng nổi. May mà thần trí vẫn chưa bị nhiễu loạn, đầu óc hãy còn tỉnh táo, gã vươn cánh tay ngắn ngủn trong phút chốc thi triển công phu, móc cây giáo mỏ vịt luôn mang theo bên người, cắm phật lưỡi dao sắc lẻm xuống phía bên dưới, rạch mạnh một đường. Mũi dao rạch bụng con mãng xà nghe “xoạt” một tiếng như rạch vào tấm da mủn nát. Thấy vậy, gã lại cố sức rạch thêm vài nhát nữa, bụng con ô xà bị xẻ dọc từ trong ra ngoài.
Con mãng xà khổng lồ Miến Điện lúc đầu còn chưa phát giác bụng mình bị rạch lòi cả ruột gan, mãi cho đến khi Xuyên Sơn Giáp xẻ một đường dài mười mấy mét dưới đáy bụng, thì nó mới hay tình thế nguy to, nhưng sự thể đã muộn. Nó quằn quại, giãy chết trên thân cây cổ thụ một hồi lâu.
Tất cả diễn biến trên chỉ xảy ra trong thời gian nháy mắt, không đợi Tư Mã Khôi và La Đại Hải kịp định thần lại, Xuyên Sơn Giáp đã từ vết rạch trên bụng con mãng xà rơi tõm xuống đất, trông gã chẳng khác nào một củ cải đỏ lòm, từ đầu đến chân dính nhầy nhụa chất dịch vị trong dạ dày con quái thú.
Tư Mã Khôi và La Đại Hải thấy thân hình phì nộn của Xuyên Sơn Giáp rơi từ không trung xuống, thì cùng đồng thanh hét lên hoảng hốt, rồi định chìa tay ra đón, nhưng hai người bọn họ làm sao có thể đỡ nổi. Một người sống nặng một trăm bảy mươi tám cân, lại rơi vèo vèo từ trên cao xuống, trọng lực có khác chi bom dội. Thế là Xuyên Sơn Giáp đâm sầm vào người bọn họ, tất cả ngã nhào ra đất, cuốn cả vào nhau, lăn liền mấy vòng.
Còn con mãng xà treo mình trên cành cây cổ thụ đã chết vì bụng rách, mất máu quá nhiều, xác nó từ cây cao trôi tuột xuống, Tư Mã Khôi lăn sang một bên tránh con rắn chết. Quay sang Xuyên Sơn Giáp, anh phát hiện gã bị té ngã không nhẹ, hơn nữa chất axít tiết ra từ dịch vị tiêu hóa trong dạ dày con mãng xà rất đậm đặc, cho dù thân thể gã to khỏe, lại thoát thân thần tốc nhưng da thịt vẫn bị phân hủy nhiều phần, ngũ quan trên mặt cũng chẳng còn toàn vẹn.
La Đại Hải vô cùng thán phục chiêu xẻ bụng mãng xà, tự mình chui ra khi nãy của Xuyên Sơn Giáp, giờ nhìn thấy bộ dạng gã thảm hại như vậy, anh không để ý bản thân cũng đang đau ê ẩm khắp mình mẩy, vội vàng đỡ gã dậy, ân cần hỏi: “Anh bạn Xuyên Sơn Giáp, anh vẫn bình an vô sự đấy chứ?”
Tư Mã Khôi quan sát thương thế của Xuyên Sơn Giáp, rồi lấy tay khẽ ấn lên bề mặt da, thấy tất cả đều mềm nhũn như quả dưa thối, tóc tai rụng sạch, mũi chạm một cái là rớt xuống, bèn lắc đầu nói: “Đã thành bộ dạng này rồi, còn bình an vô sự được sao?”. Anh tìm mọi cách để gọi mọi người đến một cách nhanh nhất, biết đâu nếu được Tuyệt cấp cứu kịp thời, Xuyên Sơn Giáp lại giữ được cái mạng. Thế là anh lập tức huơ huơ pháo sáng tín hiệu, giơ cao tay gắng ném nó đi thật xa.
Ai ngờ, ánh lửa màu đỏ của pháo hoa vừa lóe lên, trong phút chốc toàn bộ khu vực phụ cận đều rực sáng. Tư Mã Khôi và La Đại Hải kinh hoàng phát hiện dưới màn bụi bay mù mịt như sương khói, trong những hốc cây hoặc động đá, hàng ngàn con mãng xà Miến Điện đang giương cặp mắt sáng quắc như điện xẹt, miệng thò thụt chiếc lưỡi đỏ lòm, con nào con nấy to lừng lững như cái đấu đong gạo, chẳng biết dài bao nhiêu mét. Chúng lũ lượt thò đầu ra khỏi hang, vắt vẻo đu mình, rồi ngoằn nghoèo bò xuống đất.
Tư Mã Khôi và La Đại Hải than thầm trong bụng, vừa tận mắt chứng kiến Xuyên Sơn Giáp bị con mãng xà nuốt vào bụng, thân hình biến dạng thảm hại thế nào, nên giờ đâu dám chần chừ nửa giây. Cả hai đồng thanh hét lên một tiếng, rồi vội vã quay đầu bỏ chạy thục mạng, liền ngay đó, mấy chục con mãng xà Miến Điện lập tức phóng mình đuổi theo.
Tuy trong thâm cốc rừng già, cây cối um tùm, địa hình phức tạp khiến tốc độ di chuyển của lũ rắn giảm đi đáng kể, nhưng con người cũng vì thế mà chẳng thể chạy nhanh. Tư Mã Khôi và La Đại Hải chạy cuống cuồng ra khỏi chỗ cũ chừng mấy trăm bước, trong lúc hoảng loạn, chẳng kịp nhìn kỹ đường, chỉ thấy chỗ nào có thể dung thân là lập tức lao vào ẩn trốn. Quần áo trên người bị móc rách không biết bao nhiêu chỗ, tốc độ di chuyển cũng buộc phải chậm lại. Chỉ nghe lũ mãng xà rượt đuổi phía sau lao vù vù như gió cuốn, tiếng thân mình chúng va chạm vào cành khô, bùn đất nghe “lào rào”, khoảng cách đôi bên càng lúc càng bị rút ngắn.
Tư Mã Khôi nhận thấy tình thế khó bề thoát thân, nên đành dừng lại cùng La Đại Hải, mỗi người nắm chặt con dao săn trong tay, lưng dựa sát vào một thân cây cổ thụ, chuẩn bị quyết chiến sống mái với chúng một phen. Đúng lúc nguy cấp ngàn cân treo sợi tóc, thì hai người đột nhiên thấy hai lưỡi lửa bỏng rát vù vù lao ra từ sau thân cây. Lưới lửa rừng rực, sóng này nối tiếp sóng khác. Cây cối xung quanh đổ rạp như gặp phải thần quỷ, để mặc chúng ra sức thể hiện sự hung tợn và cuồng bạo của mình. Những nơi lưỡi lửa liếm đến, ngay cả không khí và bùn đất đều bị bốc cháy, khí quyển khô nóng đến mức khiến người ta phải cảm thấy ngột ngạt.
Tư Mã Khôi trấn tĩnh nhìn lại, thì ra hội Ngọc Phi Yến bám ngay phía sau, nhìn thấy ánh sáng của pháo phát tín hiệu liền nhanh chóng đuổi theo tiếp ứng, đợi khi gần đến nơi, phát hiện phía trước có mãng xà lai vãng, bèn dùng bình phun lửa mang theo tấn công chúng. Mãng xà Miến Điện tuy da dày thịt cứng nhưng cũng chẳng phải mình đồng da sắt gì, làm sao chúng chịu nổi sự thiêu đốt của ngọn lửa cuồng bạo. Con nào không bị cháy thành tro ngay tại trận thì cũng thục mạng tháo chạy mất tăm mất dạng.
Ngọc Phi Yến phát hiện ba người đi trước dẫn đường giờ chỉ còn hai, liền đoán biết bọn họ đã gặp phải chuyện chẳng lành. Cô ả không hỏi han gì nhiều, lập tức huýt sáo gọi đám lính vũ trang người Miến Điện đến, dùng bình phun lửa mở đường, tỏa ra thành hình nan quạt tiến sâu vào khe cốc. Đi chẳng bao lâu, cả hội đã tìm thấy thi thể nằm thẳng đuỗi trên đất của Xuyên Sơn Giáp.
Mọi người nhìn thấy tư thế chết thảm thương của Xuyên Sơn Giáp, lại nghe Tư Mã Khôi và La Đại Hải thuật lại đầu đuôi sự việc, đều cảm thấy không lạnh mà sởn gai ốc. Ngọc Phi Yến thầm nghĩ: “Lần này Khương sư phụ đã tính sai một bước, việc chưa đến đâu mà khiến một huynh đệ phải bỏ mạng”. Cô ả dẫn mọi người đến trước thi thể của Xuyên Sơn Giáp bái lạy: “Toàn huynh gia cứ an tâm lên đường, tất cả già trẻ gái trai trong nhà đã có mọi người thay mặt huynh chăm sóc. Sau khi trở về, chúng tôi sẽ đến chùa Kim Bồ Đề lập bia trường sinh, nếu huynh ở dưới cửu tuyền có hay, thì hồn thiêng hãy bay đến đó mà thọ hưởng hương hỏa”. Sau đó, Thắng Ngọc lệnh cho thuộc hạ cắt đầu Xuyên Sơn Giáp mang về an táng, phần thi thể còn lại được đốt thành tro, rồi đào một nấm mồ chôn cất tro cốt rất cẩn thận.
Ngọc Phi Yến gọi Xuyên Sơn Giáp là Toàn huynh gia, kỳ thực Xuyên Sơn Giáp không mang họ Toàn, chẳng qua hành quy của bọn hối tử trộm mộ có rất nhiều điều cấm kỵ, về cơ bản, chúng khá tương đồng với đạo lục lâm. Theo giới luật của dân giang hồ Quan Đông, điều húy kỵ nhất ở mỗi ngành nghề, chính là trong tên có nhắc đến các số “hai, bốn, sáu, tám, chín”, bạn có thể gọi họ là tam ca, ngũ ca, nhưng không được gọi họ là nhị ca, tứ ca. Xuyên Sơn Giáp là con thứ tư trong gia đình, cho nên Ngọc Phi Yến dùng chữ Toàn để thay thế.
Việc này nếu nghiên cứu kỹ lưỡng thì rất sâu sa, nếu nói đơn giản, dễ hiểu một chút, thì đại khái là do “tam giáo cửu lưu, thiên môn vạn đạo” tất cả bọn họ đều tôn kính Quan Đế Thánh Quân, mà Quan Đế là nhị ca trong ba anh em Lưu Bị kết nghĩa vườn đào, đương nhiên chẳng ai dám bằng vai phải lứa với Quan Nhị Gia. Hơn nữa, thời Bắc Tống có tên Dương Tứ Lang hàng địch theo Liêu, thời Tùy Đường có Lão Lục La nuốt lời thề, phản bội huynh đệ. Họ đều là những điển hình phản diện, cho nên giới giang hồ mới cố tình tránh né để cảnh báo đời sau.
Dân giang hồ còn tuyệt đối tuân thủ luật lệ “Ba nói, ba không nói, ba lộ, ba bất lộ”. Ba nói, ý muốn ám chỉ những phi vụ của đạo tặc lục lâm, được phép nói với người cùng nghề, được phép nói ở điện đốt hương, được phép nói lúc ra tay trộm được đồ ăn cắp. Ba không nói là không được nói với đông đảo mọi người ở sân đình, không được nói ở miếu điện – cũng có nghĩa là không được ăn nói tùy tiện trước mặt quan viên cùng nghề, và không được nói lúc uống rượu trụy lạc. Ba lộ là được phép tiết lộ lúc bản thân gặp tai nạn, được phép tiết lộ khi có việc gấp, được phép tiết lộ khi gặp đạo tặc. Ba bất lộ là không được tiết lộ cho người gặp trên đường, không được tiết lộ cho người nhà, không được tiết lộ cho cừu nhân. Không được tiết lộ cho người nhà tức là “trên không nói cho cha mẹ, dưới không nói với con cái”, truyền nhân trong gia tộc đương nhiên không tính vào đây. Rốt cục những giới luật và húy kỵ trong quan gia giới đạo không chỉ giúp họ bảo vệ được bí mật trong nghề ở mức độ nào đó mà còn giúp họ gặp lành, tránh dữ.
Hội trộm mộ trong Sơn lâm đội lão thiếu đoàn càng là những kẻ tin tưởng, khiếp nhược thần linh, nghiêm khắc tuân thủ hành quy xưa cũ. Đợi sau khi xử lý hoàn tất thi thể của Xuyên Sơn Giáp, thì thấy sắc trời đã mỗi lúc một âm u hơn. Dưới sự uy hiếp của cơn bão nhiệt đới Buddha đang ngày một sát gần, mọi người không dám lưu lại lâu hơn, vội vã khởi hành vào sâu trong sơn cốc.
Vì thời gian gấp gáp, có muốn quay trở về đường cũ thì cũng bị nước lũ và dòng bùn đất do cuồng phong bạo vũ mang đến nuốt chửng. Bởi vậy, Ngọc Phi Yến không cắt cử người đi trước dẫn đường nữa mà tất cả mọi người cùng tiến vào khu rừng bí ẩn.
Đường nhánh ở khe sâu trong sơn cốc mỗi lúc một nhiều hơn, mạch núi nhấp nhô, miên man bị rừng rậm nguyên sinh che phủ. Do các loài thực vật sinh trưởng ở đây đều có tính xâm lấn rất mạnh, khiến địa tầng trong lòng núi bị nứt toác, tạo thành rất nhiều khe sâu, chúng giao thoa ngang dọc lằng nhằng, phân bố chằng chịt như mạng nhện. Trong lòng cốc mọc đầy các loài thực vật phụ sinh và thực vật bì sinh, cộng thêm vô số những huyệt động lớn nhỏ, trông chúng chẳng khác gì một mê cung màu xanh nhiều tầng lớp. Lòng núi yếu xốp có thể sụt lở bất cứ lúc nào, cho dù trong tay có bản đồ chi tiết, thì đi vào nơi sâu vẫn rất dễ bị lạc đường.
Đi như vậy một hồi cũng chẳng biết có đúng phương hướng hay không, Khương sư phụ bèn bảo mọi người dừng lại, lão giải thích, đi mãi thế này, chỉ sợ lạc đường, tốt nhất nên bày trận “Tiên thiên tốc trưởng, ngũ hành bát quái”, để xác nhận xem phương hướng đội thám hiểm đang đi là đúng hay sai. Hội Ngọc Phi Yến đều biết lão ta dày dạn kinh nghiệm, tinh tường lọc lõi, thuật quan sát phân tích thời thế, đoán biết sự biến đổi của tình hình lại rất cao minh, nên tự nhiên tin phục.
Khương sư phụ lập tức lấy ra một đồng tiền xu, úp ngược lên chiếc quạt giấy mở rộng, rồi lật đi lật lại nhiều lần, hai mắt lão dán chặt vào mặt lá bài, miệng không ngừng lẩm nhẩm tụng niệm:
Sửu bất Nam hành, Dậu bất Đông, cầu tài trộm mộ chỉ hư không,
Dần Thìn về tây, tà hiểm ác, trong quan gặp quỷ, đại kiết hung,
Hợi Tý phương Bắc, người mất của, đi lại chẳng thành, cách núi sông,
Tỵ Mùi Đông Bắc gặp tai nạn, tam sơn cản lối, chẳng hanh thông,
Ngọ Thân chớ đi Tây Nam lộ, xuống ngựa cửa mả, nạn chất chồng,
Gặp Tuất đừng đi dưới đường hầm, đụng độ yêu ma mạng mất không,
Mão lên Tây Bắc tai họa giáng, ưng khuyển tác quái, há uổng công.
Khương sư phụ tính xong, lại dùng la bàn xác định cho rõ thêm, lão ngắm chuẩn một khe cốc sâu, rồi vội vội vàng vàng đi tuột vào bên trong. Ngọc Phi Yến cũng cuống quýt dẫn mọi người bám sát theo sau. Ngược lại với thái độ tin tưởng tuyệt đối của cô ả, Tư Mã Khôi lại đem lòng sinh nghi. Anh không mảy may nghi ngờ huyền thuật suy đoán phong thủy địa lý của dân trộm mộ, nhưng không hiểu sao lại lờ mờ cảm thấy dường như Khương sư phụ thay đổi cả con người vậy, trên mình lão tỏa ra một mùi khác thường khó có thể hình dung cụ thể, chẳng biết lão định dẫn mọi người đến nơi nào.
Cả đoàn đi theo Khương sư phụ, lòng vòng quanh co trong rừng rậm một hồi khá lâu, có tên lính Miến Điện phát hiện trong vũng nước tù màu xanh đen, lộ ra một cánh tay người chết. Tên đó chắc hẳn phải là tay già đời chốn sa trường, nhìn thấy xác chết liền lập tức khám xét một hồi, xem trên thi thể nạn nhân có vật gì đáng giá đại loại như đồng hồ hay không. Thế là hắn liền đi lên phía trước gắng sức lôi cái xác lên, hì hục một hồi cuối cùng cũng vớt được cái tử thi nước ướt ròng ròng. Cái xác bị lật úp xuống dưới, sau khi lật lên, một khuôn mặt đen xì xì lộ ra trước mắt. Dưới ánh đèn Halogen, mọi người có thể nhìn thấy da thịt trên gương mặt đã hoàn toàn bị khô đét, lõm sâu, màu da đen quánh như xì dầu đặc, trông chẳng khác chi một cái xác khô bị bay hết hơi nước trên sa mạc, không những vậy miệng tử thi còn mở rộng, hốc mắt lóm sâu, vẫn giữ nguyên nét mặt đau đớn trước khi chết, quần áo xung quanh đều mủn như mùn, chẳng rõ đã chết được bao tháng bao năm, cũng không thể đoán biết thân phân lai lịch của anh ta.
Lúc này mọi người đều lũ lượt dừng bước theo Khương sư phụ, Tư Mã Khôi nhìn thấy xung quanh có nhiều vết tích cháy đen do bị bình phun lửa hun đốt khi nãy, trong lòng càng dấy lên nghi ngờ: “Sao lão giặc đất họ Khương cầm cái quạt rách, mông chẳng quạt, lại đi quạt mặt, mà dẫn cả hội trở về sào huyệt mãng xà thế nhỉ?”. Anh lén quan sát xung quanh, thì thấy mặt Khương sư phụ trắng bệch như tờ giấy, thần sắc hoảng thốt, mắt khô vàng như sáp nến, gương mặt trông gầy đi rất nhiều so với trước. Anh đứng bên cạnh bình tĩnh quan sát tiếp thì thấy, lão có vài nét khá tương đồng với cái xác chết khô trong vũng nước, cả hai đều giống với loài ác quỷ bò ra từ “thành hàm oan”.
Lão tam Hải Đông Thanh trong Sơn lâm đội thiếu lão đoàn là người có ánh mắt rất sắc bén, gã cũng phát giác con đường đang đi là quay trở về xuất phát điểm ban đầu, lại nhìn thấy Khương sư phụ có vẻ khác thường, liền đi lên phía trước hỏi: “Sư gia, người làm sao vậy?”, chỉ nghe miệng Khương sư phụ lẩm bẩm câu gì chẳng rõ tiếng. Hải Đông Thanh không nghe được, lại cho rằng lão có chuyện cơ mật, bèn ghé sát tai vào, thì thầm: “Sao ạ? Người hãy nói rõ hơn một chút…”
Tư Mã Khôi dự cảm thấy có chuyện chẳng lành sắp xảy đến, anh muốn ngăn cản Hải Đông Thanh nhưng lại chậm mất nửa bước. Hải Đông Thanh chưa kịp dứt lời thì thấy phần miệng của Khương sư phụ đột nhiên rách toạc ra làm tư từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Tư Mã Khôi biết thời Thanh có một loại ám khí, gọi là “Huyết trích tử”, đó là quả cầu kim loại rỗng ruột gắn dây thừng dài, to gần bằng sọ người, bên trong giấu lưỡi dao sắc bén và dung dịch hóa cốt – loại dung dịch chỉ cần rắc lên thân thể người chết, sẽ lập tức xảy ra phản ứng hóa học, trong phút chốc thi thể hoàn toàn tiêu tán, chỉ để lại chút tạp chất khó lòng phân biệt là thứ gì. Thích khách sử dụng loại vũ khí này thường ẩn mình trên xà nhà, nhìn thấy mục tiêu ở phía dưới, thì ngắm chuẩn đầu người đó và quăng “huyết trích tử”. “Huyết trích tử” hễ chạm đầu người sẽ lập tức phân thành nhiều cánh tỏa xuống phía dưới, ôm chặt lấy sọ người. Thích khách lại vẩy tay giật dây thừng lên, “huyết trích tử” liền tự động cắt đứt đầu người, dưới đất còn mỗi xác chết không đầu đứng sừng sững, thủ cấp trong “huyết trích tử” cũng sớm bị dung dịch hóa cốt giải quyết nhanh gọn, chỉ sót một giọt máu tươi dính trên đó, bởi vậy nó mới có tên “huyết trích tử”.
Tư Mã Khôi cảm thấy đầu của Khương sư phụ giờ đây chẳng khác nào một quả “huyết trích tử”, từ phần miệng rách toạc, nở ra vô số cánh, càng phình càng dài, những chiếc cánh phóng vù về phía trước, nhanh như chớp chùm gọn lấy đầu Hải Đông Thanh, rồi lôi vào trong, sau đó liền thu các cánh đang tỏa ra lại và khép chặt. Sự việc xảy ra quá đột ngột, khiến mọi người ai nấy đều kinh hoàng, đứng im như phỗng. Sau thời khắc thất thần, Hải Đông Thanh cảm thấy như có hàng ngàn mũi kim thép chọc thẳng vào óc, đau đến nỗi tứ chi co rút, trong phút giằng co giãy chết, khẩu súng trên tay gã bị cướp cò, một loạt đạn quét dọc theo đường di chuyển, đốn ngã mấy đồng bọn trong nháy mắt. Một viên trong số đó đâm xuyên qua ngực một tên lính Miến Điện, đánh trúng thùng nhiên liệu của bình phun lửa mà hắn đang cõng trên lưng, chiếc thùng lập tức phát nổ, chỉ nghe “ầm” một tiếng vang trời, quả cầu lửa bùng lên nuốt chửng những kẻ không kịp chạy đang đứng xung quanh, ngọn lửa rừng rực biến tất cả thành tro bụi.