Thiền và nghệ thuật đối diện với cuộc đời- Chương 05 part 1
CHƯƠNG 5
TRẠNG THÁI HIỆN TRÚ
Hiện trú không phải là điều bạn suy nghĩ được
Ông cứ luôn nói về trạng thái hiện trú như là chìa khóa cho vấn đề. Tôi nghĩ mình hiểu rõ nó về mặt tri thức, nhưng tôi không biết liệu mình đã thực sự trải nghiệm nó chưa.
Tôi thắc mắc – liệu nó có phải là thứ mình suy nghĩ được không, hay phải chăng nó là thứ gì đó hoàn toàn khác?
Không phải là thứ bạn suy nghĩ được đâu! Bạn không thể suy nghĩ về sự hiện trú, và tâm trí không thể hiểu nó được. Tri kiến về hiện trú chính là trạng thái hiện hữu ở khoảnh khắc hiện tại.
Hãy thứ làm một thí nghiệm nhỏ. Bạn hãy nhắm mắt lại và tự nhủ: “Tôi thắc mắc liệu ý nghĩ kế tiếp của tôi sẽ là gì?”. Rồi bạn hãy thật cảnh giác chờ đợi ý nghĩ kế tiếp xuất hiện. Hãy làm giống như chú mèo rình hang chuột vậy. Ý nghĩ nào sẽ ló ra khỏi miệng hang đây? Hãy thử ngay bây giờ đi.
-ooOoo-
Tôi đã phải chờ đợi khá lâu ý nghĩ đó mới xuất hiện
Chính xác như vậy. Bao lâu bạn còn ở trong trạng thái hiện trú toàn triệt, bấy lâu bạn còn thoát khỏi suy nghĩ. Bạn tĩnh lặng, mà vẫn cảnh giác cao độ. Ngay khi sự chú ý tỉnh thức của bạn chìm xuống dưới một mức nhất định, ý nghĩ liền ùa đến. Sự náo động tâm trí quay lại; tĩnh lặng mất đi. Đúng lúc bạn sẽ quay trở lại.
Để trắc nghiệm mức độ hiện trú, một số thiền sư nhẹ nhàng bước đến sau lưng các môn đồ rồi đột nhiên đánh họ một gậy. Giật bắn cả mình! Nếu môn đồ hiện trú toàn triệt và trong tình trạng cảnh giác cao độ, nếu “lưng y đã thắt lại và đèn của y đã thắp lên”, vốn là một ẩn dụ Chúa Jesus dùng để ám chỉ sự hiện trú, thì môn đồ ấy sẽ biết bị thầy đến phía sau lưng mà ngăn ông ấy lại hay bước tránh sang một bên. Nhưng nếu bị trúng đòn, có nghĩa là môn đồ đang đắm chìm vào suy nghĩ, tức là y vắng mặt, không hiện trú, tức là y không tỉnh thức.
Để duy trì trạng thái hiện trú trong cuộc sống thường ngày, sẽ hữu ích nếu bạn bám rễ
thật sâu vào bên trong bản thân; bằng không thì tâm trí, vốn có đà quán tính mạnh không thể tin được, sẽ cuốn phăng bạn trôi theo giống như dòng sông hung dữ vậy.
Theo ông, cụm từ “bám rễ vào bên trong bản thân mình” ám chỉ điều gì?
[ Bạn đang đọc truyện tại alobooks.vn ]
Có nghĩa là lưu trú toàn triệt để ở cơ thể bạn. Luôn luôn hướng chú ý của bạn chiếu rọi vào trường năng lượng nội tại của cơ thể bạn. Nói khác đi, hãy cảm nhận cơ thể bạn từ
bên trong. Sự tỉnh thức ở cơ thể giữ cho bạn luôn hiện trú. Nó neo bạn vào cái Bây giờ.
Ý nghĩa uyên áo của sự “chờ đợi”
Về một phương diện nào đó, trạng thái hiện trú có thể so sánh với sự chờ đợi. Chúa Jesus đã dùng ẩn dụ về sự đợi chờ trong một số ngụ ngôn huấn thị của ngài. Đây không phải là loại chờ đợi bồn chồn hay nhàm chán thường thấy, vốn là sự chối bỏ khoảnh
khắc hiện tại mà tôi đã nói đến trước đây. Cũng không phải là sự chờ đợi trong đó chú ý của bạn tập trung vào một điểm nào đó trong tương lai, và hiện tại bị xem là vật chướng ngại ngoài ý muốn ngăn không cho bạn có được thứ bạn mong muốn. Có một loại chờ
đợi khác biệt hẳn về mặt phẩm tính, loại chờ đợi buộc bạn phải cảnh giác triệt để. Thứ gì đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, mà nếu không tỉnh táo tuyệt đối, không tĩnh lặng tuyệt đối, bạn sẽ vuột mất nó. Đây là loại chờ đợi mà Chúa Jesus đề cập đến. Trong trạng thái đó, tất cả mọi chú ý của bạn đều tập trung vào cái Bây giờ. Không còn gì sót lại cho mơ
mộng, cho nghĩ suy, cho tưởng nhớ, cho dự kiến. Trong đó không có căng thẳng, không có sợ hãi, mà chỉ có sự hiện trú đầy cảnh giác. Bạn hiện trú với toàn bộ Bản thể hiện tiền của mình, với mọi tế bào trong cơ thể bạn. Trong trạng thái đó, “bạn” với một quá khứ
và một tương lai – với một nhân cách, nếu bạn thích gọi như thế – khó lòng hiện hữu ở
đó được nữa. Vậy mà không thứ gì có giá trị bị mất đi cả. Bạn cốt yếu vẫn là chính bạn.
Thực ra, bạn còn sung mãn hơn cả trước đây nữa, hay nói đúng hơn là chỉ trong khoảnh khắc hiện tại bạn mới thực sự là chính mình.
Chúa Jesus nói: “Hãy giống như người tôi tớ chờ đợi chủ nhà trở về”. Người tôi tớ kia không biết chủ mình sẽ về vào giờ nào. Vì vậy anh ta giữ mình tỉnh táo, cảnh giác, ở tư
thế sẵn sàng, tĩnh lặng, vì sợ rằng mình không kịp ra đón chủ. Trong một chuyện ngụ
ngôn khác, Chúa Jesus nói về năm thiếu nữ bất cẩn (không tỉnh thức) không đem đủ dầu (sự tỉnh thức) để giữ cho đèn của họ thắp sáng (hiện trú), vì vậy mà không đón được chú rể (cái Bây giờ) và không vào được tiệc cưới (giác ngộ). Năm thiếu nữ này rơi vào tình thế trái ngược lại chính là năm thiếu nữ khôn ngoan đã đem đủ dầu (tỉnh thức).
Ngay những vị soạn sách Phúc m cũng không hiểu rõ ý nghĩa của các chuyện ngụ
ngôn này, cho nên ngay từ đầu lúc được chép lại chúng đã bị hiểu lầm và bóp méo đi.
Rồi với những lần giải thích sai lầm đó, ý nghĩa thực sự của chúng đã hoàn toàn mất hẳn. Những chuyện ngụ ngôn này không nhằm nói về ngày tận thế, mà chỉ nhằm ám chỉ
sự kết thúc thời gian tâm lý. Chúng nêu rõ cái siêu việ hơn cả tâm trí vị ngã và khả năng sống trong một trạng thái ý thức hoàn toàn mới lạ.
Cái đẹp nổi lên trong miền tĩnh lặng của sự hiện trú
Điều ông vừa miêu tả là thứ gì đó tôi thỉnh thoảnh trái nghiệm trong những khoảnh khắc ngắn ngủi khi tôi ở một mình trong cảnh quang thiên nhiên.
Phải. Các thiền sư Nhật Bản dùng thuật ngữ satori để miêu tả tia chớp trí tuệ, khoảnh khắc vô niệm và trạng thái hiện trú toàn triệt. Mặc dù satori không phải là sự chuyển hóa lâu dài, nhưng hãy trân trọng khi nó đến với bạn, bởi vì nó đem lại cho bạn mùi vị giác ngộ. Thực ra, bạn có thể đã trải nghiệm nó nhiều lần mà không biết và cũng không nhận thức được tầm quan trọng của nó. Hiện trú là yếu tố cần thiết để cảm nhận cái đẹp, vẻ
huy hoàng, và tính linh thiêng của thiên nhiên. Bạn đã từng ngước lên ngắm nhìn
khoảng không gian vô hạn vào một đêm trong trẻo, rồi bỗng nhiên lòng tràn đầy kính sợ
bởi sự tĩnh lặng tuyệt đối và cái mênh mông không thể tưởng tượng được của nó chưa?
Bạn đã lắng nghe, thực sự lắng nghe âm thanh của dòng suối róc rách trong rừng chưa?
Hay tiếng hót líu lo của con chim sáo vào lúc chạng vạng tối của một chiều hè vắng lặng? Muốn có được những cảm nhận như vậy, tâm trí phải thật tĩnh lặng. Bạn phải
buông bỏ trong chốc lát hành trang cá nhân đầy nhóc các vấn đề, quá khứ và tương lai, cũng như tất cả mọi kiến thức của mình; bằng không bạn sẽ trông mà chẳng thấy, nghe mà chẳng biết. Sự hiện trú của bạn cần phải toàn triệt.
Vượt lên trên vẻ đẹp của hình tướng bề ngoài, ở đây còn có thứ gì đó không thể đặt tên, một thứ gì đó quá lớn lao không thể mô tả bằng lời lẽ, một thứ tinh hoa sâu thẳm, nội tại, và linh thiêng. Bất cứ lúc nào và bất kỳ nơi đâu có cái đẹp, thì bằng cách này hay cách khác thứ tinh hoa nội tại này cũng chiếu rọi tới được. Nó chỉ tự hiển lộ cho bạn khi nào bạn hiện trú. Thứ tinh hoa vô danh này và sự hiện trú của bạn có thể là đồng một thứ
không? Phải chăng nó vẫn hiện trú ở đó mà không có sự hiện trú của bạn? Hãy tiến sâu vào đó. Hãy tìm ra nó cho bản thân bạn.
-ooOoo-
Khi đã trải nghiệm các khoảnh khắc hiện trú đó, rất có thể bạn không nhận ra được rằng mình đã từng tiến vào trạng thái vô niệm trong thoáng chốc. Đây là vì khoảng cách giữa trạng thái đó và dòng ý nghĩ ùa đến quá ngắn ngủi. Ánh chớp satori của bạn có thể chỉ
kéo dài được vài giây trước khi tâm trí hiện hành trở lại, nhưng nó vẫn còn ở đó; bằng không, bạn sẽ không trải nghiệm được vẻ đẹp. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, trong khi bạn hoàn toàn hiện trú, thì vẻ đẹp ấy hay tính linh thiêng ấy hiển lộ ra. Do vì khoảng hở
đó quá ngắn ngủi và bạn thì không tập trung cảnh giác đủ mạnh, có lẽ bạn không thể
thấy được sự khác biệt căn bản giữa cảm nhận, vốn là tri giác không suy nghĩ về cái đẹp, với việc đặt tên cùng giải thích vẻ đẹp ấy dưới dạng ý nghĩ: khoảng hở thời gian quá ngắn ngủi đến mức chúng dường như chỉ thuộc về một tiến trình duy nhất. Thế nhưng, sự thực là ngay lúc ý nghĩ xuất hiện, tất cả mọi thứ bạn có chỉ là một ký ức về vẻ đẹp ấy thôi.
Khoảng hở thời gian giữa cảm nhận và ý nghĩ càng lớn, con người bạn càng sâu sắc hơn; nói khác đi, bạn càng tỉnh thức hơn.
Nhiều người bị giam cầm trong tâm trí lâu ngày đến mức cái đẹp của thiên nhiên không thực sự hiện hữu đối với họ. Họ có thể nói: “Đóa hoa mới đẹp làm sao”, nhưng đó chỉ là việc gán ghép, xếp loại một cách máy móc của tâm trí mà thôi. Bởi vì họ không tĩnh lặng, không hiện trú, cho nên họ không thực sự thấy đóa hoa, không cảm nhận được cái tinh hoa của nó, tính linh thiêng của nó – giống như họ không biết rõ chính họ, không cảm nhận được cái tinh hoa của chính họ, tính linh thiêng của chính họ vậy.
Bởi vì chúng ta sống trong một nền văn hóa tâm trí thống trị như thế, cho nên hầu hết nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, và văn chương đều thiếu vắng cái đẹp, thiếu vắng tinh hoa nội tại, chỉ trừ rất ít ngoại lệ. Lý do là những người sáng tạo ra chúng không thể –
thậm chí trong khoảnh khắc – giải phóng bản thân ra khỏi tâm trí của họ. Vì vậy họ
không bao giờ chạm được cái miền mà bên trong đó tính sáng tạo và cái đẹp phát sinh.
Tâm trí mặc tình sáng tạo ra các sản phẩm quái đản, và không chỉ riêng trong các phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thôi đâu. Bạn hãy ngắm nhìn các vùng phong cảnh
ngoại ô và các bãi đất hoang công nghiệp mà xem. Chưa từng có nền văn minh nào lại sản sinh quá nhiều cảnh vật gớm ghiếc đến như thế.
Nhận diện ý thức thuần túy
Phải chăng hiện trú và Bản thể hiện tiền là đồng một thứ?
Khi bạn hiểu rõ Bản thể hiện tiền, thì thực sự là Bản thể hiện tiền hiểu rõ chính nó. Khi Bản thể hiện tiền hiểu rõ chính nó – thì đó là sự hiện trú. Bởi vì Bản thể hiện tiền, ý thức, và sự sống là đồng nghĩa, cho nên chúng ta có thể nói rằng hiện trú có nghĩa là ý thức đã hiểu rõ bản thân nó, hay sự sống đạt đến trạng thái tự ý thức (seft-consciousness). Nhưng đừng bị trói buộc vào các từ ngữ, và đừng ra sức tìm hiểu sự
kiện này. Bạn không cần phải tìm hiểu trước khi bạn có thể trở nên hiện trú.
Tôi quả thực hiểu rõ điều ông vừa nói, nhưng dường như nó ám chỉ rằng Bản thể hiện tiền, thực tại siêu việt tối hậu, vẫn chưa hoàn chỉnh, rằng bản thể này vẫn đang trải qua một tiến trình phát triển. Phải chăng Thượng Đế cần thời gian cho sự phát triển của con người?
Phải, nhưng chỉ ở phương diện hữu hạnh của vũ trụ được thị hiện dưới dạng vật chất hữu hình mà thôi. Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa tuyên bố rằng: “Ta vừa là Alpha vừa là Omega, và Ta là Đấng Duy Nhất hằng sống”. Trong lãnh địa phi thời gian nơi Thiên Chúa ngự trị, cũng là nhà của bạn, khởi thủy và chung cuộc, Alpha và Omega, chỉ là một, và tinh hoa của mọi sự vật đã từng hiện hữu và sẽ còn hiện hữu mãi mãi vẫn hiện trú vĩnh hằng trong trạng thái nhất thể và toàn bích bất thị hiện (an unmanifested state of oneness and perfection) – hoàn toàn vượt ra khỏi bất cứ thứ gì mà tâm trí con người có thể tưởng tượng ra hay vươn tới được. Tuy nhiên, trong cái thế giới các hình tướng dường như phân biệt chúng ta, sự hoàn hảo phi thời gian là một khái niệm không thể
nghĩ bàn được. Ở đây, ngay cả ý thức, vốn là ánh sáng phát ra từ Cội Nguồn vĩnh cửu, dường như cũng lệ thuộc vào tiến trình phát triển, nhưng nói như vậy là do nhận thức hạn cuộc của chúng ta. Về mặt tuyệt đối thì không phải như thế. Tuy vậy, tôi xin phép tiếp tục nói qua về sự tiến hóa của ý thức trong cái thế giới này.
Mọi sự vật hiệu hữu đều có Bản thể hiện tiền, đều có tinh hoa Thượng đế (God-essence), đều có một mức độ ý thức nào đó. Ngay một hòn đá cũng có ý thức ở dạng sơ đẳng;
bằng không, nó sẽ không hiện hữu, các nguyên tử và phân tử của nó sẽ phát tán. Mọi sự
vật đều sống động. Mặt trời, trái đất, cây cối, động vật, con người – tất cả đều là biểu hiện của ý thức dưới các mức độ khác nhau, ý thức thị hiện dưới dạng hữu tướng.
Thế giới này xuất hiện khi ý thức nhận lấy hình tướng dưới dạng hình tướng suy nghĩ và hình tướng vật chất. Bạn hãy quan sát hàng triệu dạng sinh vật chỉ trên hành tinh này thôi. Dưới biển sâu, ở đất liền, trên không trung – rồi mỗi dạng được nhân bản hàng triệu lần. Nhằm mục đích gì? Phải chăng nhân vật hay thứ gì đó đang bày cuộc chơi, một cuộc chơi đầy dẫy các sắc tướng? Đây là điều mà những người truy cầu chân lý thời cổ ở Ấn Độ tự hỏi bản thân họ. Những vị này xem thế giới này là lila, một cuộc chơi do đấng Phạm Thiên bày ra để mua vui. Các dạng sống cá biệt hiển nhiên không quan trọng cho lắm trong cuộc chơi này. Dưới biển, hầu hết các dạng sinh vật đều không tồn tại lâu quá vài phút sau khi chúng được sinh ra. Cả con người cũng khá nhanh chóng biến thành cát bụi, và khi mất đi thì không còn để lại dấu vết gì như thể nó chưa từng tồn tại vậy.
Phải chăng như thế là bi thảm hay tàn ác? Chỉ khi nào bạn tạo ra một nhân thân cá biệt cho từng loài, khi nào bạn quên phứt rằng ý thức của nó chính là tinh hoa Thượng đế tự
biểu hiện dưới dạng hữu tướng, thì cuộc chơi ấy mới đậm nét bi tráng. Nhưng bạn không thực sự biết rõ điều đó cho đến khi bạn nhận ra được tinh hoa Thượng Đế của riêng bạn chính là ý thức thuần túy (pure consciousness).
Nếu một con cá được sinh ra trong bể nước nhà bạn và bạn đặt tên cho nó là Bóng, lập cho nó một tờ khai sinh, bảo cho nó biết phả hệ của gia tộc nó, rồi hai phút sau đó nó bị
một con cá khác nuốt chửng đi – đó mới là bi thảm. Nhưng sự việc chỉ bi thảm bởi vì bạn đã phóng chiếu một cái tôi phân biệt trong khi không có một cái tôi cá biệt nào cả.
Bạn đã cố tình nắm lấy một phần nhỏ trong một tiến trình động, một vũ điệu phân tử, và biến nó thành một thực thể cá biệt.
Ý thức hóa trang dưới nhiều sắc tướng cho đến khi chúng đạt tới tình trạng cực kỳ phồn tạp đến mức ý thức đánh mất bản thân trong vô vàn sắc tướng ấy. Ở con người ngày nay, ý thức hoàn toàn bị đồng hóa với sắc tướng ngụy trang của nó. Ý thức chỉ biết bản thân nó là sắc tướng bên ngoài, và do đó nó sống trong nỗi sợ hãi bị hủy hoại sắc tướng vật chất hay tâm lý của nó. Đây chính là tâm trí vị ngã, và đây cũng chính là chỗ mà sai lệch lớn lao hình thành. Hiện nay dường như có điều gì rất sai trái ở đâu đó trên con đường tiến hóa. Nhưng ngay như vậy cũng nằm trong cuộc chơi thần thánh lila của đấng Phạm Thiên mà thôi. Sau cùng, áp lực đau khổ gây ra bởi sai sót hiển nhiên này buộc ý thức phải giải trừ sự đồng hóa với sắc tướng và thức tỉnh để bước ra khỏi cơn mơ sắc tướng, bước ra khỏi tuồng ảo hóa. Nó tái lập trạng thái tự ý thức, nhưng ở mức độ sâu xa hơn so với lúc nó đánh mất đi trạng thái này.
Tiến trình này được Chúa Jesus giải thích trong chuyện ngụ ngôi của ngài về đứa con hư
hỏng, bỏ nhà đi hoang, xài phí hết tiền của đem theo, trở nên thiếu thốn cơ cực, rồi vì đau khổ giày vò buộc lòng phải quay về nhà. Ngày về đến nhà, người cha càng thương yêu con mình hơn trước đó nữa. Tình trạng đứa con tuy cũng giống như trước đây, vầy mà không còn giống y ngày xưa. Tâm hồn nó đã có thêm chiều sâu. Câu chuyện dụ ngôn này miêu tả chuyến du hành từ trạng thái toàn vẹn bất thức, trải qua sự bất toàn và “xấu xa” biểu kiến, để tiến đến trạng thái toàn vẹn hữu thức, hay tỏ ngộ.
Phải chăng giờ đây bạn có thể thấy được tầm quan trọng sâu sắc hơn và rộng lớn hơn của động thái trở nên hiện trú như là chủ thể quan sát tâm trí của bạn? Bất cứ lúc nào quan sát tâm trí của mình, bạn đều lôi kéo ý thức ra khỏi các hình tướng của tâm trí, và khi đó nó trở thành cái mà chúng ta gọi là chủ thể quan sát hay chứng nhân. Hậu quả là, chủ thể quan sát – tức là ý thức thuần túy vượt ra khỏi hình tướng – trở nên mạnh mẽ
hơn, và các định thức ràng buộc của tâm trí bị suy yếu đi. Khi bàn về việc quan sát tâm trí, chúng ta đang cá nhân hóa một biến cố vốn thực sự có tầm quan trọng ở phạm vi vũ
trụ: thông qua bạn, ý thức đang thức tỉnh bước ra khỏi giấc mơ đồng hóa với hình tướng và rút ra khỏi các hình tướng ấy. Tình hình này báo điềm, nhưng cũng đã là một bộ phận của một biến cố có lẽ vẫn còn khá xa trong tương lai bao lâu chúng ta còn đề cập đến thời gian theo niên đại. Biến cố này lâu nay vẫn được gọi là ngày tận thế.
-ooOoo-