Thành phố trong mơ - Chương 09 phần 2

Người đàn ông trung niên đáp: “À, tháng trước cơ quan chúng tôi đi Mĩ khảo sát, sau khi khảo sát xong, chúng tôi phát hiện ra người Mĩ sống như vậy. Chúng tôi thế này cũng coi như là hòa nhập với phương thức sống nước ngoài.”

Người dẫn chương trình hỏi: “Thế từ nhà anh lái xe đến siêu thị mất bao nhiêu thời gian?”

Người đàn ông trung niên đáp: “Hai mươi phút, người ta có những người Mĩ ở cách cái siêu thị tên là “Wo Zhe De Ma”[2] (con ngựa nằm) hay “Wo De Ma” (ôi mẹ ơi) gì đó, nếu lái xe cũng phải một tiếng đồng hồ. Chúng tôi thế này được coi là gần rồi, chỉ cần hai mười phút, nếu không tắc đường, lái khoảng một trăm hai mươi dặm, thì mười phút là đến.”

Người dẫn chương trình nói: “Anh hãy nói vài lời với khán giả trước màn hình.”

Người đàn ông trung niên nói: “Tóm lại là đất nước giàu mạnh rồi! Ở Mĩ tôi cảm nhận được rất nhiều, hóa ra người Mĩ không bao giờ đến cửa hàng tạp hóa mua đồ, đại bộ phận người Mĩ, mỗi tuần đều giành rất nhiều thời gian lái xe đến siêu thị. Bây giờ chúng ta chỉ cần lái xe có hai mươi phút, cuối cùng chúng ta đã vượt được Mĩ!”

Đoạn này làm chúng tôi biết được trên thế giới còn có những người như vậy, ít nhất vẫn còn còn có trái tim trong sáng kiểu trẻ thơ như vậy. Tôi cứ luôn nghĩ rằng người Trung Quốc sống đau khổ nhất, kiếm được ít tiền, sự chênh lệch giữa giàu và nghèo quá lớn, giá cả sinh hoạt cao, lại chẳng có phúc lợi xã hội. Tôi cảm thấy chỉ cần lập gia đình là mọi người đều sống vì phải tiếp tục sống, cuộc sống không hề có một chút thú vị nào. Nhưng người đàn ông trung niên đó dường thấy cuộc sống rất thú vị. Sau khi xem chương trình truyền hình đó, ba chúng tôi cũng trở thành những người sống thú vị đã đến cái siêu thị đó một lần.

Hôm đó, vào tầm hoàng hôn, trời đã sắp tối, chúng tôi ngồi trong chiếc Santana ấm áp của Vương Siêu, đài đang phát bài Đậu đỏ của Vương Phi.

Đại ca Kiện hỏi: “Cô này là ai?”

Vương Siêu đáp: “Vương Phi, cậu không biết à? Người của Đậu Vi[3].”

Đại ca Kiện đáp: “Hai người này tớ đều không biết.”

“Cậu đã bao giờ nghe bài hát tên là Người con gái dễ buồn thương.” Vương Siêu hát, “Lalalala, lalalalalala, một người con gái dễ buồn thương, lala”

Tôi bảo: “Hình như là Người con gái dễ bị tổn thương.”

Vương Siêu nói: “Đúng rồi, bị tổn thương rồi không phải sẽ buồn thương à!”

Đại ca Kiện nói: “Tớ chưa nghe bao giờ.”

Vương Siêu bảo: “Sao cậu lại quê thế chứ, nào, nói xem cậu đã nghe những bài hát gì rồi?”

Đại ca Kiện đáp: “Tớ không nghe hát, con gái mới nghe hát. Có điều gần đây hình như một bài tên làMột mình khóc đến sáng rất nổi.”

Vương Siêu nói: “Cậu như thế là không đúng, tớ đây rất thích Vương Phi. Cái bài Một mình khóc đến sáng tớ chưa nghe bao giờ, hát thế nào?”

Đại ca Kiện ngân nga hát: “Anh lúc nào cũng mềm lòng, quá dễ mềm lòng, một mình khóc đến sáng.”

“Bài cậu hát là Quá mềm lòng, cậu làm sao lại khẳng định là bài hát này mang cái tên cậu đặt chứ? Cậu đừng có lạc hậu thế, nào, dạy cậu hát bài Đậu đỏ.” Vương Siêu hát: “Có những lúc, có những lúc, anh cũng tin tất cả mọi thứ đều có tận cùng, đoàn tụ rồi chia xa, có những lúc chẳng có gì sáng mãi không mờ…”

Đài vẫn vọng ra tiếng của Vương Phi, phía đường chân trời mặt trời giãy giụa đôi chút rồi lặn xuống. Chúng tôi lái xe qua một ngôi trường trung học, trong trường có lớp vừa tan học, học sinh nam vài tốp, học sinh nữ vài tốp, đạp xe ra. Họ đều mặc đồng phục đồng nhất của trường, cho nên sức ganh đua tập trung cả vào giày và xe đạp, những ai đi xe tồi tất phải mang giày “hồi sức”, một mình u ám cúi đầu đạp xe ngang qua chúng tôi. Thi thoảng có vài đôi yêu nhau cùng đạp xe ra về.

Vài giọt mưa mùa đông rơi trên cửa sổ xe. Người bán xiên thịt cừu nướng ở gần trường vẫn chưa dọn hàng, mưa đã rơi to. Những giọt mưa nhẹ nhàng rơi trên cửa kính bốn bên của xe, không kêu thành tiếng. Vương Siêu tìm nút bật cần gạt mưa rất lâu, cuối cùng cũng khởi động cái gạt mưa thành công. Tầm nhìn bỗng nhiên mờ ảo.

“Cái xe này thế đấy, bị mài hỏng rồi. Cái Audi của bố tớ, gạt một cái là sạch.” Vương Siêu nói: “Một lúc nữa trời mưa to lên là xe của tớ nhìn được rõ ngay.”

Đại ca Kiện bảo: “Không bị ướt mưa là tốt lắm rồi.”

Vương Siêu nói: “Nhưng bây giờ tớ không trông thấy đường đây này.”

Đại ca Kiện nói: “Thò đầu ra là nhìn thấy được đấy.”

Vừa nói, trong xe bốc lên hơi sương dày đặc, Vương Siêu dùng tay áo khẽ lau tấm kính chắn gió, bảo: “Mùa đông thường hay bốc hơi sương, chẳng có cách nào cả.”

Tôi nhìn bốn bề, dường như mình đang ở trong cõi tiên, mọi người xung quanh không biết lôi ô ở đâu ra giương lên che, học sinh cũng đều mặc áo mưa, và đi tiếp trong mưa. Nhìn thấy mọi người xung quanh đang vất vả tranh đấu với tự nhiên như vậy, cảm giác hạnh phúc bất chợt lan tỏa trong lòng tôi.

Trong cuộc sống kỳ dị, tôi và đại ca Kiện học được một loại bản lĩnh kỳ dị, bản lĩnh đó chính là không hồi tưởng. Chúng tôi giống như những những thanh niên ưu tú chỉ nhìn về phía trước, mặc dù tầm nhìn của chúng tôi tương đối nông cạn, chỉ thấy được một ngày sau ngày hôm nay.

Trong siêu thị, đại ca Kiện thấy rất nhiều cặp tình nhân, liền kiên quyết yêu cầu Vương Siêu hẹn gặp anh chàng nghệ thuật gia Hùng. Tôi không hiểu tại sao đại ca Kiện lại vui lòng nhìn thấy Hùng cùng người yêu của anh ta xuất hiện trong tầm mắt của mình, nếu là tôi, tôi chắc chắn sẽ rất đau buồn. Sau đó Vương Siêu có đến trường một lần, nói là đã hẹn rõ thời gian rồi, vào chiều thứ bảy tuần đó, ở quán rượu cạnh trường vì quán rượu đó là do bạn của bố anh mở, cho nên được miễn phí. Vì cuộc gặp này, đại ca Kiện đã chuẩn bị rất nhiều, còn tôi cuối cùng cũng hiểu được, hóa ra đại ca Kiện không phải là hứng khởi nhất thời, mà đã nghĩ kĩ từ lâu, có điều trước đó lúc nào cũng phải mặc ba cái áo phông ngắn tay, nên cảm thấy ngại. Và lần này, rốt cuộc anh cũng được khoác cái áo khoác lông trực tiếp lên ngoài một chiếc áo phông ngắn tay, chân của anh cũng đã linh hoạt trở lại.

Ý của chúng tôi là, thực ra đại ca Kiện hoàn toàn không cần lo lắng đến như vậy, không biết chừng hành động mặc liền ba cái áo phông ngắn tay lại tạo ra nghệ thuật hành vi thuần khiết, và hấp dẫn được “em Vĩnh Cửu”.

Cuối cùng thứ bảy đã đến, ông trời vô cùng tạo điều kiện, trời lạnh đến kỳ lạ. Suốt dọc đường lái xe, chúng tôi phát hiện đã sắp đến giáng sinh, đám học sinh còn chưa biết rõ chúa Giê Su rốt cuộc là người hay là một thứ ăn được, đều đang chuẩn bị chu đáo để chào đón ngày lễ trọng đại này.

Tôi nhớ lại lúc tôi còn đi học, cái ngày lễ mà trường không bao giờ cho nghỉ này dường như là ngày mà các nam sinh nữ sinh hân hoan nhất, chuẩn bị long trọng nhất. Về điểm này, tôi chưa bao giờ hiểu được tại sao. Đó là ngày lễ của người nước ngoài, liền với tết dương lịch, sẽ có một tuần vui vẻ cuồng nhiệt. Còn chúng tôi đến cây thông nô en và cây đông thanh có gì khác nhau cũng không biết, mà cũng vui không biết mệt được vì nó. Đặc biệt là các cô cậu trẻ tuổi, nếu ngày lễ này chỉ dành cho một người, tất sẽ buồn bã khóc lóc. Tôi không tài nào hiểu được cái ngày này có gì khác với ba trăm sáu mươi tư ngày còn lại. Mà ở trường lúc không bình yên nhất chính là đêm bình an, thời cấp hai cấp ba, mọi người nghĩ mọi cách để tối hôm đó về nhà muộn, còn lên đại học, học sinh thường tổ chức các hoạt động văn nghệ nhạt nhẽo, để các cô cậu nam thanh nữ tú có đêm bình an vui vẻ.

Ở Trung Quốc, tôi thấy chỉ cần sao lãng một chút là sẽ bỏ qua mất các dịp lễ như trung thu, tết nguyên tiêu, nếu không có một tuần được nghỉ mà mọi người trông ngóng, có lẽ là sẽ bỏ qua luôn cả quốc khánh và ngày lễ lao động. Nhưng giáng sinh thì tuyệt đối không bỏ qua được, bất kể không khí trên đường phố hay là các tiết mục trên phát thanh truyền hình đều có thể cho bạn biết chính xác bạn còn cách giáng sinh bao lâu. Huống hồ những người yêu nhau không thỏa mãn với chỉ một ngày lễ tình nhân, nhất định phải tưng bừng đón giáng sinh mới được coi là thành công tốt đẹp, may mà hai ngày lễ này cách nhau đến gần nửa năm để có thể điều tiết, nếu không đúng là sẽ khiến các anh chàng khổ thân đến viêm màng túi.

Từ nhỏ tôi đã phát hiện ra mình có một nỗi niềm, đó là luôn muốn đập bẹp ông già nô en một trận. Trước hết, tôi tin rằng ông già nô en không thể đến thăm đất nước chúng tôi nơi mà tín ngưỡng chủ yếu là đạo Phật và đa số nhà dân đều không có ống khói, điều này cho thấy cái gọi là ông già nô en chắc chắn là giả. Tiếp đó, đối với cái loại người bên ngoài khoác loại áo khoác kiểu hoạt hình này, tôi luôn có ý muốn mãnh liệt lột vỏ ngoài ra xem người bên trong mặt mũi rốt cuộc thế nào. Điểm này không liên quan gì đến chuyện tôi luôn thấy ông già nô en rất ngứa mắt, cho dù là con chuột Mickey trong công viên, tôi cũng muốn dẫm cho nó ngã lăn ra đất. Điều này có lẽ bắt nguồn từ một sự việc khi tôi còn nhỏ, tôi thấy chuột Mickey trong trạng thái đã cởi một nửa áo ngoài đang tè ở một góc trong công viên. Từ đó, tôi vô cùng ghét những thứ như vậy. Trước đó, mỗi năm vào dịp giáng sinh thế nào tôi cũng có thể nhìn thấy không ít các ông già nô en, có lúc đến cửa hàng, còn thấy bốn ông cùng một lúc vẫy tay với tôi. Lúc đó tôi rất muốn nhét bọn họ vào ống khói của các nhà máy tiến hóa.

Mỗi năm khi giáng sinh đến, tôi không chỉ cảm thấy tầng không tràn đầy hương vị giáng sinh, mà tràn đầy hơn là không khí hoang đường.

Tất nhiên, điều này ít nhiều có liên quan đến chuyện tôi đã rất nhiều lần đón giáng sinh một mình. Bất cứ lúc nào, dù là tôi có người yêu hay đã chia tay, chúng tôi đều không thể cố gắng cùng nhau đón giáng sinh.

Suốt dọc đường, chúng tôi đi qua rất nhiều cửa hàng nhỏ, trước cửa những cửa hàng này đều có trưng bày những cây thông nô en trông rất nhạt nhẽo, không có cây nào bên trên không có treo bốn chữ Trung Quốc “Giáng sinh vui vẻ”. Một vài cửa hàng hơi lớn một chút quả nhiên lại đưa những ông già nô en ra trước cửa để thu hút khách hàng, trong số đó tôi trông thấy một con ông già nô en gầy nhất trong lịch sử, chỉ có mũ và bộ áo khoác ngoài màu đỏ, mà không làm chất liệu nhồi bên trong vỏ áo.

Thoạt nhìn, tôi cứ thắc mắc cái kẻ đầu to này là ai, nhìn gần mới biết là thứ bán thành phẩm. Xe đi rất lâu, cuối cùng cũng đến trường đại học Công Nghiệp của Vương Siêu, cách một con đường có mấy quán rượu và quán net, nơi chúng tôi cần đến là quán rượu có tên “Bến Cảng”. Đến cửa quán rượu, dừng xe, đầu tôi bỗng lại to ra, kéo cửa cho chúng tôi lại là một ông già Nô en.

Chúng tôi vào trong quán rượu, ông chủ quán đã để sẵn cho chúng tôi một chỗ ngồi sát cửa sổ. Tôi nhớ lại lúc ở đô thị lớn Thượng Hải, tôi chưa từng đi đến quán rượu. Trong quán đang mở nhạc GENERAL ROCK, đều là những loại nhạc mà tôi chưa từng nghe, chậm rãi và ấm áp. Tôi lún sâu vào trong ghế bành và nhìn ra ngoài cửa sổ, một hộp đèn với nguồn năng lượng khổng lồ đang hướng về phía tôi thay đổi màu sắc, cách một lớp thuỷ tinh cũng làm cho nơi tầm mắt nhìn đến được trở nên lung linh huyền ảo.

Tôi nhớ lại lúc ở Thượng Hải, từng có một cô người yêu, là bạn học của một người bạn. Người bạn đó nói với tôi, người đó ở Thượng Hải là một xã giao danh mĩ (cô gái đẹp nổi tiếng trong giới xã giao), lúc đó tôi không hề biết xã giao là cái gì, tất nhiên càng không biết cái gì là “mĩ”, nhưng danh mĩ thì tôi biết, chính là “cô Mĩ trứ danh”. Tôi tìm hiểu cô gái thời thượng này được hơn ba tháng, trong ba tháng này, tôi biết được các loại mác nổi tiếng xa xỉ, tôi cũng hiểu sơ sơ được một cái túi hiệu LV khoảng bao nhiêu tiền, còn trước đó tôi cứ tưởng những đồ hiệu đại loại Cá Sấu hay Nike mới là đắt nhất.

Sau một tháng, rốt cuộc tôi cũng hiểu được xã giao danh mĩ là gì, chính là cô gái trông thấy bất kỳ một cái túi nào trên phố giá hơn năm nghìn tệ đều biết được chính xác giá tiền của nó. Điểm này làm tôi rất khâm phục. Cô từng cầm một chiếc túi thêu hoa hiệu FENDI đến hỏi tôi bao nhiêu tiền. Tôi thậm chí đã vận dụng đến cả phần phụ trách viễn tưởng của não bộ, cũng chỉ đoán cái túi đó giá ba nghìn. Cô cười to và nói: “Ba nghìn ở đâu ra, năm vạn bảy nghìn tám.”

Tôi vô cùng kinh ngạc, rón rén cầm lấy ngắm nghía. Không thể phủ định được là cái túi rất đẹp, gia công rất tốt, nhưng tôi không thấy những cái đó có thể làm nên cái giá tiền như vậy. Tôi cũng không hiểu một cô gái đến xe cũng không có cần một cái túi như thế để làm gì! Cô nói với tôi là mua cái túi đó để đi kèm với một bộ váy dạ hội, còn nói “Thực sự thích sự chất phác của anh.”

Tôi nghĩ đến ông bà nội sức khỏe đã yếu của mình. Nếu cô ấy trở thành vợ tôi, chỉ cần đem cái túi đó huơ huơ trước mắt ông bà, cho ông bà đoán giá tiền, hai cụ chắc sẽ nôn ra máu mà tử mất, thế là thực hiện được nguyện vọng trong nhà không có người già của cô. Tôi có thể tưởng tưởng được ra bà tôi đưa một ngón tay ra, chỉ vào cái túi và nói: “Không nhẽ lại đến một trăm?”

Sở thích của người đàn bà này là đến cuối tuần tô vẽ cho mình rực rỡ bóng bẩy, ra vào các buổi tiệc tùng hư vinh nhạt nhẽo, quen biết những nhân vật giả dối của xã hội thượng lưu, sau đó không biết là tiến hành xã giao hay là xạ giao (trao đổi cung tên, hàm ý bắn nhau), cuối cùng ngồi Mercedes về nhà vào lúc nửa đêm. Vì vậy, tôi đã hiểu được ra, xã giao danh mĩ có nghĩa là đi vẫy taxi về ngồi nhờ xe.

Mâu thuẫn của chúng tôi ở chỗ cô bắt tôi từ đó về sau phải hút xì gà, nói là dù tôi không có tiền mua quần áo hiệu PRADA, nhưng tôi có thể bắt đầu trước từ việc hút xì gà, để có chút không khí quý tộc. Tôi có thử một lần, nhưng phát hiện xì gà quả là nặng hơn thuốc lá thơm rất nhiều, sau khi hút xong một điếu theo cách hút thuốc lá, hàm tôi đau nhừ. Tôi nói: “Cái này anh thật sự không làm được, trong cái ngóc ngách xó xỉnh này ngậm xì gà người ta cười chết.”

Cô bảo: “Cái anh này, đúng là không có số bước vào xã hội thượng lưu.”

Điểm này cho đến này tôi vẫn nghĩ không ra, những người rõ ràng là hạ lưu tại sao xâu vào một chỗ lại gọi là xã hội thượng lưu được cơ chứ?”

 

* * *

 

[1] Trong tiếng Trung Quốc, “quay” cũng có nghĩa là “lắc”.

[2] Mĩ có một tập đoàn siêu thị nổi tiếng, tên là Wallmark, dịch âm sang tiếng Trung Quốc là “Wo Er Ma”.

[3] Một nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc khá nổi tiếng của Trung Quốc, chồng cũ của Vương Phi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3