Totto Chan – Cô bé bên cửa sổ - Chương 03

- Đến giờ phải về rồi! – cô giáo nói, khi mặt trời bắt đầu lặn. Và các em đi về trường, theo con đường nằm giữa những cánh đồng hoa mù tạc và những cây anh đào.

Trong lúc đi chơi các em không thể nhận ra rằng những cuộc đi dạo này, thời gian vui chơi rảnh rỗi của các em, trong thực tế lại là những bài học quý giá về khoa học, lịch sử và sinh học.

Tôt-tô-chan bắt đầu làm quen với tất cả các bạn và em có cảm giác đã biết các bạn từ lâu.

- Ngày mai chúng ta lại đi dạo nhé, - em nói với các bạn như vậy trên đường trở về.

- Đồng ý, đồng ý, - các bạn vừa chạy nhảy vừa trả lời.

Những con bướm vẫn rộn rịp bay đi làm việc và bầu trời đầy tiếng chim hót líu lo. Trống ngực Tôt-tô-chan đập rộn ràng vì vui sướng.

Bài hát của trường

Mỗi ngày ở trường Tô-mô-e Ga-ku-en lại có thêm một điều ngạc nhiên mới đối với em. Buổi sáng em nóng lòng muốn đến trường tới mức em cảm thấy dường như bình minh đến quá muộn. Và khi về đến nhà, em kể chuyện như pháo ran, kể cho con Rốc-ky, cho bố và cho mẹ nge về những việc em đã làm ở trường hôm đó, những chuyện vui và những điều bất ngờ. Em kể say sưa đến mức đôi khi mẹ em phải nói: “Thôi đủ rồi, không kể nữa, vào ăn đi con”.

Ngay cả khi Tôt-tô-chan đã hoàn toàn quen với trường mới rồi, em vẫn còn hàng núi chuyện để kể. Và mẹ em rất vui vì mọi chuyện lại diễn ra như vậy.

Một hôm, ngồi trên tàu đi đến trường, Tôt-tô-chan bỗng nảy ra câu hỏi không biết trường Tô-mô-e đã có bài hát nào chưa. Em sốt ruột muốn mau đến trường để hỏi. Tuy còn hai ga nữa mới đến, song Tôt-tô-chan đã đứng bên cửa sẵn sàng nhảy xuống khi tàu vào ga Gi-y-u-gao-ka. Một phụ nữ lên tàu trước đó một ga, thấy Tôt-tô-chan đứng yên không nhúc nhích, và ở tư thế sẵn sàng như một vận động viên chạy đang ở vào vị trí xuất phát, bà này lẩm bẩm:

- Em bé ấy đang có chuyện gì thế nhỉ?

Tàu đến ga, Tôt-tô-chan lao xuống như một tia chớp. Trong khi người soát vé vừa mới nói “Gi-y-u-gao-ka! Gi-y-u-gao-ka!” và con tàu chưa dừng hẳn, thì Tôt-tô-chan đã nhẹ nhàng đặt chân lên sân ga, và mau chóng biến mất sau cổng ra.

Bước bào phòng học toa xe, Tôt-tô-chan hỏi ngay Tai-gi Y-ma-ma-nu-chi, người vào lớp trước em:

- Tai-chan, trường mình đã có bài hát chưa nhỉ?

Tai-chan, cậu học sinh thích môn lý, liền trả lời sau một thoáng suy nghĩ:

- Mình không tin là trường ta đã có.

- Ồ, - Tôt-tô-chan nói vẻ suy nhĩ. Theo mình thì trường ta phải có một bài hát. Bọn mình có một bài hát rất hay khi còn ở trường cũ.

Và thế là em cất cao giọng, hát luôn:

Dù nước hồ Sen-dô-ku rất nông

Em học được bao điều sâu sắc …

Tuy Tôt-tô-chan ở trường cũ có ít ngày và lời của bài hát rất khó, song em đã học thuộc một cách dễ dàng.

Tôt-tô-chan vẫn quan tâm đến chuyện vài hát. Lúc đó các học sinh khác cũng đã tới đủ. Các em cũng tỏ ra rất chú ý đến điều mà Tôt-tô-chan nêu lên.

- Chúng mình hãy đề nghị thầy hiệu trưởng viết một bài hát cho trường - Tôt-tô-chan nói.

- Đồng ý đấy – Các bạn khác reo lên và tất cả kéo nhau đến phòng thầy hiệu trưởng.

Nghe Tôt-tô-chan hát bài hát về trường cũ và nghe các em nói về ý muốn của mình, thầy hiệu trưởng liền bảo:

- Thôi được, sáng mai thầy sẽ đem cho các em một bài hát.

- Thầy nhớ giữ lời hứa? – các em đồng thanh nói và xếp thành hàng một trở về lớp học.

Sáng hôm sau, lớp nào cũng được báo tin là phải tập hợp ở sân trường. Tôt-tô-chan đi cùng các bạn, tất cả đều rất sốt ruột. Trước cái bảng đen kê ở giữa sân, thầy hiệu trưởng nói:

- Nào, đây là bài hát về trường Tô-mô-e của các em.

Ông kẻ năm đường thẳng song song lên bảng và ghi các nốt nhạc lên đó:

Rồi ông giơ tay lên như một nhạc trưởng và nói:

- Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau hát nhé.

Thầy hiệu trưởng bắt nhịp, cả năm mươi học sinh trong trường cùng hát:

Tô-mô-e, Tô-mô-e, Tô-mô-e

- Tất cả chỉ có thế thôi ạ! Tôt-tô-chan hỏi, trong lúc tạm dừng.

- Đúng! Tất cả chỉ có thế! - thầy hiệu trưởng tự hào trả lời.

- Bài hát sẽ hay hơn nếu có thêm lời đẹp viết thêm vào - Tôt-tô-chan nói, vẻ đầy thất vọng. – Ví dụ như “Dù nước hồ Sen-dô-ku rất nông”.

- Thế các cháu không thích bài hát này à? - Thầy hiệu trưởng hỏi, mặt đỏ bừng, nhưng vẫn mỉm cười. – Theo thầy thì bài hát này tương đối hay đấy?

Không ai thích bài hát này vì nó quá đơn giản. Hình như đối với các em thà không có còn hơn là có bài hát mà lại quá đơn giản.

Tuy rất buồn, thầy hiệu trưởng không tỏ ra bực mình. Thầy đến trước cái bảng đen rồi xóa bài hát đi. Tôt-tô-chan cảm thấy các em hơi vụng về, nhưng cuối cùng, một cái gì đó đã để lại trong lòng em một ấn tượng mạnh mẽ.

Sự thất là không một lời lẽ nào có thể diễn đạt đầy đủ hơn tình thương yêu của thầy hiệu trưởng đối với các em và nhà trường. Nhưng các em chưa đủ hiểu biết để nhận ra điều đó. Chả mấy chốc các em đã quên đi ý muốn có một bài hát về nhà trường, và thầy hiệu trưởng cũng thấy không cần phải có một bài hát nữa. Vì vậy khi thấy bài hát bị xóa đi thì cũng chấm dứt luôn câu chuyện về bài hát. Thế là trường Tô-mô-e không bao giờ có một bài hát riêng.

Dọn đi cho sạch sẽ

Trong đời Tôt-tô-chan chưa bao giờ em phải lao động nặng nhọc. Em nhớ mãi cái ngày em đánh rơi cái ví mà em ưa thích nhất xuống hố xí. Trong ví không có tiền nhưng vì em rất thích nó nên đã mang theo vào nhà vệ sinh. Đây quả là một cái ví đẹp, làm bằng vải mỏng, kẻ ô vuông, xanh đỏ và vàng. Ví hình vuông có cái khuy hình con chó săn xứ Xcốt giống như cái khóa của chiếc thắt lưng.

Tôt-tô-chan có thói quen hay tò mò. Ngay từ lúc còn bé cứ mỗi lần vào nhà vệ sinh em lại nhìn xuống hố sau khi đi xong. Vì vậy, trước ngày đi học cấp một em đã đánh rơi đến mấy chiếc mũ xuống hố, trong đó có một chiếc mũ nan và một chiếc mũ viền đăng ten trắng. Thời ấy nhà vệ sinh chưa có hệ thống giội nước như ngày nay. Nó chỉ có một hầm chứa phân ở phía dưới, do vậy khi rơi xuống, những chiếc mũ cứ nằm nguyên ở đó. Sau những lần ấy mẹ thường nhắc em đừng nhìn xuống hố sau khi đi xong.

Hôm ấy, Tôt-tô-chan đi ra nhà vệ sinh trước giờ vào lớp. Em quên mất lời mẹ dặn, và lại nhìn xuống hố sau khi đi xong. Em tuột tay để chiếc ví rơi xuống đó. Tôt-tô-chan kêu lên khi cái ví biến mất trong hầm tối phía dưới.

Tôt-tô-chan không khóc và cũng không chịu để mất cái ví. Em chạy đến lều của người coi trường vớ chiếc gáo cán gỗ to và dài mà người ta thường dùng để múc nước tưới vườn. Chiếc cán dài gấp đôi người em, nhưng điều đó chẳng làm em bận tâm. Em kéo chiếc gáo chạy về phía sau trường và cố tìm cửa hầm chứa phân. Em đoán cửa hầm sẽ ở phía sau tường nhà vệ sinh nhưng phải mất một hồi lâu tìm kiếm, em mới phát hiện ra cái nắp tròn bằng bê tông cách đó một thước. Vất vả lắm em mới nhấc nó lên được. Đây chính là cửa hầm mà em đang tìm kiếm. Em thò đầu vào.

- Lạ thật, sao cái hầm này lại to gần bằng cái hồ ở Ku-hon-but-su ấy nhỉ! – Em kêu lên.

Sau đó em bắt tay vào công việc. Em múc phân ra khỏi hầm chứa. Lúc đầu em múc ở khu vực em đánh rơi cái ví. Nhưng cái bể này vừa sâu vừa rộng lại rất tối, vì nó là bể chứa của cả ba nhà vệ sinh. Hơn nữa nếu em thò đầu vào sâu quá, rất có thể em sẽ bị ngã xuống đó. Em tiếp tục múc phân đổ ra khoảng đất xung quanh hầm, hy vọng sẽ tìm được cái ví kia.

Tất nhiên em kiểm tra từng gáo một xem cái ví có trong đó không. Em đã mất nhiều thời gian tìm kiếm mà chẳng thấy tăm hơi nó đâu cả. Liệu nó nằm ở đâu nhỉ? Tiếng chuông báo tiết thứ nhất bắt đầu. Em phân vân chưa biết phải làm gì bây giờ, nhưng vì đã đâm lao phải theo lao, em quyết định làm tiếp. Em dốc sức ra múc, múc mãi …

Một đống phân lớn nằm lù lù khi thầy hiệu trưởng đi qua.

- Cháu đang làm gì đó? – Ông hỏi Tôt-tô-chan.

- Cháu đánh rơi cái ví, - Tôt-tô-chan vừa trả lời vừa tiếp tục múc, không để phí thời gian.

- Hiểu rồi, - thầy hiệu trưởng nói và bước đi, hai tay đan chéo sau lưng theo thói quen mỗi lần ông đi dạo.

Thời gian trôi qua khá lâu mà em vẫn chưa tìm được cái ví. Đống phân hôi thối mỗi lúc một cao thêm.

Thầy hiệu trưởng quay lại.

- Cháu đã tìm thấy ví chưa? – Ông hỏi.

- Chưa ạ, - Tôt-tô-chan đáp. Lúc này em đứng giữa đống phân, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, hai má đỏ bừng.

Thầy hiệu trưởng đi lại gần hơn và nói với giọng thân tình:

- Cháu sẽ hót trả vào bể sau khi tìm được ví chứ? - Rồi ông lại đi tiếp như lần trước.

- Vâng ạ, - Tôt-tô-chan phấn khởi trả lời và tiếp tục công việc.

Em nhìn đống phân và bỗng thấy hơi lo lo: “Khi làm xong mình sẽ xúc đống bã đổ vào bể, còn nước thì sao?”

Nước phân mau chóng thấm xuống đất. Em dừng tay và cố hình dung xem em sẽ phải xúc đống bã đổ vào bể chứa như thế nào vì em đã hứa với thầy hiệu trưởng. Cuối cùng em quyết định đổ thêm vào đó một ít đất ướt.

Lúc này đống phân đã cao như núi, cái bể chứa gần như đã cạn hết mà vẫn chẳng thấy cái ví đâu cả. Có thể nó đã dạt vào thành bể hoặc nằm chìm ở tận đáy rồi. Nhưng Tôt-tô-chan không để ý đến nó nữa. Em thấy vui vì đã làm hết sức mình để tìm nó. Rõ ràng niềm vui mà Tôt-tô-chan có được một phần là do thầy hiệu trưởng đã tôn trọng em, thầy không mắng mà ngược lại còn tin vào em nữa. Nhưng điều này quá tinh tế và em chưa thể hiểu được ngay.

Thông thường khi thấy Tôt-tô-chan trong hoàn cảnh như vậy, người lớn sẽ kêu lên: “Trời ơi, cháu đang làm gì đấy?” hay “Chấm dứt đi, nguy hiểm lắm”, hay tốt hơn nữa là họ sẽ giúp em một tay.

Chúng ta hãy nhớ lại câu hỏi “Cháu sẽ hót trả vào bể sau khi tìm được ví chứ?” Thật là một thầy hiệu trưởng tuyệt vời, mẹ em nghĩ như vậy sau khi biết chuyện về Tôt-tô-chan.

Kể từ đó không bao giờ Tôt-tô-chan còn nhòm xuống hố xí sau khi đi xong nữa. Và em cảm thấy thầy hiệu trưởng là người cóthể hoàn toàn tin tưởng, và em càng yêu quý thầy hơn bao giờ hết.

Tôt-tô-chan giữ lời hữa và đã xúc cả đống phân trả vào bể như cũ. Xúc ra mới vất vả , chứ xúc vào thì có phần nhanh hơn. Em cũng đổ thêm vào bể một số đất ướt. Sau đó em cào phẳng mặt đất xung quanh, đậy nắp lại như cũ và đem trả cái gáo vào lều của người coi trường.

Đêm ấy, trước khi đi ngủ, Tôt-tô-chan vẫn còn nghĩ về cái ví đẹp mà em đã đánh rơi xuống hầm tối. Em buồn vì mất cái ví. Nhưng cả một ngày cố gắng đã làm em mệt mỏi và ngủ thiếp đi.

Trong lúc đó, khoảng đất ướt nơi em làm việc dưới ánh trăng rất đẹp cứ sáng lung linh.

Và cái ví đang nằm im đâu đấy.

Tên của Totto Chan

Tên thật của Tôt-tô-chan là Tet-su-kô. Trước khi sinh bố mẹ em cùng bè bạn và họ hàng thân thích đều đoán rằng đứa bé sẽ là một cậu con trai.

Đây là đứa con đầu lòng, nên mọi người muốn như vậy. Và mọi người quyết định đặt tên cho đứa bé sắp ra đời là To-ru. Cha mẹ em thích chữ To-ru viết bằng tiếng Trung Quốc (có nghĩa là triệt để) nên đã quyết định chuyển nó thành tên con gái bằng cách dùng lối phát âm xuất phát từ tiếng Trung Tét-su và thêm vào cái đuôi kô thường được dùng để chỉ tên con gái.

Thế là mọi người gọi em là Tet-su-kô-chan (chan là từ đệm thân mật thường được dùng sau tên trẻ em). Cái tên Tet-su-kô-chan với em chẳng có nghĩa gì. Vì vậy bất kể khi nào có ai đó hỏi tên em là gì, em thường trả lời “Tôt-tô-chan”. Thậm chí em còn co rằng chan cũng là một phần của tên em đấy.

Cha em đôi lúc goik em là Tốt-sky, cứ như thể em là một cậu bé. Ông thường nói: “Tốt-sky? Lại giúp ba bắt rệp ở những bông hồng này”. Nhưng chỉ trừ có ba em và con Rốc-ky, tất cả những người khác đều gọi em là Tôt-tô-chan. Dù em có ghi tên em là Tet-su-kô vào vở ở trường, em vẫn cứ tin rằng tên em là Tôt-tô-chan.

Các diễn viên hài kịch của đài phát thanh

Hôm qua Tôt-tô-chan rất buồn. Mẹ em bảo:

- Con không được nghe hài kịhc phát trên đài.

Hồi Tôt-tô-chan còn bé, máy thu thanh thường làm bằng gỗ và rất to. Song chúng cũng rất nhã. Cái đài nhà em hình chữ nhật, có một loa to ở phía trước, mặt loa căng lụa hồng trang trí xung quanh, có hai núm để điều khiển.

Từ ngày chưa đi học, Tôt-tô-chan đã thích nghe hài kịch Ra-ku-gô, em dán tai vào màng lụa hồng của loa. Em thấy những câu pha trò của họ thật vui nhộn, mẹ em chưa bao giờ phản đối việc đó cho mãi tới ngày hôm qua.

Đêm qua một số người bạn của ccha em trong ban nhạc đến nhà em tập bản nhạc thính phòng viết cho bộ tứ đàn dây.

- Ông Tsu-nê-sa-đa Ta-chi-ba-na, người chơi đàn Xen-lô, mang cho con mấy quả chuối đó, - mẹ em nói.

Tôt-tô-chan rất xúc động. Em lễ phép cúi đầu chào ông Ta-chi-ba-na. Em cảm ơn ông và nói:

- Mẹ ơi, mấy quả chuối này ngon kinh khủng.

Sau khi mẹ cấm, Tôt-tô-chan vẫn lén nghe hài kịch lúc cha mẹ em đi vắng. Nghe các diễn viên hài kịch trình diễn hay, em thường cười phá lên, nếu có người lớn nào đó nhìn thấy cảnh ấy, chắc sẽ ngạc nhiên vì sao một cô bé như em lại có thể hiểu được những chuyện khôi hài khó hiểu đến như vậy. Nhưng rõ ràng là các em có khả năng bẩm sinh hiểu được hài hước. Dù còn rất bé, các em vẫn hiểu được lúc nào thì có chuyện để các em cười.

Một toa xe khác lại tới

- Tối nay sẽ có một toa xe khác tới. – Mi-y-ô-chan nói điều đó trong giờ nghỉ ăn trưa. Mi-y-ô-chan là người con gái thứ ba của thầy hiệu trưởng học cùng lớp với Tôt-tô-chan.

Đã có sáu toa xe nối đuôi nhau làm các phòng học, ấy vậy mà lại sắp có thêm một toa nữa. Mi-y-ô-chan nói toa xe sắp tới sẽ là toa thư viện. Tất cả các em đều rất hồi hộp.

- Mình chẳng hiểu toa xe sẽ vào trường bằng con đường nào nhỉ! – có bạn nào đó nói như vậy.

Chuyện có thể bàn luận sôi nổi đấy! im lặng một lúc.

- Có thể người ta sẽ đặt nó trên một chiếc xe bò, - một bạn khác nói.

- Làm gì có loại xe bò to đến mức có thể chở được một toa xe, - bạn nào đó đáp ngay.

- Mình cho là không có …

Ý kiến cứ cạn dần. Các em đều nhận thấy rằng một toa xe không thể nào đặt vừa lên một chiếc xe bò, thậm chí trên một chiếc xe tải.

- Bằng đường sắt, - Tôt-tô-chan nói sau một thoáng suy nghĩ. - Các bạn biết không, rất có thể họ sẽ đặt đường ray từ đó vào trường mình.

- Từ đâu kia? – có bạn hỏi.

- Từ đâu ấy à? Từ nơi mà hiện giờ con tàu đang đỗ, Tôt-tô-chan nói, và bắt đầu nhận ra ý kiến này của em cũng không hay lắm. Em cũng không biết toa tàu sẽ từ đâu tới. Và dù thế nào đi nữa thì người ta không thể phá nhà phá cửa để đặt đường ray thẳng vào trường em được.

Sau cuộc bàn tán chẳng đem lại kết quả gì dù bằng cách này hay cách khác, cuối cùng các em quyết định chiều hôm đó không về nhà nữa mà ở lại để xem toa tàu sẽ đến như thế nào. Các bạn đề nghị Mi-y-ô-chan đến gặp và hỏi cha em - thầy hiệu trưởng – xem liệu tất cả các em có được ở lại gặp đến đêm không. Mãi một lúc sau Mi-y-ô-chan mới quay lại.

Em nói:

- Toa tàu sẽ đến rất muộn tối nay, sau khi tất cả các con tàu khác đã ngừng chạy. Bất kỳ ai muốn ở lại cũng phải về xin phép cha mẹ trước rồi có thể trở lại trường sau khi ăn tối và nhớ mang theo quần áo ngủ, chăn đắp.

- Ôi! – Các em kêu lên vẻ xúc động.

- Thầy nói rằng chúng mình phải mang theo quần áo ngủ chứ?

- Lại cả chăn nữa phải không?

Chiều hôm đó không một ai có thể chăm chú học được. Tan học, các bạn cùng lớp Tôt-tô-chan đi ngay về nhà, ai nấy đều hy vọng sẽ gặp lại nhau vào buổi tối cùng với quần áo ngủ và chăn đáp.

Vừa đặt chân vào nhà, Tôt-tô-chan đã nói ngay với mẹ:

- Một toa tàu sắp tới. Chúng con không hiểu nó sẽ đến trường bằng cách nào. Mang theo quần áo ngủ và chăn. Con có đi được không?

Làm sao mà mẹ em có thể hiểu ngay được đầu đuôi câu chuyện với cách nói như vậy? Quả thật mẹ Tôt-tô-chan chẳng hiểu gì cả! Nhưng nhìn vẻ mặt nghiêm trang của cô con gái, bà đoán có chuyện bất thường đang xảy ra.

Bà cứ hỏi dồn. Cuối cùng bà cũng hiểu được sự việc. Bà thấy Tôt-tô-chan nên đi xem vì hiếm có dịp như vậy. Thậm chí bà nghĩ bà cũng nên đi nữa.

Bà chuẩn bị chăn, quần áo ngủ cho Tôt-tô-chan, và sau bữa ăn tối dẫn em đến trường. Ở đấy đã có khoảng chục em. Trong số đó có cả mấy em lớn ở các lớp trên, nghe chuyện cũng kéo đến xem. Một vài bà mẹ chác cũng đi cùng với con. Mặc dầu tưởng họ ở lại, nhưng sau khi giao con mình cho thầy hiệu trưởng, họ trở về nhà.

- Thầy sẽ đánh thức các em dậy lúc toa xe đến, thầy hiệu trưởng nói với các em như vậy khi các em quấn chăn, ngủ ở phòng họp.

Các em cứ tưởng không thể nào ngủ được vì xốn xang không hiểu con tàu sẽ đến đây bằng cách nào. Nhưng vì quá xúc động nên các em cũng thấm mệt và chả mấy chốc đã buồn ngủ. Nhiều em ngủ rất say không kịp dặn “nhớ đánh thức em dậy nhé”.

Kia rồi! Kia rồi.

Bị những tiếng ồn ào đánh thức, Tôt-tô-chan bật dậy, chạy qua sân trường ra phía cổng. Một toa xe lớn xuất hiện trong ánh bình minh. Giống như trong mơ – toa xe đi trên đường cái không có thanh ray, nên không ồn ào. Nó được đặt trên một cái móc có máy kéo kéo từ ga Ôi-ma-chi vào. Tôt-tô-chan và các bạn được biết thêm một điều mới đó là cái máy kéo, kéo chiếc moóc còn lớn hơn xe bò rất nhiều. Các em có những ấn tượng mạnh mẽ.

Toa xe đặt trên cái moóc cứ từ từ di động trên con đường vắng bóng người buổi sáng.

Ngay sau đó là những tiếng rung chuyển mạnh. Thời bấy giờ chưa có cần cẩu lớn. Do vậy đưa được toa xe xuống khỏi xe moóc dặt vào vị trí ở sân trường là cả một công việc vất vả. Người ta đặt những cây gỗ to dưới toa xe rồi bắt đầu đẩy nó lăn xuống khỏi xe moóc.

- Nhìn kỹ nhé, - thầy hiệu trưởng nói, - những cây gỗ đó gọi là con lăn đấy. Con lăn dùng để vần toa xe lớn đó xuống đất.

Các em theo dõi rất chăm chú.

- Hò dô ta nào, hò dô ta nào - những người công nhân vừa đẩy vừa hò, và mặt trời hình như cũng mọc lên theo cùng với nhịp hò dô.

Cũng như sáu toa xe khác đã có ở trong trường, toa xe này sau nhiều năm tháng chở khách, đã bị tháo hết bánh. Cuộc đời lo chuyên chở con người của nó đã chấm dứt. Từ nay nó chỉ chở những tiếng cười của các em.

Các em học sinh nam mữ mặc quần áo ngủ đứng xem dưới ánh nắng ban mai. Các em quá vui sướng tới mức không thể kìm được, cứ nhảy tưng tưng lên, ôm lấy cổ thầy hiệu trưởng hoặc đu trên đôi tay của thầy.

Loạng choạng vì bị các em xô đẩy, thầy hiệu trưởng mỉm cười vui sướng. Các em cũng mỉm cười trước niềm vui của thầy.

Và không ai có thể quên được niềm hân hoan trong buổi sáng hôm ấy.

Bể bơi

Đó là một ngày đáng ghi nhớ của Tôt-tô-chan. Lần đầu tiên em được bơi trong một cái bể.

Chuyện xảy ra vào buổi sáng. Thầy hiệu trưởng nói với tất cả các em:

- Trời nóng bức quá, thầy đã cho tháo nước vào bể bơi đấy!

- Ôi! – các em nhảy cẫng lên, vẻ khoái chí. Tôt-tô-chan và các bạn lớp một cũng reo lên sung sướng hơn cả những học sinh lớn tuổi. Bể bơi của trường Tô-mô-e không phải là bể bơi hình chữ nhật như ở những nơi khác, vì đầu bể này hơi hẹp hơn đầu kia. Nó có hình dáng giống như một con thuyền. Hình dáng này là do khu đất ở đây tạo nên. Tuy thế nó khá rộng và đẹp. Nó nằm ngay giữa các lớp học và phòng họp.

Ngồi trong lớp Tôt-tô-chan và một số các em khác thỉnh thoảng lại liếc nhìn ra cái bể. Khi tháo cạn, nó có nhiều lá cây giống như sân chơi. Còn bây giờ nó rất sạch, chứa đầy nước và đã thành một bể bơi thật sự.

Cuối cùng giờ ăn trưa đã tới, và khi các em đã tập hợp quanh bể, thầy hiệu trưởng nói:

- Chúng ta tập một số động tác rồi sau đó hãy xuống bơi.

Tôt-tô-chan nghĩ: “Không hiểu mình có cần đến một bộ quần áo bơi không nhỉ?”. Những em cùng cha mẹ đến bải tắm Ka-ma-ku-ra thường có quần áo bơi, phao bơi bằng cao su hình tròn và một số thứ khác. Em cố nhớ lại xem cô giáo có dặn dò các em mang theo áo bơi hay không.

Đúng lúc đó, dường như đã đọc được ý nghĩ của em, thầy hiệu trưởng nói:

- Đừng ngại nếu không có áo bơi! Cứ lại phòng họp tất cả đi.

Khi Tôt-tô-chan cùng các bạn lớp một khác đến phòng họp thì thấy học sinh lớn hơn đang cởi quần áo vẻ rất thoải mái như thể họ sắp sửa đi tắm. Từng người một, mình trần như nhộng, nối đuôi nhau chạy ra sân trường. Tôt-tô-chan cùng các bạn em lập tức chạy theo họ. Mọi người có cảm giác dễ chịu vì không phải mặc quần áo trong lúc trời đang nóng bức. Lúc đứng ở bậc thềm trên cùng bên ngoài phòng họp, các em đã thấy những bạn khác đang tập các động tác khởi động. Tôt-tô-chan và các bạn cùng lớp chạy chân không xuống các bậc thềm.

Huấn luyện viên bơi lại chính là anh của Mi-y-ô-chan – con trai của thầy hiệu trưởng và là một chuyên gia thể thao. Anh không phải là thầy giáp của trường Tô-mô-e, mà tham gia vào đội bơi của trường Đại học. Tên anh ấy giống như tên của trường – Tô-mô-e. Tô-mô-e-san mặc quầm bơi.

Sau phần khởi động, các em nhảy xuống bể và reo lên khi nước mát bắn vào người. Tôt-tô-chan còn đứng ở trên bờ, quan sát mãi cho đến khi em thấy các bạn khác bơi thích quá và không có gì đáng phải lo ngại nữa, em mới xuống nước. Mát qua, giống y như là tắm. Đây là một bể bơi lớn tha hồ mà vùng vẫy, và cả khi dang sải tay ra, bạn cũng chỉ thấy những nước là nước.

Các bạn gầy cũng như béo, cả nam lẫn nữ đều cười nói vui vẻ té nước vào những tấm thân trần của nhau.

“Vui quá và thú biết chừng nào”, Tôt-tô-chan nghĩ. Em chỉ buồn là con Rốc-ky không thể đến trường được. Em dám chắc rằng nếu biết, nó sẽ đến ngay, và chẳng cần gì quần áo bơi, nó sẽ nhảy luôn xuống bể.

Bạn có thể băn khoăn tự hỏi tại sao thầy hiệu trưởng cho phép các em bơi trần như vạy. Thật ra cũng chẳng có luật lệ nào cả. Nếu bạn mang theo quần áo bơi và muốn mặc vào ư? Hoàn toàn tốt. Ngược lại, như hôm nay chẳng hạn, nếu bạn quyết định bơi má quên không mang theo áo bơi, cũng chẳng sao! Và tại sao thầy cho phép các em bơi tắm trần truồng như vậy? Vì ông nghĩ thật không tốt nếu để các em nam nữ cứ tò mò một cách không lành mạnh về sự khác nhau trên cơ thể của các em. Và ông nghĩ thật không tự nhiên chút nào nếu con người cứ phải khổ sở để che giấu nhau cơ thể của mình.

Ông muốn dạy cho các em biết rằng tất cả mọi cơ thể đều đẹp. Trong số học sinh của trường Tô-mô-e có một số em bị bệnh bại liệt, như Y-a-su-a-ki-chan chẳng hạn, hoặc thân hình quá nhỏ, hoặc bị một tật nguyền nào đó. Và ông nghĩ rằng nếu những em học sinh này cứ cởi trần truồng cùng chơi với các bạn khác, các em sẽ mất đi cảm giác xấu hổ, như vậy các em không bị mặc cảm hoặc tự ti. Thực tế đã chứng tỏ, lúc đầu các em có tật nguyền cón thấy xấu hổ, nhưng chả mấy chốc các em hoàn toàn vượt qua tâm trạng đó và vui chơi thoải mái cùng các bạn khác.