Bản sonata Kreutzer - Chương 08 - 11
VIII
VÀ THẾ LÀ MỌI THỨ ĐỀU THUẬN LỢI: nào là tài sản của tôi, nào là váy áo đẹp, nào là dạo chơi trên thuyền. Cứ giống như một cạm bẫy. Tôi không đùa đâu. Bây giờ người ta sắp xếp các cuộc hôn nhân như gài bẫy vậy. Còn thực chất là gì? Cô con gái đã đến tuổi rồi, phải gả đi thôi. Dường như thật là đơn giản khi một cô gái không xấu xí có những chàng muốn lấy làm vợ. Ngày xưa cũng vậy thôi. Cô gái đến tuổi, cha mẹ định chuyện hôn nhân. Trên thế giới này người ta đều làm như thế: người Trung Hoa, người Ấn Độ, người Ả Rập, và nông dân ở ta, đều vậy cả, ít nhất chín mươi chín phần trăm loài người làm như thế. Chỉ có một phần trăm hoặc ít hơn thế thấy rằng điều đó là không tốt, và phát minh ra cái gì đó mới hơn. Cái mới đó là gì nào? Mới là ở chỗ các cô gái ngồi đó, rồi các anh chàng đàn ông như ở ngoài chợ vậy, đi lại và lựa chọn. Còn các cô gái ngồi và nghĩ, nhưng không dám nói ra: “Anh ơi, hãy chọn em! Không, em cơ. Đừng chọn cô ấy, mà chọn em cơ, hãy nhìn em có đôi vai và những thứ khác như thế nào”. Còn chúng ta, bọn đàn ông, đi lại, xem xét và rất hài lòng. “Tôi biết rồi, nhưng tôi chưa bị mắc vào đâu”. Bọn đàn ông đi lại, xem xét và hài lòng, bởi tất cả bày ra là để dành cho họ. Xem đi, cô này không được. Ô, đây rồi, cô này thì được!
- Sao lại thế? - Tôi nói. - Thế tại sao người ta vẫn đi cầu hôn phụ nữ?
- Tôi cũng không biết tại sao; chỉ có điều nếu như có sự bình đẳng thì phải bình đẳng thật sự. Nếu như thấy chuyện mối lái gả chồng ngày xưa là hạ nhục, thì cách làm của chúng ta còn tệ hơn thế hàng ngàn lần. Ở kia quyền lợi và cơ hội ngang nhau, còn ở đây phụ nữ hoặc như nô lệ ở đem bán ngoài chợ, hoặc là cái lưới đánh bẫy. Thử nói với một bà mẹ hay một cô gái nào về sự thật xem, rằng bà ta hay cô ta chỉ quan tâm đến chuyện làm sao tóm được chàng rể thôi. Trời ơi, thật là sự xúc phạm kinh khủng! Thế nhưng thực tế tất cả bọn họ chỉ làm mỗi chuyện đó thôi, ngoài chuyện đó thì họ chẳng còn việc gì khác. Nó thật là khủng khiếp khi nhìn thấy đôi lúc có những thiếu nữ trinh trắng tội nghiệp còn rất trẻ cũng làm chuyện đó. Nếu như điều đó được làm công khai thì còn đỡ, chứ đây tất cả đều trong sự dối trá. “Ôi, Nguồn gốc các loài(6) à, cái này thật là thú vị quá! Ôi, Lisa rất thích hội họa đấy! Anh sẽ đến xem triển lãm chứ? Thật là lời khuyên hay! Thế còn chuyện đi xe tam mã, còn vở kịch, còn buổi hòa nhạc? Ôi, thật tuyệt quá! Lisa của tôi mê nhạc phát điên lên ấy. Sao ngài không chia sẻ quan niệm đó với nó? Còn chuyện đi chơi thuyền!...”. Còn trong tâm trí của họ thì: “Hãy chọn tôi đi, chọn Lisa của tôi! Không, chọn tôi! Nào cứ thử đi!...”. Ôi thật là đê tiện! Thật là dối trá kết luận và sau khi uống nốt ngụm trà cuối cùng bèn thu dọn tách đĩa.
6. Nguồn gốc các loài (tên đầy đủ: Về nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn): tác phẩm nổi tiếng của Charles Darwin, xuất bản năm 1859, trong đó trình bày những luận điểm cơ bn của học thuyết tiến hóa. Nó được dịch sang tiếng Nga năm 1864.
IX
- VÂNG, NGÀI BIẾT KHÔNG, - anh ta lại bắt đầu khi thu dọn trà và đường vào túi, - tất cả mọi sự xảy ra đều do sự cai trị áp bức của phụ nữ ở trên toàn thế giới này.
- Sao lại là sự cai trị của phụ nữ? - Tôi nói. - Đó là các quyền lợi, là sự lấn át về quyền lợi từ phía đàn ông chứ.
- Vâng, vâng chính cái đó đấy. - Anh ta ngắt lời tôi. - Chính đó là điều mà tôi muốn nói với ngài, đó là điều giải thích một hiện tượng rất không bình thường: một mặt người phụ nữ bị đẩy xuống tận cùng của sự sỉ nhục, mặt khác thì họ lại là kẻ thống trị. Phụ nữ cũng giống hệt như bọn Do Thái dùng quyền lực của đồng tiền để trả thù lại sự áp bức đối mình. “À, các người muốn chúng tôi chỉ là những kẻ tiểu thương hèn mọn ư. Được thôi, chúng tôi sẽ là những kẻ tiểu thương và sẽ thống trị các người”, - những người Do Thái nói vậy. “Các người muốn chúng tôi chỉ là đối tượng của nhục cảm thôi ư, được thôi, chúng tôi sẽ là đối tượng của nhục cảm và sẽ biến các người thành nô lệ” - những người phụ nữ nói. Vấn đề quyền phụ nữ không phải ở chỗ phụ nữ có thể hay không thể bầu cử và làm quan tòa - làm những chuyện đó thì chẳng cần đến quyền gì cả. Vấn đề là ở chỗ có quyền để được bình đẳng trong quan hệ giới tính với đàn ông, để có quyền sử dụng đàn ông hay loại bỏ anh ta tùy theo ý mình, được theo ý mình lựa chọn đàn ông chứ không phải là kẻ bị lựa chọn. Ngài nói rằng điều đó là xấu xa. Được thôi. Nhưng thế thì đàn ông cũng phải không được có những quyền đó. Chứ còn bây giờ phụ nữ bị tước đoạt cái quyền mà đàn ông có. Và thế là để đền bù lại cái quyền đó, họ tấn công vào nhục cảm của đàn ông, dùng nó mà khuất phục anh ta, làm cho anh ta chỉ được lựa chọn về hình thức thôi, còn trên thực tế là họ lựa chọn. Mà một khi đã nắm trong tay phương thức đó, họ đã lạm dụng nó và trở nên có quyền lực đáng sợ đối với mọi người.
- Thế cái quyền lực đó nằm ở đâu? - Tôi hỏi.
- Quyền lực ở đâu ấy à? Ở khắp nơi, trong mọi thứ. Hãy đến bất cứ thành phố lớn nào, dạo qua các cửa hàng mà xem. Hàng triệu thứ hàng hóa, chưa cần đánh giá công sức lao động đổ ra cho việc sản xuất, chỉ cần xem thôi, trong chín phần mười các cửa hàng đó có cái hàng gì để dùng cho nhu cầu đàn ông không. Tất cả sự xa hoa của cuộc sống là do phụ nữ yêu cầu và ủng hộ. Hãy đếm tất cả các xưởng máy, xí nghiệp xem. Một phần lớn chúng làm việc để sản xuất ra những thứ vô bổ như đồ trang sức, xe cộ, đồ gỗ, đồ chơi phục vụ cho phụ nữ. Hàng triệu người, cả mấy thế hệ nô lệ chết gục vì lao động khổ sai trong các nhà máy chỉ để phục vụ cho ý muốn đỏng đảnh của phụ nữ. Phụ nữ, như các bà hoàng, đang giam cầm chín phần mười nhân loại trong lao động khổ sai. Mà tất cả chỉ vì họ bị hạ nhục, họ bị tước đoạt quyền bình đẳng với đàn ông. Và họ đã trả thù bằng cách đánh vào nhục cảm của chúng ta và bẫy chúng ta vào lưới của họ. Vâng, tất cả chỉ vì điều đó. Phụ nữ trang bị cho mình vũ khí tấn công nhục cảm khiến cho đàn ông không thể nào quan hệ một cách bình yên với phụ nữ được nữa. Một anh đàn ông vừa bước lại gần một người phụ nữ là lập tức bị bỏ bùa mê và trở nên lú lẫn u mê. Trước kia, khi nhìn thấy một phụ nữ diện bộ váy áo dạ hội, tôi cũng luôn cảm thấy bối rối, rung động, còn bây giờ tôi chỉ thấy kinh hãi, chỉ thấy đó là một cái gì rất nguy hiểm cho mọi người, rất vô đạo và muốn kêu cảnh sát, gọi bảo vệ, yêu cầu họ dẹp đi, tiêu diệt đi cái đối tượng nguy hiểm đó.
Vâng, ngài cứ cười đi, anh ta quát lên với tôi, - nhưng cái đó không phải là trò đùa đâu. Tôi tin là sẽ đến lúc, và có thể là sắp đến lúc đó rồi, người ta hiểu ra điều này và sẽ ngạc nhiên thấy rằng tại sao lại có thể tồn tại một xã hội, trong đó cho phép những hành động vi phạm sự yên bình xã hội như việc phụ nữ trang sức để khêu gợi nhục cảm một cách trắng trợn, như ở trong xã hội chúng ta. Đó là những cái bẫy đấy, mà còn tệ hơn thế nữa cơ. Tại sao đánh bạc thì bị cấm, còn phụ nữ mặc những bộ váy áo đàng điếm, khêu gợi thì lại không bị cấm. Họ còn nguy hiểm hơn hàng ngàn lần ấy chứ!
X
- THẾ LÀ TÔI BỊ ĐÁNH BẪY, nhưng người ta gọi đó là đang yêu. Tôi không những cho rằng nàng là đỉnh cao của sự hoàn thiện, mà còn tưởng chính mình trong thời gian sắp cưới đó cũng ở đỉnh cao của sự hoàn thiện. Tôi không hề thấy mình là kẻ đểu cáng và do vậy hoàn toàn tự hào và hài lòng về mình. Tôi lấy vợ không phải vì tiền, không hề có sự tính toán lợi lộc (không như phần đông những người quen của tôi đã lấy vợ vì tiền và vì danh lợi). Tôi giàu và nàng thì nghèo. Đó là một. Điều thứ hai khiến cho tôi tự hào, là mọi người khác khi lấy vợ, dự tính vẫn tiếp tục cuộc sống lăng nhăng với nhiều phụ nữ khác như từng sống trước khi kết hôn; tôi thì lại có ý định cương quyết sau đám cưới sẽ sống chung thủy, điều đó làm tôi tự hào về mình vô bờ bến. Vâng, tôi là con heo bẩn thỉu mà lại tưởng mình là thiên thần.
Thời gian chuẩn bị cưới kéo dài không lâu. Bây giờ khi nhớ lại thời gian đó, tôi không thể không cảm thấy hổ thẹn! Thật đê tiện làm sao! Cứ tưởng tình yêu là tinh thần, chứ không phải là nhục cảm. Hừ, nếu như tình yêu là tinh thần, là sự giao tiếp tinh thần, thì phải được biểu lộ bằng lời nói, bằng trò chuyện, hàn huyên chứ. Đây không, chẳng hề thế. Khi chúng tôi ngồi lại một mình, khó nói kinh khủng. Thật là công dã tràng(7). Cứ luôn phải cố nghĩ để nói được một cái gì đó, nói ra xong lại phải im lặng để nghĩ tiếp. Nào có gì để nói đâu. Tất cả những thứ có thể nói về cuộc sống sắp tới, về những dự tính cho nó thì đã nói hết rồi, còn nói gì tiếp nữa? Nếu như chúng tôi là cầm thú thì đã biết rõ là chẳng cần nói gì cả, nhưng ở đây ngược lại, vẫn phải nói và chẳng nói được gì, bởi bận nghĩ đến cái mà không được phép nói. Thế rồi lại còn thêm cái tục lệ gớm ghiếc là nào kẹo bánh, đồ ngọt và đủ thứ chuẩn bị kinh tởm cho đám cưới: bàn bạc về căn hộ, về phòng ngủ, về giường nệm, về quần áo. Xin ngài hiểu cho, rằng nếu như kết hôn theo luật lệ cổ xưa như ông già kia nói, thì áo quần, chăn đệm, của hồi môn - tất cả là những cái cụ thể đi cùng với cái bí ẩn thiêng liêng. Nhưng ở ta bây giờ, khi mà trong số mười người lấy vợ may ra chỉ có một người còn tin vào điều bí ẩn, thiêng liêng của hôn nhân, chỉ có một người còn tin hôn nhân là cái gì mang tính nghĩa vụ; khi mà trong số một trăm người may ra chỉ còn một người là còn trai tân trước khi cưới và trong số năm mươi người thì may ra chỉ còn một người không định phản bội vợ khi xảy ra tình huống thuận lợi; khi mà đa phần đàn ông sắp cưới vợ nhìn vào việc đi đến nhà thờ làm lễ chỉ như một điều kiện đặc biệt để được sở hữu một người phụ nữ nào đó - thì ngài thử nghĩ xem tất cả những sự chuẩn bị cụ thể kia có ý nghĩa kinh khủng thế nào. Hóa ra mọi sự chỉ là một cuộc mua bán. Người ta bán cô gái trinh trắng cho gã phóng đãng và bày ra mọi hình thức thủ tục kia cho cuộc mua bán đó.
7. Nguyên văn: tht là công của Sisyphus. Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp là ông vua khôn ngoan và tham lam, bị đày đọa phải lăn một tảng đá nặng lên núi, nhưng hòn đá luôn lăn xuống trở lại. (ND)
XI
- NGƯỜI TA LẤY VỢ thế nào thì tôi cũng đã lấy vợ như thế đó. Bắt đầu tuần trăng mật vẫn được người ta tán tụng đến tận mây xanh. Cái tên gọi nghe mới đáng tởm làm sao cơ chứ! - Anh ta tức giận rít lên. - Có lần tôi đi dạo ở Paris, thăm thú mọi nơi và ghé vào chỗ người ta trưng bày một người phụ nữ có râu và một con chó sống dưới nước. Hóa ra đó chẳng có cái gì ngoài một người đàn ông mặc váy phụ nữ và con chó bị nhét vào bộ da hải cẩu và cho bơi trong bể nước. Chẳng có gì hay ho cả, nhưng khi tôi bước ra, người giới thiệu kính cẩn đưa tiễn tôi, rồi vừa chỉ vào tôi vừa nói với đám đông đang bu quanh lối vào: “Hãy hỏi quý ngài đây xem có đáng vào coi không? Xin mời vào, xin mời vào, một franc một người!”. Tôi cảm thấy áy náy nếu nói với họ là chẳng có gì đáng xem, và người giới thiệu hẳn đã tính trước điều đó. Trạng thái này cũng giống như trạng thái của những người trải qua những điều kinh tởm trong tuần trăng mật, nhưng không kể về chúng vì không muốn làm người khác thất vọng. Tôi cũng không làm ai thất vọng, nhưng bây giờ tôi thấy không việc gì phải che dấu sự thật. Thậm chí tôi cho rằng cần phải nói sự thật. Tuần trăng mật thật khó chịu, ghê tởm, đáng hổ thẹn, và nhất là rất buồn chán, buồn chán đến độ không chịu nổi! Cũng kiểu như những gì tôi trải qua khi mới tập hút thuốc, thuốc làm tôi muốn ói và chảy nước miếng, song tôi cố nuốt khói và làm bộ như là cảm thấy ngon lắm. Khoái lạc do hút thuốc, cũng như trong chuyện ấy, nếu như có được thì chỉ có sau đó: vợ chồng phải được giáo dục cho quen với chuyện tội lỗi đó thì mới có được khoái lạc.
- Sao lại tội lỗi? Ngài đang nói đến cái hoạt động tự nhiên nhất của loài người cơ mà.
- Tự nhiên ư? - Anh ta nói. - Thế mà tự nhiên ư? Không, ngược lại, tôi đã đi đến kết luận là chuyện đó là không tự nhiên. Vâng, hoàn toàn không tự nhiên. Hãy thử hỏi lũ trẻ con, hỏi thử cô gái còn trong trắng xem. Em gái tôi khi còn rất ít tuổi đã lấy một người gấp đôi tuổi nó và là một kẻ phóng đãng làm chồng. Tôi còn nhớ chúng tôi đã ngạc nhiên khi nó tái xanh và ràn rụa nước mắt chạy khỏi chồng nó vào đêm tân hôn, toàn thân run rẩy, nó nói rằng không đời nào, không đời nào..., thậm chí nó không nói ra nổi cái điều mà chồng nó muốn ở nó.
Thế mà ngài nói là tự nhiên! Từ một phía thì có đấy. Nào là vui sướng, nhẹ nhõm, dễ chịu và không có gì đáng xấu hổ ngay từ lúc ban đầu; còn phía bên kia thì nào là ghê tởm, hổ thẹn, đau đớn. Không, đó không thể nào tự nhiên được. Tôi tin rằng một thiếu nữ trinh nguyên luôn căm thù chuyện đó.
- Thế thì làm sao, thế thì làm sao tiếp tục được nòi giống loài người?
- Giá như loài người có thể bị tiêu diệt đi được. - Anh ta nói với vẻ chế giễu đầy căm tức, dường như đã chờ sẵn cái câu phản đối không thiện chí đã quen thuộc đó. - Cổ xúy cho chuyện tránh thai để cho các ngài quý tộc người Anh luôn có thể béo phì ra thì được, cổ xúy cho chuyện tránh thai để tăng thêm khoái cảm cũng không bị phản đối; còn vừa mở mồm ra nói tránh thai là vì đạo đức thì lập tức người ta hét lên: nòi giống loài người sẽ tiệt mất nếu vài chục kẻ nào đó không muốn làm thân con heo nữa. Xin lỗi ngài, cái ánh sáng này làm tôi khó chịu, có thể che đi được không ạ?
Tôi nói sao cũng được, anh ta nhanh nhẹn đứng lên ghế và phủ tấm rèm bằng nỉ che chiếc đèn.
- Nhưng dù sao thì, - tôi nói, - nếu như tất cả mọi người đều công nhận điều đó như pháp lệnh đối với mình thì loài người hẳn sẽ tiệt chủng thật.
Anh ta không trả lời ngay.
- Theo ngài thì nòi giống loài người sẽ tiếp tục như thế nào? - Anh ta nói, ngồi lại chỗ đối diện tôi, hai chân dang rộng và cúi thấp người tì khuỷu tay lên đầu gối. - Loài người phải tiếp tục nòi giống để làm gì?
- Sao lại để làm gì? Nếu không thì làm sao có chúng ta.
- Thế chúng ta tồn tại để làm gì?
- Lại còn làm gì ư? Để mà sống chứ còn gì nữa.
- Thế sống để làm gì? Nếu như sống chẳng có một mục đích nào, nếu như sống chỉ để sống, thì sống làm gì. Nếu thế thì những người theo triết lý của Schopenhauer(8) và Hartmann(9) cũng như tất cả những người theo Phật giáo hoàn toàn có lý. Còn nếu như có mục đích của cuộc sống, thì rõ ràng là cuộc sống đó phải chấm dứt khi mục đích đã được đạt tới. Nó là như thế đấy. - Anh ta nói với vẻ xúc động lộ rõ, hẳn là anh ta rất coi trọng ý tưởng đó. - Nó là như thế đấy. Ngài có nhận thấy rằng nếu như mục đích sống của loài người là hạnh phúc, là tốt lành, là tình yêu, nếu như mục đích sống của loài người là cái được nói trong lời sấm truyền: tất cả mọi người sẽ hòa hợp với nhau trong tình yêu, rằng gươm giáo sẽ được rèn thành liềm hái, vân vân và vân vân, thì cái gì cản trở việc đạt đến mục đích đó? Dục vọng cản trở đấy. Trong số những dục vọng thì mạnh mẽ, dữ dội nhất và cũng kiên cố nhất là tình cảm giới tính, tình yêu xác thịt; vì thế, nếu tiêu diệt được mọi dục vọng và tiêu diệt được cái dục vọng mạnh mẽ kiên cố nhất đó, thì lời sấm truyền sẽ thành hiện thực: loài người sẽ được hòa hợp với nhau trong tình yêu, mục đích của loài người lúc đó đã được đạt tới và loài người chẳng cần sống để làm gì nữa. Trong khi loài người còn đang sống, trước mắt con người là lý tưởng, tất nhiên không phải lý tưởng của lũ thỏ và lũ heo là sinh đẻ cho thật nhiều hơn, cũng không phải lý tưởng của lũ khỉ và bọn người Paris làm sao thụ hưởng sành sỏi hơn những khoái lạc tình dục, mà là lý tưởng về điều thiện đạt được nhờ vào sự trai giới và giữ mình trong sạch. Người ta đã và đang luôn luôn vươn tới điều đó. Và ngài hãy nhìn xem sẽ có chuyện.
8. Arthur Schopenhauer (1788-1860) nhà triết học người Đức theo thuyết phi lý. Bản chất thế giới theo ông là vô ý thức, dòng chảy của cuộc sống là vô ý thức, vô mục đích (ND).
9. Eduard Hartmann (1842-1906) nhà triết học duy tâm người Đức, đề cao trạng thái vô ý thức, tác giả cuốn “Triết lý vô ý thức”. Trong lĩnh vực đạo đức học, ông là người kế tục Schopenhauer phát triển chủ nghĩa bi quan (ND).
Chuyện đó là: tình yêu xác thịt là cái van bảo hiểm. Nếu thế hệ hôm nay chưa đạt được mục đích của loài người, thì đó chỉ là do họ còn có nhiều dục vọng, mà mạnh nhất là tình dục. Mà nếu có tình dục thì có thế hệ mới, có nghĩa là có khả năng đạt được mục đích vào thế hệ sau. Thế hệ sau đó mà không đạt được thì lại có thế hệ sau nữa, và cứ thế, trong khi chưa đạt được mục đích của loài người thì lời sấm truyền còn chưa thành hiện thực, loài người còn chưa hòa hợp trong tình yêu được. Giả sử Chúa Trời tạo ra con người để đạt tới một mục đích nào đó và làm cho con người hoặc không bất tử nhưng không có tình dục, hoặc là bất tử. Nếu con người không bất tử nhưng cũng không có tình dục thì chuyện gì xảy ra? Thì họ sẽ sống một thời gian và chưa kịp đạt được mục đích thì đã chết mất rồi, thế là để đạt được mục đích thì Chúa lại phải tạo ra những con người mới. Còn nếu như con người bất tử, thì giả sử là (mặc dù nếu trước sau chỉ có một loại người mà không phải là những thế hệ khác nhau thì rất khó mà sửa chữa những lỗi lầm và đi đến hoàn thiện), giả sử là họ đạt được đến mục đích sau rất nhiều nghìn năm, thì lúc đó họ còn làm gì nữa? Họ biết chui đi đâu nữa? Thành ra chính như cái đang có hiện nay là tốt hơn cả... Nhưng có thể ngài không thích cách nói như thế, và ngài là người theo thuyết tiến hóa phải không? Thế thì cũng diễn ra như vậy thôi. Loài động vật cao cấp nhất là loài người, để đấu tranh sinh tồn với các loài khác thì phải hợp nhất với nhau như đàn ong chứ không phải sinh sôi bất tận, và cũng như lũ ong phải giáo dưỡng những con vô tính là ong thợ, có nghĩa là lại phải hướng tới việc kiềm chế sinh dục, chứ không phải khêu thêm chuyện dâm dục như cả cái xã hội ta đang hướng tới. Nòi giống loài người sẽ bị tiêu diệt ư? Chẳng lẽ lại có người nào đó còn nghi ngờ điều đó ư? Đó là điều không còn gì để nghi ngờ, như chuyện cái chết vậy. Tất cả các thuyết lý của nhà thờ đều nói là sẽ có ngày tận thế, và các thuyết lý khoa học cũng khẳng định điều đó. Thế thì có gì là lạ nếu lý thuyết của đạo đức cũng đi đến kết luận giống như thế đâu?
Pozdnyshev im lặng một lúc lâu sau đó, uống thêm trà, hút hết điếu thuốc rồi lại móc trong túi ra ít thuốc khác bỏ vào một cái hộp đựng cũ kỹ đã hoen ố.
- Tôi hiểu ý ngài. - Tôi nói. - Nó giống điều mà những người Shakers(10) vẫn khẳng định.
10. Shaker - thành viên của một giáo phái, chủ trương sống cộng đồng, chung sở hữu tài sản và không quan hệ giới tính. Tên gọi là do động tác rung lắc trong điệu múa nghi lễ của giáo phái này (shake tiếng Anh có nghĩa là rung lắc) (ND).
- Vâng vâng, họ có đấy. - Anh ta nói. - Ham muốn nhục dục dù nói cách nào thì cũng là tội ác, tội ác tày đình cần phải chống lại chứ không phải được cổ xúy như ở xã hội ta. Trong sách Phúc âm có nói kẻ nào chỉ nhìn vào người đàn bà mà thèm muốn thì đã phạm tội ngoại tình với bà ta trong tâm trí rồi, người đàn bà ở đây không chỉ là vợ của người khác, mà chủ yếu còn là vợ của chính mình.