Tuổi thiếu niên kỳ lạ - Chương 11 (Hết)

 

Chị sẽ gặp em nơi Thiên đàng

Phát triển một tình bạn thật sự có thể là một việc kéo dài cả đời.

Sarah Orne Jewe

Trong đời mỗi người, một số người bạn đến và ở lại, còn một số khác thì đến rồi đi. Và đến lúc họ phải đi, dù rất đau đớn, ta nên biết rằng cần phải như vậy để họ được bình yên. Bạn cũng nên hiểu rằng, cho và nhận tình yêu là vô điều kiện, không bao giờ hối tiếc. Đó chính là những gì đã xảy ra với bạn Sue của tôi.

Là y tá của một bệnh viện địa phương, tôi thường tìm cách né tránh nhiệm vụ phải lên kế hoạch cho những cuộc hội thảo. Sue, một cô gái có mái tóc hung cực kỳ yêu đời, một chuyên gia dinh dưỡng của khoa ung bướu, lại thường xuyên tham dự những cuộc hội thảo này. Sue nổi tiếng là một y tá rất yêu thương bệnh nhân của mình, không bao giờ ngại đi thêm một dặm đường để xem mỗi bệnh nhân có thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt cần thiết để chống chọi với căn bệnh ung thư hay không. Gặp nhau trong một buổi hội thảo, từ đó chúng tôi đã gắn bó với nhau trên đường đời, bắt đầu một tình bạn trong suốt hai mươi năm, cùng trải qua biết bao gian khó. Lúc mới làm bạn với nhau, Sue có lần nói với tôi:

- Chị biết không, ở mặt nào đó hẳn chúng ta là chị em ruột thịt của nhau. Cả hai chị em mình đều có mẹ là giáo viên tiểu học và các bà mẹ của chúng ta hay nhặt nhạnh tích góp mọi thứ linh tinh.

Quả thật, mọi người đều nói là trông chúng tôi rất giống nhau. Có người lại còn nghĩ chúng tôi thật sự là hai chị em ruột.

Chúng tôi không thể thiếu nhau trong những lúc vui vẻ hay buồn đau, những ngày lễ lớn, những ngày kỷ niệm. Sue rất ham sống, rất yêu đời. Cô thường đón mừng những dịp lễ tết trong một bộ đồ ưng ý với đôi hoa tai phù hợp khiến cả hai chúng tôi đều mỉm cười sung sướng. Đối với Sue chẳng có gì trong cuộc đời tôi lại gọi là “tầm phào” hết. Đến lúc kết hôn ở tuổi ba mươi sáu, tôi muốn tổ chức một bữa tiệc cưới ngoài trời ở một nhà hàng, song lại sợ những cơn mưa bất chợt làm hỏng hết mọi thứ. Sue liền đề nghị: “Sao chị không tổ chức ở nhà em? Chị em mình sẽ trang hoàng khu vườn và nếu trời mưa, thì mình dời đến nhà thờ phí dưới phố”. Thế là chồng tôi và tôi đã kết hôn tại ngôi nhà xinh đẹp của Sue, kiểu nhà thường thấy ở vùng Bắc Mỹ thế kỷ XVIII. Sue đã một mình chuẩn bị tất cả món ăn thức uống để đãi khách. Từ bữa ăn tối tập dượt cho đến đêm hôn lễ của chúng tôi đều diễn ra trong dãy phòng rộng rãi thoải mái ở nhà Sue trước khi vợ chồng tôi đi hưởng tuần trăng mật. Nhờ Sue, hôn lễ của chúng tôi đã trở thành một kỉ niệm khó quên. Sáu năm sau đó, Sue lại mở rộng cửa nhà cô một lần nữa để làm tiệc mừng lễ rửa tội cho đứa con gái duy nhất của vợ chồng tôi.

Nhưng cuộc sống bao giờ cũng đầy trắc trở, và tình bạn của chúng tôi cũng không tránh khỏi.

Sue khóc nức nở khi chú chó cưng của cô bị một chiếc xe hơi trên đường cán phải:

- Em sợ Poosie chết mất.

Tôi vội vàng theo Sue đến trạm thú y. Poosie sống sót một cách thần kỳ nhưng nó bị mất khả năng kiểm soát việc tiêu tiểu; bác sĩ thú y không bảo đảm Poosie sẽ phục hồi được khả năng này. Nghề y tá của tôi có dịp được phát huy tác dụng khi tôi dạy cho Sue cách đặt ống dẫn tiểu cho cún cưng bài tiết, cho đến khi khả năng kiểm soát tiêu tiểu của nó được phục hồi.

Thế rồi tới lượt Grace, chú mèo mười sáu tuổi của tôi, cần chích thuốc để được giải thoát khỏi những vật vã đau đớn của bệnh tật. Tôi đau buồn vô cùng và chỉ biết tìm đến sự an ủi của Sue.

Nhưng chúng tôi không thể đoán trước những điều kinh khủng sắp xảy đến.

Sue bắt đầu nhìn thấy những đốm sáng lóe lên trong mắt cô. Xét nghiệm cho biết đây là một dạng hiếm của ung thư mắt; theo chẩn đoán, Sue sống cao lắm là được mười năm nữa. Sau khi Sue phẫu thuật, tôi giúp cô nhỏ thuốc vào mắt và động viên cô. Tôi nài nỉ:

- Susie ơi, uống chút thuốc chống oxy hóa đi. Hệ miễn dịch của em cần phải mạnh khỏe để chiến thắng căn bệnh này chứ

Sue luôn mỉm cười và nói:

- Chị cứ tin rằng em có thể khỏe và chỉ cần áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng là được.

Cái con người ăn kiêng lạc quan này đã không chịu nghe lời tôi.

Chẳng bao lâu sau lại đến lượt tôi: có một khối u trong ngực. Tôi đến phòng siêu âm để kiểm tra mà không cho Sue biết, thế mà Sue cũng đã tìm đến trong khi tôi ngồi chờ đến lượt mình. Sue ôm tôi, thì thầm: “Em không muốn chị ở đây có một mình”, và ngồi đợi với tôi. Vài tuần sau, Sue xuất hiện ở phòng phẫu thuật bệnh viện dành cho bệnh nhân ngoại trú với một bó hoa và nụ cười tươi… còn tươi hơn cả hoa. Sue không bao giờ quên tôi trong giờ phút khó khăn nhất.

Một ngày kia, tôi nhận được một tin dữ: “Mẹ của Sue vừa mất trong một tai nạn xe hơi”. Thật không thể tin được, tôi mới ăn cơm tối với bác ấy cách đây mấy hôm thôi mà! Bác ấy bị chiếc xe mười tám bánh đâm phải trong một vụ tai nạn kinh hoàng. Sue và tôi nắm chặt tay nhau khi chúng tôi đến nhà xác của quận để nhận diện bác ấy. Sue có cả một đại gia đình, nhưng nỗi mất mát này không gì có thể bù đắp được. Niềm vui sống nguội dần khi Sue nghĩ đến một tương lai thiếu vắng người nâng đỡ tuyệt vời nhất của mình.

Sue rất thích chụp ảnh và đã trở thành một nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Mỗi năm đều có rất nhiều ký ức đẹp được giữ lại trong những bức ảnh Sue chụp để làm chứng cho thâm tình của chúng tôi. Mừng sinh nhật lần thứ 50 của tôi, chồng tôi đã dành cho tôi một bữa tiệc bất ngờ. Sue đã chụp rất nhiều hình tặng vợ chồng tôi. Hai tuần sau, Sue gửi đến tập album ảnh kèm theo một tin rất xấu: bệnh ung thư của cô lại tái phát. Sau mười một năm kể từ ngày chẩn đoán đầu tiên, tế bào ung thư đã di căn đến gan làm bụng của Sue trướng lên. Lúc nào cũng cảm thấy đau đớn nhưng Sue vẫn mặc cái quần màu sáng với thắt lưng thun mà cô ưa thích.

Một sáng thứ hai nọ, Sue gọi điện hỏi tôi có thể đưa cô ấy đến bệnh viện không. Ngay lập tức tôi chạy xe đến nhà Sue. Hai chị em đi bộ quanh sân nhà cô ấy một lúc, cùng hồi tưởng những lần chúng tôi vui chơi với nhau tại nơi này. Cuối cùng Sue nói:

- Em đã sẵn sàng rồi. Em nghĩ có lẽ đây là lần cuối cùng hai chị em mình đi dạo với nhau.

Vài năm trước Sue đã chính thức trở thành y tá chuyên chăm sóc bệnh nhân ung thư ở viện tế bần. Nhờ vậy mà Sue có thể nhận biết khá chính xác tình trạng sức khỏe của mình, cho nên tôi sợ điều tệ nhất sắp xảy ra. Lần đến bệnh viện ấy là chuyến đi dài cuối cùng của cô. Dù các bác sĩ đã tận tâm cứu chữa, nhưng bệnh tình của Sue vẫn không hề thuyên giảm. Chỉ vài tuần sau, Sue lâm vào tình trạng lúc tỉnh lúc mê. Lần cuối đến thăm Sue, tôi may mắn gặp Sue lúc còn chút tỉnh táo, cô nhận ra tôi ngay. Khi tôi nắm lấy bàn tay của Sue, cô bảo rằng em yêu chị lắm. Tôi thì thầm nói rằng đã đến lúc Sue đi gặp mẹ của mình và tôi cũng sẽ sớm đến gặp cô thôi.

Chỉ hai ngày trước lễ Giáng sinh, nước Thiên đàng có thêm một thiên thần mới – còn cuộc sống tôi sẽ chẳng bao giờ còn được như trước nữa.

MARYLANE WADE KOCH

 

Như chưa bao giờ chia li

Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là năm 1967, lúc ấy Julie được năm tuổi. Một sáng nọ, lúc trường mẫu giáo tan học, Susan, con gái tôi, giới thiệu cô bé với chúng tôi: “Đây là Julie. Bạn của con”.

Hai cô bé nhanh chóng trở thành bạn thân của nhau. Bọn trẻ không lúc nào rời nhau, cùng nhau nghêao những bài hát ngô nghê, tranh nhau chỗ ngồi chật chội trong chiếc ghế bành trong phòng khách, rồi cùng cười ngặt nghẽo đến chảy nước mắt.

Mẹ của Julie và tôi thay nhau đưa hai nhóc sún răng - lúc nào cũng rúc ra rúc rích cười – đi học, rồi lại đi đi về về từ nhà tôi sang nhà Julie và ngược lại. Nhưng những lần đưa đón như thế đã kết thúc vào năm 1969, khi Susan của tôi lên bảy tuổi và ngã bệnh vì có khối u trong não.

Suốt hai mươi mốt tháng Susan bệnh nặng, Julie không bao giờ quên đến thăm bạn. Hai đứa chơi đùa với nhau bằng ngón tay khi thị lực của Susan yếu đi. Con bé bật máy nghe nhạc và cùng Susan hát theo, và không bao giờ hỏi tại sao Susan không còn chạy nhảy quanh nhà được nữa, không còn chơi trò lắc vòng, không còn đến lớp học múa balê hay trượt băng nữa. Bất cứ khi nào Susan điện thoại mời bạn đến ăn tối, con bé hớn hở đến ngay để cùng dùng bữa tại giường của Susan.

Tháng sáu năm 1971, Susan mất. Vài tuần sau Julie đến thăm và ở lại chơi với gia đình chúng tôi, mặc dầu bạn thân của con bé không còn nữa. Nhìn thấy nỗi buồn trong đôi mắt của Julie, tôi dỗ dành cháu là Susan rất yêu thương Chúa và bây giờ có thể là đang cùng ca hát với các thiên thần trên Thiên đàng.

Thỉnh thoảng Julie vẫn tạt ngang nhà thăm tôi. Vào ngày lễ Các Bà Mẹ đầu tiên sau khi Susan mất, con bé đã đến thăm tôi cùng với một cành hồng đỏ thắm. Thói quen này bắt đầu từ một ngày chủ nhật của năm 1972. Từ đó trở đi, con bé không bao giờ quên dành cho tôi một cành hồng và một tấm thiệp vào ngày lễ Các Bà Mẹ.

Chưa hết. Suốt những năm đi học, Julie luôn mời hai vợ chồng tôi đến dự những hoạt động quan trọng của lớp nó. Vào ngày tốt nghiệp, khi chứng kiến cảnh Julie nhận bằng, tôi cứ tưởng như Susan cũng đang ở bên các bạn cùng lớp của con bé. Julie - vốn là một thành viên của ban biên tập sách kỷ yếu của trường - đã trao tặng tôi cuốn kỷ yếu năm 1980. Mở ra, trên trang đầu tiên, tôi thấy lời đề tặng dành cho Susan.

Julie đính hôn với Rob và chuẩn bị cho tiệc cưới. Tôi vẫn không quên bữa tiệc các bạn của Julie tổ chức trước khi con bé đi lấy chồng, lúc đó Allison, chị của Julie, thì thầm khe khẽ: “Nếu còn Susan, chắc chắn em ấy sẽ đ bên cạnh Julie”.

Vào ngày hôn lễ của Julie và Rob, con bé dành cho tôi một sự ngạc nhiên khác. Theo lời mời, tôi đến nhà Julie thì gặp con bé đang chờ tôi với người thợ chụp ảnh. Sau khi cài hoa vào áo tôi xong, con bé mời Phil, chồng tôi, và tôi cùng chụp hình. Đến nhà thờ, Julie trân trọng mời vợ chồng tôi ngồi bên cạnh ba mẹ của con bé.

Rồi khi mua được nhà ở Gardner, Massachusetts, Julie và Rob không quên mời vợ chồng tôi đến chơi.

Julie và tôi trở thành những người bạn đặc biệt của nhau, dù có lúc phải chia li nhưng cũng có ngày hội ngộ. Dù cả hai bác cháu đều bận bịu, nhưng khi gặp nhau, cứ như thể hai chúng tôi chẳng hề xa cách nhau bao giờ. Hai bác cháu cùng ăn trưa, cùng nôn nóng muốn biết tin tức của nhau trong những ngày xa nhau. Con bé hỏi thăm Phil - chồng tôi, rồi vợ chồng Michael – con trai của chúng tôi, và vợ chồng Kritine – con gái của chúng tôi, về mấy đứa cháu nội cháu ngoại dễ thương của tôi. Tôi cảm động lắng nghe con bé ríu rít kể cho tôi nghe về bố mẹ, hai chị gái Allison và Tammy của nó, cùng gia đình của họ.

Julie, không khác gì cô bé năm tuổi mà tôi gặp lần đầu tiên, vẫn nhiệt thành và luôn đem hạnh phúc đến cho những ai đang buồn nản chán chường. Con bé lúc nào cũng nhắc đến Susan và ý nghĩa của tình bạn sâu sắc vào lúc chỉ mới ở cái tuổi non nớt như thế. Julie thường hối tiếc: “Lúc đó con không hề biết là Susan bị bệnh”.

Tôi hỏi Julie tại sao cháu vẫn lui tới thăm chúng tôi:

- Dù gì thì khi Susan mất con cũng mới có chín tuổi chứ mấy.

- Con cảm thấy con như là người trong gia đình bác. Tới thăm bác, con có cảm tưởng Susan đang đợi con. Mẹ con chưa khi nào bảo con đến cả; tự ý con muốn làm thế.

Rồi con bé nói một cách

- Con biết là bất cứ khi nào con gặp phải khó khăn thì Susan luôn có mặt bên con mà.

Có Julie, cuộc sống của tôi mỗi ngày một phong phú hơn. Qua điện thoại tôi biết tin Julie mang thai. Con bé ao ước:

- Nếu con của con là con gái, con muốn được lấy tên Susan làm tên lót cho cháu bé.

Lần này thì tôi òa khóc. Làm thế nào Julie biết được tôi hằng cầu nguyện cho tên của Susan luôn được nhắc nhớ?

Rồi Carley Susan Walsh sinh vào ngày 10 tháng mười năm 1997. Khi ôm bé trong vòng tay, lòng tôi dâng tràn một tình yêu kỳ lạ như thể bé chính là Susan của tôi.

Bảy năm trôi qua, tôi vui sướng đón nhận từng cái ôm hôn của bé Carley Susan như cháu ruột của mình, tôi là bà ngoại Phyllis của Carley Susan mà. Julie không bao giờ quên mời tôi tham dự những buổi biểu diễn balê, những buổi tiệc sinh nhật, và những bước ngoặt trong đời của “Susan nhỏ”. Niềm vui, sự dịu dàng, tình thương yêu và trái tim nhân hậu của Julie luôn làm tôi xúc động.

Hôm nay tôi vẫn còn nhớ hai cô bé năm tuổi Susan và Julie, trên đường đời, các cháu đã gặp nhau rồi chia li, nhưng thực ra hai đứa chưa bao giờ cách biệt nhau. Bằng cuộc đời của các cháu, Chúa đã dạy tôi những bài học quý giá về tình yêu.

Tôi tin Người đã sắp đặt tất cả, Người đã đưa Julie vào trong đời tôi để sóng bước với tôi, chia sẻ, quan tâm, và nhắc tôi nhớ rằng Người chẳng khi nào quên an ủi những ai đang khổ đau.

PHYLLIS COCHRAN

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3