18. Mẹ chẳng có gì để ngưỡng mộ


Mẹ chẳng có gì để ngưỡng mộ

Ba tôi nghệ sĩ lắm. Ba đánh đàn ghita rất hay. Tôi còn nhớ mãi một lần ba họp mặt với mấy người bạn, khi đã ngà ngà say, ba ôm đàn và hát bài Bên cầu biên giới. Giọng ba ấm áp và thiết tha... Khi đó, mẹ đang xào nấu dưới bếp cũng dừng lại lắng nghe, thỉnh thoảng vừa lẩm nhẩm hát theo vừa nhìn tôi cười ngượng nghịu. Nhạc đi một đằng mà lời thì một nẻo, mẹ hát tệ đến nỗi chính mẹ cũng mắc cỡ khi cất giọng.

Ba tôi kể chuyện hay lắm. Tôi nhớ những đêm xưa khi mấy chị em còn nhỏ, buổi tối thôn quê buồn hiu hắt, ngoài trời tối đen. Ba nằm trên chiếc võng chăng ngang nhà, còn mấy chị em ngồi túm tụm xung quanh, há miệng trố mắt nghe ba kể chuyện chàng Sinbad. Khi ấy, dưới ánh đèn dầu khi mờ khi tỏ, mẹ vừa bò ra lau nhà vừa dỏng tai lên nghe. Ấy vậy mà những lần ba đi đâu xa, tôi nằn nì mẹ kể lại câu chuyện đó nhưng mẹ không bao giờ nhớ được. Mẹ nói, những câu chứ trôi tuột mất trong đầu mẹ thôi.

Ba tôi giỏi lắm. Ba đọc sách rất nhiều. Hỏi ba về bất cứ lĩnh vực nào ba cũng biết. Và đáng khâm phục nhất là ba có trí nhớ rất tốt. Những bài toán nâng cao ở đội tuyển thi học sinh giỏi ba đều hướng dẫn tôi giải một cách dễ dàng. Còn mẹ thì thú nhận rằng ngày xưa đi học mẹ rất... dốt toán. Mẹ sợ nhất là môn đại số và hình học không gian... Thế cho nên mẹ không bao giờ giúp được tôi trong việc học cả.

Nếu ba ở nhà, tôi không cần nhờ đến mẹ. Nhưng những khi ba đi vắng, tôi mới thấy thất vọng vì mẹ làm sao. Ý nghĩ đó cứ lớn dần lên mãi cho đến một lần buồn bực quá, tôi đã lỡ lời thốt ra rằng: “Chán mẹ quá. Mẹ đúng là chẳng có gì để ngưỡng mộ cả.” Mẹ buồn bã nhìn tôi. Rất buồn. Rồi mẹ nói:

“Mẹ biết, mẹ chẳng có gì đáng để ngưỡng mộ cả... Mẹ chỉ để yêu thương con mà thôi.”

Đến bao giờ chúng ta mới hiểu, “chỉ để yêu thương” là đã quá nhiều?